What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Không biết phải nói cảm ơn bao nhiêu lần với Bpk về nhiệt tình chia sẻ của bạn.
Những kinh nghiệm của bạn rất đáng quí với những người đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyến đi như mình.
Mình đang nghiên cứu book vé tàu online, vì hành trình của mình ngắn ngày nên lịch di chuyển rất sát, mình cố gắng book trước khi đi để chủ động hơn, tránh tình trạng không mua được vé tàu làm lỡ hành trình. Tuy nhiên, cũng chẳng rõ việc này có giúp chủ động hơn không, rủi có chặng nào bị lỡ tàu coi như tiêu luôn toàn bộ hành trình hehe.
Mình có vài câu hỏi, Bkp xem có giúp đươc mình không nhe:
- Khi book vé tàu, có nhiều loại vé: General, Sleeeper, AC 2-tier, AC 3-tier. Lần đầu tiên mình book vé online nên không có kinh nghiệm gì hết. Và cũng không rõ tàu của Ấn Độ có gì khác với tàu ở VN không. Vậy Bpk có thể tư vấn giúp mình nếu đi 2 mẹ con thì nên mua vé loại nào, giường nào để được ngủ an toàn, thoải mái, và yên tĩnh nhất không?
- Khi tìm hành trình tàu, mình thấy hơi khó ở chỗ ở một điểm đến như Delhi chẳng hạn có rất nhiều ga (New Delhi, Delhi Hazrat Nizamuddin, Old Delhi, Shakurbasti, Delhi Cantt), các thành phố khác cũng tương tự như vậy, làm mình rối không biết nên chọn ga nào thì tiện tìm chỗ ở và các điểm tham quan. Rủi chọn cái ga xa tít ngoại ô thì lại phải tìm xe chạy tiếp mới vào thành phố rất bất tiện. Vậy Bkp có thể nhớ lại và ghi giúp mình những ga nên sử dụng ở các thành phố mình tới để tiện tham quan được không?
Các thành phố mình dự định đi qua là Delhi-Agra-Varanasi-Jodhpur-Amitsar.

Cám ơn Bpk rất nhiều. Chúc Giáng sinh vui vẻ và năm mới may mắn.
 
@ hanhlienta, cảm ơn bạn. Bpk cũng có nhiều niềm vui cỏn con khi chia sẻ và được chia sẻ mà. Về phương tiện đi lại và các ga ở Ấn Độ, bpk có vài thông tin sau.


Trong các ga bạn đi ở Delhi, Agra, Varanasi, Jodhpur, Amritsar thì có Jodhpur, bpk chỉ tạt ngang qua đó chỉ để đón xe đi Jaisalmer nên không biết đến ga này.


Ở Delhi, nếu đi từ đâu đến đó, bạn nên chọn đến ga New Delhi, gần khu Main Bazaar mà bpk cũng như các bạn Tây hay ở. Còn nếu rời khỏi Delhi, thì từ Delhi đi Varanasi, Agra... sẽ đi bằng ga New Delhi này. Còn nếu từ Delhi đi Amritsar bạn phải đi từ ga Nizamuddin. Nhưng từ Amritsar về lại, thì tàu sẽ chạy đến ga New Delhi (đây là các chuyến tàu đêm đi về Delhi – Amritsar mà bpk đi, tàu ngày có thể khác giờ bpk không biết).


Ở các ga còn lại Agra, Varanasi, Amritsar chỉ có 1 ga chính nên bạn không ngại. Giá đi bằng (auto)rickshaw từ các ga về đến các khu balo, mà LP đề cập, khá sát với giá trong LP, bạn cứ theo đó mà trả giá.


Về ghế tàu, bạn nên mua vé AC 2 tầng hoặc 3 tầng tùy “quân Nguyên” của bạn. Toa AC là air-con, máy lạnh, ít ồn và sạch. Còn đi sleeper hoặc general mẹ bạn chịu không nổi đâu (chỉ có bpk chịu được thôi – dân cùi bắp mà, anh trantrakhuc vừa đi về cũng chịu không nổi). General là ghế ngồi cứng kiểu như ghế gỗ thẳng tưng của tàu VN đó, nhưng mà đông nghẹt khách luôn, có loại có số ghế, có loại không có số ghế... lúc đó thì bạn khó mà tranh chỗ được với các đại gia đình Ấn Độ. Sleeper là ghế nằm cứng (ngắc) mà ban ngày là dựng 2 tầng trên lên để thành ghế ngồi. Nếu đi ngăn ngắn khoảng Delhi – Agra 4-5h đồng hồ bạn và mẹ cũng có thể đi bằng loại vé này, cho tiết kiệm chút ít.


