What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Rực rỡ Agra – 4

(cont.)


Gần với Diwan-i-Am là Thánh đường Moti (Moti Masjid hay Pearl Mosque). Thánh đường này có tên đó do sự duyên dáng tỏa sáng lấp lánh như ngọc trai của nó. Thánh đường này do vua Shah Jahal xây dựng làm nơi cầu nguyện cho những thành viên trong hoàng tộc. Thánh đường này đặc biệt có 3 mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng tỏa sáng lấp lánh lại nằm trên những bức tường đá sa thạch đỏ nâng đỡ phía dưới. Điều thú vị là ở các nhánh chạy dọc 2 bên gian điện chính, có các cấu trúc mái vòm Hindu nhỏ nằm trên mái của các “hành lang” này.


PB260114.jpg

Moti Masjid


PB260166.jpg

Điện đài xa xa phía sau Moti Masjid


PB260141.jpg

Mặt sau của 1 dinh thự nào đó trong hoàng thành Agra.​


Cũng gần Moti Masjid là 1 thánh đường nhỏ hơn nhưng rất tinh xảo, Nagina Masjid (Gem Mosque, Jewel Moaque) do vua Shah Jahan cho xây dựng làm nơi cầu nguyện riêng cho nữ giới trong hoàng thành. Thánh đường nhỏ nhắn này được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng. Nhìn tuy đơn giản nhưng những đường nét của thánh đường rất mềm mại tinh xảo. Thánh đường này được chia làm 3 gian nhỏ, với các tháp mái vòm và những khung cửa vòm rất duyên dáng – như những vị khách xinh đẹp từ thời xa xưa của nó.


PB260144.jpg

Nagina Masjid



(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 5

(cont.)


Và đã nhắc đến Diwan-i-Am thì không thể nhắc đến Diwan-i-Khas, cung mật khu, luôn đi đôi với Diwan-i-Am. Diwan-i-Khas ở hoàng thành Agra cũng là nơi tiếp kiến thượng khách ngoại quốc, các đoàn sứ giả… được xây dựng vào năm 1635. Diwan-i-Khas có trần phẳng được dát những lá vàng và bạc chiếu lấp lánh như những tia nắng mặt trời. Khác với các kiến trúc thời Shah Jahan, nó có kiến trúc bằng đá sa thạch đỏ chứ không phải là cẩm thạch trắng. Chiếc ngai vàng chim công (Peacock Throne) làm bằng vàng, ngọc và kim cương lộng lẫy trước kia đã được để ở đây, rồi sau đó vua Aurangzeb mới chuyển nó đến Delhi và sau đó nữa thì nó rơi vào tay người Ba Tư vào năm 1739. Chiếc ngai vàng này được làm từ lúc vua Jehangir còn là hoàng tử, và nó được làm để tặng cho ngài. Vậy mà sau đó số phận đưa đẩy nó sang đến Ba Tư. Chẳng biết giờ nó ở đâu để tôi đến xin một vài mảnh nho nhỏ của nó – đủ tiền bỏ để việc quay lại Ấn Độ lần nữa!!!


fatehpur-sikri-5-diwan-i-khas1.jpg



Diwan-khas2.jpg

Diwan-i-khas


Shish Mahal (Mirror Palace) sở dĩ có tên gọi Cung điện Gương là vì các bức tường của nó được chạm khắc tinh vi với đá quý chiếu sáng lấp lánh.

PB260137.jpg

Bên trong Shish Mahal


PB260161.jpg

Bữa giờ chưa tự giới thiệu, giờ nhân tiện giới thiệu luôn hình của bpk tự chụp ở Shis Mahal nhé! Hình đẹp ghê hén!?


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 6

(cont.)


Đến hoàng thành Agra, du khách không thể nào bỏ sót được cung điện Musamman Burj, vì vẻ đẹp lộng lẫy cũng như những câu chuyện bi thương bên trong nó. Musamman Burj là tháp bát giác nằm kế bên Khas Mahal và cũng soi bóng bên dòng Yamuna (ngày xưa) trong xanh thơ mộng..


PB260140.jpg


Musamman Burj nhìn từ Mina Masjid


PB260126.jpg

Musammn Burj, nhìn từ Khas Mahal


Kiến trúc đẹp lộng lẫy này làm bằng đá cẩm thạch trắng này ngoài vẻ đẹp khác thường ra còn có 1 ý nghĩa lịch sử quan trọng. Lúc trước nó chỉ là một tháp canh nhỏ ven sông, được xây dựng bởi vua Akbar, có lẽ để canh phòng lúc nơi đây còn là pháo đài đúng nghĩa, Musamman Burj sau đó mới được vua Shah Jahan xây dựng từ 1631 đến 1640, cũng để tưởng nhớ hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đây cũng là nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng Taj Mahal từ bên kia sông.


