What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 1

Đã sắp được đến Agra, đến Taj Mahal rồi sao? Thuở còn bé ở quê nghèo, mơ màng đọc những quyển sách giấy đen thui thùi lùi nhưng vẫn sáng ngời lên vẻ diễm lệ của Taj Mahal qua bút pháp tài tình của các –văn-thi-sĩ. Nhiều kỳ quan trên thế giới đều được phong hoặc tự phong cho mình là Kỳ quan thế giới thứ 8, nhưng theo nhiều người, có lẽ Taj Mahal là xứng đáng nhất với danh hiệu này. Nhiều người cũng cho rằng, đến Ấn Độ mà chưa viếng Taj Mahal cũng xem như là chưa đến Ấn. Nhiều người khác lại nói… Vậy mà, bây giờ tôi lại sắp được đến viếng Kỳ quan thứ 8 này. Hạnh phúc!!!


Dù đường đến hạnh phúc không trơn tru lắm nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với Taj Mahal diễm lệ đang sừng sững chờ đón.


Đêm, rời Attari về Amritsar, cả lũ lóc cóc xuống xe ở dãy kiốt bán vé xe đêm Amritsar – Delhi, ngay trước cửa nhà ga. Trả giá chán chê, được giá tốt rồi nhưng cả lũ vẫn kéo nhau vào trong ga lần cuối, xem thử, may đâu có người trả vé. May thật, cuối cùng lại còn mấy vé ghế nằm cứng, giường sắt, OKie chơi luôn. Hí hửng mua vé tàu xong cả lũ chè chén say sưa rồi ra sân ga chờ tàu chuyến tàu đêm. Mãi đến 9.40pm, tàu đến, xình xịch, xình xịch lê lết mãi… đến 8.00am tàu về tới Delhi. Lại mất 1h đồng hồ quẩn quanh sân ga mua vé tàu Delhi – Agra. Hết vé. Cả lũ lại kéo nhau lếch thếch băng ngang qua ga để đến bến xe đi Agra, cũng gần đó. Đi ngang qua cái quầy vé thấy có chữ Agra tấp vào hỏi thăm. Té ra là tàu chợ đi Agra, lúc nãy vẫn còn vé nhưng các anh chị bán vé tưởng rằng người “ngoại quốc” không đi tàu chợ, bé cái nhầm. Tàu chợ thì tàu chợ, dân chơi cóc sợ mưa rơi. Hí hửng cả bọn cầm vé chạy lơn tơn lên tàu thì đúng lúc tàu khởi hành, 9.20am. Tàu chạy lọc cọc lọc cọc đến 12.50am thì đến Agra. Xuống tàu, cả lũ lon ton lên auto-rickshaw về xóm trọ cho dân balo, gần cổng bán vé vào Taj Mahal. Đến nơi, lượn lờ trả giá, sắp xếp phòng ốc xong xuôi đã hơn 2pm.


NewPicture3-1.jpg

Cập nhật hành trình từ bpk lang thang từ biên giới Nepal - Ấn Độ đến hiện nay


Lẽ ra, đến Agra là phải chạy ngay đến Taj Mahal nhưng vì thời gian của buổi chiều không còn nhiều nên cần xếp lịch đi thận trọng. Hơn nữa vé vào Taj Mahal chỉ cho ra vô 1 lần, lại tương đối đắt nên cần dành nhiều thời gian hơn và nên đến đó vào thời điểm đặc biệt như bình minh hay hoàng hôn sẽ hay hơn. Do vậy, tôi quyết định lên đường đi Fatehpur Sikri ngay, thay vì đi Taj Mahal.


Nhọc nhằn ra bến chờ xe bus địa phương, đến 3.15pm mới có xe. Lọc cà lọc cọc trên đường đến hơn 4.30pm mới đến nơi, chưa thấy Fatehpur Sikri đâu cả chỉ thấy quá trời các bạn cò bạn vạc xúm xít vây quanh. Tôi và đồng bọn băng mình tách khỏi đám cò vạc và khoai Tây, chui vào thôn xóm. Ngộ một cái là ở đây hỏi đường người ta không chỉ, mà cứ chỉ vào đám cò vạc kia. Tức quá, bọn tôi xông vào các con hẻm, hướng về Fatehpur Sikri lấp ló trên cao kia. Ngoằn ngoèo vào các hẻm nhỏ, nhờ các em bé chỉ đường và chèn đét quỷ thần ơi, Fatehpur Sikri hoành tráng diễm lệ kia rồi.


