What's new

[Tổng hợp] Jerusalem: Hành trình tới Miền đất Thánh

Câu chuyện kể về một chuyến đi đến Jerusalem – miền đất Thánh của 3 tôn giáo lớn nhất trên thế giới: Do Thái, Cơ đốc và Đạo Hồi, một thành phố cổ Trung Đông nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết ở độ cao 650-840 mét so với mực nước biển.

Tôi lên máy bay Hà nội – Băng cốc với một tâm trạng hồi hộp và lo lắng khó tả, trong đầu miên man những nghĩ suy về một điểm đến đặc biệt trong cuộc đời, nơi mà những nguy hiểm của tên bay đạn lạc và những vụ đánh bom liều chết vẫn thường được đưa lên bản tin thời sự mỗi tối. Chúng tôi chuyển máy bay ở Suvanabhumi – một sân bay mới của người Thái rất rộng lớn và hiện đại. Sau hàng loạt những thủ tục kiểm tra an ninh ngặt nghèo, chúng tôi lên máy bay đi Tel Aviv và được biết rằng chuyến bay chỉ có 5 người Việt nam chúng tôi là ngoại quốc, còn lại toàn là người Israel.

Sau 12 tiếng bay, chiếc Boing 747 hạ cánh xuống sân bay Ben Gurio – thành phố Tel Aviv của Israel lúc 6h30 sáng giờ địa phương. Một chiếc xe đã sẵn sàng đưa chúng tôi lên đường trực chỉ về Miền đất Thánh. Jerusalem bắt đầu hiện ra qua những tấm biển chỉ đường. Sau hơn 1h trên đường cao tốc, chúng tôi đã đến được Jerusalem, nhận phòng ở khách sạn và chuẩn bị cho một buổi chiều dạo quanh thành cổ. An ninh ở Jerusalem khá căng thẳng, các trạm an ninh được đặt khắp mọi nơi từ nhà hàng đến khu mua sắm, bến tàu, hay bến xe. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được sự háo hức và mong chờ của chúng tôi cho hành trình tới thăm miền đất hứa. (Holy land)

Tôi nhớ là đã được đọc ở đâu đó câu nói của các nhà hiền triết người Do thái, rằng, thế giới có mười phần đẹp thì Jerusalem vinh dự có được chín, mười phần khổ đau thì Jerusalem chịu chín, mười phần thông thái thì Jerusalem giành lấy chín và mười phần độc ác thì Jerusalem vô phúc có đến chín”. Và giờ đây, vùng đất huyền thoại ấy đã hiện ra trước mắt chúng tôi, kỳ ảo, huyền bí và linh thiêng đến từng góc tường thành.

Thành cổ Jerusalem theo truyền thuyết được xây dựng bởi Shen và Ever, tổ tiên của Abraham, là thành phố linh thiêng nhất của Đạo Do Thái cũng như có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với đạo Cơ đốc và đạo Hồi. Khu vực được gọi là thành phố cổ bao gồm những bức tường thành bao quanh được xây dựng dưới đế chế Ottoman của vua Sultun Suleiman (1520-1566) và bốn khu phố cổ của người Do Thái, Hồi giáo, Cơ đốc giáo và người Armenia. Những di tích ở Jerusalem ngày nay vẫn còn rất nguyên vẹn và đầy quyến rũ khiến bất kỳ ai khi đặt chân đến đều bị mê hoặc. Ngay cả toàn cảnh thành phố Jerusalem hiện đại dưới ánh bình mình hay lung linh trong ánh đèn đêm cũng mang một vẻ đẹp thiêng liêng và kỳ vĩ. Một bầu không khí tràn ngập niềm tin, niềm hy vọng và tràn trề sức sống bao trùm lên cả thành phố Jerusalem.

