Em mua vé từ lúc chiều rồi bác nhé, tối cầm vé ra đi thôi, bác đọc ở đoạn trên ấy, còn mua vé ngay lúc đêm cũng được vì vẫn có mấy người sát giờ chạy mới lên tàu mà.
Có bác giám sát chặt chẽ thế này, em quyết tâm viết cho hết ạ! Có điều công việc dạo này bận quá hay đi làm về muộn nên một, hoặc hai ngày mới ngồi viết được một đoạn thôi, mỏi mắt lắm, bác thông cảm ạ.
Cổ vật Hy Lạp và La Mã chiếm đa số diện tích ở tầng một. Những mẫu thiết kế và dạng thức kiến trúc, mỹ thuật của Hy Lạp và La Mã cổ đại đều được coi là mực thước của nghệ thuật phương Tây và áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Tiếc thay em không có nhiều cảm tình với những kiểu thiết kế này bởi qua thời gian, chúng càng ngày càng bị biến tướng và bị giới trọc phú trên khắp thế giới áp dụng cho những dinh thự, biệt phủ của mình, nước càng nghèo, càng mới nổi thì càng hay thích xây kiểu Hy La và tô trát diêm dúa. Nước Mỹ ngày trước và Trung Quốc ngày nay là những điển hình cho việc áp dụng rộng rãi thể thức Hy La và phóng đại quá lố. Em sống ở Úc, một nước đã từ bỏ kiểu cách Hy La cổ điển từ lâu và yêu thích phong cách hiện đại Bắc Âu nên chỉ thấy những hình thức này đẹp ở những tòa nhà cổ, đồ đạc cổ chứ bây giờ mà còn xây và trang trí kiểu này trông rất chối.
Nhìn tận mắt những cổ vật Hy Lạp này mới thấy trình độ mỹ thuật và thủ công của họ cũng ghê gớm, dĩ nhiên so với đồ Trung Hoa cùng thời thì còn thua xa nhiều bậc.
View attachment 167126
Vại gốm hai quai xoắn vẽ tích "Artemis bắt cóc Iphigenia'", 330-310 trước Công Nguyên, miền nam Ý. Vại này (volute-krater) dùng để đựng rượu vang pha loãng, thường đặt giữa phòng tiệc để người hầu múc rượu từng cốc mời khách. Sau cũng dùng để trang trí nội thất vì nó rất to
View attachment 167127
Bình gốm hydria, mô tả nghi lễ Eleusine, thế kỉ IV trước Công Nguyên, miền nam Ý. Bình này là một cổ vật rất quý, có tên riêng hẳn hoi: "Regina Vasorum" (Nữ hoàng của các loại bình) vì kích thước rất lớn của nó và những hình được đắp nổi, mạ kim loại nhiều màu. Qua thời gian, những màu này bị bạc đi nhưng thể hiện một kỹ thuật cao cấp trong nghề gốm sứ: dùng NHIỀU màu để trang trí, giống như những tượng trong đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, vốn được nung với rực rỡ màu sắc.
Đồ cổ Ai Cập thì khỏi nói, là những thứ kỳ bí và hấp dẫn nhất với tất cả những người mê lịch sử và khảo cổ học. Ở đây không có quá nhiều đồ cổ đại như bên Pháp hay Ai Cập nhưng cũng kha khá thứ đẹp. Văn minh Ai Cập là nền văn minh cổ đại được biết đến rộng rãi nhất ở phương Tây vì những nghiên cứu sâu rộng và tốn kém công sức tiền bạc của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu phương Tây (Anh - Pháp), sở dĩ do Ai Cập rất gần với châu Âu. Những nền văn minh cổ đại khác ở Trung Hoa và Nam Mỹ cũng rực rỡ không kém, có điều ít được nghiên cứu hơn. Vậy nên cái gì trên thế giới này phổ biến được đều là nhờ người phương Tây cả, văn hóa Nhật được tâng bốc lên tận mây xanh cũng là nhờ người Mỹ "rừng rú", sang "đô hộ" nước Nhật sau chiến tranh, lần đầu tiên được gặp một nền văn hóa châu Á đặc sắc nên đã quảng bá nó ra cả thế giới.
