What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Jharkot chào đón bọn tớ trong nắng vàng trời xanh mây trắng gió phần phật. No đủ sạch sẽ, lại thêm chặng đường khá dễ chịu chủ yếu là xuống dốc và khá bằng phẳng nên độ nhởn nhơ lên cao.




Đường đất và có vết sống trâu chứng tỏ xe ô tô chạy khá nhiều và nếu gặp phải ngày mưa thì dòng bùn đường bì bũm chắc cũng không kém phần hấp dẫn. Hàng cây trơ trụi đang chờ mùa phủ lá mà tớ đồ rằng vào mùa thu sẽ lấp lánh vàng quyến rũ hơn nhiều


Nhưng với cây này thì thế này, cây kia thì thế kia, sau đấy là nguyên một vạt cây trổ đám hoa vàng bông dài và xù ra như...sâu róm lại lung linh kéo lại. Tất cả đám xanh nhạt và vàng này đều là hoa nhá


Rồi thì bù lại là những cây đào cổ thụ thân to xù xì, cành xoắn vặn bởi đặc trưng gió với những cánh hoa mong manh rực sáng


Nói chung là không tham hết được, nhề. Chặng này bọn tớ đi xuyên những ngôi làng có nhà xây bằng đá, tường rào đá, bậc thang đá và những ô cửa sổ nhỏ xíu đặc trưng


Cũ và mới với những lá cờ trắng cắm đầy trên các nóc nhà

 
Bắt đầu từ chặng này trở đi, chắc tại do đi nhàn hơn một chút lại đi vào các khu dân cư nên bọn tớ vẩn vơ được nhiều hơn. Hình ảnh này được thấy ở khắp nơi: những chiếc ấm và nồi đặt trong "chảo" thu nhiệt để làm/giữ nóng nước hoặc thức ăn


Bờ rào đá cao ngang đầu người xếp chắc chắn tỉ mẩn, hàng đá phiến trạm các câu chú dựng phía trên như lời cầu nguyện cho những ngôi nhà và cả những người đi trên con đường đó


Người dân ở đây bày bán đồ lưu niệm cho khách chủ yếu là những chiếc khăn màu sắc được dệt tay tại chỗ. Cứ nhìn thấy khung cửi đặt ở đây là chắc chắn sẽ có khăn để bán


Đường chủ yếu là đất nện nên bước chân dù có lỏng lẻo cũng đỡ hơn rất nhiều. Nhìn mọi thứ có vẻ đứng im chứ thật ra gió khá lớn


Những khu dân cư thường xuyên tập trung ở các điểm địa hình cao, bao quanh bởi cây và núi, luôn luôn ở những nơi đón ánh sáng nhiều nhất


Và dù cái "vũng" nước này dù chả có gì nhưng vì tớ thích cái màu mè của nó, phần đáy màu xanh kiểu đồng bị ô xy hóa rất lạ. Đúng là khi mệt chả thiết tha gì, lúc phởn phơ chút là gì cũng thấy ham :D

 
Đường cứ túc tắc và cái chân bây giờ đi hầu như là theo quán tính, chuyển động như một động cơ đã được lên chương trình. Thêm một tẹo lưu ý là chúng ta nếu có thể nên làm vẹt Châu Phi khi đi trên những vùng núi non rộng lớn, ít nhất cũng là để nếu có lạc còn dễ tìm và dễ nhận biết - ấy là theo quan điểm của tớ (Thêm 1 phần nữa là do mặt tớ xấu nên dùng cái khác gây chú ý đó là màu sắc quần áo lòe loẹt (NT) ). Tớ lấy ví dụ màu mè của 2 vẹt Châu Phi đoàn tớ đây


Giữa gam màu bằng phẳng của vùng đất này nhìn thì hẳn là nổi rồi đúng không ;). Hoặc như này, chóe nguyên...cục


Đường này chỉ cần có 1 cái xe ô tô chạy qua là được xông...bụi miễn phí, tối tăm mắt mũi chả nhìn thấy gì và nếu có 2 cái đi liền nhau thì tốt nhất đứng nép vào bên vách núi chứ các bạn ấy chả nhìn rõ mình đâu, lại vui tay là cho 1 cái thì thân mình mỏng như tờ giấy bay là là xuống chân núi khỏi cần trek. Thế nên mặc áo nổi cũng làm cái đèn giao thông bất đắc dĩ để tránh xe vì xe các bạn ấy màu cũng xanh bần bật như thế này cơ mà.


