What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Nguyễn Du và Thăng Long

Trong các thi nhân Việt Nam, Nguyễn Du cũng là người đã viết những vần thơ rất buồn về sự thay đổi của Thăng Long.

Nguyễn Du sinh ra ở Thăng Long, cha và anh cả thay nhau làm Tể tướng dưới thời vua Lê chúa Trịnh, nên thuở nhỏ ông sống trong nhung lụa, là công tử trong gia đình quyền quý bậc nhất triều Lê. Anh cả của Nguyễn Du là người chuộng hát xướng, tao nhã nổi tiếng, các quý tộc tranh nhau bắt chước lối sống, cho nên Nguyễn Du cũng rất am hiểu nghệ thuật.

Quang Trung ra Bắc lần đầu, ông 20 tuổi, họ Trịnh sụp đổ. Ba năm sau triều Lê cũng đổ, Nguyễn Du có lòng với nhà Lê nên tránh Tây Sơn mà về quê, dù cũng có lúc lên Thăng Long, chứng kiến cuộc sống tại Thăng Long đã đổi thay thế nào.

Tây Sơn đổ, triều Nguyễn gọi Nguyễn Du ra làm quan. Sau đó Gia Long cử ông đi sứ Trung Quốc. Sau gần 20 năm, ông mới về lại thành xưa. Chứng kiến sự đổi thay, dinh thất gia tộc giờ đã không còn, bạn cũ một nửa đã qua đời, mà làm nên những vần thơ buồn:

(Thơ chữ Hán, dịch tạm)

Núi Tản sông Lô mãi vẫn cùng
Bạc đầu mới được thấy Thăng Long
Nghìn năm dinh thất thành đường sá
Một mảnh tân thành lấp cố cung
...

Một mảnh trăng xưa rọi tân thành
Đây vẫn Thăng Long cựu đế kinh
Đường sá dọc ngang mờ dấu cũ
Tiếng sáo bây giờ đổi âm thanh
Nghìn năm phú quý tranh nhau đoạt
Một nửa bạn xưa đã thác sinh
Thế sự nổi chìm đừng than nữa
Mái đầu ta cũng đã trắng tinh​
 
Last edited:
Long Thành Cầm giả ca

Nguyễn Du đã kể lại một câu chuyện buồn, và viết bài thơ Long Thành cầm giả ca cũng buồn như thế:

Trước trong đội nữ nhạc hầu trong cung vua Lê có người con gái chơi đàn rất hay, những khúc đàn, giọng ca của nàng chỉ dành để hầu vua. Khi Tây Sơn ra Bắc, nhà Lê đổ, đội nữ nhạc cung đình cũng tan tác, người chết kẻ còn. Người con gái kia ôm đàn ra chợ hát rong, toàn những khúc ca dân gian chưa ai được nghe thấy bao giờ. Không rõ tên nàng là gì, người ta gọi nàng là Cầm (người chơi đàn).

Trong lần ra Thăng Long, trọ ở gần hồ Giám (hồ Văn Miếu bây giờ), Nguyễn Du đến một bữa tiệc do các quan lại Tây Sơn tổ chức. Tiệc rượu tụ tập hàng chục ca nương nổi tiếng, trong đó nàng Cầm là nổi danh đệ nhất, hát hay đàn giỏi, lại khéo pha trò. Mọi người đều mê mẩn nàng Cầm, chuốc cho nàng những chén rượu lớn, lại thưởng cho vàng lụa rất nhiều, rải đầy mặt đất. Nguyễn Du còn gặp nàng lần nữa, tuy không thật đẹp nhưng khéo trang điểm, thích pha trò, uống rượu có say mà nằm dài, nôn ra nhà quan cũng không ai dám chê trách.

Sau đó Nguyễn Du vào Nam, theo nhà Nguyễn. Gần hai mươi năm sau, nhân lần đi sứ mới quay lại Thăng Long. Các quan ở Bắc thành mở tiệc chiêu đãi, có nhiều con hát trẻ thay nhau ca múa. Bỗng từ dưới cất lên tiếng đàn, nghe khác hẳn giọng đàn đương thời. Nhìn ra thì thấy người đàn bà chơi đàn gầy võ, khô khan, xấu xí đen đúa, quần áo rât tiều tuỵ, ngồi lặng ở cuối chiếu.

