What's new

Khởi duyên Phượt - Ai, vì sao?

Ừm, cái thời đấy nói làm gì, vừa khốn vừa khổ. Tuổi thơ tớ chỉ nhớ cái bếp mùn cưa và nồi cám lợn trộn cá tạp tanh rình. :D Lớn hơn chút là cái bếp than tổ ong và gánh nước. Cái cảnh ngồi ôm chấn song cửa sổ nhìn ra ngoài đường chắc ai cũng trải qua. Nhưng được cái vui tươi, trong sáng. :)

Bạn đi và được đi vậy là ok rồi. :) Chẳng bù cho tớ lượn 1 vòng rồi về nuôi rùa, chăm cá. May vẫn chưa phải đuổi gà. :))

Cũng không định nói đâu, nhưng để một thời gian, có khi nói chả ai tin, thành chuyện cổ tích mất.
Câu chuyện bếp mùn cưa-than tổ ong-cám lợn-nấu rượu nghe có vẻ phổ biến nhỉ, hehe
Bây h bác ở Hải Phòng phỏng, nuôi rùa, chăm cá mà có thời gian ảnh ọt thì cũng hay
(beer)
 
Tuổi thơ lưu lạc

So với các bạn phượt ở đây có lẽ tôi là người ít chất phượt nhất. Tôi chẳng có khao khát đi xa, khám phá chân trời mới nào mà số phận cứ đưa tôi hết nơi này tới nơi khác.

Tuổi thơ tôi thì toàn bệnh viện (hay là làm quả topic phượt bệnh viện nhể ;)) từ bệnh viện Vĩnh Yên, bệnh viện Phúc Yên (Mê Linh) đến bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Chả là 2 cụ nhà tôi đều làm bác sỹ, người gốc Hà Nội cả nhưng sau khi tốt nghiệp Đại Học Y mỗi người bị phân đi làm việc ở 1 tỉnh khác nhau. Bố tôi làm ở BV Vĩnh Yên, mẹ làm ở BV Phúc Yên.

18 tháng tuổi tôi bị lị trực trùng, toàn thân phù nề tím tái, các bác sỹ ở bệnh viện tỉnh bó tay, chuyển tôi về BV Bạch Mai HN. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì sau nhiều ngày tôi vẫn hôn mê bất tỉnh, các bác sỹ lắc đầu bảo: mai nó không tỉnh thì rút hết ống thở cho đi nhà xác. Chả biết thế nào lại tỉnh dậy gọi mẹ trước khi người ta kịp rút ống thở.

3-4 tuổi thì sống với bố ở BV Vĩnh Yên (khu tập thể dành cho các bác sỹ). Bố tôi thì chả quan tâm gì đến con, sống như độc thân. Ông hay gửi tôi mỗi nhà nuôi 1 tí, lúc thì gửi tôi ở nhà dì ghẻ (vợ cũ của ông) cho tôi chơi với các anh chị cùng cha khác mẹ. khi thì gửi tôi ở nhà 1 người bạn đồng nghiệp ở thị xã. Có thời gian đáng nhớ nhất là ông gửi tôi cho 1 đoàn văn công hay đi lưu diễn các tỉnh. Tôi ở với vợ chồng bác Hùng trống (bác đánh trống, vợ bác đánh đàn tì bà cho đoàn cải lương). Tôi thích chơi với bọn trẻ con trong đoàn văn công lắm, chúng tôi có nhiều trò họat cảnh tự biên tự diễn, phân vai, kịch bản đàng hoàng. Không hiểu do mặt mũi tôi lì lợm với cặp mắt xếch đếch sợ ai mà tôi luôn bị phân vai đao phủ và cái biệt danh "đao phủ" từ đó gắn suốt tuổi thơ tôi.

