What's new

[Chia sẻ] Bình Tiên - Sơn Hải - Kê Gà có gì lạ?

Chuyến đi được bắt đầu từ 19h ngày 28.10.2013, bọn mình hướng về bến xe Miền Đông. Vé đặt trước đó qua điện thoại của nhà xe Quang Hạnh với hành lý kèm theo là chiếc Win100 mình vẫn đi - giá cước cho nó còn mắc hơn cả người (250k - 180k).

Tấm ảnh đầu tiên của chuyến đi, trước đó lo vật lộn với đường xấu, trời lại còn tối nên quên bẳng:

DSCN4214_042.jpg


Dù giờ xe chạy là 21h nhưng mình vẫn đi sớm do ngại kẹt xe. Chen chúc trên đường, mãi đến 20h, bọn này mới đến được bến. Do đã có kinh nghiệm rồi nên lần này vào BXMĐ chỉ mua vé 6k*, chuyện bốc vác con xế lên xe đò đã có nhà xe lo - xăng trong Win cũng chả còn bao nhiêu do mình đã dự tính trước.

Dự định chuyến đi của mình sẽ trở lại Bình Tiên rồi theo con đường mới mở đi Vĩnh Hy, về Phan Rang. Tại đây sẽ tiếp tục đường ven biển đi Sơn Hải, vượt đồi cát Phước Dinh đi Mũi Dinh. Đường này tương lai sẽ phá núi mở đường kéo dài đến Cà Ná. Do biết chắn chắn đường chưa thể thông tuyến được nên mình sẽ gắng chạy đến đoạn cuối cùng, sau đó trở ra ngã 3 Sơn Hải, theo con đường đất nhỏ đi Bàu Ngư > ngang qua núi Chà Bang, qua thôn Chăm Play Răm để trở ra QL1 về Cà Ná.

Nói chung, khi đến cua góc nhìn ra vịnh Cam Ranh thì đường đi khá oải, qua cầu Suối Nước Ngọt sẽ vào đoạn 'thiệt oải' như trong hình:

DSCN4216_044.jpg


Cà Ná qua lại nhiều nhưng chưa ở ngày nào, thế nên chuyến ni sẽ nghỉ lại đây 1 ngày. Rời vùng biển đá đẹp có hạng của cả nước này, bọn mình sẽ theo cung đường ven biển đi Phan Rí, Hòa Thắng, Hòn Rơm và dự định sẽ ở lại khu Suối Nước - sau đó về TPHCM theo cung đường ven biển.
Nghe qua thì cũng thấy thường thôi, vậy nhưng 'đi một ngày đàng học một sàng khôn' - hóa ra có nhiều cái mình chưa biết do đến rồi nhưng vẫn bỏ sót.

Các ảnh lờ mờ đầu ngày, mình phải nâng sáng chứ thiệt ra còn khá tối. Lúc chụp ảnh này, mình nhận ra mình đã vào con đường mới và bỏ qua mất đường vào Bình Tiên:

DSCN4215_043.jpg


Con đường xa xa phía trước dẫn ra vịnh Vĩnh Hy. Trước kia, muốn đến đây phải cắt rừng:

DSCN4218_046.jpg


Quay về chuyến đi: Trở ngại bắt đầu khi đối diện chiếc xe Quang Hạnh mà mình sẽ đi: vé chỗ có sẳn như đã đặt trước nhưng vé cho con xế kèm theo thì... không! Nhà xe đề nghị mình dời qua chuyến sau (trễ hơn 1 tiếng) hoặc 'người đi trước, xe ra sau'. Mình không chấp nhận.

Mình leo lên một chỏm đá cao nhìn xuống phía dưới, bạn có nhìn thấy nàng Win và nàng 'bà xã' trong hình không?

DSCN4219_047.jpg


Vậy là 'nửa kia' vào khu phòng vé BXMĐ: hóa ra không đi xe này thì cũng còn rất nhiều chọn lựa khác, xuất bến ngay sau đó. Nửa kia chọn xe Cúc Tùng: chuyến xuất phát 20h30, đồng giá mình đã dự định. Thế là vé mua cái cụp, người và Win đều lên xe - người giường nằm dưới, Win thì vào hầm... và xe cũng lên đường!

Bài đã post trong Phuot:

Bình Tiên - Sơn Hải - Kê Gà có gì lạ?
Bà Rá: nắng cháy và mây mù.
Cập nhật tình hình QL20 đi Đà Lạt
Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar
Liên Nghĩa - Nam Ban đến bãi hoang hòn Hồng
Đi Mũi Né bằng đường... đèo!
800 cây số từ Đông sang Tây
Đầu năm chơi làng an dưỡng Ba Thương (Củ Chi)
Vượt hai đảo về Long Hải
"Phượt vặt" sửa travel guide books
Madagui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo...
Phượt từ Sàigòn đi Lagi - Bàu Thêu - Phan Thiết - Phan Rang
Bò lech xứ Tuy Hòa
Dọc đường gió bụi: Cà Ná về Sài Gòn theo đường ven biển.
Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên, Bình Lập
 
Đến đoạn ni thì mặt trời đã bị ngọn đồi che khuất. Giờ đây, 'nửa kia' đã thành quân tiên phong. Tít phía xa là những rảnh lở đất rất lớn bắt buộc mình phải vượt qua.

