- Không được chụp ảnh! Không được phép chụp ảnh!
Tất cả máy ảnh của du khách đều bị "tịch thu" trước khi vào Thung lũng các vị vua. Điện thoại thì họ không thu nên chúng tôi vẫn mang vào bình thường. Phía trước mỗi căn hầm mộ có một nhóm người kiểm tra vé và đi theo du khách để chắc chắn họ tuân thủ nội quy. Nhìn các gương mặt "chờ đợi" của các tay soát vé là tôi biết ngay kiểu gì cũng có "cửa" làm ăn. Cuộc "mặc cả" bắt đầu:
"100 đồng bảng cho 1 tấm hình." Tay Ai Cập hét giá... Một cái nhún vai và tôi đút tay túi quần lơ đễnh bước đi không cần để ý. "Thôi được, 50 đồng bảng cho 1 tấm hình nhé". Nhìn vẻ mặt thấp thỏm chờ đợi của anh chàng Ai Cập, tôi lại càng tỏ vẻ nhởn nhơ không vội vã... "Thôi được rồi, giá cuối cùng: 20 đồng bảng. Chụp hình thoải mái nhưng không được phép để người khác thấy đấy nhé!". "Okie!". Tôi nói rồi chui vào căn hầm sâu hun hút dưới lòng đất, không khí ngay lập tức mát rượi chứ không nắng oi ả như ngoài kia...
Hành lang vào một hầm mộ... Trong tổng số hơn 60 lăng mộ được tìm thấy, chỉ có một số là mở cửa cho du khách (vì lý do an toàn, các hầm mộ phải còn tương đối chắc chắn thì du khách mới được phép vào). Nhà cầm quyền hạn chế số lượng du khách vào hầm mỗi ngày để khống chế độ ẩm hơi nước có thể làm hư hại các hình vẽ (độ ẩm không khí ở đây rất thấp là lý do các hiện vật vẫn được lưu trữ rất tốt đến ngày nay, trong khi nhiều người vào quá sẽ làm tăng độ ẩm không khí dưới đất và làm hư hại chúng).
Tay Ai Cập soát vé kiêm luôn nhiệm vụ "ra giá" cho việc chụp ảnh... Tất cả các bức hình đều được chụp bằng điện thoại, và chụp một cách lén lút. Kiểu như ăn vụng trộm vậy... Rất thú vị!
Hầm mộ thường được xây trước khi vua Pharaon băng hà khoảng 15 năm. Câu hỏi là: Làm sao biết mình chết năm nào mà xây hầm mộ trước 15 năm? Tôi không rõ! Nghe nói có một hầm mộ chưa xây xong thì vị Pharaon lăn đùng ra chết. Báo hại cả đội xây dựng làm cật lực cũng không xong, và vẫn còn dang dở.
Ấn tượng đầu tiên với du khách là 3.000 năm trước, chỉ với bằng hai bàn tay, cộng với sức người và vài dụng cụ giản đơn, làm sao người Ai Cập cổ đại có thể xây một hầm mộ đẹp đẽ, thẳng thớm như vậy? Định vị xây dựng như thế nào? Vì thường khi đào hầm người ta hay bị lệch hướng sang trái, sang phải nhiều lần để rồi đường hầm trở nên ngoằn nghèo như con rắn... Không phải là đường hầm 60-70m trong Kim tự tháp, mà ở đây dài 300, 400m, có nơi dài 600-700m, với nhiều phòng ốc và nhiều nhánh rẽ khác với lối đi chính. Có thể hình dung lớp đá vôi phía ngoài cùng hẻm núi còn tương đối mềm và dễ đào xới, nhưng lớp đá phía trong mới thật phức tạp, càng đào sâu thì lớp đá bên trong càng khó dự báo: có chỗ thì cứng, có chỗ lại mềm quá có thể gây sập hầm (trong hầm không có trụ chống gì cả). Làm sao họ xây dựng được? Và tất cả còn mới như ngày hôm qua?
Đường hầm dốc thẳng xuống lòng đất, chia làm nhiều tầng, ngăn cách bởi những chiếu nghỉ (giống cầu thang ở nhà vậy). Hầm mộ còn quan trọng hơn cả cung điện, vì cung điện vua chỉ sống trong đó cùng lắm là 100 năm, còn đây là cả nghìn năm. Quan trọng hơn cả, hầm mộ phải có những hình vẽ điêu khắc thể hiện những nghi thức tín ngưỡng phức tạp, hướng dẫn linh hồn Pharaon cách để lên được thiên đường. Toàn bộ công việc trang trí hầm mộ phải được hoàn thành trong khoảng thời gian chính xác 70 ngày. 70 ngày là khoảng thời gian để các thầy tu thực hiện nghi thức ướp xác Pharaon, gồm nhiều công đoạn nối tiếp nhau, từ rửa sạch xác chết, tẩm ướp hương liệu, đến mổ xẻ lấy ra toàn bộ nội tạng, não (trừ trái tim) cho vào bốn cái bình lớn, dùng sáp (nhựa cây) phủ lên cơ thể, ngâm trong bể chưa hóa chất tự nhiên (ví dụ như muối) v.v...