Bối Khê tiếp
Giới hạn cuối của sân chùa là hàng hiên nhà tiền đường
Hàng hiên có nét cổ kính thọat trông chắc cũng không có gì đặc biệt nhưng với mình nó có nhiều chi tiết thú vị.
Thứ nhất là bậc thềm, ở đây không có những con rồng bậc thềm đẹp mắt như Phổ Minh hay nhiều nơi khác có nhưng phần cố bậc (ít nhất là phần giữa và 1 bên tam cấp, còn bên kia chat vữa kín rồi) được xây bằng những viên gạch mộc đất nung trên mặt có khắc nhiều hình linh vật.
Nhưng viên gạch này rất giống với những viên gạch bệ thờ chùa Tram Gian vốn đã được xác định mang niên đại thời Mạc (cũng từ mười mấy năm trước mình đến chùa Trăm Gian thì bệ thờ này bị phá đi, gạch xếp đầy ngoài sân, hình như ai xin sư thầy cũng cho mà không xin chắc cũng lấy được). Nhắc đến Trăm Gian thì cũng nói thêm là là Trăm Gian và Bối Khê có mối quan hệ mật thiết ít nhất từ TK XV trở lại, hai chùa cùng thờ thánh Nguyễn Bình Anh vốn sinh tại làng Bối Khê, đắc đạo tai chùa Trăm Gian nên xưa kia hàng năm vào hội chùa đều làm lễ rước Thánh từ Bối Khê sang Trăm Gian. Vì mối quan hệ này nên cứ đoán là nhà tài trợ đợt trùng tu vào thời Mạc đã đặt làm loạt gạch này cho cả hai chùa một thể. Hay là gạch này chính là những viên mới dỡ từ chùa Trăm Gian rồi mang sang bên này dùng nhỉ? Mình không phải nhà nghiên cứu nên bỏ đấy đã.
Mà gạch đất nung cứ cho là thời Mạc đi có gì đặc sắc nhỉ, cứ cho là có thêm mấy cái hình ngộ ngộ? Vì mình thích mỹ thuật thời Mạc. Thời Mạc tuy ngắn ngủi và không phải là một trang hoành tráng trong lịch sử Việt Nam nhưng thời gian kỳ này mỹ thuật đã có một bước chuyển sống động. Nó là sự ra đời của những đồ án trang trí khoáng đạt và đa dạng hơn hẳn những thời kỳ trước đó đặc biệt là phong cách dân gian rất đặc sắc thể hiện trong nhiều ngôi đình nổi tiếng. Hy vọng là có một dịp khác để viết về những ngôi đình này.
Vẫn ở hàng hiên này điều thú vị thứ hai với mình là những bức cốn (vách – ván trang trí trên khung nhà) được chạm khắc tỷ mỷ, nhất là ở gian giữa.
Đồ án rồng với nhiều linh vật được thể hiện bằng kỹ thuật chạm lộng (chạm sâu, thủng trong gỗ tạo khối và lớp) và bong kênh tạo nên những hình ảnh sinh động. Những linh vật này vẫn mang dáng vẻ hiền hòa vui tươi chứ không thể hiện sự khắc chế đe nẹt, nó như lời cầu khấn mưa thuận gió hòa, no đủ nhiều hơn là hình ảnh mang tính tuyên truyền cho tư tưởng của tầng lớp cai trị - đây là điểm khác biệt lớn khi so sánh văn hóa Việt Nam với các nền VH khác. Cũng nói thêm rằng những bức chạm như thế này hiện còn lưu giữ được là điều rất quý (dù hiện tại vẫn còn ở nhiều nơi) vì chạm lộng, chạm bong kênh đòi hỏi tiêu tốn nhiều tiền bạc và tay nghề của người thợ bậc cao hơn nữa do kết cấu mảng chạm yếu nên việc tồn tại với thời gian sẽ là khó khăn.
Một bức chạm thú vị khác tả tích Đường Tăng đi thỉnh kinh.
Bức chạm này không biết có cùng thời gian với bức chạm trên không, có lẽ là muộn hơn. Kỹ thuật và đường nét có phần kém tinh tế (chỉ chạm sâu và chạm thủng) nhưng chủ đề khá vui nhộn, hình khối ước lệ mang đầy tính dân dã: Đường Tăng nổi bật nhất tung tăng tiến bước, Ngộ Không có vẻ căng thẳng trên cao quan sát, chú gánh đồ chẳng Xatăng cũng chẳng Bát Giới (không nhất thiết rập khuôn nguyên mẫu), yêu ma rình rập phía sau…
Như đã nói những chi tiết đặc sắc nhất của Bối Khê lại nằm trong tam bảo mất điện nên đành vòng ra phía sau chùa ngắm gian hậu cung.