What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Gió ở Ice lake rất lạnh và mạnh. Chúng tôi chỉ có thể ngồi gần hồ được khoảng 10 phút là phải chạy ngay ra khu vực tường bao gần đó để tránh gió.
Bữa trưa bạn Achut chuẩn bị cho chúng tôi ở trên độ cao này toàn là bánh quy. Trời ạ, nuốt không nổi mặc dù rất đói. May mà có mang theo ruốc nấm, chà bông, thịt bò khô, lại thêm 02 quả trứng luộc nữa. Đường lên Ice lake không có lều trại hay khu dân cư nào cả. Hoàn toàn là những bình nguyên và núi đá trơ trọi. Đồ ăn và nước uống nên chuẩn bị kỹ để có thể đi và về an toàn. Nếu có bình nước nóng thì nhớ mang theo vì rất cần thiết. Lúc ngồi ở hồ lạnh, mệt mới thấm thía giá trị của nước nóng.
Gần 40 phút sau, hai chị em nhà Rùa mới lên đến Ice lake. Vì chờ quá lâu nên mấy người lên trước chúng tôi bị lạnh, cứ phải cố gắng đi lại loanh quanh cho ấm. Thấy chị em nhà Rùa là bắt vào ăn uống ngay để rồi còn đi tiếp.




Dốc xuống nhiều bất trắc, không có đường mòn rõ ràng, Achut khuyên nên quay lại đường vừa đi lên để xuống. Mấy anh em bản tính hiếu thắng giống nhau, thêm nữa lại muốn ngắm Annapurna theo hướng đường từ Manang nên nhất trí rất nhanh là không quay lại cứ tiến về phía trước thôi. Cung đường từ Manang lên Ice lake view ngắm Annapurna ấn tượng, đẹp. Nhưng nếu chọn đường đi lên, tôi vẫn sẽ chọn đường từ Braga để đảm bảo an toàn và đỡ mệt


Dãy Annapurna nhìn từ hướng xuống Manang





Mấy bạn này đi đường từ Manang lên nhìn bộ dạng rất mệt mỏi và vất vả. Chào cổ vũ mà các bạn ý không nhếch nổi miệng, ngẩng nổi đầu lên để đáp lễ.






Đường xuống không thấy đường, chủ yếu đi theo định hướng và dẫn của bạn Achut

 
Chân tôi bắt đầu có những triệu chứng đau và cứng đầu gối do vận động quá nhiều, do vậy tôi đã chọn những đoạn dốc thoai thoải, hơi lệch sang hướng bên phải để xuống cho dễ. Việc chọn đường đi kiểu này đã khiến tốc độ xuống dốc của tôi nhanh đến đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, việc xuống dốc theo cảm ứng này cũng đã khiến tôi lạc mất nhóm của mình chỉ sau 15 phút bon bon đi xuống không ngừng nghỉ. Lúc phát hiện ra lạc nhóm thì nhìn trước, sau đã chả còn thấy bóng dáng ai. Hơi lo lắng vì trên người lúc này chả có gì ngoài 2 cái máy ảnh. Balo có nước, đồ ăn và dụng cụ thì bạn Achut đã mượn để đồ và đeo hộ luôn. Dừng lại đợi khá lâu nhưng vẫn không thấy bóng một đồng đội nào ở phía sau. Nhớ là phía trước vẫn thấy bạn Tây nên cố đi nhanh hơn để bắt kịp. Đường đoạn này hầu như không thấy dấu hiệu nào để dẫn lối, tôi đành xác định phương hướng và đường đi theo cảm tính cá nhân: chọn đường xuống dốc hướng sang bên phải thẳng về hồ Gangapurna (thị trấn Manang nằm ngay gần hồ).


