What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Những khu phố phía Tây của khu 36 phố phường chủ yếu là nhà tranh tre nứa lá, nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sách ghi chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm cháy 1420 nhà ở 27 phường. Đến năm 1837, lại cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa ! Cả vạn dân mất sạch cơ nghiệp. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều, có vụ cả nhà Tổng đốc thành Hà Nội còn suýt chết cháy nữa là dân cư !

Hỏa hoạn là tai họa đáng sợ nhất, nhưng lại khó tránh khi toàn nhà lợp tranh. Vì thế, năm 1837, sau vụ cháy lớn, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây họa. Có lẽ đây là ngôi đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.

Con phố có ngôi đền đó, vì thế cũng gọi là phố Nhà Hỏa. Nhưng hiện giờ, muốn vào đền lại phải đi từ phố Hàng Điếu, mà cũng chỉ còn một con ngõ bé tí, các lối cũ ken đặc nhà dân mất rồi.

Lối vào đền Hỏa Thần

37021340.jpg


Ngày nay, đền cũng bị biến thành chùa, thờ Phật ở trước, Thần lửa ở sau.

37021348.jpg
 
Last edited:
Bản đồ thành Hà Nội những năm 1830 - 1840.

Vì bản đồ cổ vẽ cái gì quan trọng thì to, nên chỉ thấy cái thành Vauban là rõ nhất, hào nước vòng quanh chính là một phần sông Tô Lịch. Trong thành có Cột Cờ, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, đàn Sơn Xuyên (thờ núi sông), Võ Miếu, các cơ quan làm việc của chính quyền. Trong thành còn có hai núi đất là Xuân Sơn, Thổ Sơn, thành mở 5 cửa, phía Nam có 2 cửa.

Thành đất đắp xung quanh có 16 cửa ô tất cả, trong đó có 1 cửa chính là cửa sông Tô Lịch. Các khu phố phường của người dân không được vẽ vào đây. Một số đường đi chính được vẽ khá rõ.

Phía bên phải hồ Trúc Bạch còn có một khu hồ nữa là Mã Cổ hồ (Hồ Cổ ngựa), sau này người Pháp lấp đi để làm các khu phố phía Bắc quận Ba Đình ngày nay.
Đại Hồ xưa kia dưới triều Lê nay đã được ghi là "Thất Mẫu hồ", tức là Hồ Bảy Mẫu.

37038142.jpg
 
Last edited:
Cái tình thế mất nước đã quá rõ, khi toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ trở thành "nhượng địa" hoàn toàn cho Pháp, hay là mất hẳn rồi. Thế mà cũng lúc đó Tự Đức bắt đầu cho xây Vạn Niên Cơ - lăng tẩm tốn kém bậc nhất của mình.

Một số tài liệu vẫn nói tốt cho ông vua này khi bảo rằng ông ta là người thông minh, có hiếu, chăm chỉ... Nhưng mà cái "thông minh" ấy chỉ dành để làm văn thơ, múa may mấy bài thơ cho cái mộ to tướng của mình. Cái "có hiếu" chỉ hướng đến mỗi bà mẹ già vốn đã sung sướng trong cung, còn thì hành hạ dân chúng, tăng thuế để xây lăng, vét máu mỡ dân để hưởng thụ. Cái chăm chỉ thì toàn hướng vào đọc mấy sách hủ nho.

Triều đình cổ hủ thối nát, vẫn tâng bốc vua tận mây. Tự Đức còn thô thiển hơn khi lôi hết các danh tướng trong lịch sử nước nhà ra bình phẩm, chê bai cả Trần Hưng Đạo. Trong khi đó, bản thân ông ta và cả triều đình của ông ta chỉ làm đất nước lụn bại. Đất mất rồi, ra vẻ xót xa, nhưng vẫn xây cất xa hoa.

Cho dù người ta có viết hay thế nào, trong quan niệm của tôi, Tự Đức vẫn là ông vua đáng ghét và có tội nhất. Những vị vua hèn kém về sau cũng chỉ là hậu duệ, kế thừa cái di sản thảm hại của Tự Đức mà thôi.

Ông quan thì vênh vang mũ áo cân đai, nhưng nhìn xung quanh thì tất cả tuỳ tùng đều chân đất tiều tuỵ, thử hỏi làm sao có thể nghĩ đến việc đối đầu với Pháp ???


36342219.jpg
 
Last edited:
Gây hấn ở Hà Nội

Tại miền Nam, Pháp đã cai trị toàn diện, lập một "Soái phủ" do một Thống đốc đứng đầu.

