What's new

[Chia sẻ] Hồ Lugu và huyền thoại Nữ nhi quốc - Lệ Giang, Shangrila, Đại Lý

Chuyến đi đã kết thúc từ hơn 1 tháng, vậy mà giờ mới viết được vài dòng. Năm mới đến, chả có gì cho nhà ta, ngoài một topic này vậy.

Từ lâu rồi, đọc bài viết của nhà báo Nguyên Bình về "hồ Lugu trên cao nguyên Minh Châu", rồi lại nhớ topic kêu gọi đi của bác Kận (hình như thế) cách đây 2 năm, giờ trôi đâu đâu. Thế mà rốt cuộc 3 người cũng đến nơi đó.

Tìm trên mạng thông tin "Cao nguyên Minh Châu", nhưng chả có cái cao nguyên nào tên như thế cả. Thì ra cả cụm từ đó có nghĩa là "Viên ngọc sáng trên cao nguyên", tức là để ví hồ Lugu như một viên ngọc. Chứ làm gì có cái cao nguyên Minh Châu nào đâu ! Té ra nhà báo cũng dịch hớ thôi...


Thực ra thì hồ Lugu cũng chỉ là một điểm trong hành trình dài Đại Lý - Lệ Giang - Lugu - Shangrila của bọn tớ thôi, nhưng mấy cái kia mọi người đi nhiều rồi, có mỗi hồ Lugu là mới...
 
Last edited:
Đây là bản đồ Lugu, lấy trên Wikimapia

31071385.jpg

Hồ Lugu rộng bằng khoảng 10 lần hồ Tây, nằm trên độ cao 2700m so với mực nước biển. Một dải núi chia hồ làm hai phần, phía Bắc rộng hơn.

Ngọn núi Gemu (Cách Mẫu) nằm ở phía Bắc, so bóng xuống hồ, mùa đông tuyết sẽ phủ trắng đỉnh núi. Giữa hồ có 5 hòn đảo, đảo Heiwawu nằm giữa hồ, các bạn Tàu gọi là Tức Oa Nga (phiên âm thành Xiwae), đảo Liwubi nằm ở đầu dải núi chia hồ làm đôi, đảo Buwa và Dazu đều nằm gần bờ.

Sát hồ, phía Nam là thôn Loushui (Lạc Thuỷ), ngày xưa chỉ là bến thuyền đánh cá, nay trở thành nơi khách du lịch nghỉ, và có bến thuyền đi thăm hồ.

Về phía Bắc có thôn Lige (Lý Cách) là nơi người Mosho cư trú lâu đời, nằm ngay dưới chân mạch núi Cách Mẫu. Xa về phía Tây Bắc là làng Vĩnh Ninh. Tương truyền khi xưa Hốt Tất Liệt chinh phục Vân Nam, đi qua đây thấy phong cảnh đẹp đẽ đã đặt cho tên Vĩnh Ninh, với nghĩa là mãi mãi yên ổn (Tất nhiên là ông í nói tiếng Mông Cổ, không đặt tên Hán, mà là đám bộ hạ người Hán của ông í đặt). Thế là Vĩnh Ninh trở thành thị trấn trung tâm của cả vùng. Thổ ti đất này cũng đặt ở đó.

Giữa Vĩnh Ninh và hồ Lugu còn có 3 hồ nhỏ nữa...

Về phía Đông Nam, là một vùng đầm lầy, nhiều cỏ lau mọc, nên gọi là Thảo Hải (hồ cỏ). Nghe nói cưỡi ngựa đi dạo trên Thảo Hải và ngắm hoàng hôn cũng là một trải nghiệm tuyệt vời (tất nhiên bọn tớ chưa có cơ hội thử).

Nhìn từ đài vọng cảnh phía Nam hồ lên núi Cách Mẫu ở phía Bắc

30566517.jpg
 
Rời điểm ngắm cảnh trên núi, xe đưa chúng tôi xuống thôn Lạc Thủy nằm sát bên hồ.

