What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Bạn trungnalo đi vào mùa thu chắc màu sắc sẽ sinh động hơn vì có lá đỏ lá vàng đấy.
Còn mùa này bọn tớ đi chỉ có hoa táo phủ vườn và hoa đỗ quyên thắp lửa trên trời và dọc con đường như thế này




Thực ra chỉ có đoạn đường men núi trước khi đến ngôi làng dìm bọn tớ đê mê trong những cây táo nở hoa rực rỡ trên đường đến Chame là có thể nhìn thấy đỗ quyên. Những cành cây vươn dài ngả xuống theo triền núi mang những chùm hoa lửa tiếp nhiệt cho bọn tớ những bước đầu ngày. Và chỉ sau đó 1 đoạn là mất dạng dưới những tán cây thông hoặc lá kim dày hoặc vì quá cao mà bọn tớ không đủ can đảm ngẩng lên ngẩng xuống liên tục để ngắm hoa và...nhìn đường. Một phần vì không an toàn nhưng phần lớn là nếu làm như thế 3 lần chẳng khác nào tự tra tấn mình khi ở độ cao cần giữ gìn. Đỗ quyên mọc khá cao và chon von trên những sườn núi, hoa phủ phía trên tán, đó là lý do tớ được kể về khung cảnh nhìn thấy cả một thảm hoa đỏ khi nhìn từ trên máy bay đoạn từ Jomsom về Pokhara (theo như lịch trình dự tính chứ thực tế thì bọn tớ có một ngày rất éo le chặng này). Tuy nhiên, thế cũng đủ, nhỉ.

Một lưu ý nhỏ đối với các bạn tham ăn hoặc hay tò mò - nói một cách mỹ miều là ưa tìm hiểu khám phá là nên găm một ít tiền lẻ trong túi trên người. Bởi có thể gặp hàng bánh trái nhỏ khi vào làng không biển hiệu hay rao mời, chỉ có một bếp lửa giữa nhà và ai muốn ăn thì tự vào trả tiền, lấy bánh, ngồi xuống ghế vừa sưởi vừa ăn kiểu thế này:


Đây là một dạng bánh như há cảo hấp nhưng to hơn, nhân thì có nhiều thứ rau củ quả linh tinh và khá cay. Vị cà ri thì đương nhiên rồi, khá nhạt. Tuy nhiên cứ nếm thử cho biết và đỡ đói (thực ra ai không ăn được cay thì ăn vào bị cào ruột hơn vì cay). Bạn guide phụ có vẻ khá đau đầu với tớ không những vì đi chậm mà còn vì hay biến mất hút vào chỗ nào đó chỉ để xem có gì ăn được không dù lần nào đến chỗ nghỉ cũng dài mặt ra với giọng thiểu não trình bày "I'm hungry" :D:D:D
 
Sông Marshyangdi có lẽ là huyết mạch để cho con đường trek bám theo.


Thường có 2 đường: đường dành cho ô tô và đường trek dù đường ô tô không hẳn lúc nào cũng liền mạch và chỉ đi được đến độ cao nhất định. Đôi khi 2 đường này là một. Những kẻ khó tính thích yên ả với thiên nhiên, nghe tiếng chim hót - lá reo, nghe chính hơi thở của mình sẽ bị mất thoải mái vì một cái xe xồng xộc chạy qua, tung lên một đống bụi mù mịt. Cũng nhờ thế mà bọn tớ có các cảm nhận rất khác biệt so với những lần đi bằng phương tiện khác, một phương thức giao cảm với mọi thứ xung quanh đơn giản mà sâu sắc, gần gũi mà choáng ngợp. Cái cảm giác đón nhận nắng - gió - không khí qua từng chân lông đang mở hết cỡ rất tự nhiên, không thấy bóng cây lướt vù vù qua mắt mà ngắm nó từ tốn từ mọi góc cạnh, không thấy gió ào ào khi thực ra tất cả đang lắng lại trong cái lạnh trong trẻo. Cảm nhận từng bước chân chậm chậm tì lên nền đất đá, đẩy đầu hích lớp không khí với lượng ô xy mỏng tang, chiến thắng trọng lực một cách cần mẫn, không vội vã.