Một điểm khác bạn cần lưu ý là đừng mua vé nối chuyến quá sát giờ nhau vì giờ giấc tàu ở Ấn Độ thường trễ vài giờ là chuyện bình thường.


Điểm khác cũng quan trọng, nhất là khi đi với người lớn tuổi là các ga ở Ấn Độ to vật vã, mười mấy cái đường ray mà muốn đi từ đường ray này qua đường ray khác bạn phải đi ngược lại cổng ga, leo lên cầu thang, đi vòng qua, xuống thang. Mà tàu Ấn Độ thì ôi thôi! Lúc mới đến ga hỏi thăm thì được thông báo là chuyến tàu đó sẽ ghé ở đường ray này, đến khi gần chạy nó lại báo trên loa là tàu sẽ đến ở đường ray khác (bpk bị rồi). Nếu bạn lơ đãng không nghe kịp thì sẽ dễ bị hụt chuyến tàu. Kinh nghiệm của bpk là đến nơi cứ bám vào mấy anh hỏa xa, gí cái vé vào mặt ảnh rồi hỏi đường ray nào, chừng nào tàu đến. Cứ thỉnh thoảng 20-30p lại xông tới hỏi đi hỏi lại cho nó chắc.


Còn một việc nữa (bpk cũng gặp rồi) là việc lừa đảo trên tàu. Bạn kiên quyết không đưa vé cho ai cầm đi, cũng như không rời chỗ để đi gặp ai đó dù “nhân viên” tàu có yêu cầu, nếu người đó không mặc sắc phục của nhân viên nhà ga. Hôm bpk đi, có 2-3 anh gì đó cầm sổ tới coi vé, rồi kêu vé bpk không hợp lệ, đòi đóng phạt. Bpk kiên quyết không đóng phạt, không đưa vé gì hết… đang giằng co thấy có 1 anh khác tới nói nhỏ gì đó thì mấy anh này tản ra. Mới hay lúc đó chú trưởng toa đang đến gần. Ăn uống trên tàu thấy cũng không phù hợp cho người lớn tuổi. Bạn nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ mang theo.


Còn nói chung, người dân Ấn Độ cũng dễ thương, đi tàu bạn nói chuyện với họ cũng biết thêm nhiều điều hay ho về đất nước con người.


Chúc bạn đi chơi dzui dzẻ và có nhiều bài viết đăng báo nhé. Bpk là fan của các bài viết của bạn trên báo đó (hình như hay đăng trên PNTPHCM CN thì phải).


Chúc bạn Giáng sinh an lành & Năm mới hạnh phúc!
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 1

Vì Agra & Taj Mahal quá nổi tiếng, tôi vào wiki trích thông tin đưa ra đây để bạn nào chưa đọc theo dõi luôn cho tiện.


Nằm trong bang Uttar Pradesh, cách Delhi 204km về hướng đông nam, bên bờ con sông Yamuna, Agra được “sáng lập” năm 1504 bởi vua Aikandar Lodi. Thực ra, thành phố này đã có từ lâu, trong cả sử thi Ấn Độ Mahabharata với cái tên Sakshiwana. Cái tên Agra là do vua Aikandar đặt lại vào năm 1504. Aikanda và con trai ông đã trị vì Agra cho đến năm 1526, bị mất vào tay vua Babur, vị vua đầu tiên của vương triều các Mughal. Dưới thời Babur, nơi này lại được đổi tên thành Akbarabad. Akbarabad đã từng là kinh đô của các vua Akbar, Jahangir & Shah Jahan của vương triều Mughal từ năm 1526 đến 1658. Vào thời của mình, Shah Jahan đã từng chuyển kinh đô từ Agra đến Shahjahanabad, mà bây giờ là một phần trong New Delhi. Sau khi Shah Jahan chuyển kinh thành về Shajahanabad, con trai ông Aurangzeb đã tiếm ngôi, chuyển kinh thành trở lại Akbarabad và giam vua cha vào 1 ngôi biệt điện trong pháo đài Agra. Sau đó vua Aurangzeb đã chuyển kinh thành đến Aurangabad vào năm 1658. Đến khi vương triều Mughal sụp đổ, Akbarabad mới lấy lại cái tên Agra. Thành phố rơi vào tay người Anh năm 1803 mãi đến khi Ấn Độ được độc lập vào năm 1947. Hiện nay, Agra là điểm du lịch hấp dẫn nhất Ấn Độ với 3 di sản thế giới, được xây dựng từ thời các Mughals là Lăng Taj Mahal, Pháo đài Agra và Thành hoang Fatehpur Sikri.


