What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Hội quán Quảng Đông

Có bốn cộng đồng người Hoa ở Thăng Long, là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam.

Người Quảng Đông thành lập cộng đồng sớm và mạnh nhất, chiếm đến hơn nửa số người Hoa ở Thăng Long. Họ chiếm hầu hết phố Đường nhân, nên phố này còn gọi là Quảng Đông hay Việt Đông, nay là Hàng Ngang. Khu người Phúc Kiến ở cũng gọi là phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông. Hai cộng đồng này chiếm lĩnh hầu hết các gian phố giao thương ở khu vực, lại mở rộng sang cả Hàng Buồm, Hàng Bạc.

Ngay dưới thời Tây Sơn, năm 1801, người Quảng Đông đã dựng Hội quán. Sau đó hơn mười năm, cộng đồng Phúc Kiến cũng dựng Hội quán. Hai toà hội quán là nơi thờ bà Thiên Hậu, nơi tụ họp của người Hoa.

Bức ảnh người Pháp chụp Hội quán Quảng Đông, mà họ gọi là Pagode de Cantonaise (Chùa Quảng Đông). Hội quán Quảng Đông ở Hội An còn dựng sau toà Hội quán này 74 năm.

36480274.jpg
 
Last edited:
Trong một chiều lang thang, tôi đã tìm thấy con kì lân trên thanh đòn tay ở cửa toà Hội quán Quảng Đông trong bức ảnh của Pháp chụp trên kia, nay nằm trên phố Hàng Buồm:

36480287.jpg

Đôi kì lân hai bên cửa đó đã đứng đó hơn hai trăm năm, chứng kiến sự đổi thay trải qua. Ngay bờ tường, bờ nóc toà hội quán cũng thay đổi nhiều, nhưng đôi lân vẫn còn lại.

Chủ nhân của toà Hội quán xưa kia giờ đã hoàn toàn thay đổi...

36480297.jpg
 
Last edited:
Cách không xa Hội quán Quảng Đông là Hội quán Phúc Kiến, nằm giữa phố Phúc Kiến

Người Hoa gốc Phúc Kiến chung nhau bỏ tiền mua mảnh đất này, là đất ngoài cửa Đông Hoa của hoàng thành triều Lê cũ, rồi tạc tượng dựng điện thờ bà Thiên Hậu năm 1817, rồi thờ tổ tiên, làm nơi hội họp của bang hội.

Người Hoa Phúc Kiến chuyên doanh mặt hàng thuốc bắc, họ nhập hàng từ Trung Quốc về đây bán đi các tỉnh. Về sau mới có người Việt tham gia buôn bán, nhưng thường không cạnh tranh nổi với người Hoa. Phố Phúc Kiến vì thế sau gọi là phố Lãn Ông, cho đến giờ vẫn chuyên bán thuốc bắc, đi từ đầu phố đã thấy mùi thơm của thuốc.

Tấm biển "Phúc Kiến hội quán" vẫn còn đây. Toà cổng và phương đình vẫn còn đây...

36480324.jpg


Nhưng giờ cũng không khác Hội quán Quảng Đông

36480311.jpg
 
Last edited:
Ngõ Sầm Công

Một ngôi đền người Hoa dựng trên đất Thăng Long là đền Sầm Công, nay không còn nữa.

Sầm Công chính là Sầm Nghi Đống, viên Thái thú Điền Châu - Vân Nam, cùng Tôn Sĩ Nghị tiến vào Thăng Long. Trong trận Khương Thượng, khi bị quân Tây Sơn đánh không còn đường thoát, Sầm Nghi Đống đã treo cổ tự tử ở gần chùa Bộc. Quang Trung cho thu nhặt thi thể trả lại nhà Thanh.

Sau trận đánh Kỷ Dậu, nhiều người Hoa cũng bỏ chạy, sau này thấy triều Nguyễn thoải mái hơn mới quay lại. Nhà Nguyễn cũng cho phép người Hoa xây đền thờ Sầm Nghi Đống tại con ngõ nơi họ ở. Con ngõ đó cũng gọi là Ngõ Sầm Công, nay là phố Đào Duy Từ.