Miền Bắc thì dư đảng Thái Bình Thiên Quốc từ Tàu tràn sang, thành các toán Cờ đen, cờ vàng quấy nhiễu. Hoàng Kế Viêm ra Bắc, chiêu hàng được Cờ đen, nhưng nổi loạn ở khắp nơi. Lại đến Nguyễn Tri Phương làm Khâm sai đại thần ra Bắc.

Năm 1872, có lái buôn người Pháp là Jean Dupuis (tiếng Việt gọi là Đồ Phổ Nghĩa) buôn bán với Vân Nam, dùng sông Hồng làm đường giao thương, chở khoáng sản từ Vân Nam về, lại chuyển gạo muối lên Vân Nam. Tuy nhiên việc mua bán này nhà Nguyễn đang cấm, nên quan ở Hà Nội yêu cầu dừng lại.

Jean Dupuis biết triều Nguyễn sợ người Pháp, nên cố tình gây sự, bắt cả quan huyện giam lại, đòi nhường phố Hàng Chiếu chỗ cửa ô Đông Hà (ô Quan Chưởng) cho người Pháp, vì chỗ này sát bến sông, rất thuận tiên cho giao thương, tàu bè cập cảng.

Quan lại thì không được quyết định điều gì, lại phải cho người về hỏi Huế, rồi tin từ Huế ra, đi lại cả tháng, là không được làm gì mất lòng người Pháp ! Huế lại sai người vào nam xin Thống đốc Nam kỳ can thiệp để "tha cho Bắc kỳ" !!!

"Phố Mới", tức là phố Hàng Chiếu, nơi Jean Dupuis đòi làm nhượng địa, về sau người Pháp cũng gọi luôn là phố Jean Dupuis, và cửa ô Đông Hà cũng gọi là cổng Jean Dupuis.


37048109.jpg
 
Last edited:
Thành Hà Nội thất thủ

Thống đốc Nam kỳ lệnh cho Đại uý Françis Garnier ra Bắc giải quyết, được toàn quyền quyết định. Garnier (tiếng Việt gọi là Ngạc Nhi) đi 2 tàu chiến ra, với 170 lính Pháp, có Dupuis đón với 150 lính Vân Nam.

Nguyễn Tri Phương tưởng Garnier ra để dàn xếp thoả thuận với Dupuis, ai dè Garnier ra lệnh phải mở cửa buôn bán, quan lại Việt Nam không có quyền gì ngăn trở, lại phải trao quyền điều hành cho người Pháp. Biết trước các quan lại không đồng ý, Garnier quyết đánh thành Hà Nội.

Sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, tàu chiến trên sông Hồng bắn pháo vào thành Hà Nội. Garnier với 170 lính Pháp, 150 lính Vân Nam tấn công. Thành Hà Nội bị chiếm chỉ sau một giờ. Hơn 2000 lính Việt bị bắt làm tù binh, Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương cũng bị thương rồi bị bắt, sau ông nhịn đói mà chết, con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm cũng chết trận.

Người ta cũng kể rằng trong trận đánh Pháp, một quan Chưởng cơ với trăm lính đã giữ cửa ô Đông Hà và tử trận tại đó, nên cửa ô này được gọi là ô Quan Chưởng. Chuyện này không được ghi chép chính thức ở đâu cả, nhưng cái tên ô Quan Chưởng thì vẫn còn đó đến nay.

Thành Hà Nội thất thủ quá nhanh chóng, đại thần thì bị bắt rồi chết. Nhưng cũng khoảng thời gian đó, ở Huế vua Tự Đức có lẽ đang rất vui vẻ vì công trình Khiêm Lăng tốn kém của "ngài" cũng vừa mới hoàn thành !!! (Công trình này khởi công khi Pháp chiếm Nam bộ, và hoàn thành khi Pháp chiếm Bắc bộ).

Tranh vẽ cảnh quân Pháp hạ thành Hà Nội

37038127.jpg
 
Last edited:
Đại uý Garnier

Chiếm được thành Hà Nội, quân Pháp toả đi chiếm các nơi, và chỉ trong thời gian rất ngắn, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định tiếp tục rơi vào tay Pháp.

Chỉ với vài trăm quân, làm sao người Pháp cai trị được một vùng rộng lớn đến thế ? Đó là nhờ trong 1 tháng, Garnier đã nhanh chóng có được đội quân chính thức 12 nghìn người rất trung thành - đều là các giáo dân Giatô.

Từ sau khi có lệnh tha đạo, Giatô - Công giáo phát triển rất nhanh, các cố đạo, giám mục Pháp được tự do hoạt động. Vị giám mục năng nổ nhất ở Đàng Ngoài là Puginier, làm thông ngôn cho Garnier, cũng là người đã chiêu mộ đội quân giáo dân cho Pháp.