Taj Mahal được hoàng đế Shah Jahan xây dựng để tưởng nhớ người vợ yêu quý của mình, từ 1632 đến 1648. Câu hỏi ai là người thiết kế Taj Mahal vẫn chưa được sáng tỏ. Người ta cho rằng Ustad Ahmad Lahauri là kiến trúc sư chính, đã cùng đội ngũ các nhà thiết kế và thợ thủ công thiết kế công trình. Và chính Ustad đã ra lệnh chặt tay của những người thợ xây, khi công trình vừa hoàn tất, để họ không còn có thể xây một ngôi đền đẹp như thế này nữa (!).


Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mughal, tổng hợp các yếu tố của kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi Giáo. Tuy phần nổi bật nhất của lăng là mái vòm cẩm thạch trắng, thực tế cả Taj Mahal là tổng hợp các phong cách kiến trúc khác nhau. Năm 1631, hoàng hậu Mumtaz qua đời khi sinh đứa con thứ 14, Shah Jahan quá đau buồn trước cái chết của vợ yêu, mà sử sách có nói rằng là tóc của ngài từ đen đã trở sang bạc trắng, đã cho xây dựng lăng mộ này để tưởng nhớ hoàng hậu. Lăng chính được hoàn thành năm 1648, còn các công trình xung quanh cùng vườn cây được hoàn tất 5 năm sau đó.
(nguồn wikipedia & asiaexplorer)​


Đến đây là hết phần “thông tin tư liệu”. Giờ đến phần “người tốt việc tốt”. Dĩ nhiên là hình chụp Taj Mahal của tôi xấu hoắc vì nhiều lý do không kể xiết (!?) nhưng trong đó còn chất chứa cả phần "hồn" của chủ nhân nó nữa nên các bạn xem tạm. Các bạn lên mạng gõ thì ra rất nhiều hình diễm lệ của Taj Mahal… Bạn nào có quân Nguyên lên eBay hay Amazon.com mua cuốn Taj Mahal 365 ngày, được 1 tác giả đã ở đây và chụp Taj Mahal trong suốt 365 ngày (tin nổi không?), đẹp rực rỡ hoành tráng luôn. Còn bây giờ, cùng tôi đi thăm Taj Mahal trong một sáng sương mù ngày mùa Đông Ấn Độ nhé!


PB260005.jpg

Taj Mahal trong một sớm đông sương mù



PB260032.jpg

Thăm Taj Mahal ngày đông, sẽ không có nắng vàng trời xanh mây trắng.
Nhưng không đi mùa đông sẽ không có 1 sớm đi trong sương huyền ảo như thế này ở Taj Mahal.


(tbc.)
 
