What's new

Hai tuần một mình dọc ngang miền Bắc Thái

Là con gái, tôi không lựa chọn độc hành, nhưng dường như điều đó đã trở thành một thứ... định mệnh. Có khi chủ động, có khi lại bất khả kháng, số lần có bạn đồng hành trong những chuyến đi xa của tôi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vốn tưởng rằng lần đầu tiên mở rộng địa bàn đi bụi ra ngoài biên giới sẽ không phải một mình xoay sở, nào ngờ đến phút thứ 89 lịch sử đã lặp lại, tôi bị bỏ rơi vì cái lý do nghe chỉ muốn ngửa mặt chửi Trời: Mất hộ chiếu. Cũng may là phút thứ 89 nên còn kịp điều chỉnh lịch trình, giả dụ đến phút thứ 90+3 mới nghe thấy tin dữ chắc là sẽ hoang mang và bấn loạn lắm đây.

Tôi lên đường với 10kg hành lý chia ra 2 ba lô, Nex 6 quấn cổ, áo phông nam và jean cụt, dép tổ ong loẹt quẹt dưới chân, nhìn cái bang không thể tả. Dằn túi chỉ 450$ + 1600baht và một cái thẻ tín dụng của anh trai mà nếu không rơi vào tình huống cực kỳ bất đắc dĩ thì tôi tuyệt đối sẽ không đụng đến. Thứ đảm bảo an toàn cho thân gái dặm trường chỉ là một cái bảo hiểm du lịch dạng basic của Liberty, một cái tin nhắn ghi rõ phương thức liên hệ với một người bạn chí thân của ông anh tại Bangkok và kinh nghiệm từ 5 năm trời rong ruổi khắp các vùng miền ở VN. Chỉ như thế, tôi có mặt ở Nội Bài vào một ngày âm u, đến cả Trời cũng chẳng thèm hoan hỉ tiễn bước tôi đi, sao mà dễ ghét quá vậy kìa.

14 ngày qua 6 thành phố + thị trấn, mà hầu hết đều là những nơi rất thích hợp để thong thả sống - chầm chậm đi, vẫn còn nhiều điều khiến tôi nuối tiếc. Có khi vì thời gian hạn hẹp nên chẳng thể đến những địa điểm tham quan mình muốn, lại có khi vì duyên phận nhỡ nhàng nên ghé đến nơi nào đó vào mùa nhan sắc tàn phai, nên dù chưa bước chân trở về đã lại mơ đến ngày tái ngộ. Hành trình của tôi có thể tóm gọn trong mấy cụm từ: Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử - Đời sống địa phương - Ẩm thực, hoàn toàn không có shopping, sex show và biển đảo như chương trình của các tour du lịch Thái vẫn liên tục chào mời.

Nhắc đến Thailand tôi vẫn là một người quê kiểng khi chẳng biết gì về những món ăn chơi, đất nước này trong tôi bây giờ là một Bangkok xô bồ và đa diện dưới trời tháng Tư ngời xanh, như một người đẹp vốn dĩ rất duyên dáng đáng yêu nhưng tiếc thay tôi lại đến nhầm vào ngày nàng khó ở:
13963599967_a1bb542ab2_z.jpg

Bangkok ngời xanh

Chiang Mai nồng nàn, rực rỡ và hạnh phúc, không quá rộng để vô tình lạc bước, chẳng quá hẹp để khách phương xa ra đi vẫn quyến luyến không nỡ rời chân:
14146976961_9b83b4cbaf_z.jpg

Chiang Mai hạnh phúc

Chiang Rai - miền cực bắc đất nước - tự bản thân vị trí của nó đã là một thương hiệu với Tam Giác Vàng huyền thoại, nhưng vẫn còn hơn thế với những ngôi chùa và bảo tàng không thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào khác tại Thailand:
14189040606_ac94714c55_z.jpg

Hoàng hôn Wat Rong Khun (Chiang Rai)

Là thị trấn Pai nhỏ xinh nằm ngoan lành trong một thung lũng rộng, "vòng xe chưa lăn đã kịp về cuối phố" (thơ Phan Kiền), mỗi căn nhà mỗi cửa tiệm đều dễ thương khôn tả, đến nơi này bỗng thấy mình nữ tính tràn trề:
14170363463_5a17f561e2_z.jpg

In love with Pai

Mae Hong Son lặng lẽ yên bình, thành phố mà tôi biết mình đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, yêu như năm xưa từng động lòng với Hà Giang vào một ban sớm, yêu đến mức nghĩ rằng sẽ trở lại nơi ấy chỉ để ngủ vùi quên đời mình trong không khí trong lành mát ngọt và trên những cung đường khúc khuỷu chạy giữa rừng khô, trở lại để vẹn tròn lời hẹn hò rằng sẽ gặp nhau vào mùa miền xa này rạng rỡ đẹp tươi nhất:
14127149256_065b0c64ac_z.jpg

Mae Hong Son - Love at first sight

Sukhothai khiến tôi thấy mình bé nhỏ trước những phế tích từng một thời huy hoàng của tiền nhân, cứ thế trôi đi qua những trang sử của vương quốc này, biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ nguôi được niềm đam mê với những gì cổ kính:
14147487632_96cffd1b7f_z.jpg

Sukhothai dưới ánh bình minh

Vào đề thế thôi nhỉ, đi cùng tôi, bạn nhé :D.