Dù đã từng ngỡ ngàng với thánh đường Masjid Jama, Red Fort, lăng Humayun… tôi vẫn sững sờ khi vừa chạm trán Fatehpur Sikri. Vậy còn Taj Mahal?


PB250001.jpg

Fatehpur Sikri đây! Bạn nhìn những con người bé xíu bên dưới để tưởng tượng về chiều cao hoành tráng của Fatehpur Sikri nhé!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 2

@ danngoc, té chết chứ chẳng chơi. May mà dân Ấn theo đạo Hindu hạn chế bia rượu :T!!!

:::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)
Thông tin từ wiki + L.P + bpk



Nằm cách Agra 26km, thành phố bị bỏ hoang Fatehpur Sikri từng là kinh thành của vương triều Mughal, dưới thời vua Akbar, vị vua thứ 3 của triều đại các Mughal, sau Babur và Humayun. Những năm 1560, khi 2 vị hoàng tử sinh đôi của Akabr qua đời, quốc vương đến viếng thăm vị giáo sĩ Salim cư ngụ ở làng Sikri. Salim tiên đoán rằng sắp tới Akbar sẽ có hoàng nam. Đúng như vậy, năm 1569, tại Sikri, hoàng hậu hạ sinh 1 hoàng nam và được đặt tên là Salim để tỏ lòng kính trọng vị giáo sĩ. Năm sau, Akbar quyết định sẽ xây dựng cung điện hoàng gia và kinh thành ở đây để tôn vinh vị giáo sĩ này. Từ “Fateh” tiếng Á Rập, Ba Tư đều có nghĩa là Chiến thắng. Được xây dựng từ 1570, Fatehpur Sikri trở thành kinh thành từ năm 1571 đến năm 1585. Sau đó kinh thành này đã bị bỏ hoang khi nhà vua Akbar dời kinh đô đi nơi khác, Lahore. Lý do vẫn chưa rõ, nhưng nhiều sử sách cho rằng vì nguồn nước nơi đây trở nên khô cạn hoặc vua Akbar cần dời đến Lahore để gần hơn, dễ chiến đấu hơn với quân đội Afhganistan và Ba Tư đang lăm le tấn công Ấn Độ vào lúc bấy giờ.


Kinh thành hoang phế Fatehpur Sikri rộng thênh thang với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, đã được Unesco công nhận. Biết chắc chiều nay thời gian quá ít ỏi sẽ không đi được nhiều, tôi quyết định chỉ tập trung ở Thánh đường Hồi giáo Jama Masjid và các khu vực quanh đó, không đi xa hơn nữa. Vậy mới còn cơ hội lần sau ghé Agra chứ!


Xây dựng theo kiến trúc Ba Tư và Ấn Độ và hoàn thành năm 1571, Jama Masjid rất nổi bật với cái cổng Buland Darwaza (Victory Gate) mà bạn vừa thấy trong bài trước. Cao 54m, đây có lẽ là cánh cổng to nhất châu Á. Cổng này có tên Victory vì nó được xây dựng mừng chiến thắng ở Gujarat của vua Akbar. Sau khi leo lên những bậc thang cao ngút ngàn, mà khi say chắc phải bò lên quá, tôi ngỡ ngàng nhè nhẹ chạm tay vào cánh cổng thành vĩ đại không hề thay đổi dù đã bị bỏ hoang phế hơn 4 thế kỷ qua.


