What's new

Ký sự Ai Cập.

Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?

Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!

Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…

Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!

Bởi vì…

“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”
 
Khách sạn của Samas (thực chất là của ông bố hắn giao cho hắn quản lý) ở vị trí khá thuận tiện: ngã ba trung tâm thành phố. Ông bố Samas trước khi về hưu từng giữ vị trí quản lý cao nhất của vùng New Valley (gồm 03 ốc đảo), tất nhiên rất quyền lực. Quyền lực được ông tô điểm thêm bằng vô số tấm hình chụp với chính trị gia này nọ treo mọi ngóc ngách tại tràn tiền sảnh khách sạn. Với những người "yêu" bản thân mình đến mức đó thì thường là... gia trưởng. Người ông ta cao nhẳng, gầy đét, mặt diều hâu, mũi khoằm, nói gằn giọng luôn áp đảo đối phương. Xã giao mấy câu thôi nhưng chứ thật tình không muốn nói chuyện lâu với kiểu người này.

Rồi cũng chẳng có gì đáng nói nếu như buổi tối nọ không có 6, 7 chiếc xe cảnh sát chạy tới đậu trước nhà ông anh Samas (ngay kề bên khách sạn tôi trú ngụ). Cảnh sát thông báo có người điện thoại cảnh báo ông anh Samas có... bom trên xe, nên cảnh sát đến yêu cầu kiểm tra an ninh. Đương nhiên, chẳng có bom xe lẫn bom xăng nào cả vì đây chỉ là tin đồn thất thiệt ! Tuy nhiên, giữa lúc cả nước Ai Cập rất nhạy cảm với cụm từ "bom xe" thì đây có thể gọi là hành động phá hoại. Thà rằng thông báo có bom trong.. toalet, bom trong phòng ngủ, bom ngoài vườn cây bất cứ đâu cũng vẫn ít nhạy cảm hơn là bom... xe!

"Kinh doanh, anh biết đấy Đông, ông anh tao làm kinh doanh nên có nhiều người không thích!", Samas giải thích. Hắn ta sau đó xin số điện thoại của anh bạn ký giả của tôi ở Cairo - Mostafa Fathi - để nhờ "điều tra manh mối" về cái người đã gọi điện thoại báo cảnh sát. "Tao nghi ngờ cảnh sát ở đây tham nhũng hết rồi. Không thể tin tưởng được!", hắn nói. Tay bạn Mostafa Fathi của tôi đương nhiên không quen biết ai ở Dakla cả, nhưng hắn có anh bạn là cảnh sát ở vùng lân cận, El Kharga. Mostafa Fathi nói là là sẽ hỏi giùp cho tay Samas. Tôi không rõ câu chuyện như thế nào, nhưng sau đó có một anh cảnh sát xuất hiện trước khách sạn. Anh ta cứ ngồi lỳ trước khách sạn tôi trú ngụ từ sáng sớm và không đi đâu cả. To cao, đeo quân hàm, phù hiệu, hông mang súng ngắn. Để làm gì ư? "Để bảo vệ an ninh cho anh, du khách tại Dakla!", Samas nói.

Hừm... Đương nhiên là tôi không thích! Vì như vậy càng tăng thêm sự chú ý của dân địa phương. "Buổi tối anh có thể về nhà chứ?". Tôi hỏi anh cảnh sát. Anh thân thiện cười lắc đầu. Tối hôm đó anh ta mang theo chăn màn đến ngủ luôn tại tiền sảnh khách sạn. "Hừm... Giả sử có nổ bom xe thật thì một tay cảnh sát có thể làm được gì chứ". Tôi nghĩ thầm.