Có khi là nhỏ bé, lọt thỏm với vòng ôm của núi.
Có khi là vươn cao, chinh phục khi đứng hít căng lồng ngực nhìn xuống dưới ngút ngàn.
Có khi là thì thầm tự chuyện với lao xao xung quanh
Có khi là xanh mướt
Có khi là khô cằn
Có khi là leng keng vụn băng đang rơi xuống từ những đám cây gai
Có khi mệt không buồn nhếch mép cười với nhau một chút
Có khi vỡ òa cảm giác trước hùng vĩ thiên nhiên
...
Nhưng chưa bao giờ nản.
Cái tâm lý tự động viên, tự khuyến khích, tự dặn dò chính bản thân trong việc gói gém đồ dùng, trong việc nhặt nhạnh bằng hết những thức ăn còn trên đĩa, trong việc nhắm mắt uống các loại thuốc để dỗ giấc ngủ sâu. Cái cảm giác tâm niệm và tập trung vào đúng 1 thứ duy nhất, hiểu rõ từng việc mình đang làm, không tạp niệm, không dông dài lan man và không nặng nhẹ với những yếu tố xung quanh phản hồi lại như thế nào. Đó là một điều đơn giản nhưng lại vô cùng khó thực hiện trong cuộc sống thường nhật. Bởi khi nắng tắt, hoàng hôn về cũng đẹp lộng lẫy như bình minh vậy ;)

 
Theo quan điểm: đi theo sức, thích là chụp (không cần ngắm) vì rõ ràng chả tội gì mà tụt lại lạch bạch hay lao lên rồi thở gấp. Cảnh đẹp không giật lùi lại hoặc đuổi theo mình để gào lên chụp đi chụp đi nên tự cảm nhận và tự bắt ảnh thôi. Thế nên bạn cũng đừng cắm cúi mà đi và đi và đi không, thi thoảng ngó xuống dưới xa hơn cái giày bình bịch của mình một tí


Hoặc quay sang phải đứng trầm trồ với các "múi núi" phô diễn đường nét trong nắng chiều


Trước khi trôi vào rừng thông thấp bé với những thân to xoắn vặn hình thù kì quái bởi trò chơi của những đợt gió "trẻ trâu" đương sức nhưng lại bị nhốt trong thung lũng rộng lớn.


Nhìn những thân cây ở khu rừng trước khi vào Braka mới biết lý do tại sao có những đoạn đèo luôn phải qua trước một thời gian nhất định vì chậm chút sẽ không thể trụ nổi với sự vần vũ của gió.
Và vì bạn trungnalo có nói về chuyến đi mùa thu tớ không khỏi không tưởng tượng ra cảnh ngôi nhà kia với đám lá nâu vàng phía sau, cây táo kia sẽ trịu trịt quả đỏ hay cam rồi và tất cả đám lá trong ảnh trên đổ màu rực rỡ mà tự mình trào lên sự ham hố ghen tị hết sức lộ liễu, haizzz. Người ta bảo đi trek là dễ nghiện mà.

 
Ice lake là điểm đi rất khó khăn, nếu bạn chọn nên cân nhắc một số điểm sau:

Cảnh : Đường đi cảnh rất đẹp nhưng ở Ice lake thì cảnh bình thường. Nếu chỉ chọn đến hồ để chụp ảnh thì nên chọn đi hồTilichio.

Đường đi: Rất rất mệt. Nếu chọn đi từ Manang thì phải chuẩn bị tinh thần là không có đường đi rõ ràng, dốc cực kỳ kinh khủng. Nếu chọn đi từ Braga thì vẫn mệt nhưng đường đi dễ chịu hơn, phải cẩn thận đường xuống dốc (nguy hiểm vì trơn và dốc ngược).

Độ cao: Nếu xuất phát từ thị trấn Braga (3439m) đến Ice Lake, độ cao trong ngày trek sẽ tăng lên 1200m. Trong một ngày tăng độ cao nhiều như vậy là tương đối mạo hiểm. Cơ thể có thể không thích nghi kịp với lượng oxy ít ở độ cao trên 4000m này và sẽ xẩy ra các “phản ứng tự vệ”. Những phản ứng tự vệ này thường được người ta gọi là “Hội chứng núi cao – AMS”. Nếu bị AMS nặng không điều trị kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Mất nước: Thông thường khi lên vùng núi mọi người đều nghĩ đây là những vùng lạnh giá. Nhưng thực chất cái nóng ở đây cũng khá khó chịu: oi và khô, điều này khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều. Ở những độ cao nàynguy cơ mất nước của cơ thể tăng cao do đổ mồ hôi cộng thêm lượng nước thoát khỏi cơ thể khi hít thở trong thời tiết lạnh giá. Do vậy luôn luôn nhớ uống nước kể cả khi không có cảm giác khát.

Gió: Bên cạnh nắng, lạnh thì gió ở những độ cao trên 4000m này cũng rất kinh khủng. Có cảm giác chỉ cần lơ đãng một lát không bám chắc chân trên đường là gió có thể quật mình ngã lăn quay. Gió mạnh và lạnh nên đội mũ ấm, đừng thấy trời nắng nóng mà bỏ ra.