Cám ơn Bpk đã hỗ trợ thông tin cho mình, mình sẽ di chuyển chủ yếu bằng tàu hỏa trong Ấn, ngán nhất là chuyện trễ tàu nên cũng không dám xếp lịch 2 chuyến liền nhau.
Ôi trời mấy bài viết chơi trên báo PN của mình mà Bpk cũng biết nữa hả? Mình chủ yếu viết giới thiệu điểm đến thôi, đâu có hấp dẫn sinh động như các phóng sự nhiều kì trên này của Bpk. Mình thật sự ngưỡng mộ bạn đó!
Ô là la, ành Taj Mahal của Bpk đẹp quá đẹp quá, có thể nói là đẹp nhất trong số loạt ảnh Ấn Độ từ đầu topic đến giờ, theo ý kiến của mình. Nhất là tấm ảnh sương mù dưới chân đền đó, rất đặc biệt. Nếu Bpk cắt bớt khung ảnh, không để lộ nền gạch bên dưới thì mình sẽ tưởng như ngôi đền nằm giữa trời đó. Ôi không thể tin chỉ hơn 1 tháng nữa là mình sẽ được đứng trước ngôi đền này.
Nhìn trời trong ảnh của Bpk rất trong, khi nắng lên vàng thì trời sẽ xanh chứ sao lại không có "nắng vàng trời xanh" như Bpk nói nhỉ?
Nhưng mình cũng nghe nói Agra bị ô nhiễm không khí nặng lắm, bầu trời Agra thường xuyên mù mịt như vậy đó, chắc không phải do mùa đông đâu.
Bpk chia sẻ thêm về hành trình đi ngắm Taj đi, mình muốn băng qua sông chụp cái ảnh bình minh Taj soi bóng xuống dòng Yamuna thì nên khởi hành từ mấy giờ, hành trình cụ thể thế nào nhỉ.
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 2

@ hanhlienta, bpk không ngắm bình minh Taj Mahal soi bóng bên sông Yamuna, mà chỉ ngắm hoàng hôn thôi bên sông thôi. Điểm ngắm bên sông thì trong L.P có hướng dẫn, khu Mehtab Bagh. Nhưng bpk chỉ đến gần Mehtab Bagh, không mua vé để vào (tiết kiệm mà!) rồi đi vào trong vườn cây rậm rịt ven sông, đi xuống bờ cát rồi lội ra mép sông. Đi xe autorickshaw mất chừng 20phút từ xóm trọ balo Taj Ganj gần Taj Mahal đến đó. Bạn cứ canh giờ mà đi sơm sớm một tý cho chắc ăn. Nhưng lúc sáng sớm tối thui mà đi vào rừng cây đó hơi ớn đó nghen (LP khuyến cáo không nên ở đó khi trời tối). Hôm đó, vì chủ quan, mém tí xíu nữa bpk phải lội bộ từ đó về Taj Ganj. Ngoài ra, bpk còn thấy có 1 con đò từ phía Taj Mahal chở người qua lại trên sông nhưng bpk không biết cách đi đến bến đò đó như thế nào. Bạn thử hỏi người địa phương. Nếu đi đò thì từ xóm trọ balo đến bến đò (bên hông Taj Mahal) sang sông nhanh lắm.

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


Các bài trong các sub topic về Taj Mahal có sử dụng tư liệu của wiki & L.P.​


(cont.)


Taj Mahal, “A tear-drop on the face of eternity - Giọt nước mắt trên khuôn mặt vĩnh hằng" của đại thi sĩ Ấn Độ Tagore, “The embodiment of all things pure – Hiện thân của những gì trong trắng nhất” của nhà văn Anh Rudyard Kipling,… còn được tôn vinh là Eternal Tears, biểu tượng tình yêu vĩnh hằng, những giọt nước mắt thiên thu, những dòng lệ vĩnh hằng... hôm nay ta run rẩy đến bên người…


Dù đêm qua thức thật khuya, từ đám cưới về nhà nghỉ, tôi còn phải vào net và chép hình từ máy vào ổ cứng vì thẻ nhớ đã đầy… nên lúc chuông báo thức kêu, tôi cứ chập chờn chập chờn nửa mê nửa tỉnh không biết mình đang ở đâu. Nhưng chỉ vừa nhớ đến Taj Mahal là tôi bật dậy… và nhanh chóng ra ngoài. Trời vẫn còn tối đen, lạnh ngắt – dù sao cũng đang là những ngày đông mà. Cả bọn kéo nhau đến cổng đông Tah Mahal, hí hửng tưởng mình đến sớm nhưng té ra đã có 1 hàng người dài dằng dặc xếp hàng – nam riêng nữ riêng. Thế là xếp hàng, vừa xếp vừa nôn nóng là không biết đến khi mình đến nơi thì mặt trời đã lên chưa!?