Nguyễn Du không nhận ra là ai, nhưng nghe tiếng đàn quen, cuối tiệc mới hỏi, thì ra đó là nàng Cầm danh tiếng thuở nào, nay đến nỗi này. Cảm thương khôn xiết cho sự đổi thay cõi đời, khi từ biệt ông làm bài thơ Long Thành cầm giả ca để gửi nỗi lòng.

Bài thơ chữ Hán khá dài, tác giả không chỉ khóc thương cho số phận một con người tài hoa, mà còn là số phận của cả hai triều đại Lê và Tây Sơn, trăm năm cuối cùng chỉ còn lại một người con hát này...

Một đoạn thơ, trong toàn bài do Tố Hữu dịch

...
Hai mươi năm trước, ai ngờ,
Tiệc vui hồ Giám, bây giờ thấy nhau?
Biết bao chìm nổi biển dâu,
Đổi dời thành quách, khác mau việc đời.
Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi,
Chỉ còn sót lại một người múa ca.
Trăm năm chớp mắt ngày qua,
Đau lòng việc cũ, xót xa lệ sầu.
Nam ra, ta đã bạc đầu,
Trách gì người đẹp sắc màu tàn phai.
Nhớ xưa, mở mắt nhìn ai,
Thương thay giáp mặt, cả hai ngỡ ngàng...​
 
Last edited:
Văn Miếu

Nhà Nguyễn tôn sùng Nho giáo, nên Văn Miếu Thăng Long rất được coi trọng. Dưới triều Gia Long, cổng Văn Miếu Môn được dựng lại khang trang bề thế, hai bên đắp nổi hình bảng rồng và bảng hổ.

Trước giếng Thiên Quang giữa Văn Miếu, triều Gia Long dựng Khuê Văn Các, và đến nay trở thành biểu tượng của Hà Nội. Phía sau là điện Đại Thành và tượng thờ Khổng Tử có từ đời Lê, cũng được tu sửa lại khang trang. Có điều khu Quốc Tử Giám là nhà học đằng sau thì bị dỡ bỏ, bởi Quốc Tử Giám đã rời vào Huế, mà thay vào đó là toà điện thờ cha mẹ Khổng Tử.

Nhà Nguyễn - mà cụ thể là Gia Long - bắt chước theo Tàu quá mức ở nhiều mặt, cái gì cũng nhất nhất giống Tàu. Đến nỗi trong Văn Miếu trước kia có thờ cả Chu Văn An là nhà Nho tiêu biểu của nước nhà, thế mà Gia Long cũng bắt phải bỏ đi không cho thờ nữa, chỉ giữ lại các vị của Tàu thôi. Tương tự là Võ miếu trước có thờ Trần Hưng Đạo, cũng bắt phải bỏ đi, chỉ thờ các tướng võ của Tàu ! Thật cũng là cách nhìn hạn hẹp.

Cổng Văn Miếu dựng đời Nguyễn với tấm bia "hạ mã" vẫn còn đến nay. Đằng xa có cây bồ đề mấy trăm năm, giờ vẫn um tùm một góc tường Văn Miếu.

36257909.jpg
 
Last edited:
Khuê Văn Các

Khuê Văn Các, biểu tượng của Hà Nội, công trình đầu thời Nguyễn.

Kiến trúc thời Nguyễn so với thời Lê khá đặc trưng ở phần mái thẳng, không uốn cong lên ở các góc, và sử dụng ngói ống thay cho ngói mũi hài truyền thống (cũng là nhất nhất học từ Tàu). Chính vì vậy có thể thấy mái của Khuê Văn Các lợp ngói ống khá cứng, nếu so với mái của điện Đại Thành ở xa phía sau lợp ngói mũi hài, đang cong lên nhẹ nhàng.