DSCN4517_345.jpg


Đến Hòn Rơm lần đầu năm 1997, một bạn trẻ đã ứng khẩu:
Đến Hòn Rơm chẳng thấy rơm
Chỉ nghe gió thổi bờm xờm tóc em
Xe đặc chủng - lắc ngả nghiêng
Nụ cười em đủ làm mềm lòng anh!

Từ chỗ này, nhìn thấy 'khoảnh rừng nhỏ' đơn độc giữa thảo nguyên xanh. Trên ấy có rất nhiều đá chen cây rừng: cảnh vật làm nền ảnh rất tuyệt vời đó bạn!

DSCN4518_346.jpg


Vào mùa cao điểm, có đoàn các cụ hưu trí cứ nằng nặc đòi ra Hòn Rơm bằng được. Thiếu chỗ ở, mỗi lều phải bố trí 4 - 5 cụ. Mùa hè nóng, khuya đứng gió, không ngủ được. Ngồi thì muỗi cắn, đi dạo thì mỏi chân. Các cụ tức cảnh làm thơ theo trường phái Bút Tre:
Chưa đi chưa biết Hòn Rơm,
Đi nhằm ngày lễ (30.4) không còn chỗ ngu (ngủ).
Một lều nhốt tới năm cu (cụ),
Ra về quên mất cái mu (mũ) trong lều!

Ở khúc này, nhìn lại không còn thấy bãi biển Suối Nước nữa. Quanh ta chỉ là cỏ, đá giữa gió lộng.

DSCN4532_360.jpg


Thời đó, Hòn Rơm chưa có điện. Máy phát chạy tới 21 giờ là nghỉ. Chỉ còn trăng sao và trời đất. Ban ngày, mắc võng dưới mấy cây dừa “kinh tế mới”, thấy sóc leo chuyền cành ngắm nghía khách lạ. Ra tắm biển, mò sò điệp lên chén. Sò điệp rẻ như bèo, tiền xe chở ra Mũi Né còn đắt hơn cả tiền bán hàng cho khách.

Do các trũng xoáy lở khá rộng và dốc dựng, bọn mình buộc phải hướng ra bờ biển, tức là phải xuống thấp.

DSCN4521_349.jpg


Tối về thì có đủ trò. Ra bãi biển bắt còng nướng hoặc nấu cháo riêu. Lên đồi cát ngắm trăng sao hàn huyên tâm sự. Đối diện khu du lịch Hòn Rơm có đồi cát trắng dốc ngược. Bò lên đó đón hoàng hôn và ngắm toàn cảnh Hòn Rơm thì cực đẹp. Đêm càng tuyệt vời. Vì đồi dốc, ai lên cũng phải chổng mông bò càng và thở bằng lỗ tai. Đồi chưa có tên, bởi chẳng ai để ý đến những đồi cát hoang như vậy. Khách Lửa Việt bèn gọi đại là đồi cát 'Chu Mông' cho dễ nhớ và dễ hình dung. Có đêm, nổi hứng rủ nhau vào khu rừng cát bắt thỏ, bắt dông. Dông cát hồi xưa nhiều vô kể, thường bắt bằng bẫy thòng lọng. Dân nhậu gọi là kỳ tôm vì thịt dông mềm, thơm, ngọt hơn cả thịt gà.

Vượt qua một số rãnh nước róc rách, bọn mình đi mãi để đến chân đồi.
Lúc này nhìn lên thấy Hòn Rơm sừng sửng.


DSCN4530_358.jpg


Đến Hòn Rơm thuở đó không thể bỏ qua Tiểu sa mạc Cát Vàng, chập chùng đồi cát, đẹp đến mê hồn. Có thể đi từ sáng sớm đợi bình minh hay xế chiều đón hoàng hôn. Những đồi cát trinh nguyên đủ hình dáng, như tranh vẽ, cố leo lên đồi này lại thấy đồi khác cao hơn. Leo lên rồi tuột xuống bằng ván trượt hay lăn cù cũng được. Đi riết anh em đúc kết, khi lên là phải 'ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau'. Khi xuống thì 'ngực tấn công, mông phòng thủ'. Đi đồi cát cần nhất người đỡ mông chứ không cần người đỡ đầu.

Dốc chân đồi như thế này đây: cỏ chen giữa đá, còn ta thì bước lên - tấn công Hòn Rơm nào!

