What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Năm 1887, khoa thi Hương cuối cùng ở Hà Nội được tổ chức. Mặc dù các khoa thi cổ còn tiếp tục đến năm 1919, nhưng tại Hà Nội thì chấm dứt. Chế độ khoa cử kéo dài 800 năm đã đến lúc cáo chung.

Khu Trường Thi cũng vì thế trở thành khu đất hoang, nơi sau này dựng Nha Kinh lược, và rồi khu Thư viện Đông Dương.

Các quan giám khảo trong trường thi Hương cuối cùng ở Hà Nội, từ giờ những chiếc ghế cao sẽ thành vô dụng...

37077852.jpg
 
Last edited:
Với khu nhượng địa (cũng như kiểu Tô giới ở Trung Quốc), người Pháp lập tức xây đồn lính để đóng quân.

Toà nhà Sở chỉ huy quân Pháp được xác định là công trình kiến trúc Pháp có quy mô lớn đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội, mở đầu cho kiến trúc Pháp ở thuộc địa.

Toà nhà Sở chỉ huy quân Pháp ngày nay là Nhà khách Bộ Quốc phòng, 37 Phạm Ngũ Lão.

37098870.jpg

Xuống phía dưới của khu nhượng địa, Pháp xây toà nhà Lãnh sự để làm việc, ở vị trí của góc Tăng Bạt Hổ - Trần Thánh Tông ngày nay. Toà nhà đó đã không còn nữa.

Tại vị trí của toà Lãnh sự xưa kia

37096997.jpg
 
Last edited:
Hà Nội thất thủ lần 2

Điều gì đến cũng đã đến. Lấy lý do triều đình Huế dựa vào Trung Hoa, vẫn o bế cho quân Cờ đen quấy nhiễu dọc sông Hồng, Soái phủ Sài Gòn cử Đại tá Henri Riviere ra Hà Nội, cùng với 4 tàu chiến hơi nước. Khác với Đại uý Garnier trẻ tuổi phiêu lưu, Riviere lúc này đã là đại tá (dân ta gọi là Quan năm), đã 55 tuổi, nhiều kinh nghiệm. Đối thủ của Riviere là Tổng đốc Hoàng Diệu, cũng đã 54 tuổi.

Năm 1882, Rivier đưa tối hậu thư yêu cầu đầu hàng, Hoàng Diệu chưa trả lời thì từ sông Hồng, 4 tàu chiến nổ súng bắn vào thành. Cửa thành phía Bắc trúng hai phát đạn, tạo thành hai cái lỗ sâu hoắm trông thảm thương (nhưng cũng vì hai cái lỗ đó mà cửa thành này sống sót đến ngày nay). Chỉ sau vài giờ, Hà Nội thất thủ.

Tổng đốc Hoàng Diệu vào Võ Miếu viết biểu tạ tội gửi về Huế, rồi treo cổ tự tử.


Hai tàu chiến Fanfare và Surprise, đã nổ súng bắn vào phía Bắc thành Hà Nội.

37077614.jpg


37077615.jpg
 
Last edited:
Tường thành phía cổng Đông sụp đổ

37077616.jpg

Những vết đạn trên Cửa Bắc vẫn còn đến ngày nay do pháo trên tàu Fanfare và Surprise tạo ra. Cũng vì dấu tích này mà khi phá thành Hà Nội năm 1894, người Pháp đã giữ lại cổng này để ghi dấu chiến công, để lại cho chúng ta cửa thành cuối cùng của thành Hà Nội.

37077851.jpg
 
Last edited:
Henri Riviere

Khi Pháp đánh thành Hà Nội, thì Hoàng Kế Viêm và quân Cờ đen đóng ngay ở phía Dịch Vọng, nhưng không biết tin mà vào cứu.

Lịch sử mười năm trước lặp lại, khi Henri Riviere đánh ra phía Cầu Giấy, gặp đội quân Cờ đen, và cũng tại Cầu Giấy, Riviere đã bỏ mạng.

Sau này người Pháp đưa di hài Riviere vào Sài Gòn rồi về Pháp, tại nơi đó thì dựng một đài tưởng niệm và dựng bia. Sau này bia cũng bị đập bỏ, chỉ còn lại nấm mộ giả là một phiến đá rất lớn đặt nằm. Cả trăm năm nay, người dân Cầu Giấy vẫn gọi đó là mô Quan năm, đến giờ vẫn vậy.

