What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Bharatang – Dhikur (Dhukure) Pokhari (3060m, 6km)

Đường mòn đi lên từ Bharatang thật sự rất ấn tượng và tạo cho chúng tôi nhiều hưng phấn. Từ đây lên cao nữa, chúng tôi sẽ càng tiến sâu vào thung lũng Gadanki. Cư dân sống ở đây đa số là người Tạng và người Gurung (còn có tên gọi khác là người Tamu, một tộc người thiểu số ở Nepal).Tuy sống cùng nhau qua hàng trăm năm, tôn giáo của người Gurung bị ảnh hưởng nhiều của Phật giáo Tạng nhưng người Gurung thì vẫn rất tự hào nói rằng họ vẫn giữ nguyên được nhiều truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đường từ Bharatang đến Pokhari




Đường đã không còn bằng phẳng, chủ yếu là đường đá, sỏi






Chúng tôi đang đi vào một thung lũng rất dốc, bắt đầu có những điểm nhìn đầu tiên về Paungi Danda - đá băng khổng lồ với bề mặt đá nhẵn, vút trên cao. Có thể coi đá băng này là một minh chứng cụ thể để cho con người thấy được sức mạnh của thiên nhiên. Cả một khối đá khổng lồ được mài nhẵn, trơ trọi, nguyên nhân lớn nhất có thể là do qua rất nhiều năm bề mặt của đá chịu những tác động lớn của xói mòn băng.


Đường hướng tới Paungi Danda - mặt cắt ngang phía dưới




Đường tới Pokhari xuyên rừng




Qua cầu để ngược lên phía trên Paungi Danda - mặt chính diện



Đường mòn qua cầu rồi đi đường xuyên rừng dốc thẳng lên phía trên, tiếp tục hướng gần hơn đến mặt phía Nam của đá Paungi Danda. Có những lúc cố gắng ngửa đầu lên để nhìn thấy núi tuyết lấp ló sau những rặng thông cao vút, cảm giác sao mà tự do tư tại thế.




Dốc leo xuyên rừng trước khi đến mặt Paungi Danda

 
Paungi Danda nhìn cầu



Đoạn leo dốc này đã khiến chúng tôi rất mệt, có lẽ một phần do ảnh hưởng của độ cao, độ cao từ chân lên đến đỉnh dốc cứ tăng dần 3050m, 3085m, 3100m nhưng khi ra đến cửa rừng thì dừng lại ở mức 3080m. Mệt nhưng tinh thần thư thái, đầu óc thoải mái, thoát khỏi cuộc sống thường ngày chả nghĩ ngợi chỉ đi và ngắm - đời người có mấy lúc như vậy.

Qua cầu dốc nối tiếp dốc đi lên




Một điểm nghỉ lấy sức để rồi leo dốc tiếp



Qua khỏi rừng, hiện ra trước mắt chúng tôi là tảng đá khổng lồ Paungi Danda dài hơn 5km. Độ cao ở đỉnh của khối đá này là hơn 6000 m. Người Gurung tin rằng sau khi con người chết đi, các thầy cúng sẽ làm nghi lễ tôn giáo đưa linh hồn lên thiên đường. Paungi Danda – có nghĩa là “Cánh cửa lên thiên đường”, đây chính là cửa ngõ cuối cùng các linh hồn phải vượt qua trước khi đến được thiên đường.






Ngắm, chụp ảnh rồi ngơ ngẩn đứng nhìn Swargadwari Danda thấy mình bỏ sức để đi đến những chỗ có cảnh như vậy thật xứng đáng. Chầm chậm tiến về trước, nắng ấm, cảnh đẹp làm quên hết mệt mỏi.




Đường vào Pokhari

 
Đường vào Pokhari




Đường đi sẽ gặp những đàn la, ngựa đông như vậy. Tốt nhất là nên nhường đường cho chúng. Các bạn Nepal khuyên nên tránh vào phía trong vách núi, vì nhiều khi đàn la, ngựa dở chứng sẽ lao thẳng vào khách du lịch, nếu đứng ở mép vực sẽ rất nguy hiểm.



