What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
Từ Lower Pisang đến Manang có 2 đường:

- Đường Lower đơn giản, không nhiều đèo dốc, cảnh sắc không ấn tượng, đây là đường đi ngắn để về thẳng Manang.
- Đường Upper Pisang chủ yếu là đường đèo, dốc hơn, đường dài hơn để đến Manang nhưng cảnh sắc thì đẹp. Đa số dân trek đều chọn đường này.

Theo lịch trình, sau khi đến Manang chúng tôi sẽ đi tiếp để lên Ice lake. Nhưng trên đường đi Achut đã khuyên chúng tôi nên dừng lại ở Braga. Từ Braga nếu đi chậm thì mất khoảng 1 tiếng là về đến Manang. Đồng thời từ Braga có đường đi Ice lake, đường này dễ đi hơn rất nhiều từ hướng Manang.
Sau khi thảo luận, đoàn chọn đi đường Upper Pisang và điều chỉnh nghỉ lại ở Braga thay vì ở Manang. Đến cuối ngày, đa số mọi người trong đoàn đều cảm thấy kiệt sức nhưng mọi người đều hài lòng và cảm thấy rất may vì đã nghe theo lời Achut tư vấn.

Day 5 (28/04): Lower Pisang to Bharaka (3540m) 18km, 8hrs walk

Hôm nay đường trek sẽ tiếp tục nâng độ cao, điểm nghỉ cuối của ngày sẽ là Bharaka (Braga) ở độ cao 3439m. Cao hơn Lower Pisang hơn 300m. Chúng tôi vẫn đang đi theo đúng trình tự thích nghi độ cao (đi lên điểm cao sau đó về ngủ ở điểm thấp hơn).

Upper trail:
Lower Pisang – Upper Pisang (3300m, 45 minutes)

Bữa sáng nay mọi người ăn khá ít, một phần do bữa sáng tại nhà nghỉ quá nhiều, một phần có lẽ do không hợp khẩu vị.
7h sáng lại khăn gói quả mướp lên đường. Qua trạm lấy nước an toàn phía cuối làng để bổ sung thêm nước.




Đường trong Lower Pisang




Từ Lower lên Upper Pisang nhìn rất gần ( Upper cao hơn Lower khoảng hơn 100m), nhưng leo lên cũng tốn khá nhiều sức. Có lẽ do vừa bắt đầu đã leo một đoạn khá dốc lại trong điều kiện thời tiết rất rất lạnh, độ cao hơn 3000m so với mực nước biển nên mệt nhanh. Có những lúc giơ máy ảnh lên chụp mà cảm giác nặng không nhấc lên được, tay thì cứng đơ, lạnh buốt dù đeo găng, thỉnh thoảng khi thở, view máy ảnh lại bị phủ một làn hơi nước mờ ảo .


Paungi Danda nhìn từ cuối làng Lower Pisang





Đường lên Upper Pisang






Ở mỗi góc khác nhau trên đường lên Upper Pisang "khuôn mặt muộn phiền" trên Annapurna II lại có những hình ảnh khác nhau. Thử nhìn xem có bao nhiêu khuôn mặt muộn phiền từ góc này nào?







Điểm đến trên Upper Pisang là một tu viện theo đúng kiến trúc Tạng. Tuy nhỏ nhưng hình ảnh và nét vẽ vẫn rất tinh xảo, đặc trưng.
Đứng trong khu tu viện có view ngắm toàn cảnh thung lũng và một phần sông Marsyangdi, đỉnh Annapurna II (đỉnh núi cao thứ 2 trong dãy Annapurna và cao thứ 16 trên thế giới), đỉnh Annapurna IV và Paungi Danda ở phía xa.


 
Upper Pisang – Ghyaru (3670m, 6km, 2.5hrs)

Từ tu viện trên Upper Pisang đi xuống, đường trek vòng qua một stupa hướng theo phía bên trái. Sau một đoạn hơi xuống đường lại tiếp tục đi lên, thỉnh thoảng đường xuyên qua những rừng thông cao vút. Đoạn này cứ đi một đoạn lại quay lại ngắm Annapurna II, IV sừng sững ở phía sau. Thấy mình lúc này thật nhỏ bé giữa thiên nhiên.