5 tuổi tôi hay phượt 1 mình trên xe cứu thương (đi ké) từ Vĩnh Yên đi Phúc Yên thăm mẹ. Bố tôi cứ quẳng tôi lên xe thôi, tới bệnh viện kia thì tôi tự biết mò về khu tập thể mẹ ở. Ở Phúc Yên thì tôi cũng có 1 đống bạn cộng thêm 2 đứa em gái ở với mẹ nữa.

6 tuổi thì bố tôi chuyển công tác về bệnh viện Việt Đức Hà Nội mục đích cũng là chuẩn bị cho tôi đi học. Tôi lại hay phượt 1 mình trên xe cứu thương từ Phúc Yên về Hà Nội thăm bố. Tuy nhiên chúng tôi chưa có nhà ở nên bố tôi gửi tôi ở nhà bác Được trong khu phố cổ, còn ông ở nhờ nhà 1 người bạn khác. Bác Được trong trí nhớ của tôi là 1 người đàn ông gầy gò ốm yếu. Ông sống độc thân và rất cưng chiều tôi. Tôi nhớ căn nhà ấy trên gác 2, cầu thang gỗ ọp ẹp, có cái ban công nho nhỏ xinh xinh nhìn xuống phố. Chiều chiều bác hay kéo đàn violon cho tôi nghe, để xem tôi vỗ tay cười thích thú sau mỗi bản nhạc. Bác và tôi hay chơi trò "giấu tìm" mà như thành thói quen, mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên của tôi là háo hức tìm trong ngăn kéo, lật dưới gối, trong chiếc niêu đất... để tìm thấy khi thì là 1 gói kẹo lạc, khi là 1 khúc mía, 1 quả quýt bác giấu ở đó. Đó là 1 ký ức tuổi thơ thật đẹp dù nó chẳng gắn với ông bà hay cha mẹ. Sau này khi tôi lớn tôi vẫn nhớ bác Được và hỏi bố tôi về bác. Ông nói bác ấy đã chết vì bệnh lao phổi chỉ 1 năm sau, khi tôi vào lớp 1.

Có lẽ vì tuổi thơ lưu lạc nên tôi hầu như trưởng thành từ 1 đứa trẻ bụi đời. Tôi có thể nhanh chóng hòa nhập cuộc sống với bất kỳ gia đình nào ở bất kỳ nơi đâu mà khi xa họ tôi cũng không vương vấn nhớ thương. Không phải vì tôi không có tình cảm mà tôi thấy điều đó là tự nhiên, nó hình thành từ trong tiềm thức mà sau này tôi mới có thể gọi tên: đời là 1 chuỗi hợp tan, đó là việc thường tình. Tôi chưa bao giờ bị đòn roi của bố mẹ, chưa bao giờ bị kìm kẹp, chưa bao giờ phải xin phép ai làm điều gì. Tôi cứ lớn lên như loài cỏ dại vậy.

Năm 8 tuổi, có lần bố tôi nhậu xỉn, tôi mè nheo gì đó bị ông dùng chân thối ký vào đầu (khi đó ông đứng ở trên thềm nhà cao) thế là tôi bỏ nhà đi. Lang thang lên Bách hóa tổng hợp (giờ là Tràng Tiền Plaza), định bụng tối ra ghế đá Bờ Hồ ngủ. Việc nhảy tàu điện đi xuống chợ Mơ hay lên chợ Đồng Xuân là thú vui thường ngày của tôi. Tôi không có nỗi sợ cô đơn hay sợ bị lạc như những đứa trẻ khác luôn nằm trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ.

Suốt những năm ngồi ghế nhà trường chưa bao giờ tôi phải vật vã xin đi thăm quan, dù là đi nhiều ngày. Tôi chỉ cần thông báo là bố tôi cho tiền đi (mẹ tôi khi đó vẫn ở Mê Linh). Lên Đại Học tôi đi làm thêm kiếm tiền và tự chi tiêu. Ra trường tôi quyết định Nam tiến, chẳng phải khát vọng phượt phọt gì mà đơn giản để chấm dứt mối quan hệ với anh người yêu suốt những năm Đại học. Vì tôi không chịu được sự ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ nào. Tôi là 1 con chim tự do.