Hồ Gangapurna xa xa dưới thung lũng




Những đoạn dốc ngược khi xuống




Tôi tiến về phía trước trong tình trạng vừa mệt, vừa khát, vừa lo lắng, đôi khi chỉ dám dừng nghỉ chút ít để tự trấn an và tìm bóng dáng đồng đội phía sau. Rất may, sau lần thứ n quay lại tôi đã nhìn thấy bóng người nhưng ở cách xa đến 2 sườn dốc. Như vậy là tôi đã đi lạc và phán đoán sai đường đi. Mặc dù hồ Gangapurna đúng là đích phải đến nhưng nếu cứ nhằm thẳng đó tiến thì không biết sẽ dẫn đến đâu. Đáng nhẽ tôi phải đi men theo sườn dốc hướng vào phía trong (bên tay trái) thì tôi lại men theo sườn dốc hướng ra phía ngoài (bên tay phải). Bây giờ tôi sẽ phải điều chỉnh lại hướng đi để có thể gặp được nhóm. Các bạn đi Ice lake không có guide nên lưu ý điểm này khi đi xuống.

Thêm một đoạn nữa lại thấy bạn Tây thấp thoáng phía trước, bạn ý cũng đi lệch sang bên phải hướng thẳng đến phía hồ Gangapurna giống y như tôi. Thế là phải cố gắng gọi, làm hiệu để bạn nhìn thấy và điều chỉnh lại đường đi. May mắn là bạn ý nhìn thấy, hiểu và cùng quay lại.

Hai chị em nhà Rùa dò dẫm xuống dốc



Sau hơn 1 tiếng lạc và tìm đường cuối cùng tôi, bạn Tây và Achut đã gặp được nhau. Achut đã phải chỉ đường cho mấy anh em đi sau rồi lao đi trước để đón chúng tôi. Bạn ý có vẻ hơi cáu :D

Khu dân cư đổ nát và hoang tàn nhìn thấy trên đường xuống

 
Khoảng cách của tôi với nhóm bây giờ là khá xa.

Achut nói đường mòn về Manang bây giờ đã rõ ràng và chỉ có một đường duy nhất nên tôi và bạn Tây sẽ tự xuống trước, bạn ý sẽ quay lại đón nhóm phía sau. Đường xuống rất dốc, dễ trượt và ngã nên chúng tôi được lưu ý là phải cất hết máy ảnh vào ba lô, không được đeo phía trước nữa.

Đường rất dốc, chủ yếu nhờ vào độ bám của giầy để giảm tốc độ và tránh bị ngã.
Có những đoạn phải ngồi xuống trượt cho an toàn.
Lại có những đoạn như đi vào ngõ cụt phải vòng qua vòng lại tìm đường

Thành thật mà nói chỉ cần hơi run một chút, thiếu can đảm một chút cũng đủ lăn dốc, va đá và đi tong trên đoạn dốc này. Rất tiếc phải cất máy ảnh nên hầu như nhóm không chụp được ảnh nào để làm tư liệu.

Các bạn lưu ý đoạn đường dốc này: Khi xuống dốc hơi ngả người ra sau, chỉ dùng một gậy để đi. Kiểm tra độ bám của giầy (rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn không bị trượt dài khi vấp ngã). Nên mang bịt đầu gối để đảm bảo an toàn khi ngã.


Annapurna II & IV (qua hết những đoạn dốc ngược mới dám lôi lại máy ảnh ra để chụp)




Dãy Annapurna khi xuống gần Manang




Tốc độ đi của bạn Tây khá nhanh so với tôi. Mặc dù bạn cố ý dừng lại để chụp ảnh, uống nước sửa ba lô… để chờ nhưng nhiều lúc tôi vẫn phải đi như chạy để không bị bạn bỏ lại quá xa. Achut đã liên hệ với bạn guide 2 của đoàn ra đón và dẫn chúng tôi vào Manang.


