What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Rực rỡ Agra – 14

(cont.)


Chào Baby Taj, khi lòng nặng những nỗi buồn vô cớ, trĩu những tâm tư, tôi đi tiếp đến một ngôi lăng khác, cũng rất nổi tiếng ở Agra – lăng Chini-ka-Rauza.


PB260233.jpg

Chini-ka-Rauza trong chiều muộn


PB260246.jpg



PB260249.jpg

Nhưng ở 1 góc khác lại sáng ngời trong nắng chiều​


Chini-ka-Rauza, lăng mộ của một viên tướng cao cấp, mà cũng là nhà thơ nổi tiếng Afzal Khan dưới thời vua Shah Jahan. Lăng này được xem là một mốc quan trọng trong kiến trúc Ấn Độ - Ba Tư. Đây là công trình đầu tiên ở Ấn độ được sử dụng gạch men màu để trang trí và ốp lát. Lăng mộ này được xây dựng từ 1628-1639, trong cùng thời gian Shah Jahan cho xây dựng Taj Mahal và cả nhiều công trình khác theo phong cách Mughal với đá cẩm thạch trắng hoặc sa thạch đỏ, nhưng cái này thì không. Lăng mộ được xây bằng đá nâu sau đó mới ốp lát gạch men nhiều màu sắc, mà người ta cho rằng có xuất xứ từ Trung Hoa, thay vì cẩn khảm bằng đá quý. Không có đá quý nhưng những viên gạch men nhiều màu sắc, sáng bóng, phản quan… tạo cho lăng có 1 sắc thái hoàn toàn khác các lăng Mughal và cũng không kém phần rực rỡ vì chúng phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Ý tưởng của nhà thơ này khi chọn những viên gạch men sáng màu để trang trí là vì ông muốn nơi ông nằm xuống luôn được sáng rực rỡ.


PB260241.jpg



PB260239.jpg

Men sứ lấp lánh của 1 thời vinh quang


Thời gian đã trôi qua, đã gần 4 thế kỷ, giờ chỉ còn những mảng tường nhỏ còn sót chút gạch men bám trên những vách tường loang lổ già nua, nhưng không vì thế mà chúng ta không thể tưởng tượng ra được vẻ huy hoàng rực rỡ ngày xưa. Thêm vào đó, mái vòm của ngôi mộ có kiến trúc Afghan, hình đóa sen ngược, với những chạm khắc trang trí những bản văn thơ Hồi giáo, tôn thêm nét duyên dáng cho cái lăng cô quạnh nằm lặng lẽ bên dòng Yamuna.


(tbc.)
 
Rực rỡ Agra – 15

(cont.)


PB260235.jpg

Tháp xưa kiêu hãnh soi bóng bên sông


Ngày xưa, ngôi lăng có tường thành bao quanh và có 2 cổng ra vào, nối liền với 2 tháp bát giác 3 tầng. Giờ tường thành đã thành gạch vụn, đã nát tan, chỉ còn một chiếc tháp đứng xa xa chơi vơi bên dòng Yamuna. Chẳng biết tháp còn đứng được bao lâu vì đã tàn úa lắm rồi. Tuy là 1 điểm du lịch nhưng lúc tôi lang thang cuốc bộ đến, nơi đây chỉ có mình tôi. Sau đó mới gặp một cặp 2 người bạn già 1 Đức, 1 Mỹ ghé thăm. Tôi có nói chuyện đôi câu với họ, sau khi tôi bực mình cãi nhau với ku lái xe của 2 người đó, khi ku đó nói Việt Nam thuộc Trung Quốc (!?). Nhờ mấy câu nói chuyện xã giao đó mà sau này tôi lại gặp may. Tám nhiều khi cũng có lợi hén – miễn đừng có tám nói xấu người khác sau lưng – tôi rút ra kinh nghiệm rồi đó.


PB260244.jpg

Sông quê êm đềm


PB260245.jpg

Những chiếc “bánh” phân trâu bò phơi khô chợt đẹp lạ trong một chiều quê êm ả, khi vừa thoát khỏi Agra ồn ào.


