What's new

Ký sự Ai Cập.

Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?

Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!

Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…

Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!

Bởi vì…

“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”
 
Để tránh bị mang tiếng khi ăn hoài một chỗ, chúng tôi dùng chiến thuật thay đổi “quán ăn” hàng ngày. Tối hôm nay ăn quán này, ngày mai chọn quán khác. Khi nào hết một vòng rồi mới quay lại chỗ cũ… Hoan hô Ramadan!
Mỗi một quán ăn khác đều có thức ăn phục vụ khác nhau, ví dụ như quán này có kèm dưa hấu tráng miệng khá hấp dẫn. Nhiều khi chúng tôi vừa ngồi xuống thì một người đẩy cho chúng tôi hai dĩa thức ăn, người khác đưa cái thìa, người khác thì nhường cho ly nước uống. Cảm giác dường như chúng tôi là một phần của cộng đồng Hồi giáo ở đây! Họ không hỏi chúng tôi là ai, từ đâu tới, và tại sao tới đây? Họ chỉ biết chúng tôi chưa có thức ăn và tất cả đều sẵn sàng sẻ chia phần của mình!

IMG_20150713_184756_zpsbbn3lohv.jpg


Anh thanh niên này nhường một phần súp, lý do là thấy tôi húp lấy húp để tô súp như kiểu chết đói từ lâu:

IMG_20150713_185015_zpssu7lsigg.jpg


Mấy đứa con nít thì xúm xa xúm xít lại tò mò nhìn tôi và Jose. Jose thì bề ngoài khá giống với người Ai Cập. Còn tôi quần đùi, dép lê, mũ tai bèo, mày râu nhẵn nhụi lại đeo kính thì rõ ràng là một giống người ngoài hành tinh với chúng. Người Ai Cập không có từ “mũ”, “nón” trong tự điển. Họ không đội mũ! Đàn ông, trẻ em đều đầu trần dưới nắng gắt nên tóc xoăn tít thò lò. Phụ nữ, con gái thì quàng khăn trùm đầu kín mít, không rõ là có tóc hay không?

IMG_20150713_185224_zpsynsvcu9m.jpg


Người lớn nên bắt chước trẻ em cười nhiều hơn, vì "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ":

IMG_20150713_185235_zpspvdim2ly.jpg


Bé gái Ai Cập:

IMG_20150713_185122_zpsbiua0hiu.jpg
 
Sau vụ nổ bom xe cạnh tòa nhà Lãnh sự quán Italia, an ninh – đặc biệt tại khu trung tâm – được siết chặt hơn. Cảnh sát, quân đội đứng rải rác trên đường với súng ống lăm lăm, đôi khi bắt xuất trình giấy tờ hay hộ chiếu. Chính phủ Italia cũng ngay lập tức tỏ thái độ giận dữ với Ai Cập bằng cách cắt bỏ các chuyến bay tới đây, đồng thời yêu cầu xác minh rõ ai đứng sau vụ khủng bố? Với phương tiện truyền thông nhạy bén với tin tức khủng bố tại Châu Âu, rõ ràng là cả Châu Âu đều biết du lịch tới Ai Cập là không an toàn! Nền kinh tế du lịch nước này thật sự đang khốn đốn…

Một tay Châu Á cũng đang khốn đốn, vật vã với vụ xe cộ. Xe thì ai cũng có thể bán cho tôi, nhưng vấn đề là ai cũng đều yêu cầu tới đồn cảnh sát sang tên đổi chủ. Vụ này thì tôi luôn tránh nếu có thể, vì bản thân mình là khách du lịch ngắn hạn, tới đồn cảnh sát sang tên thủ tục không rõ, lại tốn thời gian. Ngay tại Mỹ, khi mua xe tôi cũng chỉ cầm giấy tờ xe mà đi thôi, không cần sang tên gì cả! Nhưng tại sao ở đây lại khó khăn như vậy? Tôi không rõ!

Đã nhiều ngày trôi qua mà kết quả vẫn không khả quan... Tôi nghĩ đã đến lúc phải ra quyết định! Nếu không chuyến du lịch tại Ai Cập của tôi có nguy cơ thất bại. Bởi vì: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”! Cho dù đã có kinh nghiệm, đã có kế hoạch, đã có sự chuẩn bị nhưng… bạn biết đấy, mọi chuyện đều không diễn ra suôn sẻ!