Tôi đi tàu vô Huế sống với lũ bạn trường Mỹ Thuật Huế (quen ở Sapa trước đó) rồi vào Sài Gòn tìm việc, ở nhờ nhà chị bạn thân của ông anh cùng cha khác mẹ, sống lay lắt bằng tiền dành dụm hồi SV). Rồi vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, sống với 1 gia đình người Tamil ở Sri Lanka. 1 thời gian khác thì sống với 1 cặp vợ chồng già người Thái ở Nakhon Nayok, Thái Lan. 1 thời gian sống với người yêu (giờ là chồng) ở Yangon, Myanmar. 1 thời gian sống với các phi công lái dù ở làng Kamshed, Ấn Độ. 1 thời gian sống với 2 cụ người Anh ở Sydney Úc rồi chuyển ra thuê nhà ở chung với 1 hội hợp chủng quốc (Anh, Ai Len, Canada, Úc) rồi lấy chồng theo chồng về làm việc ở châu Âu.

Nhìn lại quãng đường tôi đã đi qua có lẽ tôi chẳng phải dân phượt. Tôi chả có khao khát chinh phục cái gì. Tôi cứ đi theo dòng đời và số phận. Đâu cũng có thể là nhà nhưng đồng thời không nơi nào thực sự là nhà. Tôi rất thích câu nói của chồng tôi: "home is where my wife is". Đối với tôi, home không phải Việt Nam, không phải Thái Lan, không phải Myanmar, không phải Ấn Độ, không phải Sri Lanka, không phải Úc, không phải Thụy Sỹ mà home là nơi tôi về có chồng con ra đón!

birthday.jpg


sinh nhật năm 2002 ở nhà người Tamil, Putalam, Sri Lanka.
 
Last edited:
Em Biry viết bài này không thấy có Copyright, thầy "gần gũi" hơn rồi đấy :) Cũng long đong quá em nhỉ? (c)

Hôm rồi có xem chương trình Tìm người thân (phát sóng 1 tháng 1 số) trên TV, thấy có bao nhiêu là người bị thất lạc gia đình chỉ vì hồi bé trót dại đi lạc. Vậy nên chúng ta còn ngồi kể chuyện được thế này đều được coi là may mắn cả nhỉ? Giờ đường xá và con người phức tạp hơn xưa rồi, có lẽ topic này phải gắn Dấu kiểm duyệt cấm trẻ em dưới 12 tuổi ấy nhỉ, chứ để trẻ con học đòi, bắt trước là ... tiêu đấy :) Toàn tấm gương đáng :T :T cả.

Khởi duyên với Phượt không nhất thiết phải có Tuổi thơ dữ dội (đấy là căn Phượt), vẫn có thể do hoàn cảnh xô đẩy, giống nhà NaTo hay bác Kao Sơn ấy, bỗng dưng một ngày, thấy muốn ... trên đèo... ;)

Mời các bác tiếp ạ (beer)
 
Hư sớm ghê nhỉ? :)

Lại nói về cái sự “hư” này, cái mà tôi đã “trăn trở” suốt thời học cấp 1, 2.

Nói chung, tư duy 1 cách biện chứng thì con người chúng ta bi giờ là sự kết hợp của gia đình, xã hội và nhà trường. Nên giờ, ngoài cái “căn Phượt” (tôi là tôi ko dám quy trách nhiệm cho gia đình, thầy u tôi đâu ạ), giờ tôi lại bàn đến 2 cái yếu tố kia xem trách nhiệm đến đâu.

