What's new

[Tổng hợp] Kể chuyện Tây Nguyên

attachment.php

Hoa dã quỳ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đã từ lâu, tôi muốn viết về Tây Nguyên, viết cho chính mình, cho tình cảm của mình với vùng đất cao nguyên này. Tôi viết những gì tôi đã tìm hiểu, cả qua sách, báo, qua mạng và qua những lần lang thang Tây Nguyên. Tôi cũng không biết có hoàn tất được topic không, nhưng cứ viết vậy, gọi là chút chia sẻ.

Tây Nguyên là vùng đất thuộc miền Trung Việt Nam, hiện có năm tỉnh, theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cách ghi tên như vừa rồi được xem là tên chính thức trong các văn bản hành chính, còn câu chuyện về tên gọi và các tên khác của từng tỉnh, tôi sẽ kể lần lượt sau.

Như những câu chuyện thường kể về các vùng đất, phần đầu tiên là lịch sử ...
 
Last edited:
Bạn có vẻ hiểu biết nhưng lý giải trên của bạn là sai.

Từ "Mọi" không có nguồn gốc từ chữ "Moi" trong tiếng Pháp đâu bạn nhé. Mặc dù từ ngữ Việt cũng vay mượn từ tiếng Pháp kha khá.

Nó xuất phát từ những từ: man, di, mọi, rợ, địch, nhung.... thế còn những từ này từ đâu thì mời bạn tìm hiểu tiếp.

Chào bạn, bạn đã không đọc kỹ bài của tôi.
Như bạn đã trích dẫn không đầy đủ, tôi trích dẫn lại và nói rõ:

Moï
Theo từ điển Petit Larousse, trang 1545, dòng 45, 46: Moï: Peuple du Sud Viêt Nam, habitant les regions montangneuses du pays.
Tạm dịch: Moï: người ở miền Nam Việt Nam, sinh sống ở vùng miền núi.
Cần phân biệt với Moi, khác nhau ở chữ ï và i.

Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.


Như vậy, tôi không hề nói chữ "Mọi" có nguồn gốc từ chữ "Moï" trong tiếng Pháp. Ngược lại, tôi cho là từ "Moï" có sự tương đồng với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng từ trước.

Thân.
 
Tiếp tục câu chuyện về Lang Biang - Đà Lạt

Như vậy vào tháng 6/1900, con đường Phan Rang lên Lang Biang được hoàn thành. Người Pháp bắt đầu xây dựng những công trình ban đầu ở cao nguyên, trong đó có một trại lính. Kế hoạch chưa đi đến đâu thì năm 1902, Paul Doumer về nước. Người thay ông là Paul Beau không hứng thú với việc phát triển trạm điều dưỡng. Toàn bộ các dự định về Lang Biang bị ngưng trệ.

Năm 1903, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh (tương đương huyện), thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1916, lập tỉnh Lâm Viên, Việt hóa từ Lang Biang. Tỉnh Lâm Viên gồm hai đại lý hành chính là Di Linh và Đà Lạt. Tỉnh lỵ được đặt tại Đà Lạt. Các cơ quan hành chính được xây dựng ở khu vực suối Cam Ly gần Brenne, cách Dankia khoảng 15km.
Đó là lần đầu tiên, tên gọi Đà Lạt được dùng trong văn bản hành chính.

Câu chuyện về tên gọi này thì rất nhiều. Tuy nhiên, theo tôi, có hai cách lý giải hợp lý hơn cả.
Một là, Đà Lạt là Suối của người Lạt, với Đà (như Đa, Đạ) chỉ nước, suối, sông. Lạt là sắc tộc bản địa. Nhưng tại sao chỉ mình Đà Lạt lại là Đà, còn tất cả địa danh gần gũi là Đa?
Hai là, Đà Lạt xuất phát từ cách ghi D'Lat (của người Lạt) mà Yersin ghi trong bản đồ, cũng như trong ghi chú của Doumer. Trong ghi chú của bác sĩ Etienne Tardif, một thành viên của phái đoàn Guynet (1899-1900) cũng ghi là D'Lat. Tuy nhiên, D'Lat đọc là Đờ Lạt chứ không phải Đà Lạt.
Các cách giải thích khác, tôi không thấy thuyết phục mấy. Dù chưa hoàn toàn thuyết phục bởi cách giải thích đầu tiên, nhưng tôi cho là đây là cách giải thích hợp lý nhất.

