What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Quán Trấn Vũ - Gia Lâm

Nói đến Quán Trấn Vũ, hầu như mọi người đều biết đến ngôi đền với pho tượng đồng (hun) đen ở hồ Tây.

Rất ít người biết ở bên Gia Lâm cũng có một ngôi Quán Trấn Vũ, cũng có một pho tượng đồng hun đen, với kích thước và trọng lượng không kém tượng ở hồ Tây.

Vào thời Tây Sơn, dân Thạch Bàn đã quyên góp để đúc pho tượng Trấn Vũ bằng đồng, cao 4m, nặng khoảng 4 tấn (bằng với pho tượng cổ). Tượng đúc xong cũng là lúc triều Tây Sơn sụp đổ. Pho tượng này đúc sau pho trong nội thành 120 năm, nên không nổi tiếng bằng, ít người biết đến hơn. Pho tượng cũng không được nâng lên đặt ngồi trên bệ đá uy nghiêm như pho cổ kia, mà ngồi trên bệ ngay mặt đất.

Cá nhân tôi thấy pho đúc sau không đẹp bằng pho cổ. Nhưng đây cũng là pho tượng cổ rất quý giá. Cùng với hai pho tượng đồng, trong nội thành Hà Nội còn 1 pho tượng Trấn Vũ bằng gỗ cũng to như thế !

Ảnh: Tượng Trấn Vũ bằng đồng ở Thạch Bàn, hoàn thành 1802

36827643.jpg
 
Last edited:
Cùng với hai pho tượng đồng, trong nội thành Hà Nội còn 1 pho tượng Trấn Vũ bằng gỗ cũng to như thế !

Pho tượng gỗ này bây giờ còn không?
Mình thấy pho tượng năm 1802 trông cũng khá đẹp và đặc biệt. Còn pho tượng năm 1677 thì quá đẹp và uy nghi rồi.
 
Pho tượng gỗ này bây giờ còn không?

Pho tượng gỗ đặt ở Huyền Thiên cổ quán, nay thành chùa Huyền Thiên ở cạnh chợ Đồng Xuân.

Pho tượng gỗ, theo sách ghi thì làm bằng gỗ trầm năm 1628, cao khoảng 4m. Nhưng năm 1946 thời chống Pháp, chùa bị đốt, tượng cũng cháy ra tro. Không có bức ảnh nào chụp lại pho tượng này. Hai năm sau, tượng được làm lại, chẳng biết có giống trước không, nhưng không đẹp.

Ảnh: Tượng Trấn Vũ bằng gỗ trong chùa Huyền Thiên, cao khoảng 4m, khuất trong gian thờ

36828212.jpg
 
Last edited:
Kị huý và đổi tên

Triều Nguyễn rất khắt khe về việc kiêng huý, nhiều chữ tên hoàng tộc phải kiêng mà không được nói, không được dùng, những tên địa danh cổ cả nghìn năm cũng phải đổi, rất là khắc nghiệt.

Chỉ vì kiêng tên bà mẹ của vua Thiệu Trị tên là Hoa, mà tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hoá. Ở Hà Nội thì Kim Hoa đổi thành Kim Liên, Yên Hoa đổi thành Yên Phụ, kiêng chữ Tông (tên Thiệu Trị) mà đổi chùa Liên Tông thành Liên Phái...

Tuy nhiên, bên cạnh một số tên địa danh bắt buộc phải đổi, còn thì việc kiêng huý ở miền Bắc gần như vô tác dụng. Người miền Bắc không tôn trọng triều Nguyễn như miền Trung và miền Nam, nên trong cuộc sống, trong dân gian, dù triều đình có lệnh thì họ cũng mặc kệ. Và cũng vì thế mà cho đến giờ, người miền Bắc vẫn giữ được những từ ngữ có từ ngàn xưa.

Chẳng hạn người miền Trung và Nam kiêng các chữ và đổi như sau

Hoa -> Huê, bông (kiêng tên mẹ Thiệu Trị) ; Cảnh -> Kiểng (kiêng tên hoàng tử Cảnh)
Phúc -> Phước (tộc Nguyễn Phúc) ; Tông -> Tôn (tên vua Thiệu Trị là Miên Tông)
Hồng -> Hường ; Nhậm -> Nhiệm (tên Tự Đức là Hồng Nhậm)
Thì -> Thời (tên còn nhỏ của Tự Đức là Thì) ' Vũ -> Võ (chúa Vũ vương)
Hoàng -> Huỳnh (chúa Nguyễn Hoàng, tổ nhà Nguyễn) ; Bảo -> Bửu ...