DSCN4534_362.jpg


Các cô gái trẻ, tối kỵ mặc váy ngắn vì mấy chàng trai cứ thích... ngồi buộc lại dây giày. Có thể mặc quần short nhưng phải có dây thắt lưng vì nếu mặc quần dây thun dễ bị bạn bè “níu kéo” khi leo đồi cát. Hòn Rơm còn có đồi Hồng với rất nhiều khối sa thạch non màu đỏ kỳ thú, có suối nước róc rách bên ấm - bên lạnh. Đẹp hơn cả là suối Hồng. Đi bộ qua Tiểu sa mạc, cắt ngang rừng chồi, lên đỉnh rồi leo xuống các vách sa thạch non đỏ rực, nơi dòng suối khởi nguồn dẫn nước ra biển, chưa đầy 1 km nhưng cảnh đẹp lạ lùng.

Leo một đỗi nhìn lại thấy nửa kia nhỏ như dầu kim ở tít vách đá biển phía dưới.

DSCN4539_367.jpg


Tôi và các cộng sự đã lấy xe Jeep hai cầu, mang theo cả ván và xẻng (đề phòng bị lún) khám phá vùng Suối Nước, qua Hòn Nghệ - giống hệt con rùa. Qua Bàu Ông - Bàu Bà, còn gọi là Bàu Sen và Bàu Trắng - hồ nước ngọt rộng sâu giữa mênh mông cát trắng.
Leo lên đỉnh đồi cát cao nhất, tôi đặt tên là 'đồi Trinh Nữ'. Sau này, đưa khách tới Bàu Trắng tham quan, mấy bạn nữ nằng nặc đặt tên đồi cao thứ nhì ở Bàu Trắng là đồi 'Trai Tân' nhưng chỉ đồi Trinh Nữ là chết tên cho tới ngày nay.

Còn trông về hướng bãi biển Suối Nước thì thế này.

DSCN4540_368.jpg


Bây giờ, Hòn Rơm, Mũi Né, Hàm Tiến và cả Suối Nước, Bàu Sen đều lột xác. Đường sá thênh thang, tráng nhựa láng bóng, đẹp hơn cả đường quốc lộ. Nhà cửa khang trang vì du lịch đi đến đâu thì sự sung túc đi theo tới đó. Khu Hàm Tiến với hàng trăm resort cao cấp, buổi tối sáng rực và tấp nập chẳng kém Pattaya, Thái Lan. Vậy mà 15 năm trước, từ Lầu Ông Hoàng ra Mũi Né, xế chiều hết xe, tôi đã ngồi một bên trên bình xăng xe Mink, phía sau tài xế là 2 vợ chồng người khách khác ngồi đè lên chiếc xe đạp nằm ngang! Còn hơn xiếc hiện đại.
 
Nửa kia ở dưới chộp tấm này: một loài cỏ có hoa đo đỏ...

IMG_2874.jpg


Bây giờ, mỗi lần ra Hòn Rơm, chẳng tìm đâu dấu xưa. Suối Tiên, đồi Hồng còn kha khá, riêng suối Hồng xơ xác rồi còn đâu. Xưa 'thôn nữ thanh tân' giờ như 'bà lão quá lứa'. Tiểu sa mạc Cát Vàng ngày lễ xô bồ đến ngộp thở. Cả Bàu Sen - Bàu Trắng cũng ồn ào xanh đỏ. Thiên nhiên như bị thu hẹp dần, biết làm sao được. Giờ đây chỉ còn cái đồi Hòn Rơm cạnh bãi đá khá hoang sơ, gần đó là bãi tắm như dài vô tận là Suối Nước với quá nữa là dãy resort khá trống vắng trong mùa cuối năm.

Còn mình trên ni vẫn muốn bước lên thêm nữa, nữa nào...
Dốc càng ngày càng dựng cao hơn nhưng không hề gì, chả hiểu sao hôm nay lòng bổng 'phấn khởi' quá, ha ha...


DSCN4545_373.jpg


Vậy thì chốn còn hoang sơ, nếu ta không khám phá bây giờ thì bao giờ mới đến? Khi nó đã hiện đại hóa 'đến đầu', chắc chắn ta sẽ tiếc và da diết một nỗi niểm 'vì sao cứ chần chừ' để rồi bỏ qua...

Dừng lại vài giây để... thở, mình ngoái nhìn xuống thì giật mình, gáy muốn nổi cả gai ốc: 'nửa kia' đang tiến lên... nhưng theo hướng hoàn toàn không thuận lợi!
Bạn nhìn thấy đó: trên là đồi dốc, dưới là vực sâu đầy đá. Chỉ lỡ sẩy chân và té một phát thôi là sẽ lăn xuống vực ngay mà không có cách nào chống chọi lại được!


DSCN4542_370.jpg


La lớn có thể gây giật mình, vì vậy mình chỉ hú lên một tiếng rồi chỉ tay qua phía trái, tức là hướng mình leo lên. Bên này cho dù có té, có lăn thì cũng không thể nào rớt vực được.
Bà xã hiểu ý, lần qua hướng này...