Dừng bước ngắm nghía ngắm nghía


Rồi sau đấy là bị bạn Tiến chán với bọn rùa nên quyết tâm cứ cho đi đường short cut chứ ko theo đường cái dư lày làm cả bọn chật vật. Bạn nào muốn đi đường tắt thì cũng cẩn thận nhé, đường không phải không có nhưng là đường không dành cho những cái đầu gối đã mỏi và chồn vì đúng kiểu đường cho dê đi, đá sỏi trơn trượt nên sảy chân là trôi thẳng xuống dốc nhanh hơn mức bình thường


Vì có đoạn mỏng teo vừa 1 bàn chân lại còn dốc xuội


Lúc nhìn thấy đường cái ngon lành khi đi trên đường dê leo này bọn tớ cứ lầm bầm mà không dám tập trung chưởi vì sợ...trượt chân :(
 
Buổi trưa thung lũng ở Kagbeni chào đón bọn tớ với đồng lúa mạch xanh rì rào còn gió ở trên thì thổi làm bọn tớ không trụ nổi mà chụp tấm ảnh cho tử tế được vì lúc nào cũng chực hất nếu trót nhổm lên ngó sang phía bên kia


Bọn tớ bớt hẳn được cái ngữ điệu lải nhải suốt chặng với Achut "bao lâu nữa thì đến", "còn xa không", "mấy tiếng nữa thì đến" vì tự cho phép hưởng thụ thong thả cho đến lúc cái bụng khua trống lùng tùng. Đường đi qua khu làng để đến điểm nghỉ chân ăn trưa


Một quán rất sạch sẽ với những khung cửa kính quen thuộc nhìn được tứ phía. Nắng và rất rất gió. Từ bàn ăn nhìn ra mênh mông lúa hát. Và điểm làm bọn tớ xốn xang ở quán này không chỉ tầm nhìn đẹp, món ăn ngon mà còn bởi cô bé phục vụ xinh hút người, cả đoàn tớ ngơ ngẩn đến mức có đứa còn lẽo đẽo theo vào tận bếp để ngắm và đòi chụp ảnh cùng (NO)

 
Vài hình ảnh bên lề khi bọn tớ chờ đồ ăn ở trong quán:
Một đoàn xe đạp địa hình lao tới đều tăm tắp và vút qua đám đá lổn nhổn trên đường như những con ngựa chiến săn chắc


Sau khi chứng kiến cảnh các bạn ấy đạp xe rồi vác xe lên đến tận đỉnh Thorungla Pass tớ đã hâm mộ không ngớt và chả ngần ngại thể hiện nó một cách lộ liễu khi lao bổ ra, ngồi thụp xuống chụp và không ngớt cổ vũ hú hét(beer). Có fan chả tội gì không thể hiện, nhề


Và chả tội gì không đáp lại bằng nụ cười tươi tỏa nắng hơn cả...nắng lúc giữa trưa

 
Ở Kagbeni có một tu viện cổ của Phật giáo Tây Tạng đang trong quá trình tu sửa: Kag chode thupten samphell ling monastery. Ở đây là tu viện đồng thời cũng là trường học của các Lạt Ma trẻ mà theo như một số thông tin thì chủ yếu là các trẻ em mồ côi hoặc gần như không có người thân chăm sóc. Do được viện trợ nên thời điểm bọn tớ đến khu phòng học và ở của tu viện đã khá khang trang và hiện vẫn đang xây dựng cũng như trùng tu tu viện cũ
Bên trái là tu viện và bên phải là khu nhà của các sư nhỏ:


Chính diện của tu viện


Chỉ có 4 người vào phía trong, vé vào cửa được Achut mua từ một vị sư khá trẻ đồng thời là người hướng dẫn luôn cho bọn tớ


Những bức phù điêu tạc trên đá phía chân tường sát cổng vào đã mờ đi và bị sứt mẻ ít nhiều. Những dấu ấn tôn giáo vàng son bị thời gian cũng như sự thờ ơ của nhiều người dần mai một


Bao quanh tường phía trong tu viện là các bức Thanka còn khá nguyên vẹn với những gam màu cơ bản đặc trưng


Chính giữa, phía trên điện thờ chính và là nơi đón ánh sáng từ những ô cửa nhỏ rất cao của tu viện


