What's new

Chuyến đi "Tìm lại bầu trời" của đoàn Kevinauto - Tây Tạng hè 2014

Chuyến đi "Tìm lại bầu trời" của đoàn Kevinauto - Tây Tạng hè 2014

Nhóm mình đã hoàn tất chuyến 12 ngày trên đất Tây Tạng và trở về TP.HCM ngày 05/7 vừa rồi. Đi TQ trong hoàn cảnh Hải Dương 981 vẫn cắm rễ ở Biển Đông đã làm cho nhiều người "có một sự quan ngại không hề nhẹ", đã vậy lại còn đi Tây Tạng nữa, điều đó có thể làm cho các vị phụ mẫu ở nhà lên cơn tai biến :D Tuy nhiên mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Trong đó, một phần không nhỏ là nhờ vào năng lực hổ báo của "người cầm lái vĩ đại" Kevinauto :D

Bỏ qua những xung đột hai bên về vấn đề biển đảo, với vị trí địa lý "núi liền núi, sông liền sông", TQ thật sự là một điểm đến không tệ chút nào: thiên nhiên rộng lớn đa dạng, cảnh quan đặc sắc, di tích lịch sử văn hóa phong phú và cũng là nơi mua sắm rất tuyệt.

Điều đó tuy đúng với các tỉnh, thành và khu tự trị khác nhưng không đúng với Tây Tạng. Đi Tây Tạng không dễ - rào cản đầu tiên là thời gian: không thể đi Tây Tạng một cách tương đối tử tế (cho dù chỉ một vùng - phổ biến như Lhasa và vùng Trung Tây Tạng chẳng hạn) cũng không tốn ít hơn 10 ngày được, chưa tính không ai có thể trong 24h mà từ TP.HCM phi thăng tới xứ đó nổi.

Rào cản thứ hai là giấy má phức tạp: câu chuyện xin permit luôn là vấn đề gây đau tim cho các nhóm đi Tây Tạng: sau khi xin được visa TQ và gửi tiền deposit cho travel agency xong mới nói đến chuyện xin permit; nếu không xin được, hoặc trên xứ đó bất ngờ có biến cố gì đó, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa Tây Tạng với khách nước ngoài thì khả năng khóc ra tiếng Mán là rất cao :D.

Rào cản kế tiếp là tiền - tuy vấn đề này có thể giải quyết bằng nhiều cách nên có vẻ đơn giản hơn (đi làm kiếm tiền, nhận tài trợ của thân nhân, vay ngân hàng...) nhưng cũng khá đau đớn: nếu những nơi khác ở TQ, chỉ cần 500Y/ ngày là tha hồ xông xênh nhưng ở Tây Tạng, con số đó ít nhất cũng phải 1000Y/ ngày. Lên xứ ấy buộc phải đi với công ty du lịch, không có chuyện đi bụi, không có chuyện ngủ dorm hay couchsurfing gì cả. Dĩ nhiên các travel agency có thể cung cấp dịch vụ giá rẻ (thậm chí siêu rẻ) tỉ lệ thuận với chất lượng (dĩ nhiên :D) thì thiên nhiên Tây Tạng cũng đủ khắc nghiệt để không có nhiều người có thể chịu đựng điều đó được.

Trong hoàn cảnh đó, đoàn Kevinauto đã có một chuyến đi - tuy lịch trình rất cơ bản - nhưng cũng có những chỗ độc đáo nhất định, vậy sao không làm hồi ức cho bằng chị bằng em nhỉ? :D

10154953_10201695932669269_2144863451_n.jpg


Chào mừng các bạn đến với hồi ức của bọn mình! :) :) :)
 
Re: Chuyến đi "Tìm lại bầu trời" của đoàn Kevinauto - Tây Tạng hè 2014

10559693_10202318275587453_7608285591087032000_n.jpg

Thêm 1 vùng đất sắp bị đô thị hoá.
Không biết Lhasa còn giữ dc cái riêng của mình được bao lâu nữa đây.

Cám ơn bài viết của thớt
 
Ngày 4: Ganden, tu viện trên đầu núi

Đến sáng ngày thứ 4, cả đoàn mới chính thức đi ra khỏi Lhasa, đến thăm tu viện Ganden. Tu viện Ganden nằm ở phía Đông Lhasa, cách Lhasa tầm 50km. Cung đường đến đó nằm dọc sông Kyi Chu (thường gọi là sông Lhasa) khá nên thơ, dù có một số đoạn đang sửa chữa nên hơi xấu.

10553317_665065016904341_1549712160051907606_n.jpg


Tu viện Ganden là một trong những đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất ở Tây Tạng. Tu viện được thành lập vào đầu thế kỷ 15 (năm 1409) bởi Đại sư Tsongkhapa (Tông Khách Ba) - nhà cải cách lừng danh của Phật giáo Tây Tạng. Tsongkhapa là người sáng lập tông phái Cách Lỗ với một trong những giáo pháp quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng và cũng là người xây dựng những tu viện quan trọng tại Tây Tạng như: Drepung, Sera và Ganden.

Mọi người rất phấn khích vì trong tài liệu nói rằng đường lên Ganden "đẹp như mơ". Quả là như mơ thật, con đường nhỏ chỉ vừa hai chiếc xe tránh nhau mà có đến mấy chục khúc quanh:

10396284_667954706615372_7758525879383700622_n.jpg


Cả đoàn không ai có được tấm ảnh có tầm nhìn toàn cảnh về con đường nên bạn Mèo mượn của bác Gúc một cái cho bà con dễ hình dung:

10501662_614821258631453_1941634860487438640_n.jpg

Con đường này sẽ làm các bạn tín đồ của đạo Say xe choáng váng tối tăm mặt mũi đấy!