36257912.jpg
 
Last edited:
Tổng trấn Bắc Thành

Thời Gia Long, đất nước còn chưa ổn định, do đó ở hai đầu đặt hai "Thành" là Bắc Thành Thăng Long và Gia Định Thành, quản lý toàn bộ cả vùng. Đây chính là cơ sở để hình thành ba miền: Bắc lấy Thăng Long làm trung tâm, Trung lấy Huế làm trung tâm, Nam lấy Gia Định làm trung tâm.

Quan Tổng trấn còn là Kinh Lược sứ, gần như có toàn quyền quyết định các việc, gần như một vua nhỏ. Tổng trấn Bắc Thành quản lý diện tích rộng nhất và dân đông nhất, toàn bộ từ Ninh Bình trở ra gồm Bắc Thành, 5 nội trấn và 6 ngoại trấn.

Tổng trấn đầu tiên triều Nguyễn ở Bắc Thành là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, người đã theo Gia Long từ rất sớm, từ trong hoạn nạn. Ông là tướng lại có tài về văn. Chính Văn Miếu môn và Khuê Văn Các là ông trực tiếp dựng.

Sau 5 năm ở Bắc Thành giữ yên được miền Bắc, ông về Huế. Nhưng chỉ vì một bài thơ hơi ngông của đứa con trai mà ông bị định tội, ông van xin Gia Long cứu mình nhưng vua đã có ý diệt công thần nên cho xét xử. Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử trong ngục, con trai bị chém.


36336732.jpg

Chuyện của Nguyễn Văn Thành lại gợi nhớ về chuyện của Tổng trấn Bắc Thành thời Tây Sơn là Ngô Văn Sở. Sau khi Quang Trung mất rồi, triều đình Tây Sơn đảo lộn, tướng Vũ Văn Dũng cũng đã lừa Ngô Văn Sở về Huế để giết đi.

Như thế cả hai Tổng trấn Bắc Thành đầu tiên của triều Tây Sơn và Nguyễn đều bị chết thảm. Phải chăng vì cái quyền lực lớn quá của họ mà vua nào cũng nghi ngờ sợ họ phản mình? Một điều nữa là dân Bắc Hà trong lòng thường vẫn không phục, không hoàn toàn theo triều Quang Toản lẫn triều Nguyễn, nên các vua đều không an tâm với vị Tổng trấn uy quyền.
 
Last edited:
Các toà Miếu

Văn Miếu của Thăng Long - Hà Nội thì nổi tiếng quá rồi, sách báo nói suốt ngày, hiện nay đó là toà Miếu Quốc gia quan trọng nhất của Hà Nội và cả nước.

Tuy nhiên, các toà Miếu quốc gia ở Thăng Long xưa không chỉ có Văn Miếu, mà còn Thái Miếu, Võ Miếu, Y Miếu.

Dưới các triều đại thì Thái Miếu là Miếu quan trọng nhất, nơi thờ tổ tiên của vua. Mỗi triều đại mới lên sẽ thay Thái miếu triều cũ bởi tổ tiên của mình. Nhà Trần lên, Trần Thủ Độ dời hết bài vị các vua Lý sang Kinh Bắc để thờ tổ tiên họ Trần trong Hoàng thành. Nhà Hồ dời đô về Tây Đô, giặc Minh phá hết Thái Miếu nhà Trần. Nhà Lê cho dựng Thái Miếu ở phía Đông hoàng thành, đồng thời dựng toà Thái Miếu thứ hai ở Lam Kinh. Bản đồ Hồng Đức chỉ vẽ khu Thái Miếu chứ không có sách nào mô tả để ta biết nó ra sao.

Binh lửa tràn qua, Thái Miếu nhà Lê bị tàn phá. Nhà Nguyễn thu hẹp thành Thăng Long, đất Thái Miếu nhà Lê bị bỏ ra ngoài thành mới, trở thành đất hoang. Khu đó ở vào quãng từ chợ Hàng Da qua đến Lý Nam Đế bây giờ.

Thái Miếu nhà Nguyễn ở Huế thờ thuỷ tổ nhà Nguyễn, sau binh lửa giờ cũng chỉ còn lại nền móng. Như thế, trên đất nước ta giờ không còn toà Thái Miếu nào nữa.
 