13h (14h20 giờ Việt Nam) Thị trấn Dhukura Pokhari (3240 m) đã ở phía mặt.
Thị trấn nhỏ, xinh, chủ yếu là các nhà hàng, nhà nghỉ phục vụ du khách. Dhukura Pokhari có view khá tốt để ngắm nhìn Paungi Danda và Annapurna II, đồng thời đây cũng được coi là cửa ngõ chuyển tiếp từ nền văn hóa Tạng sang nền văn hóa truyền thống Gurung (khu vực Pisang chủ yếu là người Gurung sinh sống). Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi và ăn trưa trong thị trấn xinh đẹp và đầy nắng này. Nghỉ ngơi ở trong làng nhìn về hướng Paungi Danda có cảm giác như đang ngồi trước một màn hình tivi phẳng, khổng lồ, rất ấn tượng và thú vị.


Đường đi qua làng Pokhari tới Pisang




Nghỉ trưa trong thị trấn Pokhari




Paungi Danda hướng từ Pokhari nhìn ra




Dhukura Pokhari – Lower Pisang (3250m, 2.5km)

Hơn 3h chiều, đoàn mới tiếp tục lên đường. Trời lúc này không còn nắng nữa, mây xầm xì kéo đến che cả một khoảng trời, thỉnh thoảng lại rắc rắc vài hạt mưa. Đường từ đây tới Lower Pisang khá gần, chủ yếu là đường thẳng, không mất sức. Qua khỏi Pokhari chúng tôi nhìn thấy một hồ nước nhỏ. Đây là hồ nước đầu tiên chúng tôi thấy trên đường đi, hồ nước này hình như được gọi là Pokhari – tên các hồ ở đây thường được lấy theo tên địa danh. Nước hồ mầu xanh lục tương tự như mầu của những hàng cây quanh nó tạo cho cảnh sắc có sự sống hơn những thị trấn trước đó toàn một mầu nâu, trắng xám của đất, cát sỏi.




Paungi Danda sừng sững ở phía sau khi hướng đến Pisang

 
Gần đến Lower Pisang trời mưa có vẻ mau hơn. Gió khá to, trời lạnh nên mọi người cứ cặm cui tiến về phía trước.



16h05 (giờ Nepal) chúng tôi đã tới Lower Pisang.

Đường vào Lower Pisang, phía xa trên cao là Upper Pisang.



Pisang là một trong những thị trấn phát triển thuộc quận Manang trong khu vực Gandaki. Pisang được phân chia thành Lower và Upper, 2 khu này được phân cách tự nhiên bởi sông Marsyangdi. Pisang cũng nằm trong thung lũng được bao quanh bởi nhiều núi cao trong đó có đỉnh Annapurna II (7937m) ở hướng tây, đỉnh Pisang (6091m) ở hướng Bắc, đỉnh của Paungi Danda (hơn 6000m)ở hướng Nam.

Đa số nhà nghỉ ở Lower Pisang được làm bằng gỗ, đường làng nhỏ, dài, chạy vòng quanh đồi và song song với sông Marsyangdi. Mật độ dân cư ở Lower & Upper Pisang ở mức trung bình. Khách trek đa số đều thích ngủ tại Upper Pisang nhưng bạn guide - Achut lại khuyên chúng tôi ở Lower Pisang. Bạn ý bảo điều kiện phòng trọ, ăn uống ở Lower rẻ và tốt hơn Upper. Ở Upper nếu chưa thích nghi kịp sẽ dễ bị lạnh và bị ảnh hưởng bởi độ cao. Với những đoàn có số lượng 10 người trở lên, sức khỏe không bền như đoàn mình thì ở lại Lower là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên sẽ phải chuẩn bị tinh thần, thể lực cho một ngày đi dài, mệt của hôm sau.


Nhà trọ của đoàn ở Lower Pisang




Paungi Danda nhìn từ Lower Pisang




Vừa nhận phòng xong, trời đổ mưa ào ào. Nhiệt độ cũng theo đó giảm xuống rất nhanh, lạnh kinh người, ngồi trong phòng đắp chăn rồi mà vẫn cảm thấy buốt lạnh.
Thời tiết ngày hôm nay thay đổi liên tục: sáng se se lạnh, trưa nắng gắt, chiều mưa nhỏ lạnh, tối rất lạnh nước để ngoài trời bị đóng những lớp băng mỏng. Chú ý giữ ấm đầu, chân tay, uống nhiều nước, vitamin để có thể thích nghi được tốt nhất trong điều kiện thời tiết thay đổi như vậy