Tại trạm dừng xe, nhảy vào trong, tôi mừng rơn khi thấy danh sách các chuyến xe quay về Lệ Giang gồm: 10am, 12am, 15.30am. Nghĩa là chúng tôi có nhiều lựa chọn để thưởng thức Lugu trọn vẹn. Hơn nữa, trên bản đồ có thấy vẽ đường bộ đi từ Vĩnh Ninh đến Shangrila mà không cần quay lại Lệ Giang.

Thế nhưng, khi tôi trỏ thay vào tấm bảng thời gian đó, thì cô nàng bán vé xua tay "mấy yểu" (không có) liên tục, và gõ gõ vào mỗi chữ 10am. Anh tài cũng đứng bên cạnh nói liên tục, dù chúng tôi cũng "pú tủng" liên tục. Rốt cục hiểu rằng vào mùa này, một ngày chỉ có 1 chuyến xe về Lệ Giang lúc 10am, và cũng không có xe khách đi Shangrila.

Đến lúc này do hạn chế quá lớn về ngôn ngữ nên không thể dám liều chọn phương án khác để đi Shangrila hay về Lệ Giang, chúng tôi đành ngậm ngùi mua vé chuyến hôm sau.

Nếu sau này có bạn nào khác đi và nói tiếng Trung tốt, có thể hỏi xe nhỏ (loại 12 chỗ) thường xuyên chạy Vĩnh Ninh - Ninh Lương, rồi chuyển xe Ninh Lương - Lệ Giang, để chủ động hơn. Hoặc đến Vĩnh Ninh hỏi xem có xe nào đi Shangrila không; còn chúng tôi, vì từ trước đến giờ chưa có thông tin của đoàn nào đến đây, nên không dám liều, kẻo vỡ lịch trình. Thôi thì cứ xe express ghế êm, với cũng anh lái xe hôm nay, mai lại quay lại vậy...


Những ngôi nhà gỗ thôn Lạc Thủy

 
Sau khi xuống xe, chúng tôi chìa cái tên nhà nghỉ Husi teahouse ra, thế là anh lái xe lấy điện thoại gọi ngay cho nơi đó. Vài phút sau, một anh chàng ra đón chúng tôi về chỗ nghỉ. Nơi này với tầng một là quán, tầng trên là phòng nghỉ, phụ chung. Giá cả khá đắt, chỉ có anh chàng nói được 1 - 2 từ tiếng Anh, còn lại là giao tiếp chân tay. Cô bé tiếp tân chỉ lên tấm bảng gỗ trên tường: 2 bed room: 120Y; 3 beds room: 150Y. Nhưng thấy cái cửa sổ kính to đùng là chúng tôi OK luôn, dù công trình phụ phải dùng chung.

Cùng là phòng với cửa kính nhìn ra hồ, còn 2 phòng đôi, và một phòng tập thể với giường tầng chứa được đến chục người nữa.

Có chỗ nghỉ rồi, tôi xuống nhà ra hiệu hỏi xem có xe nào chở chạy đi chơi các vùng quanh đây không, đi sâu vào Trung Hải tử, đi Ligé, đi núi Cách Mẫu. Nhưng không thể hiểu được nhau. Hỏi đi thuyền thế nào, anh chàng chỉ ra phía bến thuyền, nhưng chiều rồi, cũng không có thuyền... Thế là cuối cùng chúng tôi lại điệp khúc xe đạp, rướn mông đạp trên những con đường đầy đá của thôn Lạc Thuỷ.


Những ngôi nhà của người Mosho làm bằng gỗ toàn bộ

30636241.jpg
 
Hòn đảo Liwubi, có nghĩa là đảo có nhiều chim, nằm ở cuối dải núi nhô ra giữa hồ. Xưa kia trên đảo là nơi nghỉ ngơi của Thổ ti đất này (là phụ nữ), nay trên đảo là một ngôi chùa theo phong cách Tạng.