Cuối con đường, tu viện Ganden hiện ra trên đầu núi:

10347564_10202340937593989_6467040586356445281_n.jpg


Lên đây, bà con trong đoàn mới thấy một hiện tượng đặc biệt: lừa đi xin ăn. Lũ lừa (có chủ hẳn hoi) cứ thấy có khách xuống xe là lò dò tới tỏ vẻ xin xỏ:

10371539_10202340937353983_1999681019037912890_n.jpg


Ai cũng quen với cảnh chó mèo ở nhà xin ăn trèo trẹo nhưng lừa thì xin ăn gì? Sau khi suy nghĩ, bạn Mèo bèn bảo "Nó xin đồ ngọt đấy!". He he, như đúng rồi luôn: con lừa vui vẻ xơi ngon lành miếng bánh xốp Kitkat ngọt đứt lưỡi. Sau này, trên đường đi, bạn Mèo thấy những đứa trẻ người Tạng nhem nhuốc, đưa tay xin "Tangwei" (đồ ngọt-như bánh kẹo...vv). Cuộc sống hiện đại với cơn ác mộng về chứng tiểu đường type II đã làm chúng ta săm soi lượng đường trong từng lon nước, từng cái bánh; làm chúng ta phải ăn kiêng, phải dùng đường giả... trong khi đó ở nhiều nơi khác, một cái bánh ngọt, một chiếc kẹo... lại là cả một ước mơ...

Trên con đường từ bãi đỗ xe đi bộ vào tu viện, bạn Mèo thấy một cảnh tượng hãi hùng: bên đường có một cái lò, người ta vứt vào đó những cành lá nhỏ, rắc lên đó một thứ bột - thế là khói bốc lên mù mịt. Cạnh cái lò người ta bán từng túi lớn thứ cành cây đó, mỗi túi có kèm một gói nhỏ bột trăng trắng. Nghe nói khi làn khói đó bay lên, người ta sẽ đọc những lời cầu nguyện và gió sẽ đưa chúng lên cõi Chư thiên, tới tai các đấng tối cao. Tại sao bạn Mèo lại hãi hùng về cái cảnh tượng có ý nghĩa đẹp đẽ đó thế? Hic, bạn ấy bị hen mà!

Cố nín thở chạy qua đám khói, leo lên mấy chục bậc thang dốc ngược, cảnh tượng làm cả đoàn kinh hoàng hơn nữa: một đồn cảnh sát to vật vã! Các chú cảnh sát trẻ đang tập bài tập chống bạo động với khiên và dùi cui. Họ vui vẻ cho các bạn trẻ đến gần xem họ tập, sờ soạng khiên, dùi cui của họ; có người tỏ vẻ ái ngại khi thấy con mèo già hen đang ôm ngực thở không ra hơi. He he, thế mà cả đoàn không ai dám chụp hình họ cả!

Đi qua đồn cảnh sát thì tới một doanh trại quân đội còn to hơn cả đồn cảnh sát. Hic, trên quả núi này gần như không có nhà dân, vậy hai đơn vị đó chỉ để canh chừng cái tu viện có mấy trăm nhà sư thôi à? Rõ phí nhỉ?

Rẽ khỏi cái doanh trại, một hình ảnh tự do, phóng khoáng hiện ra:

1661788_10202340937913997_4120883820499236893_n.jpg


Bầu trời xanh, những áng mây trắng tự tại, những lá cờ lungta phất phới... thật trái ngược với sự nặng nề, ngột ngạt của trại lính và tiếng hô xung sát khi tập luyện của đám cảnh sát.

Làm một vòng Kora quanh Ganden không hề đơn giản, cạnh một cái lò lớn sơn vôi trắng (để hóa cái gì không rõ) là con đường mòn cho vòng Kora ôm trọn cả quả núi chứa tu viện Ganden!

10530706_10202340937633990_6494494871543273053_n.jpg


Cả đoàn chỉ có 2 thành viên đi trọn một vòng, con đường vào ngày thường ít có khách hành hương nên khá vắng vẻ:

10389716_667460596664783_3935291657874545013_n.jpg


10530736_666623406748502_2541877852391297242_n.jpg


Làm hết một vòng quanh núi mới có thể tiến vào quần thể nhà cửa của tu viện.

Bạn Mèo không đủ sức để làm một vòng như thế, bạn ấy đứng trên đầu núi ngắm nghía địa thế:

10455452_10202340938354008_757154484391118822_n.jpg


(Mọi người có thấy tòa nhà rất to kiểu Tạng nằm ở bên trái tiền cảnh không? Đó là doanh trại quân đội chứ không phải là khách sạn đâu!)

Sau đó bạn Mèo tìm con đường đi vào toà điện màu đỏ thẫm nóc vàng ở trung tâm của quần thể. Nhiều người nhìn bạn ấy với vẻ kỳ cục. Sao thế nhỉ? Vì bạn ấy đi ngược đường! Người ta đi Kora theo chiều kim đồng hồ, con đường bạn ấy đi vào là đường người ta đi ra!

Nhìn bề ngoài như thế nhưng bên trong, nhiều nhà cửa dường như không có hoặc có rất ít người ở. Có lẽ đúng như tài liệu nói, ở đây hiện tại có không tới 200 nhà sư so với con số trên 2000 vào năm 1959!