LỊCH TRÌNH:

Ngày 1: HAN-BKK (VietJetAir). Chinatown
Ngày 2: Hoàng cung + Wat Pho.
Ngày 3: Chợ nổi Amphawa. BKK-Chiang Mai (AirAsia). Cuốc bộ quanh góc Đông Bắc thành cổ.
Ngày 4: Cung điện Bhubing + Wat Phrathat Doi Suthep + làng dù Bor Sang + chợ đêm Tha Pae.
Ngày 5: Wat Chedi Luang + Wat Phra Singh + Wat Chiang Man. Chiang Mai-Chiang Rai (Greenbus). Wat Rong Khun (chùa Trắng).
Ngày 6: Hall Of Opium + Tam Giác Vàng + Baan Dam (chùa Đen) + Chiang Rai Night Bazaar.
Ngày 7: Chiang Rai-Chiang Mai (Greenbus). Chiang Mai-Pai (Prempracha Transport). Wat Phrathat Mae Yen + Pai walking street.
Ngày 8: Coffee In Love + Pai Canyon + World War II Bridge. Pai-Mae Hong Son (local bus). Wat Phrathat Doi Kong Mu.
Ngày 9: Ban Rak Thai (Mae Aw) + Ban Ruam Thai (hồ Pang Oung) + Ban Nai Soi + chợ ẩm thực buổi tối Mae Hong Son.
Ngày 10: Mae Hong Son-Pai (Prempracha Transport). Vòng quanh Pai. Pai-Chiang Mai (Prempracha Transport). Chợ đêm thứ Bảy đường Wualai.
Ngày 11: Công viên lịch sử Wiang Kum Kam + Wat Chiang Man + Wat Lok Molee. Chiang Mai-Sukhothai (Phuluangtour).
Ngày 12: Công viên lịch sử Sukhothai + công viên lịch sử Si Satchanalai. Sukhothai-BKK (W-i-n-t-o-u-r)
Ngày 13: Wat Saket (chùa Núi Vàng) + Jim Thompson's house + Anata Samakhom Throne Hall + Vimanmek Mansion + khu Pratunam.
Ngày 14: BKK-HAN (AirAsia).
 
Last edited by a moderator:
Wat Nanchang cùng với Wat E-Kang nằm gọn trong khuôn viên của khu nhà hội nghị được xây để phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh về nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 được tổ chức năm 2013. Các gian nhà nhìn đẹp đẽ, sạch sẽ, đa số bị... khóa cửa (!?), cỏ cây được chăm sóc tử tế và hệ thống công trình phụ thì hoàn toàn không sử dụng được. Tóm lại là như một mỹ nhân đã chết mất nửa người rồi ấy, khổ thân ghê cơ =.='. Có một nhà thông tin nho nhỏ trình bày về sự hình thành và phát triển của vương quốc Lanna, đều là những kiến thức có thể tìm kiếm dễ dàng trên Internet. Tôi nghĩ rằng hầu như du khách nào đã lựa chọn đến Wiang Kum Kam thì ắt hẳn đều có hiểu biết ít nhiều về quần thể di tích này rồi, nhưng nhắc lại một chút thì cũng không thừa. Tại vì với cá nhân tôi ấy mà, đạp xe mất 8km thì chữ nghĩa đã bị rơi rụng đi quá nửa, ghé vào đọc lại coi như là kiểm tra bài vở vậy :D.

16512071003_2359a9c52d_z.jpg

Tượng đại đế Mangrai

17132237585_5730a5e196_z.jpg

Từ tượng đại đế Mangrai trông ra ngoài cổng. Có thấy bác giai mặc áo xanh da trời ngồi ở mé phải bức ảnh không? Nguyên 1 tiếng đồng hồ tha thẩn giữa 2 ngôi chùa này, chỉ có tôi và bác ấy là khách du lịch thôi đó

17132236125_bce5558535_z.jpg

Lối đi sạch đến... phát thèm

16944640898_5c04276b1d_z.jpg

Bên trong nhà thông tin

17106457066_d552664fdc_z.jpg

Lấy ví dụ một gian về một "Chiang"

16944870620_2288ea2b70_z.jpg

Nhà hội nghị, giờ là nơi tập tành của các nghệ nhân. Múa này, làm nhạc cụ này, có cả một tốp thiếu niên đến tập võ nữa

17134022995_24b5d5bd00_z.jpg

Những đèn lồng giấy đã bạc màu vì mưa nắng rồi
 
Last edited:
Băng qua khu nhà hội nghị là đến cái lòng chảo chứa Wat E-Kang. Ngôi chùa này sau khi bị vùi lấp, hẳn là phù sa sông Ping màu mỡ lắm nên cây cối mọc um tùm, phủ kín cả phế tích luôn. Thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khỉ sống thành từng đàn ở vạt rừng này, bởi vậy người dân quanh đây gọi đống đổ nát núp dưới lùm cây là "chùa Khỉ" (vầng, "Kang" trong thổ ngữ Chiang Mai nghĩa là "khỉ" đấy ạ).