Trước khi xuống thung lũng Manang




Qua bãi đá này vượt thêm một con dốc nhỏ đằng xa kia nữa Manang đã ở trước mặt




Tôi và bạn Tây về đến Manang lúc 15h50. Nhóm còn lại về sau chúng tôi 1 tiếng đồng hồ.
Tối đó ngồi ăn, nghĩ lại chặng đường Ice lake đã vượt qua, mấy anh em vẫn lẩm bẩm thật không tưởng tượng nổi.


Đường vào Manang. Đây là đường vòng sau núi để vào làng.




Làng Manang - chúng tôi sẽ nghỉ ngơi, thích nghi độ cao ở đây 1 ngày.

 
Mặc dù hôm trước tung tăng đi oánh gió dạo khắp các phòng kiếm ít thịt bò khô về nhấm, khá phấn khởi về cái sức khỏe đang có vẻ vào guồng. Mặc dù cũng được cảnh báo abc với xyz về độ vất vả và có thể sẽ thất vọng khi nhìn cái hồ một cách triệt để nhưng đúng là có những đứa bị địa hình ngay từ những bước chân đầu tiên giáng một cú choáng váng. Bước qua khỏi ngôi nhà đầu tiên của làng, qua trảng cỏ nhỏ là địa hình dốc đến 45 độ hồ hởi đón chào khi bọn tớ chưa kịp có màn khởi động nào. Và thế là ngay lập tức cảm nhận tất cả mọi sức nặng trên vai đang trì đôi chân và đẩy tốc độ thở cũng như nhịp tim tăng vọt. Lo đến chặng đường cả ngày ko có điểm nghỉ và ăn nên gần 2 lít nước trong balo ngay lập tức làm tớ hối hận. Con đường bé xíu mỏng tang chênh vênh bám hờ bên sườn núi dốc lại đang bị đào bới để đặt đường ống dẫn làm độ căng thẳng cứ giật phừn phựt trong các mạch máu chạy dọc thái dương còn nắng thì dù sớm nhưng cũng tha hồ chói chang nên ngay ở 20p đầu tiên chúng tớ đã phải dừng cởi bớt áo - có nghĩa là thêm đồ nặng đeo phía sau lưng. Một nhóm các bạn tây ríu rít sát bọn tớ rồi dần bỏ qua, dù nghe tiếng các bạn thở cũng rất to nhưng việc chấp nhận để bị bỏ qua đơn giản là việc được xác định trước. Dốc nhỏ và gấp khúc liên tục nên chỉ có phương án giữ đều chân và nhịp thở dù từng bước từng bước, cố nương theo phản xạ và quán tính là cách phi đội rùa vững chân bám đường. Ban đầu hiệu lệnh còn là "nghỉ nhé", "đi nào" sau mỗi mười bước chân thì sau chỉ còn tiếng thở ra "nghỉ", "đi" và số bước ngắn lại giữa các lần.

Việc nâng độ cao liên tục và gấp sẽ làm nản chí tất cả những kẻ đi sau khi nhìn thấy bóng đồng đội thấp thoáng bé tí tẹo phía tít trên cao hay những kẻ đi trước nhìn lại những cái chấm gần như đứng yên rơi rụng gần khuất tầm mắt. Lúc này cần 1 chút tâm lý cạnh tranh cho đội rùa khi thắc mắc "sao mọi người đi khỏe thế nhỉ, nhanh thế nhỉ" chứ đừng nhìn mà cảm thấy bất lực, hị hị. Mặt đứa sau cắm vào balo đứa trước, sát nút để nhận sự dao động nhịp nhàng của bước chân...bước và thở...bước và thở. Và điều mọi người thường quên khi tập trung cho những chuyển động của cơ thể là uống nước vì thực ra lúc ấy ngậm cái ống vào mà hút cũng vô cùng mất sức. Và phương pháp di chuyển chậm chắc đã có hiệu quả khi bắt đầu được nửa đường thì kể cả đội rùa cũng đã vượt qua các bạn tây một cách ngoạn mục. Đứng chót vót nhìn xuống các chấm nho nhỏ phía dưới của các bạn ấy là có tí hạnh phúc vì phía trước mình có đích và phía sau của mình là thành quả. Vậy nên nhớ phương châm chậm mà chắc, duy trì nhịp thở và chân theo đúng khả năng của mình, uống nước liên tục dù không khát, ăn socola trước khi bị đói, nhìn đích để phấn đấu và rất rất nên có bạn đồng hành để không bị tâm lý chán nản.

