What's new

Ký sự Ai Cập.

Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?

Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!

Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…

Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!

Bởi vì…

“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”
 
Dường như đoán được ý định của tôi, Aiman lâu lâu lại nhắc nhở: “Mày không được chạy xe vào sa mạc nhé! Không được đâu đấy!”. Để cho Aiman yên tâm, tôi ngây thơ trả lời: “Đương nhiên rồi! Ai dám chạy vào sa mạc chứ”. Rồi vỗ vỗ vai lão vài cái cho lão yên tâm. Hy vọng lão không có họ hàng với cô bé Tenzi người Tây Tạng, Trung Quốc. Cô nàng Tenzi cho tôi thuê xe trong chuyến đi năm trước cũng õng ẹo bắt tôi phải cõng theo nào dầu nhớt dự phòng, bàn chải chải xích, đống giẻ lau xe và còn “cam kết” chải xích mỗi ngày. Kết cục là chiếc Honda ủn vào đống bùn đất cạnh sông Mêkông cao đến cả nửa mét, ngập đến tận yên xe, người phải trầy trật lắm mới thoát ra khối đất nhão đó nói chi xe!!!

Nhưng thật ra một phần trong câu trả lời trên là đúng: chiếc Dayun Trung Quốc của Aiman thật sự khá cũ (mặc dù đời 2011), máy móc ọp ẹp và lốp thì mòn. Từng chạy chiếc Honda Trail 90cc sản xuất năm 1979 qua vài tiểu bang nước Mỹ, hành lý cồng kềnh nhưng luôn có cảm giác yên tâm. Ngược lại, chiếc TQ này thì máy móc tuy mới nhưng cà trẹo, cà trẹo như xương bà lão 90 tuổi phải vận động, không biết “đứt” lúc nào?!!

Khuya hôm đó, có một tay Châu Á lẳng lặng lôi từ trong hành lý ra chiếc mũ bảo hiểm màu đen chưa một lần sử dụng tại Ai Cập. Đặt chiếc mũ qua một bên, hắn thò tay vào tiếp tục lôi ra bộ đồ sửa xe, tiếp đó là đôi găng tay. Tất cả được xếp gọn gàng vào chiếc túi xách màu đen nhỏ khoác vai, kèm theo chai nước uống loại lớn 1.5l. Bình mình vừa ló dạng, hắn leo lên con chiến mã Hồ Cẩm Đào chạy ra khỏi ốc đảo, vượt qua trạm kiểm soát quân đội lập tức tăng tốc nhằm hướng sa mạc thẳng tiến: Sa mạc đen – Black Desert:

IMG_20150717_071930_zpshjdrmpxi.jpg


Buổi sáng sa mạc khí trời còn tương đối dễ chịu, nhưng hắn biết chỉ một lúc nữa thôi khi mặt trời lên cao một chút, cả nơi này sẽ như cái lò vi sóng “quay chín” mọi thứ ở trong đó. Được mệnh danh “sa mạc của sa mạc”, sẽ khó tìm thấy bụi cây hay ngọn cỏ nào, ngoài những bãi cát vàng mênh mông và đá. Trong chuyến hành trình Nước Mỹ, nếu ai còn nhớ đoạn tôi chạy qua sa mạc Nevada trước khi tới Grand Canyon: Sa mạc Nevada tuy khô cằn, bỏng cháy mà vẫn còn nhiều bụi rậm cây xanh tồn tại được. Nhưng ở Sahara này thì không! Bạn cảm thấy như đang lái xe trên bề mặt Sao Hỏa! Và tôi biết mình phải tiết kiệm thời gian trước khi mặt trời lên cao…

IMG_20150717_081023_zpskjcguchh.jpg
 
Con đường nhựa màu đen xuyên qua dãy cái vàng mênh mông, bỗng nhiên cát chuyển sang màu đen. Xuất hiện các đụn cát và đá lớn hoàn toàn là màu đen. Chúng có lẽ là tàn tích của một khu vực núi lữa từng hoạt động thời xa xưa chăng? Sa mạc đen – Black Desert – là kho báu số 1 của chàng “Aladin và cây đèn thần”.

Các ngọn núi màu đen đang bị phân rã dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đây. Đá vụn đen vương vãi khắp sa mạc:

IMG_3555_zpsy2d3yqcc.jpg


IMG_3552_zpsz0hgtyve.jpg


Bạn có nhìn thấy sinh vật nào trong ảnh?