DSCN4543_371.jpg


Cuối cùng cũng an toàn, hú vía! Gia Dũng này đi 2 thì về cũng phải đủ 2 chứ!

DSCN4544_372.jpg


Triền đồi của Hòn Rơm là như thế đó: đá chen cỏ. Nếu ta dùng tay hất một viên đá, nó sẽ lăn xuống tít dưới kia... cho đến khi không còn dốc - ta mà té thì cũng thế thôi. Còn nếu vướn đá tảng lớn hơn có thể gãy chân tay hay sống lưng đấy ạ.

DSCN4547_375.jpg


Biển đã xa tắp, tiếng sóng gần như không còn vang vọng như khi nãy. Giờ đây, bên tai chỉ còn tiếng gió tạt ngang người, nghiêng ngã cả người...

DSCN4550_378.jpg


Bọn mình lại cong lưng, lên tiếp nè em. Chóp phía trên là đỉnh bằng phẳng cao nhất... thì không còn xa.

DSCN0006_406.jpg
 
Cuối cùng thì bọn mình dừng lại tại đây! Chỉ còn khoảng vài ba mươi mét cuối cùng để lên đỉnh Hòn Rơm nhưng bụi rậm đoạn này cao hơn. Nửa kia thì sợ... rắn, còn mình không mệt nhưng chỉ ngại trời tối khó lần ra đường về (do không đem theo đèn pin).
Lúc này đã 17h20: bóng tối sẽ kéo đến rất nhanh.


DSCN4548_376.jpg


Giá như đi sớm một tiếng, giá như không vứt đèn pin xạc trong phòng... thì nửa kia cũng sẽ dẹp bỏ nỗi sợ rắn và có lẽ bọn mình cũng đã đứng trên nóc Hòn Rơm.
Nhưng thôi, tham thì thâm - không ham hố quá làm gì.
Về thôi em...


DSCN0002_402.jpg


Kinh nghiệm mà mình muốn nói với bạn khi leo đỉnh Hòn Rơm là:
- Nên xuất hành sáng sớm hay giấc vừa xế chiều để có thể đón bình minh hay hoàng hôn.
- Đem theo đèn pin khi leo buổi chiều. Thứ khác không thể quên là nước uống.
- Hướng lên an toàn hơn là Tây - Bắc, tức là nơi có con đường cát dẫn vào bãi đá Hòn Rơm tại đây.
- Tránh đi xuống hướng Tây Nam, hướng chính Nam hoặc Đông Nam vì mép đồi toàn là vực. Nếu xuống theo các hướng này thì phải thật cẩn thận. Xuống theo hướng Tây có thể ghé viếng Lăng Ông Nam Hải.
- Máy chụp ảnh là thứ phải mang theo khi lên đỉnh Hòn Rơm. Nếu có thêm mẫu ảnh thì tuyệt đấy.

DSCN4536_364.jpg
 
Sáng ngày thứ 3 của chuỗi ngày dừng chân tại Suối Nước, bọn mình chuẩn bị rời nơi đây sau khi đã 'vơ vét' được một số hải sản của nơi này. Chỗ sứa cắn chỉ còn là những vết đỏ nhạt khiến ta chủ quan, khi về đến nhà mới thấy nó 'bành trướng' ra thế nào.

IMG_2920.jpg


Đường về bình thường thôi, cũng chỉ là đoạn ven biển thường đi. Vậy nhưng chính do đi con đường tránh QL1A này mà bọn mình được thấy mũi Kê Gà ở một hướng khác - một bãi đá đẹp đến mê hoặc lòng người, nhưng đó sẽ là hồi sau.

Ba ông 'tiếp tân' của Biển Đông trầm ngâm trước resort: chắc buồn vì bọn mình chuẩn bị từ giã:

DSCN4553_381.jpg


Giờ đây, về bằng con đường ven biển bắt buột phải qua Tiến Thành. Địa phương mang tên gọi này ra sao... trước nay Dulichgo chưa đề cập đến chi tiết nên lần ni mình xin có bài biết về vùng ven biển này nhé.

Về nhưng không có gì hấp tấp cả, điểm tâm - cà phê sáng cũng chả mất bao thời gian. Vậy nên bọn mình ra Mũi Né trong ánh bình minh rực đỏ.

IMG_2928.jpg


Mùa vắng, cũng chả phải cuối tuần nên vùng đất biển này thầm lặng, ít người. Vậy nhưng bọn mình thích thế: vắng thì giá mọi thứ cũng sẽ mềm mại hơn, lại ít xô bồ.

IMG_2956.jpg


Thủ tục cuối cùng là 'thẩy xu': 3 ngày vô cùng thoải mái chỉ mất 450k tiền phòng. Đừng quên lấy CMND lại nhé, hẹn ngày tái ngộ.