Hơn hẳn Wat Nanchang, Wat E-Kang còn giữ lại được Chedi của chùa. Các nhà khảo cổ sau khi khai quật và nghiên cứu chán chê thì kết luận được rằng Chedi nằm sau lưng Wiharn, trên cùng một nền gạch, và cái Wiharn kia có tận 16 cái cột chống cơ (chắc là cột bằng gỗ, vì cả khu lòng chảo giờ chỉ còn lại 16 cái đế cột bằng gạch thôi). Chedi được phục chế tương đối tốt, ít nhất với con mắt khắt khe tùy tâm trạng của tôi thì dấu vết chắp vá thuộc diện chấp nhận được, nhìn hoài, nhìn hoài thì cũng nhìn ra nó có hình chuông, đế phỏng theo cái đài sen như là trong những bài giới thiệu. Chắc là một kiểu tự kỷ ám thị, cơ mà bản thân mù nghệ thuật, người ta đã có lòng khai sáng cho thì cứ mạnh dạn mà tin theo vậy. Xung quanh Chedi có một vài đồ vật nhỏ nhỏ, như là tượng Phật đang tọa thiền, đài nến, dải vải vàng quấn quanh thân Chedi... trông có sức sống hơn hẳn Wat Nanchang, dẫu rằng ai đó đã đặt chúng ở đấy cũng không chăm chút cho lắm.

17130841842_1efeae2ddb_z.jpg

Từ hướng Tây Bắc của phế tích nhìn lên

16946278438_2fb9dafd66_z.jpg

Cầu thang ở mặt phía Bắc của Chedi, với tay vịn uốn lượn kiểu Bắc Thái (Tuo Ngao trong phương ngữ miền Bắc)

16946503430_752fd406ea_z.jpg

Bức ảnh tôi ưng ý nhất ở Wiang Kum Kam. Vị này trông cứ như Phật Di Lặc ấy nhỉ?

16511614494_b2244c80df_z.jpg

Đài nến không chứa nến mà chứa nước mưa

17132470572_05836684ee_z.jpg

Và nằm chỏng chơ trên nền chùa

16947850739_6544edf280_z.jpg

Toàn cảnh Wat E-Kang
 
Leo lên khỏi lòng chảo, tôi lần mò ra chỗ để xe dưới một gốc cây gần cổng. Ngang qua khu nhà kính đã thấy từng tốp nghệ nhân ra ra vào vào, đi tới cổng vào thì thấy các bà các cô đang tíu tít sửa soạn chuẩn bị cho buổi diễn, chắc là để dành cho những đoàn khách tham quan hàng ngày ghé đến nơi này. Tôi tin chắc rằng hầu hết khách du lịch sẽ đến với Wat Nanchang và Wat E-Kang đầu tiên trong quần thể di tích Wiang Kum Kam, bởi lẽ, nếu khách đi theo đoàn thì chuyện này khỏi bàn cãi rồi nhé, còn nếu là khách lẻ, thì "Wiang Kum Kam" theo lời anh Google Maps chính là chỗ này chứ đâu xa.

Rất muốn ở lại xem người ta sẽ biểu diễn như nào nhưng hơn 1 tiếng đồng hồ dành cho 2 ngôi chùa này đã là hơi nhiều, tôi đành ngậm ngùi đạp xe đi trong nhịp đàn trống réo rắt bập bùng và tiếng chuông kính coong của chuyến xe ngựa đầu tiên đưa khách đến.

Ôi nghệ thuật, rõ ràng là mày và tao chẳng có duyên với nhau mà...:(

17134178255_1fbdf022be_z.jpg

Váy áo điểm trang

16946637650_68c1c1445c_z.jpg

Trống vừa thử nhịp, đàn mới so dây

16926780797_3684c156b2_z.jpg

Hình như thanh xuân trở lại

17134166385_986a470f02_z.jpg

Rộn ràng...

16511741834_578a975aed_z.jpg

Chuyến xe ngựa đầu tiên trong ngày

16511736364_b68f49bfdb_z.jpg

Cái cổng quá ấn tượng
 
Chỉ chừng phân nửa các phế tích của Wiang Kum Kam được chụp ảnh và giới thiệu trên mạng. Phần còn lại là những ẩn số, tôi cứ lần mò đi theo bản đồ, xuyên qua ngõ ngách làng quê sạch bong mát rượi và yên bình lặng lẽ, hoàn toàn không hình dung được phía sau khúc quanh kia, sau những ngôi nhà trệt rộng rãi cửa mở toang thoải mái đón gió ra vào, sau những rặng cây mướt xanh đôi khi điểm xuyết hoa bò cạp vàng và bằng lăng tím, ngôi chùa tiếp theo còn sót lại bao nhiêu dấu vết. Bởi vì thông tin không được dư dả, cứ tìm kiếm một cách ngẫu hứng và tù mù như thế, vô tình thôi, tôi đã được thọc sâu vào một làng quê Thái tiếng là làm du lịch mà gần như vẫn giữ nguyên được bản chất. Tôi không biết diễn tả cái "chất" ở đây là như thế nào, tất cả chỉ thuần là cảm nhận của bản thân, nhưng cái nhịp đời chầm chậm nhẹ nhàng làm kẻ đã trải qua cả thời thơ ấu ở chốn thôn quê như tôi cũng phải khát thèm. Và chính tôi khi trôi xe trên những nẻo đường làng cũng tự khắc chùng xuống theo, không đặt mục tiêu mình phải đến được Wat này Wat nọ mà cứ mặc cho cái duyên đẩy đưa, đi được bao nhiêu hay bấy nhiêu vậy.