Cổng stupa ở Upper Pisang




Đường nhìn từ Upper Pisang sang Ghyaru




Đường hơi đi xuống




Xuyên qua một rừng gai dầy, cao hơn đầu người, thấp thoáng phía trước ngay giữa lối mòn là dãy tường kinh luân. Trên những khuôn cửa của tường kinh luân có vô số đá mani kích cỡ đủ loại được xếp ngay ngắn. Dân địa phương và khách bộ hành qua đây đều để lại một lời cầu bình an. Cả đoàn dừng nghỉ ở khu đất nền trống phía sau tường kinh luân. Nhìn lại đoạn đường vừa qua thấy Annapurna II với “khuôn mặt muộn phiền” vẫn sững sững đứng đó dõi theo. Cảm giác có chút hơi hoang đường.





Dãy tường kinh luân




Thời tiết lại đã lại thay đổi, sáng lạnh đến nỗi nước đóng thành những mảng băng mỏng, giờ đây đã lại nắng nóng chói chang. Nắng, nóng nhưng gió vẫn lạnh. Chỉ bỏ áo gió ra ngồi một lát thôi là đã lạnh run người. Hầu như mọi người đều nghỉ rất ít, chỉ để cho chân kịp thư giãn rồi lại lên đường luôn, ai cũng lo dừng lâu cảm lạnh hoặc chân sẽ cứng đi tiếp khó khăn.
Qua khu tường kinh luân sẽ tiếp tục lên dốc để đến View point và làng Ghyaru. Đoàn chúng tôi đang tiến dần đến một hẻm núi sâu trên đường đi. Những hẻm núi sâu cũng là một trong những đặc trưng nổi tiếng của cung đường Annapurna. Cầu treo dài, gió mạnh, mỗi nhịp bước chân cầu cứ lắc qua lắc lại. Vài người trong đoàn khi qua cầu đã phải lấy hết can đảm để đi thật nhanh qua.



Cầu treo giữa 2 hẻm núi




 
Ngoài loại nước an toàn nhất là nước đóng chai còn nguyên tem và nước ở các điểm bán nước tập trung như nêu trên thì còn có 1 nơi cung cấp nước nữa hoàn toàn miễn phí ở các cụm điểm dân cư nào cũng có: máy nước công cộng


Những máy nước này chảy ngày đêm liên tục. Tuy nhiên với lịch sử là quốc gia có số người mắc bệnh tả lớn nhất thế giới do nguồn nước không được xử lý thì hãy chắc chắn là dạ dày inox cũng như khả năng miễn dịch cực tốt mới nên thử đưa nước này vào bụng trực tiếp nhé. Còn làm các việc khác thì không có sao ;)

 
Một lưu ý nữa cho việc đóng gói đồ mang theo. Các bạn có thể thấy, nếu đi tour thì mỗi phòng chỉ có tối đa 2 người. Một số trường hợp do hết phòng nên có thể ở phòng tập thể (thường là có nhà tắm và wc dùng chung ở ngoài), dĩ nhiên không phải ở chung với ai cả. Vì vậy việc các bạn porter mang mang đồ đã được tính toán theo từng phòng và mỗi phòng sẽ có 1 túi lớn như thế này để tự sắp xếp đồ của mình vào đó. Bọn tớ bỏ đồ vào các túi nilon hay balo 1 lớp gọn nhẹ xếp vào đây sao cho vừa vặn và dễ sử dụng khi đến điểm nghỉ:


Mặc dù khi mưa các bạn porter có áo mưa trùm ngoài nhưng để đảm bảo cho đồ của mình được bảo quản các bạn nên có những loại túi chống nước mỏng nhẹ để đựng đồ. Lưu ý chỉ mang những đồ thật cần thiết và vừa đủ dùng để tránh chiếm diện tích và lỉnh kỉnh nặng nề (đừng mang nguyên chai sữa tắm hay sữa rửa mặt khi chỉ dùng hết 1/5 chai. Có những bộ lọ nhỏ để san ra mang đi rất tiện được bán trong các cửa hàng đồ outdoor).

Porter đoàn khác


Có một chuyện vui nho nhỏ khi bọn tớ đang nằm dài trên cỏ nghỉ ngơi ngắm mấy bạn porter trẻ đẹp tươi tắn đoàn khác này thì 1 bác porter già nhất, nhỏ nhất, gầy nhất đoàn tớ vừa vác đồ vừa nói chuyện điện thoại đi qua. Bọn tớ đang đợi bác đi đến nơi để vẫy chào động viên rối rít như với porter đoàn bạn thì thấy sau khi ríu rít bác liền cầm điện thoại hôn chút chít rõ to. Ối giời, hóa ra bác nói chuyện với vợ. Bọn tớ nhìn thấy thế á khẩu mấy giây xong cười òa ra trầm trồ làm bác giật mình để ý và rất tẽn tò đỏ lựng cả mặt. Từ đấy bác bị bọn tớ đặt tên là Chút chít và hăm hở kể chuyện đấy với Achut với sự ngưỡng mộ rất chân thành.