Bản thân: Đảm bảo sức khỏe bản thân, không có các dấu hiệu của hội chứng núi cao (đau đầu, khó thở, đêm không ngủ được …..).Chuẩn bị về mặt tinh thần là không được bỏ cuộc dù phải bò về Manang :):)


Đỉnh Annapurna II, IV, III (theo thứ tự từ trái sang phải) trên đường đến Ice lake





Đỉnh Annapurna III, Gangapurna và mờ xa khuất sau mây là Annapurna I




Hồ nhỏ và dãy Annapurna ở phía sau trước khi đến Ice lake

 
Day 6 (29/4) Bharakha - Ice lake - Manang (4600m) 15 km, 8hrs walk

Bharakha (3439m) - Ice lake 4,5 hrs walk[/U]

Theo kế hoạch ban đầu của đoàn thì Ice lake không có trong chương trình.

Thông tin về Ice lake trên mạng cũng khá ít. Chỉ biết đây là cung đường khó khăn, tính thử thách cao, độ cao tăng lên nhiều trong 1 ngày, không nhiều người lựa chọn, có một điểm thu hút là nếu may mắn gặp điều kiện thời tiết tốt có thể ngắm được đỉnh Annapurna III, Gangapurna và Tilicho soi bóng trên mặt hồ. Phần lớn mọi người trek cung Annapurna đều chọn hồ Tilichio thay vì đi Ice lake. Tuy nhiên nếu chọn đi Tilichio sẽ cần thêm 02 ngày cho cả hành trình trong khi đi Ice lake thì chỉ phải thêm 01 ngày.

Do điều kiện sức khỏe không đồng đều và cả đoàn đã thống nhất trước khi đi nên Ice lake là điểm tùy chọn (mọi người có thể đi hoặc không đi). Từ Braga đoàn chia làm 2 hướng đi. Achut sẽ phụ trách dẫn 6 người đi Ice lake. Bạn guide 2 và các bạn poter sẽ phụ trách đưa nhóm còn lại về Manang trước.

Sương mờ vẫn còn giăng phủ quanh Braga khi chúng tôi lên đường đi Ice lake.


Đường mòn bắt đầu từ phía đầu làng Braga.







Rồi đi qua khu dân cư sống tập trung và tu viện cổ Braga. Đây là một trong những tu viện lâu đời ở Nepal, trong tu viện lưu giữ rất nhiều tượng Phật điêu khắc đẹp, tranh tôn giáo Tạng và sách phật học cổ. Tu viện được coi như một biểu trưng tiêu biểu trên tuyến trek Annapurna.




Mới xuất phát chúng tôi đi khá chậm, đường đi nhìn thì có vẻ chỉ hơi dốc nhưng lại khiến chúng tôi thở không ra hơi. Bước những bước nhỏ mà cảm thấy chân nặng như đeo trì, thở dốc. Ngay cả việc dừng lại uống nước thôi cũng mệt phờ phạc. Mấy hôm trước còn có sức quay trước, quay sau, nhẩy lên nhẩy xuống để chụp hình nhưng hôm nay thì chỉ tập trung cắm mặt xuống đường, chậm rãi tiến lên.




Làng Braga và tu viện cổ cứ xa dần, xa dần theo từng bước chân chúng tôi đi. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng trực thăng ù ù vọng đến, ngẩng đầu giơ máy ảnh lên để chụp mà chẳng nhìn thấy bóng dáng cái nào. Chắc ở độ cao này máu lên não chậm hay sao ý mãi mới phát hiện ra trực thăng bay thấp hơn những con đường mòn chúng tôi đang đi, muốn chụp được thì phải nhìn xuống dưới thay vì ngước lên trên.





 
Chỗ giao nhau giữa núi hình mặt người và Paugi Danda chính là cánh cổng lên thiên đường trong truyền thuyết của người Gurung.




Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần là ngày trek Ice lake sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với những ngày trek trước nhưng không nghĩ rằng mới chỉ bắt đầu đi thôi, chưa leo được 1/5 quãng đường dốc đã cảm thấy kiệt sức, cả mũi lẫn miệng thi nhau thở, đầu gối có cảm giác như muốn rời ra, chân đi không theo điều khiển của bản thân nữa. Nhìn qua đồng đội thấy tình trạng cũng tương tự nhưng nhịp chân thì đều hơn không đến nỗi siêu vẹo như mình. So với tốc độ đi của mấy hôm trước thì hôm nay tốc độ đi của mấy anh em đã chậm hơn nhiều.