Quân đội triều đình tan rã rồi, nhưng còn quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, một người Hoa, đã khiêu chiến. Garnier chủ quan, mang quân ra khỏi thành Hà Nội, và bị giết tại gần Cầu Giấy. Dấu tích mộ của Garnier trước kia còn ở đầu đường Đê La Thành, nhưng khi mở đường, đã mất dấu (xác thì đem vào Sài Gòn rồi sau này xương cốt đem về Pháp).

Tranh người Pháp vẽ Garnier bị giết tại Cầu Giấy.

37050376.jpg
 
Last edited:
Phượt gia Garnier

Người Việt thường biết đến Garnier như là kẻ khởi đầu chiếm thành Hà Nội, là kẻ thù của người Việt Nam.

Nhưng thiết tưởng, Phượt cũng nên biết Garnier còn là một Phượt gia có hạng, có danh tiếng trong lịch sử thám hiểm thế giới.

Là đại uý Hải quân, Garnier đã từng lênh đênh trên Đại Tây Dương, Thái Bình Dương trước khi đến Nam Kỳ. Sau khi Pháp đặt chế độ bảo hộ lên Campuchia, tại Garnier đã có ý định khám phá dòng sông Mekong hùng vĩ, và đề nghị Pháp lập một đoàn thám hiểm. Vì còn quá trẻ (mới 25 tuổi) nên Garnier chỉ được làm phó cho đoàn thám hiểm, tuy nhiên gần như toàn bộ công việc ghi chép, tìm hiểu của chuyến đi do Garnier thực hiện.

Chuyến thám hiểm kéo dài gần 2 năm, ngược dòng Mekong từ Nam kỳ, qua Campuchia, Lào, lên đến tận Vân Nam. Tại đây viên trưởng đoàn chết, Garnier trở thành trưởng đoàn, đã rời sông Mekong tìm sang thượng nguồn Dương Tử (sông Kim Sa mà dân ta đều gặp ở Lệ Giang), rồi xuôi dòng Dương Tử ra Thượng Hải về Sài Gòn.

Với bản chất của nhà thám hiểm, thích phiêu lưu, nên việc chiếm Hà Nội của Garnier cũng là phiêu lưu. Chính việc Dupuis nói sông Hồng có thể ngược lên Vân Nam đã khiến Garnier mong muốn ngược sông Hồng, để tiếp tục khám phá thượng nguồn Mekong. Tuy nhiên cũng chính vì máu phiêu lưu, Garnier đã chết tại Cầu Giấy, khi mới 34 tuổi, và chưa kịp hoàn thành ước mơ của mình.

Với người Pháp, Garnier là một nhà thám hiểm trẻ tuổi đầy tài năng.

Vì thế khi xây dựng Hà Nội, họ dành con phố rất đẹp bên cạnh hồ Gươm để mang tên phố Françis Garnier, ngày nay là phố Đinh Tiên Hoàng.

Tranh vẽ tưởng niệm Garnier

37050912.jpg
 
Last edited:
Tớ thích cách nhìn nhận về Garnier như các bài viết của bác Chitto : việc nào ra việc đấy.
- Với người Việt, ông ta là kẻ xâm lược, và đã nhận một cái chết ... phù hợp
- Với lĩnh vực phượt, ông ta là tay có hạng, với các thành tích đáng ghi nhận.


Về vua Tự Đức, quan điểm cá nhân của bác, tớ tôn trọng. Bản thân tớ cũng không có cảm tình gì với ông này, nhưng đọc đoạn bác viết về ông ta, tự dưng có chỗ muốn nói vài câu.


Một số tài liệu vẫn nói tốt cho ông vua này khi bảo rằng ông ta là người thông minh, có hiếu, chăm chỉ... Nhưng mà cái "thông minh" ấy chỉ dành để làm văn thơ, múa may mấy bài thơ cho cái mộ to tướng của mình. Cái "có hiếu" chỉ hướng đến mỗi bà mẹ già vốn đã sung sướng trong cung, còn thì hành hạ dân chúng, tăng thuế để xây lăng, vét máu mỡ dân để hưởng thụ. Cái chăm chỉ thì toàn hướng vào đọc mấy sách hủ nho.

Thông minh, có hiếu và chăm chỉ là tính tốt chứ.
Tớ cũng đọc thấy một số tài liệu nói ông ta có 3 đức tính ấy, nhưng cái sự "thông minh" có vẻ là nói về thông thái trong học hành của ông ta.
Chẳng qua, ông ta không phù hợp với việc làm vua một nước. Thông minh chăm chỉ là một việc, làm vua có tốt không lại là việc hoàn toàn khác. Điển hình là ông ta chỉ lo đi làm thơ cho cái lăng mộ của mình, khi Pháp đang nuốt dần đất nước.