Người miền Bắc thì không kiêng gì cả, vẫn giữ ngôn ngữ của mình. Trước kia có kiêng một chữ là tên của chúa Trịnh đầu tiên, Trịnh Tùng, nên Tùng đổi thành Tòng. Tuy nhiên sau rồi cũng không kiêng nữa.
 
Chùa Báo Ân

Ngay sau lần Thiệu Trị ra Bắc năm 1842, Nguyễn Đăng Giai được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình), Kinh lược sứ Bắc kỳ, Thượng thư bộ Hình. Tuy Nho học nhưng ông lại rất chuộng đạo Phật, nên cho xây ngôi chùa Báo Ân.

Ngôi chùa này xây trên nền của khu lầu Ngũ Long của chúa Trịnh xưa kia. Lầu bị đốt đã 60 năm, nay dựng chùa. Chùa còn được gọi là chùa Quan Thượng, hay chùa Liên Trì vì có ao sen vòng quanh. Vào khi đó, đây là ngôi chùa có quy mô lớn nhất Hà Nội. Chùa quay ra phía Đông, mặt sau là hồ Guơm, dựng những ngọn tháp đẹp.

Tuy nhiên, chùa cũng chỉ tồn tại được khoảng 40 năm, thì Pháp phá đi để xây Bưu điện. Tất cả những gì còn lại chỉ là ngộn tháp Hoà Phong ở sát bờ hồ Gươm, nay do hồ bị lấp đi nên tháp lùi vào vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng.

Ảnh: Mặt trước chùa Báo Ân

36901373.jpg

Mặt sau chùa Báo Ân ở sát hồ Gươm. Tháp Hoà Phong nằm sát bờ nước

36901370.jpg
 
Last edited:
Di tích cuối cùng của chùa Báo Ân xưa chơi vơi giữa hồ Gươm, một bức ảnh rất quen thuộc với những người yêu Hà Nội.

Và mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy tháp Hoà Phong ngày nay đối diện Bưu điện Hà Nội, một phần khuất sau tán lá xà cừ bên bờ hồ.

36901907.jpg



44362084.jpg
 
Last edited:
thời Tự Đức

Tự Đức làm vua thay Thiệu Trị, thì không kinh lý Bắc Hà nữa. Bù vào đó, vị vua thích xây cất lăng tẩm này sai người ra thành Hà Nội, tất tần tật cái gì bằng gỗ đá có chạm trổ đẹp đẽ mà mang đi được là lấy bằng sạch. Một vài toà điện mà các vua trước còn chưa phá nốt thì lần này sạch sành sanh.

Thật vô cùng may mắn là hai đôi rồng đá và một đôi bậc thềm long vân bằng đá của điện Kính thiên quá to nặng, không thể mang đi được, nên vẫn còn lại đến ngày nay.

Đầu thời Tự Đức, ngoài bế quan toả cảng nghiêm ngặt, việc cấm đạo Giatô vẫn rất gắt gao, các cố đạo ngoại quốc bị chém mấy người, giáo dân bị hành tôi cũng không ít. Lấy cớ đó, tàu chiến Pháp nổ sung đánh cảng Đà Nẵng năm 1858, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam.

Sau Đà Nẵng, Pháp đánh Gia Định, năm 1862, hoà ước cắt 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, rồi đến 1864 thì mất nốt 3 tỉnh. Thành ra Lục tỉnh Nam kỳ rơi vào tay ngoại xâm. Cũng thời gian này, lệnh tha đạo được ban hành, đạo Giatô phát triển tự do và nhanh chóng khắp cả ba miền.

Tin tức ấy chấn động cả nước. Tại trường thi Hương năm 1864 tại Hà Nội, sĩ tử bỏ thi để phản đối. (Kỳ thi chỉ bị lùi đi 1 ngày thôi) Tấm gương của Nam kỳ quá rõ, và sẽ lặp lại ở Hà Nội mười năm sau đó.

Sĩ tử thời Nguyễn (tập hợp các sĩ tử cũng gọi là Sĩ lâm, hay Nho lâm, giống kiểu Võ lâm)

36918195.jpg
 
Last edited:
Thần Siêu thánh Quát

Dưới thời Tự Đức, tại Hà Nội có hai nhân vật Văn nhân nổi danh là bạn với nhau để lại dấu ấn trong lịch sử Hà thành khá đặc biệt là Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát.

Tài văn chương của hai người nổi tiếng đến nỗi Tự Đức viết : Văn như Siêu Quát vô tiền Hán : Văn mà như Siêu, như Quát thì thời Hán nổi tiếng xưa ở Tàu cũng không có nổi. Bởi thế người đời gọi hai ông là Thần Siêu, thánh Quát.