Đây là đám hoa khi tớ có đủ sức để lôi máy ra và ngắm bắn lúc các bạn tây bị bỏ lại lấm chấm đằng sau

 
Có một đặc điểm về thực vật của cung Ice lake là duy nhất có 1 trảng bình nguyên nhỏ khi đi qua sườn dốc đầu tiên là có cây lá kim cao quá đầu người. Còn lại là toàn những bụi cây sâm sấp mặt đất, đan chằng chịt vào nhau bò lan bao phủ khắp nơi, cộng sinh trong điều kiện thời tiết - địa lý vô cùng khắc nghiệt. Màu xanh của cỏ mỏng tang vì hầu như không thứ gì có thể vươn cao được với gió và áp suất ở đây. Vì thế đường không rõ vết, có đoạn bọn rùa đứng lại tần ngần không biết đi theo bên phải có vẻ mịn màng sáng sủa hay lục cục chạy theo rãnh núi bên trái lổn nhổn đá như vừa sau trận lũ ống. Lên độ cao này, với việc lũn chũn tiến từng bước như phim quay chậm mà lạc tầm 10m thì tâm lý chiến sẽ mềm nhũn như bánh đa nhúng nước, thân thể và sức lực sẽ tụt xuống theo chiều thẳng đứng với tốc độ ánh sáng ngay. Phải đứng lại để chờ và nghe ngóng tiếng người xuất hiện nhấp nhô ở phía nào hoặc nhóm sau đi lên làm hoa tiêu thì mới dám đi tiếp. Ngoài những vách núi sắc lẻm phủ tuyết âm trầm thì đá cuội nằm lóc chóc khắp nơi, xung quanh không có dấu hiệu định hướng nên mỗi lần quay lại chỉ thấy triền núi dâng cao và những kẻ lần mò chả biết chui ra từ chỗ nào nơi viền ranh giới kia. À, và người thì cũng chả khác đá là mấy :p


Khi lên gần đến hồ có một đoạn men theo triền núi được đi nhiều thành con đường mòn nhỏ hay được người ta làm đường cũng không rõ. Nhưng chắc chắn nếu đi theo kiểu tự lần theo hướng thì sẽ không trụ nổi với gió quật và rít ầm ầm do mặt núi chênh vênh dốc tuột thẳng xuống dưới thuận hướng đón những vần vũ nhảy múa cuồng nhiệt của gió. Người ta sẽ dễ lạc bước khi vừa chống chọi với gió, với hơi lạnh và mông lung trên cao. Có thể nhận thấy rõ ranh giới của góc núi ở đây khi giật lùi vài bước là nắng ấm và gió êm, chỉ đi thêm vài bước là tiếng rít đã xoáy vào tai, vào mọi kẽ hở trên người. Bọn rùa phải giật lùi lại, vịn gậy mà mặc áo vào khi trong người vẫn đang sũng mồ hôi. Chụp cái ảnh oánh dấu theo kiểu nhận diện qua màu quần áo


