What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Ngày 8 (01/05) Manang to Ledar (4200 m) 10,5km, 4,2 hrs walk

Sau gần 2 ngày nghỉ ngơi, thư giãn, thích nghi độ cao ở Manang, chúng tôi lại tiếp tục hành trình Annapurna.
Đường những ngày cuối trước khi qua đèo Thrung La Pass không dài nhưng độ cao thì nâng lên đáng kể. Những ngày tiếp theo này, Achut theo dõi sức khỏe của chúng tôi khá kỹ lưỡng. Nếu như có bất kỳ thay đổi hoặc biểu hiện nào về sức khỏe của mọi người trong đoàn, bạn ý sẽ điều chỉnh đường đi, tốc độ đi ngay lập tức.

Manang - Ghusang (Gunsang) 3950m, 8km, 2,5 hrs

Rời khỏi khách sạn, chúng tôi theo đường mòn đi xuyên qua khu dân cư rồi men theo những triền dốc thoai thoải đi lên.

Đường mòn đi qua khu làng người Tạng cuối Manang




Sương vẫn còn mờ mờ giăng phủ trên đường, không khí lạnh nhưng trong lành




Có lẽ thời gian nghỉ ở Manang đã giúp mọi người hồi sức tốt, đoàn đi nhanh hơn nhiều.
Ra khỏi Manang đường bắt đầu lại lên dốc tuy nhiên tốc độ, khoảng cách giữa mọi người trong đoàn vẫn giữ đều, không cách xa nhau nhiều như những ngày trước.

Chúng tôi vòng qua hồ Gangapuna hướng đi lên. Ở đoạn này đườngmòn chia 2 lối: một lối đi Tilicho lake, lối còn lại hướng đến Thrung La Pass (đoạn rẽ có biển chỉ dẫn hướng đường cụ thể)




Các bạn poter của đoàn cũng bắt đầu hành trình với những túi đồ nặng. Các bạn đi chậm nhưng tốc độ đi chả thua kém những người trong đoàn là mấy. Có nhiều hôm các bạn còn đến trước nhận phòng hộ mọi người trong đoàn.

 
Thung lũng Manang lùi dần phía xa



Đường mòn tiếp tục đi lên và đi lên.
Càng lên cao không khí càng khô.
Mặc dù nắng mặt trời chiếu rọi rực rỡ nhưng không khí rất lạnh. Càng lên cao, nắng càng to thì càng lạnh và càng gió. Một điều gần như trái ngược hẳn với không khí ở vùng đồng bằng.




Những người bạn đồng hành như vậy trên đường là rất hiếm. Đôi khi chỉ đi được cùng nhau đoạn ngắn là phải nhường đường.
Những bạn la, ngựa này mà không nhường đường thì rất nguy hiểm vì các bạn ý đi chả có quy tắc hay đường lối nào.





Dãy Annapurna vẫn luôn đồng hành khi trước, khi sau, khi bên cạnh trên cả đoạn đường

 
Buổi sáng rạo rực lên đường nhưng đúng là có chút nuối tiếc thời gian nghỉ ngơi giãn gân cốt ở thung lũng yên bình. Dòng sông lấp lánh có lẽ là lời động viên sẽ luôn song hành hữu hiệu nhất khi nấn ná quay nhìn lại


Thực vật phân tầng rõ ràng khi ở 2 bên con đường treo mình trên mép núi sát đỉnh chỉ là những bụi cây lúp xúp toàn gai đỏ hồng ánh lên trong nắng sớm


Cái lạnh trực chờ ngấm ngay vào da thịt nếu chỉ chùng chân dừng lại vài giây. Công cuộc khởi động cho ấm người chưa kịp hoàn thành thì đã mất quá nhiều sức và hơi thở cho những đoạn dốc ngắn nhưng gấp. Xung quanh là sự trong vắt. Mười mấy con người dù xanh đỏ ồn ào, dù kéo đế giày sát mặt đất nhưng cũng không làm quấy đảo được bầu không khí ấy. Ai cũng mang trong mình một nguồn năng lượng đã được sạc đầy ắp nên cái sự tận hưởng ngắm nghía mọi thứ xung quanh cũng sáng tỏ hơn. Dòng sông phía dưới với lượng nước ít ỏi đang cố len mình giữa khô cạn cùng lớp cây bụi vùng thấp mang sức sống bền bỉ cũng là động lực cho đàn kiến đang nối đuôi phía trên.


