Một vài thông tin về tác hại của việc khai thác khoáng sản bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.
Qua nghiên cứu, ảnh hưởng của hoạt động khoáng sản tới nguồn nước (khả năng tiêu thoát, chế độ thủy văn, lưu lượng hồ chứa...) và sự biến đổi thành phần hóa học của nguồn nước, các nhà khoa học của Trung tâm Khoa học Tự nhiên & Công nghệ Quốc gia đã xác định những nguyên nhân và xây dựng giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước trong khu vực khai thác, đồng thời tránh được những tác động tới môi trường xung quanh.
Trong những năm gần đây, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (HĐKS) phát triển một cách ồ ạt, gây những tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước sản xuất nông nghiệp.
Trong HĐKS, nước được sử dụng với khối lượng lớn cho hầu hết công đoạn sản xuất. Quá trình sản xuất, tháo khô mỏ, đổ thải, v.v..., đã gây những tác động tiêu cực tới nguồn nước sản xuất nông nghiệp ở khu vực xung quanh khai trường.
HDDKS làm thay đổi địa hình, hệ thống nước mặt, điều kiện tàng trữ và thoát nước (tác động cơ học); làm thay đổi tính chất vật lý, thành phần hoá học của nước (tác động hoá học).
Ảnh hưởng của những tác động cơ học của HĐKS tới nguồn nước
Quá trình đào xới, vận chuyển đất đá và quặng làm địa hình khu khai trường bị hạ thấp, ngược lại, quá trình đổ chất thải rắn làm địa hình bãi thải được tâng cao.
Những thay đổi này sẽ dẫn đến những biến đổi về điều kiện thuỷ văn, các yếu tố của dòng chảy trong khu mỏ như thay đổi khả năng thu, thoát nước, hướng và vận tốc dòng chảy mặt, chế độ thuỷ văn của các dòng chảy như mực nước, lưu lượng, v.v...
Sự tích tụ chất thải rắn do tuyển rửa quặng trong các lòng hồ, kênh mương tưới tiêu có thể làm thay đổi lưu lượng dòng chảy, dung tích chứa nước, biến đổi chất lượng nguồn nước và làm suy giảm công năng của các công trình thuỷ lợi nằm liền kề với các khu khai thác mỏ.
Khi tiến hành các HĐKS sẽ hình thành các moong sâu đến hàng trăm mét, là nơi tập trung nước cục bộ. Ngược lại, để đảm bảo hoạt động của mỏ, phải thường xuyên bơm tháo khô nước ở đáy moong, hầm lò, hình thành các phễu hạ thấp mực nước dưới đất với độ sâu mực từ vài chục đến hàng trăm mét và bán kính phễu hàng trăm mét. Điều đó dẫn đến tháo khô các công trình chứa nước trên mặt như hồ ao,... xung quanh khu mỏ.
Có thể nêu nhiều điển hình về sự ảnh hưởng của khai thác mỏ đến các nguồn nước ở khu mỏ thiếc Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), tổng lượng nước thải công nghiệp gồm bùn cát và nước khoảng 2000 m3/ngày được xả ra các đập lắng với tổng dung tích > 74000 m3.
Các đập lắng nước này đã làm tăng đáng kể diện tích mặt nước, thay đổi chế độ thuỷ văn của suối. Sau một thời gian đổ thải, hầu hết các hồ và nhiều đoạn suối đã bị lấp đầy bùn, cát.
Đáy hồ cao hơn cốt cao tự nhiên từ 5-10 m làm thay đổi dung tích, lưu lượng và hướng dòng chảy tự nhiên. Các hồ và suối trước đây là nguồn nước sản xuất nông nghiệp, hiện nay hoàn toàn không thể sử dụng được.
Ở các mỏ thiếc, đá quí ở miền tây Nghệ An, do quá trình đào bới và đổ thải, các khe Bản Sỏi, Khe Mồng, Tổng Huống - là nguồn cấp nước cho nông nghiệp của khu vực, bị xói lở bờ, bồi lấp dòng chảy, đổi dòng, giảm khả năng tưới từ đó gây ra giảm vụ, giảm năng suất cây trồng.
Khe Nậm Tôn bị đục và bị ô nhiễm trên chiều dài hơn 20 km, diện tích lên đến 280 ha. Khai thác đá quý ở Quì Châu đã làm một số suối và công trình thuỷ lợi bị phá huỷ, các hố khai thác sâu là nơi tích tụ chất thải làm ô nhiễm nguồn nước.
Khai thác than ở vùng Quảng Ninh cũng làm cho các sông, hồ và các công trình chứa nước bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.
Ở Cổ Định - Thanh Hoá, trước khi khai thác quặng crômit, vùng này có trữ lượng nước mặt tương đối lớn (sông Lê, các suối, các hồ,..). Hiện nay, diện mạo mạng lưới thuỷ văn của khu vực thay đổi hẳn.