30635726.jpg


Đảo Hewawu, nghĩa là người con gái đẹp, nằm giữa phần hồ phía Bắc. Trên đảo cũng có một ngôi chùa nhỏ. Trong nắng chiều, mái chùa dát đồng lấp lánh lên trong nắng. Gần bờ là những đàn chim mòng nổi bập bềnh trên mặt nước.

Bình yên quá

30635735.jpg

(Trông gần thế thôi, chứ từ bờ ra đảo khoảng 2 - 3km, từ đảo sang đến bờ bên kia cũng phải 3 - 4 km)
 
Sự tích hồ Lugu

Truyền thuyết của người bản xứ Mosho kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, nơi này vốn không có hồ, mà chỉ là một thung lũng núi đẹp đẽ xanh tốt. Giữa thung lũng có một ngôi làng trù phú sung túc, người dân chăn thả súc vật khắp thung lũng và các sườn núi quanh đó.

Tuy nhiên không phải ai cũng sung túc. Trong làng có một cậu bé mồ côi không người thân thích, cậu phải đi chăn bò và cừu cho mụ nhà giàu trong làng. Ngày ngày cậu lùa bò, cừu về phía chân núi. Cậu thường xuyên bị cơn đói hành hạ mà không có gì ăn, nên nhiều khi mệt quá ngủ thiếp đi. Một ngày kia, cậu ngủ gục trong cơn đói, thì nữ thần Gemu báo mộng cho cậu, nói với cậu rằng: "Con hãy đi về hướng bắc, tìm đến một hang đá sau mấy cây to, trong đó có một con cá rất lớn, con hãy cắt thịt nó mà ăn, nhưng mỗi ngày chỉ được cắt một lần, và không được nói cho ai biết cả".

Cậu bé tỉnh dậy, lùa bò về hướng bắc, quả nhiên tìm thấy chiếc hang bên sườn núi. Cậu vào hang, và ngạc nhiên sao, ở cuối hang có một con cá rất to nằm vừa khít ở đáy hang, cứ như nó bị nút chặt ở đó vậy. Con cá vẫn sống, cậu bé đói quá bèn cắt một miếng thịt của nó và nướng ăn, thì mùi vị thơm ngon tuyệt vời. Nhớ lời dặn của nữ thần, cậu đi về và không nói cho ai biết. Ngày hôm sau cậu quay lại, thì lạ thay, chỗ thịt bị cắt hôm trước đã liền lại, mà con cá vẫn sống. Thế là từ đó, mỗi ngày cậu đều đến đó cắt thịt cá ăn, không còn lo đói.

Mụ chủ nhà dần phát hiện ra cậu bé làm thuê có vẻ béo tốt lên, lại chẳng ăn cả cơm thừa của mụ. Mụ tìm mọi cách tra hỏi, và cuối cùng cậu bé đã không giữ được bí mật của mình. Mụ tức tốc đến chiếc hang, nhìn thấy con cá thần, mụ vô cùng sung sướng, nhưng lại cũng lo sợ sẽ bị người khác chiếm mất.

Thế là mụ gọi người nhà, quyết lôi con cá về làm của riêng. Mụ buộc con cá vào 9 con bò, 9 con ngựa để kéo. Và cuối cùng con cá bật ra khỏi chỗ kẹt.

Nhưng đó cũng là khi điều bất hạnh giáng xuống: con cá nằm ở cuối hang bịt kín một nguồn nước. Khi nó bị lôi ra, nước từ trong hang lập tức phun ra khủng khiếp. Chỉ trong chốc lát nước cuốn trôi tất cả, cả thung lũng và ngôi làng xinh đẹp xưa kia đã biến thành một hồ nước mênh mông, chính là hồ Lugu ngày nay.