Porter đoàn tớ, và bác Chút chít là người mặc áo kẻ phía trái của ảnh (beer)

 
Trước khi đi, có những lúc bận rộn và áp lực phát điên, bọn tớ toàn động viên nhau bằng việc tìm thông tin ảnh ọt về cung này tung lên để chuốc doping cho nhau có động lực. Ngoài con đường ngoằn ngoèo ngày đầu tiên làm tớ hào hứng nhưng khi đi trên nó, chụp ảnh nó cũng không hề biết cho đến khi về nhà xem lại ảnh thì có 1 thứ tớ được tiêm chích ngay những ngày đầu nghe về cung này là: hoa đỗ quyên. Một bác khi nghe có đứa muốn đi Nepal liền khuyên nên đi cung này luôn và tả: vào tháng 4, đi trong rừng có một loại hoa nở đỏ rực khắp nơi đẹp vô cùng (à, bác ấy không biết là hoa gì). Còn 1 đứa đi 1 mình về thì bảo: chặng cuối bay, nhìn từ trên cao thấy hoa phủ đỏ cả núi. Đấy, nhìn ảnh thì hơi có tí chuẩn bị tinh thần là mùa này đi núi rừng trơ trụi vì toàn thấy ảnh lá xanh lá vàng tầm mùa thu từ tháng 7, tháng 9 hay lung linh tuyết của mấy tháng cuối năm, thông tin ảnh ọt về tháng 4 hầu như rất nghèo nàn. Vì vậy sự kì vọng hoa lá chỉ đặt vào những đóa đỗ quyên cháy đỏ nhưng cũng khá mơ hồ mông lung.

Thế nên những lúc trèo lên cái dốc kiểu lên cao vút xuống mất hút bé tẹo teo như này


Dù trong rừng thông xanh mướt thì cũng không hề biết rằng phía trước sẽ có một món quà nho nhỏ đang dành cho mình phía trước, trên đường đến Chame(NT)


Đó chính là một làng nhỏ ngập trong những vườn táo đang nở hoa rực rỡ bên triền núi


Hoa táo đang vào thời kỳ nở rộ trên những thân cây khá nhiều tuổi làm cả bọn hớn hác chạy tung tăng khắp nơi, dí mặt vào những cành hoa trắng trắng hồng hồng để toe toét chụp vài kiểu. Các bạn porter và guide chắc chẳng thể nào hiểu nổi cái sự phấn khích trước hoa táo của bọn tớ giống như chúng ta thấy thật vớ vỉn khi các bạn Hàn Quốc nâng niu mấy bông hoa giấy trong bể spa :D. Bạn Achut thấy bọn tớ say sưa chụp và mất khá nhiều thời gian hú há quanh một cây hoa trĩu trịt sà tán ngay đường đi lên hứa hẹn giục giã: ở Jomson đầy, nhiều và đẹp hơn ở đây nhiều, chúng mày lên đấy mà chụp thích hơn. Ấy nhưng mà lời khuyên chân thành là cái thứ chỉ phụ thuộc vào thời tiết - là thứ khó lường - cũng như cái thứ phía trước mà mình CHẢ BIẾT ĐƯỜNG NÀO MÀ LẦN ấy thì cứ đúng tinh thần mỗi ngày chọn 1 niềm vui mà tận hưởng. May mà bọn tớ quán triệt nên gặp là phải tận hưởng ngay chứ đoạn sau đến Jomson, các cây táo xanh rì lá, chả còn bông hoa nào, lúc ấy nghe lời Achut thì có mà lao đầu vào đám lá non mà luyện uất ức thần chưởng.