IMG_3558_zpsd2icgnxe.jpg


Nó đây! Một loại thằn lằn da trắng phau phau như đến từ... Bắc Cực! Chúng ăn cái gì ở đây để tồn tại? Tôi không biết! Có lẽ là một số côn trùng bay hay một vài loài kiến nào chăng?

IMG_3559_zpsmubki8y3.jpg


Nắng lên rồi... Nóng quá! Chụp xong tấm này là dzọt lẹ:

IMG_3560_zpss4omg5km.jpg
 
Thói thường đi xe máy, hễ thấy cảnh nào đẹp là dừng lại chụp ảnh, hoặc nghĩ ngơi. Trong quá khứ, chỉ duy nhất một lần tôi gặp rắc rối khi dừng xe dọc đường là tại Đan Mạch: Lúc chạy trên đường thấy cánh đồng lúa đẹp quá liền dừng xe máy Suzuki 550cc cạnh con đường nông thôn, nằm xuống nghỉ. Bỗng ba chiếc oto tấp vào lề dừng lại, mấy người đàn ông và phụ nữ chạy tới tôi (lúc đó còn đang nằm dưới cỏ), hỏi: “Mày có sao không?”, “Mày bị bệnh hả?”, “Mày bị mệt hay sao? Có cần giúp đỡ không?”. Sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ rằng chỉ dừng xe để nghỉ thôi, không có vấn đề gì cả, họ mới yên tâm lên xe từ biệt.

Lần này khi tôi đang dừng xe bên đường chụp ảnh thì không phải ba chiếc oto, mà ba chiếc xe thiết giáp quân sự, từ từ dừng lại… Chết! Xe quân sự nào đây??? Định thần nhìn kỹ tôi thấy đây là xe thiết giáp sơn màu vàng cát, bên trên có súng máy gắn cố định chống đạn, thùng sau chở quân lính có mang theo vũ khí súng tiểu liên. Loại xe thiết giáp màu vàng này tôi mới chỉ nhìn thấy trên bản tin thời sự Iraq, phiến quân IS chứ chưa gặp tại VN bao giờ. “Không hay rồi!!! Giữa sa mạc không có sóng điện thoại, tự dưng có tay moto tay cầm máy ảnh chụp tía lia, đầu đội mũ bảo hiểm nhìn lạ hoắc, quân đội có thể cho rằng tôi là một gián điệp chứ chẳng chơi”. Tia suy nghĩ lóe lên trong đầu.

Lấy hết sức bình tĩnh, tôi nở nụ cười và vẫy tay chào “Salam Alâyricum” với chiếc xe đầu tiên đang từ từ giảm tốc. Mấy người lính mặc áo giáp ngồi trên xe nhìn tôi một lúc. Khoảnh khắc vài giây hai bên nhìn nhau mà tưởng như… vô tận. Cuối cùng cũng có tiếng một anh lính đáp lại chào tôi: “Alâyricum Salam”, và chiếc thứ nhất đi qua bình yên vô sự. Tôi lập lại chiến thuật vừa rồi cho chiếc xe thứ hai; và cũng thành công!!! Chiếc thứ ba thì chiến thuật này bị phá sản. Chiếc xe bọc thép dừng lại hẳn ngay bên cạnh chiếc xe máy, với một tay Châu Á đang cầm máy ảnh đang rét run giữa sa mạc Sahara. Một người mang quân hàm nai nịt gọn gàng mở cửa xe nhảy xuống… Anh này cao lớn nghe chắc chừng là chỉ huy toán lính này.

- Xin chào! Anh là ai? Anh ta cất giọng hỏi.
Tôi ú ớ…
- Xin chào! Tôi là khách du lịch.
- Anh từ đâu tới? Giọng nhà binh nghe cứng rắn. Kèm theo ánh mắt sắc như dao.
Lại một giọng ú ớ…
- Tôi từ Brahyia tham quan tới đây.