Tớ không biết đây là chữ gì, chỉ biết nó được viết rất sắc nét trên bìa cuốn sách lớn bảo quản cẩn thận ở một ví trí trang trọng




Cái tớ quan tâm lại chính là vòng luân hồi được vẽ trên bức tường phía chếch cửa ra vào phía trong tu viện. Bạn hướng dẫn nói say sưa nên rất may có 1 chút tò mò tìm hiểu trước nên tớ tí toáy hỏi rõ lắm dù nghe chả được bao nhiêu:LL

 
Mải tán dông dài quên chưa thống kê lại hành trình của chặng này để các bạn tiện bề theo dõi.

Theo như lịch trình: Muktinath to Kagbeni (2800m) 10km, 6hrs walk. Kagbeni to Jomsom
"Nhiệt độ: Muktinath: Mưa nhỏ, từ 4 - 13 độ
Kagbeni: Có mưa vào buổi chiều, từ 7 - 17 độ"
Từ Muktinath theo đường mòn xuống đến Jharkot và Khingar. Ra ngoài Khingar đoàn sẽ đến nơi 2 tuyến đường mòn giao nhau. Một tuyến đường hướng đến Kagbeni (lối vào của Upper Mustang) và một là tuyến đường đến Jomsom. Đi theo đường mòn hướng về Johong và Kagbeni
Nghỉ đêm ở Kagbeni


Những đặc điểm được nhận biết khá rõ ở Nepal trong kiến trúc chung là các khu dân cư được tập trung thành những quần thể kín phía trên cao như những khu lô cốt "chuồng chim" mà mỗi nhà được nhận biết qua các khung cửa lấy ánh sáng trên bức tường chung ấy. Các huyết mạch di chuyển nằm ở dưới nối với nhau chằng chịt như ma trận và liên thông liên tục với nhiều nhánh rẽ ra nhiều hướng, rất khó để xác định phương hướng nếu như không nắm được quy luật chung và mải miên man theo cảm hứng. Vì thế phần chân các khu nhà luôn được chồng đá vững chắc vừa để đỡ cả một quần thể phía trên vừa làm cốt cho hệ thống "giao thông" bên dưới được an toàn.
Các khu nhà có các sân chung nơi thường có máy nước để giặt giũ và lấy nước sinh hoạt, cũng là nơi để các khu nhà có sự giao lưu chung


Bề mặt của "lô cốt chuồng chim"


Hệ thống "giao thông" nhìn từ trong ra


Và nhìn từ ngoài vào


Và khu dân cư nào cũng có một dãy kinh luân kéo dọc theo trục đường chính



 
Mình sẽ đi tiếp theo phần lịch trình các ngày đã cho lên phía trên cho các bạn tiện tìm thông tin.


Thorung La Pass – Charabu (4230m, 6km, 3,5hrs)

Có bài học Ice Lake nên tốc độ xuống dốc của đoàn cũng khá nhanh nhưng không ngờ đoạn đường từ đỉnh Thorung La Pass đến được điểm dừng chân nghỉ trưa - Charabu - dài hơn tưởng tưởng của tôi và mọi người trong đoàn. Lúc này đã là quá trưa, nắng gay gắt, thời tiết khô, ít gió, mọi người đều mệt mỏi, phờ phạc.


Hết những đoạn xuống dốc là những đoạn đường mòn sống trâu, sỏi đá, zích zắc




Càng đi càng không thấy đích nên luôn mồm hỏi Achut, còn lâu nữa không. Thực ra hỏi để cho vui vậy thôi chứ ba lô vẫn còn đầy bánh, kẹo, cũng chẳng đến mức đói quá, mệt quá không đi được. Nhưng mấy bạn Tây đi cùng trên đường lại tưởng thật, đến lúc gào lên lần thứ n thì bạn Tây có cái ô che trên đầu ngộ nghĩnh từ đâu chạy tới đưa cho gói kẹo to tướng. Bạn ý còn nhiệt tình bảo cứ ăn đi tao còn nhiều lắm, hihi. Trên đường gặp những bạn treker như vậy đáng yêu không chịu được.