Rời khỏi lăng Chini-ka-Rauza, tôi đi lòng vòng quanh thôn xóm ven sông. Cách trung tâm Agra không bao xa nhưng nơi đây thật yên ả. Những người phụ nữ trong xóm đang trộn phân trâu bò với rơm, nện thành những chiếc đĩa tròn nho nhỏ phôi khô để làm chất đốt. Những bán phân đó nằm ngay ngắn thẳng hàng như những đốm nâu nâu làm nền cho những chiếc saree nhiều màu chợt sáng hẳn lên trong chiều muộn.


Rồi tôi lại lên đường, hướng về “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh. Hoàng hôn sắp rơi trên Taj Mahal, trên dòng Yamuna rồi. Nhanh nhanh thôi!
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 10

(cont.)

Như đã hứa, đã thề… chiều nay tôi lại quay lại với Taj Mahal – những giữa chúng tôi đã bây giờ đã có 1 dòng sông ngăn cách!!!


Chiều đã về thật muộn trên dòng Yamuna. Tôi nhảy xuống rickshaw trước khi xe đến Mehtab Bagh, và đi len lỏi xuống con đường mòn nằm trong khu vườn cây mộc cao ngút ven sông. Tôi chọn đường này vì 2 lẽ, có vào Mehtab Bagh giờ này tôi cũng không còn thời gian xem ngắm vì mặt trời đã hồng rực chân trời, lý do thứ 2 là theo L.P, điểm ngắm hoàng hôn hoặc bình minh rơi trên Taj Mahal không cần tốn tiền và thoải mái nhất chính là trên bờ sông của dòng Yamuna! Lý do phụ là lý do chính!!!


PB260272.jpg

Quê nghèo


PB260334.jpg

Chiều trên bến sông


PB260267-1.jpg

Nhìn thật gần, Taj Mahal vẫn sáng trắng trong tinh khiết trong chiều


PB260257-1.jpg

Nhìn xa, Taj Mahal đã nhuốm trong nắng vàng chiều hôm


Sông Yamuna mùa này cạn khô, để lộ 1 bãi cát xam xám nhờ nhờ chạy ngút ngàn. Nước sông đã chuyển màu xanh đen đùng đục với nhiều rác trôi trên sông và tấp nơi ven bờ, nhưng kiểu sông rạch này cũng không xa lạ lắm với cư dân Sài Gòn nên tôi cũng thấy bình thường. Chỉ thấy tội nghiệp con sông trong xanh, là con sông thiên đường ngày nào giờ bị con người nhẫn tâm hành hạ đến như vậy. Mà tôi cũng đến đây đâu phải để ngắm sông, tôi đến đây chỉ vì hoàng hôn rơi trên Taj Mahal thôi mà.


Bãi sông vắng lặng, lũ trâu bò đã rủ nhau về làng gần hết, chỉ còn 2 con nghé con lang thang cùng mấy chú bé quê lam lũ. Chắc chúng phải đi kiếm ăn ở đâu thật xa về vì bờ sông chỉ toàn là cát và rong bẩn nhờn nhợt. Bãi sông vắng tanh. Du khách lúc đầu chỉ có tôi và 1 bạn người Nhật. Còn các bạn khoai Tây thì ngồi trong Mehtab Bagh nhìn xuyên qua hàng rào kẽm gai dày đặc (!) để ngắm hoàng hôn Taj Mahal.


PB260255-1.jpg

Rồi Taj Mahal bắt đầu hồng lên trong ráng chiều


PB260314-1.jpg

Yêu kiều soi bóng ven sông


Khi tôi đến, nắng vẫn còn vàng, cái nắng vàng cuối ngày đông hoang hoải vì sương bụi mù. Nhìn sang bên kia sông, ở góc này, có thể thấy Taj Mahal ánh lên sắc vàng dìu dịu, vòng sang hướng khác, lại thấy Taj Mahal trắng sáng tinh khiết, vòng sang hướng ngược với ánh sáng, chụp một tấm hình ngược sáng, lại thấy Taj Mahal mang một màu huyền bí khác.


(tbc.)
 