IMG_2962.jpg


Trên đồi cát cũng có một nhóm khách. Buổi sớm tinh sương, nếu có mặt ở đây sẽ là điều tuyệt vời đó bạn! Còn giờ này thì nắng đã lên cao...

IMG_2969.jpg
 
Con đường TL716 rộng thênh thang như cao tốc. Buổi tối, nếu bạn không 'nhát ma' thì vứt xe và bách bộ ở đây rất mát. Đoạn nên lang thang ở ven các đồi cát hoang.

IMG_2973.jpg


Biển Tiến Thành thuộc xã Tiến Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có hàng chục cây số bờ biển chạy dài dọc theo con đường ven biển rất đẹp, xen lẫn vài làng chài. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nằm cách thành phố Phan Thiết chừng 10 km về phía Nam, kéo dài đến tận mũi Kê Gà. Nơi đó dành cho những người yêu thích cuộc sống đời thường của làng biển, yêu thích thiên nhiên mênh mông của biển cả.

Nhoáng cái là về Phan Thiết, vùng kinh đô cử thương hiệu nước mắm cùng tên. Ghé chợ Phan Thiết mua mắm cá cơm nhưng nơi này cũng đã dời đi để xây chợ mới: sẽ mất 2 năm đấy bạn.

IMG_2990.jpg


Ở Tiến Thành còn nguyên nét hoang sơ của một vùng biển Nam Trung bộ. Bãi cát trắng chạy dài hàng cây số. Đã có nhiều resort cao cấp mọc lên dọc theo bờ biển này nhưng vẫn còn chỗ cho những người yêu thích thiên nhiên.

Đến nhánh rẽ vào Tiến Thành, con đường ven biển. Đây chính là con đường TL719 từ Tiến Lợi đi Tiến Thành, Kê Gà rồi nối vào TL709.
Muốn vào đường này, đơn giản nhất là hỏi đường đi Đồi Sứ. Còn muốn tự đi thì cứ theo Trần Qúy Cáp > Trước khi qua cầu Ông Nhiễu thì rẽ trái vào con đường mới mở để gặp TL719 - từ đây hướng về Tiến Thành.


IMG_3005.jpg


Người ta phân biệt hai khu ở đây: một là khu nhà giàu với những resort đầy đủ những tiện nghi mà khách phải trả giá cao để thụ hưởng, như: Sanhill beach resort & Spa, Green Papaya Organic Villgage, Golden Coast resort & spa, Saigon Suối Nhum resort...; hai là khu vực của những bãi biển hoang sơ, làng chài.

Đường vắng, 2 làn nhưng cũng có CSGT đấy bạn nhé - tỉnh lộ chỉ giới hạn tốt độ 40km/h thôi đấy.
Vậy nhưng nói chung, nếu bạn không vi phạm luật giao thông thì cũng không cần ngán ngại gì cả.


IMG_3018.jpg


Cua ngoặc trong ảnh chính là ở vị trí này đây, ta đã sắp giáp giới với biển.
Phía trái ngay cua này có một cảnh quan đẹp với một vùng trũng đất đỏ, nơi này có:
- Mạch nước từ đồi cát chảy ra biển, cảnh rất đẹp.
- Nằm gần đường ĐT 719 nên thuận lợi quan sát.
- Địa điểm tổ chức du lịch dã ngoại lý tưởng (cảnh vật xanh tươi, gió mát).


IMG_3024.jpg


Dù vùng này hiện đang được khai thác du lịch, xây dựng những khu nghỉ dưỡng hiện đại và tiện nghi nhưng các công trình được xây dựng hài hòa với tự nhiên. Không có những công trình cao tầng. Những mảng xanh vẫn hiện diện, che lấp những khối bê tông thô cứng giúp du khách có cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Biển rất trong lành và an toàn: cát trắng mịn màng, bãi biển thoai thoải, không có vùng xoáy.

Và đây là khoảng đường ven biển Tiến Thành với phần cuối là cua quẹo gắt: giảm tốc chứ không là tắm biển sớm đó nhé.

IMG_3029.jpg


Đây là một không gian lãng mạn. Dọc bờ biển, du khách có thể đi bộ hàng cây số mà không gặp trở ngại nào. Thỉnh thoảng, dọc bờ biển xuất hiện những bãi đá với những hình thù lạ mắt, trông như những chú hải cẩu, cá sấu khổng lồ đang phơi nắng. Tại những hốc đá, du khách có thể bắt được nhiều loài cua, ốc hay nhặt những viên đá cuội, sao biển về làm kỷ niệm. Những bờ đá này còn là nơi thả câu lý tưởng cho những người yêu thích câu cá.
 
Tiến Thành ngay nay có khá nhiều resort, nhà nghỉ: những chỗ này cát cứ ngay trên bãi biển.