Người chỉ huy yêu cầu kiểm tra passport. Trong khi tôi lục tìm hộ chiếu đưa cho anh thì cả toán lính trên xe nhìn chằm chằm vào mặt tôi dò xét từng biểu hiện, cử động. Nhìn súng ống ai cũng lăm lăm mà tay tôi lạnh ngắt. Lỡ họ thấy tôi mà rút ra cục gì đen đen rồi tưởng lầm là lựu đạn hay bom xe thì… Hic… Không có tiếng súng nào vang lên…

- Dạ đây. Hộ chiếu của em đây!

Tay chỉ huy với tay cầm quyển hộ chiếu màu xanh lá cây. Rồi trong khi viên chỉ huy lật lật kiểm tra hộ chiếu, tôi lấy hết sức lực bình sinh nhìn thẳng vào mắt mấy anh lính trên xe vẫn đang dò xét, kèm theo nụ cười tươi nhất có thể, như muốn nói “Tôi chỉ là một du khách bình thường thôi mà mấy anh ơi”. Mười phút tiếp theo trôi qua như mười thế kỷ… Chiếc xe thứ ba cuối cùng cũng lăn bánh... Còn tôi thì cũng không thấy lưu luyến gì ở lại đây lâu thêm nữa!!! Dzọt lẹ…

IMG_3564_zpsd59bsvve.jpg
 
Hỏi: Đi du lịch để làm gì?
Đáp: Đi du lịch để trải nghiệm!
Hỏi tiếp: Trải nghiệm để làm gì?
Đáp: ???

Tất cả đều có thể trả lời câu hỏi "Đi để làm gì?" dễ dàng! Đôi khi tôi hay trích dẫn câu nói: "Đi chỉ vì được đi" mà thực chất là đi để khám phá, để trải nghiệm. Còn câu hỏi thứ hai "Trải nghiệm để làm gì?" khó trả lời hơn nhiều. Có người cười và đơn giản trả lời: "Trải nghiệm là trải nghiệm chứ để làm gì!".

Xin trích dẫn một câu chuyện để chúng ta cùng bàn luận vấn đề trên như sau:

"Ngày xưa, có một người nổi tiếng bắn cung rất giỏi tên là Triệu Khuông Dẫn. Không những bách phát bách trúng mà anh còn có thể bắn cùng lúc nhiều mũi tên hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, với thời gian nhanh như chớp mắt. Đúng là một tài năng hiếm có! Tên tuổi của anh vì thế mà nức danh thiên hạ. Triệu Khuông Dẫn có người bạn tên là Bàng Khôn, cũng có tài bắn cung, tuy không chính xác bằng. Bàng Khôn thấy bạn mình suốt ngày "biểu diễn" được nhiều người khên nên ngày càng tỏ ra tự phụ, muốn khuyên nhủ bạn nhưng chưa tìm ra dịp nào hợp lý. Một hôm hai người cùng đi chơi tới một ngọn núi cao chót vót, vách núi dựng đứng rất nguy hiểm, Bàng Khôn bèn nói với Triệu Khuông Dẫn:

- Anh có tài bắn cung thiên hạ vô địch, đúng thật! Nhưng đó là lúc anh đứng trên đất bằng phẳng, khung cảnh xung quanh anh đều rất đỗi quen thuộc. Nay chúng ta thử đổi môi trường thử xem sao? Tôi thách đố anh cầm cây cung đó, đứng cạnh mỏm đá cheo leo đằng kia mà bắn. Nếu anh vẫn còn bắn được bách phát bách trúng thì tôi mới thật sự phục anh!

Triệu Khuông Dẫn bị khích tướng, lập tức hùng hổ nhảy xuống ngựa, cầm cung tiến lên phía mỏm đá. Khi chỉ còn cách vài bước chân là tới vực, bèn quay lại hỏi "Như vậy được chưa?". Bàng Khôn mỉm cười: "Chưa được, ra xa nữa". Triệu Khuông Dẫn tiếp tục mon men ra tới tận vực, quay lại hỏi: "Được chưa". "Chưa, lại tiến ra xa thêm bước nửa". Tiến thêm một bước, Triệu Khuông Dẫn nhìn xuống thấy quá sức nguy hiểm, vách núi dựng đứng, chỉ cần sẩy chân một chút rơi xuống là tan xương nát thịt, bất giác thấy lạnh gáy... Lại nghe Bàng Khôn nói:

- Tiến thêm nữa bước nửa, rồi hãy xoay lưng lại vực mà bắn!