Người ta cho rằng hàng năm có trên 10 triệu khách du lịch đến viếng thăm Taj Mahal. Những ngày cuối tuần, lượng khách lên đến 200.000 người – thật là 1 con số kinh khủng. Nhưng những con số cũng biết nói, phải không? Rất may là hôm nay, tuy hàng có dài nhưng thủ tục cũng nhanh chóng. Bạn được phát một chai nước và một đôi dép bằng giấy để sử dụng khi vào thăm lăng. Đôi dép đó quan trọng lắm, nếu được, bạn nên giữ kỹ hoặc mua dự phòng vì cái nắng trưa Ấn Độ trên đá cẩm thạch (không chỉ Taj Mahal mà còn ở Agra Fort) sẽ làm phỏng chân bạn đó… nhất là các bạn nữ hoặc người lớn tuổi (da dày như bpk thì không sao!!!).


PB260001.jpg

Cổng Đông lúc sáng sớm


PB261801.jpg

Cổng Đông, nhìn từ trong ra – mọi người đã tranh nhau vào viếng lăng chính Taj Mahal nên cổng vắng vẻ và đẹp rạng ngời


PB260089.jpg

Cổng Đông, khi nắng đã lên


Cổng chào (chúng tôi vào bằng cổng đông, gần khu balo Taj Ganj nhất) cũng sẽ làm bạn choáng ngợp vì vẻ hoành tráng của nó. Cổng này mang rõ kiến trúc Mughal với đá sa thạch đỏ có cẩn chạm và pha thêm đá cẩm thạch trắng. Đây là kiến trúc Mughal đặc trưng. Cổng mái vòm của cổng chính giống cổng mái vòm của lăng mộ, tuy khác về chất liệu. Cổng được trang trí với đá cẩm thạch trắng và đá quý khảm trong đó. Đá sa thạch đỏ, cẩm thạch trắng thì được chạm khắc hoa văn nổi còn đá quý thì cẩn, khảm chìm… cứ hòa vào nhau lung linh lấp lánh. Cũng may là tôi đã đên Delhi và Fathpur Sikri rồi nên cũng bớt choáng váng với cái cổng đẹp này. Bạn xem thử đi nghen, cũng rất nhiều người sững sờ và chụp hình nó như tôi vậy.


PB260083.jpg

Hành lang phía trong cổng giờ là gallery giới thiệu về danh lam thắng cảnh Ấn Độ.


PB260084.jpg



PB260085.jpg

Nhờ vậy, biết thêm về các điểm dự định sẽ đến (!?) – các đền đài nổi tiếng,
tượng đá cao 17.5m của thánh Gomateshvara (Bahubali) đạo Jain...


Phía mặt trong của cổng, nối với những dãy dài các mái vòm và những hàng cột chống. Hiện, dãy mái vòm được dùng cho 1 triển lãm những hình ảnh tuyệt đẹp về Ấn Độ huyền bí, gợi lên trong bạn bao khát khao. Sau khi vào bên trong cổng, bạn sẽ càng choáng ngợp hơn với tòa lăng mộ Taj Mahal mờ trong sương sớm và trong cả khói bụi, lúc nào cũng u ám Agra.

(tbc.)
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 3

(cont.)


Qua cổng rồi, nhưng bạn vẫn chưa nên vào Taj Mahal vội!!! Tôi sẽ lôi bạn đi xem nhiều nơi khác trước khi vào Taj Mahal. Còn nhiều kiến trúc đẹp khác bạn cần quan tâm trước khi bị Taj Mahal che mờ.


PB260060.jpg

Bóng cái tháp cao 40m ẩn hiện qua cửa vòm của ngôi thánh đường thấy bé xíu​


Bao quanh tòa lăng mộ diễm lệ là 4 tháp cẩm thạch cao hơn 40m, các minaret truyền thống của các thánh đường Hồi Giáo, nhưng ở đây lại nằm bao quanh lăng Taj Mahal thay vì nằm quanh thánh đường. Hơn 3 thế kỷ đã qua, những tháp nhọn này đã không còn thật thẳng đứng nữa nhưng các nhà kiến trúc lúc bấy giờ đã tính toán kỹ và xây dựng như thế nào đó mà bây giờ chúng lại hơi nghiêng theo hướng ra ngoài một tý – nhưng vẫn chưa đạt cỡ tháp nghiêng Pisa đâu (!?). Do vậy, nếu có sự cố vì hư hại hay vì động đất thì các cột đó cũng chỉ ngã ra ngoài mà không ngã vào trong Taj Mahal. Thật tài tình.