IMG_20150720_123320_zps0su7skfb.jpg


Cảm giác có người theo dõi các hoạt động của mình như vậy rất khó chịu, đành rằng đây là ý tốt! Vâng, xứ sở "Nghìn lẻ một đêm" có thể trở thành "Nghìn lẻ một ... quả bom" bất kỳ lúc nào. Từ đó, mỗi khi nghe tiếng xe máy nẹt pô hay tiếng động lớn ngoài đường phố ban đêm là tôi lại giật mình thon thót. "Ai rồi cũng... "đi xa"! Nhưng "đi xa" trên sa mạc tại một đất nước xa xôi bởi một quả bom vô thưởng vô phạt thì đúng là lãng xẹt...". :lol:

Một buổi trưa, Samas mang tới cho tôi phần cơm của mẹ hắn nấu. Đây là phần cơm nấu ngon nhất, giống khẩu vị Việt Nam nhất từ khi tới Ai Cập đến giờ. Vừa ăn tôi vừa nghĩ bụng tên Samas thật may mắn khi có người mẹ nấu ăn ngon như vậy:

IMG_20150720_115834_zpsctbhkwvd.jpg
 
Để thực hiện điều số ba, tôi và Samas lủi theo cửa sau khách sạn để không bị anh cảnh sát để ý, rồi cứ thế chúng tôi chạy tầm 30-40km vào sa mạc...

IMG_20150720_184002_zpsttdzqqpi.jpg


Để làm gì ư? Để... ngủ!

IMG_20150720_190150_zpsxbwsjq61.jpg


Tay này thấy tôi vừa bung lều lên thì tí tởn chạy lại đòi... mua! "Đông, cho tao chiếc lều này nhé. Tao sẽ mua lại cho mày một món quà". Người Ả-rập nổi tiếng giỏi về buôn bán, từ lâu đã thông thương hàng hóa với nhiều nơi trên Thế giới. Quyển sách "Người bán hàng vĩ đại" đề cập tới triết lý bán hàng thành công - Cho đi trước khi nhận lại - cũng xuất phát từ câu chuyện một người buôn Ả-rập. Tôi thừa nhận lý thuyết trên là đúng. Đa số người Ai Cập tôi gặp đều có khả năng thuyết phục bán hàng rất tuyệt vời, kỹ năng sành sỏi. Nhưng trong trường hợp này, tay Samas rõ ràng không biết hắn đang đề cập tới cái gì: Đây không phải là cái lều bình thường!

Tức đây là cái lều... bất bình thường! Bất bình thường ở chỗ kể từ khi mua nó cách đây 5 năm, sử dụng nhiều lần: ngủ lần đầu từ Thụy Điển tới Na Uy, tới cắm trại ở độ cao 4.000m gần biên giới Tây Tạng, tới ngủ tại Grand Caynon năm ngoái, mà chưa lần nào ... giặt! :lol: Chưa giặt lều bao giờ! :lol: Nên rõ ràng là bất bình thường!

"Xin lỗi! Anh đang đề cập tới chuyện mua một chiếc lều. Nhưng đây là chiếc lều không phải để bán! Tôi có thể tặng chiếc lều này cho một người bạn trẻ tuổi nào đó với ước mơ vòng quanh TG trên xe gắn máy, còn bán thì không!" Tôi nghĩ bụng và nhìn tay Samas. Cũng trạc tuổi tôi mà mặt lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề, cả ngày bói không ra được nụ cười trên mặt... Nói vậy thôi chứ hắn là một người rất tốt bụng!

IMG_20150720_184637_zpsxtjjhfsd.jpg
 
Hoàng hôn dần buông xuống nhuộm một màu vàng nhạt lên sa mạc. Bầu trời ban ngày lúc nào cũng không một bóng mây, nắng chói chang thì bắt đầu buông rèm sân khấu cho muôn vàn tinh tú xuất hiện. Cả triệu vì sao long lanh, lấp lánh trên bầu trời trong xanh. Khí hậu sa mạc chứa ít hơi nước nên không làm ánh sáng phát ra từ các ngôi sao bị khúc xạ, cả ngôi sao nhỏ nhất, xa nhất vì vậy cũng có mặt trên sân khấu mang tên Dải thiên hà. Cứ vài chục phút lại thấy một ngôi sao băng xẹt qua, điều tôi đã không thấy từ sau chuyến đi Tây Tạng. Chỉ có bầu trời trên cao nguyên Tây Tạng mới có thể quan sát rõ cả triệu ngôi sao như vậy. Nhưng thiên nhiên ở độ cao 4.000m rất khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 0 độ C và băng giá bám đầy lều, tiết trời ban đêm như vậy khiến “khán giả” muốn chui vào lều tránh rét hơn.