Dường như bọn tớ đang khởi động cho một cuộc hành trình mới, có vẻ đây mới thực sự là bắt đầu ;)
 
Đường mòn men theo núi đến Ghusang. Những mảng mầu xanh thế này rất ít gặp ở độ cao trên 4000m




Càng lên cao, khu dân cư càng thưa thớt và rồi sau đó vắng bóng hẳn bạn chỉ còn có đường mòn, mây, núi làm bạn. Những trạm dừng chân, nhà nghỉ chỉ xuất hiện tại những điểm có tên trên bản đồ trek.




Ghusang là một điểm dừng nhỏ trên tuyến đường (bản đồ chi tiết đường mòn trek Annapurna mới thấy có địa danh này). Tuy là điểm dừng nhỏ và không phổ biến nhưng có nhà nghỉ và đầy đủ các dịch vụ cần thiết nếu chẳng may bạn phải ở lại đây khi bị lạc đường, đi quá nhanh hoặc quá chậm trên tuyến trek Annapurna.

Các cư dân Nepal sống dọc theo trục đường mòn Annapurna đa số có thu nhập không ổn định, cuộc sống của họ rất vất vả. Chính phủ Nepal tuy có hỗ trợ nhưng rất ít và phần lớn thường không đến được tay người dân. Dịch vụ du lịch chính là nguồn thu chủ yếu của họ.Tại bất cứ nhà nghỉ hay trạm dừng chân nào trên dọc đường trek khách du lịch đều được phục vụ rất tốt. Nếu như có bất cứ lời phàn nàn hoặc than phiền của khách, các nhà nghỉ và trạm dừng chân đều cố gắng khắc phục ngay. Họ cho rằng nếu khách không hài lòng thì sẽ quay lại, không giới thiệu thêm khách mới và như vậy họ sẽ mất đi thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình.

Điểm dừng nghỉ Ghusang trên đường trek



Thư giãn với trà bạc hà, mây, núi

 
Ghusang – Yak Kharka (4050m, 1,5km, 1hrs)

Đoạn này tuy không dài nhưng dốc hơn nhiều so với đoạn đường vừa qua. Ở độ cao hơn 4000m này việc điều hòa hơi thở, giữ nhịp bước chân đều đã trở thành một thử thách. Đoàn chúng tôi vẫn tuân thủ nghiêm túc theo chủ trương đề ra ban đầu: đi chậm, thở đều, không cố gắng làm bất cứ việc gì phải dùng nhiều sức, không cúi xuống hoặc ngồi ngay cả khi đang rất mệt…. Khi dừng lại không nên cố gắng hít thở sâu liên tục vì như vậy lượng oxy tiêu hao sẽ rất lớn, máu không đủ chất tuần hoàn và tái tạo, rất dễ xẩy ra những triệu chứng về độ cao.




Núi tuyết ở phía trước hay phía sau lưng đều rất ấn tượng



Yak Kharka đông đúc hơn so với Ghusang.
Với những đoàn trek sức khỏe không tốt, thông thường đều dừng thêm ở Yak Kharka để thích nghi độ cao.



Tốc độ đi của đoàn trong buổi sáng là khá tốt. Chúng tôi chỉ còn một quãng đường ngắn nữa cho buổi chiều. Do nhiều thời gian và cũng muốn đỡ vất vả hơn sau khi ăn trưa, Achut đã đưa cả đoàn bỏ qua thị trấn Yak Kharka leo tiếp lên một nhà nghỉ trên đỉnh dốc để nghỉ ngơi và ăn trưa. Những cố gắng leo dốc cuối buổi trưa này quả thật rất đáng phục vì lúc này mọi người phải khắc phục đường đi dốc ngược, gió mạnh, đói và mệt.
12h45 (giờ Nepal) chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu. Tuy rất mệt nhưng trong đoàn chưa thấy ai có những biểu hiện của sốc độ cao nên khá yên tâm.

Nhà nghỉ trên đỉnh dốc sau khi đi qua Yak Kharka




Bữa trưa ở Yak Kharka vẫn những món quen thuộc: Canh bắp cải, khoai tây xào, trứng ốp với pate, ruốc nấm và cơm. Cả đoàn ngồi quanh một chiếc bàn dài, vừa ăn uống, trò truyện vừa ngắm cảnh xung quanh. Không khí thật ấm áp và vui vẻ.