PB260045.jpg

Nhìn gần tháp


PB261807.jpg

Rồi nhìn từ xa


Các tháp cao này và những khu vực xung quanh nó có kiến trúc giống y chang nhau nhưng lại luôn khác nhau ở cùng một thời điểm. Nếu bên hướng đông của lăng, khi mặt trời lên, bạn đã thấy tòa Taj Mahal cùng 2 ngọn tháp bên đó rực rỡ hồng. Trong khi đó, bên bờ tây của lăng, sương từ sông Yamuna vẫn mờ mờ lan tỏa ôm ấp ngôi tháp nhọn và cả ngôi thánh đường Hồi Giáo vẫn còn ngái ngủ trong sương hồng. Sự khác nhau trong 1 khuôn viên đó làm tôi cũng phải “thay đổi”. Khác với khi viếng các nơi khác, tôi không cho phép mình dành thời gian ngồi một chỗ lặng nhìn chiêm ngưỡng… mà phải đi lòng vòng quanh Taj Mahal, quanh vườn… hòng mong bắt gặp được những khoảnh khắc đẹp rất khác nhau của Taj Mahal diễm lệ huyền hoặc.


PB260037.jpg

Bên này trời đã sáng trong



PB260046.jpg



PB260047.jpg

Bên kia, sương vẫn còn hồng​


Nhưng tôi đâu có thể phân thân được khắp chốn. Do vậy, chắc là tôi đã bỏ sót rất nhiều những khoảnh khắc đẹp của Taj Mahal rồi!


(tbc.)
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 4

(cont.)



Trước khi đến được lăng, bạn còn sẽ phải đi qua một khu vườn xanh ngắt. Kiến trúc vườn này nguyên thủy của Ba Tư, được Babur, hoàng đế Mughal đầu tiên đưa vào kiến trúc Mughal, Ấn Độ. Vườn này có tên Ba Tư là charbagh, có nghĩa là khu vườn thiên đường. Trong đó bao gồm cả cỏ cây hoa lá, nước và những dòng sông thiên đường. Lúc đầu, người ta lấy làm lạ là tại sao khác với các kiến trúc vườn Mughal khác là lăng mộ chính thường được đặt ở trung tâm, nhưng ở đây, lăng Taj Mahal lại nằm ở cuối khu vườn này. Nhưng sau này, khi phát hiện “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh, một khu vườn khác đối diện ngay bên kia sông Yamuna, người ta mới giả định rằng các nhà kiến trúc đã gộp luôn con sông Yamuna vào cấu trúc của khu vườn thiên đàng này và Yamuna chính là “dòng sông thiên đường”. Thật quá tài hoa!!!


PB260075.jpg



PB261806.jpg

Taj Mahal nhìn gần và nhìn xa qua khu vườn


Vườn đẹp, xanh tốt và hoành tráng, nhưng người ta cho rằng nó đã bị người Anh chỉnh sửa thành khu vườn cỏ kiểu Anh hơn là khi vườn thiên đàng nguyên thủy. Dù sao, nó vẫn đẹp và vào đây, ta sẽ thấy nó khác xa Agra gần kề bên ngoài biết bao, một không gian tuy có đông đúc nhưng vẫn quá xanh sạch và thanh bình so với 1 Agra quá xô bồ… bên ngoài.


Ngoài lăng mộ chính, trong khuôn viên còn có 1 thánh đường Hồi Giáo nằm bên tay trái (hướng tây) và một ngôi đền khác xây đối diện, ngày xưa là nơi nghỉ của khách viếng. Hai công trình này, cái chính là ngôi thánh đường, còn cái phụ, còn gọi là jawab, được xây dựng để tạo sự cân xứng, như hầu hết các kiến trúc Mughal. Jawab khác với thánh đường là không có 1 hốc tường hướng về phía Mecca ở bên trong, nơi người mộ đạo sẽ hướng về đó quỳ lạy khi làm lễ, như hầu hết các thánh đường Hồi giáo khác.


PB260032.jpg

Thánh đường trong sương


PB260033.jpg

Rồi nắng đã hồng trên mái, sương mỏng đi, nhưng vẫn còn vương vấn.