Bạn Mèo một mình thơ thẩn quanh khu có tòa điện màu đỏ lộng lẫy đó, sau đó bước vào một tòa điện khác bên cạnh cũng khá đẹp và hoàn toàn vắng vẻ. Từ cánh phải của tòa điện, bạn Mèo lại thấy một đồn cảnh sát khác - tuy nhỏ hơn và có một chú cảnh sát đang đứng chăm chú nhìn qua bên này! Hic. Bạn Mèo bước vào một cánh cửa nách. Có một lạtma đang ngủ gật trên tràng kỷ. Khi bước ra, bạn Mèo thấy một mảnh giấy cũ đã ố gần hết chữ dán ở cạnh cửa, viết tiếng Tạng và tiếng Hán. Tiếng Tạng dĩ nhiên bạn Mèo không biết đọc, tiếng Hán cũng mờ gần hết, chữ còn lại có thể đọc được là 20元 (20 nhân dân tệ). Chắc đó là lệ phí cho một lần xin lễ. Hu hu, có lẽ nào hai chữ "tùy tâm" lại không tồn tại được ở cửa Phật hay sao!

Không ai trong đoàn có thể có một tấm ảnh toàn cảnh tử tế tòa điện màu đỏ thẫm vì có một đám mấy chục người chiếm khoảng sân trước điện cả buổi trời để giảng đạo và làm lễ gì đó.

Túm lại có thể kết luận: chuyến đi Ganden không được thành công như mong đợi, chỉ vớt lại được ấn tượng về con đường quanh co đúng là đẹp như mơ và mấy con lừa ăn xin đồ ngọt thôi.
 
Last edited:
Ngày 4: Sera - tranh luận về Phật pháp là thật hay diễn?

Sau khi rời Ganden, đoàn quay về Lhasa để ăn trưa. Trên đường về, mọi người nhìn thấy mấy trại nuôi chó Ngao Tạng nên mới nảy ra ý nghĩ đi tham quan trại Ngao Tạng. Bạn Mèo đề xuất ý kiến, cậu Kunchok sau khi suy nghĩ bèn trả lời: có một trại lớn nằm trên đường chúng ta sẽ đi qua ngày mai nhưng họ thu tiền tham quan đấy. Bạn Mèo lập tức đồng ý ngay: OK, chúng tôi sẽ trả tiền tham quan cho họ. He he, thế là mai được thêm một món "độc" :D

Về Lhasa, cả đoàn vào ăn cơm ở một quán nhỏ của người Tạng. Quán sạch sẽ, thức ăn ngon và là nơi nấu ăn ít mặn nhất trong các quán Tạng mà cả đoàn đã đến trong 12 ngày ở Tây Tạng. Cơ mà được này mất kia: nhà quán làm thức ăn chậm kinh khủng :D

Tu viện Sera nằm ở một quận ven của Lhasa, cách khu trung tâm chỉ vài km - là một trong những tu viện lớn của Tây Tạng, đại diện cho dòng phái Cách Lỗ. Tu viện Sera được Thích Ca Dã Hiệp (Jamchen Choje Sakya Yeshe) xây dựng vào năm 1419 theo yêu cầu của thầy ông là Đại sư Tông Khách Ba. Thích Ca Dã Hiệp là một trong tám đại đệ tử Đại sư Tông Khách Ba, được Đại sư rất yêu quý. Ngài là người đã được mời sang làm cố vấn cho Hoàng đế Trung Hoa (Minh Thành Tổ) thay mặt cho Đại sư Tông Khách Ba và trở thành người thầy truyền bá rộng rãi Phật pháp ở Trung Quốc. Đến khi trở về Lhasa, Thích Ca Dã Hiệp đã được Hoàng đế dâng tặng rất nhiều vật phẩm quý báu như bộ kinh Tangyur (kinh nói về những lời dạy của Đức Phật) được Hoàng đế ấn tống, tượng 18 vị La Hán hay tượng Phật bằng gỗ đàn hương…Những vật phẩm này cùng với bức tượng Hayagriva, đã trở thành báu vật của tu viện Sera.

Tuy có danh tiếng nhưng Sera không rộng lớn, không có một rừng nhà cửa như Deprung hay Ganden nên việc thăm viếng các nơi cũng dễ dàng hơn. Bước qua đại môn vàng son lộng lẫy mới tỉnh tình tinh, mọi người thấy tưng tức mắt với một cái stupa cũng mới tỉnh tình tinh làm bằng đá xám:

10553605_10202363413155864_6032990987332428174_n.jpg


Tuy chưa đi nhiều nơi ở Tây Tạng nhưng ít nhiều gì mọi người cũng đã từng thấy không ít stupa hình tròn, sơn vôi trắng ở Shangri-La, ở Myanmar... Chi phí để xây nên cái stupa dở vuông dở tròn bằng đá này hẳn là đắt đỏ hơn hẳn stupa đắp bằng xi măng sơn vôi nhưng lại trông quái đản hơn là trang trọng. Cậu HDV bảo đó là của dâng cúng của ai đó chứ không phải của nhà chùa tự xây. Hóa ra tận trên Tây Tạng cũng có những kẻ lắm tiền thiếu thẩm mĩ dâng vào nhà chùa những thứ kệch cỡm chứ đâu riêng gì bên ta mới có món đó.