IMG_3031.jpg


Du khách đến đây có thể phóng tầm mắt ra xa đến ngút ngàn. Tuyệt vời nhất là từ nơi này mặt trời mọc rất sớm. Du khách nghỉ đêm ở nơi này đều thức dậy từ trước 5 giờ sáng để ngắm bình minh. Một ngày bắt đầu lúc mặt trời nhô lên từ mặt biển và kết thúc khi mặt trời khuất dạng sau đồi cát màu vàng cam ở phía Tây.

Có lẽ, Tiến Thành cũng là một trong số những địa điểm du lịch biển thay đổi thần kỳ trong một thời gian ngắn.

IMG_3034.jpg


Rất nhiều người đến với Tiến Thành để trải nghiệm cuộc sống dân dã của cư dân vạn chài. Tại làng chài, ban ngày, du khách có thể cùng ngư dân đánh bắt, câu cá. Người dân bản địa vốn hiền hòa và thân thiện. Khách không khó để tìm chỗ tá túc, gởi hành lý.
Khách có thể cắm trại ngay tại bãi biển trước làng chài hoặc tại những khu vực lân cận. Hải sản luôn tươi, giá cả rẻ hơn so với giá bán tại chợ. Khách có thể nhờ người dân địa phương ướp hải sản và thuê hoặc mượn những dụng cụ cần thiết để nấu nướng ngay trên bãi biển.

Biển Tiến Thành là chốn du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng tuyệt vời đó bạn. Không tin, bạn hãy thử một lần xem?

IMG_3039.jpg


Ban đêm, dưới ánh sáng vằng vặc của trăng, ánh lửa bập bùng và tiếng sóng vỗ về, từng cơn gió thốc từ biển mang vị mặn và tanh tanh của biển làm mát lòng khách phương xa.
Cắm trại trên bãi biển, khách có thể vui chơi, hò hát thâu đêm mà không sợ phiền ai. Một chuyến đến Tiến Thành là một trải nghiệm với cuộc sống dân dã của cư dân chài. Để rồi, sau đó khách phải quay trở lại không chỉ bởi biển đẹp, thiên nhiên hoang dã mà còn bởi tình người của những ngư dân mộc mạc, chân chất.

Tự điển định nghĩa rằng Tiến Thành là một xã thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.
Xã có diện tích 52,24 km², mật độ dân cư đạt khoảng 107 người/km². Ngày xưa, nhà cửa thưa thớt, không như bây giờ. Xóm này cách xóm kia rất xa và mỗi xóm chỉ có vài chục gia đình. Cuộc sống của họ gần như là tự cung tự cấp, ít lệ thuộc vào bên ngoài. Để đảm bảo cuộc sống, người dân Tiến Thành ngày xưa làm cả hai nghề nông và biển.


IMG_3042.jpg


Hiện biển Tiến Thành đã có khu du lịch rộng 1 ha mang tên Hòn Giồ trên một ngọn đồi nhô ra biển. Hòn Giồ có một nhà hát trên 400 chỗ ngồi, là nơi tổ chức những buổi hội nghị, giao lưu, sinh hoạt của các đoàn khách. Phía sau là nhà hàng được thiết kế cao ráo, thoáng đãng, nơi có thể quan sát toàn cảnh khu du lịch.
Nhìn thẳng ra biển và sân vườn là các nhà gỗ sơn màu xanh nước biển. Đối diện khu du lịch còn có 6 ha rừng sinh thái. Cạnh đó, đồng cỏ thảo nguyên rộng 18 ha sẽ là nơi sinh hoạt dã ngoại lửa trại và dành cho những ai thích cưỡi ngựa, thả diều...

Bây giờ thì khác hẳn rồi, người ta đã biết làm du lịch - nền kỹ nghệ không khói. Có điện, có đường, có trường học… đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Ảnh bên là chợ Tiến Thành đấy.


IMG_3043.jpg


Biển Tiến Thành được quy hoạch là cụm du lịch phía Nam Phan Thiết với tuyến đường ven biển chạy sang bãi đá Thuận Quý, mũi điện Kê-Gà, dinh Thầy Thím và nối quốc lộ 55 chạy dọc sang Bình Châu - Xuyên Mộc.

Chạy ngang một khu dân cư, hoa giấy phủ đầy.

IMG_3044.jpg
 
Một đoạn mà bãi biển lộ ra ven đường. Nơi này sắp đến Suối Nhum, đây là tên con suối bắt nguồn từ rừng núi chạy ngang qua xã Thuận Qúy rồi đổ ra biển.

DSCN4570_398.jpg


Trải bạt ra đây nằm đánh một giấc thì tuyệt do chốn ni có nhiều bóng cây.

IMG_3060.jpg


Biển xanh ngắt nhưng chỉ dừng tại đây uống nước rồi đi. Chốn này bọn mình đã ghé đôi lần rồi.