Năm 1920, tỉnh Lâm Viên lại được đặt lại tên là tỉnh Đồng Nai Thượng. Tỉnh lỵ lại dời về Di Linh.

Cũng trong năm 1920, một Toàn quyền mới đến, đó là Maurice Long. Sau gần 20 năm mới có lại một Toàn quyền quan tâm đến Đà Lạt. Maurice Long cử Ernest Hébrard làm chủ sự quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Cần phải nói về Hébrard, ông là kiến trúc sư, nhà quy hoạch, đồng thời là nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Ông là Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Ông được xem là người khởi nguồn phong cách kiến trúc Đông Dương. Năm 1923, Hébrard hoàn thành Đồ án quy hoạch thị trấn Đà Lạt.

Với quy hoạch của Hébrard, Đà Lạt được xây dựng và sau khoảng 15 năm thì được gọi là "thủ đô mùa hè" của Liên bang Đông Dương. Đà Lạt khi đó có các cơ quan công quyền, trại lính, khu nhà cho người Pháp và khu nhà cho người Việt cũng như người bản địa. Năm 1923, Đà Lạt có khoảng 1.500 dân, đến năm 1942 thì có hơn 20.000 dân. Người Việt cũng lên Đà Lạt nhiều hơn. Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ và bền vững với những danh xưng mĩ miều. Vào năm 1937, một câu khẩu hiệu tiếng Latin của Đà Lạt được tạo ra và gắn lên chợ Đà Lạt là Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe.

Chú thích: câu chuyện cho là cái tên Đà Lạt được ghép từ câu khẩu hiệu này là sai hoàn toàn, vì cái tên Đà Lạt ra đời trước câu này hơn 20 năm, và ở Việt Nam không có bất kỳ địa danh nào được đặt bằng cách ghép từ hay chữ từ tiếng Latin



Năm 1928, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng lại dời lên Đà Lạt. Đến năm 1941, tỉnh Lâm Viên tách ra, tỉnh lỵ là Đà Lạt, còn tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng lại dời về Di Linh.

Như vậy, đến giữa thập niên 1940, có hai tỉnh là Đồng Nai Thượng và Lâm Viên trên phần đất của tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
 
Thành lập tỉnh Darlac và Pleiku

Tỉnh Darlac được thành lập vào năm 1904, tách ra từ đại lý hành chính Kontum cũ. Địa bàn Darlac bao gồm Đắk Lắk ngày nay và một phần tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên đến năm 1913 thì trở thành đại lý hành chính của tỉnh Kon Tum.
Đến năm 1923, tỉnh Darlac lại được tách ra.

Tên gọi Darlac có hai ý kiến quan trọng:
Một là, Đắk là nước, Lắk là tên hồ. Đắk Lắk là hồ Lắk. Đây là ý kiến phố biến nhất, nghe hợp lý nhất tuy nhiên chính các nhà nghiên cứu bản địa phản đối ý kiến này, vì hồ Lắk thuộc vùng đất của người Mnông, trong khi tên gọi Đắk Lắk bao trùm toàn bộ vùng đôi bờ sông Sêrêpôk. Hơn nữa, hồ Lăk không phải điểm quan trọng trong vùng đất này ở thế kỷ XIX.
Hai là, Đắk là vùng nước, cách gọi lãnh thổ theo sông, Lắk là biến âm từ Lạch, Đắk Lắk là vùng giao thương với người Lạch. Sông Sêrêpôk từ thế kỷ XIX là mạch giao thương từ xứ người Lạch đến Stung Treng. Bác sĩ Yersin vào năm 1892 thực hiện chuyến đi đến sông Sêrêpôk đã biết về hoạt động mua bán trao đổi nhộn nhịp ở đây. Ông mô tả một thương cảng trên sông nhộp nhịp có người Thái, người Lào, người Khmer, người Lạch, người Hoa, vùng đất mà ông mô tả chính là đoạn sông Đak Đam chảy vào sông Sêrêpôk ở Buôn Đôn hiện nay. Ý kiến này hợp lý với vùng đất đông dân nhất, nổi bật nhất ở đây vào thế kỷ XIX, nhưng ít được biết đến.