PB260131.jpg



PB260152.jpg



PB260132.jpg

Bên trong Musamman Burj​


Nhưng đây cũng chính là nơi vị vua bị tiếm ngôi, người cha bạc phước, người chồng chung tình Shah Jahan đã bị chính con trai của mình tiếm ngôi và giam giữ nơi đây trong suốt 8 năm dài đằng đẵng, mãi cho đến khi ông qua đời vào năm 1666. Điều duy nhất có lẽ an ủi ông là đây là nơi đẹp nhất ở hoàng thành Agra mà ông có thể hàng ngày nhìn ngắm được Taj Mahal diễm lệ bên kia dòng Yamuna (ngày xưa) tươi đẹp. Người ta cho rằng, nơi đây ông cũng đã khóc mòn mỏi mỗi ngày “những giọt lệ thiên thu” khi nhìn về Taj Mahal, “giọt nước mắt trên gò má trần gian” thăm thẳm buồn bên kia sông. Truyền thuyết còn kể lại, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ánh mắt của vua Shah Jahan vẫn luôn hướng về nơi người vợ yêu của ông đang yên nghỉ, Taj Mahal.


PB260146.jpg

Taj Mahal nhìn từ Musamman Burj, mờ mờ giữa trưa nắng bên kia dòng Yamuna.


Tôi đến đây vào một trưa mùa đông đất trời Agra mờ mịt khói bụi. Nắng đã lên cao nhưng Taj Mahal vẫn còn mãi chìm sâu trong sương bụi mờ trời. Tôi cũng buồn, nếu là ông, chắc tôi còn buồn lắm lắm vì giờ đây tôi chỉ còn nhìn được Taj Mahal như 1 ảnh ảo bên kia sông mà thôi. Khói bụi đã che mờ Taj Mahal của ông mất rồi, nhưng khói bụi có che nổi lòng người? Lặng ngồi, chìm trong bóng râm của 1 đền đài cũ vắng không người qua lại, tôi vẫn cứ nhìn về bên sông, về Taj Mahal lúc ẩn lúc hiện trong màn khói sương lúc nhặt lúc thưa. Bao giờ tôi có thể trở lại một Agra trong lành để có thể được nhìn Taj Mahal lộng lẫy trong ngày nắng mùa đông vẫn rực rỡ ngời sáng, yêu kiều soi bóng bên dòng Yamuna xanh xanh tươi tốt?


Bao giờ cho đến bao giờ…!?


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 7

(cont.)


Gần Musamman, Diwan-i-Khas có thánh đường nhỏ Mina Masjid (Heavenly Mosque) của riêng nhà vua sử dụng. Đây là thánh đường nhỏ, kiến trúc đơn giản bằng đá cẩm thạch trắng. Khi Musamman Buji đóng cửa để trùng tu, thì đây là nơi tốt nhất bạn có thể chiêm ngưỡng Taj Mahal diễm lệ mờ mờ bên kia sông.


PB260135.jpg

Thánh đường nhỏ Mina Masjid


Trước Diwan-i-Khas là khu vườn Anguri Bagh, hoa lá xanh tốt. Khu vườn này cây cối các loại được phân chia theo các kiến trúc hình học rất lạ mắt. Chắc còn có ý nghĩa gì đó mà tôi cũng chẳng biết. Nhìn khu vườn rực rỡ này bên cạnh các di tích xưa, dù giữ kỹ nhưng cũng có quá nhiều dấu ấn thời gian, chợt mơ về thời hoàng kim ngày xa xưa của các vị vua chúa. Làm vua chắc sướng lắm! Nhưng còn làm dân đen thời đó thì sao hén? Thôi, ngừng mơ!!!