Chúng tôi tiến vào thành cổ qua cổng Jaffam được xây đựng năm 1958 theo tiếng Arập có nghĩa là Yêu quý để chỉ thần Abraham, là 1 trong số 7/11 cổng thành còn được mở ngày nay ở Jerusalem. Tại đây chúng tôi đã tới thăm và tận mắt ngắm nhìn nơi Chúa Giê-su đã bị đóng đinh câu rút, đặt tay lên chân cây thập tự để cầu nguyện. Sau đó chúng tôi cũng đến nơi tìm thấy cây thập tự giá sau khi Chúa bị đóng đinh và cả nơi mà người ta cho rằng thi hài Chúa đã nằm tại đó, chứng kiến cảnh các tín đồ đi qua đều quỳ xuống và hôn lên phiến đá. Trên tường là bức tranh tái hiện lại cảnh Chúa sau khi bị đóng đinh và chuẩn bị đưa đi chôn cất. Các khu đền thờ đều hết sức trang trọng, quyến rũ và bí ẩn.

Ấn tượng nhất trong buổi chiều thành cổ là khi chúng tôi tới thăm “Bức tường than khóc”. Đây là bức tường còn sót lại phía tây của Đền thánh Jerusalem sau khi ngôi đền bị tấn công và tiêu hủy bởi quân La mã vào năm 70 Công nguyên. Người Do Thái tôn sùng bức tường này vì đây là phần duy nhất còn lại của một công trình lịch sử và là niềm tự hào của họ. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ ngày Chúa Jesus giáng sinh, ngày nay các tín đồ vẫn đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới, bất kể thời gian, tiền bạc hay hoàn cảnh chiến tranh. Họ tới cầu nguyện và hôn lên “Bức tường than khóc”, tay cầm thánh kinh trong một bầu không khí linh thiêng và trầm mặc. Xa xa là mái vòm nhà thờ Al-Aksa ánh lên màu xám bạc trong ráng chiều. Mái vòm Al-Aksa là một công trình có ý nghĩa thiêng liêng đối với người Hồi giáo nằm ở Khu Haram es Sharif (có nghĩa là Vùng đất cao quý). Tất cả những điều này sẽ mang lại cho bạn không chỉ một chút kiến thức, một kỷ niệm mà dường như miền đất này đang thổi vào bạn sự linh thiêng, đức tin và lòng bao dung vô tận của Chúa Jesus cùng những tín đồ của Người.

Tạm biệt những dãy phố hẹp và con hẻm nhỏ của thành cổ Jerusalem, nơi có những tín đồ của Jesus đang cầu nguyện và hôn lên từng bức tường thành hay phiến đá, chúng tôi tiếp tục hành trình tới thăm pháo đài Masada nằm ở phía tây nam của biển Chết. Và nếu bạn là một tín đồ của Chúa hay đơn giản chỉ là một người ham hiểu biết và khám những điều kỳ diệu trên thế giới thì hãy một lần tới thăm Jerusalem, tới thăm miền đất Thánh của Chúa, để được sống, được tận hưởng bầu không khí linh thiêng của hàng trăm triệu tín đồ trên khắp thế giới.

Bài L.QUỲNH - T.T
Ảnh: LÊ QUỲNH
 
Last edited:
Vâng ạ, Jesus sinh ra TCN.

Căn cứ vào lịch Do Thái, lịch La Mã, thời gian trị vì của Herod (Jesus sinh ra thời Herod tại vị), bị giết thời gian Pilate (tổng trấn La Mã) cai trị ở Jerusalem, thời gian các sứ đồ tản ra khắp các nơi sau khi Jesus bị đóng đinh..., có thể tính ra năm Jesus bị đóng đinh là năm 30. Từ đó có thể suy ngược lại là Jesus phải sinh ra trong khoảng năm 8 đến 4 TCN.

Một mốc cơ bản của năm sinh Jesus đó là sự kiện Jesus sinh ra trong máng cỏ: khi đó vua Herod ra lệnh tổng điều tra dân số Do Thái, các gia đình phải về quê cũ. Bố của Jesus là gốc Jerusalem nên phải từ Narazeth về Jerusalem thực hiện "khai báo". Về gần đến nơi thì sinh ra Jesus trong máng cỏ ở Belethem.

Năm Herod điều tra dân số là 8 - 4 TCN ạ.