Triệu Khuông Dẫn toàn thân toát mồ hôi lạnh, tay run rẩy cầm cung không nổi, bèn chịu thua. "Anh bắn thử xem". Triệu Khuông Dẫn bực tức nói. Bàng Khôn ung dung cầm cung tiến ra thậm chí xa hơn, nửa thân người nhô ra khỏi mép vực, tựa như chỉ một cơn gió mạnh là có thể hất khỏi vực thôi. Điềm tỉnh quay lưng lại, thần sắc không hề thay đổi, Bàng Khôn giương cung bắn bách phát bách trúng.

Theo tôi, câu chuyện muốn nói rằng: Bàng Khôn đã rèn dũa tinh thần đạt đến trạng thái tĩnh lặng trong mọi tình huống, cái "tài" của anh là nằm ở bên trong: tinh thần, nội tâm vững chắc! Không phải kỹ năng kỹ xảo bên ngoài.

Quay trở lại với câu hỏi phía trên: "Trải nghiệm để làm gì?". Qua tình huống đối mặt với quân đội trơ trọi giữa sa mạc, tôi thấy còn lâu tinh thần mình mới đạt đến mức độ bình thản. Khả năng còn rất yếu kém, chưa là gì cả! Và bởi vì nhận thấy được cái dở, cái yếu của mình nên tôi không lấy trải nghiệm đó để tự phụ, mà thấy cần rèn luyện nhiều thêm. Các chuyến đi như vậy thực sự bạn có nhiều dịp để cho cái dở bản thân lộ diện, mà hàng ngày tất cả chúng ta đều "bắn cung trên đất bằng phẳng" nên không thấy. Vì thấy mình dở, nên cái TÔI của bản thân cũng vì vậy theo năm tháng dần thấp xuống. Mà cái TÔI đã hạ thấp thì gặp ai cũng vui, gặp người nào cũng trò chuyện được, gặp người lao công, người bán hàng rong, dọn dẹp khách sạn cũng vui, đi đâu cũng dễ kết bạn bè...

Ngược lại, cũng có trường hợp càng đi nhiều, càng trải nghiệm nhiều lại càng tưởng mình quan trọng, mình giỏi hơn người khác, mình là số một. Mình phải đáng được gọi là "Phượt tổ", không Phượt tổ thì cũng là "Phượt tổ của tổ", phải có danh xưng thứ bậc, rồi từ đó bắt đầu thích chê bai người khác, khó hợp tác...

Rõ ràng, trải nghiệm nhiều có thể khiến bạn cảm thấy khiêm tốn hơn, cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, hoặc có thể làm bạn là trở nên tự phụ, kiểu như Triệu Khuông Dẫn có vài kỹ xảo bắn cung ở trên, cuộc sống cũng vì vậy mà dần nhàm chán!

Aiman chở tôi bằng xe oto vào Sa mạc trắng - White Desert, cách ốc đảo Brahyia chừng 200km:

IMG_3484_zpssgtvthts.jpg


IMG_3478_zps5blv8fkw.jpg


Đây lại là kho báu thứ hai của chàng "Aladin và cây đèn thần":

IMG_3488_zpsgnjako2v.jpg
 
Vâng, Cairo có thể giữ cho mình bí ẩn của Kim tự tháp Pharaon, còn Sahara sẵn sàng đền đáp cho kẻ lữ hành nào chấp nhận rời bỏ lưu vực sông Nile mát mẻ để dấn thân vào nó:

IMG_3500_zpsyeyjsh61.jpg


IMG_3493_zpsu5tpvhel.jpg


Bóng cây xanh gần như duy nhất trên cả trăm kilomet sa mạc:

IMG_3505_zpsb6wrykrq.jpg


IMG_3509_zpsmssxqp1r.jpg
 
Nghe kể đi sâu vào tận giữa Sahara còn có các hang động thạch nhũ (như Phong Nha, Quảng Bình). Khí hậu, địa chất Trái Đất công nhận đã có sự thay đổi khủng khiếp! Có thể 1 triệu năm sau, những Hạ Long - Quảng Ninh hay Phong Nha có thể thành khung cảnh như vậy... :D

IMG_3518_zpsrphkhj5y.jpg


IMG_3519_zpsutaigkvf.jpg


IMG_3521_zpsom0izusu.jpg


Đá ở đây là đá vôi, sờ vào bóp cái là nát vụn.