View attachment 167129
Nắp và bên trong quan tài của Pa-kesh, thầy tế thần Amun, cuối triều đại XXV (cuối thế kỉ 8 - giữa thế kỉ 7 TCN) tại Thebes. Thần Amun là thần bảo trợ cho Thebes
View attachment 167128
Quách đá (Sarcophagus) của Tư lệnh quân đội - Hoàng tử Ah-mose, con trai Pharaoh Amasis II, triều đại XXVI (nửa sau thế kỉ 6 TCN) tại Giza
Nhìn những quan tài này em mới hiểu vì đâu mà Liên Xô lại có ý tưởng "gìn giữ lâu dài" long thể của Lê Tiên Hoàng, có lẽ con người ta sau nhiều nghìn năm vẫn không thay đổi quan niệm về những nhà lãnh đạo khi chết, phải bảo quản theo kiểu Ai Cập cổ đại để họ không chết mà còn sống vĩnh hằng như một biểu tượng trường tồn. Nghĩa là việc nảy sinh quan niệm tâm linh vẫn diễn ra một cách tự nhiên cho dù những người đứng đầu Liên Xô không tin vào tôn giáo (cụ thể là Thiên chúa giáo) nhưng bản năng của con người vẫn tự diễn ra như thế giống một cách nghĩ khác đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước và còn được nhiều người ở "các nước khác" cũng hưởng ứng với cùng một quan niệm về sự sống vĩnh cửu, hòng đánh bại thời gian.
Sau khi lòng vòng một hồi tầng 1 thấy chán, em mới lên đến tầng 3. Trên này khá vắng, nhưng đặc biệt cái là khá nóng và ngột ngạt vì không có điều hòa nữa. Ở ngoài trời thì lạnh nhưng ở nhà Tây thì các bác có lẽ cũng biết là nó cách nhiệt rất tốt, nên ngoài lạnh mà trong nhà nóng là chuyện thường, quan trọng nhất là đi bộ đã khá nhiều, mồ hôi vã ra như tắm, đứng trong những hành lang tầng 3 kín như bưng nóng vô cùng. Lên đến tầng 3 này mới để ý cửa sổ: thấy tường của cung điện cực dày và có đến hai lớp cửa sổ, cách nhau một khoảng không ở giữa để cách nhiệt như cửa sổ máy bay vậy. Hóa ra không chỉ mình em nóng mà mấy bác phụ nữ ngồi canh gác cũng nóng nên trên này các bác ấy mở toang cửa sổ, đi qua chỗ mở cửa sổ lại rét run vì mồ hôi đang ướt mà gió ngoài thì lạnh.
Trên tầng ba dành trọn cho châu Á và Trung Đông mà Viễn Đông và Trung Á là chủ yếu. Ngay cầu thang lên là có một dãy hành lang rất dài trưng bày các loại tiền xu và huân huy chương.
View attachment 167131
Tiền của Trung Hoa từ thời xa xưa nhất bắt đầu có tiền cho đến tận thời hiện đại. Hai đồng tiền ở trên cùng gọi là "tiền cây cầu" là dạng thức sơ khai nhất của tiền mặt trong lịch sử nhân loại. Người Trung Hoa dẫn đầu thế giới cổ đại với những quy ước chung về những vật làm gốc, để quy đổi giá trị tương đương dùng trao đổi trong buôn bán, thay thế phương pháp hàng đổi hàng. Những vật dụng có giá trị sử dụng giống tiền này, ngay từ đầu đã được đúc bằng đồng thiếc (bronze), nên từ đấy đơn vị của tiền ở nước ta gọi là đồng.