IMG_20150720_185442_zpsgcnslwtc.jpg


Nhìn cảnh sa mạc, bất kỳ một tay moto nào cũng muốn lái một chiếc xe địa hình mà lao vào khám phá: không đường sá, không nơi đến cụ thể, không luật lệ, không giới hạn… Giới hạn lúc này chỉ là bạn và khả năng của chú ngựa sắt tới đâu, đi được bao xa???
Đốm lửa trại được nhóm lên... Đi moto tới vùng đất nào đó mới, được cắm trại và đốt lửa là điều đáng mơ ước. Thật tế cắm trại chẳng mấy khi được nhóm lửa, ở chuyến đi Mỹ năm ngoái duy nhất được 01 lần (vì lý do cháy rừng nên đa phần cấm lửa trại), ở Châu Âu thì còn chẳng được lần nào. Khi nhìn ngọn lửa trong bóng đêm tịch mịch sa mạc Châu Phi, trong một không gian như vậy chúng ta cảm thấy như được trở về với phần tổ tiên xa xưa tưởng như đã biến mất hẳn trong con người mình...

IMG_20150720_204832_zpstzgkp0ww.jpg
 
Kéo vali ra khỏi khách sạn khi tay cảnh sát còn đang mơ ngủ trên ghế salon, tôi ra xe bus tới Thành phố Assut từ đó đi tiếp tới Thành phố Luxor. Chính thức ra khỏi sa mạc bắt đầu tìm hiểu cuộc sống dọc lưu vực sông Nile phía Nam Ai Cập!

Chiếc xe bus cũ kỹ vừa lăn bánh thì cũng là lúc tôi áp dụng "chiến thuật" cũ: mon men tới nói chuyện với bác tài xế, đồng thời xin phép ngồi cạnh đó để ngắm cảnh hai bên đường. Bác tài nhiệt liệt hoan nghênh và còn cấp cho tôi một cái đệm lót dưới sàn xe cho đỡ đau mông. Trong xe có thể nóng nực chứ vị trí lái xe của bác tài luôn mát mẻ, điều hòa hoạt động hết công suất, và đương nhiên các lời mời uống trà, ăn bánh luôn được gật đầu ngay mà không cần phải nhắc lại...

Xe chạy bon bon được một lúc thì lốp sau bị hư cần phải thay thế, toàn bộ hành khách xuống xe tìm bóng râm ngồi đợi... Tôi quan sát thấy người Ai Cập nói chung có cách nói chuyện nhìn rất căng thẳng, hai bên (mặc dù không có gì to tát) vẫn lớn tiếng dữ dội như sắp sửa đánh nhau, không ai chịu ai và dường như không có sự tôn trọng đối phương. Một chuyện nữa, đó là chủ đề ưa thích của đàn ông mỗi khi hỏi du khách vẫn là về... phụ nữ. Lập gia đình chưa? Có mấy con rồi? Có bạn gái chưa? Mày xxxx lần nào chưa? v.v... và v.v... Theo tôi, vì tín ngưỡng Hồi giáo khắt khe (so với Việt nam), việc gần gũi nam nữ hoàn toàn bị cấm cho đến khi lập gia đình (và không có "phở", "cháo" gì khác), lại ít bia rượu, nên chuyện họ quan tâm nhiều tới chủ đề trên cũng là dễ hiểu. :D

Tranh thủ lúc sửa xe mấy tay đàn ông ngồi tám chuyện:

IMG_20150722_094305_zpsnbsewohm.jpg


IMG_20150722_094323_zpslkertyzv.jpg


Xe không sửa được! Một chiếc xe khác cà tàng tới và chúng tôi phải leo lên nhập chung để đi tiếp. Vị trí ngon lành của tôi ở hàng "tiền đạo" do đó không còn, thay vào đó là "hậu vệ": ngồi hàng ghế cuối cùng của xe và nóng như đổ lửa. Hành khách trên xe cũ và hành khách mới (từ xe tôi) cãi nhau kịch liệt tìm chỗ ngồi, có người văng tục chửi thề nhà xe nhưng vẫn phải đứng suốt trên đường đi (vì cũng chẳng còn xe nào khác). Dân địa phương nói chung nhiều người hôi hám và ăn mặc khá bẩn thỉu. Áo quần, tay chân cáu ghét... Vệ sinh cá nhân của nhiều người rất tệ! Tôi ngồi cạnh một tay thanh niên mặt mũi thân thiện nhưng bốc mùi kinh khủng. Bộ áo hắn mặc như kiểu vài tháng chưa giặt, từ màu trắng (có lẽ) thành màu cháo lòng. Mỗi lần hắn giơ cánh tay lên gối đầu thì "Thôi rồi Lượm ơi", mùi hôi nách xông ra muốn ói lộn ruột ! Cái mùi khiếp không thể tả! Suốt sáu tiếng đồng hồ, tôi chỉ cầu thánh Alla cho hắn đừng có giơ tay lên khoe nách mà thôi...

Sáu tiếng trên xe bus tới Tp. Assut tôi quyết định đi tàu tiếp tới Tp. Luxor mà không nghỉ lại. Kéo cái vali nặng trịch giữa trời nắng chang chang tìm ga xe lửa, đầu óc vẫn chưa hết quay cuồng với cái mùi hôi nách của tay Ai Cập, mà bụng đói meo... Trổ hết sức bình sinh lê lết tới ga xe lửa. Hết vé! Tôi quyết định sẽ mua vé tàu đứng đi Luxor vào buổi trưa cùng ngày. "Đứng thì đứng, cùng lắm là như tàu chợ Việt Nam đứng phía ngoài khoang thôi chứ gì...", nghĩ bụng tôi đi tìm mua mấy món ăn bậy bạ cho đỡ đói, chờ lên tàu.

Một lần nữa, kinh nghiệm đã có trong quá khứ lại trở thành con dao hai lưỡi: Đây không phải là tàu chợ như Việt Nam mà còn đông đúc hơn nhiều. Cả nghìn người ùa như kiến vỡ tổ khi đoàn tàu vừa dừng bánh, cảnh tượng chen lấn như kiểu nhồi thịt người trong tàu cao tốc ở Nhật Bản. Không còn một chổ để đứng cho đàng hoàng đừng nói phải chen lấn cái vali to tướng. Biết là quyết định sai lầm nhưng đã quá muộn để quay trở lại: đám đông cứ thế ùn ùn kéo lên...

IMG_20150722_183924_zpskay43j5y.jpg


Đoàn tàu lăn bánh được một lúc thì đám thanh niên địa phương bắt đầu lấy thuốc ra hút, còn tôi lắc lư một lúc trên một chân thì thấy đuối, muốn tìm chỗ ngồi mà không có. "Căng đây, sáu tiếng đứng trên tàu kiểu này chắc ngồi xe lăn quá!". Tôi thầm nghĩ trong đầu, mắt quan sát và nhẩm tính. Đứng cạnh tôi là ông già làm nhiệm vụ mở khoang đựng hành lý của khách, tôi lấy ra mấy tờ tiền cố giải thích rằng nếu ông tìm cho tôi chỗ để ngồi thì tôi sẽ gửi cho ông tiền. Ông già gật đầu ra bộ hiểu ý và mở chìa khóa khoang hành lý kích thước cỡ 70x50. Sắp xếp lại hành lý trong khoang thì vẫn còn chỗ trống vừa đủ để kê cái mông, tôi cảm ơn, gửi ông 10 đồng Ai Cập, và cuộn mình lại như con mèo cố làm một giấc giữa mùi khói thuốc, mùi hôi và tiếng động từ cả trăm thứ âm thanh gộp lại... Amen!