PB250017.jpg

Nắng đã rớt bên ngoài thành



PB250003.jpg

Chỉ còn hắt lên đôi chút trong sân mênh mang của thánh đường


Làm bằng đá sa thạch đỏ, chạm khắc tô điểm bằng cẩm thạch trắng và những phù điêu điêu khắc, những mái vòm trắng tinh tế… cổng thành thật rực rỡ, nhất là khi nắng chiều muộn phủ một màu đỏ nhè nhẹ huyền hoặc. Chiếc cổng thành xem như không thay đổi bao nhiêu trải qua bao tháng năm dãi dầu sương gió, là thêm một điểm cộng nữa cho Ấn Độ huyền bí và quyến rũ.


Tháo giày, kiên quyết không gửi, kẹp nách. Hiên ngang qua cổng miễn phí vé vì đã quá muộn. Cất cao đầu, nhỏ nhẹ giọng “No speak English!” và luôn mỉm cười nho nhã lắc đầu nhè nhẹ, tôi nhanh chóng thoát khỏi các bạn cò bạn vạc đang tấn công tôi từ bốn phương tám hướng. 2 nữ đồng bọn đi chung, đã tách ra và sa lưới, không biết vì vẻ điển trai của các chàng Ấn Độ hay là lời thủ thỉ: “Em là sinh viên, hướng dẫn miễn phí, cũng là đang thực tập…”. Nói thiệt nghen, nếu mấy bạn ấy mà là sinh viên chắc tôi cũng còn là sinh viên hay học sinh trung học quá, dù không biết đã bao nhiêu mùa lá rụng từ ngày ra trường... Tám cho vui chút hén, nhưng cũng để mấy bạn đi sau biết tình hình.



PB250012.jpg

Hoàng hôn rực rỡ trên góc thánh đường hùng vĩ như pháo đài với tường thành hoành tráng


Sân của giáo đường thênh thang và trong cái rủi vì đi trễ có cái may là ở đây cũng không đông lắm. Bên ngoài thành còn thấy chút nắng nhưng vào bên trong, hoàng hôn đã chập choạng nơi góc thành


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 3

(cont.)


PB250010.jpg

Dù cổng thành bên kia vẫn còn nắng, nhưng thật sự chiều đã về rất muộn


Hoàng hôn đã xuống trên điện chính của thánh đường. Ngắm hoàng hôn rơi trên nóc điện thì đẹp nhưng chụp hình thì chẳng đẹp tí nào vì ngược nắng mà phải đừng xa vì đứng gần thì lại rơi vào bóng râm. Con nhà nghèo đi chơi khổ vậy đó. Giờ này, những người dân quê dù có mộ đạo lắm chắc cũng đang lui cui ở nhà nên trong sân chỉ lác đác vài khách du lịch và các bạn cò lượn lờ, nhưng ở một góc đền, vị giáo sĩ vẫn đang lặng lẽ ngồi, mặc kệ chiều rơi.


PB250011.jpg

Hoàng hôn trên điện chính thánh đường


PB250016.jpg



PB250002.jpg

Thánh đường khi nắng đã tắt – vị giáo sĩ vẫn lặng lẽ nơi góc


Chiều đã về nên nên ở điện thờ chính, vốn vẫn trống vắng không tượng thờ, vắng tanh. Như các thánh đường Hồi giáo khác, nơi này lôi cuốn khách du bằng những điêu khắc tinh xảo của mái vòm, trên tường,… và cái hành lang đỏ hun hút chạy dài cũng vắng thênh thang. Những điêu khắc chạm trổ trên tường của thánh đường này khác hẳn với Masjid Jama ở Delhi. Đó là những hoa văn chạm trổ rất chi tiết và cầu kỳ trên tường chứ không như những đường cong chạm trổ mềm mại, khỏe khoắn là điểm lôi cuốn của Masjid Jama ở Delhi. Trong điện vắng tênh, một vị giáo sĩ vẫn nhẫn nại ngồi đọc kinh, thỉnh thoảng giương mắt nhìn ơ hờ đám khách lạ tò mò tọc mạch, đang làm ồn ào vấy bụi chốn thâm nghiêm.


PB250018.jpg

Những hoa văn nhiều màu sắc tinh xảo trong điện chính của thánh đường


PB250020.jpg

Hành lang hun hút vắng bên thánh đường – có thời gian mà ngồi đây đến khuya chắc đãããããããããããã!!!!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 4

(cont.)