Và thật ra vì đứng lại để mặc áo mới ngẩng mặt nhìn xung quanh rồi...quýnh quáng. Đó là triền núi êm mịn tuyệt đẹp đang trườn mình như nàng mèo trắng lười biếng nũng nịu không màng đến gã khổng lồ cao lớn gồ ghề phủ tuyết đang cố lạnh lùng bên cạnh. Dĩ nhiên là tạm thời quên mất đang mệt, xoắn lên chạy ra đấy làm mấy trò vớ vẩn, rồi lại quay lại đường và nhớ ra mình đang...rất mệt :D. Đấy, thi thoảng nhảm nhí nhạt nhẽo tí cũng có ích, hê hê.
Thế là lại có sức đi tiếp và nhìn thấy đám ngựa li ti bên cạnh stupa trắng muốn trên sống núi. Lại nhoắng lên: tele...mình ko có tele...chụp sao được giờ dù vẫn cố để có được bức ảnh này và đành diễn giải bằng lời theo cách người ta hay nói là "chụp ảnh bằng mồm"


@Langthang: Cái ảnh bọn ngựa trên bình nguyên thích thế(wait)
 
Sự phấn khích bù lại chút năng lượng giúp bước chân có vẻ hăng hái hơn. Tuy nhiên một đợt sóng cảm xúc khác lại dâng trào khi quay sang nhìn nhau và rít lên khe khẽ mà nếu ở dưới xuôi cái tông giọng có thể là sấm sét khi thấy hồ hiện ra trước mặt: "hồ đây á, Ice lake đây á, trông lởm thế này á (dù cũng biết nó lởm thật từ trước đó), vớ vẩn thế này á..." Quả thật lúc ấy trời bị mây đen kéo lên âm u nên nhìn cái hồ - có thể gọi là chỗ chứa nước lớn trông thập phần thảm hại và trơ trụi trong ánh nhìn và những câu cảm thán rất tiêu cực của đội rùa. Can tội nhìn cái bảng lưu ý ngay đầu hành trình có ghi nào là giữ vệ sinh, không bứt lá bẻ cành, không xâm hại động vật tại hồ...vưn vưn và vưn vưn... nên dù biết hồ rất lởm cũng mong có ít cành cỏ khô để giả vờ thành linh chi ngàn năm hay đôi ba con vật cho sinh động. Thế là đội rùa tức khí bắt đầu ngồi xế cạnh hồ làm mấy động tác múa may vớ vỉn cho bõ tức (dĩ nhiên vừa làm vừa lẩm bẩm dằn vặt cái hồ:gun). Khổ thân đôi chim (mà bọn tớ hạ cấp xuống thành vịt) màu đen và cam xám lơ ngơ góc hồ bị phát hiện và nhận sự "miệt thị" hết lời kiểu giận cá chém thớt của bọn rùa vì: hồ xấu thế mà cũng bơi :D


Sau khi tỉnh cơn tức thì mới nhìn quanh và...chả thấy ai. Bắt đầu ngơ, lên đỉnh rồi mà, mọi người đâu, bỏ rơi bọn mình à, thế là chết đói à, giờ đi đâu, xuống thế nào...ơ hay. Tớ dốt phương hướng nên bắt đầu cuống, nhìn 360 độ thấy duy nhất trước mặt hướng từ đường vào hồ có 1 cái stupa trắng đứng lon chon trên đỉnh dốc, à, đấy, lại là trên dốc nhé. Cái tâm trạng đến đích rồi xong lại không xác định được có phải là đích không đã nản, lại còn không thấy đồng đội và đói thì mới gọi là hoang mang. Theo định hướng của kẻ cùng cảnh ngộ, có duy nhất cái chỗ kia thì ta cứ lên đấy xem sao, ở cao sẽ quan sát được xem đường xuống ở đâu. Thế là đã xác định là bị bỏ rơi rồi đấy. Lê bước bò lên...dốc có tí tức tưởi, hic, tớ đóiiii.
May thế, đang đi thì thấy bóng người: Achut đang co ro cuộn 2 tay vào người đi xuống, ngó thấy bọn tớ vẫy vẫy rồi đứng chờ, tớ mừng rơi rụng, hóa ra mọi người ở trên đây. Và cũng vì thế phát hiện ra cái hồ mình vừa mắng mỏ không phải là Ice lake mà cái hồ sau đó khi đi qua triền dốc có cái stupa trắng duy nhất này mới là nó.
Đây là điểm đánh dấu, ảnh này chụp ngược từ phía Ice lake lại