IMG_3527_zpsqwvq7qyk.jpg
 
Thêm vài tấm trước khi chạy trốn dưới cái nắng sa mạc. Màu trắng ánh nắng phản chiếu hắt lên làm tối mặt tối mũi, mắt hoa lên lảo đảo. Nếu không có nước, tôi nghĩ con người có thể chết trong 6 tiếng. Nốc ừng ực 3 lít nước mà không đ... ra được một giọt, người cảm thấy như là xác ướp Ai Cập: khô rang, cong queo!

IMG_3530_zpsekgnwnen.jpg


Dấu chân của một con thú nào đó, có thể là một loại chó (cáo) sa mạc chăng?

IMG_3495_zpsqwzllvew.jpg


IMG_3485_zpsvlrrayth.jpg
 
Những ngày tôi ở Brahyia, người dân đang tổ chức ăn mừng tháng Ramadan kết thúc. Đây là dịp lễ lớn! Mọi người ăn uống suốt ngày, mặc những bộ đồ đẹp nhất (phải là đồ mới, chưa mặc lần nào trong năm) dạo phố. Người ta còn bắn cả pháo hoa lên trời, giống như Tết nguyên đán ở Việt Nam. Con nít phóng ra đường chơi ầm ầm suốt ngày, người lớn thì ăn uống không ngơi nghỉ, không biết mệt, hết ăn lại tới uống trà, uống xong thì đến sisha (một loại thuốc lá). Được cái là không có bia rượu nên không thấy có say xỉn dẫn tới đánh nhau, tông xe tai nạn v.v... Thôn quê mà cũng rất trật tự: không bia, không rượu. Chứ như VN thì ai cũng biết là nông thôn nhậu như thế nào...

Tôi ngờ rằng Ramadan không làm cho dân địa phương gầy hơn do nhịn ăn uống, mà ngược lại, còn làm mập thêm ra. Tại sao? Họ ăn đêm, ăn khuya nhiều, lại ăn làm nhiều bữa trong khoảng thời gian từ 7h tối tới 3h sáng hôm sau. Một số nói rằng sau Ramadan họ cảm thấy cơ thể khỏe hơn, chịu đựng dai sức hơn, và hầu hết không thích tháng Ramadan nhưng công nhận nó tốt cho sức khỏe. Khoa học ngày nay chứng minh một tuần bạn ăn ít (hoặc ăn chay) hai, ba buổi thì rất tốt... Vì ngày nay con người ta toàn bộ mắc các chứng bệnh do ăn nhiều, do ít vận động chứ mấy ai bị bệnh do ăn ít đâu?

Aiman nhiệt tình mời tôi tới nhà ăn tối tập hai... Và lời mời hấp dẫn này là không thể từ chối! Lần này tôi tới sớm, gia đình Aiman đã quen hơn nên sau bữa ăn họ mời tôi cùng uống trà với gia đình. Loại trà truyền thống Ai Cập này được uống khắp mọi nơi, pha chế bằng cách cho nước sôi vào một ly thủy tinh nhỏ có sẵn vài thìa trà, thêm đường vào, quậy lên và uống... Loại trà này mùi vị thơm và dễ uống. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ là người Ai Cập rất thích đường! Có thể nói là họ uống quá nhiều đường. Một ly trà nhỏ mà Aiman và gia đình lão thường cho ba muỗng đường. Mà nào phải uống một ly? Uống 5 ly liên tục! Làm phép tính nhỏ, trong một buổi đã có 15 thìa đường. Khiếp! Chưa kể nhiều thứ ở đây cũng rất ngọt: Bánh ngọt ngọt gấp đôi Việt Nam, trái cây như mía, xoài, dưa sọc v.v.... đều rất ngọt (tự nhiên) và rẻ nên ai cũng dùng nhiều. Người Việt Nam do bia rượu nhiều nên hay bị Gút, mỡ trong máu, tim mạch, viêm gan. Còn người Ai Cập thường có vấn đề với đường (tiểu đường, rối loại chuyển hóa insulin).

Aiman tặng tôi 1kg chà là (do thấy tôi cứ mút chụt chụt mấy cái hột chà là vừa ăn xong) mang về khách sạn. Ngoài kiểu chà là được chế biến như trên, người dân còn ngâm chúng để lên men.