PB250042.jpg

Một ngôi đền khác trong khuôn viên thánh đường.


Ngoài điện chính của 1 thánh đường Hồi giáo, điểm thu hút du khách ngay khi bước vào trong cửa thành là ngôi mộ cẩm thạch trắng toát của vị giáo sĩ Saikh Salim Chishti. Ngôi mộ này được hoàn thành vào 1581, để tưởng nhớ đến vị giáo sĩ tài ba này. Độc đáo nhất của ngôi mộ này phải kể đến những tấm “rèm cửa” làm bằng đá cẩm thạch vô cùng mỏng manh và tinh xảo. Không hiểu sao người ta có thể mài đá bằng những dụng cụ thô sơ của thời ấy trong thời gian bao lâu để có được tác phẩm này. Nhiều người cho rằng, “tấm rèm” cẩm thạch ở đây tinh xảo nhất châu Á, so với các tác phẩm cùng nhóm. Được sử dụng như các bức tường của toà lăng mộ, “những rèm đá” này vừa có tác dụng chắn sáng vừa có tác dụng nhập ánh sáng vừa đủ, làm cho bên trong lăng mộ luôn có 1 thứ ánh sáng dìu dịu huyền hoặc. Trên tường là những hoa văn được chạm chắc bởi đá màu và xà cừ lấp lánh rất tinh xảo và đẹp đẽ. Chẳng hiểu sao người Hồi giáo không có điện thờ nhưng trong lăng mộ này lại có 1 điện thờ trước ngôi mộ đá của vị giáo sĩ.


PB250024.jpg



PB250040.jpg

Lăng mộ của giáo sĩ Saikh Salim Chishti


PB250037.jpg

Điêu khắc tinh xảo trước cửa mộ


Nếu bạn may mắn lang thang trong lăng mộ này lúc vắng, vuốt ve những tấm rèm đá mong manh, nhìn ánh sáng nhè nhẹ xuyên qua rèm, phả một màn sáng trắng mờ nhè nhẹ trong mộ tối lấp lánh những hoa văn đá màu hay xà cừ tinh xảo… cảm giác thật huyền bí… Nhưng nói trước là bạn phải đi vào đầu hay cuối ngày và phải thật may mắn với có không gian riêng cho mình như vậy. Ấn Độ mà – chắc bạn biết phải không!?


PB250038.jpg



PB250028.jpg

“Rèm đá” bên ngoài và bên trong


Tẩn mẩn tần mần trong ngôi mộ, khi ra đến bên ngoài, mặt trời đã xuống sâu nơi xa. Sân thánh đường giờ vắng ngắt. Chuyến xe cuối cùng sắp rời Fatehpur Sikri rồi nên tôi đành tiếc nuối chia tay, leo lên xe về xóm nhỏ.


PB250023.jpg

Đêm đã sắp về trên Masjid Jama ở Fatehpur Sikri


Dù sao, chúng tôi cũng chuẩn bị cho buổi chia tay nho nhỏ tối nay. Khuya ngày mai, sau khi lang thang Taj Mahal & Agra, tôi sẽ lại một mình lủi thủi đi tiếp về hướng tây, hướng về sa mạc Thar, còn các bạn sẽ về Đông, đến Varanasi.


Chắc đêm nay Kingfisher lại đổ như suối nữa rồi!

(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 5

(cont.)


Sub-topic “Agra đâu chỉ có Taj Mahal” này lẽ ra sẽ rất cũn cỡn và vô duyên nếu như tôi chỉ đến Fatehpur Sikri trong thời gian ngắn ngủn, chỉ mô tả một cách sơ sài về Fatehpur Sikri mà tự nhiên đi mở riêng thành một sub-topic hao tổn tài nguyên. Nhưng Agra không chỉ có vậy thật. Agra không chỉ có vẻ đẹp của thành xưa đền cũ, Agra không chỉ nổi tiếng là 1 trong 3 điểm lừa lọc nhất Ấn Độ, nơi đã vang danh những hắc điếm bỏ thuốc độc, thuốc mê vào thức ăn để khách thập phương phải đi cấp cứu hay mê man bị lột đồ… Agra còn có những người dân lành hiền hòa sống bên lề dòng chảy náo nhiệt của du lịch và vẫn tỏa sáng ấm áp tình thân… Nhất là trong một đám cưới đặc biệt lúc 12 giờ đêm mà tôi đã được may mắn tham dự.