Con đường đi vào bên trong tu viện khá đẹp với hai hàng cây:

10556297_10202363413915883_4793275378340522601_n.jpg


Cơ mà đá lát đường là đá cưa, tố cáo rằng con đường là đồ tân tạo (vì Sera cũng đã bị tàn phá rất nặng - sau này mới xây dựng lại). Có lẽ Sera là tu viện khá hiếm hoi có con đường chính rất dễ đi vì không có độ dốc. Những kẻ dặt dẹo như bạn Mèo Bay rất thích điều này!

Bên trong tu viên Sera chỉ có hai tòa điện lớn.

10377008_10202363413435871_4236936030781817882_n.jpg


Bên trong tòa điện này có điện thờ với nhiều tượng Phật lớn nhưng điểm thu hút đông khác hành hương lại là một cái khám thờ bị che chắn kín mít, muốn chiêm ngưỡng bức tượng để trong đó, khách phải cúi đầu xuống, thò vào cái khe hẹp bên dưới chân cái khám thờ rồi lé mắt nhìn lên. Trong đó thờ vị Phật đầu ngựa rất được người Tạng tôn sùng. Gọi là Phật đầu ngựa nhưng tượng ngài cũng có đầu như người nhưng trên cái mũ có gắn một cái đầu ngựa. Những người khách hành hương dâng cũng cho Phật sữa tươi. Một vị lạtma vừa rưới sữa tín đồ dâng cúng lên một cái đĩa sâu, vừa đọc kinh rì rầm. Bạn Kunchok bảo vị Phật đầu ngựa này bảo trợ cho trẻ em, nhất là các bé trai. He he, thảo nào bạn Mèo thấy người hành hương đến đây ai cũng bế theo trẻ con chưa đầy năm, hóa ra là để cầu phước cho chúng. Khi ra bên ngoài, bạn Kun chỉ những đứa bé có vết nhọ bôi trên mũi: đó là nhọ lấy từ ban thờ của ngài Phật đầu ngựa, người ta bôi để lấy khước cho bọn trẻ. Vì hai mấy năm trước, bạn Kevin cũng là một bé trai còn ẵm ngữa nên giờ bạn ấy cũng muốn có một vết nhọ như thế; vì vậy, bạn Kun phải trình bày riêng với vị lạtma để ông ấy quệt cho cái cậu bé cao gần mét tám nặng 90 cân đó một vết :D

Điểm thu hút nhất của Sera chính là những buổi tranh luận về phật pháp của các nhà sư trẻ đang tu học tại đây. Họ chia thành từng nhóm tranh luận trong khoảnh sân trải đá răm đầy bóng cây:

10563225_10202363414075887_6338531556572672320_n.jpg


Nhóm nào đi đến đây cũng đều có rất nhiều ảnh về hoạt động đặc biệt này. Và ở đây khách tham quan tự do quay phim chụp hình. Nghe bạn Kevin bảo mọi nhóm đến Sera, dù buổi sáng hay chiều đều có ảnh về buổi tranh luận sinh động của các nhà sư trẻ, bạn Mèo hơi lăn tăn. Chẳng gì bạn Mèo cũng có nhiều năm kiếm tiền đi du lịch bằng nghề dạy học nên rất rõ vai trò của phương pháp thảo luận trong việc dạy và học bất cứ thứ tri thức nào. Bạn Mèo cũng biết có 2 cách cơ bản để giải quyết các "công án" về thiền và phật pháp là chiêm nghiệm và tranh luận. Do đó, bạn Mèo để khá nhiều thời gian ngồi quan sát các nhà sư, theo cái kiểu giống như đi dự giờ dạy mẫu của các đồng nghiệp. Cũng giống như buổi học bình thường, không phải mọi học sinh đều tích cực, chủ động như nhau thì các nhà sư cũng thế.

Nhóm phía bên phải trong ảnh là nhóm tích cực nhất, người tích cực nhất trong nhóm là nhà sư trẻ cao gầy đứng ngoài cùng. Thầy ta vỗ đùi đen đét, đập tay bôm bốp, dí tay vào trán, thộp áo các thầy khác trong nhóm để gây áp lực buộc họ phải cấp tốc "nôn" ra ý kiến. Khi có ai đó nói sai, nói hớ thì cả nhóm lại cười sảng khoái. Ngoài ra còn một, hai nhóm nữa cũng khá tích cực; còn lại các nhóm khác hoặc ầu ơ cho có hoặc ngồi không hoặc thì thầm nói chuyện riêng hay lấy tay vạch vạch xuống đất, vê vê vạt áo.

Bạn Mèo lăn tăn: không biết đây là hoạt động thực hay hoạt động "sân khấu hóa" để thu hút khách thập phương của nhà chùa? Vì thảo luận có là phương pháp rất tốt đi nữa thì cũng không thể thay thế cho các phương pháp học tập khác được. Có lẽ nào họ sáng tranh luận đến trưa, trưa tranh luận tới chiều nên ai đến giờ nào cũng có ảnh đặc sắc mang về?

Rời khỏi sân tranh luận, mọi người sang viếng tòa điện thứ hai:

10565271_10202363414595900_8293162848405204140_n.jpg


Điện này nằm gần chân núi, bên trong không có gì đặc sắc vì là của phục chế.

Cơn mưa lâm thâm giục mọi người nhanh chóng ra xe. Buổi chiều nay thu hoạch hơi kém, số lượng và chất lượng ảnh chụp được có phần èo uột. Chỉ có hai người có của mang về: bạn Kevin có vết nhọ trên mũi và bạn Mèo có mối lăn tăn trong bụng.
 