Cách gọi nào cũng có sự hợp lý nhất định. Hiện tại, về mặt chính thống, tỉnh Đắk Lắk thiên về lý giải theo cách thứ nhất.

Đến năm 1932, tỉnh Plei Ku được thành lập, tách ra từ tỉnh Kontum. Địa bàn tỉnh Plei Ku gần như tương đương tỉnh Gia Lai ngày nay.
Tên gọi Plei Ku vốn từ tên tỉnh cũ là Plei Ku Der.

Như vậy đến thập niên 1940 thì Tây Nguyên có 5 tỉnh, từ Bắc xuống Nam là Kontum, Plei Ku, Darlac, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Trong đó, tỉnh Lâm Viên rất nhỏ.

Cách ghi các từ Kontum - Kon Tum, Plei Ku - Pleiku, Darlac - Daclac bị chính người Pháp dùng lẫn lộn.
 
Last edited:
Cho đến thập niên 1940, vẫn chưa có một tên gọi nào cho vùng Tây Nguyên.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX, sau khi người Pháp đã lập các cơ quan công quyền ở Tây Nguyên, vùng đất này được gọi là cao nguyên ở Trung Kỳ, do thuộc Trung Kỳ.
Người Pháp còn gọi là Les Hauts Plateaux du Sud (Cao nguyên miền Nam).

Cho đến thập niên 1940, dân cư cao nguyên chủ yếu tập trung ở Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Các tỉnh lỵ Di Linh, Pleiku và Kon Tum cũng có dân nhưng thưa thớt.

Khi tôi tìm hiểu về Buôn Ma Thuột, tôi nhận thấy người Pháp khi xây dựng một vùng ở cao nguyên, họ sẽ chọn một vùng mà người bản địa hợp tác với người Pháp và người Việt, không nhất thiết là một khu dân cư bản địa đã phát triển. Điều này phù hợp với Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Di Linh, ...
Trong trường hợp Buôn Ma Thuột, khi đó có hai nơi mà người M'nông rất đông và phát triển là Lăk và Bản Đôn, nhưng người Pháp chọn vùng đất dọc theo suối Ea Tam. Lịch sử ghi lại những trận chống trả rất quyết liệt giữa người M'Nông với người Pháp ở Lăk và Bản Đôn, có lẽ vùng Ea Tam ôn hòa hơn. Vùng đất này do tù trưởng Ama Y Thuột hoặc Ama Thuột đứng đầu, và được gọi chung là Buôn Ama Y Thuột hay Buôn Ama Thuột. Buôn Ma Thuột là cách gọi biến âm từ tên này.
Ngay trong những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã làm con đường Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột, nay là Quốc lộ 26.

Từ Buôn Ma Thuột, người Pháp đã trấn áp hoàn toàn người M'nông, người Ê Đê các vùng lân cận, nhất là sau khi tuyến đường từ Ninh Hòa lên hoàn tất. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng. Năm 1930, Pháp nâng thị trấn Buôn Ma Thuột lên thành thị xã.

Cũng trong các văn bản hành chính của Pháp, người Pháp đôi khi ghi là Ban Ma Thuột. Buôn và Bản là những từ được dùng lẫn lộn trong giai đoạn đó.
 