Với yếu tố nhà trường, tôi dứt khoát không đổ điêu rằng “cô giáo trường làng của em đang dạy em dang dở lớp 2 thì cô đi lấy chồng, từ bấy em lêu lổng”. Tôi cho rằng người châm lửa cho ý thích phiêu lưu của tôi là cô giáo dạy lớp 3. Cô ở ngõ Chợ Khâm Thiên nhá, ăn mặc, phong cách hơi bị sành điệu thời đó nhá. Cô dạy khá lôi cuốn, và đặc biệt là rất hay kể chuyện về những vùng đất, các địa danh được đề cập trong Sách giáo khoa, rất sống động, và lần nào cũng lên kế hoạch là lớp chúng tôi sẽ làm 1 chuyến picnic đến đó. Ví dụ cả lớp tôi sẽ thuê xe đi Đà Lạt thế nào, nhặt quả thông ra sao, đạp thiên nga trên hồ Than thở… và ăn bánh mỳ Gối thế nào. Chòy, chúng tôi cứ gọi là say sưa, đầu óc phiêu đến tận đâu ấy. Rồi còn bàn nhau rôm rả xem cái bánh mỳ Gối nó ra làm sao, tối gối sáng xơi được à; thế thì ngồi trên xe vừa ngắm cảnh, vừa vặt gối ra mà ăn thì còn gì thú bằng. Tôi về nhà khấp khởi bảo thầy u tôi chuẩn bị tinh thần để tôi đi Đà Lạt với lớp (u tôi chỉ ừ hữ, thế à), và lâng lâng mơ mộng mất một thời gian. Cái này không biết có phải gọi là “xui trẻ con ăn kít gà” ko nhỉ? Khi lớn khôn hơn rồi tôi có gặp 1 số người dẫu chưa đến nơi đấy, nhưng vẫn có khả năng “truyền lửa” kinh. Cái này sau nữa lạc vào Việtdu tôi mới biết người ta gọi nôm na là Phượt khẩu:shrug:.

Còn khi ấy, tôi mới hơn 8 tuổi đầu. Dù sao đi nữa, tôi vẫn rất quý cô.
Ngoài ra, cô còn hay gọi những đứa “hạng ruồi” trong lớp như tôi là Cái kẹo mút dở. Người ta hay nói “bé như cái kẹo” thôi, đằng này cô còn phải thêm “mút dở” nữa thì đủ biết tượng hình ra làm sao. Chả phải nói phét chứ cho đến hết cấp 2, tôi luôn có biệt hiệu “quắt” được gắn thêm sau cái tên thầy u tôi cho; do đó, tôi hay được xếp ngồi chỗ đầu tiên của bàn 1, càng nhấn thêm cái sự làm ngứa mắt thầy giáo chủ nhiệm cấp 2, vì bé thế mà sao hay đầu têu mọi trò, vụ kỷ luật nào thầy hỏi: có những ai, lại thấy ngay tôi đứng lù lù.

(Ngoài lề thêm về cái chuyện suy dinh dưỡng này. Về sau, cùng với sự phát triển của kinh tế trong nước và khoa học kỹ thuật tiên tiến thế giới, tôi mới được như các bạn thấy “sốc-offline” như ngày nay. Đứa bạn cũ của tôi bảo: thật là 1 cú tát vào mặt những đứa nào trước gọi bạn là “quắt” nhỉ:LL. Còn tôi thì bảo thầy u tôi: Xưa, thầy u nuôi con, con gầy gò ốm yếu thế; nay, con tự nuôi con, trông khác nhờ =)))
 
Lại nói chuyện vì sao suốt thời thơ ấu đấy, tôi cứ bị ấm ức vì bị quy kết (không phải là hư nhé), mà là Cá biệt. Thầy giáo tôi đúng chất nhà nho xưa, tuy trẻ nhưng phong kiến ghê lắm (chả thế mà thầy cứ nhất định bắt vợ sinh tù tì 4 đứa, sẵn sàng mất hết mọi danh hiệu thi đua và cơ hội thăng chức, quyết được thằng cu, nhưng lại ra dính 2 đôi dép lê liền, chẹp).

