Sau bữa sáng chúng tôi lên xe đi Khánh An. Trên xe ngoài tôi và anh Hoài, còn có thêm 2 ông xuôi của anh Hoài và anh con rể, là người tài xế.
Xe chạy qua cầu Cồn Tiên và dọc theo TL956. Bên kia cầu là một làng dân tộc người Chăm. Chúng tôi cũng dành ít thời gian ghé thăm quan Búng Bình Thiên, búng có nghĩa là một cái hồ rộng. Anh Hoài cho tôi biết nơi đây vào mùa nước nổi, họ có tổ chức những ngày lễ hội vào chung với ngày Lễ Quốc Khánh 9 tháng 2.
Chúng tôi đến Xã Khánh An vào lúc gần 11 giờ trưa. Trước tiên chúng tôi ghé nhà anh Hùng, cũng là một nhà văn. Hôm nay anh ta sẽ là người đãi cho chúng tôi các món ẩm thực đồng quê.
Chúng tôi ghé vào một cái quán lụp xụp trong một cái xóm nhỏ, không có cảnh đồng quê như tôi mong muốn, nhưng anh Hùng biết nơi đây, chủ quán nấu ngon nhất.
Thế là mới 11 giờ là chúng tôi bắt đầu nhậu. Các món ăn hôm nay là: Rắn Bông Súng hầm Sả (trong đó có cả củ cải tươi, củ cải muối và đậu phọng), óc bưu luộc chấm mấm nêm và cá sặc, cá trạch khô nướng ăn với thơm và rau sống. Tôi thì không hảo món thịt rắn cho lắm vì da rắn dai lắm, thịt rắn thì ít mà lại nhiều xương, nhưng nước súp thì ngon tuyệt. Món cá sặc phơi một nắng cũng quá đã luôn, béo ngậy.
Món óc thì tôi cũng không mấy thích khi chấm mấm nêm, tôi thấy không hợp khẩu vị. Nhưng con ốc ở đây ngon là ở độ tươi.
Tôi được biết nguồn ốc bưu và ốc đít bằng tại đây đã cạn kiệt. Hiên giờ người ta phải chạy qua bên kia ranh giới và đi sâu vào đến gần ranh giới Thái Lan, họ mới đánh bắt được loại ốc này. Bên phía đối diện quán có một nhà chuyên thu mua ốc, và tôi có cơ hội qua đó trò chuyện và chụp vài tấm hình. Tôi biết thêm, phần lớn số ốc bưu mà họ thu mua tại đây, sau khi phân chia ra loại, họ vận chuyển về tới Hà Nội và lúc đó giá sẽ trở thành 130 ngàn một kg. Hèn chi cách đây gần 2 năm, tôi ăn một bát bún ốc, loe ngoe có vài con, mà phải trả giá 30 ngàn đồng, chắc bây giờ còn mắc hơn.
Nói về ốc anh Hoài cho tôi biết một món đặc biệt mà bây giờ chỉ là ký ước mà thôi. Hồi xưa, khi người ta chỉ trồng lúa có một mùa, mỗi lần cấy đất vào tháng 3, người ta bắt được những con ốc nằm trong ruộng, người ta chỉ cần rửa cho sạch bùn, rồi đem nặn ít chanh mà không có chanh thì vò lá rau răm hay lá rau om, rồi đem nhét vào con ốc. Thịt ốc sẽ chín và ăn giòn tan. Còn những con ốc mà bắt trong sông thì thiếu độ béo, sẽ không làm được món này. Giờ nay ruộng lúa được canh tác đến 3 vụ, người ta nào dùng phân, nào dùng thuốc, thì những con ốc sống trên ruộng, sống không nổi nữa, thế là tôi sẽ không có dịp thưởng thức món này và cũng sẽ không ai được biết tới món này nữa.
Rồi sau này tôi cũng biết thêm một món, đó là họ bắt đám óc mà họ cầy lên được, họ treo lên gác bếp để ăn dần cả vài tháng trời. Loại ốc này làm rất đơn giản, họ chỉ lấy xuống và bỏ trực tiếp vào nồi luộc. Những con ốc đấy lạ thây không chết mà vẫn sống tươi nguyên mà lại còn béo ngậy.
Năm nay mùa nước nổi không dâng cao như mọi năm và đã rút sớm, nên tôi không chứng kiến được cảnh mùa nước nổi.
Những người dân họ cũng lệ thuộc vào mùa nước lũ, vì không có lũ, thì cá của biển hồ cũng không tràn về đây và việc đánh bắt cá trên sông cũng không mang lại kết quả đáng kể.