Khi đó, ở cuối làng, có bà mẹ kia đang chuẩn bị cho lợn ăn, hai con của bà chơi ở bên cạnh. Bỗng nhiên nước tràn đến, bà mẹ chỉ kịp bỏ hai đứa con nhỏ vào chiếc máng lợn, máng nổi lên mặt nước, nhưng chỉ có thể chở được hai đứa trẻ. Bà mẹ chìm xuống mặt nước sâu mãi mãi.

Hai đứa trẻ đó trở thành tổ tiên của tộc Mosho, họ gọi hồ Lugu là Hồ Mẹ để tưởng nhớ mẹ mình. Và từ đó những con thuyền của người Mosho trên hồ đều có hình cái máng lợn, và gọi là thuyền máng lợn.


Người Mosho đến nay vẫn tin rằng con cá thần xưa kia giờ vẫn còn đang sống trong hồ. Ai nhìn thấy nó sẽ gặp may mắn suốt cuộc đời.

Truyền thuyết xa xưa, đã thật xa xưa...




Núi Nữ thần Gemu, hồ Mẹ, và con thuyền máng lợn trong chiều...


30636281.jpg
 
Last edited:
Nữ Nhi quốc

Người Mosho (Mosou, Môsô, Mousho, Ma Toa) sống quanh hồ là một nhánh của dân tộc Nakhi (Naxi - Nạp Tây), là tộc người có chế độ mẫu hệ mạnh nhất còn lại đến hiện nay.

Theo truyền thống, tất cả con sinh ra đều sống với mẹ, nhiều người không biết và cũng không cần biết cha mình là ai. Trong ngôn ngữ cổ của người Mosho còn không có từ "cha", cũng không có hôn nhân chính thức.

Khi cô gái đến tuổi 13, mẹ cô sẽ cho ở một căn phòng riêng. Buổi tối đến, anh chàng nào thích cô sẽ đến tán tỉnh làm quen, và nếu cô gái đồng ý, chàng sẽ ngủ qua đêm tại đó; sáng hôm sau chàng về nhà với mẹ chàng. Những chàng trai như thế được các cô gái gọi là Axia, và các cô gái được gọi là Xiaba. Nếu muốn mối quan hệ được bền chặt và chính thức, mẹ của chàng trai sẽ sang gặp mẹ cô gái nói chuyện, để buổi tối chàng có thể vào cửa nhà nàng tự do. Nhưng sáng ra chàng lại về nhà chàng, làm việc ở nhà mẹ chàng; chàng chỉ làm chồng khi đêm đến.

Khi không còn thích nhau nữa, họ chia tay nhau một cách tự do; "đến với nhau tự nguyện, chia tay nhau tự do" trở thành truyền thống, và phong tục này được gọi là "Tẩu hôn".

Đứa con sinh ra, nếu là con trai thì nhiệm vụ dạy dỗ nó trở thành một người đàn ông thuộc về các ông cậu, ông bác, tức là anh em trai của mẹ, vẫn sống dưới cùng một mái nhà. Như thế đứa trẻ không cần đến sự chăm sóc của cha, và cũng không cần biết cha là ai. Một gia đình Mosho gồm nhiều thế hệ, trong đó bà Tổ mẫu ở một phòng riêng, đàn ông ở chung, các phụ nữ khác (và con của họ) ở phòng riêng. Mỗi khi đêm đến, ai cũng có cuôc sống riêng của mình... Do vậy nhà của một gia đình thường khá lớn.


Những ngôi nhà bên bờ hồ nước


30636253.jpg
 
Last edited:
Vì truyền thống "đến với nhau tự nguyện, chia tay nhau tự do", những người trong nền văn hoá khác (như nhiều tác giả bài viết về nơi này) sẽ nghĩ rằng người Mosho không chung thuỷ, là lăng nhăng, là "thoáng" về mặt tình yêu và tình dục. Nhưng đó là những suy nghĩ xa lạ đối với nền văn hoá của họ, là cách đánh giá chủ quan mà thôi.