Xứ Thượng Nam Đông Dương - Hoàng triều cương thổ

Sau năm 1945, Đồng Minh cho quân Anh-Ấn vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam, đến cuối năm 1945 thì bàn giao cho Pháp. Ở Tây Nguyên, người Pháp lập ra Xứ Thượng Nam Đông Dương (Pays Montagnard du Sud Indochinois, viết tắt là PMSI) vào tháng 5/1946. Đây là lần đầu tiên, Tây Nguyên có một tên gọi chính thức. Tên này cũng rất dễ hiểu, xứ của người Thượng ở miền Nam Liên bang Đông Dương.
Xứ Thượng Nam Đông Dương là xứ tự trị, thuộc Liên bang Đông Dương, gồm 5 tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac, Lang Biang và Đồng Nai Thượng. Thủ phủ được đặt tại Đà Lạt tỉnh Lang Biang, sau đó chuyển về Buôn Ma Thuột tỉnh Darlac.
Ngày càng nhiều người Việt tránh chiến tranh di cư lên xứ Thượng nói chung và Đà Lạt cũng như Buôn Ma Thuột nói riêng. Hai thị xã này ngày càng đông dân.

1024px-Flag_of_the_Montagnard_country_of_South_Indochina.svg.png

Cờ Xứ Thượng Nam Đông Dương​

Tình thế chiến tranh thay đổi. Theo học thuyết chiến tranh của Mỹ, Pháp không thể trực tiếp cai trị mà phải thông qua một chính thể. Năm 1947, cựu hoàng Bảo Đại (khi đó đang ở Hồng Công) đồng ý đàm phán thành lập chính phủ. Năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập, và đến năm 1949 thì Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Pháp.
Xứ Thượng Nam Đông Dương được Quốc gia Việt Nam đổi tên là Hoàng triều cương thổ.
Hoàng triều là triều đại đang trị vì, cương thổ là vùng đất đai ở biên giới. Hoàng triều cương thổ là vùng đất đai ở biên giới, thuộc sự quản lý của triều đại đương thời.

Thủ phủ của Hoàng triều cương thổ là Đà Lạt. Đứng đầu Hoàng triều cương thổ là Khâm mạng Hoàng triều. Vị Khâm mạng Hoàng triều đầu tiên là Nam tước Pierre Didelot, nhà quý tộc này là Đại tá quân đội Pháp. Didelot và Bảo Đại là anh em cọc chèo, ông lấy chị ruột của Nam Phương Hoàng Hậu.
 
Last edited:
Tây Nguyên giai đoạn 1955-1975

Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý. Nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời ở miền Nam Việt Nam.

Tên gọi Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện trong các văn bản hành chính của VNCH. Một tên gọi khác được dùng song song là Cao nguyên Trung phần.

Cũng từ thời kỳ này, cánh cửa Tây Nguyên mở rộng cho người Kinh lên lập nghiệp. Trong đó, người Bắc di dân năm 1954-1956 chiếm số lượng khá đông. Ngoài ra, khi chiến sự ác liệt, nhiều người ở vùng Trị - Thiên và xứ Quảng cũng chạy lên Tây Nguyên. Đây là lý do người Kinh ở Tây Nguyên, nhất là từ Gia Lai trở vào rất nhiều người gốc Bắc và gốc xứ Quảng.

Đã có khoảng 1,2 triệu người Bắc di dân vào Nam trong giai đoạn 1954-1956. Ông cậu của tôi (em họ của bà ngoại tôi) làm trong Bộ Công chánh VNCH nói khoảng 700.000 người được đưa lên Tây Nguyên.

Tỉnh Lang Biang hay Lâm Viên (được dùng trong thời Pháp) được đổi tên thành tỉnh Tuyên Đức. Phần cao nguyên M'Nông của tỉnh Darlac được tách ra lập tỉnh Quảng Đức. Tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng. Các tỉnh Kontum, Pleiku giữ nguyên. Như vậy, Tây Nguyên gồm có 6 tỉnh.