Last edited:
quá lâu rồi mới vào đọc lại bài của bpk, năm mới chúc bpk sức khỏe dồi dào và tiếp tục khám phá thành công mọi nẻo đường ở nhiều nơi trong năm 2010

davidd có lưu ý trang số 2 bpk nói về chùa linh sơn, nhưng hơi bị lạ là chữ hàn ko phải linh son tự

1. tấm hình đầu tiên có 2 dòng chữ hàn được dịch là :

niết bàn thánh địa ( chữ đỏ )
song lâm phật tự ( chữ đen )

2. tấm hình có chữ việt trước chánh điện - tấm thứ 2 có 2 dòng chữ hán được dịch là :

linh sơn tự ( tiếng việt - hàng thứ nhất )
đại hùng bảo điện ( hàng thứ 2 )
song lâm tự ( hàng thứ ba )

 
1. tấm hình đầu tiên có 2 dòng chữ hàn được dịch là :
niết bàn thánh địa ( chữ đỏ )
song lâm phật tự ( chữ đen )

2. tấm hình có chữ việt trước chánh điện - tấm thứ 2 có 2 dòng chữ hán được dịch là :
linh sơn tự ( tiếng việt - hàng thứ nhất )
đại hùng bảo điện ( hàng thứ 2 )
song lâm tự ( hàng thứ ba )

Theo link này thì:

"Chùa Việt Nam (Tại đây)

Chùa có tên là chùa Linh Sơn, tiền thân của ngôi chùa này là chùa Trung Quốc có tên là chùa Song Lâm do một Ni sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni sư viên tịch, chùa được hiến cúng cho Hòa thượng Huyền Vi (lúc ấy là Viện chủ chùa Linh Sơn ở Pháp). Ngôi chùa được đổi tên là chùa Linh Sơn"
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 11

@ Davidd, cảm ơn lời chúc đầu năm của bạn! Chúc bạn năm mới thành công, thành công, đại thành công… và có nhiều chuyến đi hấp dẫn nghen! Cảm ơn câu thắc mắc của bạn luôn nghen! Có gì cứ “théc méc” tiếp nghen, vì có biết sai mới sửa được.

@ Chitto, cảm ơn câu trả lời và những thông tin quý báu của bạn. Nhờ đó, bpk bổ sung thêm được chút kiến thức.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::



(cont.)


PB260316.jpg



PB260278-2.jpg

Ráng đã hồng chân trời


PB260281-2.jpg

Con đò nào sang ngang, có đưa ai đó vào xa vắng!!!???


Do tầm nhìn bên bãi sông rất rộng nên bạn có thể chiêm ngưỡng Taj Mahal từ nhiều góc độ và nhiều góc máy để thấy vẻ rạng rỡ đa cung bậc của “giọt nước mắt thiên thu diễm lệ”. Hix, và bạn cũng sẽ thấy đông đen những khách du trong đó. Sáng nay, tôi cũng đứng ở đó và nhìn sang bãi sông này một cách ơ thờ nhưng giờ tôi đã thấy mình may mắn. Trong đó chắc cũng có người nhìn sang sông thèm thuồng mấy thằng người bên kia sông đang thanh thản ngồi ngắm hoàng hôn, nhìn mặt trời chậm chậm rơi xuống Taj Mahal, xuống dòng Yamuna lững lờ trôi. Cũng thật hay là tôi đã quyết định nhảy dù chuyến sang sông ngắm hoàng hôn này, mà cũng không nhiều người thực hiện lắm, so với cả trăm ngàn khách viếng Taj Mahal mỗi ngày. Tối về, tôi mới biết là cả 3 đồng bọn của tôi đều không đến Mehtab Bagh kết thúc chuyến đi ở Baby Taj – dù điểm đến này các bạn đều biết và cũng dự tính là sẽ đi.


PB260290-1.jpg

Dòng sông hồng


Bầu trời mù sương khói của Agra cuối cùng lại có chút ít “điều tốt” – khi nó cản bớt ánh sáng, để mặt trời bây giờ trông như mặt trăng lửa đỏ rực – có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường. Và cũng nhờ lớp sương bụi mù đó, chút ánh sáng yếu ớt cuối ngày đã được khuếch tán thành một bầu trời hồng rực phủ trời tây, phủ lên Taj Mahal một màu hồng huyền hoặc dịu dàng.


(tbc.)
 