Gặp được bạn đồng hành là mừng rơn, hỏi han tíu tít mới biết mọi người đã đợi bọn tớ khá lâu rồi và bắt đầu bị ngấm lạnh. Lúc đội rùa vừa đến nơi thì tuyết bắt đầu rơi, nhiệt độ giảm mạnh kèm với gió hun hút khiến cho mấy anh chị em phấn đấu mãi mới đứng chụp được kiểu ảnh đánh dấu lãnh thổ. Một số bạn tây bên cạnh vẫn còn tung tăng nhờ chụp ảnh...nhảy yomost được trong khi bọn tớ dúm vào nhau co ro vì lạnh. Miếng bánh trao tay vừa nhai trệu trạo vừa run. Chưa kịp ngồi được vài phút đã bị giục xuất phát, có đứa vừa bỏ miếng trứng luộc vào miệng đã phải đứng lên nên đành vừa chống gậy vừa...nhai vì nếu ngồi thêm chút nữa sẽ bị ngấm lạnh và không thể đi xuống được vì tuyết rơi và gió đang ngày một tăng tốc.
Có chút đồ ăn lót dạ nên tớ mới ngoái đầu nhìn lại cái hồ khi nãy, à, thấy cũng không đến nỗi tệ như cái nhìn đầu tiên nhỉ. Còn Ice lake thì langthang up ảnh rồi, tớ chả có ảnh ở đây mấy vì còn bận...ăn


Có câu chuyện bên lề:
Lúc đội rùa đang hì hục leo dốc, tập trung mọi sức lực để nâng chân và cơ thể ở đoạn khá hẹp thì nghe tiếng "Namaste" đằng sau (câu chào của người Nepal). Biết là có người nhờ câu chào chứ tịnh không nghe tiếng bước chân hay tiếng thở. Biết chắc bạn này muốn vượt qua nên đội rùa tự động nghiêng người nép sang 1 bên, không cả ngẩng đầu hay chào lại chứ đừng nói là ngoái nhìn. Bóng bạn đó lướt qua, tớ nhắc lại là LƯỚT QUA nhé, nhẹ bẫng. Và rất nhanh sau 3 bước sải chân bạn ấy đã ở trên đầu dốc cách bọn tớ khoảng 5p lẫm chẫm theo tốc độ đội rùa. Đội rùa sốc toàn tập, treo máy 5s sau mới thảng thốt "nó nhất định không phải là người"=)). 1 cái áo phông cộc tay, quần vải loại để tập yoga mỏng mảnh rộng thùng tình xắn cao như quần đùi, hai tay khoanh trước ngực, balo vải bé tẹo đeo sau, mái tóc xoăn bồng lên như cái nấm...và bạn ấy rất trẻ. Bọn rùa ko dám nghĩ đến tốc độ và một đống thứ quấn quanh người. Đội rùa mất thêm 5p đi trong trạng thái mơ hồ nghi hoặc và bất nhẫn. Ngay lúc gặp đồng đội đã vội vã buôn thì chưa dứt nhời đồng đội đã "kia hả, phải kia không..." rồi kèm theo những câu bình luận còn choáng hơn cả đội rùa vì chứng kiến bạn ấy lên hồ chạy nhảy, đứng tập yoga, nhúng chân xuống hồ đang đóng băng và...làm vô vàn các động tác của kẻ thừa năng lượng như ở đồng bằng. 4600m đó nha, điên mất.
 