Hồ Xuân Hương có lần đi qua ngôi đền này, đã viết bài thơ chế giễu

Ghé mắt trông ngang thấy biển treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu ?
 
Last edited:
Bức tường và cánh cổng chắn ngang con phố, tạo thành khu phố Quảng Đông của người Hoa, một kiểu Chinetown từ hai trăm năm trước ở Hà Nội. Cũng vì thế có tên phố Hàng Ngang, dù chẳng có loại hàng hoá nào tên là "Ngang" cả.

36669414.jpg
 
Last edited:
Tượng thờ người Hoa

Bên cạnh việc dựng Hội quán, đền Sầm Công, người Hoa còn đóng góp tiền bạc tu sửa một số đền chùa ở Hà Nội.

Tại hòn đảo Ngọc giữa hồ Gươm, trước kia có hành cung của chúa Trịnh, khi nhà Trịnh sụp thì hành cung cũng đổ nát. Một Hội thiện, do người Hoa làm chủ đã đứng ra dựng một ngôi đền trên đảo, thờ các vị thần của họ. Đền đầu tiên thờ Quan Công, danh tướng đời Hán, đồng thời được coi là vị thần bảo trợ người buôn bán. Sau đó họ đem thêm tượng Lã Đồng Tân, một vị tiên của Đạo giáo vào. Rồi đến Văn Xương đế quân, vị thần chuyên chủ về việc Văn học cũng đem vào thờ. Ngôi đền hoàn toàn mang màu sắc người Hoa, cho mãi đến sau này khi người Pháp phá ngôi đền cạnh hồ Gươm, người dân đem tượng Trần Hưng Đạo từ đó vào thờ, thì ngôi đền mới trở thành đền thờ thánh người Việt.

Bộ tượng thờ của người Hoa vẫn còn đó, đặt ở gian giữa của đền Ngọc Sơn ngày nay.

Tượng Quan Công mặc áo xanh, râu dài, tay cầm cuốn sách đặt trước. Bên cạnh mặc áo đỏ là tượng Quan Bình. Phía sau là tiên Lã Đồng Tân. Sau cùng là Văn Xương đế quân ngồi trong khám thờ bằng gỗ.

36527244.jpg
 
Last edited:
Thờ Quan Công

Việc thờ Quan Công trong Võ Miếu đã có từ đời Lê, tuy nhiên chỉ với tư cách là vị Võ thánh.

Chính những thương nhân người Hoa mới đưa vào Việt Nam cái cách thờ Quan Công như là vị thần phù trợ nghề buôn bán. Trong Tam Quốc có viết rằng Quan Vũ trước kia là người đi buôn bán, đẩy một xe hàng rong, sau khi gặp Lưu Bị, Trương Phi mới "chuyển ngạch" sang tướng võ.

Việc thờ Quan Công phổ biến theo sự lớn mạnh của giới thương nhân người Hoa. Trong một số trường hợp, họ là người đóng góp tiền tu bổ đền chùa, và nhân đó đưa tượng Quan Công vào thờ. Thế rồi người Việt thấy hay cũng bắt chước theo, hi vọng buôn bán được phát đạt như người Hoa. Đặc biệt tại miền Trung và miền Nam thì lối thờ này rất phổ biến.

Trong chùa Trấn Quốc hiện tại có bàn thờ Quan Công, do người Hoa đưa vào khi chùa được tu sửa đầu thời Nguyễn.

Ảnh: Tượng thờ Quan Công ngồi giữa, bên phải là Quan Bình cầm hộp ấn, bên trái là Chu Thương cầm thanh long đao tại chùa Trấn Quốc.