View attachment 167130
Tiếp đến phía trên là những đồng tiền được chế tác cầu kì hơn gọi là bố tiền (hình cái mai, cái thuổng) và đao tiền (hình con dao) từ thời Đông Chu, hay nói cách khác là thời Xuân Thu - Chiến Quốc, giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa và kinh tế Trung Quốc cổ đại. Trên bố tiền và đao tiền đã có đúc các chữ đại triện đơn giản mục đích của việc chế tạo tiền có hình cầu kì và đúc chữ này là để tránh làm tiền giả. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tiền giả cùng niên đại, với chữ và hình dáng rất thô kệch, khác hẳn tiền thật. Văn minh Trung Quốc đã phát triển đến độ có đơn vị đo lường thống nhất, vì thế Nhà nước chỉ cần công bố là tiền thật dài bao nhiêu, nặng bao nhiêu thì mọi người đều có thể kiểm chứng được đâu là thật, đâu là giả.
View attachment 167132
Tiền Nam - Bắc Triều Tiên, Việt Nam và các nước Đông Nam Á xếp chung một tủ kính.
Nhìn vào đây thấy đẹp và sắp xếp gọn gàng quá mà lại thấy xấu hổ. Nghĩ đến ngay cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở mình cũng chẳng có nổi một gian tử tế bày các loại tiền của Việt Nam trải dài theo lịch sử. Ở Việt Nam người ta chưa quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của lịch sử (như kinh tế, trang phục, lối sống...) mà vẫn chỉ kể câu chuyện theo dòng thời gian như biên niên sử mà thôi. Mặc dù những đồng tiền chính là những minh chứng đanh thép nhất cho biên niên sử, chứng minh rằng nhiều khi chính sử còn chép sai, chép thiên vị vì đơn giản sử sách chỉ là chép lại đời này qua đời khác, tam sao thất bản, thêm mắm dặm muối, tiền thì đã đúc ra rồi là nằm đấy đến ngày nay.
View attachment 167133
Tiền Việt Nam qua các triều đại
Một số chú thích (rút gọn):
1. Thái Bình Hưng Bảo (đồng tiền đầu tiên của người Việt, tức nhà Đinh phát hành)
2. Thiên Phúc Trấn Bảo (Tiền Lê)
3. Thuận Thiên Nguyên Bảo (Tiền do Lê Lợi cho đúc, bắt đầu nhà Hậu Lê, đây chính là một minh chứng cho việc sử sách chép sai, sử chép vua cho đúc Thuận Thiên Thông Bảo, nhưng trên thực tế chỉ tìm thấy tiền có chữ Thuận Thiên Nguyên Bảo)
4. Quang Thuận Thông Bảo (Tiền thời Lê Thánh Tông, kinh tế phát triển là minh chứng cho việc tiền này tìm thấy rất nhiều)
16. Minh Mạng Thông Bảo, trị giá 3 tiền, vàng, nặng 11.09 g
19. Một Lạng bạc thời Thiệu Trị (nhà Nguyễn), nhưng cân nặng chỉ 37.87 g
20. Ba tiền thời Thiệu Trị, bạc, nặng 12.49 g
View attachment 167134
Từ 25-29 là những thỏi bạc nguyên chất hay ta thường nghe thấy trong phim gọi là nén bạc, thực tế nó bé xíu thế này thôi ạ
Tiêu chuẩn của một lạng ta là 38.5 g
25. Nén bạc 1 lạng mặt sau có chữ "Tự Đức niên tạo" và chữ "Canh Thân" trong ô vuông, tức là đúc năm 1860, nặng 38.39 g
26. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "An Phú - quan ngân nhất lượng", nặng 38.25 g
27. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "Nội thảng ngân nhất lượng", Nội thảng là kho bạc, nặng 37.79 g
28. Nén bạc 3000 tiền Tự Đức, nặng 15.87 g
29. Nén bạc 1000 tiền Tự Đức, nặng 9.41 g