Và những vòng xe đã đưa tôi đến với...

Wat Ku Padom. Ngôi chùa được đặt tên để ghi nhớ công đức của người hiến đất. Phần nền và những dải tường gạch còn sót lại cho biết bên trong khuôn viên chùa có 1 Wiharn, 1 Chedi, 1 cái bệ thờ. Ngay bên ngoài tường bao lại có 1 Wiharn, 1 cái đình và 1 cái giếng nữa. Vì sao lại chia ra làm 2 phần như vầy thì tôi chịu, không hiểu nổi thâm ý của người xưa. Vừa mới mải miết sờ nắn ở Wat E-Kang xong nên gặp Wat Ku Padom với những chi tiết trang trí tương tự cộng với 1 cái mái che nằm chình ình chính giữa phế tích (biết là nên có để bảo tồn, cơ mà không thích là không thích) không khơi gợi được bao nhiêu hứng thú của tôi, chưa kể cái đầu gối tự nhiên dở chứng nên thôi chẳng tụt xuống lòng chảo nữa.

17144099452_776f90cd66_z.jpg

Nhìn từ hướng đông bắc của Wat Ku Padom

16957909468_c9152cf595_z.jpg

Chính diện soi xuống. Phần mái che là để bảo tồn cho cái nền của Wiharn nằm bên ngoài khuôn viên chùa

Wat Ku Maisong. "Ku" trong thổ ngữ Chiang Mai là cái Chedi, còn "Maisong" (mai dương) là tên loài cây mọc um tùm trên khu đất. Đây là phế tích bị tàn phá nặng nhất trong số những nơi tôi ghé ở Wiang Kum Kam, nếu không phải tình cờ đưa mắt liếc sang bên trái, bắt gặp tấm bảng thông tin thì sẽ chẳng bao giờ tôi ngờ sau hàng bằng lăng và những bụi cây mai dương lại có những dấu vết còn sót lại của một ngôi chùa. Quặt xe rẽ vào, nhảy qua con hào nông, tôi ngơ ngác trước phần nền và tường bao đổ nát, xuyến chi xuyên gạch vươn lên nở hoa trắng muốt, đung đưa cạnh những bức tượng Phật không đầu. Là người vô thần nhưng khi nhìn thấy những bức tượng ấy vẫn thấy đau lòng, không hiểu, thật sự không hiểu, là do từ xưa hay bởi tại ngày nay nên mới có cảnh tượng này?

17145049201_f5c5dd24d6_z.jpg

Tượng Phật không đầu ở Wat Ku Maisong

16957905648_98d9755da5_z.jpg

Xuyến chi nở bừng
 
Wat Thatnoi. Một case đặc biệt, hoàn toàn không tìm thấy dù chỉ là nửa vụn thông tin trong sử sách, được phát lộ nhờ "hú họa" khi người ta tiến hành khai quật Wat Kanthom (Changkham) ngay cạnh đó. Chùa được hậu thế đặt tên là "Thatnoi" là bởi cái nền của Chedi, đo đạc tính toán thì xem chừng nó hơi bị khiêm tốn chiều cao và chiều rộng nên gọi luôn là "tháp nhỏ" cho lẹ.

17145687495_a1efe57066_z.jpg

Chùa bé xíu, cả khuôn viên cũng chỉ tương đương với nửa cái Wiharn của Wat Chiang Man ở trong thành cổ Chiang Mai thôi (ai đã quên mời quay lại trang 7 của topic này để kiểm chứng :D)