- Thầy bảo tôi lêu lổng (cái này thầy rất dị ứng). Tôi thấy tôi có lỗi gì đâu khi mà anh em tôi được nuôi thả sớm (từ lớp 3) trong khi nhiều bạn vẫn bị nuôi nhốt tới năm lớp 9? Chẳng qua thầy u tôi sợ cái cảnh thằng anh trèo qua cánh cửa ra trước, rồi banh cửa ở dưới cho con em chui ra, thế nào cũng có ngày ngã gãy chân, mà cửa thì chóng hỏng. Tôi có lỗi gì đâu khi nhà tôi gần trường, mỗi khi tôi theo chúng bạn trong xóm đi đổ dế, bắt cá, bát phố, đi xuyên ra sau trường để bơi ở Hồ Tây… thì lại bị thầy bắt gặp? :shrug:

- Thầy bảo tôi thỉnh thoảng nói bậy. Thật tình, ở xóm tôi, tôi được làm tấm gương con ngoan trò giỏi (gớm, chả gì cũng là con nhà kỹ sư bác sỹ mà), mà đến trường thầy nỡ dìm hàng tôi thế. Tôi biết nói léo là nói bậy, tôi ko nói đâu, dưng tôi lại chả biết eck cũng là nói bậy; tôi cũng chả biết gọi các bạn là “đồ nỡm” là ko văn hoá tẹo nào, vì ở xóm tôi chúng nó toàn nói thế, chả thấy bố mẹ chúng nó nhắc nhở. Thế là tôi bị hạnh kiểm Tốt -, có tháng còn bị Khá + nữa. Tôi thấy oan lắm í. Ở xóm, chúng bạn nhảy tàu điện là chuyện thường, vì đường tàu chạy ngang cổng. Nhưng nhiều khi tôi quyết đi bộ về (vì biết nhảy tàu là vi phạm nội quy), khiến anh tôi phải đi bộ theo, trong lúc chúng bạn toách phát, đi đi về về nhẹ tênh tênh; anh tôi cứ vừa đi vừa càu nhàu, không hiểu tôi mọc ra thứ “lương tâm trường học” ở đâu ra nữa. Thầy đâu có hiểu cho tôi.

- Rồi thầy bảo tôi hay đầu têu các bạn. Quá oan. Vâng thì tôi xui, nhưng việc các bạn làm theo đâu phải lỗi tại tôi. Nhưng mà từ hồi tôi học lớp 4 đã có phụ huynh dắt con đến giao cho tôi “cháu kèm cặp giúp đỡ bạn với nhé”. Sau này nhiều bạn đi đâu cũng đổ là “đi với bạn Ng”. Đấy, tôi oan cả đôi đường. Bài học đầu tiên tôi dạy các bạn là trang bị cho các bạn vũ khí lý luận để về tranh đấu với cha mẹ, thoát khỏi cuộc sống nuôi nhốt và tự đi học chứ ko cần bố mẹ phải đạp xe kè kè bên cạnh (NT)

Túm lại, hồi ấy tôi thấy ấm ức, tôi đâu có lỗi khi tôi không ngoan hiền bằng các bạn ở lớp (tôi vẫn ngoan hơn chúng bạn ở xóm cơ mà)(NO) Cũng may là điểm học của tôi ngon, nên thầy không ghét mấy, vẫn động viên tôi đúng lúc. Thầy xếp tôi vào loại Cá biệt (lêu lổng+ đầu têu bạn bè nhưng điểm ngon; chứ nếu điểm mà kém thì thầy cho tôi xuống loại hư ngay). Tôi cho là thầy đã có ảnh hưởng đến tôi khá nhiều lúc đó và sau này, cả bằng việc cứ hay trừ hạnh kiểm của tôi và cả bằng sự động viên tôi học hành. Sau này, nhiều lúc tôi cứ hay phải phân vân cái sự đúng- sự sai khi hành xử trong cuộc sống.