Mùa đông là mùa vàng tăng giá, là mùa lo sợ của những đôi uyên ương trên đất Việt (!). Một trong những lý do chính mà báo chí thường hay nhắc đến là do đây là mùa cưới của Ấn Độ. Do vậy, đi Ấn mùa đông, một trong những thú vui là ngắm nhìn những đám cưới nhiều màu sắc sinh động trên phố phường. Vui hơn hết là được tham gia, hòa mình vào trong cuộc vui đó! Dĩ nhiên là chỉ với tư cách khách mời chứ không phải là nhân vật chính (!?).


Từ Fatehpur Sikri về Agra, trời cũng đã thật tối. Bọn tôi phân công nhau việc tổ chức farawel party. Tôi lo phần vị trí và nước uống, đồng bọn lo phần thực phẩm. Vị trí tôi đã chọn là sân thượng của nhà nghỉ, nơi quảng cáo trên LP là có thể “chiêm ngưỡng Taj Mahal rực rỡ trong nắng mai và nắng chiều”. Dĩ nhiên là nó nói đúng vì trong bán kính vài dặm từ Taj Mahal nơi nào lại không thấy cái chóp của ngôi đền trong bình minh hay hoàng hôn! Còn nước uống thì tôi phải đi tìm mua Kingfisher từ cửa hàng bán bia, mà chỉ có 1 cái nơi đây. Đi lơn tơn, tôi thấy một nhà hàng đông vui quá bèn chen chân vào. Té ra là tiệc cưới. Chụp vài tấm hình nhòe nhoẹt màu vì cái máy hình cùi bắp tôi phải rút lui vì còn phải hoàn thành sứ mệnh.


PB250044.jpg

Cô dâu quay cuồng nhảy múa cùng bạn bè ở tiệc cưới


Rồi cũng xong, tôi vác bia, đèn cầy lên sân thượng, lau sạch mấy cái ghế đá, bày biện xong xuôi thì đồng bọn cũng vừa về tới. Mấy anh em cụng ly nói cười rôm rả, “lê văn T888m”, “nguyễn thị Nổ”… um sùm trời đất về những cung đường sắp tới. Đến 11 giờ đêm, tàn cuộc, dọn dẹp, hẹn giờ giấc sáng mai gặp sớm để cùng đi ngắm bình minh Taj Mahal, rồi cả bọn rút về phòng.


Với tôi thì chưa xong, vì thường tôi ít khi ngủ trước 12g. Đang dọn dẹp đồ để xuống đường lang thang tiếp tôi bỗng nghe tiếng chiêng trống vang vang nơi xa. Leo lên sân thượng nhìn về nơi ấy thấy ánh sáng lập lòe. Đã gần nửa đêm rồi, còn lễ hội gì giờ này. Tôi bèn lao xuống phòng vác cái máy hình cùi bắp thân yêu, qua đập cửa rủ rê đồng bọn nhưng 2 người từ chối, 1 bạn hăng hái vác máy cùng tôi chạy băng băng xuống đường, hướng về nơi có âm thanh và ánh sáng. Đến nơi, vẫn chưa biết là lễ hội gì chỉ thấy 1 chàng hiên ngang ngồi trên ngựa trắng, sau lưng hào quang sáng chói lập lòe chiếu… cứ tưởng là lễ tôn vinh vị thần nào đó trong mấy ngàn vị thần Ấn Độ. Tới gần hơn nữa, hỏi quần chúng nhân dân mới biết là đám cưới. Thế là chúng tôi nhào đến, len vào.


PB260058.jpg



PB260054.jpg



PB260052.jpg

Chú rể trên con ngựa bạch, phía sau hào quang chói ngời!!!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 6

(cont.)


Đây là bước 1 của lễ cưới, chàng trai đang trên đường đến nhà cô dâu để đón dâu và rước dâu về. Cả đám đông này người nhà trai. Họ thuê nguyên 1 dàn đèn đi theo chiếu sáng chói chang phố phường. Kiểu chơi sang này cỡ P.S Lighting chuyên nghiệp của Sài Gòn qua đây cạnh tranh chắc không lại luôn (!). Dĩ nhiên là không thể thiếu chiêng trống chũm chọe vang trời.


PB260050.jpg

Phèng la, kèn trống inh ỏi vang trời


Các bạn trẻ rất vui, lôi chúng tôi cuốn theo điệu nhảy. Các bậc phụ huynh cũng rất cởi mở, nhất là ông bố của chú rể. Họ cứ liên tục lôi chúng tôi vào cuộc và rủ rê đi chúng tôi cùng đi đến tận nhà cô dâu. Lúc đầu chúng tôi cũng hơi ngại ngại, nhất là chiều giờ cũng chiến đấu không mệt mỏi với các bạn cò, bạn vạc không chỉ ở Fatehpur Sikri mà còn ở quanh thôn xóm tôi ở nữa. Nhưng cuối cùng, thấy rõ ở họ sự thân thiện, nhất là của các bậc phụ huynh đang vui mừng trong ngày trọng đại của con mình nên chúng tôi tham gia – những người “ngoại quốc”, “ngoại đạo” duy nhất của đám cưới này. Các bạn khoai Tây mà biết được điều này chắc lăn ra mà ngất vì ganh tỵ quá! Điều đặc biệt là đám rước này chỉ có nam giới nên sự xuất hiện của nữ đồng bọn của tôi làm cho mọi người vô cùng phấn khích, nhất là sau khi tôi giới thiệu “my younger sister” các chàng bèn ồ ạt chen lấn nhào vào vây quanh nữ đồng bọn, hất văng tôi ra ngoài một cách không thương tiếc!!! (Các bạn nữ nào vì đọc bài này mà nảy ra ý định đi du lịch Ấn Độ, bpk xin không chịu trách nhiệm nghen!!!)


Vui quá chừng nhưng thấy đi hơi lâu, hơi xa rồi vẫn chưa đến nhà cô dâu tôi lo lo cho nữ đồng bọn, hỏi nàng có muốn chơi tiếp không thì được cho ngay con gà đen (OK). Thế là bọn tôi lại múa may quay cuồng, mà sau này đồng bọn tôi có “tâm sự” là nhờ mấy ly Kingfisher lúc đó mới dám chơi như vậy chứ bình thường thì chắc “em chã!”. Vừa hay, chân cẳng rũ rượi chẩun bị đình công thì đến được nhà cô dâu.


PB260070.jpg

Đến nhà cô dâu rồi


PB260076.jpg

Vẫn trên ngựa, chú rể quay đít ngựa xông thẳng vào nhà cô dâu


PB260100.jpg

Các cô gái trẻ xinh tươi của nhà gái ra đón khách. Xinh ghê hén!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 7

(cont.)


Chú rể vẫn cỡi ngựa vén rèm đi vào nhà cô dâu, rồi mới leo xuống đất. Con ngựa tội nghiệp bị dắt đi đâu mất tiêu. Ráng nghỉ ngơi đi con, lát nữa quay về mày phải cõng 2 mạng, thêm mớ vòng vàng vài kg trên người nữa (?!) khổ thân mày!


Vào trong nhà, chú rể được dắt đến góc nhà, nơi có 1 vị trưởng lão đón chàng mời chàng ngồi xuống đất và bắt đầu bài giảng dạy gì gì đó về đạo đức hôn nhân… Chỉ có điều là sao chỉ giảng cho một người mà không giảng cho cả cô dâu luôn. Chắc là có truyền bí kíp làm chồng gì đó mà cô dâu không được nghe quá. Vậy là ngoài kinh tình yêu Kamasutra, bên Ấn còn có kinh truyền miệng nữa, bữa nào phải đi thỉnh kinh thôi – lại thêm lý do để quay lại Ấn Độ rồi!!!