Về tên gọi Tuyên Đức và Quảng Đức, tôi không tìm được nguồn nào giải thích ý nghĩa. Ông cậu của tôi nói đó là do Hội đồng đặt tên, vốn chuộng những tên Hán - Việt, và không hoàn toàn dựa vào nguồn gốc của tỉnh để đặt tên. Trong giai đoạn đầu của VNCH, một loạt tên gọi tỉnh mới đã ra đời, khác với tên từ thời Minh Mạng. Tuyên Đức và Quảng Đức là những tên gọi mới. Tương tự là Quảng Tín (tách ra từ Quảng Nam), Kiến Phong, Kiến Tường, Kiến Hòa, Chương Thiện, ...

Cũng trong thời gian này, một số địa danh ở Tây Nguyên được đặt thêm tên tiếng Việt, để phù hợp với việc đưa người Bắc di dân lên lập nghiệp.

Năm 1962, phần đất Cheo Reo (một trong những đại lý hành chính đầu tiên thời Pháp) được tách ra lập tỉnh Phú Bổn. Năm 1967, thị xã Đà Lạt được mang quy chế riêng, tách ra khỏi tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Tuyên Đức chỉ còn lại 3 quận là Đơn Dương (Đran cũ), Đức Trọng và Lạc Dương. Tỉnh lỵ của Tuyên Đức dời từ Đà Lạt xuống Tùng Nghĩa (Đức Trọng).

441px-Southvietmap.jpg


Bản đồ Việt Nam Cộng Hòa năm 1967​

Bản đồ cho biết tỉnh lỵ của 7 tỉnh và 1 thị xã Tây Nguyên năm 1967. Cụ thể như sau:

- Thị xã Đà Lạt
- Tỉnh Kontum, tỉnh lỵ là thị xã Kontum
- Tỉnh Pleiku, tỉnh lỵ là thị xã Pleiku
- Tỉnh Phú Bổn, tỉnh lỵ là thị xã Hậu Bổn (tên cũ là Cheo Reo)
- Tỉnh Darlac, tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột
- Tỉnh Quảng Đức, tỉnh lỵ là Gia Nghĩa
- Tỉnh Tuyên Đức, tỉnh lỵ là Tùng Nghĩa
- Tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ là thị xã Bảo Lộc

Thị xã Đà Lạt có thể xem là trực thuộc trung ương, tuy nhiên chỉ sau vài năm thì lại quay trở lại hành chính tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức lại dời về thị xã Đà Lạt. Tây Nguyên lại chỉ còn 7 tỉnh.

800px-RVN-Administrative.png


Bản đồ Việt Nam Cộng hòa năm 1972​

Có thể nói, Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, thậm chí là bùng nổ dưới thời VNCH. Dân số Tây Nguyên lên đến gần 1 triệu người, trong đó một nửa tập trung ở hai tỉnh Darlac và Tuyên Đức. Quy hoạch của Đà Lạt bị vỡ ngay từ những năm đầu thời kỳ này.
Khi dân cư Tây Nguyên phát triển, con đường từ Lào và Campuchia qua trở nên dễ dàng hơn, Tây Nguyên và các tỉnh biên giới từ Tây Ninh đến Phước Long trở thành cánh cửa cho quân giải phóng. Năm 1975, từ Tây Nguyên, quân giải phóng xé toang vùng II, từ đó tạo thành bàn đạp cho chiến dịch thống nhất đất nước.
 
Sau năm 1975, Tây Nguyên được chia thành 3 tỉnh.