DSCN4567_395.jpg


Gần đó có nhánh rẽ ra QL1, còn nếu chạy thẳng sẽ về Lagi... nhưng trước tiên sẽ qua Kê Gà.

DSCN4571_399.jpg


Mình đây, ngồi dưới bóng cây mát rượi và phì phèo nhả khói.

IMG_3066.jpg


Đường ven biển từ Cà Ná về đến Kê Gà có 2 đoạn hao hao giống nhau: cũng ven bãi biển, cũng có nhiều resort nhà nghỉ chen cây xanh mát rượi: đó là vùng biển xã Bình Thạnh (mình đã đề cập) và Tiến Thành - Suối Nhum.

IMG_3076.jpg
 
Chỉ còn 3km nữa thôi là đến Kê Gà. Kê Gà nếu không tìm thấy điều gì khác lạ thì chắc chắn là bọn mình sẽ không ghé do đã đến nhiều lần rồi.

IMG_3097.jpg


Rock Water Bay resort, một địa điểm có những bãi đá kề cận biển với hình dáng lạ kỳ.
Vậy nhưng nếu chạy qua khỏi nơi này, vẫn có bãi đá 'nghiêng về một hướng' mà có lần bọn mình đã ghé.


IMG_3093.jpg


Nhiều resort bỏ hoang, đầu tư dang dở do vụ dự án cảng biển Kê Gà.
Việc lúc cho làm du lịch, lúc lại cảng biển này khiến hàng chục nhà đầu tư du lịch mấp mé bờ vực phá sản khi vốn đầu tư của họ vào các dự án du lịch quá lớn (gần 1.000 tỉ đồng), chưa kịp đưa vào hoạt động. Giờ đây, thủ tướng đã chính thức tuyên bố “ngừng xây dựng cảng nước sâu Kê Gà”, do phương án xây dựng cảng “không mang lại hiệu quả” - không biết Bình Thuận sẽ phải xử lý ra sao.


IMG_3102.jpg


Hải đăng Kê Gà đã thấp thoáng trước mắt sau khi mình vượt 'bãi đá nghiêng'. Có thứ gì khác để tham quan không?

IMG_3104.jpg


Lăm le nhìn về hướng trái, chưa đến các quán Trọng Tâm và Cây Dừa thì mình thấy con đường rải đá khá rộng, vậy là rẽ xe vào. Từ cuối đường nhìn ra thì đường nó thế này.

IMG_3112.jpg


... còn phía ngoài là biển với sóng vỗ bờ.

DSCN4573_407.jpg


Còn hướng chính Nam là bãi đá. Hải đăng đâu rồi cà?
Trên bãi có căn chòi lá khá rộng, mình chạy xe vào đó tránh nắng. Trên đường cũng có chiếc xe 4 bánh đậu chờ với tài xế nằm xoải trong chòi. 'Anh chờ khách à?', anh ta gật đầu.
Vậy là bọn mình bỏ xe tại đó rồi bước về phía bãi đá. Nhìn anh thấy vậy nhưng những tảng đá to lắm đấy, cảnh quan tường tận nơi này bạn sẽ xem tiếp trong phần sau nhé.


DSCN4574_408.jpg
 
Kê Gà là nơi bọn mình đã ghé thăm nhiều lần, thậm chí đã có lần len theo bãi biển đến tận mũi đá đối diện hòn đảo có hải đăng trong một ngày đẹp trời, triều thấp.

Bãi đá Kê Gà cạnh biển nhìn từ hướng Đông. Trông vậy nhưng lớn lắm đấy, bạn thấy chấm nhỏ ở chân hòn đá cao? đó là bóng một người:

IMG_3117.jpg


Hướng nhìn thông thường là từ đây: ta sẽ thấy một vùng biển yên bình, những bãi đá lô nhô phía xa. Ngoài ra, cũng có một hướng độc đáo khác mà ngày nay, địa phương đã tạo điều kiện dễ dàng cho du khách bằng con đường rải đá chạy thẳng ra biển.
Vậy nhưng đó là chuyện sẽ kể trong những bức ảnh trong bài này, còn tiếp theo đây mà mình sẽ đề cập tới địa danh Kê Gà trước đã.

Vài dốc ngắn khiến ta phải leo và trèo do nơi đây như một quả đồi thấp. Hải đăng Kê Gà đã thấp thoáng phía xa xa.

IMG_3115.jpg


Ở Bình Thuận, nếu Phan Thiết - Mũi Né nổi tiếng với những bãi biển đẹp, bãi cát dài mịn màng thì cách đó tầm 20km về hướng Đông là Mũi Kê Gà với nhiều bãi đá kỳ lạ với các phiến đá được thiên nhiên sắp đặt thành đủ hình thù gợi sự hiếu kỳ cho du khách.

Đá và biển là đặc sản của Kê Gà.

IMG_3124.jpg


Người dân bản địa từ lâu đã ví von những bãi đá tại Kê Gà này như một vườn đá.