Thiết kế của thánh đường cũng giông giống Jama Masjid ở New Delhi, có 3 khu sảnh chính, 1 lớn chính giữa và 2 nhỏ 2 bên. Mỗi sảnh chính, dù làm bằng đá sa thạch đỏ, đều có một mái vòm lộng lẫy bằng cẩm thạch trắng tạo thành một sự phối màu rất ăn ý với các phù điêu trắng bằng cẩm thạch trên nền đỏ của các sảnh điện.


PB260029.jpg

Ở 1 góc nhỏ của thánh đường, ven sông, sương vẫn còn dày đặc dù nắng đã lên cao​


Sự lộng lẫy của Taj Mahal thường che mờ thánh đường Hồi Giáo này nhưng khi tôi đến, Taj Mahal lại không có sương bao quanh mà ngôi đền này lại có, do nằm gần rừng bách và gần sông Yamuna nên ở đây sương vẫn còn lãng đãng – còn ở đền chính Taj Mahal thì lại không còn sương. Nhờ vậy các ngôi đền này chợt trở nên lộng lẫy, huyền bí hơn Taj Mahal nhờ làn sương mỏng như dải lụa trắng ôm quanh ngôi đền đỏ. Đẹp lạ!


(tbc.)
 
bác backpakervn ơi, em thấy khâm phục bác quá, đáng lẽ ra tháng ngày 19/12 này em đã lên đường sang Ấn Độ rồi, nhưng trớ trêu thay công việc hành hạ em phải hủy bỏ chuyến đi mà em mơ ước. hy vọng sang năm sau em và bác sẽ có cơ hội đi cùng nhau nhé.
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 5

(cont.)


Còn bây giờ là đến Taj Mahal nhé! Bây giờ là giọt nước mắt thiên thu nhé! Bây giờ… bây giờ… bây giờ…


Tôi đi Ấn Độ mùa đông. Người ta có thể nói với bạn rằng xung quanh Taj Mahal bây giờ quanh năm sương khói bụi phủ mịt mù do ô nhiễm, chẳng cần phải đi mùa đông vẫn thấy Taj Mahal mờ mờ trong “sương”. Có thể người ta đúng, có thể không… tôi chưa biết, nhưng cảm giác một buổi sáng đầu ngày đông lạnh tê tái, khi bầu trời trong trẻo hơn vì có chút bụi bẩn nào của Agra đã bị hơi ẩm sương đêm rửa bớt, khi những con chim non khe khẽ cất giọng ríu rít gọi mẹ, gọi bạn trong cái lạnh ngày đông, khi những làn gió đông lạnh lạnh chợt kéo về làm rơi những giọt nước lạnh băng trên lá, trong góc vườn vắng tanh, làm tỉnh cả người… được nhìn Taj Mahal trong sương mù xa xa quả là một niềm hạnh phúc vô biên.


PB260006.jpg

Xa xa trong sương sớm


PB260002.jpg

Gần hơn, vẫn trong sương sớm


Góc vườn vẫn vắng vì dòng người đã đổ vào Taj Mahal, tìm kiếm vẻ diễm lệ trong sương mù của “giọt nước mắt thiên thu”… tôi vẫn ở 1 góc xa xa nào đó, lặng nhìn về Taj Mahl sau khi đi lăng quăng đã đời. Mặt trời đã bắt đầu nhuốm chân mây. Nơi đằng đông, những đám sương màu hồng thay vì những ngón tay hồng của thần mặt trời bắt đầu ve vuốt lên Taj Mahal vẫn lặng lẽ đứng lạnh lẽo xa xa, chẳng buồn hạ mắt nhìn đám người bé tí đang lộn xộn lóc ngóc dưới chân.


PB260018.jpg



PB260012.jpg

Xa xa nắng đã nhuốm chút hồng


PB260017.jpg

Gần hơn một chút


PB260022.jpg

Gần hơn chút nữa​


Trong vườn, chim đã về nhiều. Không có những con quạ đen đáng ghét luôn chao chát, chỉ có nhiều những chú chim non và những con sáo sậu vui đùa trên thảm cỏ đã ấm áp khi nắng về. Khói sương quanh lăng đã mòn, chỉ còn nhiều sương khói trong lòng người.


PB260024.jpg

Nắng đã lên, lăng trở nên sáng trắng trong veo​


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,675
Bài viết
1,171,167
Members
192,350
Latest member
buyhotmail1947
Back
Top