Wat Changkham (a.k.a Wat Kanthom). Ngược với Wat Thatnoi, chuyện kể về Wat Changkham rải khắp các trang sử, từ thời lập quốc Lanna cho tới khi vương triều Chakri thống nhất toàn nước Thái như bây giờ. Wat Changkham thực ra là tên của một ngôi chùa tồn tại ở khu vực này trong thời kỳ Miến Điện đô hộ, khi khai quật được phế tích tại đây, người ta tin chắc rằng đống đổ nát này không chỉ là Wat Changkham mà cũng chính là Wat Kanthom được đại đế Mangrai xây dựng ngay từ thuở lập quốc (khoảng năm 1290, theo sách sử). Trước tiên bàn về cái tên Wat Kanthom, rõ ràng là chùa được xây theo lệnh vua nhưng tên thì lại được đặt theo tên của người đã đích thân đốc thúc, một ngài Kanthom nào đó mà chuyện đời hình như cũng được xếp vào hàng huyền thoại, danh thơm đậm nét trong sử xanh (có lẽ là cỡ như cụ Nguyễn Trãi ở ta ấy nhỉ?). Sử viết, trong chùa có cây bồ đề, thuộc dòng dõi đời thứ bao nhiêu bao nhiêu đó của cụ bồ đề ở Bodh Gaya nhưng giờ không còn tí vết tích nào nữa, chắc là cũng kịp hóa được mấy kiếp rồi. Sử còn bảo lúc mới xây xong Chedi cao tận 18m, chu vi 12m cơ, mà đã theo kiến trúc Hariphunchai thì đảm bảo không hoành tráng không ăn tiền. Còn về cái tên Wat Changkham, thì thời Miến Điện đô hộ, có nhà hảo tâm người Miến đã công đức xây một cái Chedi nữa, kiến trúc từa tựa như cái Chedi của Wat Chedi Liem nhưng phá cách một chút là bệ đỡ của Chedi chính là vai của một bầy voi. Có vẻ như cái Chedi đã bị tàn phá này là một kiểu con lai giữa Chedi của Wat Chedi Liem và Chedi của Wat Chiang Man thì phải (lại mời bà con trở về trang 7 của topic này để ngó cái Chedi của Wat Chiang Man xem voi đỡ bệ tháp là như nào nhé).

Chuyện bên lề phế tích thì nhiều thế mà thật sự những gì còn lại chỉ có thế này thôi:

17144091172_beeceab8ec_z.jpg

Wat Changkham a.k.a Wat Kanthom trong truyền thuyết

Cái Chedi voi đỡ bệ tháp đương nhiên chỉ còn trong lời kể, nhưng nó vẫn kịp để lại cái tên cho ngôi chùa đang khói hương nghi ngút bên cạnh. Nói là "bên cạnh" thì cũng không chính xác lắm, thật ra phế tích nằm lọt thỏm trong khuôn viên chùa ấy mà.

17145039981_1fa8536723_z.jpg

Chedi mới được quét sơn lại của chùa, thuần là kiến trúc Lanna như các chùa trong thành cổ Chiang Mai rồi

17145038321_6571679d0d_z.jpg

Thiệt tình, mấy lần gặp sư đi khất thực lúc ban sớm ở Thái thấy họ rất điềm tĩnh chứ đâu có dáng vẻ... phấn khích như này???
 
Wat Pu Pia. Phế tích này là một điểm thuộc diện must-see ở Wiang Kum Kam, bởi 2 lý do: Thứ nhất là thò cổ ra khỏi chỗ của cặp đôi Wat Nanchang và Wat E-Kang là sẽ gặp nó ngay, thứ hai chùa này là một trong số rất ít những phế tích ở Wiang Kum Kam còn giữ lại được tương đối nguyên vẹn cái Chedi, nói nôm na là thuộc diện "đẹp có thương hiệu" đấy. Sợ cảm giác no nê ở Wat E-Kang làm ảnh hưởng tâm lý nên dù thấy ngay Wat Pu Pia chỉ sau vài lần nhấn bàn đạp, tôi vẫn cố nhín, để dành sau khi đi thăm vài Wat mới quay lại tìm hiểu.

16525507203_bfa12173fd_z.jpg

Ấn tượng ngay từ lối vào, 8 thế kỷ mà còn sót lại được chừng này thì phải gật gù công nhận là thời gian và thiên nhiên đã quá nhân từ với Wat Pu Pia còn gì

16523248364_03571fba89_z.jpg

Từ mặt nền của Wiharn nhìn sang Chedi. Chồng thêm gạch cho tường cao lên chừng 1m, dựng lên mấy cây cột gỗ, lợp thêm phần mái, mang đồ thờ cúng đặt vào trong, Wat Pu Pia của 800 năm trước phải chăng sẽ hao hao như Wat Phra That Pu Khao (chùa cũ) ở Tam Giác Vàng? (mời bà con quá bộ về lại trang 10 của topic để xem dẫn chứng)

16958139910_27abe5e5e5_c.jpg

Chedi tuyệt đẹp với kiến trúc hình chuông tròn và hốc để tượng Phật ở bốn mặt tháp cộng với họa tiết trang trí hình cành hoa xoắn ốc - những nét đặc trưng của kiến trúc Lanna, chứng tỏ chùa được xây sau khi đại đế Mangrai đã dời dô về Chiang Mai rồi

17119729406_c5d3a0af35_z.jpg

Chú voi con bị ngã

16957893168_717f1c518f_z.jpg

Chedi sừng sững bên tán phượng

Tình trạng của Wat Pu Pia "ngon lành" như này, khơi gợi nhiều cảm hứng như này mà đau lòng thay trong sách sử chẳng có xíu ghi chép nào hết (ai bảo xây sau khi dời đô làm chi). Ngay cả cái tên chính thức cũng không có, "Pu Pia" chỉ là tên gọi kiểu nôm na của người địa phương thôi (tình trạng y như Wat Ku Maisong á). Nên là cái đứa tôi mới chỉ được thỏa mãn về mặt thị giác, còn về thông tin thì vẫn chưa được giải tỏa, ấm ức không hề ít chút nào.
 