PB260177.jpg

Một góc vườn hoa Anguri Bagh trước cung Khas Mahal


Khas Mahal là một cung điện bằng đá cẩm thạch màu trắng nằm gần Musamman Burj. Cung điện này nổi tiếng vì các điêu khắc tinh xảo trên đá cẩm thạch và các tranh khắc trên đó. Cũng được xây dựng bởi vua Shah Jahan từ 1631-1640, Khas Mahal (còn có tên Aramgah-i-Muqaddar) nằm kề bên dòng Yamuna và trước mặt là vườn hoa lộng lẫy Anguri Bagh. Ngay trước cung điện, trước cả vườn hoa Anguri là bể phun nước cũng bằng đá cẩm thạch trắng. Cung điện được vua xây dựng tặng 2 công chúa cưng của ngài, Jahanara và Roshanara. Bên trong cung điện trắng tinh khiết này, các chạm khắc mang màu sắc hoàng gia, vàng và xanh, sáng lấp lánh khắp nơi như tôn lên vẻ kiều diễm của 2 nàng công chúa xinh đẹp. 2 nàng thật sự hạnh phúc hén, khi buồn có thể ra ngắm con sông Yamuna xinh đẹp sau nhà, khi vui ,có thể hái hoa bắt bướm, đùa giỡn trong khu vườn muôn hoa nghìn tía, hay tung tăng cùng đám tỳ nữ, đùa vui cùng những giọt nước mát lạnh từ cái bể phun nước trước nhà. Ôi, ngày xưa, Ôi! công chúa…!!!


PB260118.jpg

Khas Mahal nhìn nghiêng


PB260164.jpg

Khas Mahal nhìn thẳng


PB260136.jpg

Chạm khắc tinh xảo bên trong Khas Mahal


PB260116.jpg

Khas Mahal quyến rũ qua khung cửa vòm

(tbc.)
 
Last edited:
Rực rỡ Agra – 8

(cont.)

PB260102.jpg

Cung điện của vua Jehangir (Jehangir’s Palace lúc trời mù)


PB260167.jpg

Cung điện của vua Jehangir (Jehangir’s Palace lúc nắng lên)



Và di tích nổi bật, to hoành tráng nhất trong hoàng thành Agra là cung điện Jehangir (còn gọi là Jahangir Palace, Jahangiri Mahal). Cung điện này xây bằng đá sa thạch đỏ có kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc Ấn Độ và Trung Á. Những bức tường trong cung điện chạm khắc đầy những hoa văn bằng ký hiệu, dấu móc tinh xảo… ngay cả trên các cột, dầm, xà… Người ta cho rằng nó được vua Akbar xây tặng cho con mình, hoàng tử Salim, sau đó sẽ lên ngôi là vua Jehangir. Cũng có truyền thuyết nói rằng đây là hậu cung cho hoàng hậu và cung tần người Rajput của vua Akbar…



PB260180.jpg

Cánh cổng bí hiểm vào trong Jehangir Palace – phía sau đó là bát ngát điện đài


PB260173.jpg



PB260168.jpg

Bên trong cung điện Jehangir


PB260172.jpg


PB260171.jpg

Các chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch đỏ của cung Jehangir


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 9

(cont.)


Trước mặt cung điện Jehangir là 1 cái chén lớn, Hauz-i-Jehangir, được tạc từ một khối đá lớn nguyên tảng. Người ta cho rằng nó dùng để chứa nước dành cho việc tắm rửa. Có cần đục đẽo nguyên 1 khối đá lớn như vậy để làm đồ chứa nước không vậy ta?! Ai biết giải thích giúp, có thưởng, có thưởng…!!!


PB260184.jpg

Cái chén đá Hauz-i-Jehangir trước cung Jehangir


PB260127.jpg



PB260123.jpg



PB260122.jpg

Những kiến trúc ít tên tuổi, những góc nhỏ góp nhặt… khi lang thang trong hoàng thành Agra.​


Lang thang trong hoàng thành Agra, lòng tôi dấy lên nhiều cảm xúc khó tả, nhưng không lẫn vào đâu được là lòng ngưỡng mộ người xưa vô bờ, không phải vì những gì hùng tráng họ đã làm được mà là những gì tinh tế họ đã để lại cho đời sau. Vì tình yêu, vì đam mê, có thể vì tham vọng để lại cho mai sau dấu ấn rực rỡ của vương triều… các vị vua cùng thần dân của mình đã để lại cho người đời những di sản vô giá. Về 1 khía cạnh nào đó, bao nhiêu máu xương và mồ hôi đã đổ cho những công trình này, và sự ngưỡng mộ của tôi, không chỉ dành cho những vì vua chúa mà còn cho những thân phận con ong cái kiến vô danh đã ngày đêm cần mẫn làm việc để lại những vinh quang hào hùng của 1 thời oanh liệt cho con cháu mai sau. Chính họ, những nô lệ, những tù nhân, những tiện dân… NHỮNG NGƯỜI DÂN đã làm nên điều kỳ diệu.


Bây giờ, đến Ấn Độ, có thể bạn sẽ gặp rất, rất nhiều những phiền toái… làm bạn dễ nản lòng nhưng khi chạm tay vào những phiến đá cẩm thạch trắng trong mát rượi, điêu khắc tinh xảo trong những cung điện đền đài tráng lệ này, bạn sẽ thấy lòng lắng xuống. Dù ngoài kia, khói bụi vẫn mờ mịt trời Agra, dù ngoài kia, những đám đông vẫn ồn ã tranh giành nhau, cau có nhau, giận dữ nhau, cấu xé nhau… vì cuộc mưu sinh mà họ đã trót vướng vào từ ngày mang nặng thân xác con người... Cuộc sống muôn đời như vẫn vậy, may sao vẫn còn những Taj Mahal, những hoàng thành Agra,… để là những nốt ngân dìu dặt ru êm cõi đời nhiều phiền muộn này.


(tbc.)



P/S: Bữa giờ đọc cuốn Cọp Trắng, hết muốn gõ về Ấn Độ luôn. Bần thần mất mấy ngày. Bạn nào muốn đi Ấn, đừng nên đọc trước cuốn sách này, dù nó rất hay (đoạt giải Man Booker 2008).
 
Last edited:
Rực rỡ Agra – 10

(cont.)


Rời hoàng thành Agra, tò mò vì nghe giới thiệu về thánh đường Jama (Masjid Jama) của Agra, tôi lóc cóc cuốc bộ hướng đến đó. Thấy mọi thứ ở hoàng thành Agra đều to đẹp hơn Pháo đài Đỏ, Red Fort của Delhi, mà Masjid Jama của Delhi thì đã quá hoành tráng, nên tôi hăng hái quyết tâm lên đường, dù đã xế chiều, trời nắng nóng rất oi bức và đường phố đông đen những bụi khói mù mịt, đặc sản Agra.


PB260191.jpg



PB260188.jpg

Thánh địa Masjid Jama ở Agra


Đi qua khu buôn bán Kinbari đông nghìn nghịt, tôi hân hoan khi thấy ngôi thánh đường lấp ló xa xa phía trước. Dù gì thì ngôi thánh đường này cũng được xây vào thời vua Shah Jahan, năm 1648, chứ đâu có ít gì. Nhưng đến nơi thì hỡi ôi. Ngoài cái to to ra, thánh đường này chẳng có gì đặc sắc cả, mà lại xuống cấp, cũ kỹ rất nhiều nữa. Trong sân đang xây dựng sửa sang gì đó, gạch ngói đổ ngổn ngang. Do vậy, ngắm nghía sơ qua, tôi tranh thủ ra về, kiếm đường đi thăm Baby Taj và các nơi khác. Cũng đã muộn muộn rồi.


PB260192.jpg

Bên trong Masjid Jama của Agra – thánh đường đã bị thời gian tàn phá quá nhiều rồi!​


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 11

(cont.)


PB260195.jpg

Cổng đông của Baby Taj


PB260198.jpg

Phía sau cánh cổng là Baby Taj sáng ngời trong nắng​


Rời Masjid Jama, tôi quay lại hoàng thành Agra. Lý do đơn giản là tôi muốn ngó nó một lần nữa. Lý do phụ là những người tài xế xe rickshaw ở khu chợ ít giao tiếp tiếng Anh. Đến cổng hoàng thành, trao đổi một hồi, tôi leo lên một chiếc rickshaw hướng về Baby Taj. Nhìn anh tài đen đúa gầy gò còng lưng đạp xe chở tôi đi trong nắng nóng oi bức buổi chiều Agra mịt mù khói bụi tôi cũng thấy tội nghiệp – nhưng biết làm sao bây giờ. Lên cầu, qua sông, chen trong đám xe cộ đủ loại đang gầm rú xả khói đen mịt mờ, cuối cùng tôi cũng đến Baby Taj, nằm khép nép sau một cánh cửa hùng vĩ bằng đá sa thạch đỏ rực.


PB260199.jpg



PB260211.jpg

Baby Taj rực sáng trong nắng chiều


PB260202.jpg



PB260204.jpg



PB260205.jpg

Baby Taj và các cổng Nam, cổng Bắc


Itmad-ud-Daulah là tên chính thức, nhưng hay được gọi là Baby Taj, là 1 lăng mộ kiểu Mughal, xem như là một Taj Mahal thu nhỏ. Do được xây dựng trước cả Taj Mahal (1622-1628), đôi khi nó còn được xem là bản nháp cho 1 Taj Mahal diễm lệ sau này. Sau khi xây xong Baby Taj cho cha mình, hoàng hậu Nur Jahan, vợ vua Jahangir (Jehangir) cũng đã cho xây một ngôi mộ khác, kiến trúc tương tự cho chồng, đức vua Jahangir tại Lahore – khi nào tôi mới may mắn sang được Pakistan để viếng ngôi mộ đó?