36527239.jpg

Nhìn bộ tượng này, lại nhớ đến bài thơ trào phúng, bốn câu sai cả bốn, nhưng tả thực rất hay:

Hán vương ăn ớt mặt đỏ gay
Bên này thái tử đứng khoanh tay
Thằng mọi râu ria cầm cái mác
Con cua đứng dưới chú cò gầy​

(Quan Công không phải Hán vương, vì Hán vương là Lưu Bị ; Quan Bình càng không phải Thái tử ; Chu Thương là tướng mặt đen cầm đao chứ không phải mác ; rùa - hạc chứ không phải cua - cò)
 
Last edited:
Ngay trong khu vực người Hoa tập trung, ngôi đền Bạch Mã cũng được quan tâm.

Có điều chẳng vui vẻ gì với người Việt, là người Hoa, chẳng biết vô tình hay cố ý nhầm lẫn (tôi nghĩ là cố ý), mà nhất quyết cho rằng ngôi đền đó thờ Mã Viện, một viên tướng Hán là kẻ thù của người Việt. Họ cho rằng bài vị Bạch Mã Quảng Lợi đại vương là ngụ ý viên tướng họ Mã kia.

Ảnh sưu tầm: đền Bạch Mã ở Hàng Buồm, nằm ở khu người Hoa đông đúc xưa kia.

36669426.jpg
 
Last edited:
Các vua Nguyễn ra Bắc

Ngay sau khi lên ngôi, Minh Mạng, Thiệu Trị đều "kinh lý Bắc Hà" cả. Mặc dù Gia Long dựng lại cơ nghiệp từ miền Nam, nhưng không có vua Nguyễn nào chính thức kinh lý miền Nam cả, có lẽ do đi lại khó khăn quá.

Minh Mạng ra Bắc năm 1821, đến thăm Quán Trấn Vũ, và sai dựng lại với quy mô như ngày nay. Đồng thời đổi tên từ Trấn Vũ thành Chân Vũ.

Vốn dĩ xưa kia vị thần này của Đạo Giáo tên gốc là Huyền Vũ. Đến đời Tống ở Tàu mới đổi là Chân Vũ. Sang đến Việt Nam thì từ xưa lại gọi là Trấn Vũ. Chữ Trấn chỉ nhiều hơn chữ Chân một bộ "kim". Minh Mạng là ông vua sùng Trung Quốc, rất nhiều thứ mỹ tự đều theo Tàu, nên bắt đổi lại tên như Tàu. Tuy bên ngoài cổng đổi là Chân Vũ, nhưng bên trong thì vẫn dùng là Trấn Vũ !

Lúc này thì ngôi đạo quán đã không còn đạo sĩ, nên trở thành ngôi đền. Về sau người Hà Nội mới gọi gộp lại thành Đền Quán Thánh (!!!)

Ảnh: ngôi đền còn lại ngày nay là kiến trúc đời Nguyễn.

36825775.jpg
 
Last edited:
Chùa Trấn Quốc

Hai mươi năm sau, vua Thiệu Trị lên ngôi, cũng ra Bắc, cũng đi thăm các nơi, cũng muốn "đổi một cái gì đó". Lần này nạn nhân là chùa Trấn Quốc.

Ngôi chùa danh tiếng với ba cái tên đều có chữ Quốc là Khai Quốc, An Quốc, Trấn Quốc, suốt 1300 năm, lần này Thiệu Trị viện cớ chùa không ở kinh đô thì không được mang tên đó, nên bắt đổi thành Trấn Bắc !

Tuy nhiên, cũng tương tự như quán Trấn Vũ, người Hà Nội không chấp nhận cái tên mới đó, nên tên chùa Trấn Quốc vẫn là tên chính thức, chuyện vua đổi tên vẫn mặc.

Ba chữ Trấn Quốc Tự vẫn còn đó, treo trên chính điện ngôi chùa cổ nhất đất Thăng Long

Ảnh: Chính điện chùa Trấn Quốc ngày nay

36825720.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,317
Bài viết
1,175,051
Members
192,037
Latest member
gauwoolly
Back
Top