Nguyễn Văn Siêu học rộng, làm quan Án sát, đã đi sứ Tàu, sau vì dâng biểu trái ý triều đình mà từ quan, về khu phố cổ mở trường dạy học. Con phố trước đó chuyên buôn bán nay bỗng tấp nập học trò, danh tiếng vang xa, đến nỗi người ta gọi là phố Án Sát Siêu, giờ đây là phố Nguyễn Siêu. Nguyễn Văn Siêu là người đã chủ trì việc xây dựng lại quần thể đền Ngọc Sơn (sẽ viết sau).

Cao Bá Quát nổi danh văn thơ, đã từng chê thơ Tự Đức và chữa lại, lại có chữ viết vang danh thiên hạ. Thánh Quát sau này nổi dậy chống lại triều đình, nhưng thất bại, bị chém ở Hà Nội, song danh thơm vẫn lưu truyền.

Hai người để lại dấu ấn của mình trong lịch sử theo hai cách khác nhau, song hậu thế sẽ luôn nhớ đến họ.
 
Đền Ngọc Sơn

Nguyễn Văn Siêu tuy đã từ quan, nhưng vẫn là bậc có danh tiếng lớn ở Hà Nội. Năm 1865, đã 70 tuổi, ông đứng ra xây dựng lại đền Ngọc Sơn, trở thành một biểu tượng của Hà Nội.

Nguyên đảo Ngọc thời chúa Trịnh dựng cung điện vui chơi, đến khi họ Trịnh sụp thì thành chùa. Người Hoa biến thành đền thờ Văn Xương, Lã Đồng Tân, Quan Công, vẫn còn cả tượng Phật. Ra đảo vẫn phải đi thuyền. Ở bờ hồ có ngọn đồi đất gọi là núi Ngọc Bội đắp từ thời chúa Trịnh vẫn còn.

Nguyễn Văn Siêu đã cho đắp đá lên núi Ngọc Bội, đổi là núi Độc Tôn, dựng ngọn Tháp Bút bằng đá, trên thân viết ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh). Dựng một cửa vòm, trên có một cái nghiên bằng đá, gọi là Nghiễn Đài (đài nghiên).

Ông cho dựng cây cầu gỗ nhỏ nối đảo với bờ, cầu rất đơn sơ, gọi là cầu Thê Húc. Cầu khi đó hoàn toàn khác bây giờ, không có thành cầu, nên tên cầu cũng không được khắc lên thành như bây giờ.

Trên đảo Ngọc, dựng đình Trấn Ba (chắn sóng), mà văn bia ghi rõ là ngụ ý chắn lại làn sóng văn hoá suy đồi của giới quan lại thối nát đang lan tràn. Bên trong đền, vẫn giữ nguyên các vị thần Trung Quốc. Mãi đến khi Pháp phá ngôi đền Hựu Linh thờ Trần Hưng Đạo, người dân mới hạ tượng Văn Xương khỏi thượng điện, mà thay Trần Hưng Đạo vào vị trí đó.

Ảnh: Tháp Bút và cổng đền cách đây trăm năm, đến giờ vẫn thế, còn cái cổng được dựng sau thời Nguyễn Văn Siêu. Chỉ có cây gạo bên phải là đã chết mà thôi.

36901394.jpg


Tháp Bút ngày nay rực rỡ hơn bởi ... đèn điện

36918202.jpg
 
Last edited:
Hiện nay hầu như tất cả các tài liệu đều nói là Nguyễn Văn Siêu cho làm hai cái "Bảng rồng", "Bảng hổ" hai bên lối vào, tượng trưng cho sự thành đạt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là họ nhìn vào đền Ngọc Sơn bây giờ mà tưởng thế, chứ khi Nguyễn Văn Siêu tu sửa, không có hai cái bảng đó ! Ông là người đã chán quan trường, chả nhẽ còn cho đắp biểu tượng của tiến thân, quan lại lên đó hay sao?

Cơ sở chính của việc tôi cho rằng vốn xưa không có Bảng rồng, Bảng hổ, là bức ảnh người Pháp chụp năm 1883, không hề có hai cái bảng đó, sau này mới thấy.

Ảnh chụp năm 1883, trên cái cổng có cái nghiên đá, tức là Đài Nghiên, sau đài là cầu vào đảo Ngọc.

36920530.jpg

Theo ảnh sau, hai bảng rồng, bảng hổ có lẽ là làm sau năm 1883, đài Nghiên cũng được tu sửa rồi.

37021325.jpg

Và bây giờ, có thêm một vài thay đổi nhỏ nữa

36920605.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,685
Bài viết
1,135,236
Members
192,403
Latest member
Adikarilll
Back
Top