Re: Đồ dùng Y Tế cần thiết và các cách sơ cứu cần thiết khi đi Phượt
3. Gấp chi tối đa
Là biện pháp cầm máu đơn giản, rất tốt mà mỗi người có thể tự làm ngay sau khi bị thương để cầm máu. Khi chi thể gấp tối đa, các động mạch bị gấp và đè ép bởi các khối cơ bao quanh, có thể làm máu ngưng chảy. Tuy nhiên, phương pháp này không kéo dài được mà chỉ là biện pháp rất tạm thời, phải làm ngay khi bị thương rồi sau đó bổ sung bằng các biện pháp khác. Chi thể bị gấp tối đa thì dễ mỏi và nếu có tổn thương gãy xương đi kèm thì không thực hiện được. Cách làm tuỳ theo vị trí tổn thương:
- Cẳng tay, bàn tay: Gấp cẳng tay vào cánh tay. Nếu phải giữ lâu, có thể cố định tư thế gấp tối đa bằng một vài vòng băng hoặc dùng thắt lưng ghì chặt cổ tay vào phần trên cánh tay.
- Cánh tay: Dùng một vật tày có đường kính chừng 10 cm làm con chèn, kẹp chặt vào nách ở phía trên chỗ chảy máu rồi buộc chặt cánh tay vào thân người.
- Cẳng chân hoặc bàn chân: Nằm ngửa hoặc ngồi, dùng hai tay kéo mạnh cẳng chân ép vào đùi, có thể đệm thêm một cuộn băng vào khoeo.
- Đùi: Nằm ngửa, dùng hai tay kéo mạnh đầu gối để ép chặt đùi vào thân người, có thể dùng dây lưng để ghì mạnh đùi vào thân người.
4. Ấn động mạch
Là động tác dùng ngón tay đè chặt vào động mạch trên đường đi của động mạch từ tim đến vết thương nhằm làm động mạch bị ép chặt giữa ngón tay và nền xương. Đây là biện pháp cầm máu tạm thời rất hiệu nghiệm, chắc chắn mà ít gây đau đớn, không gây rối loạn tuần hoàn ở các chi bị thương, nhưng đòi hỏi người làm phải nắm chắc kiến thức giải phẫu về đường đi của các động mạch.
Phương pháp này có nhược điểm là không giữ lâu được vì người ấn nhanh chóng bị mỏi tay. Do đó, đây là động tác xử trí đầu tiên của y tá đối với một vết thương có chảy máu động mạch vừa hoặc lớn. Sau đó, phải sử dụng các biện pháp lâu bền hơn để đảm bảo cầm máu và chuyển nạn nhân về tuyến sau.
Có thể chỉ dùng một ngón tay cái hoặc bốn ngón tay còn lại, có khi sử dụng cả hai ngón tay cái, thậm chí cả nắm tay. Động tác ấn đòi hỏi hết sức khẩn trương nên không cần cởi quần áo người bị thương. Cách làm tuỳ theo vị trí chảy máu:
- Bàn tay và ngón tay: Dùng 2 ngón cái ấn vào động mạch quay (nơi thường bắt mạch trên cổ tay) và động mạch trụ (phía bên kia cổ tay).
- Cẳng tay hoặc phía dưới cánh tay: Ấn động mạch cánh tay (ở mặt trong cánh tay, phía trên vết thương) bằng ngón tay cái hoặc bốn ngón còn lại. Nếu máu còn chảy thì xê dịch ngón tay ra phía trước hoặc phía sau cho tới khi máu ngưng chảy.
- Phía trên cánh tay hoặc hố nách: Dùng ngón tay cái ấn mạnh và sâu vào hố trên xương đòn (ở sát giữa bờ sau của xương đòn) để động mạch bị kẹp vào giữa ngón tay cái và mặt trên xương sườn số 1.
- Đùi, cẳng chân hoặc bàn chân: Dùng 2 ngón tay cái ấn mạnh vào giữa nếp bẹn, các ngón còn lại ôm lấy mặt ngoài và trong của đùi. Có thể thay 2 ngón tay cái bằng cuộn băng chèn vào giữa nếp bẹn.
- Má: Dùng ngón tay cái ấn mạnh vào động mạch ở cằm, cách góc xương hàm dưới khoảng 3 cm về phía trước
(còn tiếp)