Từ đó, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện như chàng trai nào đã bị một cô gái thích thì sẽ bị cô ta chiếm lĩnh cho đến khi kiệt quệ, nào là một người đàn ông dân tộc khác lạc vào đây suốt nhiều năm không thoát được,..., và rồi người ta tưởng tượng đến một chốn có đời sống luyến ái cộng đồng thoải mái... Thực ra có rất nhiều AxiaXiaba chỉ biết đến nhau suốt cả cuộc đời, và nói chung họ không có hai tình nhân cùng một lúc. Người phụ nữ Mosho rất biết giữ gìn tình cảm của mình, họ không dễ dàng đến với một người xa lạ

Trong cuộc sống, người phụ nữ Mosho rất đảm đang và làm tất cả các việc, từ việc nhà đến chăn thả gia súc, trồng cấy, và là người quyết định trong nội bộ gia đình. Nhưng không có nghĩa là đàn ông hoàn toàn lép vế. Người đàn ông sẽ phải làm những việc nặng nhọc hơn, như lên rừng đốn củi, ra hồ đánh cá, chăn thả nơi xa. Và đặc biệt, người đàn ông đảm nhiệm việc buôn bán giao thương giữa các làng Mosho, nên họ thường đi xa. Đây cũng là cơ hội để họ tìm đến với các cô gái ở làng khác, và cũng vì thế những đứa con càng ít biết đến cha.

Người nơi khác đến - do đó - ít thấy đàn ông ở trong làng, và trong nhà thì nữ nhiều hơn, nên tưởng lầm rằng ở vùng này nhiều nữ ít nam, thừa nữ thiếu nam. (còn 1 nguyên nhân nữa là nhiều nam đi tu làm lạtma) Và rồi thêm lần nữa người ta tô vẽ lên cái truyền thuyết rằng đàn ông đến đây sẽ bị phụ nữ chiếm hữu và phải phục vụ như một tên nô lệ. Rồi họ đặt cái tên Nữ Nhi Quốc cho nơi này.

(Trong bài báo của ông nhà báo gì nói rằng trong 15 nghìn người Mosho thì có 10 nghìn nữ. Tôi không tin điều này, và cũng chưa tìm thấy nguồn tin nào nói điều này, kể cả website về văn hoá Mosho).

31237617.jpg
 
Last edited:
Người Mosho xưa kia theo tôn giáo bản địa, tôn thờ Nữ thần Gemu của dân tộc, cũng là Nữ thần núi, nữ thần thiên nhiên. Họ lập một ngôi đền dưới chân núi thiêng để thờ cúng nữ thần, và những người làm việc tế lễ đều là phụ nữ.

Tuy nhiên, khi Phật giáo Tây Tạng truyền đến, thì tín ngưỡng bản địa dần lùi về sau. Tất cả người Mosho đều theo Phật giáo, và lập một tu viện ở Vĩnh Ninh, lớn hơn đền thờ nữ thần nhiều. Trên hai hòn đảo giữa hồ cũng dựng lên hai ngôi chùa Tạng. Trong những gia đình Mosho, cứ hai người con trai thì gần như một người vào tu viện làm lạtma. Khi có đại lễ, họ thỉnh Đại lạt ma từ Lệ Giang, Shangrila đến. Trong lĩnh vực tôn giáo, đàn ông vì thế lại nắm giữ vai trò tu sĩ. Những chàng trai ở nhà phải nghe lời mẹ, bà ngoại, nhưng khi đã là lạtma thì mọi người đều phải tôn trọng.

Quanh vùng hồ Lugu, có nhiều miếu thờ Phật giáo Tạng truyền, dưới hình thức một đống đá xây cao, hình tròn, với nhiều chữ Tạng trên đó.

Và buổi sáng sớm, chúng tôi đã được xem một nghi thức tế lễ của người Mosho tại một ngôi miếu như thế...


Một ngôi miếu bằng đá ở chân núi, cạnh thôn Lạc Thuỷ.

30637567.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top