Lên đỉnh, tới đích nhưng thực ra đấy vẫn chưa phải là đã hoàn thành được kế hoạch. Vậy nên các cụ chúng ta có dạy rằng "30 chưa phải là Tết" cấm có sai. Đường về phía trước mới là cả một cuộc thách thức không hề nhẹ nhàng cho việc hí hửng mà chùng cơ với tinh thần sau khi lên đỉnh. 6 người đi thì sau một hồi tung hoành chạy về thì bị chia thành 3 nhóm chõe theo 3 đường khác nhau dù cùng lấy cái hồ phía thung lũng Manang trực chỉ tiến tới. Vì một lẽ đơn giản: không có đường.
1 bạn thì chạy theo bạn tây vì thấy hướng đó chạy ổn nhất và có vẻ dễ đi: lạc chệch hẳn qua một sườn núi khác về góc phía phải.
2 bạn bám theo Achut thì cũng lòng vòng zíc zắc một hồi ôm cua sườn bên trái
2 bạn đinh ninh đường thẳng là đường ngắn nhất thì xuống núi theo cái sườn dốc theo chiều thẳng đứng và chỉ dành cho loại 4 chân nhanh nhẹn nhẹ nhàng thuộc địa hình như dê mới có thể đi.

Ảnh chụp khi bạn chạy theo bạn tây lạc tít sườn bên kia chỉ còn 1 chấm đỏ và bọn tớ phải ra sức hò hét bạn ấy mới nghe tiếng và chạy theo hướng chỉ


Như bạn ấy đã trình bày ở trên thì khi lạc chỉ có duy nhất 2 cái máy ảnh trong người: một kinh nghiệm được rút ra là những đồ vật tối thiểu cho việc sinh tồn thì lúc nào cũng nên gắn trên người, có những cái túi sơ cua và ở vùng núi hay những địa hình hiểm trở thì tuyệt đối không lúc nào được chủ quan.

Nhóm theo Achut thì vì đi vào ngách núi nên chỉ vài phút là mất hút, đó cũng chính là lí do mà nhóm thứ 3 tự quyết định "dứt khoát" đi đường sơn dương. Kết quả là khi mọi ng đứng dưới nhìn 2 cái chấm đỏ hì hụi tìm mô đất hơi nhô lên 1 chút lấy điểm tì trên cái triền thẳng tuột với sự bất lực thì với việc tự động viên nhau đội đã hoàn thành xuất sắc việc xuống núi theo chiều chim rơi thẳng đứng. Ngước mắt nhìn quãng đường vừa qua thì tâm trạng mông lung kiểu "chả hiểu nổi" như thế này


Và rất là sáng suốt khi lịch trình được thay đổi ko đi từ Manang như dự kiến ban đầu vì cái đường xuống Manang dốc ngược liên miên như thế này, đi lên sẽ cảm giác bị cố sức liên tục không ngừng. Nhìn cái bạn Hàn Quốc cúi gục đầu buông thõng thượt tay bên cạnh là đủ biết. Còn cảnh sắc đi từ trên cao nhìn xuống thì lại trùng điệp và hấp dẫn hơn nhiều

 
Từ đầu tới giờ chưa khen được Ice lake cái nào, kể cũng là một điều hơi phân biệt đối xử quá.
Lại được cả chị em nhà Rùa kia lẩm bẩm than thở, che bai nữa, :D

Thật ra Ice lake nếu tìm hiểu kỹ, ngắm nhiều sẽ thấy có nhiều điểm đẹp.
Môt số ảnh khác của Ice lake để mọi người có thêm quyết tâm lựa chọn điểm trek thách thức này.


Hồ nhỏ phía ngoài có view ngắm Annapurna rất ấn tượng




View ngắm núi cũng ở hồ nhỏ phía ngoài. Góc chụp tốt hơn ảnh của mình ở trên (Ảnh sưu tầm trên mạng trước khi đi)




Khi điều kiện thời tiết không tốt, Ice lake vẫn đẹp. Một trong những bức ảnh làm mình quyết tâm đi Ice lake ( Ảnh sưu tầm trên mạng)




Nếu điều kiện thời tiết tốt. Ice lake trông như vậy này (Ảnh sưu tầm trên mạng)

 
Day 7 (30/04) Nghỉ thích nghi độ cao ở Manang. Visit View Point (3540m) 3hrs hike

Thị trấn (làng) Manang nằm ở phía Bắc dãy Annapurna. Đây là một trong những ngôi làng lớn nhất trên tuyến đường, đồng thời cũng là một địa điểm lý tưởng để thích nghi độ cao của dân trek Annapurna.

