What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Tràng Thi

Văn Miếu là biểu tượng của Nho giáo, thì Thi cử chính là Thiết chế của Nho học. Chế độ khoa cử của ta bắt chước Tàu, khỏi nói. Có ba kì thi: Hương, Hội, Đình.

Các sĩ tử được quan địa phương xác nhận mới được đăng kí một kì thi sát hạch tại các trấn (sau là tỉnh), qua được kì sát hạch thì mới bước vào thi Hương. Thi Hương gồm 4 vòng thi, mỗi vòng làm bài trong 1 ngày từ sáng đến tối. Thi xong vòng nào chấm luôn vòng đó, qua rồi mới được vào vòng trong. Kì thi Hương vì thế kéo dài cả tháng. Ai chỉ qua được 3 vòng thì là Tú tài, qua được cả 4 là đỗ thi Hương, là Cử nhân (hương cống).

Thi Hội tổ chức tại kinh đô, cũng gồm 4 vòng, qua được cả 4 mới vào thi Đình, đỗ mới thành Tiến sĩ (hoàng giáp, ông nghè), còn nếu không lại trở về làm ông Cử nhân mà thôi.

Thi Hương tổ chức ở một số tỉnh lớn, thi Hội ở Kinh đô, thi Đình ngay trong cung vua. Thời Lê, tại Thăng Long thì trường thi Hương ở khu Quảng Bá, trường thi Hội ở phía Thủ Lệ, bản đồ Hồng Đức ghi rõ là Hội thí.

Khi Thăng Long không còn là kinh đô, nhà Nguyễn dời trường thi Hương về phía Tây Nam của hồ Hoàn Kiếm, gọi là Trường Thi - Tràng Thi. Ngày nay là khu Thư viện Quốc gia.

Tràng Thi chỉ là bãi đất trống có đánh luống để sĩ tử cắm lều che mưa nắng, đặt cái chõng trong cái lều đó làm bài trong 4 vòng (nên gọi chung là "lều chõng"). Có các chòi cao để giám thị đứng trên trông xuống. Vì ba năm mới thi một lần, nên lúc không có thi, bãi đó vẫn cho dân vào cày cấy trồng trọt bình thường.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa


Cảnh trường thi Hương ở Nam Định năm 1897, trường thi ở Thăng Long thì cảnh quan cũng y như thế

36342209.jpg
 
Last edited:
Đền Hai Bà

Thời Gia Long, ở Thăng Long có việc di dời đền Hai Bà Trưng.

Trước kia đền thờ Hai Bà Trưng dựng ở bãi Đồng Nhân phía ngoài đê sông Hồng. Đến năm 1819, bãi sông lở, dân làng dời đền vào khu đất cạnh chùa Viên Minh.

Trước đó, bãi đất này thuộc về Trường võ, nơi quân triều Lê luyện tập, nên đất trống rộng rãi. Sau khi dời đền, dựng lại to đẹp hơn trước, dân làng đào một hồ bán nguyệt khá rộng ngay trước đền để tạo thành Minh đường, cũng gọi là hồ Đồng Nhân. Sau đó đình làng cũng được dựng ngay bên cạnh đền. Đến nay, đây là quần thể Đình - Đền - Chùa hoàn chỉnh có quy mô lớn nhất ở Hà Nội.

Cũng vì ngôi đền thiêng này, quận này được gọi là quận Hai Bà Trưng, một trong bốn quận nội thành cũ của Hà Nội.


Đền Hai Bà Trưng bên bờ hồ Đồng Nhân

36527212.jpg

Sân đền nay trở thành nơi vui chơi của dân cư

36527229.jpg
 
Last edited:
Hà Nội

Năm 1820, Gia Long mất, vua Minh Mạng nối ngôi.

Thời Gia Long, quyền lực trung ương chưa đủ mạnh, mới lập hai trấn Bắc Thành và Gia Định Thành, hai Tổng trấn thay vua có quyền quyết định hầu hết mọi việc. Tại Trấn Bắc thành còn lập ra đủ 6 Tào, tương tự 6 Bộ ở Huế, có quyền đúc tiền, điều động binh mã các trấn, thu thuế, phong quan.... Đến Minh Mạng, quyền lực trung ương đã vững, liền bỏ hai Trấn đó. Từ nay chia thành các Tỉnh, và các tỉnh chỉ chịu điều khiển trực tiếp từ Vua mà thôi.