Wat That Kaow. Cái tên này nghĩa là "chùa Trắng", gọi vậy bởi vì khi khai quật, người ta thấy có một lớp đá vôi màu trắng được trát bên ngoài những bức tường gạch. Tôi đã thử tìm nhưng cũng chỉ thấy vôi thấy vữa như những Wat khác thôi, không thấy mẩu đá vôi nào đặc biệt trắng cả, kết luận rằng có lẽ sau khi được phơi ra ngoài ánh sáng, thứ này đã chính thức hết hạn bảo hành, biến chất luôn rồi. Không may mắn như Wat Pu Pia, phần cao nhất của di tích này là đống gạch vụn còn lại của một mondop (hoặc một tháp chuông – không ai dám khẳng định). Trên nền cũ của Ubosot bên cạnh, dân địa phương quyên góp dựng lại một bức tượng Phật lớn để thờ cúng – bức tượng duy nhất nằm ngoài trời mà tôi bắt gặp trong các Wat mình ghé thăm có đèn lễ đầy đủ. Nằm gần trục đường chính nên Wat này có nhiều khách tham quan, nhưng chẳng thể đủ nhiều để tôi phải nhíu mày căn ke góc chụp. Mà ghé lại đây hầu hết là khách phương Tây đứng tuổi, họ đã qua rồi cái thời đến nơi nào cũng phải tựa lưng tạo dáng chụp kiểu ảnh check-in, chỉ chăm chú đọc bảng thông tin, sau đó lặng lẽ đi quanh ngắm nghía, trầm ngâm suy nghĩ. Không gian yên tĩnh một cách kỳ lạ, thứ âm thanh xao động duy nhất là tiếng vó ngựa và chuông rung trên những chuyến xe ngựa thi thoảng chạy qua.

16523245504_9e1106b10e_z.jpg


17145673615_39f31669ff_z.jpg


17145673085_96fece2c79_z.jpg

Chắc hẳn lúc mới khai quật, lớp vữa đây từng "trắng toát"

17144078582_e77d27211a_z.jpg

Những gì còn lại của Wat That Kaow

16525500253_f1068e9a87_z.jpg

Xe ngựa đợi khách

Wat Phra Chao Ong Dam - Wat Phaya Mangrai. Tên của Wat Phaya Mangrai thì thôi khỏi cần giải thích nữa nhỉ, còn Wat Phra Chao Ong Dam mang tên này là bởi ở đây người ta khai quật được một bức tượng Phật bằng đồng ("Phra Chao" trong thổ ngữ Bắc Thái nghĩa là "tượng Phật"). Khi đứng trên giồng đất ngăn cách khuôn viên đôi bên, tôi bỗng thấy lạnh sống lưng dù trời mùa hè vẫn đang đổ nắng gắt. Có thể là do ánh mắt ngại ngần của một cặp đôi tôi gặp ngay lối vào, cô gái đã nằng nặc đòi bạn trai đi thẳng dù cậu ta đã bật đèn muốn rẽ; có thể là do cây cầu đá bắc qua dòng kênh cạn sứt mẻ và mong manh lạ kỳ; có thể do hai phế tích này nằm giữa vườn nhãn cổ thụ âm u, chỉ mình tiếng ve kêu rỉ rả mà sao tôi mơ hồ cảm thấy có ánh nhìn nào đó vẩn vít phía sau lưng… Bây giờ hồi tưởng lại mới có thể bình tĩnh để phân tích như vậy, còn ngay lúc đó nỗi sợ bùng lên dù xưa nay bản thân không phải người yếu bóng vía, tôi chụp vội vài bức ảnh rồi dong xe chạy tuốt, mồ hôi rịn thành dòng buốt lạnh thái dương. Linh cảm rằng mình không được chào đón nơi đó, nên thôi, tôi đi.

16938262767_202a4527d6_z.jpg

Wat Phra Chao Ong Dam

16957886258_f5b5d01f67_z.jpg

Wat Phaya Mangrai
 
Nơi cuối cùng tôi tìm đến trong hành trình khám phá Wiang Kum Kam là Wat Chedi Liem (tên cũ là Wat Ku Kham) – ngôi chùa biểu tượng. Cả 2 tên của chùa đều được đặt theo hình dáng của ngọn tháp chính, thuở xưa là "Chùa Tháp Vàng", ngày nay là "Chùa Tháp Góc". Đây cũng là một trong hai ngôi chùa thực sự "sống" trong quần thể di tích Wiang Kum Kam, vẫn nhang khói lễ lạt đầy đủ, vẫn có bóng áo cà sa thập thững trong sân chùa với tiếng cầu kinh rầm rì. Nhưng khác với tất cả các Wat khác, ở Wat Chedi Liem không có khái niệm "những gì còn lại", bởi toàn thể các kiến trúc trong khuôn viên chùa đều được xây dựng lại trong thế kỷ 20 nhờ công đức của một thương nhân người Myanmar, nên là không có gì khó hiểu khi phong cách Myanmar cứ phảng phất trong những đường nét của chùa, tỉ dụ như những bức tượng Phật vàng lóng lánh đặt trong các hốc tường của Chedi trắng chẳng hạn. Thứ cổ xưa duy nhất ở đây chắc là... cái nền đất thôi :)).