Cô cháu gái mặc đồ đẹp để đi chơi...

IMG_20150717_143636_zpsbyzazm9a.jpg


Mấy ngày lễ này, tiếng đọc kinh Koran phát ra từ chiếc loa đầu làng cứ ra rả suốt ngày. Phải thừa nhận là tiếng đọc kinh rất khó nghe với tôi: Độc có giọng thầy tu lúc lên, lúc xuống mà không kèm theo âm nhạc gì cả, nghe rất khó ngủ. Thức dậy sớm, tôi nấu cho mình tô miến rồi lên xe bus tiếp tục hành trình đến Ốc đảo Dakla:

IMG_20150717_193143_zpsijd17vfp.jpg


Còn tiếp...
 
Mon men ra đầu xe ngồi cạnh bác tài xế là thói quen của tôi khi đi xe bus. Các bác tài đường dài thường tâm lý muốn có người nói chuyện cho vui, nên xác suất được cho phép ngồi cạnh rất cao (đôi khi gặp may còn được bố trí cho ngồi ghế phụ). Ngủ là cách mọi người thường chọn khi đi xe bus, nhưng cũng có cách khác hay hơn...

Bác tài lớn tuổi nhiệt tình cho tôi ngồi cạnh (chỗ bậc cầu thang lên xuống), khi ngồi cạnh bác tài rồi thì khi uống trà, uống nước không lẽ bác không mời vị khách ngoại quốc một tiếng? Phải có phép lịch sự chứ? Chỉ chờ có thế tôi cứ gật đầu lia lịa, rồi nào là trà nóng để uống, bánh để ăn, thậm chí có cả táo ăn tráng miệng. Bác phụ xe bẻ trái táo ra làm đôi bằng tay trần, loay hoay thế nào mà rớt một miếng táo xuống đất, bác lượm lên phủi phủi rồi (trước sự ngạc nhiên của tôi) mời tôi ăn miếng táo còn nguyên trên tay, trong khi bác lại ăn miếng vừa rớt xuống đất...

Quân đội Ai Cập thiết lập một hệ thống phòng thủ khá dày đặc trên tuyến đường sa mạc, cứ mỗi hơn 100km lại có một trạm kiểm soát quân sự, gồm gờ giảm tốc, chướng ngại vật, xe thiết giáp, ụ lô cốt, súng máy v.v... Tôi để ý thấy hướng phòng thủ của nhiều trạm quân sự hướng thẳng về biên giới Lybia. Nên biết việc đi vào sa mạc phải có giấy phép quân đội, và ngủ qua đêm trên sa mạc đã bị cấm do vấn đề an ninh. Bởi vì tôi ngồi đầu xe nên thường khi quân lính yêu cầu dừng xe, mở cửa ra để họ lên kiểm tra tôi. Đa số các anh lính trẻ thì đều vui tính, thân thiện với du khách, tuy các tay sĩ quan thì mặt mũi nghiêm trọng hơn.

Dưới góc nhìn của một người thích du lịch xe máy, để thực hiện chuyến xe máy vòng quanh Ai Cập thì theo tôi phải khắc phục được hai điều chủ yếu sau:

1. Tìm một chiếc phân khối lớn hiệu Nhật Bản (chứ không phải loại Trung Quốc) đáng tin cậy để đồng hành trên sa mạc.
2. Vượt qua các trạm kiểm soát quân sự dày đặc một cách trót lọt. (làm thế nào thì tôi không rõ).

Điều hai rõ ràng khó hơn điều một, bởi vì chúng ta là người ngoại quốc nên chắc chắn sẽ bị họ hỏi han nhiều. Trước mắt thì đi xe gắn máy xuyên Ai Cập là điều khó khả thi, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trên diễn đàn này vì... Tương lai biết đâu lại có người Việt Nam nào đó hội đủ các yếu tố xuyên Châu Phi lần đầu tiên bằng xe gắn máy? Ai biết được chứ? Năm, bảy năm trước có ai nghĩ tới chuyện xuyên Đông Dương bằng xe máy lại dễ dàng như vậy?

IMG_20150718_184013_zpsep1xhic2.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,567
Bài viết
1,169,104
Members
191,424
Latest member
HungSWC
Back
Top