Thế là Trấn Bắc Thành bị bỏ. Cái tên Thăng Long cũng bị xoá, sau 810 năm tồn tại.

Địa giới chia lại, và lập ra Tỉnh Hà Nội, với địa giới gần như nằm giữa hai sông: sông Hồng và sông Đáy. Toà thành Thăng Long xây thời Gia Long lại bị phá cho thấp bớt đi, và gọi là Thành Hà Nội, cấp độ cũng chỉ tương đương như các thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương.

Vị quan cai quản Thăng Long trước đó là Tổng Trấn Kinh lược sứ, mà người phương tây thời đó coi như Phó vương, nay chỉ còn là Tổng đốc, tương tự tất cả các tỉnh khác. Từ lúc này, có bất kì sự vụ gì cũng phải tâu về Huế rồi chờ lệnh, đi lại cũng mất cả tháng, nên phản ứng với các sự việc rất chậm chạp.

Với người dân, tên tuy bị đổi, vai trò hành chính bị hạ, nhưng cuộc sống cũng không thay đổi gì. Người Thăng Long từ nay được gọi là người Hà Nội.


Ảnh Tổng đốc Hà Nội cùng tuỳ tùng, nhưng không rõ là vị Tổng đốc nào ???

36342219.jpg
 
Last edited:
Tonkin

Từ thế kỷ 17, khi người phương Tây vào Đàng Ngoài để giao thương, truyền đạo, họ đã thống nhất gọi Đàng Ngoài là xứ Đông Kinh, và phiên âm thành các chữ Tonkin, Tonquin, Tongking.

Hai chữ Đông Kinh là tên gọi của Thăng Long triều Lê, để phân biệt với Lam Kinh ở Thanh Hoá. Đến khi đất nước bị chia cắt, thì Đàng Ngoài lấy người Đông Kinh làm trung tâm, và giới trung lưu tự nhận là người Đông Kinh, đến nỗi trở thành tên gọi chung của cả miền.

Alexandre de Rhodes hoàn chỉnh từ điển Việt-Bồ-La với mục đích để các nhà truyền giáo dễ dàng học và hiểu tiếng Việt bản xứ, chứ không phải để truyền bộ chữ latin cho người bản xứ. Do vậy trong vòng hơn hai trăm năm có lẽ không người Việt nào biết đến bộ chữ cái đó, mà toàn là các giáo sĩ dùng. Sau một số thầy giảng người Việt học bộ chữ này, để giao dịch với các bề trên, chứ người dân hầu hết đều mù chữ, không biết viết, biết đọc chữ Hán, lại càng không biết chữ Nôm, và xa lạ với chữ latin.

Giới nho sĩ thì không biết đến bộ chữ này, không biết từ Tonkin. Mà nếu biết thì họ cũng coi thường, chế nhạo thứ chữ của Quỷ Tây dương, coi là kém văn minh hơn mình !!!!


Ảnh quan Đốc học của Hà Nội (tương đương Giám đốc sở GDĐT bây giờ)

36342226.jpg



.
 
Last edited:
Giới nho sĩ thì không biết đến bộ chữ này, không biết từ Tonkin. Mà nếu biết thì họ cũng coi thường, chế nhạo thứ chữ của Quỷ Tây dương, coi là kém văn mình hơn mình !!!!.

Giờ vẫn thế, nói chi hồi đó??? Giờ thì không ai cho là (họ) kém văn minh hơn mình, mà là kém văn minh hơn những gì mình đang có. Vấn đề là mấy ông (quả) nho sĩ ấy đang có cái gì?

Không muốn làm ngắt mạch văn của Chitto, nhưng đọc văn của bạn, tớ vừa sướng vừa tức. Nín lâu rồi, giờ thì không chịu nổi nữa, out...
 
3 Nữ sĩ

Nhân nói về chữ Nôm, không thể không nhắc đến ba người phụ nữ được coi là nữ sĩ nổi tiếng bậc nhất, đều liên quan mật thiết với Thăng Long.