Sáng lấp lánh giọt lệ trần gian Taj Mahal – 12

(cont.)


PB260314-2.jpg

Chút nắng cuối ngày đã gần tắt


PB260328.jpg

Chỉ còn một nửa mặt trời!


Mặt trời đã xuống thấp lắm, gần chìm khuất rồi. Bầu trời đã sụp xuống theo. Dòng sông giờ lại đẹp mơ màng khi bóng chiều thẫm che đi những vết xấu xí mà con người đã đổ vấy lên nó. Taj Mahal giờ đang hồng rực, soi bóng xuống dòng sông, chợt lung linh khi có 1 con đò nhỏ rẽ nước đi ngang. Trên bãi sông, bầy quạ đen tiếc nuối một ngày đi, chưa chịu về tổ, đang cãi nhau chao chát cả trời chiều. Cũng may là trong bóng chiều hôm, trông chúng đỡ gớm guốc hơn lúc ban ngày và những chiếc bóng bay là đà của chúng đã tạo thêm những nét nhấn cho một bến sông quê, chiều buồn.


PB260331-1.jpg

TaJ Mahal trong chút ánh sáng cuối cùng của ngày


Bên kia sông, Taj Mahal giờ chợt bừng lên khi những tia nằng cuối ngày nuối tiếc vuốt ve những phiến cẩm thạch chưa chịu rời xa dù biết ngày mai sẽ gặp. Gió đêm trên sông bỗng về ùa về kéo theo cơn rùng mình – không biết vì nuối tiếc hay vì cái gì nữa, chỉ biết là cảm giác rất nghẹn, rất khó tả.


PB260323-2.jpg

Mặt trời đã chia tay Taj Mahal để ngày mai gặp lại, còn tôi thì đến bao giờ?


Tôi ngồi trong bóng đêm, khi quanh mình chẳng còn ai, khi Taj Mahal chỉ còn mờ mờ như ảnh ảo bên kia con sông Yamuna thì thầm chảy. Về đêm gió sông về nhiều và hanh hao buốt, làm lòng tôi đã lạnh càng thêm tê tái. Biết rằng không thể về trễ vì lý do an ninh và xe cộ, tôi vẫn cố nuối tiếc lần lữa, vì tôi biết rằng ngày gặp lại chắc nghìn trùng cách trở, muôn vàn khó khăn.…


Chia tay Taj Mahal. Khuya, tôi lại một mình rời Agra trong một đêm mùa đông nhiều gió lạnh. Gió trong lòng chắc nhiều hơn gió ngoài kia…
 
Jaipur – ra biên cương trong một chiều sương âm u… - 1

À trước khi kể tiếp về hành trình lang thang Ấn Độ, tôi chia sẻ với các bạn đi sau tý kinh nghiệm về việc đến “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh để ngắm bình minh hay hoàng hôn trên Taj Mahal. Lúc chiều, khi thả tôi xuống ở vườn cây ven sông, trước Mehtab Bagh, anh tài xế rickshaw có hỏi “mày có muốn tao chờ không”. Chủ quan vì nghĩ đây là khu du lịch sẽ có nhiều xe chờ, tôi bảo không, sau mới biết đó là sai lầm. Vì nơi đây hơi xa trung tâm Agra, du khách lại ít nên hầu như không có xe chờ khách. Hầu hết (auto)rickshaw đậu ở đây đều do khách yêu cầu ở lại chờ. Do vậy, khi tôi lững thững rời bãi sông để lên đường cái đi về, thấy có vài chiếc (auto)rickshaw, đến hỏi thăm thì đều biết là đang chờ khách, không còn chiếc nào trống cả. Hết cách, tôi bắt đầu cuốc bộ đi về. Đi một đoạn cũng xa xa rồi thì thấy có ánh đèn xe rồi một chiếc xe hơi đỗ kịch bên tôi. Té ra là cặp bạn già lúc chiều tôi gặp và tôi có tám chút chút ở trong lăng Chini-ka-Rauza, họ kêu tôi lên xe ngồi để đưa về. Hai bác này rất hay, 1 nam, 1 nữ, chỉ là bạn, đều cỡ trên dưới 70 tuổi, sống ở 2 nước khác nhau… vậy mà hẹn nhau đi du lịch chung, mỗi năm đều có đi ít nhất một lần. Họ rất tử tế, kêu tài xế đưa tôi đến tận khu balô, hỏi tôi có biết đường hay không, kêu ku tài xế chỉ đường cho tôi cẩn thận rồi mới quay về khách sạn của họ. Chính những sự giúp đỡ chân tình tôi hay gặp khi lang bạt giang hồ đã làm tôi ấm lòng, khích lệ tôi rất nhiều… trên những bước đường lang thang.