Ngày 5: thăm trại nhân giống chó Ngao Tạng Thánh Thiên

Chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff) khá xa lạ với nhiều người, nhưng với một số bạn trong nhóm của Kevin thì ngao Tạng cũng "bình thường thôi" vì họ đã từng ngắm nghía, sờ soạng, chụp ảnh với chú chó Ngao Tạng tên Đông Đông ngay tại TP.HCM trong dịp Dogshow năm 2011. Còn đối với bạn Mèo, ngao Tạng là niềm đam mê của bạn ấy đấy! Thế nên chuyến tham quan trại ngao Tạng thật sự rất được mọi người trông đợi.

Hôm đi Ganden, mọi người đã thấy vài trại ngao Tạng ở ven đường, cơ mà lều lán tồi tàn quá, trông cứ như là trại nuôi vịt ấy! Nhưng trại hôm nay mọi người ghé thăm hoàn toàn khác. Đường đi đến đây rất thuận lợi, nằm ngay ngã ba giao giữa đường đi Shigatse và đường cao tốc đi sân bay Gongga.

Trại có bảng hiệu rất hoành tráng và rất kín cổng cao tường, dù ngao Tạng không phải là thứ dễ trộm cướp:

10525633_614378672009045_8094372187799491665_n.jpg


Sau khi gọi cửa, người quản lý trại ra tiếp và ra giá: tham quan 60Y/ khách. Bạn Kevin bèn trả giá: thế 10 người 500Y được không? Họ đồng ý và mời vào, sau khi thu đủ tiền liền phát tận tay mỗi người một cái vé in rất cẩn thận, ghi rõ giá vé 60yuan.

Trại này có tên gọi đầy đủ là "Trại nuôi và nhân giống chó Tây Tạng thuần chủng Thánh Thiên". Các trại nuôi ngao Tạng, hay lũ chó ngao Tạng cũng thế, đều có những cái tên rất khủng, rất phô trương! Theo thông tin trên vé, thì trại Thánh Thiên là trại nuôi và nhân giống ngao Tạng được thành lập sớm nhất (từ năm 1996) và là trại to nhất của toàn xứ Tây Tạng. Với những hiểu biết của bản thân về chó ngao Tạng cùng với việc tham quan thực tế ở trại, bạn Mèo tin rằng điều họ nói là có cơ sở.

Trại Thánh Thiên này có qui mô rất lớn, xây dựng qui củ, khá khoa học, vệ sinh cũng rất tốt. Khu trại có hình chữ Quốc quay ngang. Mặt trước là cổng vào, mặt đáy là khu chó cái và chó choai, cánh bên phải là khu chó con, cạnh trái là khu chó lớn (khả năng là chó tồn kho phải nuôi báo cô) Ở giữa có 4 lô: 1 dãy nhà điều hành, hai dãy chuồng chó siêu sao của trại (chuồng có nền cao hàng mét), hai dãy chuồng chó lớn khác giáp lưng vào nhau. Mỗi chuồng rộng khoảng 4m2, có một hộp đúc bằng xi măng, có một cửa nhỏ làm chỗ tránh mưa gió cho chó.

Nhìn chung chó ở đây rất to, chó đực tầm >70kg, chó cái nhỏ con và trông ít bắt mắt hơn. Chó ở đây chia thành 4 giống: đại sư đầu, tiều sư đầu, trường mao đại sư đầu, hổ đầu.

Từ cổng vào đã thấy dãy chuồng cao, show up các ngôi sao của trại:

10562986_614390112007901_6988884039488199425_n.jpg


Dãy này nuôi khoảng chục con chó đực, con nào con nấy như con gấu:

10425144_614382922008620_7762596057200196428_n.jpg

Em này tên Thiên Vương, 3 tuổi, nặng 80kg, thuộc giống Tiểu sư tử đầu.

1908375_614383862008526_4556207844580636362_n.jpg

Em này tên Ngưu Quỷ Vương, 2 tuổi, nặng 85kg, thuộc giống Trường mao đại sư đầu.

Dãy chuồng chó cái đơn sơ hơn, lũ chó cái xấu hơn, cũng lành tính và ít to mồm hơn đám chó đực (cái này hơi khác loài người nhỉ?)

10502254_614387888674790_1349560283269600147_n.jpg


Toàn khu trại được xây dựng rất tốt, bố trí khá khoa học, thông thoáng, vệ sinh. Giữa các dãy chuồng có trồng cây xanh:

10553535_614389525341293_8949331690447750667_n.jpg


Trong trại có vài con ngao Tạng trắng muốt, dân chơi ngao gọi là Tuyết Ngao. Cơ mà Tuyết Ngao tuy đẹp nhưng không hợp với tiêu chuẩn (tiêu chuẩn ngao Tạng không chấp nhận lông trắng) nên trại có mấy trăm con chó mà chỉ có mấy con Tuyết Ngao. Khu trong còn một dãy "biệt thự" dành cho các ngôi sao hạng A. Em này là ngôi sao "đỉnh của đỉnh", ở ngay đầu dãy; tên là Kim Bá Chủ, thuộc giống Tiểu sư đầu. Em nó mới có một tuổi mà đã nặng 75kg, đúng là "anh hùng xuất thiếu niên" nhỉ?