Khi lập khu phố mới, người Pháp lấy tên Henri Riviere đặt cho một con đường đẹp, nay là phố Ngô Quyền.

Mộ Quan năm giờ đây nằm ngay trên vỉa hè đường Cầu Giấy, gần Bưu điện. Ngôi nhà bên cạnh không dám lấn vào, mà xây khuyết một góc tường chừa ra. Những người buôn bán xung quanh vẫn thường chất đồ lên đó.

Ảnh: Ngôi mộ Riviere (không có xác) ở Cầu Giấy ngày nay, hầu như không ai để ý

37096984.jpg
 
Last edited:
Trong hai lần Hà Nội thất thủ, hai vị Đại thần tử tiết. Tại ngôi miếu Trung Liệt trên đỉnh gò Đống Đa, bài vị của Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được đặt ở giữa. Người Hà Nội kính trọng tiết nghĩa của Hoàng Diệu, đến nỗi gọi toà thành Hà Nội là thành Hoàng Diệu, và cách gọi đó vẫn còn phổ biến đến cách đây khoảng hai chục năm, giờ thì gần như mất hẳn.

Tuy nhiên, tôn kính là tôn kính những người đã hi sinh vì Hà Nội, chứ không phải với triều đình Nguyễn.

Với người dân, thì thực ra quân Cờ Đen cũng không khác lắm giặc cướp. Cờ Đen từ Tàu tràn sang, toàn người Hoa, cướp phá suốt dọc từ Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn Tây. Kể cả khi triều đình Huế dụ hàng, thì vẫn là đội quân ngoại quốc. Sau này khi quân Tàu tràn sang, Cờ Đen lại theo về Tàu.

Cho nên vào lúc đó, quân Cờ Đen giết Garnier rồi Riviere, với người dân Hà Nội, có lẽ cũng chỉ như quân Tàu giết quân Pháp. Dù đằng sau Cờ Đen có Hoàng Kế Viêm, nhưng quân người Việt gần như không đáng kể. Do đó công giết Pháp của Cờ Đen cũng không phải là vẻ vang gì lắm với người Việt.


Ngày nay, trên vọng lâu của Cửa Bắc, đặt hai bức tượng đồng thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, bên trên có bốn chữ "Nghĩa liệt anh hùng".

37077848.jpg
 
Last edited:
Hà Nội mất rồi, vua Tự Đức khi đó đã ở cuối đời, ký hoà ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp ở miền Bắc. Các việc ngoại giao, quân đội, thương mại phải do Pháp quyết định. Bên cạnh đó vẫn có hệ thống quan lại của người Việt như trước.

Để tránh cứ mỗi lần có việc gì các quan Việt lại phải xin chỉ thị của Huế, Pháp bắt lập lại Nha Kinh lược Bắc kỳ, lập lại chức Kinh lược sứ là người thân với Pháp, để có việc gì cần quản lý người Việt thì Kinh lược sứ thay mặt triều đình mà xử lý luôn, tách biệt khỏi Huế.

Lúc đầu người Pháp định đặt toà Công sứ ở phố Mới (Hàng Chiếu), nhưng sau chuyển xuống phố Hàng Gai, gần hồ Gươm. Công sứ Pháp ở đâu, thì Kinh lược sứ của An Nam cũng phải ở đó để dễ bề "qua lại", bởi thế Toà Công sứ và Nha Kinh lược nằm đối diện hai bên đường Hàng Gai, ngày nay là vị trí số nhà 80 và 79.

Bấy giờ một số người ở quanh phố Hàng Bông, Hàng Gai lo sợ chiến tranh, đã bỏ về quê, nên có một số nhà vắng chủ. Những nhân viên của Pháp đến ở trong các đình chùa và các ngôi nhà này.

Vị trí Toà Công sứ Pháp xưa kia, nay thì toà nhà đó đã không còn.