Upper Pisang & Paungi Danda sau cơn mưa chiều

 
Đến Lower Pisang sớm hơn so với những ngày trước nhưng có vẻ sức khỏe mọi người hồi phục chậm hơn. Bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu do ảnh hưởng của độ cao. Lo nhất là 2 người “cao tuổi” trong đoàn, rồi đến em Bể - sức bền có vẻ tệ nhất (luôn cắm chốt ở vị trí cuối đoàn, gặp ở chỗ nghỉ lần nào mặt mày cũng nhợt nhạt). Thuốc liên quan đến sức khỏe cá nhân đều được nhắc nhở dùng, thuốc độ cao được đề cập đến nếu bất cứ ai trong đoàn thấy có những biểu hiện ảnh hưởng của độ cao.
Đoàn chúng tôi nghỉ ở “ Eco – cottage lodge & restaurant” , một nhà nghỉ gần cuối Lower Pisang. Nhà nghỉ tương đối lớn, nhiều phòng, có 2 khu phòng nghỉ: một khu 2 tầng ở phía trên và một khu nhà gỗ ở phần nền phía dưới. Vì đoàn đông người nên Achut thu xếp cho đoàn ở tách riêng trong khu nhà gỗ phía dưới, mỗi nhà nghỉ có 2 giường đơn, khu vệ sinh, tắm rửa nằm riêng bên ngoài. Khu bếp, nhà ăn chung nằm phía trên.


Cổng vào Lower Pisang




Nhà nghỉ tại Lower Pisang




Buồng ở tại Lower




Trời mưa, mấy anh em pha bình trà mạn ngồi buôn chuyện. Kế hoạch đi loanh quanh chụp ảnh cũng tạm ngừng vì quá lạnh. Bạn Achut biến mất một lúc rồi quay lại báo đã mua được gà tươi, thế là xoay sang nghĩ món ăn cho bữa tối. Chốt lại bữa tối sẽ do giai của đoàn nấu ăn phục vụ các gái, món chủ đạo gà sốt chanh (chanh và một số gia vị khác được mang đi từ Việt Nam). Bữa tối Lower Pisang đặc biệt ngon và đáng nhớ.
Khu bếp ở nhà nghỉ sáng sủa, sạch sẽ, trưng bầy đẹp giống như hầu hết các bếp của người Tạng ở Nepal, bà chủ bếp cũng thân thiện nhưng vào bếp nấu nướng thì vẫn chỉ tối đa 2 người, :D


Rất ấn tượng với khu bếp của các bạn Tạng






Trời tối khá muộn. Sau mưa, trời quang đãng, ánh mặt trời cuối ngày lấp ló trên những rặng núi, một số người tranh thủ chụp ảnh, một số buôn chuyện quanh bếp sưởi với các bạn poter, một số người thì thư thái đọc sách trong khu nhà ăn ấm áp.
Đêm ở Lower Pisang lạnh kinh khủng. Nhà nghỉ sạch sẽ, được dán một lớp mút mỏng phía trong để ngăn gió, chăn và giường thì hơi ẩm, lạnh. Do hơi dị ứng và ấn tượng bởi mùi của túi ngủ nên suốt mấy ngày qua tôi và bạn cùng phòng chỉ ngủ trong túi ngủ mỏng mang theo và đắp chăn của nhà nghỉ. Nhưng đêm ở Pisang quá lạnh, có lẽ phải xuống đến 0 độ nên cuối cùng đến giữa đêm không chịu được nữa đành phải dậy, lôi túi ngủ ấm ra chui vào.


