Đi ăn đồ Ý.
Tớ không thể vô lối mà trả vờ rằng ở LD tớ không ăn uống gì (@Vìu-2008). Vì thế entry dưới đây sẽ là mô tả một trong những bữa tối gần đây của tớ. Dù không có ý xấu gì nhưng khuyên độc giả vẫn nên lót một cái giấy thấm trước bàn phím để đề phòng rủi ro bất ngờ.
Hôm 21-11, sở dĩ tớ nhớ như in ngày hôm đó không phải vì món Ý rất ngon, cũng không phải hôm đó là ngày thắp đèn trên phố Bond Street, mà hôm đó là kỷ niệm … ngày cưới của hai vợ chồng tớ. Tiện thể nói thêm hôm đó đúng ngày thắp đèn trên phố Bond Street. Bạn nào quan tâm đến việc mua sắm hàng hiệu cực cao cấp ở London chắc chắn biết cái phố này, nơi mà những khách hàng của nó thường xuyên là các triệu phú (tiền bảng Anh). Lễ thắp đèn ở Bond, với đèn trang trí rực rỡ, tuyết giả phun cả phố, hàng chục điểm chơi nhạc được tổ chức đánh dấu kỳ lễ hội Xmas đã đến. Vì đi chơi mang theo máy ảnh nên mới có ảnh chụp bữa tối đới. Hẹ hẹ, hôm nào tớ có báo cáo về cái phố này sau.
Quán Ý này có cách phục vụ và bố trí hơi khác lạ. Khách phải tự ra quầy gọi món, bù lại món ăn được làm ngay tại chỗ sau quầy bằng những anh chàng người Ý cao to râu mờ mờ da nâu cười tươi rất nguy hiểm. Bù lại các anh nhanh tay nhanh chân xào nấu thoăn thắt cũng vui mắt vui mũi. Cái quán ý đây. Cái lò to Elextrolux ở góc là lò nướng Pizza.
Ăn quán Ý dĩ nhiên Pasta là chủ đạo. Pasta tên Ý nên tớ chẳng nhớ, gồm có một ít đậu, rau củ gì đó thái nhỏ, carrot, tôm biển, sốt tôm, phó mát. Anh chàng Ý hai tay làm suất cùng một lượt, mùi xào tôm bốc lên tươi rói. Bưng suất mì nóng hổi, trộn một thìa phomát bào và rau thơm, món mì trở nên thơm phức. Ngầy ngậy, dính vào miệng lưỡi bằng chất sốt kem và phomat chẩy mềm, kèm theo vị hải sản và tôm sần sật, chẹp, từng thìa pasta xoăn xoăn điệu đà màu vàng nhẹ quện chặt, cứ trôi tuồn tuột đến mức tớ quên phắt cả cái máy ảnh.
Món khác là Pizza. Nghe cái tên thì rất quen nhưng lúc tớ nhìn thấy, cứ ngỡ họ làm nhầm. Lần đầu tiên thấy một cái Pizza trông giống cái bánh gối như thế, dĩ nhiên to hơn nhiều lần. Hóa ra đây là một cái closed pizza. Như mọi lần đi ăn khác, lúc nhớ đến cái máy ảnh thì đã làm mất một góc rồi. May lát cắt vẫn còn nguyên:
Từng lớp hiện rõ sau màn bổ kỹ thuật. Một lớp nấm gì đó dầy hụ, màu vàng nhẹ, giòn giòn mền mềm, ngọt thỉu sóng đôi với những lát pepperoni cay cay mặn mặn cong tròn loáng mỡ. Làm một xiên thấy có cà chua tươi cùng một miếng thịt muối kiểu Tây ban nha (thứ thịt muối trong 12 tháng) dẻo quánh đỏ hồng, mỏng mảnh mịn màng. Cùng những thứ linh tinh gì đó gói trong lớp vỏ bánh nướng phồng, rắc chút herb thơm đến mức muốn hắt hơi (gia vị kiểu rau khô), tưởng chừng tớ có thể xơi hai cái liền trong một lúc. Xiên nào xiên nấy đều đủ để phồng má vì to, hít hà vì nóng và suýt soa vì sao nó lại thơm ngon đến thế.
Vì đứng xem lại chỗ, tớ biết trong cốc hoa quả rượu pha này có bốn quả dâu tây to tướng, dầm nhừ với một chút lá bạc hà, xóc đều trong cốc pha với đá bào, rượu rum. Chỉ một tợp, vị chua ngọt của dâu tây, cái mát lạnh của bạc hà được khuêch đại bằng hương rum, lan tỏa toàn khoang miệng khiến dịch vị tứa ra, tưởng chừng như được một tợp nước thần:
Ngoài trời rét tầm 3 độ, trong quán ấm áp bên một cái lò sưởi bập bùng (dù có tính trng trí), thoáng chốc mọi thức ăn được chúng tớ kết thúc rất gọn
Hợ, tráng miệng thì sao nhỉ. Chọn món có cái tên Death of Chocolate nhé (Chết vì socola? Socola Thần chết?). Miếng bánh socola dẻo quánh, anh phục vụ cắt bằng một sợi dây thép y như ta cắt bánh chưng, kèm một cốc sữa đặc nhỏ nhưng toàn là kem tươi sệt sệt. Xiên một miếng bánh, chấm vào cốc sữa để thưởng thức một màu nâu sẫm phủ một lớp kem trắng mịn, thả vào miệng để tận hưởng vị bùi béo của kem tươi và cái dẻo quánh dính răng của miếng socola đậm đặc, tưởng chừng tận hưởng cuộc sống cũng chỉ cần đến chết vì socola là cùng.
Mình đúng là sống vì ăn.
Thêm thông tin nữa, hóa đơn thanh toán đâu đó tầm 30-35 GBP.
Để tớ thử tìm xem còn ảnh về món nướng Thổ nữa không, chẹp chẹp. Không thấy khéo phải đi ăn một bữa để chụp ảnh. Nhớ cái sốt kem sữa chua tỏi và bánh mì nướng Thổ nhĩ Kỳ quá đi.