Hoa sai thế này cơ mà


"Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa"...
- Phố ta - Lưu Quang Vũ

Là lá la
 
Lower & Upper Pisang, Annapurna II nhìn từ đường sang Ghyaru





Qua cầu treo sang đến bờ phía bên kia, ngước nhìn lên thấy ngay một đoạn dốc khá cao. Mấy ngày qua đã leo khá nhiều dốc nên chả nghĩ ngợi, hỏi han gì nữa, cứ cắm đầu đi. Không ngờ rằng đây chính là thử thách thực sự của ngày hôm nay. Qua hết đường dốc này sẽ lên đến Viewpoint và vào làng Ghyaru, độ cao từ chân dốc lên đến đỉnh nâng lên hơn 400m, dốc cao liên tục cứ nối tiếp nhau.
Từ thử thách leo dốc này “tổ rùa” đã được hình thành. Mọi người đi thành một nhóm gần nhau, bước chậm đều như nhau, nghỉ theo nhịp của người dẫn đầu. Đừng từ cao nhìn xuống thấy giống như một khối mầu sắc nhích từng chút, từng chút một trên đường. Nói chung, bài leo dốc này khá hiệu quả nên nó đã được áp dụng tiếp cho một số đoạn khác trên đường đi.


Đội hình tổ rùa




Dốc lên Viewpoint








Đường dốc, mệt và vất vả nhưng lên đến Viewpoint bạn sẽ thấy rất tuyệt vời. Có thể nhìn, ngắm Annapurna II, IV ở một khoảng cách rất gần, sông Marshyangdi lúc ẩn lúc hiện dưới thung lũng.





Ngắm cảnh trên Viewpoint

 
Ghyaru – Nawal (Ngawal)(3657m, 5km, 2hrs)

Từ Viewpoint đường mòn đi xuyên qua làng Ghyaru, men theo những sườn đồi song song với dãy Annapurna hướng đến Nawal. Đỉnh Annapurna III, Đỉnh Gangapurna, những đỉnh núi tuyết khác nối tiếp nhau hiện rõ dần trên đường đi. Đoạn này vẫn có những đoạn lên dốc nhưng sau khi vượt qua dốc để đến View point ở Ghyaru, những con dốc còn lại của ngày hôm nay đều trở nên khá đơn giản.


Cổng vào làng Ghyaru. Phía bên trái là lối dẫn sang Viewpoint




Cả một quãng đường dài trên cao này chỉ thấy những sườn núi trơ trọi, toàn sỏi đá, không có lấy một bóng cây xanh, cũng không nhìn thấy bóng dáng làng mạc nào. Chỉ có duy nhất có một “tea house” khá đơn sơ bán nước, đồ ăn nhanh trên một viewpoint nhỏ trước khi đến Nawal.


Đường từ Ghyaru đi





Đường mòn men theo triền núi




Những đoạn dốc đá ngắn




Đường đến Nawal xa hơn ước đoán của chúng tôi. Trời nắng gắt, gió lạnh, mệt đã khiến mọi người trong đoàn xuống sức rất nhanh. Phần lớn mọi người đều đi khá chậm và tụt lại phía sau rất xa. Achut có vẻ lo lắng. Đi thêm đoạn đường nữa, bạn ý bảo bây giờ chỉ có duy nhất một đường đi, chúng tôi sẽ không bị lạc vì vậy từ đây chúng tôi sẽ tự đi. Achut sẽ đi trước để tìm điểm nghỉ và chuẩn bị bữa trưa cho đoàn.


Dãy Annapurna nhìn từ đường mòn




"Cổng trời" trên đường đến Nawal





"Tea house" duy nhất trên đường từ Ghyaru đến Nawal




Gần 15h (16h20 giờ Việt Nam) chúng tôi mới đến được một nhà nghỉ ngay dưới chân đồi, ngoài rìa làng Nawal để tạm nghỉ và ăn trưa.

 
Nawal – Bharaka (Braka) (3439m, 7km, 3hrs)

Ra khỏi Nawal, chúng tôi tiếp tục theo đường mòn hướng về thị trấn Humde. Thị trấn Humde là thị trấn có mật độ dân cư trung bình trong khu vực. Từ đường mòn trên cao này có thể thấy rõ đường băng và thị trấn Humde ở phía dưới. Đường băng ở Humde được xây dựng đủ tiêu chuẩn để các loại máy bay thân hẹp có thể hạ cánh. Chính phủ Nepal từng mong muốn việc xây dựng sân bay tại Humde sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch chung của toàn bộ khu vực Manang đồng thời thu hút thêm nhiều du khách đến với khu bảo tồn Annapurna. Do nhiều lý do hiện nay sân bay tại Humde vẫn chưa phát huy được hết công dụng theo mong muốn của chính phủ.