Hầu như ai cũng tò mò về cái tên Kê Gà, đã “kê lại còn gà”? Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà, cái tên này ra đời cũng bởi những tảng đá ấy lấn dần ra biển, rồi không biết bàn tay ma thuật nào đã vô tình xếp dặt chúng thành hình dáng trông gần như cái đầu gà. Dòng nước chảy xiết bao quanh những phiến đá trông như những dải mây bồng bềnh ôm ấp ngọn núi.

Đá trông như bức tường thành ngăn cách đất liền và biển, trông như những lỗ châu mai.

DSCN4577_411.jpg


Dù cho những khu nghỉ dưỡng ngày nay cứ lần lượt mọc lên nhưng Mũi Kê Gà vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị vốn có của thiên nhiên vùng biển với những rặng thùy dương và phiến đá hoa cương kỳ lạ.

'Chúa tể của những chiếc nhẫn':

DSCN4575_409.jpg
 
Những rặng đá quanh co như rắn bò với tảng đá trung tâm đứng sừng sửng: trên ấy có vài người đang chụp ảnh đám cưới - bọn mình chậm chân!

DSCN4578_412.jpg


Mũi Kê Gà có thể ngắm nhìn và thưởng lãm từ cả 2 vị trí:
- Một là ở Đông - Bắc: từ tỉnh lộ 719, sau khi vượt ngang bãi Đá Nhảy (Blue World resort gần kề) - Khi chưa đến các quán Cây Dừa và Trọng Tâm, ta sẽ thấy phía trái có con đường rải đá rộng hướng ra biển. Theo con đường này, bạn sẽ đến một bờ biển đẹp: vắng khách trong ngày thường. Cạnh đó là một bãi đá rất rộng lớn, nơi mà chỏm đá cao nhất có thể đến 30m (so với mặt biển). Từ đây, ta sẽ nhìn thấy hải đăng Kê Gà ở hướng chính Nam, cao sừng sửng trên đảo với nước biển vây quanh trong tiếng sóng vỗ ì ầm.

Đá nơi đây trông khác đá tại bãi Đá Nhảy cách đây vài cây số. Đá Nhảy thì các mũi đá nghiêng về cùng một hướng.

DSCN4582_416.jpg


- Hướng nhìn thứ 2 từ miệt phía Tây, nơi có các quán Cây Dừa và Trọng Tâm với lối vào đường dân sinh. Đây là hướng thông thường mà bạn vẫn thấy hình hải đăng Kê Gà trên internet theo góc cạnh này. Nơi đây ta có thể thuê thuyền thúng ra đảo, nếu muốn ngủ lại tại hải đăng thì ta sẽ phải đăng ký trước.

Hải đăng Kê Gà đây, hồi sau chụp ở góc cạnh gần hơn sẽ thấy công trình này nằm trên đảo, xung quanh là biển.
Trong Sổ tay địa danh Việt Nam 2002 ghi địa danh Kê Gà và Kê Dữ tức đảo Gà.


DSCN4584_418.jpg


Trước khi ra đảo để tham quan hải đăng thì bạn hãy khám phá một vòng những bãi đá này đã. Độc đáo là cho dù bạn đi Kê Gà theo hướng Đông hay Tây đều đến được bãi đá đẹp... và cả hai bãi đá lại hoàn toàn khác nhau nhưng có đặt điểm chung là bãi đá nào cũng có hàng ngàn những tảng đá lớn, thậm chí rất lớn nằm chồng chất lên nhau thành đủ mọi hình thù.

Một góc nhỏ của thảo nguyên, nơi 'ít đá' nhất.

DSCN4585_419.jpg


Ở bãi đá phía Tây, khách du lịch sẽ đi theo bãi biển về hướng Đông (hướng hải đăng) để đến được bãi đá. Tuy nhiên khi triều cao, nước dâng ngập tràn các bãi... thì đa phần bãi đá sẽ bị nhấn chìm trong làn nước biển. Đá tại đây có độ lớn trung bình, nằm chen giữa bãi cát. Có những tảng đá như chiếc giường khổng lồ, vững chải nhìn trời đất bao bao ngàn năm qua. Tại đây thấy rất rõ hải đăng Kê Gà trên đảo.

Hòn đá trung tâm, xem vậy chứ nó cao không dưới 30m so với mực nước biển đấy.

DSCN4588_422.jpg


Nếu khéo nhìn, bạn cũng sẽ thấy con đường mòn lên ngọn đồi thấp dẫn qua phía chỏm Đông, nơi ấy sẽ cho ta một góc nhìn khác hẳn.

Từ trên này, zoom gần một tý vẫn thấy cái chòi là có chiếc Win của mình và con xế 4 bánh của những bạn chụp ảnh cưới.

IMG_3125.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,749
Bài viết
1,136,884
Members
192,575
Latest member
hangngay
Back
Top