Trước năm 541, người ta không dùng khái niệm Công nguyên. Lúc đó lịch La Mã tính năm gốc về năm 753 TCN là năm Romulus dựng thành Romes. Kể cả sau khi đổi thành Cơ đốc giáo vẫn dùng năm gốc cũ.
Và các giáo hội thì tính năm sinh Jesus khác nhau.

Cách tính năm gốc Công Nguyên (AD) như hiện nay là do một tu sĩ tính ra năm 525, năm 541 thì được Giáo hoàng chấp nhận là năm sinh Jesus. Từ đó mới dần phổ biến, đến sau thế kỉ 8 thì tất cả các giáo hội đều chấp nhận năm đó (trước đó mỗi nơi một phách).

Nhưng cách tính đó của tu sĩ ấy ko chính xác. Có điều dùng lâu thành quen.

Vì thế năm 1 là năm chung chứ cũng không phải Năm của Chúa.
 
Last edited:
Góp với bác Chị tôi mấy dòng:

Thực ra thì việc La Mã tấn công Jerusalem không phải diễn ra năm 70 mà từ rất lâu trước đó. Lúc đó La Mã vừa qua thời Nero đến thời tranh giành ngôi đế của Galba, Otho và Vittellius. Tổng thời gian 3 vị này ngồi ngôi Đế chỉ vẻn vẹn một năm rưỡi.

Các cuộc nổi loạn của người Jerusalem diễn ra từ thời Nero, đến năm 67, Nero sai Vespasian chỉ huy 3 quân đoàn chinh phạt Judaea (Israel và Palestine ngày nay). Vespasian thân chinh công phạt Jotapata, 1 thành phố ở phía Bắc Judaea và chuẩn bị chinh phục Jerusalem.

Khi tình hình chính trị ở Rome chuyển biến, Vespasian được các quân đoàn La Mã đồn trú ở Syria, Ai Cập và các quân đoàn Danube ủng hộ đã trở về Rome lên ngôi Hoàng Đế. Đó là năm 70, Vespasian giao việc chinh phạt Jerusalem lại cho con trai cả (sau này nối vị La Mã) là Titus. Titus nhanh chóng chấm dứt mọi sự kháng cự của Jerusalem không lâu sau đó (nhưng việc dẹp loạn của người La Mã ở Judaea còn diễn ra với cuộc bao vây thành Masada mãi đến năm 73)

Khi Jerusalem thất thủ. Titus đã dành cho những người Do Thái chiến bại sự tàn bạo bỉ ổi. Hành động khét tiếng nhất của Titus là cho hủy diệt ngôi Đền thiêng (Great Temple) của người Do Thái (phần còn lại cho đến ngày nay của ngôi đền này chỉ là 1 mãnh tường nhỏ may mắn tồn tại qua cơn giận dữ của Titus, nó được gọi là “Wailing Wall”, là nơi thiêng liêng nhất của những tín đồ Do Thái giáo...



Ngày ra đời của Jesus thì không chính xác lắm, sự ra đời của Jesus thường được gắn với năm bắt đầu công lịch. Thực tế thì không phải vậy. Kinh Phúc Âm ghi lại Jesus ra đời vào cuối triều đại của Herod ông vua vĩ đại của Judaea. Herod mất năm thứ 4 trước CN, vậy chắc Jesus sinh vài năm trước đó.
 
Last edited:
Vâng, bác Es tham gia cho vui.

Đoạn trên là tóm lược ngắn gọn, bởi nếu viết chi tiết hết ra thì cũng nhiều và dài quá, hơn nữa nhiều tên nhân vật lịch sử thì càng khó nhớ tợn.

Các chi tiết lịch sử rất thú vị, tuy vậy không phải lúc nào cũng nhớ được và cần nhớ. Em chủ trương chỉ viết sơ lược thôi, càng đưa ít tên nhân vật vào càng tốt, chỉ trừ những cái tên quá cơ bản.

Vài bản đồ để hình dung các giai đoạn liên quan đến Jerusalem trong các thời kì.