 
Sáng trời vẫn đẹp, nắng vàng, trời xanh, mây trắng. Nhưng lên đến Yak Kharka thì nhiều mây, xầm xì, thỉnh thoảng có mưa nhỏ, trời lạnh hơn. Với kiểu thời tiết này thì chiều tối rất có thể có tuyết rơi.
Đây là kiểu thời tiết bình thường và phổ biến khi trek Annapurrna ở thời điểm và độ cao này. Nếu chiều tối gặp thời tiết như vậy thì cố gắng dừng nghỉ sớm vì đi trong điều kiện tuyết rơi, tầm nhìn hạn chế, nhiệt độ có thể xuống đến âm sẽ rất nguy hiểm.




Cầu treo vắt vẻo, ngày nào cũng đi qua ít nhất 1 đến 2 cái.
Lúc đầu còn hồi hộp sau đi nhiều thành quen, thấy thích cái cảm giác cứ lắc lư, lắc lư khi đi qua




Yak Kharka – Ledar (4200m, 1km, 45 minutes)

Gần 4 giờ chiều đoàn chúng tôi mới lại tiếp tục lên đường.
Quãng đường còn lại ngắn, tuy lên dốc nhưng thoai thoải không quá mất sức.
Khi đến điểm nghỉ ở Ledar mọi người đều khá bất ngờ vì đường ngắn hơn nhiều so với suy nghĩ, có cảm giác vừa mới khởi động chưa kịp làm ấm được cơ thể thì đã đến nơi.

Đoạn này chỉ có lúc qua cầu treo trước khi đến nhà nghỉ là hơi có tính thử thách một chút. Cầu treo ở đây không cao như một số cầu treo đã đi qua nhưng gió rất mạnh. Cầu khi không có người nhìn cũng thấy đu đưa và lắc rất mạnh. Achut phải cẩn thận chia từng nhóm từ 3 đến 5 người qua một lần. Nhóm đi trước qua hết cầu rồi nhóm sau mới được tiếp tục qua.

Cầu treo trước khi đến chỗ nghỉ đêm



Đúng như dự đoán về thời tiết, trời bắt đầu có tuyết rơi, nhiệt độ giảm xuống rất nhanh, chỉ cần bước ra khỏi phòng là run lên cầm cập, tay không đeo găng có cảm giác như bị đóng băng.Tuyết lúc đầu còn phất phơ vài bông, sau thì ào ào rơi như mưa rào. Khoảng sân phía ngoài rồi những triền núi xung quanh dẫn khoác lên mình một mầu trắng mờ ảo. Kế hoạch đến sớm đi lượn vòng quanh chụp ảnh thế là lại phá sản.



Ngồi trong phòng sinh hoạt chung, chúng tôi vừa hỏi han thông tin vừa thảo luận với Achut về hành trình ngày hôm sau. Nếu lên đến Thorung Phedi điều kiện sức khỏe của đoàn ổn định, không ai bị sốc độ cao chúng tôi sẽ lên tiếp HighCamp để ngủ đêm. Đoạn đường lên HighCamp tuy không dài nhưng cực kỳ dốc, mất sức. Nếu qua được chúng tôi sẽ tiết kiệm được sức và thời gian để vượt đèo Thorung la pass. Còn nếu có triệu chứng của sốc độ cao cả đoàn sẽ phải ngủ lại Thorung Phedi để thích nghi. 2 ngày cuối cùng này rất quan trọng, chúng tôi phải đảm bảo đủ sức khỏe, tốc độ để an toàn vượt Thorung la pass trước 10h sáng.

Cả nhóm tán chuyện phiếm bên ấm trà nóng, rồi chuẩn bị chia nhau đi nấu bữa cơm tối.

Sau bữa cơm tối tuyết vẫn rơi, phòng sinh hoạt chung tuy kín gió nhưng không có lò sưởi nên vẫn khá lạnh. Chuyện phiếm một lát rồi chúng tôi về phòng nghỉ sớm để lấy sức cho ngày mai. Hy vọng đến đêm tuyết sẽ ngừng rơi nếu không đường đi ngày mai sẽ rất vất vả.