Người đầu tiên là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cuối thời Lê. Bà quê ở Hưng Yên, nhưng từng dạy học ở Thăng Long, sau lấy chồng, ba năm chờ chồng đi sứ là thời gian bà dịch Chinh phụ ngâm từ chữ Hán ra chữ Nôm. Tài năng và phẩm hạnh của bà tiêu biểu cho nữ giới đương thời.

Tiếp theo là Bà huyện Thanh Quan, cuối Lê đầu Nguyễn. Bà người ở Nghi Tàm, đã từng vào Huế dạy học cho các cung nữ. Các bài thơ Nôm của bà còn lại không nhiều nhưng đều là tuyệt tác.

Và người thứ ba, có lẽ nổi tiếng nhất, Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương. Bà người Thăng Long, sống tại Thăng Long. Bà có căn nhà ven hồ Tây lấy tên là Cổ Nguyệt đường. Chữ Cổ ghép với Nguyệt thành chữ Hồ. Thơ Hồ Xuân Hương là một mảng đặc biệt và đặc sắc bậc nhất trong dòng thơ Nôm của nước ta. Cổ Nguyệt đường ở đâu, không ai rõ chính xác, chỉ áng chừng có lẽ vào khu vực trường Chu Văn An bây giờ.

Cái tục mà thâm thuý trong thơ Hồ Xuân Hương, người đời sau chỉ bắt chước, chứ không thể tạo dựng được phong cách sánh được với bà.
 
Đạo Gia-tô

Trong các triều vua, triều Minh Mạng là diệt đạo Gia-tô tàn bạo nhất.

Các cố đạo vào từ thời Lê - Mạc, thời chúa Trịnh gắt gao nhất cũng chỉ đuổi đi, chứ không tàn sát. Thời Quang Trung cũng thế.

Nguyễn Ánh thời còn gian khổ, đã thân với giám mục Bá Đa Lộc, gửi con trai trưởng là Cảnh theo ông này sang Pháp để cầu viện, kí một bản "hợp đồng" rằng nếu Pháp giúp quân thì sẽ nhường một số điều. Biết rằng Nguyễn Ánh nhờ cậy vào người của đạo Gia-tô, triều Quang Toản tìm cách tiêu diệt. Các cuộc bắt đạo, giết đạo tiến hành rộng khắp, một số cố đạo người Pháp, thầy giảng người Việt và giáo dân bị tàn sát.

Đến khi Gia Long lên ngôi, sự bắt đạo giảm bớt đi nhiều. Gia Long tuy có mối thâm giao với cố đạo Gia-tô, nhưng lại cũng không ưa, khi mà người con trai trưởng sau những năm ở Pháp trở về đã là một con chiên ngoan đạo. Khi được đưa đến bàn thờ tổ tiên, hoàng tử Cảnh đã nhất quyết không chịu bái lạy, mà nói "đó chỉ là các ma quỷ, ta chỉ lạy Chúa thôi". Bởi thế khi hoàng tử Cảnh qua đời, theo lẽ thì ngôi vua về cháu đích tôn của Gia Long, con trai của Cảnh. Thế nhưng thấy đứa cháu cũng đã theo đạo, chịu rửa tội, Gia Long đã chọn con trai thứ nối ngôi.

Minh Mạng lên ngôi, là vị vua căm ghét đạo Gia-tô nhất, gọi là "tả đạo", coi là thứ làm mê hoặc dân chúng. Các cuộc tàn sát tiến hành trên quy mô toàn quốc. Các cố đạo bị bắt liền bị đem đến các cổng thành chém đầu, thậm chí lăng trì xẻo thịt. Các giáo dân không chịu bước qua Thập giá đều bi chém. Các làng đi đạo bị tiêu huỷ. Sự tàn sát diễn ra khắp nơi.


Một trong số các bức tranh người Pháp vẽ cảnh giết đạo thời Minh Mạng bên ngoài thành Hà Nội. Triều đình huy động quân lính, voi, ngựa để hành tội.

36550873.jpg
 
Last edited:
Giáo phận

Ngay từ những năm 1659, Toà thánh đã thiết lập hai giáo phận là Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchine) và đặt Giám mục. Tuy nhiên Giám mục đầu tiên của Đàng Ngoài còn chưa bao giờ bước chân vào mảnh đất mà ông được giao cai quản.