Thời kỳ cuối Ngôi đền thứ nhất, đế quốc Assyria chiếm xứ Israel.



Đế quốc Babylon và rồi sau thành đế quốc Persia (Ba Tư), phá hủy Ngôi đền thứ nhất.

 
Xuất hiện Hồi giáo

- Năm 135, La Mã hoàn toàn cai trị Jerusalem, bãi bỏ chế độ vua Do Thái, xây dựng Jerusalem theo kiểu La Mã. Thời gian này người Armenia cũng định cư, buôn bán nhiều ở Jerusalem, hình thành cộng đồng lớn ở đây.

- Năm 326, hoàng đế La Mã Constantine I cải đạo Cơ Đốc, cho xây Nhà thờ Mộ Chúa (Holy Sepulchre) hay còn gọi là Nhà thờ Phục Sinh, Nơi Cực Thánh (Holy of Holies) là được cho là đỉnh đồi Sọ Golgotha và hang đá tại nơi Chúa Jesus được chôn cất và sống lại, cùng với đó là hàng loạt nhà thờ khác dọc theo con đường mà Jesus đã vác Thập giá đi qua.
Để làm nhà thờ Mộ Chúa, người ta đã đào cả quả đồi ấy, để đặt cái lăng tượng trưng vào vị trí được cho là nơi di hài Jesus đã nằm.

Người Do Thái bị đuổi hoàn toàn khỏi Jerusalem. Những người trong thành gồm La Mã, Armenia, Ai Cập,… theo Cơ Đốc giáo.

- Năm 395, La Mã chia đôi, Jerusalem thuộc Đế quốc Byzance (Đông La Mã), được bao phủ bởi văn minh Byzance.

Thời điểm của Hồi giáo. Năm 610, Hồi giáo xuất hiện, ban đầu Muhammad vì dựa trên kinh Hebrew nên cho rằng Jerusalem là Thánh địa Cực Thánh của Hồi giáo. Sau đó vì khó khăn trong việc đến Jerusalem hành hương nên ông chuyển hướng Thánh địa Cực Thánh về Mecca. Năm 632 Muhammad qua đời, người Hồi giáo tin rằng Muhammad đã đi đến Jerusalem, và bay lên trời tại đỉnh Núi Đền (tức nơi Cực Thánh của Ngôi đền Thứ hai trước kia). Jerusalem tiếp tục là Thánh địa của Hồi giáo, nhưng không có vai trò Cực Thánh.
 
Trao qua đổi lại

- Năm 638, chỉ 6 năm sau khi Muhammad qua đời, người Ả Rập Hồi giáo thắng La Mã, chiếm Jerusalem, và lập tức xây dựng Nhà thờ Khối Đá (Dome of the Rock) trên đỉnh Núi Đền, quanh Tảng đá Khởi thủy (Foundation Rock) mà họ cho rằng Muhammad đã từ đó bay lên trời. Nhà thờ Khối đá nguyên cho đến nay. Nơi Cực Thánh của Do Thái trở thành giáo đường Hồi giáo.

Hồi giáo bao dung hơn Cơ Đốc, họ gọi dân Do Thái là "dân được nghe thấy lời Chúa trước", do đó cho người Do Thái được quay lại Jerusalem sinh sống. Hồi giáo khi đó còn tôn trọng kinh Do Thái và cả Jesus, nên các hội đường Do Thái, nhà thờ Cơ Đốc vẫn được duy trì.

- Năm 1009, Nhà thờ Mộ Chúa bị sập. Một viên tướng Hồi giáo góp phần phá hủy nốt

- 1099, quân Thập tự chinh (Crusade) gồm các Hiệp sĩ Công giáo La Mã kết hợp với Chính Thống giáo Byzance chiếm được Jerusalem, gần như giết sạch người Do Thái và Hồi giáo ở đây.