Bạn treker có cái ô xinh đang ngắm cảnh chờ người yêu bị đau chân (bạn ý ở góc ảnh nhé)




Đối phó với câu hỏi lặp lại liên tục sắp đến chưa, Achut lúc nào cũng từ tốn trả lời sắp đến rồi, sắp đến rồi.
Nếu đem so sánh thì cái sắp đến của Achut đúng là phải bằng 2,3 cái quăng dao của các bạn dân tộc ở Việt Nam.


Charabu điểm dừng chân nghỉ trưa, thấp thoáng dưới chân đồi




13h45: chúng tôi cuối cùng đã đến Charabu. Mừng không tả xiết. Nằm duỗi thẳng chân cẳng ra giữa sân nhà nghỉ. Nắng cứ gọi là tung tóe, cháy da cháy thịt nhưng mặc kệ, lúc này cứ thư giãn, thả lỏng cho sướng. Mục tiêu đã hoàn thành phải tận hưởng cái cảm giác chinh phục được mục tiêu cái đã.


Charabu chỉ có mấy nhà khách nhỏ cho khách dừng nghỉ ngơi và ăn nhanh. Nhìn khá xinh xắn, nằm lọt thỏm giữa đồi núi xung quanh

 
Last edited:
Charabu – Muktinath (3806m, 4km, 2hrs)

Thong thả ăn, rồi tranh thủ chợp mắt tý chút. Chúng tôi không vội vàng với quãng đường còn lại. Những gì khó khăn nhất, mệt mỏi nhất đã vượt qua và đã ở lại phía sau. Đằng trước với chúng tôi chỉ là con đường xuống nhẹ nhàng thư thái.
Cả đoàn đi chậm và khá thong thả trên cả quãng đường còn lại.

"Đàn vẹt" bắt đầu chồn chân nên bám nhau khá sát đoạn xuống dốc




Nhiều thời gian nên vừa đi, vừa dừng vừa hỏi chuyện Achut




Muktinath đã ở phía trước



16h: chúng tôi về đến Muktinath. Đoàn tách thành nhiều nhóm nhỏ lang thang tùy hứng khắp nơi, nhóm mệt thì về nhà nghỉ, nhóm còn khỏe thì lang thang trên đường ngắm nghía chụp ảnh, nhóm thì chui vào đền nghe Achut giới thiệu và tẩy rửa bụi đường...
Lúc gặp nhau ở nhà nghỉ ai cũng đẫm mồ hôi, quần áo phủ một lớp bụi, mệt mỏi nhưng đều hài lòng và vui vẻ với những gì đạt được trong ngày.
Một bữa tối thịnh soạn mừng sơ bộ hoàn thành mục tiêu đã được tổ chức.
 
Day 11 (04/05): Muktinath to Kagbei (2800m) 10 km, 6 hrs walk

Sau một tối được ăn ngon, tắm sạch, ngủ sướng. Đoàn hớn hở lên đường để về đích. Quãng đường còn lại tuy dài nhưng đã đơn giản hơn rất nhiều so với những gì đã trải qua những ngày trước đó.

Muktinath to Jharkot (3540m, 3km, 1,5hrs)

Dự kiến ban đầu là đi đường mòn vòng lên phía trên để ngắm cảnh. Nhưng bạn Achut nói đường đó dài sợ không đi kịp, không kịp bắt xe về buổi chiều nên đành phải theo lộ lịch đường mòn phía dưới.

Note: Nếu các bạn đi sau có nhiều thời gian nên chọn đường mòn phía trên (Muktinath – Jhong - Kagbeni). Đường mòn này tuy khoảng cách dài hơn nhưng cảnh sắc, làng mạc đặc trưng và ấn tượng hơn nhiều so với đường mòn phía dưới. Các bạn guide và tour thường hay dẫn khách theo đường mòn phía dưới. Nên hỏi và đề nghị cụ thể với bạn guide.

Tuy có hơi buồn vì không đi được đường mòn như mong muốn nhưng nói chung cảnh sắc lối mòn dưới cũng dễ chịu và thu hút.
Đi trên đường mòn này cảm giác rất an nhàn, thư thái.
Những ngôi làng vắng người, những hàng cây khô khẳng khiu, đồng cỏ và thung lũng một mầu xanh, vàng xa xa.


Ra khỏi làng Muktinath mầu sắc cảnh quang thay đổi hấp dẫn




Những ngôi làng trên đường mòn, vắng mà yên bình





Thung lũng mầu sắc mà thoáng đãng




Có những đoạn đường chỉ một mầu nâu vàng

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,033
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top