Được cái, ra trường lâu rồi nhưng các thầy cô vẫn nhớ tôi, phụ huynh cũng vậy. Sau này đến thăm thầy, thầy an ủi tôi: Em cũng khá cá biệt, nhưng khoá trước có chị còn cá biệt hơn em, thầy … vẫn chịu được!:shrug:

Thôi thì đằng nào tôi cũng đã bị Tốt – vì lêu lổng rồi thì … tới luôn. (nhưng vớ vẩn nhỉ, mình là mình Phượt chính nghĩa, cớ sao lại bị tính là lêu lổng chứ).
(beer)
 
Mọi người kể chuyện "tuổi thơ dữ dội" nhiều rồi, tớ xin hầu các bác cái duyên số lần đầu xuất ngoại của tớ.

Ra trường đi làm ngay, tớ nghĩ suốt đời mình chả bao giờ xuất ngoại. Phần vì lúc đó (khoảng 1992), VN cũng chả chơi với ai là mấy, và chỉ có vượt biên là con đường mà nhiều người ở trong Nam nghĩ khi nói đến xuất ngoại. Thỉnh thoảng ở nhà bác tôi nói tử vi thằng này bảo nó là cái chân đi, nhưng vượt biên là cái món mà cả nhà tôi không thích. Phần vì mình không có vàng để nộp, phần mẹ tôi sợ chỉ làm mồi cho cá.

Lúc đó mới ra trường nhưng lại vừa bị bồ bỏ, chiều chiều chả làm gì nên tôi đến các lớp học anh văn buổi tối, may ra tìm được em mới. :)) Nhưng cũng là tạm yên lòng người lớn tí thôi, chứ hễ ai hú bia bọt là tôi dọt liền. (beer)

Năm đó có 1 tập đoàn nước ngoài vào VN mời mấy suất từ Bắc - Trung - Nam đi Châu Âu học dài ngày. Dĩ nhiên là chẳng đến lượt tôi. Nhưng lúc đó có cái trò phỏng vấn tiếng Anh, nên mấy anh mấy chú trong cơ quan trượt hết. Với lại đi lâu quá nên mấy đại ca sợ mất mối. Trong mấy lần bia bọt tôi cũng có nói đang học tiếng Anh nên sau cùng, để giữ thể diện cho Cty, sau 3-4 lần đối tác lắc đầu, tôi được đề cử đi phỏng vấn lần cuối. Vì lúc ấy cũng sát ngày rồi.

Được tin mà tôi vui thì ít, lo thì nhiều. Vì mang tiếng đi học tiếng Anh nhưng tôi không có 1 cái bằng cấp nào cả, và đi học bữa đực bữa cái, vì còn tùy thuộc vô mấy chiến hữu nữa. Sợ quá tôi nhờ mấy tay bạn nhậu kèm cho tôi đến ngày phỏng vấn.

Rồi cái ngày phỏng vấn cũng đến. Tôi chẳng nghĩ ra được cái lý do đám cưới đám hỏi hay vợ đẻ con đau gì để từ chối. Đến văn phòng gặp thằng tây, nó mời tôi uống cafe, hút thuốc rồi trấn an tôi đừng lo lắng. Cuối buổi nó bảo tôi về. Ngơ ngác hỏi thế không phỏng vấn à? Nó lắc. Rồi tèo, nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhỏm và thưởng cho mình 1 chầu bia, cũng là để cám ơn mấy sư huynh đã chỉ giáo cho tôi.