Đoàn 6 người lúc này đã có sự phân chia nhóm với khoảng cách khá xa nhau. Đi đầu là bạn Tây , bạn ý đi trông rất thong thả nhưng lúc nào cũng nhanh hơn chúng tôi trung bình khoảng 30 – 40 phút. Bóng bạn lúc nào cũng thấp thoáng, xa xa trên những đỉnh đồi phía trước, nhìn theo mà ngưỡng mộ không biết bao lâu nữa mình mới bò được đến chỗ bạn vừa đứng.

Nhóm tiếp theo gồm 3 người và Achut dẫn đường. Nhóm này tốc độ và thể lực có vẻ tương đồng nhau. Mấy anh em luôn giữ đều khoảng cách từ lúc xuất phát. Việc nghỉ giữa đường cũng rất ít, hầu như chỉ dừng uống nước hoặc chụp cái ảnh rồi đi tiếp.

Nhóm đi cuối cùng là 2 chị em nhà “Rùa”. Mỗi lần từ trên đỉnh nhìn xuống thấy nhóm cuối cứ lẫm chẫm, chầm chậm tiến, có đôi chút lo lắng cho 2 chị em. Với khoảng cách và tốc độ đi không đều như vậy chả biết mấy anh em có bò được đến Ice lake trong buổi sáng rồi lăn về Manang trong buổi chiều nữa không.


Những con đường dốc men theo triền núi





Từ đỉnh dốc nhìn xuống cứ nghĩ là đường bằng nhưng thực chất đây là những đoạn dốc thoai thoải.

 
Dốc nối tiếp dốc, đường đi cứ mất hút ở trên những đỉnh dốc cao phía xa.




Hướng đường từ Braga lên tuy dốc nhưng đường mòn khá rõ ràng, tại những cao điểm còn có biển chỉ dẫn hướng đi.Khí hậu trên độ cao 4000m khô và lạnh nên cây cối, hoa lá đều khó tồn tại, chủ yếu chỉ có các bụi gai và cỏ mỏng nằm rải rác trên đường.




Thấy mất hút 2 chị em nhà Rùa ở phía sau, hơi lo nhưng Achut bảo chỉ có một đường đi thôi nên chúng tôi vẫn tiến về phía trước, đôi lúc dừng nghỉ lâu hơn bình thường để chờ đợi. Con dốc thứ n đang chờ phía trước.



Gần lên đến đỉnh dốc, nhìn xuống đã thấy chấm nhỏ xíu của chị em nhà Rùa cuối dốc, cảm thấy yên tâm hơn. Qua đỉnh dốc phía trước, độ cao khoảng 4500m. Gió ở đỉnh dốc này thật kinh khủng. Vừa ló qua khỏi đám đá lổn nhổn gió mạnh và lạnh quật thẳng ngay vào mặt. Lạnh run người và đứng không vững, suýt lăn quay ra đường, may mà kịp bám vào tảng đá bên cạnh. Achut bảo không còn dốc nữa, Ice lake ở phía trước rồi.

 
Annapurna III, Gangapurna song hành trên đường đi




Tuyết tan làm cho đoạn đường trước mặt lầy lội, phải đi rất cẩn thận



Phía trước đã nhìn thấy bóng dáng hồ nước. Bạn Tây đang khoa tay múa chân bên cạnh hồ.
Quay sang hỏi Achut “Phù…iha…Ice lake....phu..phù ”.
Bạn ý lắc đầu rồi bảo phải đi thêm một đoạn nữa mới tới nơi.

Đây chỉ là một hồ nước nhỏ do băng tan tạo thành. Đứng ở hồ nhỏ này sẽ có view ngắm mạn phía bắc của Đỉnh Annapurna III , Gangapurna, Glacier Dome (7193m), Annapurna I (8091m)



Chúng tôi men theo hồ nhỏ hướng lên chorten trên đỉnh dốc phía trước, Ice lake nằm ở đó.
Nếu đi từ Manang lên, hướng đường đến Ice lake sẽ là hướng đường phía bên trái.


Một góc Ice lake

 
Chorten ở phía trước Ice lake




Bình nguyên rộng giữa 2 hồ




Đa số các ảnh chụp Ice lake ở trên mạng là hồ nhỏ nằm trước (theo hướng từ Braga lên) còn hồ được gọi là Ice lake thì nằm phía sau hồ này. Tôi sẽ dùng “Ice lake” để chỉ hồ to phía sau. Khi chúng tôi đến hồ, một phần hồ vẫn đóng băng. Nước hồ lạnh buốt dù chỉ thử chạm một hai ngón tay xuống.




Mạn phía đông đỉnh Chulu nhìn từ phía trong Ice Lake

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,101
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top