Không một ai đến với Wiang Kum Kam lại có thể bỏ qua ngôi chùa với Chedi năm tầng trắng toát mang phong cách kiến trúc Môn này, đây cũng là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng dưới thời Mangrai đại đế, không kể đến Wat Kanthom vốn được sửa sang từ chùa cũ của người Môn. Tôi tự hỏi, phải chăng những lễ lạt quan trọng diễn ra đồng thời ở Wiang Chiang Mai và Wiang Kum Kam đã được tổ chức ở một trong hai ngôi chùa này? Phải chăng hoàng hậu Paiko đã nhận phượng ấn dưới ngọn tháp trắng ấy? (gốc tích của người Lanna là người Thái Vân Nam, hẳn là chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Trung Hoa, tôi phỏng đoán vậy thôi) Phải chăng tiếng sênh ca hát mừng hoàng tử Phya Chai Songkram con trai đại đế Mangrai được tấn phong phó vương đã vang suốt 7 ngày 7 đêm quanh bóng bồ đề của Wat Kanthom? Sử sách chỉ ghi lại đôi dòng mà kẻ mù tịt tiếng Thái như tôi đương nhiên không có khả năng đào sâu tìm hiểu, đành để trí tưởng tượng bay bổng vậy.

16938260267_54cdd5aa04_z.jpg

Chedi trắng toát đẹp lộng lẫy dưới nắng

16938261087_7f3417018a_z.jpg

Ubosot

16938258797_c8028ae833_z.jpg

Càng nhìn càng ngây ngất, bà con có thấy những bức tượng Phật vàng lấp ló trong hốc tường của tháp không?

17144071822_afc04399cc_z.jpg

Chedi và Wiharn
 
Gần 11h, no nê thỏa mãn với Wiang Kum Kam, tôi tấp tểnh leo lên xe đạp về lại thành phố. Dọc đường chẳng nghĩ gì ngoài việc lát nữa nên ăn ở đâu, ăn món nào. Nghĩ từ lúc rời thôn xóm mát xanh ra với đường Mahidol quang quẻ chang chang nắng, nghĩ trong lúc đạp xe qua cầu Narawat mới bằng bê tông nườm nượp ô tô, nghĩ cho tới khi về đến Yourhouse, check out, gửi lại cái balo nặng 12kg ở Yourhouse 1 (có nguyên một phòng xép được ngăn bằng cót ép, cửa khóa cẩn thận cho khách gửi đồ hẳn hoi nhé) rồi đạp xe lượn khắp phố xá mà vẫn không tìm ra được đáp án cho câu hỏi, trưa nay ăn gì?

Quá nhiều lựa chọn nên loạn óc rồi đó mà T_T.

17003527527_0d7661678f_z.jpg

Trưa nắng trên dòng sông Ping, ảnh chụp từ cầu Narawat mới

17023208048_3fd7f303b4_z.jpg

Cầu Narawat mới, so với cầu cũ thì xin lỗi, chú em quá "trẻ người non dạ", không có tí tẹo sức hấp dẫn nào cả :))

Đạp xe từ Yourhouse ra đường Moonmuang rồi cứ thế rong ruổi dọc theo con kênh bao quanh thành cổ, từ đường Sri Poom ngoặt xuống đường Thanon Arak, lại quẹo thêm phát nữa sang đường Bumrung Buri, vừa đạp vừa đánh mắt sang bên trái đường đợi quán ăn nào đó đủ sức hấp dẫn làm trái tim lỗi nhịp mà ra lệnh cho cặp giò heo ngừng lại, thế mà đợi hoài không thấy. Riết rồi anh dạ dày chịu hết nổi, ảnh gắt ầm lên, ở một ngã ba nào đó tôi đã nhắm mắt rẽ bừa sang trái, rồi dọc đường lại một lần nữa rẽ bừa, lần này là sang phải, tạt đại vào một quán ăn có biển tên bằng tiếng Hoa bên đường chỉ vì nhìn thấy... mấy cái quạt công suất lớn quay vù vù hấp dẫn quá. Lúc đó vừa đói, vừa khát, vừa quay cuồng đầu óc vì nắng nóng, tiếng Thái thì mù tịt điếc đặc, tiếng Hoa thì chữ nghĩa trả hết lại cho thầy rồi nên tôi hoàn toàn không biết quán ăn đó tên gì và nằm trên đường nào. Tất cả những gì còn đọng lại trong trí nhớ đó là sát vách có một quán ăn nữa và một tiệm bán đồ ngọt, chấm hết. Mệt quá nên kêu một tô mì, mềm mềm cho dễ nuốt, cũng không nhớ được tên món ăn, chỉ nhớ giá là 50baht/tô thôi (gì chứ dính đến tiền là phải nhạy, bệnh nghề nghiệp mà ^_^).