37124819.jpg
 
Last edited:
Tuy nhiên, khu vực Hàng Bông, Hàng Gai trong những năm sau đó cũng vẫn liên tục bị hoả hoạn, nguy cơ cháy lan đến toà Công sứ. Người Pháp quy hoạch lại khu quanh hồ Gươm, và sau khi nâng cấp Toà Công sứ thành Phủ Thống sứ, thì chuyển đi. Nha Kinh lược cũng chuyển về khu Tràng Thi. Toà Công sứ thì chuyển thành xưởng in, còn Nha kinh lược thì dần chuyển thành nhà dân.

Vị trí của Nha Kinh lược cũ, ngày nay cũng không còn gì. Bên cạnh Nha kinh lược có ngôi đình Cổ Vũ, nay cũng chỉ còn một mẩu, với cây đa bám sát vào bờ tường, có lẽ cũng hơn trăm năm tuổi.


37124823.jpg
 
Last edited:
Nhà Thờ

Công trình thuộc loại lớn nhất và sớm nhất của người Pháp ở Hà Nội là Nhà thờ lớn. Tuy nhiên nên bắt đầu từ nhà thờ Kẻ Sở.

Sau khi có lệnh tha đạo, đạo Giatô phát triển mạnh, giám mục Tây Đàng Ngoài dời từ Vĩnh Trị ở Nam Định về Kẻ Sở ở Hà Nam. Sau năm 1873 khi Pháp đem quân vào miền Bắc, thì Công giáo càng phát triển mạnh. Tại Sài Gòn, năm 1877 xây Nhà thờ Đức Bà lớn nhất miền Nam, thì cùng năm đó, giám mục Tây Đàng Ngoài là François Puginier cũng cho xây nhà thờ Kẻ Sở lớn nhất miền Bắc, mất 5 năm mới xong.

Nhà thờ ở Sài Gòn thì từng viên gạch, từng chiếc đinh ốc đều chuyển từ Pháp sang, còn nhà thờ Kẻ Sở thì sử dụng hoàn toàn vật liệu bản địa. Toà nhà thờ này cho đến nay vẫn là lớn nhất miền Bắc, ngày khánh thành tương truyền có đến 5 nghìn người đứng chật trong lòng nhà thờ.

Toà nhà thờ lớn nhất Bắc kỳ năm 1885, dễ thấy xung quanh vẫn là các ngôi nhà tranh lụp xụp.

37125684.jpg

Nhà thờ Kẻ Sở ngày nay, với mặt tiền rất đồ sộ (ảnh sưu tầm)

37125689.jpg

Quanh nhà thờ Kẻ Sở còn có chủng viện, tu viện, nhà in,... rất hoàn chỉnh. Năm 2009, nhà thờ này vừa được phong làm Vương cung Thánh đường.
 
Last edited:
Nhà thờ lớn Hà Nội

Năm 1882, khi Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai, và từ giờ thực sự chiếm hoàn toàn nơi này, Giám mục Puginier từ Kẻ Sở lên đây. Đầu tiên ông lấy một mảnh đất trong khu vực chùa Báo Thiên đã đổ nát làm một nhà thờ nhỏ. Sau đó, lấy cớ chùa đã hư hỏng cả, Tổng đốc Hà Nội thân Pháp cho chuyển tất cả đồ thờ tự còn lại đến chùa ở làng Phụ Khang, giao toàn bộ khu đất cho Puginier.

Sau đợt xổ số năm 1883 để có tiền, năm 1884, giám mục Puginier cho xây nhà thờ Thánh Giô-sép (Joseph - Giuse), với kiến trúc giống nhà thờ Kẻ Sở, nhưng nhỏ hơn cả về bề ngang và chiều dài, chỉ có hai tháp chuông là cao hơn, hoàn thành cuối năm 1887. Lúc mới xây xong, trước nhà thờ chỉ là một cột đèn, chưa có tượng Đức Mẹ như bây giờ, người ta quen gọi là Nhà thờ lớn.

Puginier cũng dời Toà giám mục từ Kẻ Sở về Hà Nội, và cho đến nay, đây là nhà thờ Chính toà của Tổng giáo phận Hà Nội, tức là nhà thờ Chính toà của cả miền Bắc.

Nhà thờ lớn cách đây hơn trăm năm

37125669.jpg

và hình ảnh ngày nay, đã quá quen thuộc với tất cả người Hà Nội và những người đến thăm Hà Nội

37127119.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,315
Bài viết
1,175,071
Members
192,038
Latest member
bepbee
Back
Top