Việc có hiếu với mẹ của ông ta, thì xưa nay nói "làm con có hiếu" là có hiếu với cha mẹ chứ với ai nữa? Chẳng lẽ mẹ ông ta vốn đã sung sướng trong cung rồi, thì việc có hiếu với mẹ của ông ta là không cần thiết chăng?
Việc ông ta có hiếu với bà mẹ vốn sống sung sướng trong cung, với việc hành hạ dân chúng, tăng thuế để xây lăng, vét máu mỡ dân để hưởng thụ, là hai việc khác nhau. Việc nào ra việc đấy. Việc gì là tội lỗi thì rất đáng lên án, còn việc cá nhân của ông ta có hiếu với mẹ ông ta thì đâu có gì đáng phải bị dè bỉu (Xin lỗi, vì nhất thời chưa nghĩ ra từ nào phù hợp) đâu?


Nói chung, quan điểm của tớ về ông vua này :
- Có khả năng về văn thơ (không phải quá xuất sắc, vì ông ta từng bị Cao Bá Quát làm thơ xỏ, mà đành chịu), chăm chỉ, rất có hiếu với mẹ.
- Còn sự nghiệp làm vua thì vứt.
Thời (tạm coi là) bình, ông ta làm vua cũng thường, thời chiến, ông ta tỏ ra hèn nhát.
Còn việc bóc lột nhân dân, triều đại phong kiến nào chả bóc lột. Ông ta nặng "tội" hơn, vì bóc lột dân nặng nề trong khi nước đang bị chiếm, tự do đang bị mất gần hết.
(Nếu số ông ta không được làm vua, với những năng lực ấy, có khi ông ta thành một Tùng Thiện Vương hay Tuy Lý Vương khác cũng không biết chừng. Rõ ràng khi làm vua, được tâng bốc nhiều, ông ta cũng bị hoang tưởng về mình)
 
Tuy đã chiếm được Hà Nội và 3 tỉnh rồi, nhưng lúc đó Pháp cũng chưa đủ sức để chiếm và cai trị miền Bắc (điều mà họ sẽ làm 10 năm sau), nên khi triều đình Huế sai quan ra đàm phán để chuộc lại 4 tỉnh, họ đồng ý.

Năm 1874, đội quân giáo dân giải tán, giám mục Puginier lại về Kẻ Sở. Tất cả những người theo Pháp đều được "đại xá". Pháp trả lại toà thành Hà Nội, nhưng đòi một khu nhượng địa làm nơi đóng quân và xây toà Công sứ. Khu nhượng địa nằm ở cạnh sông Hồng, gọi là khu Đồn Thuỷ, nay là khu vực dọc đường Trần Khánh Dư, bệnh viện 108 và Hữu Nghị bây giờ. Khu nhượng địa này trở thành căn cứ quân sự để Pháp phát triển rộng hơn.

Từ đây, hoạt động của quan lại triều đình ở miền Bắc đều nằm trong sự kiểm soát của người Pháp.

Tranh vẽ một số điểm quan trọng của Hà Nội năm 1873 nhìn từ sông Hồng.

37038131.jpg


@Tunbo: Viết về vua Tự Đức cũng là nhận định cá nhân, và vì có liên quan đến Hà Nội nên tôi đưa một chút vào đó thôi. Viết dài về vấn đề này e đi xa quá ! Mong thông cảm.
 
Last edited:
Bản đồ 1873

Năm 1873, Phạm Đình Bách vẽ bản đồ Hà Nội rất chi tiết.

Nhìn trên bản đồ này, thấy các hồ nước còn rất nhiều. Đặc biệt là trong khu "phố cổ" cũng còn mấy chiếc hồ, là hồ Thái Cực, hồ Ngư Võng, hồ Huyền Thiên, hồ Đồng Xuân... sau này đều bị lấp hết.

Bên dưới hồ Gươm cũng có nhiều hồ nước, các làng xóm được vẽ khoanh vùng, làng nằm giữa các khoảnh ruộng, dân cư vẫn làm ruộng ngay trong nội thành. Khu nhượng địa cho Pháp nằm sát bờ sông, vẽ hình chữ nhật.

Trên Nhĩ Hà là các tàu của Pháp, vừa tàu buôn vừa tàu chiến. Trong khu hồ Tây còn vẽ mấy con trâu đang lội...

37038138.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,075
Members
192,038
Latest member
bepbee
Back
Top