What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Điện Dục khánh ở đâu thế bác?

Ngay trong khuôn viên chùa Huy Văn (như tôi viết ở trên). Chùa Huy Văn nằm trong một ngách nhỏ là ngách Chùa Huy Văn, trong ngõ Văn Chương. Cái cổng nhỏ xập xệ đến nỗi nếu không có lá cờ Phật giáo treo bên trên thì dù đã từng đi vào rồi, tôi vẫn không tìm lại ngay được. Đối diện có Văn chỉ của làng, hay gọi là đền Văn Chương, nhưng cũng bị nhà dân lấn hết rồi.

Bức ảnh dưới đây chụp từ ngách vào Văn chỉ sang bên ngách vào chùa Huy Văn; ở giữa là ngõ Văn Chương.

34555550.jpg

@home: Khi nào có thời gian đi lên phía đó tôi sẽ thử tìm hiểu xem. Có nhiều bài báo cho biết những điều rất hay, nhưng cũng có nhiều bài hay nói quá.
 
Những tấm bia tiến sỹ

Mặc dù nhà Lý đã tổ chức các khoa thi từ năm 1075, nhưng đến Lê Thánh Tông mới cho dựng các bia tiến sỹ, ghi danh những người đỗ đại khoa, đặt ở trong Văn Miếu để vinh danh.

Tấm bia đầu tiên được dựng năm 1484, cách đây hơn 500 năm, ghi danh các tiến sỹ đỗ năm 1442, trước đó hơn 40 năm. Truyền thống dựng bia tiến sỹ đó được tiếp tục cho đến cuối triều Lê, triều Nguyễn dời vào Huế. Chính xác có bao nhiêu tấm bia không rõ, chỉ biết đến nay còn lại 82 bia, là di sản văn hoá đặc biệt của quốc gia.

Công của Lê Thánh Tông với nền nho học rất lớn, do đó hiện nay tượng của ông được thờ cùng Lý Thái Tông (người lập Văn Miếu), Lý Thánh Tông (người lập Quốc Tử Giám) trong nhà Thái học.

Lê Thánh Tông rất thích văn thơ, lập hội Tao Đàn và tự mình làm Đàn chủ, để lại nhiều bài thơ. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia chinh chiến đánh dẹp, mà chiến công lớn nhất là dẹp yên Chiêm Thành, tiến đến tận Bình Định. Hơn thế nữa, ông đã dùng chính sách "chia để trị", chia ba nước Chiêm Thành, lập ba vua để họ đánh lẫn nhau. Từ đó Chiêm Thành suy yếu, không bao giờ hồi phục được nữa, và cũng không bao giờ là mối đe doạ với Đại Việt như thời triều Trần nữa.

Lê Thánh Tông được tôn vinh là vị vua văn võ toàn tài, tài giỏi bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

34449892.jpg
 
Bản đồ Hồng Đức

Thời Lê Thánh Tông còn để lại cho hậu thế một số tài liệu quý giá nữa, đó là luật Hồng Đức và Hồng Đức bản đồ, ghi lại các địa danh toàn quốc. Trong đó, bản đồ Thăng Long lần đầu tiên được vẽ lại cụ thể, với các địa danh lớn được xác định chi tiết.

Căn cứ vào bản đồ Hồng Đức, đối chiếu với các di tích còn lại, có thể xác định khá chính xác thành Thăng Long đời Lê.

Dưới đây là bản đồ (vẽ lại từ bản đồ Hồng Đức) và tôi đối chiếu các địa danh xưa với vị trí của chúng ngày nay trên bản đồ Google Earth.

34591404.jpg


34591410.jpg
 
Last edited:
Đối chiếu xưa và nay

Bản đồ cổ cho thấy sông Tô Lịch chảy vòng phía Bắc, ngay sát hồ Tây, đổ vào sông Hồng ở quãng phố Chợ Gạo, gần chợ Đồng Xuân ngày nay. Thành Thăng Long dựa vào sông mà đắp sang phía Tây.

Ba ngôi đền Bạch Mã, Trấn Vũ, Linh Lang vẫn còn đó, nhưng bản đồ cổ không có đền Kim Liên, chứng tỏ thời đó chưa có hoặc không quan trọng, tức là cũng chưa có cái gọi là "Tứ Trấn" như về sau tôn vinh.