PB260090.jpg

Vào nhà, chú rể được các bậc trưởng lão giảng dạy “đạo đức trách nhiệm làm chồng, làm cha” – đoán vậy thôi, hiểu được chết liền (đám cưới bên Lào cũng có màn này, y chang vậy, bữa nào rảnh rỗi mở topic kể tiếp nghen).


PB260107.jpg

Xong xuôi, mừng rỡ đứng lên thoát nạn, chú rể được chúc phúc bằng các chấm tikar.


Nghe truyền bí kíp xong xuôi, chú rể được dắt lên trên lễ đài, nơi có 2 chiếc ghế bành dành riêng cho đôi uyên ương hạnh phúc nhất đêm nay (!). Chàng đến nơi, người yêu đâu chẳng thấy, bèn ngồi xuống đợi chờ!


PB260113.jpg

Rồi chú rể được dắt lên lễ đài ngồi chờ “một nửa kia của đời mình” xuất hiện.


PB260125.jpg

Lúc này, các cô bạn của cô dâu mới dìu cô dâu ra (chắc mừng quá nên bủn rủn tay chân đi không nổi!). Các cô gái xinh tươi vừa đi vừa rắc hoa – trời ơi lãng mạn quá, muốn cưới quá!!!​


PB260134.jpg

Rồi các cô dắt cô dâu lên lễ đài, nơi chú rể đang nóng lòng mòn mỏi đợi chờ!!!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 8

(cont.)


Các cô bạn dìu cô dâu lên đến lễ đài cũng là lúc chiêng trống xập xình nổi lên vang trời. Rồi 2 vòng hoa được trao tay cho từng người. Vẫn cúi gầm xuống đất – chẳng biết vì e thẹn hay đeo vòng vàng nhiều quá nặng quá đè cổ cô xuống, cô dâu đeo vòng hoa vào cổ chú rể trước. Sửa sang ngay ngắn đẹp đẽ cho phu quân, nàng lại cúi gằm e thẹn chờ đến lượt mình. Chàng hùng dũng đeo vòng hoa vào cổ nàng xong, quay qua cười đơ đơ với cái camera, dưới sự đạo diễn của các anh phó nháy, cameraman… y chang như các chàng đạo diễn đám cưới quê mình. Cười đến lúc các chú kia làm xong vài chục tấm hình, cười khô cả răng cả lợi… chàng mới buông tay khỏi vòng hoa, khỏi người nàng, rồi cả 2 quay lại thẳng người nhìn xuống khán phòng.


PB260137.jpg

Lúc này, cô dâu và chú rể mỗi người được đưa một vòng hoa


PB260145.jpg

Rồi họ choàng vòng hoa cho nhau.


PB260147.jpg

Hơi ngồ ngộ là cô dâu làm trước, rồi mới đến chú rể choàng hoa cho cô dâu sau.​


Nghiêm trang kính cẩn, cả 2 cúi người chào bà con họ hàng bên dưới, đang im phăng phắc theo dõi các tiến trình của lễ cưới. Cả trong lễ cưới, khán phòng vẫn chia 2 khu riêng biệt, nam một bên và nữ một bên. Bên nam thì cũng bình thường. Bên nữ thì cứ như vườn hoa ngày xuân, đủ các sắc màu bạn có thể nghĩ đến và lấp lánh đầy những ánh vàng. Các cô dì lớn tuổi thì nghiêm trang, nhưng các cô gái trẻ thì rất hớn hở và vui vẻ khi được chụp hình – mà hình thì hư ráo trơn ráo trọi hết rồi!!!


PB260153.jpg

Rồi cả hai nghiêm trang chào bà con họ hàng bên dưới – sao ánh mắt họ nhìn về 2 phía hén? Người ta nói yêu nhau là nhìn về 1 phía mà!!!


PB260155.jpg

Có anh chàng rể phụ đứng bên nhắc nhở các thủ tục cần thiết


PB260157.jpg

Bên dưới, bà con họ hàng đang chiêm ngưỡng hạnh phúc mới.
Ai còn trẻ mà chưa có thì mơ, ai đã già mà vẫn chưa có thì hận, ai đã từng thì nuối!