IMG_20150722_142813_zpsrgebghyv.jpg


IMG_20150722_142443_zpsv12sqexg.jpg
 
Thành phố Luxor, phía Nam Ai Cập, bị sông Nile chia cắt làm 02 phần: Phía Đông thành phố là nơi dân cư đông đúc sầm uất, tập trung các tòa nhà hành chính, khách sạn, gọi là East Bank. Phía Tây diện tích nhỏ hẹp hơn, cư dân phần lớn làm nông nghiệp, du lịch, gọi là West Bank. Phần lớn việc di chuyển giữa hai bờ là bằng xà lan. Các sà lan và tàu nhỏ hoạt động tấp nập dọc hai bờ sông để chuyên chở khách qua lại. Từ nhà ga xe lửa, tôi đi taxi tới bến phà, sau đó đi tàu qua bờ Tây, đi bộ tiếp hơn 500m tới khách sạn. Giá vé là 5 đồng bảng/lượt cho tàu nhỏ cao tốc, và 1 đồng bảng cho tàu lớn hai tầng.

Dù vị trí địa lý có sông Nile chảy qua, Luxor có khí hậu nóng và khô như sa mạc. Nhiệt độ tại Luxor nóng hơn nhiều so với tại Cairo, thậm chí có ngày lên tới hơn 40 độ C. Tóm lại, Ai Cập như một đất nước không... bóng mây. Từ khi qua Ai Cập đến nay, thấy được bóng mây trên bầu trời cũng giống như được nhìn thấy ... nguyệt thực vậy, rất hiếm! Còn nếu có mưa giữa mùa hè thì có thể ví với việc nhìn thấy... nhật thực, không bao giờ xảy ra! Do đặc điểm thời tiết, cư dân Luxor giữ thói quen "Thức khuya, dậy trễ" cho tiện việc sinh hoạt. Tầm 6h đến 10h sáng đường phố rất thưa thớt, hàng quán còn chưa mở cửa. Đây là thời điểm một tay Châu Á vẫn duy trì thói quen "Không thức khuya, không dậy trễ" tản bộ ra sông Nile. :D

IMG_20150727_095754_zpshf93jypr.jpg


Bến phà Luxor:

IMG_20150727_100207_zpsqoiuowwd.jpg


20150726_113828_zpsiqyl3bwo.jpg


Ước mơ lãng mạn của nhiều chị em phụ nữ đó là một lần đi thuyền trên sông Nile êm đềm, thơ mộng vào buổi chiều (sáng) ngắm hoàng hôn (bình minh). Tôi thì không có ước mơ đó, nên không biết nguồn gốc xuất xứ của ước mơ đó từ đâu? Ngờ rằng dưới tác động của sách báo, phim chưởng... ý lộn... sách báo, phim ảnh đã làm nên giấc mơ đó chăng? Nếu đúng vậy thì phương tiện truyền thông ngày nay đã có sự tác động rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ của con người. Bởi sự thật, theo tôi, sông Nile cũng... bình thường! Cái thú vị hơn con sông là văn hóa ở đây. Vượt qua trở ngại là hàng chục những anh chàng cò mồi mua hàng, lao tới giựt áo, giành hành lý du khách, mời lên xe, đi tour để hòa vào nhịp sống bình thường của người dân Luxor, để tìm hiểu thói quen, tính cách và sinh hoạt hằng ngày của họ, thì bạn sẽ thấy Ai Cập có nhiều điều thú vị...

Người dân địa phương trên tàu. Nhiều người tò mò quan sát tôi trong khi tôi tò mò quan sát họ. Có người đàn ông địa phương tới bắt tay với tôi và hỏi dăm ba câu. Bà vợ to béo choàng áo kín người, đứng phía sau lưng ông chồng, bị ông chồng giục liên tục cũng tới bắt tay và cười... Té ra Hồi giáo cũng không đến nỗi khắt khe lắm! :lol:

IMG_20150727_081018_zpsavd0d2wa.jpg


Sông Nile vào buổi sáng sớm:

IMG_20150724_063920_zpsdhthc2ob.jpg
 
Đền Kanab

Đền Kanab (Tên Tiếng Anh: Kanab Temple) nằm ở phía bờ Đông, là địa điểm tôi tới thăm đầu tiên khi tới Luxor. Người Ai Cập cổ, cũng như nhiều giống dân khác, thờ rất nhiều vị thần trong tín ngưỡng của họ. Thần Đất, Thần Nước, Thần Phân bón, Thần Mặt trời, Thần Chết, Thần Nông nghiệp v.v... sẽ bảo vệ cho người dân khỏi các điềm xấu, may rủi. Ước chừng có hơn 400 vị thần tồn tại trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Sau một năm trồng trọt nông nghiệp, người Ai Cập cổ tin rằng đất đai, nước nôi nuôi sống họ sẽ trở nên "mệt mỏi" (giống như con người vậy), các vị thần sẽ mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Đền Kanab là nơi người dân tổ chức các buổi cúng tế dâng lên các vị thần, dưới sự chủ trì của các nhà sư và nhà vua. Đền cũng là nơi tổ chức tiệc tùng vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc của người dân xứ Thebes.

Tín ngưỡng đó không thay đổi suốt nhiều trăm năm. Đền Kanab, do đó, lần lượt được hàng chục vị Pharaon nối tiếp nhau xây dựng, mở rộng, hoàn thiện để dần trở thành ngôi đền rộng thứ hai trên Thế giới, sau quần thể di tích Angkor Wat Campuchia. Đáng tiếc là đền Kanab đã bị phá hủy nhiều do con người và thiên nhiên, những nỗ lực khai quật, phục chế của các nhà khoa học sau này dù sao cũng đem đến cho du khách một cảm nhận hùng vĩ về ngôi đền nghìn năm tuổi này...

Thời điểm sáng sớm là lúc thích hợp nhất để viếng thăm vì thời tiết còn khá mát mẻ. Tôi là một trong vài vị khách đầu tiên vào buổi sáng đó, tới nơi khi người bán vé vẫn còn đang... ngủ! (Tuy nhiên, cảnh sát ở vòng ngoài thì lúc nào cũng thấy súng ống sẵn sàng).

Hàng nhân sư xếp hàng hai bên lối vào đền:

IMG_3723_zps7xbchdwd.jpg


Qua được hàng nhân sư, chúng ta phải đi vào một lối đi hẹp xuyên qua bức tường thành cao vài chục mét. Một phần của bức tường được chụp từ bên trong:

IMG_3636_zps647zy0cn.jpg


Thủ đô của xứ Ai Cập lúc này không còn ở Cairo nữa, mà được dời về Luxor (có lẽ vì họ thấy vị trí phía Bắc xa xôi của Cairo, và muốn dời về nơi nào ở giữa đoạn sông Nile, nằm gần Tp. Aswan ở phía Nam hơn). Tên gọi khi đó của nó là Thebes.

IMG_3646_zpsyi7qkklg.jpg


Tư thế bức tượng với hai tay đặt chéo nhau lên ngực là biểu tượng quyền lực chỉ có của Pharaon. Không chỉ có tượng mà xác ướp của vua cũng được đặt chéo tay lên ngực như thế! Đầu đội chiếc mũ (head cover) xòe rộng ra nhìn có vẻ... bề thế. Kích thước cơ thể của nhiều vị Pharaon thật ra không to lớn lắm, một số bức tượng nhỏ còn mô tả vua có đầu hói, bụng phệ và ục ịch. Xác ướp trong Bảo tàng Ai Cập tại Cairo cũng cho thấy chiều cao thật sự của các Pharaon phổ biến dưới 1.7m. Nhưng tượng của các Pharaon thật sự hoàn hảo với tỉ lệ chiều dài tay, chân đẹp, vòng eo nhỏ, vai rộng. Có thể đây là tiêu chuẩn vẻ đẹp mà người Ai Cập cổ hướng đến chăng?

IMG_3653_zpstm9irazr.jpg
 
Chính giữa ngôi đền là một "quảng trường" với các cột đá chạm trổ đứng sừng sững. Tôi không biết ý nghĩa của các hình ảnh chạm trổ này là gì? Chỉ thấy sự tinh xảo, mêng mông và màu sắc vượt thời gian của chúng cũng là đáng kinh ngạc:

IMG_3669_zpsh99fus0k.jpg


IMG_3662_zpsiafjuzjr.jpg


IMG_3663_zpsngxkuoep.jpg


Bên cạnh các họa tiết tinh xảo thì màu vàng cát sa mạc của ngôi đền, kết hợp với màu xanh biêng biếc của bầu trời là điều mới mẻ trong mắt mọi du khách...