Trong vòng Kinh Thành (Long Thành, vẽ hình tường gạch) gồm Hoàng thành, và phía Tây là một hồ nước lớn, nay còn dấu tích là hồ Thủ Lệ, là nơi luyện tập quân thuỷ. Địa danh Khán Sơn ở phía Bắc khu Núi Bò (phố Núi Trúc) ngày nay. Khu Giảng Võ để luyện tập quân đội, có hồ nước nữa, dấu tích còn lại là hồ Giảng Võ. Gần đó là nơi tổ chức thi của triều đình.

Cửa Đông Hoàng thành và Kinh Thành trùng nhau, nằm ra đến tận phố Hàng Gà, Hàng Cót bây giờ. Cửa Nam ra đến ngã tư Cửa Nam bây giờ, là đầu của con đường Thiên lý đi vào Nam.

Vòng Kinh Thành này là phủ Phụng Thiên. Bên ngoài, trong vòng La Thành chạy vòng phía Nam, có hai huyện Quảng ĐứcThọ Xương. La Thành đắp bằng đất, được vẽ bởi hai nét cách nhau.

Phía Nam của thành có một vùng hồ nước mênh mông, gọi là Đại Hồ, bao quanh cả Quốc Tử Giám và đài Khâm Thiên Giám. Dấu tích còn lại là các hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Thiền Quang, Linh Quang, Xã Đàn.

Ở phía Nam là đàn Nam Giao, thuộc huyện Thọ Xương. Hồ Hoàn Kiếm còn thông với sông Hồng, bên cạnh là chùa Báo Thiên. Gần đó là Trị sở của Phủ Doãn phủ Phụng Thiên (tức là quan trông coi Kinh đô, như ông thị trưởng ngày nay), nay vẫn còn lại với tên phố Phủ Doãn.

Bên ngoài La Thành, phía Tây cũng có một vùng hồ nước nữa, mà dấu tích còn lại là hồ Đống Đa, Thành Công (hồ Thành Công là hồ đào thêm cho sâu sau này)

Đối chiếu bản đồ xưa với địa thế nay, tìm lại dấu tích của năm trăm - một nghìn năm trước, thật rất thú vị.
 
Last edited:
Chùa Ngọc Hồ

Lê Thánh Tông không chỉ là vị vua văn võ toàn tài, mà còn là bậc quân tử đa tình, đã được gặp tiên.

Truyện rằng ở phía Nam hoàng thành, gần Quốc Tử Giám có chùa Ngọc Hồ là ngôi chùa đẹp, Lê Thánh Tông ngự thăm chùa. Tại đây vua gặp một người đẹp ngâm thơ, cùng đối thơ xướng hoạ, rất lấy làm hợp ý. Vua muốn đón nàng về cung, nhưng khi kiệu đi đến Cửa Nam thì cô gái biến mất. Lúc bấy giờ mới biết là gặp tiên nữ, vùa bèn cho xây một cái lầu ngoài Cửa Nam, gọi là lầu Vọng Tiên để trông ngóng.

Lầu Vọng Tiên đã bị phá lâu rồi, nhưng chùa Ngọc Hồ ngày nay vẫn còn đó, trên phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến). Khuôn viên đã bị thu hẹp rất nhiều, cảnh trí khác xưa nhiều lắm, nhưng vẫn còn đó câu truyện vua gặp tiên, rồi sau đó là truyện Tú Uyên gặp tiên...

34555546.jpg
 
Bích Câu đạo quán

Lê Thánh Tông không phải là người duy nhất gặp tiên ở chùa Ngọc Hồ, mà còn có chàng thư sinh Tú Uyên.

Truyện "Bích Câu kỳ ngộ" kể rằng chàng tú tài tên là Trần Uyên, nên thường gọi là Tú Uyên, văn thơ tao nhã, một lần ra chơi chùa Ngọc Hồ, ngồi nghỉ dưới gốc cây bỗng có chiếc lá đề thơ bay ngang mặt, vội nhặt lên xem, đồng thời nhìn ra thấy có người con gái rất đẹp. Tú Uyên làm quen, nói chuyện văn thơ với cô gái, đi đến tận lầu Quảng Văn thì cô gái biến mất. Tú Uyên về nhà sinh ốm tương tư.