17024785909_e124709a12_z.jpg

Bữa trưa của tôi, 50baht cho cái tô toen hoẻn này ở một xứ nổi tiếng lắm đồ ăn ngon như Chiang Mai, thật tình bôi bác hết sức

Thực tế chứng minh, một khi lý trí của tôi bị đánh bại thì thường đưa đến kết quả không tốt đẹp gì mấy. Tô mì không ngon nhưng vẫn miễn cưỡng nuốt được, ra khỏi tiệm ăn, nhìn trời nhìn đất nhìn cái balo, tôi quày quả lên xe quyết tâm kiếm bằng được tiệm 7 Eleven. Cái gì hiếm hoi chứ 7 Eleven ở Thái thì nhan nhản, chưa kịp thấy xóc hông thì tôi đã tia thấy một cái rồi. Tạt vào làm một ly cafe đá với mấy chai trà, hút một mạch cạn hơn nửa ly mới thấy đầu óc tỉnh táo và sức lực quay trở lại. Vốn tính tranh thủ thăm thú vài nơi mà nắng nôi như này, hủy, hủy hết. Thanh niên già ít vận động, nhõn 15km đạp xe đi về thôi mà xương cốt cơ bắp rệu rạo kêu gào than khóc rồi, giờ chỉ khát khao một chỗ mát mẻ mà ngả lưng thôi. Nhẩm đi nhẩm lại những nơi mình đã biết, chỉ có Wat Chiang Man là lựa chọn tối ưu. Vậy thì hướng về ngôi chùa cổ nhất Chiang Mai nào.

Hô khẩu hiệu thế nhưng dọc đường đến Wat Chiang Man, tôi vẫn còn tranh thủ tạt vào cái chợ cóc đầu ngõ Moonmuang soi 6 kiếm hai cái xúc xích Bắc Thái (15baht/cây, đắt hơn hẳn Mae Hong Son, hu hu) và một khay dưa hấu nặng cũng phải gần 1kg, gồm hai miếng một vàng một đỏ (trái cây thì rẻ hơn, có 20baht/khay như này thôi á). Hòm hòm rồi, cái đứa tôi hết sức bình tĩnh treo toòng teng cặp xúc xích nhồi đầy thịt trên tay lái, đạp thẳng qua cổng chùa. Đúng là đồ vô thần, mệt quá hóa ngu, không hiểu báng bổ là gì mà =.='.
 
Tôi ưng cái bộ bàn ghế dưới gốc cây hoa đại nằm bên cạnh Wiharn mới hướng thẳng ra Ubosot hết sức, mà xui xẻo thay lại có một cặp zai gái chiếm chỗ mất rồi. Chả hiểu sao lần này "bản tính đoan trang" lại trỗi dậy, tôi không giở nổi trò bỉ ổi như buổi tối ở cái thủy tạ ven hồ Jong Kham ra nữa, ngậm ngùi luyến tiếc đi vòng ra sau chùa kiếm chỗ khác. Rồi cũng thấy một cái ghế đá nằm đối diện Chedi dưới một gốc cây gì đó không nhớ tên còn trống không (thật ra nhiều ghế đá trống lắm nhưng của đáng tội chúng nó nằm phơi hết ra dưới nắng kìa), tôi lôi cuốn sách đang đọc dở ra, quăng balo xuống gốc cây cụt sát với ghế đá, khoan khoái ngả lưng nằm xuống đọc sách. Tự thấy bản thân cũng tao nhã ra phết chứ chẳng đùa.

Dĩ nhiên là không được tính đến hai lần lồm cồm bò dậy, một lần vừa say mê ngắm cái Chedi vừa mạnh mẽ gặm hết hai cái xúc xích; lần nữa thì chiến đấu với khay dưa hấu trong tình trạng dao không nĩa không đũa cũng không. Dùng tay trần thì cảm thấy dơ dơ sao sao đó, rồi thông minh đột xuất, lấy cái màng bọc thực phẩm vừa dùng để bao khay, bọc lấy miếng dưa và hùng hổ cạp. Thật không dám nghĩ trong mắt ông khách du lịch người Âu đi ngang qua, hình ảnh một đứa con gái cạp lấy cạp để miếng dưa tròm trèm nửa kg xấu xí cỡ nào. Hoàn cảnh nghèo nàn, "bản tính đoan trang" có muốn ngóc đầu dậy cũng bị chuyện ăn uống dìm cho chìm lỉm thôi, bụng bảo dạ, ta là người lạ, là khách vãng lai, thiên hạ không biết là ai thì việc quái gì phải ngại?

Nói vậy chứ sau khi ông khách kia đi qua, tôi liền quay lưng lại, động tác ăn dưa cũng e dè nhỏ nhẹ hơn nhiều :D.

17209275682_79baed798f_z.jpg

Từ chỗ tôi nằm, ngước mắt trông lên là thấy khung cảnh này. Trời sao xanh thế!

17023199198_effe73c15d_z.jpg

Nhìn xuống... cuối chân là ký túc của các sư

17210364551_e03ba43bf4_z.jpg

Hoa đại càng nồng nàn hơn giữa trưa nắng

17003510197_36e426bc51_z.jpg

Bên hông Wiharn cũ

17210943025_39ec8bfc93_z.jpg

Và trông về Wiharn mới
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,162
Bài viết
1,173,995
Members
191,977
Latest member
j88kaufen
Back
Top