Tây Nguyên giai đoạn 1955-1975
Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý. Nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời ở miền Nam Việt Nam.
Tên gọi
Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện trong các văn bản hành chính của VNCH. Một tên gọi khác được dùng song song là
Cao nguyên Trung phần.
Cũng từ thời kỳ này, cánh cửa Tây Nguyên mở rộng cho người Kinh lên lập nghiệp. Trong đó, người Bắc di dân năm 1954-1956 chiếm số lượng khá đông. Ngoài ra, khi chiến sự ác liệt, nhiều người ở vùng Trị - Thiên và xứ Quảng cũng chạy lên Tây Nguyên. Đây là lý do người Kinh ở Tây Nguyên, nhất là từ Gia Lai trở vào rất nhiều người gốc Bắc và gốc xứ Quảng.
Đã có khoảng 1,2 triệu người Bắc di dân vào Nam trong giai đoạn 1954-1956. Ông cậu của tôi (em họ của bà ngoại tôi) làm trong Bộ Công chánh VNCH nói khoảng 700.000 người được đưa lên Tây Nguyên.
Tỉnh Lang Biang hay Lâm Viên (được dùng trong thời Pháp) được đổi tên thành tỉnh Tuyên Đức. Phần cao nguyên M'Nông của tỉnh Darlac được tách ra lập tỉnh Quảng Đức. Tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng. Các tỉnh Kontum, Pleiku giữ nguyên. Như vậy, Tây Nguyên gồm có 6 tỉnh.
Về tên gọi Tuyên Đức và Quảng Đức, tôi không tìm được nguồn nào giải thích ý nghĩa. Ông cậu của tôi nói đó là do Hội đồng đặt tên, vốn chuộng những tên Hán - Việt, và không hoàn toàn dựa vào nguồn gốc của tỉnh để đặt tên. Trong giai đoạn đầu của VNCH, một loạt tên gọi tỉnh mới đã ra đời, khác với tên từ thời Minh Mạng. Tuyên Đức và Quảng Đức là những tên gọi mới. Tương tự là Quảng Tín (tách ra từ Quảng Nam), Kiến Phong, Kiến Tường, Kiến Hòa, Chương Thiện, ...
Cũng trong thời gian này, một số địa danh ở Tây Nguyên được đặt thêm tên tiếng Việt, để phù hợp với việc đưa người Bắc di dân lên lập nghiệp.
Năm 1962, phần đất Cheo Reo (một trong những đại lý hành chính đầu tiên thời Pháp) được tách ra lập tỉnh Phú Bổn. Năm 1967, thị xã Đà Lạt được mang quy chế riêng, tách ra khỏi tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Tuyên Đức chỉ còn lại 3 quận là Đơn Dương (Đran cũ), Đức Trọng và Lạc Dương. Tỉnh lỵ của Tuyên Đức dời từ Đà Lạt xuống Tùng Nghĩa (Đức Trọng).
Bản đồ Việt Nam Cộng Hòa năm 1967
Bản đồ cho biết tỉnh lỵ của 7 tỉnh và 1 thị xã Tây Nguyên năm 1967. Cụ thể như sau:
- Thị xã Đà Lạt
- Tỉnh Kontum, tỉnh lỵ là thị xã Kontum
- Tỉnh Pleiku, tỉnh lỵ là thị xã Pleiku
- Tỉnh Phú Bổn, tỉnh lỵ là thị xã Hậu Bổn (tên cũ là Cheo Reo)
- Tỉnh Darlac, tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột
- Tỉnh Quảng Đức, tỉnh lỵ là Gia Nghĩa
- Tỉnh Tuyên Đức, tỉnh lỵ là Tùng Nghĩa
- Tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ là thị xã Bảo Lộc
Thị xã Đà Lạt có thể xem là trực thuộc trung ương, tuy nhiên chỉ sau vài năm thì lại quay trở lại hành chính tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức lại dời về thị xã Đà Lạt. Tây Nguyên lại chỉ còn 7 tỉnh.
Bản đồ Việt Nam Cộng hòa năm 1972
Có thể nói, Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, thậm chí là bùng nổ dưới thời VNCH. Dân số Tây Nguyên lên đến gần 1 triệu người, trong đó một nửa tập trung ở hai tỉnh Darlac và Tuyên Đức. Quy hoạch của Đà Lạt bị vỡ ngay từ những năm đầu thời kỳ này.
Khi dân cư Tây Nguyên phát triển, con đường từ Lào và Campuchia qua trở nên dễ dàng hơn, Tây Nguyên và các tỉnh biên giới từ Tây Ninh đến Phước Long trở thành cánh cửa cho quân giải phóng. Năm 1975, từ Tây Nguyên, quân giải phóng xé toang vùng II, từ đó tạo thành bàn đạp cho chiến dịch thống nhất đất nước.