Võ Miếu

Thời Lý, Trần, không có toà Võ Miếu nào cả. Trong hoàng thành chỉ có điện Giảng Võ và điện Tập Hiền, là nơi quan võ và quan văn tập trung trước khi vào chầu vua.

Đầu thời Lê, cái tên Giảng Võ được dùng ở nhiều nơi, chỗ quân đội tụ tập, mà trong cung cũng có điện Giảng Võ. Qua đến thời chúa Trịnh, vua Lê không có quyền gì, nên không còn chuyện các quan văn võ vào chầu vua bàn việc nữa, các toà điện không còn tác dụng gì.

Có lẽ vì vậy mà Võ Miếu được dựng ngay trong hoàng thành. Trong Võ Miếu thờ Võ thánh của Tàu là Khương Tử Nha ở chính giữa, xung quanh có các danh tướng Tàu như Tôn Vũ, Quản Trọng, Khổng Minh, Quan Công, Nhạc Phi... Lưu ý là các Võ tướng ở đây không phải người trực tiếp vác gươm đao đánh nhau, mà là người hoạch định chiến lược quân sự. Cung cách thờ của Võ Miếu cũng như Văn Miếu thờ Khổng tử và các vị tiên hiền Nho giáo.

Cũng như Văn Miếu có thờ Chu Văn An, tại Võ Miếu có thờ cả Trần Hưng Đạo. Đó là hai vị Văn thánh và Võ thánh của nước ta.

Nhà Nguyễn chuyển vào Huế, cũng dựng Văn Miếu, Võ Miếu ở Huế. Ngoài ra ở phố Hiến (Hưng Yên) cũng có Văn, Võ miếu, nhưng Võ miếu Hưng Yên chỉ chuyên thờ Quan Công. Tại Huế, nhà Nguyễn lúc đầu chỉ thờ người Tàu, không thờ Chu Văn An và Trần Hưng Đạo, nên bắt các Văn Võ miếu khác cũng phải thế. Thế là bài vị thờ Văn thánh, Võ thánh người Việt bị loại bỏ.
(Võ Miếu Huế sau chỉ thờ thêm các tướng triều Nguyễn mà thôi).

Người Pháp khi vào thành đã từng mô tả cạnh Võ Miếu Thăng Long có một cây đa hàng trăm năm cực lớn "cành toả đến năm mươi bước về mỗi phía", cành rễ được uốn tạo thành hình kì lạ. Khi thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, tổng đốc Hoàng Diệu đã đến đây và treo cổ lên ngọn cây đa này.

Người Pháp phá thành Hà Nội, Võ Miếu và cây đa cùng bị san bằng, hoàn toàn không còn dấu tích. Vị trí Võ Miếu có lẽ ở vào chỗ gần Bộ Ngoại giao ngày nay.
 
Last edited:
Miếu Trung Liệt

Miếu Trung Liệt không phải là Quốc miếu, nhưng sau khi Võ Miếu bị san bằng, thì miếu này được coi như Võ Miếu thay thế. Tiếc rằng nay cũng gần như chẳng còn gì

Vốn ngay từ đầu thời Lê, toà miếu Trung Liệt được dựng để thờ vị đệ nhất công thần Lê Lai, đã bỏ mình cứu chúa. Đến đời Nguyễn, miếu dời lên trên đỉnh gò Đống Đa. Sau rồi các vị tướng nhà Nguyễn chết trận cũng đem về thờ ở đây. Hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tử tiết với thành cũng được thờ tại miếu này. Người cuối cùng được lập bài vị thờ chính thức là vua Quang Trung, khi triều Nguyễn đã kết thúc.

Nhưng rồi chiến tranh tàn phá miền Bắc, toà Trung Liệt miếu cũng hoàn toàn bị phá huỷ.

Chỉ còn toà cổng miếu vẫn sừng sững nằm trên lưng chừng gò Đống Đa.


Trung Liệt Miếu, ảnh chụp năm 1940

36242708.jpg

Và toà cổng hiện nay, trên đỉnh gò chỉ còn nền móng của toà miếu xưa. Nhiều người hiện nay muốn dựng lại miếu Trung Liệt, như là toà Võ Miếu người Việt.