Các Hiệp sĩ Công giáo coi đây là quê hương và thiết lập một loạt tiểu quốc Latin nơi Đất Thánh, mà trong đó Vương quốc Jerusalem là trung tâm, vua Jerusalem là Chúa thượng các vua vùng khác. Họ dựng lại Nhà thờ Mộ Chúa làm nơi Cực Thánh. Họ không trở về châu Âu nữa, thậm chí còn chống lại La Mã và sau đó giao thương với Hồi giáo. Jerusalem nửa La Mã phương Tây (Công giáo) nửa La Mã phương Đông (Byzance Chính Thống) lại mang văn hóa của tất cả các dân tộc đến đây buôn bán định cư: Ai Cập, Armenia, Ả rập,… Người ta gọi Vương quốc Jerusalem là Vương quốc thiên đường (Kingdom of Heaven)
Giai đoạn này mà viết về nó thì rất nhiều, rất nhiều sách vở và kiến thức lịch sử rất hay.

- 1187, Saladin của Ả Rập chiếm Jerusalem về cho Hồi giáo. Bao dung hơn Thập tự quân, Saladin cho người Cơ Đốc về châu Âu, cho người Do Thái quay lại định cư
(bộ phim Tử chiến thành Jerusalem - Kingdom of Heaven là thời này đây)

- 1228 quân Thập tự chinh thỏa thuận với Hồi giáo giành lại Jerusalem cho Tây Âu, nhưng chỉ Jerusalem mà thôi.

- 1244 Hồi giáo chiếm lại Jerusalem, cho phép người Cơ Đốc hành hương, người Do Thái định cư.

- 1517 Người Thổ - đế quốc Ottoman chiếm được Jerusalem và giữ nó liên tục trong 400 năm tiếp theo. Thành cổ được mở rộng, xây tường mới (tức là Thành cũ - Old City ngày nay), với 4 khu: Hồi giáo, Do Thái, Cơ Đốc giáo, Armenia. Người Thổ theo Hồi giáo nên cũng tôn kính Jerusalem như là Thánh địa thứ ba (sau Mecca và Medina)

- 1917 trong Thế chiến thứ nhất, quân Anh đánh tan đế quốc Ottoman, thiết lập vùng đất Palestine và vùng đất Israel tại khu vực. Thành Jerusalem thuộc vùng đất Palestin.

- Đất nước Do Thái Israel chiếm lại Jerusalem từ tay người Palestine Hồi giáo năm 1967 trong cuộc chiến tranh Trung Đông, và giữ nó đến nay. Cả hai bên đều muốn Jerusalem thành Thủ đô nhà nước của mình. Jerusalem được mở rộng hiện đại về phía tây gấp nhiều lần so với Thành cũ.
 
Khi biết về lịch sử Jerusalem, khi xem bộ phim Kingdom of Heaven (Tử chiến thành Jerusalem) thú vị hơn nhiều, vì hiểu bối cảnh lịch sử, đặc điểm kiến trúc văn hóa của thời kỳ đó.

- Phim xảy ra vào khi mà các Hiệp sĩ Thánh chiến (Thập tự chinh) đã chiếm Jerusalem gần 100 năm, họ đã định cư nơi đây. Vị chỉ huy đoàn quân Thập tự chinh năm xưa trở thành vua Vương quốc Jerusalem, truyền đến vua Baldwin, vị vua bị hủi trong phim.

- Lúc này Baldwin cho phép các dân tộc, tôn giáo sống trong thành Jerusalem, Armenia, Ai Cập, Hồi giáo,..., những cảnh quay xa của thành Jerusalem có thể thấy các kiến trúc nổi tiếng : Nhà thờ Khối đá, Nhà thờ Mộ Chúa, Núi Đền, cổng Constantine.

- Anh Orlando Bloom đã lên ngồi trên đồi Sọ Golgotha để suy tưởng về Chúa Jesus. Hình ảnh Nhà thờ Mộ Chúa nhiều lần xuất hiện trên nền phong cảnh của phim.

Lâu đài vua Baldwin ở trong phim mang nặng phong cách Byzance, với các cột, vòm cuốn, trang trí mosaic đặc trưng, lại pha trộn với phong cách Ả Rập Hồi giáo.