(tbc.)
 
Last edited:
Rực rỡ Agra – 12

(cont.)


PB260223.jpg

Cổng Nam của Baby Taj​


Ngôi mộ này, cũng được xem là 1 kiến trúc chuyển giao giữa nguyên liệu đá sa thạch đỏ của kiến trúc Mughal thời Humayan, Akbar… sang giai đoạn đá cẩm thạch trắng từ bắt đầu từ ngôi đền Taj Mahal. Lăng mộ này là của hoàng hậu Nur Jahan, vợ của vua Jahangir (Jehangir) xây dựng cho cha của mình, Mirza Ghiyas Beg. Mirza Ghiyas Beg cũng chính là ông ngoại của hoàng hậu Mumtaz Mahal, “chủ nhân” của Taj Mahal diễm lệ. Như vậy, nhà của ông này xinh ra toàn người đẹp hén – tám chút chơi!


PB260194.jpg

Cổng Đông Baby Taj – dịu màu khi không có nắng


PB260224.jpg

Cổng Đông Baby Taj – rực rỡ khi đón nắng chiều​


Nằm bên bờ trái sông Yamuna (Taj Mahal nằm ở bờ bên kia), lăng Baby Taj nằm trong 1 khu vườn Mughal (Chabagh), được chia cắt thành hình chữ thập rất cân đối bởi các con hào nước, làm bằng đá sa thạch đỏ. Ngôi đền hình vuông, ở mỗi góc cạnh có 1 tháp bát giác cao 13m – cũng hơi giống các minaret ở Taj Mahal. Bên trong Baby Taj các vách đá cẩm thạch trắng được cẩn khắc các loại đá bán quý sáng lấp lánh, ganh đua cùng các hoa văn chạm trổ trên đá cẩm thạch tinh xảo. Các chạm khắc này chủ yếu là hình các bình hoa, tỏa sáng long lanh với những bông hoa nhiều màu sắc bằng đá quý.


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 13

(cont.)



PB260222.jpg

Toà tháp bát giác của Baby Taj đẹp lộng lẫy


PB260231.jpg



PB260232.jpg

Chạm trổ, cẩn khắc tinh xảo, cầu kỳ trong Baby Taj


Baby Taj có 4 cổng, cổng chính của Baby Taj nằm hướng đông, là cổng duy nhất ra vào được. 3 cổng còn lại, chỉ được xây ở 3 hướng Tây, Nam, Bắc chỉ để các kiến trúc có tính đối xứng, theo quy định của kiến trúc vườn Charbagh, Mughal. Những chiếc cổng bằng đá sa thạch đỏ này được chạm khắc, trang trí bằng cẩm thạch trắng và có 2 tầng. Chiếc cổng được trang trí cầu kỳ nhất là cổng Tây, nằm ngay bên bờ sông Yamuna. Do được xây như cung điện nhỏ nên nơi đây được cho là nghỉ ngơi yêu thích của Itmad-ud-Daulad. Lăng mộ nằm ngay giữa vườn hoa, bao quanh bởi các bể phun nước và các hào nước – đã khô cạn những ngày này.


PB260216.jpg

Chiều đã xanh, Baby Taj chợt rực rỡ ánh vàng khi đón nhận những tia nắng cuối ngày​


Tôi đến Taj Mahal chiều cũng đã dần nhạt nắng, dưới sông, từng đàn trâu đã thong thả trên đường về nhà. Tôi lang thang trong khuôn viên hơi vắng vẻ, thoáng đãng của Baby Taj lòng thoáng buồn vì ngày Agra của mình đã sắp hết. Xong xuôi “công việc” tôi ghé đến cổng Tây, cũng là tòa nhà ưu thích của Mirza Ghiyas Beg ngồi nhìn sông chiều. May mắn làm sao, sông chiều trở nên trong trẻo hơn không nhiều bụi mờ như trưa hoàng thành Agra nên tôi có thể phóng tầm mắt ra xa để hồn trôi trên con sông Yamuna đang lững lờ chảy, như vẫn chảy từ ngày Baby Taj này diễm lệ soi bóng làm đẹp dòng sông, khi còn chưa có Taj Mahal danh tiếng.


PB260220.jpg

Trâu về trên sông chiều – làng quê xa xa hiền hòa



PB260221.jpg

Tôi đã ngồi đây để hồn trôi trên sông chiều, tan trong sông trôi…



Biết đến bao giờ tôi mới lại có một buổi chiều ngắm dòng Yamuna từ Baby Taj – tôi tự hỏi mình - không chỉ một lần!



(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,168
Members
192,353
Latest member
buyverifiedwised
Back
Top