Các hồ, suối tự nhiên bị bồi lấp, làm giảm đáng kể khả năng tiêu thoát lũ của khu vực, nhiều moong khai thác quặng trở thành hồ nước mặt. Tình trạng khai thác, đổ thải bừa bãi và quá tải đã làm cho chất thải rắn là bùn, cát từ bãi thải tràn ra ngoài, bồi lấp một một vùng rộng lớn hàng chục hecta đất canh tác, làm ô nhiễm đất và nguồn nước nông nghiệp, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Tác động hoá học của HĐKS tới nguồn nước
Song song với những tác động cơ học đến nguồn nước nói chung và nguồn nước nông nghiệp nói riêng, những tác động hoá học đối với nguồn nước cũng rất đáng kể.
Sự phá vỡ cấu trúc của đất đá chứa quặng khi tiến hành đào bới và khoan nổ sẽ thúc đẩy các quá trình hoà tan, rửa lũa các thành phần chứa trong quặng và đất đá, quá trình tháo khô mỏ, đổ các chất thải vào nguồn nước, chất thải rắn, bụi thải không được quản lý, xử lý chặt chẽ, tham gia vào thành phần nước mưa, nước chảy tràn cung cấp cho nguồn nước tự nhiên,... là những tác động hoá học làm thay đổi tính chất vật lý và thành phần hoá học của nguồn nước xung quanh các khu mỏ.
Mức độ ô nhiễm hoá học các nguồn nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm thân quặng, thành phần thạch học và độ bền vững của đất đá chứa quặng, phương pháp và trình độ công nghệ khai thác, chế biến quặng, biện pháp quản lý và xử lý chất thải,...
Nước ở các mỏ than thường có hàm lượng cao các ion kim loại nặng, á kim, các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố phóng xạ... cao hơn so với nước mặt và nước biển khu vực đối chứng và cao hơn TCVN từ 1-3 lần. Đặc biệt là khu vực từ Quảng Yên đến Cửa Ông. Sự biến đổi chất lượng nguồn nước, tải lượng một số chất thải trong nước tháo khô các mỏ than.
Trong các mỏ thiếc sa khoáng, biểu hiện chính của ô nhiễm hoá học là làm đục nước bởi bùn - sét lơ lửng, tăng hàm lượng các ion sắt và một số khoáng vật nặng.
Việc khai thác và tuyển quặng vàng phải dùng đến thuốc tuyển chứa Hg, CN-...; ngoài ra, các nguyên tố kim loại nặng cộng sinh như asen,
antimoan, các loại quặng sunfua, có thể rửa lũa hoà tan vào nước.
Vì vậy, ô nhiễm hoá học do khai thác và tuyển quặng vàng là nguy cơ đáng lo ngại đối với nguồn nước sinh hoạt và nước nông nghiệp. Tại những khu vực này, nước thường bị nhiễm bẩn bởi bùn sét và một số kim loại nặng và hợp chất độc như CN-, Hg, As, Pb v.v... mà nguyên nhân chính là do nước thải, chất thải rắn không được xử lý đổ bừa bãi ra khai trường và khu vực tuyển.
Nguyên nhân gây suy thoái nguồn nước
Nguồn nước mặt và nước ngầm xung quanh các khu vực HĐKS sử dụng làm nguồn cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đang bị suy giảm về trữ lượng và ô nhiễm, suy thoái về chất lượng do hai nhóm nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân về quản lý: Từ những năm 80 đến nay, HĐKS phát triển mạnh, nhưng thiếu tổ chức và quản lý chặt chẽ, xuất hiện nhiều tổ chức không chuyên và nạn khai thác tự do, các địa phương chưa có quy hoạch sử dụng khoáng sản phù hợp, lực lượng quản lý tài nguyên và môi trường quả mỏng, phương thức và biện pháp quản lý chưa thích hợp, dân trí thấp, kinh tế chưa phát triển dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, thiếu tổ chức , không quản lý được quá trình khai thác và đổ thải.
- Nguyên nhân về kĩ thuật và công nghệ: Trong HĐKS hầu hết đều dùng những thiết bị và công nghệ cũ, lạc hậu, chưa chú ý đến sự đồng bộ về thiết bị và công nghệ bảo vệ môi trường. Hầu hết các mỏ thiết kế và xây dựng từ những thập niên 60 - 70 với qui mô về sản lượng quặng và khối lượng đất đá thải ít hơn nhiều so với hiện nay.
Sau quá trình khai thác 30 - 40 năm, các bãi thải được quy hoạch với quy mô nhỏ, chưa tính đến các biến cố về quá tải đối với các bãi thải. Một lượng chất thải rất lớn bao gồm chất thải rắn, nước thải và bùn thải hàng năm, không được quản lý và xử lý, gây ô nhiễm môi trường
Nguồn: www.canhsatmoitruong.gov.vn