10526047_614405782006334_4873115317911179609_n.jpg


Khu nuôi chó con khá rộng, và tách biệt, chỉ thông với khu nuôi chó cái ở một lối hẹp. Chó con đủ lứa tuổi, đông như quân Nguyên:

10525693_614420988671480_6493172851835197120_n.jpg


Nhà trại cho khách tiếp xúc với những con chó đặc biệt thân thiện (điều này rất trái với tính cách chung của lũ ngao Tạng) để chụp ảnh:

47574_695563990481097_4691337938963955690_n.jpg

Bạn tuhailanha đang ra sức "tán tỉnh" một em ngao của trại, có lẽ muốn dụ dỗ em nó theo bạn ấy đi chu du lấy bốn biển là nhà

Bạn Mèo dám khiêu chiến với con ngao Tạng bị nhốt trong chuồng:

10517507_608142765965969_8578901634469064483_n.jpg


nhưng lại là người cuối cùng chụp ảnh với "Hoa hậu thân thiên" của trại Thánh Thiên, vừa ngồi cách ra một khoảng vừa có bộ mặt rất khó coi. Tại sao lại như thế nhỉ? Vì bạn Mèo biết rõ một con ngao Tạng có thể đánh thắng hai con chó sói, còn hai con ngao Tạng thì xé xác được một con gấu. Hoa hậu "Kim Tinh" này nặng sơ sơ có hơn 70kg thôi, trong khi bạn Mèo có 45kg thì làm gì mà bạn ấy lại không căng thẳng cho được!
 
Ngày 5: Yamdrok-tso ngày nắng đẹp

Yamdrok là một điểm đến rất thành công của nhóm Kevinauto: thời tiết hôm ấy thật đẹp, nắng vàng rực, mây trắng phau và bầu trời thì xanh thăm thẳm... Mọi người hết sức cao hứng với vụ mùa ảnh đẹp hết sức bội thu.

Hồ Yamdrok cách Gyantse 90km về phía tây, cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng hơn 100km về phía đông bắc. Theo thần thoại địa phương, hồ Yamdok là do một nữ thần biến thành. Nằm ở độ cao 4.441m, Yamdrok được coi là một trong bốn hồ nước thiêng nhất toàn Tây Tạng (Lhama Latso, Namtso, Manasarovar, Yamdrok). Để đến với Yamdrok phải vượt qua con đèo Khamba-La cao 4794m quanh co uốn lượn rất ngoạn mục. Sau khi qua đèo, mặt nước bát ngát của Yamdrok mở ra một màu xanh biếc làm mọi người vô cùng phấn khích!

10593169_10202389341044045_8999778830508990921_n.jpg


Ở điểm dừng chân ven hồ, khách tham quan khá đông; dân địa phương cung cấp đủ thứ dịch vụ nhưng không xảy ra cảnh hỗn độn. Dịch vụ phổ biến nhất là cho thuê bò yak, dê con, chó ngao Tạng... để chụp ảnh. Chả ai tiếc 10Y để chụp một loạt ảnh với con bò yak đầy màu sắc:

1551661_10202389341164048_9005733744288633319_n.jpg


Hay bế con dê bé như con mèo với giá 5Y...

10550947_608141695966076_3923935399305164257_n.jpg


... và rồi phải rời đi trong sự nuối tiếc:

10556479_10202389343084096_5376639793886053236_n.jpg


Đi dần về phía Karola Glacier đã bắt đầu thấy thấp thoáng những đỉnh núi phủ tuyết vĩnh cửu trắng xóa:

10514637_669343086476534_684867810394639950_n.jpg


Buổi chiều, mọi người được bonus một cảnh tượng ngọan mục: một cánh đồng cải dầu đang trổ hoa rực rỡ dưới chân những ngọn núi khô khan trơ trụi. Vì cả đám chưa ai được đi La Bình, nên vớ được cánh đồng hoa cải này ai nấy ra sức bấm máy:

10557160_668397123237797_885069735203929634_n.jpg


Ở đây có thể thấy rõ sự tương phản giữa quang cảnh khô cằn, trơ trụi và cánh đồng tươi tốt. Đúng là có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

10268514_10202395367674707_2360437267455942203_n.jpg


Nếu không phải do nắng quá to không thể phơi mặt ra lâu được thì không biết khi nào mọi người mới chịu rời đi.

Gần đến khu vực Karola Glacier, trời chuyển sang âm u và bắt đầu có mưa lâm thâm. Ai cũng lo ngại vì nếu trời mưa thì kế hoạch tham quan băng hà có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, chỉ vượt qua vài đoạn đường đèo dốc, khí hậu đã biến chuyển rất nhanh. Băng hà trên đèo Karola hiện ra với màu trắng nhức mắt:

10174916_10202395366794685_1502690346141168438_n.jpg


Sông băng Karola (Karola Glacier) là một trong ba dòng sông băng chính của Tây Tạng. Nó nằm trên ranh giới giữa Langkatse và Gyantse, cách Gyantse khoảng 71km. Sông băng Karola nằm ở phía bắc của đỉnh núi chính Karola, cao 5.560m trên mực nước biển, chiếm diện tích 9,4km². Điều đáng buồn là hiện nay, sông băng Karola phải chịu chung số phận với các sông băng khác trên thế giới: tốc độ tan băng ngày càng tăng nên diện tích và độ dày của lớp băng tuyết ngày càng teo tóp.

Vì điểm dừng chân ở Karola có độ cao 5020m nên khi bước xuống xe mọi người đều thấy có một chút "nghẹn ngào" trong ngực. Phải mất vài phút để cân bằng lại hơi thở và nhịp tim mới có thể đi tiếp.Địa điểm này chống chỉ định mọi thể loại phấn khích, manh động nhé!