Đêm đó, tôi rời Agra đi Jaipur trên chuyến xe lúc 11pm. Chia tay Agra, cũng chia tay luôn nhóm bạn bè đi chung. Nói là đi chung nhưng hầu như chúng tôi chỉ chung xe, chung tàu, buổi sáng, buổi tối đi ăn uống chung chứ hầu như là cả ngày không gặp. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, đi chung có bạn có bè vẫn đỡ hơn là lủi thủi đi một mình. Nhất là sau một thời gian tương đối dài tôi đã đi một mình, vui mừng gặp được bạn bè để đi chung, giờ quay lại đi tiếp một mình trên đường… cảm giác thật khó tả. Các bạn tôi sẽ đi Varanasi, Bodh Gaya, Kharujaho… còn tôi sẽ đi về hướng Tây, rồi xuôi Nam, 2 hướng đi ngược nhau hoàn toàn. Bây giờ, về Sài Gòn đã hơn 1 năm rồi, tôi vẫn chưa gặp lại 2 bạn trong nhóm (!?), dù Sài Gòn cũng bé xíu, nhưng những khi ngồi trên những chuyến tàu xe tròng trành, tôi luôn nhớ đến những đêm Ấn Độ, cả bọn túm tụm trên tàu, nói những chuyện linh tinh về cuộc đời, cuộc sống, những ước vọng, những tham vọng của đời người, những chuyến đi…



PB270494.jpg

Một chiều lộng gió trên thành Amber tôi ngồi mơ màng về một chiều sương biên cương…​


Nói thêm, sub-topic này có tên hơi bị sến, tôi đã mượn lời trong một bài hát tôi rất yêu thích “Chiến sĩ vô danh”. Sở dĩ tôi gõ tên này là vì khi mở ra xem lại những bức hình của thành Amber, Jaipur, tôi nhớ mồn một buổi chiều muộn hôm đó, gió lộng bời bời, tôi ngồi một mình trên đoạn thành cao nhất trên pháo đài, trên đồi, nhìn thành Amber bên dưới uốn lượn chạy hun hút rồi chìm mất trong xa mờ. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến bài hát này, bây giờ cũng vậy. Có chút gì liên quan, thành Amber gợi nhớ đến biên cương?, chiều xa thẳm xanh mờ gợi nhớ 1 chiều sương vắng lạnh một đoàn người lặng lẽ đi?… chẳng biết nữa. Chỉ biết là tự nhiên tôi thích!



(tbc.)
 
... tôi nhớ mồn một buổi chiều muộn hôm đó, gió lộng bời bời, tôi ngồi một mình trên đoạn thành cao nhất trên pháo đài, trên đồi, nhìn thành Amber bên dưới uốn lượn chạy hun hút rồi chìm mất trong xa mờ. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến bài hát này, bây giờ cũng vậy. Có chút gì liên quan, thành Amber gợi nhớ đến biên cương?, chiều xa thẳm xanh mờ gợi nhớ 1 chiều sương vắng lạnh một đoàn người lặng lẽ đi?… chẳng biết nữa. Chỉ biết là tự nhiên tôi thích!
(tbc.)

Em Chou đây. Hình như cỡ tầm này năm ngoái anh về đến SG phải ko ta? 1 năm rồi - năm qua có vẻ là năm "hồi tưởng" anh ha. Tết năm nay anh lên đường nữa hay qua phà Cát Lái ăn Tết. Chúc anh dù đi đâu chân cứng còn cái gì cũng mềm hết cho dễ đi :D.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,677
Bài viết
1,171,179
Members
192,354
Latest member
yensondathach321
Back
Top