IMG_3678_zpswdjzdh6w.jpg


IMG_3677_zpskvv1dr76.jpg


Có nhiều người địa phương tự xưng là "hướng dẫn" sẵn sàng thao thao bất tuyệt với bạn hàng tràng các câu chuyện về đền Kanab để kiếm chút tiền nuôi sống gia đình. Tôi chỉ lịch sự từ chối lời đề nghị của họ, vì không muốn mình bị lôi đi xềnh xệch hết góc này đến góc khác. Và chỉ muốn "thẩm thấu" vào đầu óc vẻ đẹp của đền Kanab theo nhịp độ vừa phải ưa thích của mình... :D

IMG_3680_zpsojisrieg.jpg
 
Điều đáng tiếc duy nhất, theo tôi, là ngôi đền đã bị phá hủy nặng nề bởi chiến tranh và thiên nhiên. Công việc phục dựng của các nhà khoa học đã tái hiện phần nào hình dáng ban đầu của nó, nhưng họ đã để lại "dấu vết" của công việc khắp mọi nơi, tạo nên cảm giác du khách không được xem một bộ phim "nguyên bản" của người xưa. Xung quanh đền ngổn ngang hàng nghìn hiện vật, tảng đá được đánh mã số, chờ các nhà khoa học phục dựng. Việc khai quật ngôi đền hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn, nhiều kiến thức mới do đó được phát hiện. Xâu chuỗi với nhau các câu chuyện từ đầu topic, nơi những bí mật về Kim tự tháp vẫn còn đang được tìm hiểu, rõ ràng kiến thức nhân loại đối với lịch sử cổ đại nói riêng, lịch sử nói chung là nhỏ bé!

Nếu bạn còn nhớ trong "Nhật ký Nước Mỹ" hình ảnh chụp một tượng đài có hình dạng giống cây viết chì giữa quảng trường Thủ đô Washington D.C. Ngờ rằng nếu người Ai Cập cổ đại có sống lại, chắc chắn họ sẽ đòi bản quyền cho thiết kế cây viết chì này.... "Cây viết chì" của người Mỹ có tuổi đời cũng như em bé sơ sinh so với cụ già sống lâu nhất Thế giới. Tượng đài tại Washington gần 100 tuổi với bức cột bằng đá 3.000 năm tuổi...

IMG_3684_zpszbp0gkih.jpg


Xung quanh ngôi đền:

IMG_3674_zpsphw144b2.jpg


IMG_3683_zpsxtgnvvvd.jpg
 
Bổ sung vào di sản của ngôi đền là chùm cây chà là cao, sai trĩu quả. Nếu theo cách tính tuổi cây thì chúng có lẻ phải hơn trăm tuổi. Đứng lẻ loi giữa không trung, chịu đựng nhiều nắng gió và tác động thiên nhiên, thân của chúng vút cao dẻo dai, chắc nịch. Hình ảnh khác hẳn với vườn cây chà là ăn trái của anh Aiman tại ốc đảo Brahyia. Con người muốn trưởng thành thì cũng phải như cái cây kia: Phải để cho bản thân tự chống chọi với các điều kiện khắc nghiệt, để trở nên cứng cáp và phát triển chắc chắn. Điều này có thể áp dụng với mỗi người, với cha mẹ khi chăm sóc con cái tránh đùm bọc quá đáng, nền giáo dục thầy cô tránh để học trò va chạm trải nghiệm, với công ty được "bảo vệ" thoát khỏi nền kinh tế thị trường yếu kém...

IMG_3670_zps2dig5ngi.jpg


IMG_3668_zpstkvdkouu.jpg


Hy vọng "phát hiện mới" về cây chà là đền Kanab này chưa được đưa vào sách du lịch tham khảo nào... :))

IMG_3689_zpsdirwlckn.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,680
Bài viết
1,135,088
Members
192,369
Latest member
Datnonamee
Back
Top