Đến các Giám mục sau này mới thỉnh thoảng đi lén vào được, tổ chức các cuộc truyền chức, bàn việc với các cố đạo. Đạo Gia-tô phát triển nhanh trong dân chúng. Các cố đạo liều chết giữ giáo dân, sẵn sàng sống dưới hầm để truyền đạo. Trong thành Thăng Long - Hà Nội thì ít, nhưng bên ngoài thành, khu phố Hiến cho đến Nam Định, Thái Bình thì các làng theo đạo rất nhiều.

Khi giáo dân đông lên, thì giáo phận Đàng Ngoài được chia nhỏ thành Tây Đàng NgoàiĐông Đàng Ngoài, rồi tiếp tục chia nữa cho đến tận cuối đời Nguyễn. Hà Nội thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài trong 250 năm, rồi thành lập giáo phận Hà Nội. Trong những năm bị bắt đạo, trung tâm của giáo phận nằm ở Nam Định, rồi sau mới di chuyển về Hà Nam, cuối cùng mới là Hà Nội.

Tại miền Bắc, sự chia cắt giữa các làng theo đạo và các làng không theo (người theo đạo gọi là "đi lương") dần sâu sắc và có những mâu thuẫn không nhỏ.

Cảnh giết đạo thời Minh Mạng, 118 Thánh Tử đạo của Việt Nam (gồm cả người Pháp và người Việt) nhiều nhất là trong hai thời Quang Toản và Minh Mạng.

36550868.jpg
 
Last edited:
Hàng cột chùa Bà Đá

Tại ngôi chùa Bà Đá giữa lòng Hà Nội, còn một di vật thú vị liên quan đến thời cấm đạo của Minh Mạng.

Trong thời kỳ diệt đạo triều Nguyễn, trong một lần bị lùng bắt, một số cha cố Gia-tô đã chạy vào chùa Bà Đá, và được các vị sư ở đây che dấu. Quân triều đình không thể ngờ một ngôi chùa Phật giáo có thể là nơi "tà đạo" ẩn nấp, thế nên các cố đạo này thoát nạn.

Về sau, khi người Pháp vào Hà Nội, đạo Gia-tô không bị bức hại nữa, Giám mục Tây Đàng Ngoài đã tặng chùa Bà Đá bốn cây cột đá Ninh Bình được chạm khắc tinh xảo để tri ân. Ngày nay, bốn cây cột đó chống mái hiên tiền đường của chùa. Rất nhiều người qua đây sờ tay vào khiến cây cột nhẵn bóng, nhưng ít người biết đến nguồn gốc đặc biệt ấy.


Cây cột đá chạm mai lan cúc trúc rất đẹp trước chùa Bà Đá

36598614.jpg

Hàng hiên chùa (ảnh trên mạng)

36598609.jpg
 
Last edited:
Người Hoa ở Thăng Long

Người Hoa đến sinh sống, buôn bán ở Thăng Long từ thời Lê. Trong khi tại miền Nam, người Hoa tự xưng - và được gọi là người Minh Hương (quê là nhà Minh), đặc biệt là những người chạy trốn nhà Thanh, thì tại miền Bắc, người Hoa không dùng cái tên đó, có lẽ để tránh sự căm ghét của người Bắc Hà với giặc Minh từ trước.

...Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây hoạ
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi).


Bởi thế, người Hoa tại miền Bắc tự nhận là người Đường - và triều Lê cũng gọi là Đường nhân.

Họ buôn bán giỏi, phát triển tại phố Hiến, nhưng tại Thăng Long thì chỉ được tập trung tại một khu gọi là phường Đường Nhân. Phường này nằm khu vực phố Hàng Lam.

Dưới thời Quang Trung, mặc dù giặc Thanh bị đuổi, nhưng "Đường nhân" vẫn được bình yên. Sang đến triều Nguyễn, vì kinh đô dời đi, người Hoa càng được tự do hơn. Với tài buôn bán, họ đã dần phát triển mạnh mẽ, thâu tóm được cả phố Hàng Lam. Họ cho dựng hai đầu phố hai cánh cổng chặn ngang, đóng lại buổi tối để bảo vệ. Từ đó mới có tên phố Hàng Ngang.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,386
Latest member
kimmochi1997
Back
Top