Sáng ngày thứ 10: Rongphu Monastery.
Được mệnh danh là tu viện cao nhất thế giới ở 4980m, nơi đây đã từng là nhà của 500 tăng lữ.
Tu viện bị san phẳng năm 1974 và bị bỏ mặc chỉ là một nền đất tro tàn vài năm sau đó.
Những nỗ lực xây dựng lại được bắt đầu từ năm 1983. Dù những tòa nhà có thể được tái hiện phần nào nhờ vào ký ức của những vị sư già thì những kinh sách trăm năm trong tu việc cũng không còn nữa.
Hiện tu viện vẫn là nhà của 30 tu sĩ nam và 30 tu sĩ nữ (!). Tớ cũng chưa hiểu con số này có ý nghĩa gì nữa. Nhất là nơi thâm sơn cùng cốc này có 30 nam và 30 nữ ở với nhau. Không biết trong tu viện có nhà trẻ cho ... sư con không?
Vào tu viện này có lẽ tớ hiểu hơn tại sao Govinda lại nói trong con đường mây trắng là có những tu sĩ cảm thấy máu sôi lên khi rời tu viện đi về hướng Lhasa. Hãy tưởng tượng bạn sống cả đời nơi núi cao 5000m này và một ngày bạn đi xuống vùng thấp hơn!
Nghe nói những nhà thám hiểm Anh ghi lại từ những năm 1930 là giải băng hà Rongbuk còn trải dài tới 8km phía nam của tu viện. Tức tu viện lúc đó còn nằm ở vùng đóng băng. Ngày nay băng đã không thấy đâu và xe có thể chạy thẳng đến cửa tam quan.
Tu viện chắc cũng chẳng có gì đặc biệt hơn ngàn vạn tu viện Tây Tạng khác nếu nó không nằm ở độ cao này và không có một góc nhìn hoành tráng về hướng Everest.
Tớ đến nơi là lúc một đàn bồ câu đang nhặt mấy hạt gì đó trên mặt đất đã đóng băng vì sương sớm. Bồ câu ở đây rất béo là lông xù to như một quả bóng bằng bông. Loài vật dễ thương này quả là có sức sống kiên cường nơi cỏ cây không mọc được này.
Cổng chính vào tu viện
Lúc này tớ đã chán các loại tu viện đến tận cổ rồi nên vòng ra cổng sau để đi lên sườn núi mong chớp vài tấm hình Everest buổi sớm. Cổng phụ thật xinh: