What's new

Kathmandu to Kailash: Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

Nhân duyên với Kailash tự thuở nào?

Tôi bắt đầu có vài khái niệm về Tây Tạng cách đây khoảng mười năm. Có lẽ những thông tin đầu tiên lại xuất phát từ cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder. Tôi vẫn khá kiên trì tập luyện năm thức tập của Tây Tạng theo hướng dẫn trong sách này và hẳn nhiên cảm nhận được sự tăng cường sức mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Từ đó tôi để ý đến hai chữ Tây Tạng nhiều hơn. Vậy là “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda do Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, “Người Tây Tạng nghĩ về cái chết” (Bardo Thodol), “Trong vòng tay Sambala”, “Chúng ta thoát thai từ đâu” của Erono Mundasep và rất nhiều cuốn sách viết về Tây Tạng, Ấn Độ, bắt đầu chiếm nhiều chỗ trong tủ sách của tôi.

Giáo sư Spalding với cuốn “Hành Trình về Phương Đông” đã làm “đảo lộn” suy nghĩ của tôi về con người và vũ trụ. Ông thường xuyên đề cập đến những vị Tôn Sư ngoài trăm tuổi vẫn đang ẩn tu trên những ngọn núi tuyết phủ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Còn Govinda và Mundasep đều viết nhiều về một ngọn Núi Thiêng, nơi được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là “tâm điểm của mọi xứ sở”, nơi trú xứ của Thần Shiva, của các vị Thiền Phật và Bồ Tát. Một ngọn núi mà theo Govinda là “không có núi nào có thể sánh”. Ngọn Núi Thiêng đó có tên là Kailash, mà trong tác phẩm của mình cũng như các bản dịch, anh Nguyễn Tường Bách gọi là Ngân Sơn.

Ước mơ gần như “hoang tưởng” được đến chiêm ngưỡng ngọn Núi Thiêng, nơi là “trung tâm của thế giới” có lẽ bắt đầu manh nha và lớn dần trong tôi từ những ngày tháng đó.

Và rồi, điều cần đến phải đến. Đầu tháng 6 năm 2010 tôi được gặp anh Nguyễn Tường Bách nhân dịp anh từ Đức về Việt Nam chịu tang bố. Tôi nhớ đã gặp anh tại nhà một người bạn thân của anh. Tôi vốn rất hâm mộ anh Bách sau khi đọc khá nhiều tác phẩm anh viết và dịch; vẫn mong một ngày được gặp anh. Trước đó, khi biết tin bố anh vừa mất, tôi chủ động google, tìm trên các diễn đàn được địa chỉ email của anh. Tôi gửi email chia buồn và anh cũng sớm phúc đáp với lời cảm ơn chân thành. Cuộc sống vốn diệu kỳ vậy đó. Biết tôi mê anh Bách, anh Trần Sỹ Chương, một người anh của tôi đã tạo điều kiện để tôi được gặp anh. Tôi còn nhớ khi vừa vào nhà anh Thu, cúi chào và giới thiệu tên mình, anh đã hỏi “hóa ra Tuấn này là Tuấn đã email cho anh à?”. Nhân duyên cho chuyến hành hương chiêm bái Kailash (Ngân Sơn) hẳn đã nảy mầm từ hôm ấy.

Topic đã được gởi đăng bởi BDK
 
Last edited by a moderator:
Mình cũng đang nín thở hồi hộp, dù bận việc song ngày nào cũng đảo vô một vài lần để xem bác tuanfreedom đi tới đâu rồi. Bác kể chuyện có duyên và dí dỏm lắm, hình ảnh lại đẹp và sống động nữa. Mình cũng như bà con đang lót dép ngóng cổ chờ hàng ngày đây. Nhưng cũng mong rằng đừng vội hết sớm nha. Mâu thuẫn quá nhỉ? :))
 
Last edited:
Cảm ơn những lời động viên..

@Bác Cỏ dại, Tiger96, BlueRMoon và virgo và Phieulinh9999 và nhiều bạn khá nữa: Cảm ơn các bác đã luôn ủng hộ và động viên. Cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi. Những lời động viên(dù chưa nhiều lắm :))=))(NO)) luôn có sức mạnh ghê gớm đó các bác. Mình cũng rất vui và hồi hộp khi mỗi đêm mở Phượt ra lại được nhận những lời động viên và góp ý của các bác. Mình sẽ cố gắng cày đêm cày ngày để không phụ lòng mọi người.
 
Last edited:
Sắp đến đoạn hay rồi đây, bác Tuấn tiếp tục đi ạ, ngày nào cũng lượn vô lượn ra thớt này để nghe bác kể chuyện :)
 
Re: Vài gương mặt Nepal-Tibet

Không hiểu sao mình cứ mãi "đau đáu" về những hình ảnh này..Tất cả các chị đều dồn hết sực nặng lên đầu.

Ước mong nếu kiếp sau chưa được vãng sinh vào cõi Phật thì cũng tái sinh làm người đỡ vất vả cực nhọc hơn như cô gái Tây xinh xắn da trắng tóc vàng mỗi năm có vài tháng du lịch nghỉ ngơi kia. (mà nói vậy chứ cũng chưa biết ai hạnh phúc hơn ai nhỉ??, Phạm trù "hạnh phúc" khó nói lắm).
Cả mẹ trẻ lẫn con thơ đều lao vào cuộc chiến..

Thực ra nếu bạn đi lên miền núi phía Bắc thì những hình ảnh này bạn sẽ thấy ở khắp nơi hàng ngày hàng giờ. Nó như là một hình ảnh cố hữu gắn liền với không chỉ người phụ nữ mà cả những cô bé cậu bé có khi chiều cao còn ít hơn cả những thứ mà các em gùi sau lưng. Có những bó củi dài và nặng, những gùi ngô trĩu trịt, những chiếc chảo sắt rất lớn cồng kềnh hay thậm chí cả những tấm pi bờ rô xi măng lợp mái nhà...tất cả đều được nâng bằng dải vải vắt qua đầu như thế này. Và họ phải trèo dốc vượt suối, leo núi qua ghềnh, đi quãng đường dài mất cả ngày với chỉ một gói cơm không mang theo. Không dám chen hình ảnh vào đây vì cảm thấy như thế thật không phải :)
Nhưng mà cũng không biết được, đôi khi chúng ta xót xa nhưng biết đâu, với họ, đó lại là hạnh phúc, hạnh phúc vì có được thứ họ mong muốn, được mang nó về để chia sẻ với gia đình.
Vài lời chia sẻ lạc đề một chút trước khi cùng bước vào hành trình Kora của bạn (beer)
 
Kora Day 1

Ngày đầu tiên của hành trình Kora chúng ta phải vượt qua đoạn đường 22 Km dài đằng đẵng như thế này đây. KVG sẽ bắt đầu tại Thị trấn Darchen, nằm phía dưới chân núi, rồi đi dọc theo thung lũng sông Lha-Chu để vào trại tập kết Darpoche gần khu vực có tu viện Chuku. Bắt đầu từ đây sẽ đi một mạch tới Tu viện Dirapuk, ngủ một dêm tại đây. Chấm tròn màu tím ở giữa chính là Kailash linh thiêng. Chúng ta sẽ đi nhiễu một vòng quanh Kailash. Liệu những ai sẽ đi trọn một vòng Kora?

9-KoraDay10E.jpg

Bản đồ lộ trình chi tiết ngày Kora thứ nhất. Cái này hơi bị mờ một chút, nhưng không sao, chỉ để nhìn cho gần hơn đường đi ngày thứ nhất.

Ba ngày Kora vẫn là tâm điểm của nhiều câu chuyện trong KVG không chỉ vào hôm nay, tại thị trấn Darchen này mà ngay từ những ngày họp mặt đầu tiên của đoàn. Theo lời kể của anh Cường thì đi Kora vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Mỗi năm đều có vài chục người chết trên vòng Kora. Trong chuyến đi trước, dọc đường Kora, anh gặp một nữ du khách người Đức cao lớn mang một cái ba lô to kềnh sau lưng. Anh đã khuyên vị này nên gửi bớt đồ đạc cho đoàn bò Yak. Thật bất ngờ, vị này khá giận giữ, nghĩ rằng anh đã “xem thường” khả năng của mình và vẫn gồng lên đi tiếp. Khi đến điểm dừng chân và điểm danh, đoàn Đức đã thiếu mất cô này. Họ tỏa ra tìm kiếm nhưng vô vọng. Có thể cô đã ngã gục ở đâu đó trên đường đi, hoặc cũng có thể đã bị cái ba lô nặng nề kia vật xuống một vực sâu nào đó. Thật thương xót và cũng tội nghiệp cho sự "cố chấp" của cô. Mong cho cô được vãng sinh nơi cực lạc. Đâu mấy ai "may mắn" có được diễm phúc chết ở một nơi linh thiêng như Kailash này. Có nhiều cái chết xảy ra đơn giản như vậy. Khi điểm danh đoàn chỉ biết là thiếu người chứ không rõ nguyên nhân tại sao chết. Lúc đó mình vẫn chưa tin lắm những câu chuyện như thế này. Thế nhưng khi đã trọn vòng Kora mình mới biết điều đó hoàn toàn đúng, đặc biệt khi đã bước vào ngày Kora thứ 2. Người nào lo mạng người ấy. Không ai có thể giúp đỡ ai trên hành trình được. Bản thân họ còn chưa thể giúp nổi họ nữa thì còn giúp cho ai. Ngay cả những sherpa lão luyện cũng khó mà giúp người hành hương được. Khi khách đã lâm nạn thì khả năng tối ưu nhất là quẳng khách lên một con ngựa hoặc bò Yak nào đó chở về Darchen. Không có một sự hỗ trợ nào về y tế có thể thực hiện được trên núi. Không có một trạm hỗ trợ nào giống như mình từng đọc thấy ở các cuốn sách viết về leo núi, ví như Base Everest Camp chẳng hạn. Trong 52 km này thì ngày thứ nhất có một điểm dừng chân có thể ăn mì gói cầm hơi. Ngày thứ ba thì cũng có vài điểm dừng chân bé tí tẹo do người dân địa phương dựng lên để bán trà nước..Đoạn đường trên đèo Dolma, ngày thứ hai thì tuyệt nhiên không có. Mình rất ngạc nhiên về điều này. Ít ra người ta cũng bố trí một vài trạm cấp cứu gì đó dành cho khách hành hương chứ. Nhưng rồi mình tự trả lời luôn, ở Darchen còn chưa có dịch vụ này nữa thì đòi hỏi gì ở nơi đây. Sau này khi một bạn trong đoàn ở tình trạng nguy hiểm nhất thì cũng phải chạy một mạch mấy trăm km tới tít Saga thì mới có một cái gọi là “trạm xá”.
 
Last edited:
Kora Day 1

Thường thì theo thống kê, mỗi đoàn có không quá 1/3 thành viên trong đoàn hoàn thành chuyến Kora. Nhiều trong số họ phải quay về từ Lhasa(3700m) do không chịu nổi “hội chứng độ cao”(nếu đi theo hướng Lhasa). Đặc biệt nếu họ đi máy bay từ Thành Đô đáp xuống Lhasa thì nhiều người bị choáng ngay tức khắc. Đến nỗi, leo lên cầu thang của khách sạn cũng là một việc quá khó khăn. Nhiều người khác khá hơn đã lên tới Darchen nhưng cũng đành nằm lại đây ba ngày chờ đoàn Kora trở về vì kiệt sức không tham gia nổi. Một số khác lại “buộc phải” quay về vì lý do sức khỏe hoặc “tự nguyện” đi lui khi họ đã đi hết ngày thứ nhất vì lý do sức khỏe hoặc họ tự thấy như thế là quá đủ và hoan hỉ đi lui. Số ít nữa thì tham gia 8 km đầu tiên từ Darchen đến Darpoche-nơi tập kết để tiễn những anh chị em khác lên đường.

Không biết có phải vì KVG đi Kailash theo hướng từ Kathmandu nên có nhiều thời gian “làm quen” với độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng Tây Tạng không mà sau này đã phá vỡ được tỉ lệ trên. Hướng dẫn viên người Tạng và các bạn Sherpa người Nepal cũng xác nhận rằng tỉ lệ Kora thành công của KVG vượt quá xa so với nhiều đoàn khác khiến họ cũng rất ngạc nhiên. Có 12/22(55%) thành viên trong đoàn đã hoàn thành trọn vẹn ba ngày Kora. Ba thành viên hoàn thành xuất sắc ngày Kora thứ nhất trong tình trạng sức khỏe vẫn còn khá tốt nhưng đã tự nguyện đi lui vì thấy rằng như vậy là đã quá đủ ân phước. Có 7 thành viên tiễn đoàn đến trại tập kết Darpoche cách Darchen 8 km trong đó có bốn người sau này đã quay lại đây một lần nữa, đi thêm 2 km vào thung lũng sông Lha-Chu và vượt 200m cao độ tuyệt đối để viếng thăm tu viện Chuku.

Tối hôm qua tại Hồ Manasarovar, KVG đã họp để bàn về chuyện Kora. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho hướng dẫn viên Tsering, Moti-trưởng nhóm Sherpa, anh Bách-trưởng nhóm KVG và anh Cường người đã hai lần Kora. Những câu chuyện vẫn liên quan chủ yếu đến sự nguy hiểm của hành trình Kora. Tsering có vẻ luôn “tập trung” vào vấn đề này. Đoàn đã sơ bộ đăng ký ai sẽ tham gia Kora còn ai thì không. Tuy nhiên lúc này vẫn còn có vẻ “quá sớm” để quyết định. Mỗi người hẳn đều có những suy nghĩ, băn khoăn của riêng mình và vẫn thầm giữ trong lòng. Một số người đã đăng ký thuê ngựa. Số khác vẫn chưa có quyết định gì. Cứ để đến Darchen xem sao đã.

Đêm tại Darchen lại là một đêm khó ngủ có lẽ không chỉ đối với riêng mình mà với tất cả mọi người. Buổi chiều KVG lại họp thêm một lần nữa để mọi người đưa ra quyết định cuối cùng về việc tham gia Kora. Tsering lại nhấn mạnh về việc mọi người phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Phải tự lượng sức mình. Tsering vẫn luôn vậy, thẳng thắn đến khó chịu. Anh thông báo rằng, ngày thứ nhất nếu ai không đi được vẫn còn có cơ hội quay trở về. Đến ngày thứ hai thì hoặc là vượt qua được Dolma hoặc là sẽ chết dọc đường. Bước vào ngày thứ hai là chỉ có đi tới, không đi lui được nữa. Vì quay trở về lúc đó sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều là tiếp tục tục bước tới. Hơn nữa, cũng không có ai dẫn bạn trở về được. Xác suất chết dọc đường là rất có thể, đã có nhiều người chết trên đường Kora này, anh tuyên bố với vẻ mặt lạnh tanh, không cảm xúc. Ban đầu mình cũng không ưa Tsering lắm vì chẳng thấy anh động viên ai bao giờ, khác hẳn hoàn toàn với Moti. Nhưng sau này nghĩ lại, mình thấy Tsering hành xử như vậy cũng hợp lý thôi. Mạng sống của con người là quý nhất, mà anh hẳn đã từng chứng kiến nhiều cái chết trên đường kinh hành. Nên dù anh có nói quá đi về sự nguy hiểm thì mình thấy cũng không thừa. Mục đích là để mọi người chuẩn bị tâm lý thật vững. Anh hẳn đâu có muốn chứng kiến những thành viên của đoàn mình phụ trách bỏ mạng trên núi cao. Hơn nữa, nếu một anh em nào nằm lại trên núi thì hẳn Tsering, nhóm Sherpa, Hai đối tác du lịch Tây Tạng, Nepal và tất cả những thành viên của đoàn cũng sẽ "khốn khổ khốn nạn" với hàng trăm thủ tục phiền phức mà hẳn ai cũng có thể hình dung được..

Hẳn mọi người đều có những tính toán của riêng mình từ buổi họp hôm qua. Hôm nay chỉ là nghe thêm ít thông tin và đăng ký danh sách. Cuối cùng, có bảy thành viên quyết định sẽ không tham gia vòng Kora. Như vậy sẽ có 15 người tiếp tục lên đường. Chị Sơn hẳn đã có quyết định này từ ngày còn ở Kathmandu hay tại Darchen này mình không biết. Mình nhớ ngày gặp ngài Sonam Rinpoche, Ngài đã nói đại ý chỉ cần các con có Ngân Sơn trong tim, tâm luôn hướng về Ngân Sơn thì cũng đã có nhiều ơn phước rồi, không nhất thiết phải “ép” mình đến tận Ngân Sơn. Ngài cũng “nhìn mặt mà đặt tên” để khuyên một vài thành viên không nên Kora. Chính Ngài đã ba lần Kora nên chắc ngài biết hết những khó khăn và nguy hiểm trên đường. Mình đoán có thể Ngài đã khuyên chị Sơn ngay tại Kathmandu(?), vì vậy mà chị rất thản nhiên khi(có lẽ) là người đầu tiên và duy nhất quyết định dừng lại tại Darpoche. Với tuổi tác của và tình trạng sức khỏe hiện tại của chị, đến được Darpoche quả cũng là hiếm hoi trên đời này rồi. Nhớ khi tập luyện tại Langbiang, mình cứ ngỡ chị chỉ đi được vài trăm mét thôi nào ngờ chị đã bám trụ đến đoạn khó khăn nhất. Lúc cách đỉnh ngọn núi khoảng chỉ ba trăm mét, nhiều đoạn dốc đứng, lầy lội, cây cối đổ ngang chắn hết lối đi, chị mới chịu quay lui. Trong chuyến đi này, không như nhiều người khác trong nhiều chuyến trước đã phải bỏ về từ Saga hoặc Lhasa, chị đã trụ đến được Darpoche với cao độ khoảng 4700m. Mình thầm nghĩ sau này đến tuổi của chị, liệu mình còn nguyên hàm răng hay không nữa?

Vào những giờ phút cuối cùng trước khi bước sang ngày mới tại Darchen, việc quyết định kẻ đi người ở đã xong. Ba người đã quyết định thuê ngựa, hai thành viên thuê riêng sherpa đi cùng. Anh Bách ngày hôm trước đã thuê một anh sherpa nhưng sau này anh quyết định “nhường” lại cho anh Thu. Tám người sẽ đi bộ từ Darchen tới trại tập kết Darpoche trong đó có mình, 14 người khác sẽ đi bằng xe Land Cruiser và hai đoàn sẽ gặp nhau tại Darpoche, nơi nhận ngựa. Riêng anh Trung đi bộ cùng anh chàng sherpa bắt đầu từ Darchen, còn anh Thu sẽ “nhận” chàng sherpa “của anh Bách” tại Darpoche. Vậy là mọi chuyện đã được chốt rồi nhé. Chúng tôi yên tâm đi ngủ. Thêm một đêm thao thức khó quên tại Darchen.

9-KoraDay11A.jpg


Trời chưa kịp sáng, mọi người đã lục đục dậy để chuẩn bị khởi hành. Nhóm 8 người đi bộ sẽ khởi hành trước nhóm đi Land Cruiser khoảng 4-5 tiếng. Mình thuộc nhóm lội bộ nên 5h sáng đã tỉnh queo sẵn sàng lên đường. Khoảng 6h thì chúng tôi xuất phát. Nhóm đi xe dự kiến lên đường lúc 10h trưa.

Đoạn đường đầu tiên còn tối lờ mờ thế này đây. Mình cùng anh Hồng Minh, Chị Tuyết(Nguyễn) và anh Trung thuộc nhóm đi sau. Vừa ra khỏi khách sạn được một đoạn thì chị Tuyết bỏ quên thứ gì đó, buộc mình và bác Minh phải dừng lại chờ khá lâu. Nhóm 4 người kia đã đi trước. Đêm qua Đoàn đã họp và quyết định rằng sẽ có nhóm đi trước, đi giữa và bọc hậu. Tuy đã bàn bạc thế nhưng khi vào vòng Kora thì chúng tôi đã không thực hiện tốt việc này. Có nhóm đi khá nhanh bỏ xa nhóm còn lại. Tốc độ ban đầu của anh Trung khá chậm, dù anh có một anh chàng sherpa đi cùng. Bác Minh đã "rất chủ quan" đánh giá rằng anh Trung may ra là đi được 8 km đến Darpoche thì dừng lại thôi. Nào ngờ anh Trung sau này cũng đi trọn vòng Kora. Đây chính là một trong những điểm kỳ diệu của chuyến đi này. Một người có tuổi như anh Trung đã lập được một kỳ tích. Chính nhờ sự hỗ trợ của sức mạnh tâm linh chứ không chỉ là thể chất mới đưa đến chiến thắng cuối cùng.​
9-KoraDay11B.jpg

Trời dần dần sáng, gió lạnh thổi "mát rượi". Gần đoạn này nhóm mình bị một lũ chó ngao vây lại. Lúc này còn có cả anh Hồng Minh và chị Tuyết. Phía trước là chị Ngọc Anh và anh Minh. Nhóm đầu tiên thì đã đi khá xa. Mình cảm thấy hơi ớn lũ chó hoang này. Chúng cứ vây quanh và nhìn trừng trừng vào mình và vài bạn bên cạnh. May mà một lúc thì không hiểu sao chúng tản ra và chạy lên đồi. Lúc này mình khá "giận" cái nhóm đi đầu tiên, rằng sao lại ham đi mau không chờ anh em. Giá mà đoàn 8 người đi cùng một nhóm thì lũ chó không thể nào dám "dọa" mình được.

9-KoraDay11C.jpg

Sẽ có thêm chuyện để kể về anh chàng này trên đường đi. Thật ngạc nhiên, đến ngày thứ hai, con người gặp gỡ tình cờ này lại là "sherpa" cho chị Ngọc Anh.

9-KoraDay11E.jpg

Bắt đầu xuất hiện những "kKm Tự Tháp" thấp le tè trước mặt.

9-KoraDay11F.jpg

Những con bò Yak lẻ loi này chút nữa rồi cũng tập trung đến Darpoche để khách hành hương sẽ thuê đi Kora. Darpoche là một bãi đất phẳng khá rộng, được bố trí để làm nơi tập kết tất cả những người đi Kora, ngựa, bò Yak, và sherpa cho thuê.

9-KoraDay11G.jpg

Xung quanh vẫn nhiều đoàn người ngựa hồ hởi lên đường. Anh này cũng sẽ là một sherpa cho vị khách hành hương nào đó ngay trong sáng nay thôi. Sau này mới biết anh lại chính là sherpa cho Nhã Thanh.
 
Last edited:
Ngày nào cũng vào theo dõi cập nhật hành trình của Anh, cám ơn Anh đã giới thiệu cuốn DXNM của bác Nguyễn Tường Bách, đọc sách kết hợp với hình ảnh của Anh làm cho hành trình trở nên sống động hơn nhiều ạ. Nếu không phiền Anh có thể mô tả rõ hơn "nhà vệ sinh di động" của Anh Thu mà bác Bách mô tả trong sách được không? Em đã từng đi Tây Tạng, quả thật nhà vệ sinh bên đó rất kinh khủng, mỗi lần đi phải nín thở đeo khẩu trang để bớt ngửi mùi, mắt đeo kính đen để nhìn sự vật mờ ảo bớt. Nhờ Anh chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng cho những lần sau.
 
Trả lời câu hỏi bạn Lúa: Về cái nhà vệ sinh Tây Tạng và "nhà vệ sinh di động"

@Lúa: Mình thật ngạc nhiên và bất ngờ khi bạn lại đề cập ngay đến câu chuyện mà mình áy nãy mãi là sao vẫn chưa kể. Đoạn thị trấn Saga, mình kể chuyện khá sơ sài. Vì "áp lực" phải chạy nhanh tới Kora nên nhiều chuyện chưa kịp viết. Bạn có thể thấy là mình vẫn để nguyên một post để sau quay lại viết tiếp cho thật logic. Nhưng thôi, bạn đã hỏi thì viết ngay vào post này luôn. Về cái "nhà vệ sinh di động" mình sẽ cập nhật sau một tí vì còn phải xin bác Thu một cái ảnh minh họa cho thật sinh động. Nhưng tạm kể chuyện mấy cái nhà vệ sinh nhé. Tới Nyalam thì dù như bạn nói, nhà vệ sinh thật kinh khủng, nhưng vẫn còn đỡ hơn những ngày về sau. Bắt đầu từ Saga, nhà vệ sinh thường được bố trí nằm cách ly phía ngoài.

Theo mình nhớ thì mỗi WC luôn được chia làm hai ngăn cho nam và nữ. Nó dài khoảng 3m, rộng 1,5m và sâu cũng ước chừng hơn 3m. Có lẽ từ thời ông kỵ nội của chủ khách sạn này đến nay họ chưa bao giờ dọn nó. Cũng đúng thôi vì nước uống còn hạn chế nữa thì lấy đâu ra nước để mà làm WC kiểu miền xuôi nhà mình. "Hàng hóa" chất đầy gần tới mép. Những khu vực lân cận, mình chẳng nhìn thấy họ trồng trọt gì cho nên hẳn họ cũng chẳng biết gởi “hàng hóa” vào đâu. Chẳng giống như nhà mình hồi còn bé. Có được chút “hàng” nào ló ra là Bố giao nhiệm vụ cho mình phải bốc ngay vào mấy vườn rau trước ngõ. Mùi hôi thối thì mình không thể tả được đâu. Chỉ biết có một chị trong đoàn ban đầu vẫn ngại dùng cái "di động" của Bác Thu nên thử liều lĩnh xông vào. Sau khi đã xức dầu thơm khắp người, chị còn rất cẩn thận nút hai lỗ mũi bằng hai cục Bông to tướng, cứ nghĩ như vậy là chắc ăn rồi. Nào ngờ đang "hành sự" thì bất ngờ hai cục bông rớt xuống. Và chị ốm liền 3 ngày kể từ hôm đó.

Với mình thì mùi này chẳng ăn thua gì. Hồi nhỏ bốc phân bắc phân xanh ra đồng mình ngửi riết rồi quen. Đến những ngày sinh viên, mình vẫn khuya khuya đi làm thêm, nửa đêm về sáng lội bì bõm dưới gầm cầu những con sông được cho là sạch nhất tại thành phố Sài Gòn hoa lệ; đạp hết đám mìn này tới đám mìn khác. Dưới đáy sông, khi thủy triều xuống thì mùi hôi thối và khí độc sôi lên ùng ục còn khủng khiếp hơn nhiều. Hóa ra mùi phân thành phố vẫn thối hơn phân ở nông thôn. Chắc tại người thành phố ăn nhiều thịt cá quá đó mà. Sau này không còn giành được suất đi làm thêm này nữa, trưa mơ màng ngủ cạnh cửa sổ phòng ký túc xá mình vẫn nghe thoang thoảng đâu đây cái mùi đặc biệt ấy. Nhớ cái mùi này da diết.

Mới chỉ trong cùng một quốc gia mà phân thành phố đã khác biệt quá nhiều so với phân nông thôn rồi. dù tất cả đều là Phân Nội, hàng Việt Nam “chất lượng thấp”. Ở những khách sạn trên đường đi Ngân Sơn này, mỗi năm có hàng ngàn khách từ khắp nơi trên thế giới ghé qua nên không chỉ có Phân Nội mà còn có hàng trăm loại Phân Ngoại từ Châu Âu, Châu Á, Phi, Mỹ La tinh, Úc..tầng tầng lớp lớp xen kẽ nhau hỏi sao mà không có “hàng liên doanh chất lượng cao” chứ. Mình ước chừng có hàng ngàn du khách đã bị những cái WC này hạ gục ngay từ phút đầu tiên.
(còn tiếp phần sáng kiến của anh Thu để giải quyết vấn đề này)
P/S: Các anh chị nào yếu bóng vía xin bỏ qua post này. Tuấn không chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra....:)):gun
 
Last edited:
Kora Day 1(đường vào bãi tập kết Darpoche)

9-KoraDay11H.jpg

Đoàn bò Yak nối đuôi nhau vào bãi Darpoche.

9-KoraDay11I.jpg

Nhiều chị Tây Tạng cũng tham gia làm sherpa cho khách hành hương.

9-KoraDay11J.jpg

Các thành viên khác đi xe Land Cruiser này tới trại Darpoche.

Ngoài việc lựa chọn phương án đi bộ hoàn toàn, đi ngựa, thuê sherpa riêng đi cùng thì vẫn “lòi” ra thêm một phương án buộc phải quyết định cho 8 km đầu tiên từ Darchen đến Darpoche, hoặc đi bằng xe Land Cruiser hoặc đi bộ; vì phải tới Darpoche mới có ngựa để thuê. Khi trở về trong ngày thứ 3, phương án cũng tương tự cho 4-5 km cuối cùng. Nghĩa là hai đoạn đường đầu tiên của vòng Kora bạn có thể đi bằng xe vì đường vẫn còn khá dễ đi. Và ngay trên đường từ Manasarovar đi Darchen ngày hôm sau, việc chọn đi xe hay đi bộ đã phải quyết định. Lúc đó, theo “hiệu ứng đám đông” mình giơ tay đăng ký đi xe. Tuy nhiên cuối cùng, mình đã quyết định sẽ đi bộ không thiếu một bước chân nào bắt đầu bằng bước chân đầu tiên từ khách sạn Shang Shong và sẽ trở về lại Shang Shong bằng những bước chân “cuối cùng”.

Cũng có lúc mình nghĩ rằng liệu có nên đi xe để "tiết kiệm sức lực" trong 8km đầu tiên này và để dành cho đoạn đường gian khổ còn lại? Vì người ta cũng quan niệm điểm bắt đầu của vòng Kora(Milarepa Kora) chính là tại trại tập kết Darpoche cơ mà. Và 5 km cuối cùng của ngày thứ ba vòng Kora cũng tương tự, bạn có thể đi xe. 8 km đi bộ trong điều kiện cao độ trên 4600m, thiếu dưỡng khí trầm trọng.. là một câu chuyện lớn, rất lớn nữa là khác. Quả thật buổi sáng hôm nay nhóm đi bộ cũng đã mất khoảng 5 tiếng để vượt qua 8km đầu tiên này.

Nhưng rồi sau đó mình lại "tính toán" tiếp theo kiểu rất "ngây thơ" là vòng Kora nguyên vẹn là 52 km, có đi trọn thì mới nhận hết được ơn phước còn nếu đi ngựa hay đi xe...thì mình sẽ bị mất một phần "phước báo"?:)). Vậy nên thà mình gắng sức thêm để hưởng "thành quả" cho nó trọn vẹn. Nghĩ sao làm vậy, mình thông báo với đoàn là sẽ đi bộ. Dù vậy, vì đã “lỡ” đăng ký nên mình vẫn hoan hỉ trả tiền thuê xe=)). Bây giờ thì mình rất hài lòng về quyết định này.

Như vậy mình cùng nhóm 8 người đi men theo triền núi, đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Đoàn đi Land Cruiser đi dọc theo thung lũng Lha-Chu. Cả hai cùng hướng về Darpoche.

9-KoraDay11K.jpg

Những anh chàng sherpa này lại đưa ngựa tới nơi tập kết cũng trên con đường đi bộ của chúng tôi.

9-KoraDay11L.jpg

Gần vào tới khu vực Darpoche. Sương mù xuất hiện dày đặc. Mình cũng đã rất khá mỏi chân rồi. Mong cho sớm tới nơi để được dừng lại nghỉ chân.
 
Last edited:
Bác tuanfreedom có khả năng viết ký sự cho báo đăng feuilleton (nhiều kỳ) được đấy. Bác viết như vầy thì tirage báo tăng là cái chắc. He he. Em khen bác thực tâm chứ không có ý gì đâu nhé. Quả thực giống như bạn LUA, khi đọc Đường Xa Nắng Mới em cũng có thắc mắc về cái WC di động do bác Thu sáng tạo mà chưa biết hỏi ai. Dù rằng trong đầu cũng có mường tượng. Đang mong bác tuanfreedom kể và trưng hình xem có giống như phỏng đoán không đó :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,118
Members
192,338
Latest member
inhopcartonh
Back
Top