Ở đây có một tấm bảng quảng cáo:

10530753_605399946240251_6746002678562381763_n.jpg


Hơi quá lời nhỉ? Vì Karola còn chưa phải là con đèo cao nhất Tây Tạng, nói gì đến cao nhất thế giới. Ngoài việc có thể vào đây ăn uống để tự lập một kỉ lục nho nhỏ cho bản thân, các bạn còn có thể ghé vào cái toilet 100% đúng kiểu truyền thống của Tây tạng ở gần đó để trải nghiệm cảm giác "xả nước cứu thân" ở độ cao > 5000m xem có gì khác biệt hay không :)

Rời Karola, xe chạy thẳng về Gyantse - một thành phố bé nhỏ, hiền hòa với quần thể tu viện Palkhor, Kumbum và Dzong danh tiếng, hứa hẹn nhiều điều kỳ thú. Sự phấn khích chỉ mới bắt đầu mà thôi!
 
Last edited:
Re: Ngày 5: Yamdrok-tso ngày nắng đẹp

Đọc liền một mạch 4 pages. Chị Mèo viết mê hoặc quá! Sao lại có thể vừa chi tiết, vừa biểu cảm đến như vậy nhỉ.
Và photos minh họa cũng rất tuyệt
 
Re: Chuyến đi "Tìm lại bầu trời" của đoàn Kevinauto - Tây Tạng hè 2014

Thế anh pxkien đã đặt chân tới đây chưa? Kế hoạch của anh thế nào đây :))
 
Ngày 6: Điều kỳ diệu của Palkhor và tháp Kumbum

Do mải mê với nhiều cảnh quan kỳ thú dọc đường nên đến chiều muộn đoàn mới đến được Gyantse - chiều muộn là tính theo đồng hồ chứ trời vẫn còn sáng trưng, nắng vẫn còn vàng rộm trên đầu núi. Gyantse tiếng là thành phố lớn thứ 3 ở Tây Tạng nhưng có những nét hiền hòa, dung dị riêng chứ không nhộn nhạo, phô trương với những trung tâm thương mại xa hoa, những nhà cao tầng san sát như Lhasa hay Shigatse. Thành phố chào đón khách phương xa bằng hình ảnh pháo đài Gyantse Dzong ngạo nghễ trong bóng chiều. Mọi người liền ủ mưu sau khi ăn cơm chiều sẽ đến gần đó để ngắm nó cho tận tường.

Sau bữa cơm khá ngon ở nhà hàng Ba con mắt, đồng hồ đã chỉ quá số tám nhưng trời vẫn còn sáng nên kế hoạch liền được thực thi. Ngắm Gyantse Dzong từ xa xa thì dễ nhưng không được tới gần vì khu vực quanh đó đang sửa chữa, người ta không cho vào. Đêm ở Gyantse hơi quạnh quẽ, hay ít nhất là khu vực khách sạn nơi đoàn ở là thế; có lẽ ở đây ít du khách (khách thường chỉ ngủ ở đây có một đêm) nên các loại hình dịch vụ ít ỏi hơn ở Lhasa.

Sáng hôm sau, nắng vàng ươm như mật, hứa hẹn một ngày đẹp trời. Cả đoàn hồ hởi đi tham quan quần thể tu viện Palkhor và tháp Kumbum. Hóa ra không phải đi xa, chỉ rẽ vài con đường là đã đến rồi. Nếu có những tấm ảnh chụp toàn cảnh Gyantse (Hic, của vay không có văn tự từ bác Gúc đấy!) - dù không hiểu biết nhiều về thuật phong thủy cũng có thể thấy được sự đặc biệt của quần thể Palkhor:

10402081_621352851311627_5605976148681354290_n.jpg


Giữa thung lũng Gyantse rộng lớn và tương đối bằng phẳng nổi lên một dãy núi thấp hình vòng cung, trông giống như một con rồng đang nằm ngủ. Quần thể Palkhor nằm tựa lưng vào bụng của con rồng đó, bốn bề có tường thành cao bảo vệ. Nếu đứng trên đỉnh cao của Kumbum sẽ thấy cánh bên trái của cánh cung dãy núi đang liền lạc bỗng hơi chùng xuống một chút, trông như cổ của con rồng rồi cao vút lên thành cái đầu rồng. Cái sừng trên đầu rồng chính là pháo đài Gyantse Dzong:

983779_621354387978140_8204237875190717069_n.jpg


Không cần biết binh pháp cũng biết đây là địa thế dụng binh rất tuyệt vời. Pháo đài Gyantse án ngữ cao điểm cao nhất, cùng với pháo đài trên lưng núi phía sau Palkhor tạo thành thế ỷ dốc có khả năng khống chế cả thung lũng rộng lớn.

Hôm đoàn đến Palkhor chính là ngày cuối cùng của tháng Tư theo lịch Tây Tạng - tháng linh thiêng nhất của người Tạng - nên tu viện có rất đông khách hành hương. Những người già da nâu nhăn nheo như vỏ cây khô, những đứa bé lem luốc, những người đàn ông khắc khổ, những người đàn bà lam lũ... tập trung ở những góc khuất trong khuôn viên. Họ để những gùi, túi, bọc hành lý nghèo khổ vào một chỗ rồi tỏa đi làm một vòng Khora quanh khuôn viên tu viện. Không ít người đi Khora bằng phương thức tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa:

1919623_10202419743244081_2858044448272285026_n.jpg


Tu viện Palkhor rất đặc biệt vì đây là nơi tu hành của 3 hệ phái Phật giáo khác nhau bao gồm: phái Sakyapa, Kadampa và Gelugpa. Các hệ phái này cùng chia sẻ một chánh điện và các phòng nghiên cứu Phật giáo. Trong lịch sử Tây Tạng, đã có những tranh cãi giữa 3 hệ phái nói trên. Nhưng kể từ khi Tu viện Palkhor được thành lập cách đây gần 600 năm, 3 hệ phái đã cùng tồn tại dựa trên tôn giáo chung của họ cũng như trên những học thuyết khác nhau. Nhờ vậy họ đã tạo cho tu viện Palkhor trở thành một nơi thân thuộc và bình yên. Như vậy có thể coi Palkhor là biểu tượng của "Vạn pháp qui tông" nhỉ?