36098463.jpg
 
Last edited:
Y Miếu

Văn Miếu rồi, Võ Miếu rồi, hai cái này thì ở Huế cũng có. Nhưng còn cái thứ ba là Y Miếu thì hỉnh như chỉ mỗi ở Thăng Long mới có !

Y Miếu dựng đời Lê Hiển Tông trên khu đất của Thái Y viện thời Lê, để thờ các vị Y thánh. Cũng không khác thiết chế chung của mấy toà miếu kia, đầu tiên cũng phải là các vị của Tàu cái đã. Chính điện Y Miếu thời Lê thờ Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, ba vị vua tối cổ của Tàu. Trong truyền thuyết, Phục Hi được coi là người nghĩ ra thuyết Âm Dương, vẽ ra bát quái, là cơ sở triết học Trung Hoa. Thần Nông là người nếm các loại lá cây, rễ cây để làm thuốc cứu người, Hoàng Đế viết Nội kinh, phân chia đường Kinh, đường Lạc, các huyệt. Ba vị này coi như Thuỷ tổ tối thượng của Đông Y.

Bên dưới thờ các vị Tiên Y của Tàu: Biển Thước, Hoa Đà, Lý Thời Trân... Cũng như Văn Miếu thờ thêm Chu Văn An, Võ Miếu thờ thêm Trần Hưng Đạo, trong Y Miếu cũng thờ hai vị Y thánh người Việt là Tuệ TĩnhHải Thượng Lãn Ông.

Thời Nguyễn, Y Miếu được trùng tu, nhưng sau đó lại hoang phế khi nền Tây y thâm nhập và phát triển. Ngày nay Y Miếu nằm sâu trong chợ Ngô Sĩ Liên, nhà dân lấn sát xung quanh, chỉ còn một mảnh nhỏ. Nhưng dù sao cũng may mắn hơn nhiều so với Võ Miếu, Thái Miếu triều Lê.


Cổng vào Y Miếu trong chợ Ngô Sĩ Liên, bên trong chen chúc nhà dân.

36480196.jpg

Gian chính thờ bài vị Tam hoàng đặt trong bộ khám thờ có từ đời Lê, hai bên có hai bài vị lớn của Đại Y Thiền sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Tấm hoành phi viết "Y đức cao minh"; với nghề Y, phải trước tiên là cái đức của thầy thuốc.

36480212.jpg
 
Last edited:
Tràng Tiền

Các triều đại mới lên, chắc chắn đổi niên hiệu, cùng với đó là đúc và ban hành tiền mới. Trong dân chúng thường lưu hành tiền của nhiều niên hiệu, loại bằng đồng thì giá trị hơn tiền bằng kẽm, và tích trữ lâu năm không hỏng.

Ở Đàng Ngoài có mỏ đồng, nên việc đúc tiền không khó khăn, nhưng Đàng Trong không có, nên phải mua hoặc thu thập đồng từ các nơi đúc tiền. Triều Lê xưởng đúc tiền đặt ở khu Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân) và ô Cầu Dền. Thời Quang Trung đúc tiền nhẹ hơn nên lưu thông rất rộng và tiện.

Nguyễn diệt Tây Sơn, thành Huế tan hoang, phường đúc ở Huế ly tán hết. Do đó vua Gia Long phải cho đúc tiền tại Thăng Long, sau đó mới đúc ở Huế. Năm 1808, khu đất phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm được dùng làm xưởng đúc tiền, gọi là Bảo Tuyền Cục, bên ngoài có lính canh gác cẩn mật. Để tránh tình trạng ăn cắp, nhà Nguyễn chỉ cho phụ nữ vào làm, cuối ngày đi ra lính gác lại kiểm tra, tạo nên những chuyện thị phi.

Khu xưởng đúc tiền đó, vì thế được gọi là Trường Tiền, hay Tràng Tiền.

Sau này người Pháp phá xưởng đúc tiền, mở con phố Tây mà nay là phố Tràng Tiền.

Những đồng Gia Long thông bảo, gồm tiền đồng và tiền kẽm

36342280.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,384
Latest member
naveraccount4
Back
Top