1. Tỉnh Gia Lai - Kon Tum gồm 3 tỉnh cũ là Pleiku, Kontum và Phú Bổn. Tỉnh lỵ là thị xã Pleiku. Đây là tỉnh lớn nhất Việt Nam năm 1976.
2. Tỉnh Đắc Lắc gồm 2 tỉnh cũ là Darlac và Quảng Đức. Tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột. Đây là tỉnh lớn thứ nhì Việt Nam năm 1976.
3. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 tỉnh cũ là Lâm Đồng và Tuyên Đức. Tỉnh lỵ là thị xã Đà Lạt.

Vietnam_map_1976.GIF


Bản đồ Việt Nam 1976, không có ghi tên tỉnh nên ráng mò nhe.​

Trong thập niên 1990, Gia Lai - Kon Tum tách ra là Gia LaiKon Tum. Đắc Lắc tách ra là Đắc Lắc và Đắc Nông. Lâm Đồng giữ nguyên. Rồi 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông được đổi tên là Đắk LắkĐắk Nông.
Tây Nguyên hiện có 5 tỉnh kể tên trên.

attachment.php


Bản đồ Việt Nam

attachment.php


Bản đồ Tây Nguyên​

Cái này đọc cho vui: Biển số xe giai đoạn đầu sau 1975
Chuyện là ở trên quê tôi có một chiếc xe Simson biển 40. Bố tôi nói đây là biển số cũ của Thanh Hóa. Tôi cũng không để ý lắm, nhưng sau đó thì thấy một chiếc xe biển 44 ở Quy Nhơn, một chiếc xe biển 46 ở Kon Tum, tôi mới tìm hiểu. Thì ra đã có một thời các tỉnh miền Trung mang biển số 40-49, cụ thể thế này:
40: Thanh Hóa, nay là 36
41: Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An 37 và Hà Tĩnh 38
42: Bình Trị Thiên, nay là Quảng Bình 73, Quảng Trị 74 và Thừa Thiên - Huế 75
43: Quảng Nam - Đà Nẵng, 43 giữ cho Đà Nẵng, còn Quảng Nam là 92
44: Nghĩa Bình, nay là Quảng Ngãi 76, Bình Định 77
45: Phú Khánh, nay là Phú Yên 78, Khánh Hòa 79
46: Gia Lai - Kon Tum, nay là Gia Lai 81, Kon Tum 82
47: Đắc Lắc, 47 giữ cho Đắk Lắk, còn Đắk Nông lấy số 48
48: Thuận Hải, nay là Ninh Thuận 85, Bình Thuận 86
49: Lâm Đồng, giữ nguyên
Tất cả các biển số 40-42, 44-46 và 48 cũ đều không còn hiệu lực nhe, bắt buộc phải đổi qua biển mới hồi cuối 80 đầu 90. Cái xe biển 40 ở nhà tôi giờ chỉ xếp xó, một phần là chưa dọn lại, một phần là chạy xuống tới thành phố bị bắt chắc bỏ xe.
 
Last edited:
Lịch sử Tây Nguyên là phần mở đầu cho chuyện kể về Tây Nguyên của mình. Lịch sử nói chung là kén người đọc.

Mình xin tóm tắt rất ngắn gọn để các bạn dễ hình dung.

Tây Nguyên là vùng đất chưa được các triều đại phong kiến trong khu vực chú ý đến. Từ thời Chúa Nguyễn, người Việt bắt đầu quan tâm đến Tây Nguyên. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp tiến hành thăm dò, thám hiểm và khai phá Tây Nguyên. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa, Tây Nguyên bùng nổ về dân cư với số lượng lớn người Việt di dân lên.

Hiện nay, dân cư Tây Nguyên hơn 5 triệu người. Về thành phần dân cư, theo số liệu năm 2009 thì người Kinh chiếm khoảng 64,7%. Người Gia Rai khoảng 8%, Ê Đê 6%, Ba Na 4%, Cơ Ho 2,9%, và các dân tộc thiểu số khác.

Tiếp theo, là những câu chuyện về Tây Nguyên.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,503
Bài viết
1,176,352
Members
192,145
Latest member
77betamazon
Back
Top