Sibylla ăn mặc theo phong cách Byzance chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, Ba Tư.

Vương quốc Jerusalem là thủ lĩnh của một loạt các tiểu quốc Latin nhỏ khác nữa quanh vùng. Vì vậy khi Jerusalem thất thủ, Sibylla nói rằng : "Tôi không chỉ là Nữ hoàng Jerusalem mà còn là nữ hoàng của các vùng khác...", còn anh Orlando Bloom thì khuyên nàng từ bỏ danh phận đó.

Trong phim cũng có nhân vật Giáo trưởng. Nhìn cách ăn mặc có thể thấy ngay đó là vị Giáo trưởng Latin theo Công giáo La Mã chứ không phải Chính thống giáo. Đó là vị Giáo trưởng mà các vua Jerusalem lập ra để không phải chịu lệnh Giáo hoàng Rome. Giáo trưởng Latin của Jerusalem có quyền về tôn giáo với Cơ Đốc của cả vùng.

Trong phim ông Giáo trưởng nhu nhược này khi đứng trước bức tường vỡ và đội quân của Saladin đã nói câu hèn hạ : "Đổi sang Hồi giáo, rồi có gì ăn năn sau". Điều này cũng có gốc từ sự thực là quân Hồi giáo tha chết cho ai chịu đổi sang Hồi giáo.

Trong lịch sử, ở Jerusalem đã có 3 dòng Giáo trưởng Cơ Đốc giáo: Giáo trưởng Giáo hội Jerusalem (sau khi Ly giáo thì thuộc Chính thống giáo), Giáo trưởng Latin do các vua Hiệp sĩ dựng lên thuộc Công giáo La Mã, Giáo trưởng Giáo hội Armenia là của người Armenia, độc lập.

Hiện nay vẫn còn 2 Giáo trưởng. Giáo trưởng Latin sau khi Jerusalem thất thủ cũng chạy mất.
 
Last edited:
Chitto có biết nhiều phim liên quan tới những chuyện này ko? liệt kê ra đi.
Tôi chỉ biết có Hoàng tử Ai cập :D
 
Phim ảnh thì em ít biết lắm các bác ạ. Xem vài phim thôi.

Cái phim hoạt hình Hoàng tử Ai Cập là liên quan đến chuyện Moses người Do Thái dắt dân Do Thái về Đất Hứa, tức là trước khi David xây lại thành Jerusalem và Đền Thờ vài trăm năm.

Về câu truyện ấy thì có bộ phim kinh điển Mười điều răn - "The Ten Commandments" (dài gần 4 tiếng), xem phim ấy hay và hiểu hơn nhiều so với Hoàng tử Ai Cập.

Một bộ phim về Jesus cũng nổi tiếng gần đây hơn là Khổ hình của Chúa Kitô - "The Passion of Christ", phim này vừa xem lại trên TV Starmovie hôm Giáng Sinh năm ngoái, mô tả Jesus bị hành hình và đóng đinh, chân thực kinh khủng.

Trong những phim em nhớ có 2 tập của Indiana Jones liên quan đến những truyện trên, đó là tập 2 tập
- "Raiders of the Lost Ark" - Đi tìm chiếc Khám đã mất (Đài TH dịch là Chiếc rương Thánh tích), nói về việc tìm lại được chiếc Khám giao ước của người Do Thái mất năm 500 TCN.
- "The last Crusade" - Cuộc thập tự chinh cuối cùng, nói về việc tìm được Chén Thánh do một Hiệp sĩ bất tử gìn giữ suốt gần 800 năm (vì uống nước trong Chén Thánh).

Hai phim hành động ấy rất hay, kinh điển.

Ngoài ra thì chắc còn nhiều phim lắm, nhưng không được xem bác ạ.

Jesus là nhân vật được có mặt trong nhiều bộ phim nhất mà. Rất nhiều phim thấy xuất hiện nhân vật Jesus dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác, như phim về bà Maria, về thánh Joan's Arc của Pháp, ....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,673
Bài viết
1,171,164
Members
192,346
Latest member
tuoihongtran
Back
Top