Chàng đến đền Bạch Mã cầu xin, đêm nằm thấy thần bảo sáng ra chợ Cầu Đông mà tìm. Hôm sau ra chợ Cầu Đông, gặp ông già bán tranh, bức tranh Tố nữ vẽ y hệt người đẹp đã gặp, bèn mua về treo trong nhà, ngày ngày trò chuyện, mời cơm. Thế rồi mấy hôm sau về thấy cơm canh đã sẵn, chàng rình thì thấy cô gái từ trong tranh bước ra. Tú Uyên giữ lại, xé tranh đi, hỏi tên thì là tiên Giáng Kiều, hai người nên vợ chồng.

Nhưng có vợ rồi Tú Uyên đâm ra bê tha, chỉ thích rượu chè đàn hát. Giáng Kiều khóc rồi bay về trời. Tú Uyên hối hận đau khổ, định tự tử nên Giáng Kiều quay lại, rồi dạy chồng cách tu tiên. Về sau hai người cưỡi hạc bay về trời.

Nền nhà cũ của Tú Uyên khi xưa, ngày nay thành Bích Câu Đạo quán, là một trong hai ngôi Đạo quán của Thăng Long xưa còn giữ nguyên được, không bị đổi thành chùa.

Bích Câu đạo quán trên phố Cát Linh, xung quanh đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.


34711856.jpg
 
Triều Lê trọng Nho mà nhạt Phật. Nhưng Nho giáo thì không có cầu cúng, lễ lạt, kinh sách thì chỉ giới học chữ Hán mới đọc được và hiểu được, còn dân chúng đa số không biết đọc. Cho nên Phật giáo vẫn sống mạnh mẽ trong các làng xã. Tại kinh thành Thăng Long, Phật giáo không được coi trọng như trước, nhưng tại các làng quê, trước kia chỉ có chùa lớn của vua, quan dựng, nay thì các làng cũng dựng chùa cả.

Rồi Đạo giáo cũng phát triển, tại Thăng Long dựng lên các đạo quán mới như Đồng Thiên, Huyền Thiên, thờ cúng kiểu tu tiên luyện thuốc. Câu truyện Lê Thánh Tông, Tú Uyên gặp tiên cũng thể hiện sự khôi phục và hưng thịnh của tư tưởng tu luyện thành tiên.

Bên cạnh đó, xuất hiện tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh, xuất phát từ Nam Định, dần phát triển khắp nơi. Tín ngưỡng này về sau sử dụng nhánh Saman của Đạo giáo, lên đồng, cầu đảo. Đạo giáo truyền thống thì đã tàn lụi hoàn toàn ở Việt Nam, nhưng Tín ngưỡng Mẫu và lên đồng thì đến nay ngày càng phát triển.
 
Đền Kim Liên

Sau thời Lê Thánh Tông rực rỡ, nhà Lê suy đồi nhanh chóng. Lê Uy Mục lên ngôi liền giết ngay bà nội (là vợ Lê Thánh Tông), làm nhiều điều bạo ngược, đến nỗi bị gọi là Vua quỷ.

Lê Oanh đem quân về giết Uy Mục, tự lên làm vua tức là Lê Tương Dực, bị gọi là Vua Lợn, tham tàn chả kém vua trước. Trong sử ghi rằng Tương Dực cho làm lại thành Thăng Long, đắp thành chắn cả sông Tô Lịch, dựng tòa Cửu trùng đài hùng vĩ, sai Vũ Như Tô làm điện trăm nóc, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, dân tình kêu than.

Do đó khắp nơi lại nổi loạn, quan ngay trong triều giết Tương Dực (khi đó mới 24 tuổi), Thăng Long đại loạn, cướp phá khắp nơi. Của cải triều Lê tích trữ trong trăm năm bị cướp sạch. Chỉ vài năm sau, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, dựng lên nhà Mạc.

Tương truyền Lê Tương Dực khi khởi quân đánh Uy Mục, nằm mộng thấy thần Cao Sơn hứa phù trợ, nên sau khi lên ngôi cho dựng ngôi đền thờ ở phía Nam thành Thăng Long, tức là đền Kim Liên ngày nay (dựng mới hay trên nền ngôi miếu nhỏ cũ của làng thì cũng chưa rõ). Đến lúc này ngôi đền "trấn Nam" của Thăng Long mới được xuất hiện trong sử sách.

Tuy nhiên trong các bản đồ Thăng Long thời Trịnh sau cũng không thấy vẽ đền này, chứng tỏ cũng không phải là quan trọng. Cho nên cái thuyết "Tứ Trấn Thăng Long" có lẽ còn xuất hiện muộn nữa, có khi phải từ cuối Lê đầu Nguyễn mới có.

Đền Trấn Nam - Kim Liên, mới có từ đời Lê Tương Dực (1510)

34449913.jpg
 
Đúng một trăm năm sau khi Lê Thái Tổ giành lại Thăng Long từ tay giặc Minh, thì con cháu của ngài lại để mất Thăng Long vào tay nhà Mạc.

Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời của Mạc Đĩnh Chi, danh thần triều Trần, đã phế vua để lên ngôi. Một số đại thần chạy vào Thanh Hoá lập lên triều Lê Trung Hưng, chia ra Nam Bắc triều đánh nhau liên tục.

Triều Mạc giữ được Thăng Long trong hơn 60 năm, rồi chạy lên Cao Bằng. Điều đặc biệt là dù trong thời gian đó đánh nhau liên miên, nhưng triều Mạc vẫn tu sửa được Thăng Long rất nhiều, tổ chức đều đặn các khoa thi, làm đầy thêm kho bia Tiến sỹ tại Văn Miếu. Những dấu tích thành Đại La còn lại rõ ràng đến nay đều do sự bồi đắp lớn triều Mạc. Thậm chí có giai đoạn nhà Mạc cai trị tốt đến nỗi sử phải ghi là "người đi đường không nhặt đồ rơi, tối đi ngủ không phải đóng cửa".

Trong các công trình cung điện đền đài, nhà Mạc không để lại gì nhiều, có vài ngôi chùa, nhưng chủ yếu ở quê Dương Kinh chứ không phải Thăng Long.
 
Last edited:
Cấm Chỉ !

Sau hơn 60 năm, triều đình vua Lê - do chúa Trịnh nắm quyền - trở lại Thăng Long (1592).

Có một truyền thuyết lạ về một con ngõ ở Thăng Long, là ngõ Cấm Chỉ.

Truyện rằng khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, giam lỏng vua Lê Chiêu Tông bên ngoài cung, thì có một người con gái hay qua lại, rồi mang thai, Lê Chiêu Tông giao cho chiếc ấn để làm tin. Sau đó Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết, người con gái sinh được hoàng tử, nhưng dấu kín tung tích.

Người con trai của Chiêu Tông khi bé gọi tên là Chổm, sống giữa dân chúng ở chợ Đông, suốt ngày ăn nợ các hàng, nhưng hễ ăn hàng nào thì hàng đó hôm ấy đắt khách, nên ai cũng cho nợ, nợ khắp cả chợ cả phố.

Sau Nguyễn Kim tìm hậu duệ nhà Lê, gặp được Chổm, tôn lên làm vua Lê Trang Tông, nên gọi là Chúa Chổm. Khi trở về Thăng Long, kiệu vua đi vào thành thì bao nhiêu con nợ từ trước a lô xô ra đòi, không biết bao nhiêu cho đủ! Vua phải quăng túi tiền ra, rồi tại đó ra lệnh Cấm Chỉ không được đòi nữa.

Từ đấy nơi cấm dân đòi nợ vua gọi là ngõ Cấm Chỉ, ở ngoài Cửa Nam, nay vẫn còn tên đó.

Lại có bài vè rằng:

Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì (vay nợ tì tì)
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô !!!



Truyện này là truyền thuyết thôi, vì Lê Trang Tông chết ở Thanh Hoá, chưa về khôi phục Thăng Long được. Cái tên Cấm Chỉ có thể là do đây là cửa Đông Nam của hoàng thành, khi vua đi ra đều theo đường này, nên cấm chỉ dân chúng tụ tập buôn bán ở đây.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,675
Bài viết
1,135,031
Members
192,359
Latest member
DongNguyen2804
Back
Top