Rồi bỗng dưng Công ty gọi tôi lên làm hồ sơ cho Công an họ về địa phương xác minh, rồi đi khám sức khỏe, rồi đủ các thể loại giấy tờ khác. Sau này hỏi lại thằng Tây bảo lúc nó động viên mình là phỏng vấn rồi. Có lẽ họ cũng mệt mỏi và cũng không còn thời gian. Hồi đó bức tường Berlin mới sập, chuyện người Việt chuồn qua Tây Đức là thường, và nói chi xa, bây giờ mà VĐV của VN còn trốn ở HQ nữa mà. Cả Công ty ai cũng chúc mừng vì có mấy ai được đi. Nhưng tôi cũng hơi ức vì mấy cha cứ nói, nó sắp đi đứt (tiếng SG thì đứt hay Đức gì cũng rứa).:(

Tôi có lần mò hỏi các vị trong đoàn xem tiếng Anh thế nào. Mới biết ai cũng C, toefl, cử nhơn,....hoảng quá tôi lao vào học tiếng Anh cho đến ngày đi.

Qua đó được mấy ngày tôi mới phát hiện ra mấy cha kia là bằng dỏm hết. Tội thân tôi nhỏ nhất đoàn vừa làm thông dịch vừa làm các loại chuyện vặt. Giờ nghĩ lại cũng cám ơn hoàn cảnh. (beer)

Lần đầu xuất ngoại thì ngố bà cố. Chỉ kể 1 chuyện như vầy. Quần áo mặc xong tôi bỏ vào giỏ ở trong phòng cho họ giặt. Quả nhiên đi học về thấy họ đã lấy. Ngày mai tôi chơi thêm 1 bộ nữa, chiều về cũng thấy đã lấy. Hoảng quá tôi hỏi thì họ nói cái giỏ đó là thùng rác, và họ đã đổ đi rồi. :((
Mua đồ mới thì không có tiền. Mà mua cũng chẳng được. Vì size của Tây to quá. Mà vừa size thì chỉ có đồ cho trẻ con. Thế là tôi cứ 2 bộ (may mà còn 2 bộ) đánh qua đánh lại. Mùa đông nên đồ cũng không dơ mấy. Tôi còn nhớ lúc đó phải gọi nhờ điện thoại của bà tôi. Hẹn trước mẹ tôi qua nhà bà và tôi gọi điện về. Hình như mẹ tôi còn khóc nữa. Cũng chả biết vì lý do gì, nhưng tôi cũng động viên qua loa. Mẹ tôi đâu biết cuối tuần, mấy sư huynh toàn dắt tôi đi đèn xanh đèn đỏ. Mà hồi đó thích thật, vì ở VN chưa bao giờ được xem cái gì sex cả, kể cả của cô bồ cũ. X(

Sau này còn mấy bận đối tác mời đi đây đi đó. Toàn gấp. Gấp là 1-2 tuần chứ cũng chả gấp gì mấy. Nhưng ông trưởng phòng tổ chức lúc nào cũng nói chỉ có nó đi được, vì nó "giỏi" tiếng Anh với nó có passport sẵn. (c) Tiếc là ông ấy về hưu cũng lâu rồi.
 
Em bon chen phát về việc em đi rong suốt ngày ngoài đường.
Từ bé đến lúc 18 tuổi em chỉ biết đến có 1 con đường từ nhà đến trường và ngược lại, đến năm 2 đại học vẫn thế. Nhưng sau đó vì con bạn nó rủ rê nên bon chen theo nó đi làm part times kiếm tiền. Em vốn là mọt sách nên kiếm được bi nhiêu thì mua sách hết bấy nhiều, hết tiền thì lại ở lì trong nhà sách đọc chùa. Trong 1 lần tha thẩn trong nhà sách đọc chùa thì lọt vào dãy sách về danh lam thắng cảnh, từ đó trở đi 1 nửa tiền mua sách, 1 nửa tiền để đi ạ.
Và từ sau khi đi làm thì do bản chất công việc nên suốt ngày chỉ ngồi ôm cái máy tính đánh vật với mấy con số, nếu không đi sẽ bị mấy con số vật chết thế là lại đi, càng ngày đi càng hăng.
 
Thế rồi, cũng có lúc các bạn chán đi đấy, như tớ chẳng hạn.

Hay là ta lại lập tiếp topic: giã từ phượt dư nào.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,013
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top