Đường băng ở Humde nhìn từ đường mòn trên cao




Sau cả buổi sáng chỉ leo dốc, hết dốc thấp lại đến dốc cao rồi dốc ngược thì đường đi buổi chiều đa số là xuống dốc, trong đó có một đoạn xuống dốc liên tục, dài, nhiều cát dễ trơn trượt (đây là đường hướng xuống thị trấn Humde). Cuối dốc, đường hướng lên phía trước băng qua một đồng cỏ rộng, khô cằn. Một bức tường kinh luân chia đường làm 2 đường đi nhỏ. Theo người Nepal, nếu thấy tường kinh luân, tường đá mani hoặc các chorten nằm ở giữa đường đi thì hướng đi sẽ theo phía bên trái của tường hoặc chorten - điều này sẽ mang lại may mắn, xua đuổi tà ma bám theo khách bộ hành trên đường.


Tường đá mani trên đường đi





Đường mòn xuống dần



Thông thường đường mòn sẽ đi qua thị trấn Humde rồi mới tiếp tục hướng đến Braka. Những nếu có các bạn guide dẫn thì thường sẽ đi đường tắt xuyên rừng để về Braka mà không qua Humde. Chúng tôi được Achut dẫn đi theo đường tắt. Con đường này tương đối dễ đi, đôi khi đi xuyên qua những rừng thông, rừng lá kim, cảnh sắc dễ chịu. Đường đi dễ, đơn giản nhưng do mất sức quá nhiều ở đoạn đường dốc ban sáng lại thêm thời tiết lạnh nóng thất thường nên mọi người trong đoàn đều có vẻ kiệt sức.



Qua cầu bằng ngang suối này chúng tôi bắt đầu rẽ sang đường mòn xuyên rừng không qua Humde





Đường mòn xuyên rừng




Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Qua một đoạn rừng thấp, thấy thấp thoáng có bóng người, nhà và cả xe ô tô trên đường nhỏ phía xa, rất hy vọng đó chính là thị trấn Braka. Một thung lũng xanh mở rộng phía cuối đường dốc, núi tuyết trắng mờ ảo phía xa cảnh sắc lúc này bình yên mà thơ mộng nhưng hầu như mọi người không còn sức để ngắm và chụp ảnh, chỉ mong đến Braka để được nghỉ ngơi. Achut vẫn chậm rãi dẫn đầu, không thấy bạn ý tỏ thái độ là đến nơi rồi. Đoàn lúc này đã chia thành 3 nhóm đi cách nhau khá xa: nhóm 3 chậm hơn nhóm 2 khoảng 40 phút, nhóm 2 chậm hơn nhóm 1 khoảng 20 phút.
Nhìn về phía sau, không thấy bóng dáng của ai nhóm 2. Trời đã tối hơn, hơi lo lắng không biết nhóm 2 có đi lạc đường không. Cả nhóm quyết định ngồi nghỉ và tranh thủ chờ nhóm 2. Achut an ủi và khích lệ mọi người chỉ còn khoảng 45 phút đi đường bằng nữa là đến nơi. Mệt đến nỗi không ai có ý định trả lời Achut nữa. Cuối dốc phía thung lũng vừa đi qua, cuối cùng cũng thấy xuất hiện bóng dáng của mấy người trong nhóm 2. Rất mệt nhưng càng ngồi lâu càng lạnh, chân càng tê cứng khó đi nên thấy nhóm 2 đến là quyết tâm đứng lên đi tiếp luôn. Cả ngày hôm nay hết leo dốc, lại xuống dốc chân ai cũng bị căng cơ, con đường bằng ngắn nhất để đến Braka ở phía trước giờ đã trở thành con đường dài nhất, khó đi nhất.


Không còn lên dốc, đường mòn bây giờ chỉ thoai thoải đi xuống




Đường vào thị trấn trước khi đến Braka

 
Đường đến thị trấn Braka



Cuối cùng thì cổng làng Braga cũng hiện lên phía trước. Vào đến nhà nghỉ, các bạn poter đã nhận phòng hộ, chúng tôi lê về phòng rồi lăn hết ra giường chả ai muốn làm bất cứ việc gì vào lúc này nữa. Đây là ngày có nhiều người cảm nắng, đau đầu, đau chân nhiều nhất từ hôm bắt đầu trek.



Bữa cơm tối hôm nay do đầu bếp của nhà nghỉ phụ trách. Một bữa tối khá ngon với món chính là thịt bò Yak hầm khoai tây.
Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mỗi người trong mấy ngày trek trước, mọi người trong đoàn đã có quyết định cuối cùng cho điểm đến của ngày hôm sau. Chỉ có 5 người trong đoàn và bạn Tây đi ghép là đảm bảo sức khỏe và quyết định đi Ice lake (4600m), số còn lại sẽ về thẳng Manang nghỉ ngơi và thích nghi độ cao trước.