* Note:
- Lên đến độ cao 4000m, nước uống đóng chai giá khá đắt: 80 – 90rupie/chai 1lít. Ở Letdar vẫn có điểm lấy nước, tuy phải đi hơi xa nhưng giá rẻ hơn nhiều 40 – 50 rupie/ bình 2lít.
- Những bạn bị đau dạ dầy nên chuẩn bị kỹ: thuốc các loại, khăn giữ ấm bụng, găng tay, tất ấm. Với điều kiện trời lạnh, hanh khô, đồ ăn không hợp khẩu vị dạ dầy sẽ đau thường xuyên đấy.
 
Last edited:
Ngày 9 (02/05) Ledar to High Camp (4850m), 6km, 5hrs walk

Đến nửa đêm cuối cùng thì tuyết cũng ngừng rơi.
Sáng sớm dậy bước ra ngoài, nhìn đâu cũng thấy một mầu tuyết trắng.
Tuy rất lạnh nhưng không khí lại vô cùng trong trẻo, rất thích. Một bọn dở người, tuy rất lạnh nhưng vẫn ham hố cái không khí núi cao lũ lượt kéo nhau ra ngoài để đánh răng rửa mặt. May mà xin được một chút nước ấm chứ với điều kiện thời tiết này lại dùng nước lạnh chắc là hóa đá cả lũ :D;).

Khung cảnh phía ngoài nhà nghỉ vào buổi sáng khi tuyết đã ngừng rơi




Tuyết chưa kịp tan, trắng một mầu xung quanh nhà nghỉ




Một cốc trà nóng + trứng tráng + bánh mỳ hay một bát súp nấm nóng hổi giữa khung cảnh tuyết lạnh này đều để lại những ấn tượng khó quên.

 
Ledar – Thorung Phedi (4450m), 5km, 3.5hrs walk

Đoạn khởi đầu của ngày hôm nay tương đối dễ nuốt.




Đường mòn vòng theo sườn núi, có lên nhưng từ từ, không quá dốc. Rất may tuyết đã ngừng rơi từ đêm nên đường mòn tương đối khô ráo không quá trơn trượt. Những sườn núi, bụi cây hai bên đường đôi chỗ tuyết vẫn chưa tan hết, có những đoạn ánh lên lấp lánh rất hấp dẫn.




Ngày hôm nay lên độ cao hơn 4000m mọi người trong đoàn ai cũng khá thận trọng. Quãng đường đi không quá dài nên đa số mọi người chủ động giảm tốc độ để đảm bảo cơ thể có thể thích nghi tốt hơn với điều kiện môi trường xung quanh.




Thỉnh thoảng có những đoạn đường bằng phẳng, tầm nhìn rộng mọi người có thể thoải mái chụp ảnh và tranh thủ nghỉ ngơi

 
Tốc độ đều, chậm nên nhiều lúc lên dốc, đoàn kéo thành một hàng dài nhìn rất vui mắt




Đường mòn đi được khoảng 3km thì chia làm 2 hướng:

Hướng 1 đi xuống, qua cầu treo, rồi men theo sườn núi đối diện leo một đoạn dốc ngắn lên đến điểm nghỉ chân trên đường (hướng đi này đỡ mất sức nhưng dài hơn một chút so với hướng 2).

Đường mòn chia 2 hướng đi (đi theo hướng cầu treo phía dưới là đường ít tốn sức hơn)




Hướng 2 tiếp tục men theo sườn núi, sau đó xuống dốc băng qua một cầu gỗ nhỏ ngang suối rồi leo lên dốc thẳng đứng để đến điểm nghỉ chân (hướng này ngắn hơn nhưng mệt và mất sức).

Đường mòn (phía trái ảnh) tốn sức và mệt hơn rất nhiều




Đoàn đi cách nhau không xa nhưng có 2 bạn guide dẫn nên mỗi bạn dẫn đi theo một hướng. Nhóm phía sau đi hướng 2 lúc leo đến nơi nhìn mặt mũi ai cũng nhợt nhạt đáng sợ. Phải mất đến 10,15 phút nghỉ ngơi mới nói chuyện được. Các bạn có ý định trek độc lập Annapurna, không có guide thì lưu ý đoạn này để tránh bị sốc độ cao vì quá mệt khi chọn đường đi.

Trạm nghỉ chân ở phía trên đỉnh dốc

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top