Phải chân thành mà nói, tôi tham gia được đám cưới này, chụp được mấy hình này (dù xấu tệ xấu hại) là nhờ sự chân tình của các anh em chú bác hai họ. Các chú bác hay các bạn trẻ luôn nhường chỗ cho tôi chụp hình. Có người còn bắt ghế cho tôi đứng lên nữa. Mà bạn biết đó, không khí lễ cưới rất trang nghiêm, còn tôi và đồng bọn cứ lăng xăng chạy qua chạy về náo động cả lên mà mấy cô chú vẫn không la mắng mà còn kêu con cháu lấy nước uống, kêu ra ngoài ăn uống… ôi thôi đủ mọi thứ luôn. Làm cả 2 đứa vui quá chừng và thấy người Agra dễ thương quá chừng!


(tbc.)
 
Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal – 9

(cont.)


Cũng giống đám cưới Việt Nam ở quê là nhà gái cũng dựng 1 cái sạp ở khu đất rộng rãi bên ngoài. Ở đó có các bàn để thức ăn chuẩn bị cho tiệc sau khi làm lễ xong (mấy giờ mấy xong vậy hả trời?). Đặc biệt nhất là cái dàn âm thanh inh ỏi bên ngoài, làm nhạc nền cho các cậu trẻ Ấn Độ nhảy nhót quay cuồng dù đêm đã sang ngày.


Bên trong, cô dâu chú rể vẫn đang cần mẫn làm tiếp các thủ tục của lễ cưới. Trao hoa xong giờ mới trao nhẫn. Trao nhẫn xong rồi ngồi xuống để chờ bà con 2 họ lên chúc phúc tặng quà.


PB260164.jpg

Trao nhẫn cưới cho nhau – lý do vàng tăng giá đây rồi


PB260158.jpg

Rồi cả 2 ngồi xuống để bà con họ hàng lên chúc phúc. Cô dâu chú rể đây!


PB260160.jpg

Chụp riêng cô dâu 1 tấm – trang điểm ấn tượng hén!
Có bạn nào muốn bắt chước tổ chức đám cưới “Made in India” thì liên hệ bpk lấy hình hi-res để làm cho giống nghen.


PB260172.jpg

Bà con lên chúc phúc – ba mẹ chú rể


PB260175.jpg

Rồi ba mẹ cô dâu


PB260161.jpg

Người thì sờ đầu, người thì chấm tikar, chẳng ai tặng để rồi làm rớt mấy cái vòng vàng cho bpk lượm nhét túi. Buồn!


PB260177.jpg

Ngoài sân, bọn trẻ vui ca múa nhảy, đã hơn 1 giờ khuya rồi đó.



Đêm đã sang gần hết giờ Tý, nữ đồng bọn đã bắt đầu mệt. Hôn lễ vẫn đang tiến hành. Dòng người đang chờ đến phiên để lên chúc phúc còn dài đăng đẵng. Sáng mai lại hẹn dậy 5 giờ đi ngắm bình minh Taj Mahal. Đường về tối đen xa ngái. Các bạn trẻ càng về khuya càng quá cuồng nhiệt… Thế là cả 2 tên rón rén rút lui ra ngoài rồi chuồn. Bị các bạn trẻ bắt gặp chận lại không cho ra, bèn móc cái điện thoại ra xí lô xí là “tao phải ra ngoài gọi điện cho má tao, trong này ồn quá không nói được”. Đợi các bạn ấy lơ là, 2 tên chạy mất dép vào đêm đen sâu hun hút. Bỏ lại sau lưng một đêm vui hiếm hoi, lần mò trong những con đường bé gập ghềnh tối đen mờ mịt quanh co lúc hơn 1 giờ sáng để may mắn về được khách điếm.



Giờ, những đêm trống, ngồi giở lại từng tấm hình, tưởng như tiếng chiêng trống vẳng đâu đây, cảm thấy như đang trở về trong đêm Agra vui, trong một đám cưới đặc biệt mà tôi đã may mắn được tham dự trên những tháng ngày lang thang.



Trong tôi, Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,673
Bài viết
1,171,165
Members
192,346
Latest member
tuoihongtran
Back
Top