Khu nhà nghỉ phía trên





Upper Pisang và đỉnh Pisang phía xa



Note cho đường từ Chame – Lower Pisang

- Từ độ cao 2500m trở lên nên đi đều, giữ nhịp bước chân đều như nhịp tim, dừng nghỉ ít. Nếu leo dốc khi đi không nên nhìn lên đỉnh hoặc phía trước sẽ rất mệt, cứ cúi mặt nhìn đường và bước chậm đều. Nhớ thường xuyên uống nước, kết hợp giữa uống nước thường và nước bổ sung vitamin.
- Đoạn từ Bharatang đến Dhikur Pokhari rất đẹp nên phân phối sức và quãng đường đi để có thời gian thư thả ngắm cảnh và chụp ảnh.
- Trong tháng 4, tháng 5 khi đến Pisang (độ cao 3250m) thời tiết rất lạnh. Nên lưu ý trong ba lô luôn có sẵn khăn, mũ, găng tay, áo giữ nhiệt để khi thời tiết thay đổi không bị cảm lạnh.
- Nên mang theo bình giữ nhiệt để pha trà, trà gừng hoặc có nước nóng uống dọc đường.
- Nên mang theo túi ngủ mỏng để ngủ, tránh bị rận, rệp khi ngủ tại những nhà nghỉ có giường, chăn không được vệ sinh thường xuyên. Cũng nên thỏa thuận trước với bên tour về việc chuẩn bị túi ngủ ấm, sạch sẽ cho mọi người (túi ngủ cho mượn, không tính phí). Túi ngủ ấm rất quan trọng vì càng lên cao nếu không đủ ấm sẽ không thể ngủ được như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cho những ngày trek tiếp theo.
- Nếu muốn chụp ảnh mặt trời mọc trên Paudi Danda thì nên đi về phía cuối làng, trèo lên mấy nhà nghỉ ở trên cao, hoặc ngọn đồi phía để chụp. Gần sông, dưới Lower Pisang một chút cũng có nhiều điểm tốt để chụp ảnh. Nên tìm đường đi trước để có thể chủ động đi nhanh, không mất thời gian chọn vị trí. Thời gian mặt trời mọc là khoảng 6h sáng (tháng 4) đến thời điểm khác thì nên hỏi lại về thời gian mặt trời mọc.


Paungi Danda

 
Có một điểm khá thú vị và tạo cảm giác gần gũi là những hàng rào hay ngôi nhà ở đây được xếp đá đều tăm tắp trải dài khiến chúng tớ thỉnh thoảng liên tưởng đến Hà Giang quê mình. À, dĩ nhiên thì có khác bởi những viên đá được chọn lựa chăm chút cẩn thận vuông vức trước khi xếp chồng vào nhau không chỉ tạo sự ngay ngắn chắc chắn mà còn gây ấn tượng thẩm mỹ cao. Giống như chúng ta bước vào một nhà nào đó mà họ trám tường bằng những đá lát to nhỏ khác nhau một cách có chủ ý ấy, nhỉ ;)


Tường đá, đường đá, bờ rào đá


Những hàng rào đá bám theo con đường trải dài hướng về phía núi


Và đá được tô màu rực rỡ như bông hoa hút những "con ruồi" háo sắc theo đúng nghĩa đen


Chính ra, vào sáng sớm khi không khí còn trong veo vì lạnh, cây lá đang còn ngái ngủ xung quanh, ra đây làm chén trà sữa nóng thật nóng bên bờ rào đá nhâm nhi những khoảnh khắc bình yên cũng thú mà, đúng không

 
Thêm nữa là dù việc tỉ mẩn trong chọn lựa chăm chút từng viên đá khi làm nhà, làm bờ rào hay kể cả làm đường đã làm đá trở nên bớt lạnh lẽo sắc nhọn, đã trở nên ấm áp và đẹp đẽ hơn thì các bạn Nepal còn đưa thêm những sắc màu tự nhiên làm cho màu sắc của đá sống động hơn. Đó là những chậu cây bé xinh, tươi tắn lúc nào cũng sạch bong xếp ngay ngắn quanh nhà


Các chậu cây chưa bao giờ lép vế dù màu sắc nhà có được sơn rực rỡ đến chừng nào bởi chúng tự hào có vẻ tươi tắn của sự sống


Kể cả ở ngách nhà, trong chiếc chậu nhôm sứt mẻ, nhưng vẫn sạch sẽ


Hay trong những hộp sơn lem màu thì vẫn ngay ngắn và...sạch sẽ

 
Một số lưu ý nho nhỏ cho mọi người có thể biết được vì tớ hay bắt lá tìm sâu khi ở độ cao thấp thấp thế này:

Đây là bảng thông tin độ cao trước khi vào làng Taal trong ngày trek đầu tiên


Và đây là 2 loại cây mọi người đừng nên tò mò lại gần hay sử dụng.
Một là loại cây gây ngứa rát khi chạm phải vì lá và thân của cây đầy gai độc và cây này mọc rất khỏe, tớ thấy tràn lan hai bên đường nên mọi người chú ý, đặc biệt những ai ham hố mác cờ rồ hoa hoét. (Thực ra đi rồi mới thấy mấy trò mác cờ dồ không dành cho việc đi trek, lên cao hơn 2000m mà cứ cắm mặt vào cái ống view bé tí mà bắt lá tìm sâu thì có mà chóng mặt hay đơ đơ ngay, chả dại)
Tổng thể đây


Chi tiết hơn tí tẹo


Loại thứ 2 là loại cây gây nghiện mà hiện giờ vẫn mọc hoang ở một số vùng thấp, nghe đồn thì vẫn được các bạn ấy sử dụng nhưng nhìn vẻ mặt của bạn guide thì có vẻ nói nhỏ cho biết thôi chứ cũng không hay hớm gì cho lắm. Đây là cây marijuana


Tớ cũng mon men thò tay vặt thử vo vo hít hít dưng chưa cảm nhận thấy gì (chắc có một góc lá bé xíu nên chưa sao hoặc chưa đúng cách, nói chung cũng hèn mà, lấy ít thử cho lành)
 
Sau cái đoạn dốc này của ngày đầu tiên mà mỗi bước chân bạn nâng cao được bao nhiêu có nghĩa là bạn đang lên độ cao thêm bấy nhiêu, mấy thành viên đội rùa đã đứng vịn vào gậy mà lẩm bẩm "giờ có muốn mắng đứa nào cũng chả có sức" thì việc khám phá cung chỉ được bắt đầu tính từ ngày thứ 2 là một sự chuẩn bị nhắc nhở về tinh thần rất cao

Lao thẳng gần như đứng từ dưới sát sông lên đến đỉnh



Và đến ngày thứ 2 sau khi phấn khởi với món gà thượng thượng thọ gần 3kg bạn guide vào làng bắt cho thì mới thấy cái bảng này xuất hiện. Vâng, chào mừng bạn đến với những ngày KHÔNG BIẾT ĐƯỜNG NÀO MÀ LẦN phía trước


Vậy thì mỗi ngày bạn nên chọn 1 niềm vui cho mình để hoàn toàn có thể ố á đầy sung sướng (có thể nhạt nhẽo cũng được) cho mọi thứ nhìn thấy trên đường. Cứ cảm giác là một tờ giấy trắng tinh bước vào hành trình không thể suy tính lo nghĩ gì nhiều ngoài việc: bữa này ăn gì và phấn đấu ngủ cho ngon, thế thôi. Vậy nên mỗi ngày nên tự dành cho mình một sự ngạc nhiên kiểu như: á á, sao hoa hồng ở đây nó lại chĩu chịt và tooooo thế này, mỗi bông hoa nở phải toooo bằng mặt mình ấy...Rồi hấp háy gian manh, liệu cắt một đoạn gốc từ giờ đến lúc về còn sống không nhỉ để mang trồng khi nhà chả có mẩu đất nào. Đấy, nghĩ thế thôi mà phấn khởi trầm trồ đi được cả đoạn dài và...chả làm gì cái bông hoa đấy cả, chụp thôi :D

 
ngày này là ngày cực hình của mình, đầu gối phải đau kinh khủng, phải gom lá ngải cứu để bóp cho đỡ, nhưng chắc vì không đúng cách nên ngày hôm sau vẫn đau, chẳng những thế còn lan man xuống tới cái cổ chân. 2 anh em mình quên mất chụp cảnh ngồi xoa bóp cho nhau và cùng rang muối ủ chung lá ngải cứu để bóp chân anh SBN nhỉ!!!

À, mà hỏi khí không phải, sao lại có chuyện bóp chân cho em mà lại không nhớ nhỉ. Đành rằng có bóp 1 số nhưng cũng chưa hết số nữ trong đoàn, em xưng danh hoặc ám hiệu xem nào. Hình như cụ gà thượng thượng thọ ngày hôm ấy kết hợp với tắm nước đá làm mình bị đóng băng trí nhớ đoạn ấy thì phải. Nhưng nhất định vụ bóp bóp thì làm sao mà quên được chớ ;)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,667
Bài viết
1,171,065
Members
192,336
Latest member
xjjrc
Back
Top