Ở Manang có một trung tâm y tế khám sức khỏe miễn phí và training về bệnh độ cao. Trung tâm này khá thú vị, đa số dân trek đều ghé qua khi đến Manang. Nếu không an tâm về sức khỏe của bản thân bạn nên dành chút thời gian đến đây để kiểm tra và nghe tư vấn.
Nhóm trek Ice lake quyết định sẽ chỉ dạo quanh Manang trong ngày này.
Nhóm còn lại vẫn sẽ thực hiện theo đúng lịch trình thích nghi độ cao: trek View point (3540m).

Không thể miêu tả hết được cảm giác thỏa mãn và thư thái hoàn toàn trong ngày này khi ở Manang.

Bầu không khí sáng sớm trong trẻo và lành lạnh




Đường làng sáng tĩnh lặng và yên bình.




Dạo quanh làng mà chả gặp được ai, hàng quán cũng chưa mở cửa phục vụ




Rồi khi tỉnh giấc, cuộc sống trở nên tấp nập, sôi nổi

 
Từ đầu tới giờ chưa khen được Ice lake cái nào, kể cũng là một điều hơi phân biệt đối xử quá.
Lại được cả chị em nhà Rùa kia lẩm bẩm than thở, che bai nữa, :D

Thật ra Ice lake nếu tìm hiểu kỹ, ngắm nhiều sẽ thấy có nhiều điểm đẹp.

Hoàn toàn đồng ý(beer)(beer)
Thực ra là việc tâm trạng trồi thụt cũng phần nhiều do sức leo và tâm lý "chiến" chưa tốt. Chứ thực ra, nếu tớ được đi lại tớ vẫn chọn Ice lake. Muốn chia sẻ đồ thị tâm lý chẳng qua muốn để những người sau xác định tinh thần trước khi đi: thật quyết tâm và cũng thật thẳng thắn nhìn vào sức khỏe của mình để đưa ra quyết định chọn cung này. Trên thực tế cung này không phải quá khó khăn, kinh nghiệm rút ra ở đây là ý thức tự chủ cao và tâm niệm duy nhất 1 điều: luôn hướng về đích, mọi thứ trên đường đi chính là sự khám phá. Đây cũng là cung mang tính thử thách không chỉ sức lực mà còn sự kiên định trong tâm lý nữa (à, tớ nói riêng đối với người châu Á thể lực kém cạnh thôi nhé, không so với các bạn nước ngoài khác được). Ngay bản thân bạn tây ghép đoàn bọn tớ lúc nào cũng cách bọn tớ 4-5 tiếng đi mà sau khi qua Thorungla Pass - đỉnh cao nhất của hành trình cũng phải thốt lên: đã leo được Ice lake thì đỉnh này chẳng có khó khăn gì.
Cảnh trên đường có những đoạn làm bản thân tớ bị choáng ngợp và cực kỳ phấn khích. Cảm giác bé nhỏ nhưng được bước cao ngang sát tới những đỉnh cao uy nghi của Annapurna, đôi khi như chỉ cần vươn tay là có thể chạm tới những nếp núi sắc lẻm phủ tuyết quấn mây, đôi khi như được dựa vào đỉnh núi, được lọt thỏm ôm vào lòng như đứa trẻ cần cưng nựng được nâng lên vỗ về. Có những đoạn, mỗi bước chân là được một món quà no nê con mắt và cảm giác chinh phục. Cảnh đẹp không chỉ ở đích đến mà thầm dần trên mỗi con đường, nhỉ ;)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,667
Bài viết
1,171,077
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top