Điểm thu hút nhất của Palkhor chính là tháp Kumbum:

10340147_10202419739483987_7356687120284632613_n.jpg


Kumbum nổi tiếng với linh tháp lớn nhất và kiến trúc độc đáo nhất Tây Tạng, một công trình mà không nơi nào ở Tây Tạng có được. Kumbum có thể coi như một đồ hình Mandala khổng lồ, thể hiện thế giới quan của người Tây Tạng : vũ trụ được cấu thành từ 5 yếu tố: đất, nước, lửa, khí và thức. Phần dưới của Kumbum hình vuông, có 5 tầng - tượng trưng cho đất. Phần kế tiếp có hình trụ, tượng trưng cho nước; vì tầng này có vẽ 4 đôi mắt Phật trên võng cửa của bốn cánh cửa mở ra bốn hướng nên người ta bảo nước này chính là nước mắt của Bồ tát chảy vì chúng sinh. Tầng kế tiếp hình nón tượng trưng cho lửa. Tầng cao hơn nữa giống như hai cái đĩa để ngửa, tượng trưng cho khí (gió). Trên cùng là một kết cấu nhọn bằng kim loại tượng trưng cho thức. Đầu nhọn của kết cấu này nói lên rằng "Thức" là một thứ không có kích thước, không có hình thù vì nó là giao điểm giữa thế giới vật chất với thế giới tâm linh. Vì vậy, Người Tây Tạng quan niệm đi một vòng Kumbum từ dưới lên trên là đi một vòng từ vòng tử sinh luân hồi đến Niết bàn.

Trong 9 tầng tháp Kumbum có 77 gian thờ với vô số tượng, tranh vẽ Phật, các vị Bồ Tát, hộ pháp, tiên nữ... Bạn Mèo và bạn Kevin cẩn thận trèo lên những bậc thang khá cao trên chiếc cầu thang nhỏ hẹp không có tay vịn lên các tầng trên của Kumbum để chiêm ngưỡng các tác phẩm kỳ diệu đó. Bạn Mèo vô cùng ngưỡng mộ bốn bức tượng Tara:

10402038_10202419741004025_4290454071080779501_n.jpg

Xích Đa La (Kurukulla) ở phương Tây: biểu thị cho sức mạnh tình yêu từ Tārā nguyên thủy, tinh thần phấn chấn, đời sống khổ hạnh.

10410663_10202419741364034_241947265763525589_n.jpg

Hoàng Đa La (Bhrkuti) ở phương Nam: biểu thị cho tinh thần thuần khiết, giác ngộ tâm linh.

10516685_10202419741484037_8145764705624286240_n.jpg

Thanh Đa La (Syama-Tārā) ở phương Bắc là Tārā nguyên thủy: biểu thị cho tính sẵn sàng cứu khổ phò nguy, chuyển 5 giác quan thành phương tiện thiện xảo, chuyển khổ hạnh thành giải thoát.

16679_10202419741164029_5761861786197408490_n.jpg

Lam Đa La (Ekajata hay Ugra-Tārā) ở phương Đông: biểu thị cho tinh thần sung mãn, tâm tỉnh thức.

Sao mà các bức tượng lại đẹp đến thế - và bạn Mèo cũng không quên lăn lăn: làm sao người ta có thể đưa những bức tượng to lớn đó lên tầng 4 khá nhỏ hẹp của tháp với phương tiện thô sơ của mấy trăm năm trước?

Điều rất đáng tiếc là tháp Kumbum đang được trùng tu, tầng hình trụ tượng trưng cho nước, có đôi mắt Phật vẽ trên võng cửa bị giàn giáo bao bọc. Hết tầng 4, thấy người ta bịt luôn lối lên trên bạn Mèo và bạn Kevin có chút bâng khuâng: nếu đi hết 9 tầng tháp là đi từ địa ngục đến Niết Bàn, giờ chỉ đi được có 4 tầng... vậy liệu có phải là chỉ mới đến cõi súc sinh hay ngạ quỉ gì không nhỉ?

Trên Kumbum rất yên tĩnh, chỉ có vài người khách bước khẽ, miệng rì rầm đọc kinh nho nhỏ nên có thể nghe rõ tiếng chim câu kêu gù gù. Ở đây có rất nhiều chim câu:

10590615_10202419741044026_7995737734973452817_n.jpg


Hi vọng chúng luôn là biểu tượng cho hòa bình và tự do cho mọi người - nhất là những người Tạng quần áo lầm bụi đang hành lễ tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa bên dưới sân kia.

Rời Gyantse, con đường đẹp đẽ trải dài trong nắng vàng rực:

10402820_10202419743364084_8921418946070173211_n.jpg


cũng không đủ kéo mọi người ra khỏi những ấn tượng mà những bức tượng và những tấm bích họa ở Palkhor và Kumbum đã đem lại.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,361
Bài viết
1,175,380
Members
192,068
Latest member
shbet188us
Back
Top