Một ngày trek mệt nữa đã kết thúc. Thử thách lớn tiếp theo sẽ là Ice lake


Note cho cả đoạn đường này:

-Nên chọn cung đường Upper Trail vì cảnh đẹp, có nhiều Viewpoint để ngắm dãy Annapurna.
-Nếu chọn đường Upper thì phải xác định sẵn đây là đường leo dốc nhiều, mệt, cần phân phối sức khỏe hợp lý. Uống đủ nước, kết hợp nước thường và nước vitamin. Trong ba lô luôn có sẵn bánh kẹo để giúp hồi sức khi mệt (socola hoặc bánh xốp ngọt rất tốt trong những lúc này). Mang thêm một vài đồ ăn mặn, đồ ăn vặt (thịt bò khô, ruốc nấm, ruốc thịt) phòng trường hợp ăn trưa muộn.
-Đi lên dốc nên bước chậm, đều với nhịp thở và tim. Không nên ngẩng đầu nhìn lên đỉnh dốc vì sẽ mệt, mất sức. Xuống dốc dài nên đi hơi ngang chân, đầu gối chùng để giảm bớt lực cho đầu gối. Nếu có gậy nên đi 2 gậy ở những đoạn leo dốc và xuống dốc.
-Trang phục: nên mặc 2 áo: một áo mỏng, mau khô ở trong (vì khi đi người ra mồ hôi sẽ dễ cảm lạnh nếu áo ướt), ở phía ngoài khoác áo gió loại chống nước là tốt nhất. Luôn luôn mang thêm trong ba lô khăn, mũ len, áo giữ nhiệt nhẹ.


Lưu ý khi đi đoạn đường xuống dốc liên tục này (đường nhỏ, trắng phía sau). Đường dốc, nhiều cát và sỏi nhỏ rất dễ trượt

 
Last edited:
Mặc dù thời gian ở Braga không nhiều nhưng tôi lại khá thích làng nhỏ yên bình này.

Từ Braga đến Manang tương đối gần chỉ mất 45 phút đi bộ.

Thông thường, các đoàn khách đều dừng ở Manang để nghỉ ngơi thích nghi độ cao. Tuy nhiên nếu quay lại tôi sẽ chọn Braga để dừng nghỉ và thích nghi độ cao. Cuộc sống ở Braga tĩnh lặng và ít náo nhiệt hơn ở Manang. Đa số các nhà nghỉ dành cho du khách bám dọc theo trục đường mòn chính hướng tới Manang. Còn khu dân cư thì tập trung ở ngay khu vực đầu làng phía sườn đồi dưới tu viện Braka.


Khu dân cư và tu viện ở Braga




Từ Braga đến số điểm thăm quan trên cung trek Annapurna như Ice lake (4600m), Milarepa Cave (4300m) đường đi thuận lợi và dễ hơn khi xuất phát từ Manang.

Từ Braka đi khoảng 3 – 4 tiếng sẽ đến Milapera Cave (4300m).

Milarepa là một yogi (hành giả) đồng thời là một nhà du ca nổi tiếng người Tây Tạng. Cuộc đời ông là một câu chuyện sống động và đầy mầu sắc về sự chuyển hóa và giác ngộ. Tương truyền rằng Milapera là người duy nhất đã đạt được việc giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời người thông qua việc tu tập, thiền định độc cư hàng chục năm trong hang động.
Điểm Milarepa Cave bao gồm 04 hang động nổi tiếng, là nơi Milarepa đã sống nhiều năm để thiền định và tu tập giáo lý giải thoát vô thượng. Trước đây những hang động này nằm trong quần thể của một tu viện cổ có tên là Nyelam Pelgye Ling. Tu viện được xây xung quanh các hang động nơi Milarepa tu thiền. Ở thời kỳ phát triển nhất tu viện có tới 70 tăng sỹ tu tập, thiền định. Tu viện đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong những năm 60, gần đây chính phủ đã cho dựng lại nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với tu viện cũ.

Do thời gian không đủ nên chúng tôi đã không đến thăm quan được Milapera Cave.

Từ Braka đi khoảng 3 – 4 tiếng sẽ đến Ice lake .

Nếu chọn đi cả Ice lake và Milarepa Cave tối thiểu cần thêm 02 ngày cho hành trình.


Buổi sáng ở làng Braga




Hướng đường từ Braga đi Ice lake

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,133
Bài viết
1,173,915
Members
191,955
Latest member
creationinfoways
Back
Top