Giống như lần đi qua cửa khẩu Chalo vào Lào không suôn sẻ với chiếc Honda Maga 750, lúc đó tôi phải gửi chiếc Honda tại đồn biên phòng, quá giang trên một chiếc container vào Lào tại topic “Ký sự Đông Dương – Phần 2”. Nếu cứ khăng khăng vào kế hoạch cũ thì sẽ thất bại…

Bầu trời khuya của Cairo lấp lánh vì sao, không khí trong lành và mát mẻ. Ngoài ban công khách sạn, một tay Châu Á đang lặng lẽ nghe vài điệu dân ca hòa tấu Việt Nam. Điệu nhạc du dương từ chiếc đàn bầu vang lên trong bóng tối tịch mịch:

“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/ Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khuya nước ven sông/

Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che/ Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm/
Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người/”

Ở quê nhà, chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” vẫn diễn ra đều đặn 02 tuần/ lần tại BV Ung thư Đà Nẵng nhờ các thủ lĩnh tình nguyện tâm huyết. Mọi chuyện ở nhà vẫn ổn… Bóng tay Châu Á trải dài ra nền nhà dưới ánh trăng Ai Cập, tâm hồn tĩnh lặng theo từng điệu nhạc quê hương

Sáng hôm sau hắn nhảy lên xe buýt đi vào sa mạc Sahara, bỏ lại ngoài ban công bản kế hoạch dang dở…

IMG_3539_zpsudezhuq1.jpg
 
Phần 4: Ốc đảo Brahyia - Sahara:

Những dòng chữ Ả rập chi chít tại nhà ga xe bus trung tâm Cairo dường như không làm tay Châu Á, đang kéo chiếc vali màu đỏ to tướng, bận tâm mấy. Không có dòng chữ tiếng Anh nào tại các nhà ga cũng là điều bình thường, giống như tại Trung Quốc, hoặc Thái lan, Campuchia. Đám đông người qua lại tấp nập, tiếng loa huyên náo ồn ào của Tp hai mươi triệu dân cũng không làm hắn khiếp sợ, bởi không nơi nào đông đúc hơn tại nhà ga New York, Mỹ.

Hàng chục quầy vé, hàng chục hãng xe, xe nào tới Brahyia? Hắn tới cạnh một dòng người đang xếp hàng trước một quầy bán vé, hỏi thăm một anh thanh niên trẻ tuổi:

- Brahyia? Anh ta hỏi lại tôi thăm dò. "Nó là ốc đảo đấy nhé, không có khách du lịch đâu. Anh có chắc là anh muốn tới Brahyia?". "Đúng rồi! Mong anh giúp đỡ chỉ cho quầy bán vé". Anh ta chỉ tay tới một quầy bán vé trống trơn, không có ai xếp hàng...

- Salam Alây ri cum! Tôi chào anh chàng bán vé. "Brahyia".
- Alây ri cum salam! "65 đồng" (hơn 200k VNĐ). Anh chìa ra tờ vé cũng chẳng có lấy nổi một chữ cái Latin trên đó...
- Su-cơ-ràn. Cảm ơn!

Một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe buýt màu xanh nước biển cũ kỹ của hãng Upper Egypt Company chở theo mấy chục hành khách bản xứ và một tay ngoại quốc nhằm hướng sa mạc thẳng tiến. Ngồi cạnh hắn là một người đàn ông Ai Cập to béo, bồng đứa con nhỏ, đi theo sau là hai bà vợ tướng tá hộ pháp, toàn thân diện một màu đen che kín chỉ trừ cặp mắt. Giống dân Ai Cập cũng có tính tò mò rất cao: Hai bà vợ ngồi xéo bên trái cứ liếc mắt nhìn tôi ra vẻ rất tò mò, tay Ai Cập cũng cười xòa xòa hỏi han tôi vài câu, nhìn gương mặt nhẵn nhụi của tôi ra vẻ thắc mắc tại sao đàn ông mà ít râu ria, lông lá quá vậy???

Xe lăn bánh được chừng hơn một tiếng, hành khách trên xe bắt đầu ngủ gà ngủ vịt. Tài xế bật bài tụng kinh Koran trên đĩa CD, là bài tụng kinh không có kèm theo âm nhạc phụ họa (giống như tụng kinh niệm Phật có tiếng gõ mõ cốc cốc), mà chỉ có một giọng đàn ông khàn khàn, lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bổng như thôi miên trí óc người ta. Nhưng hắn không bị thôi miên bởi giọng đọc kinh Koran, mà bởi cảnh sa mạc với các đụn cát màu vàng trơ trụi, ánh mặt trời chiếu bỏng rát khắp nơi không có lấy một bóng râm, dù là nhỏ nhất. Không hề có dấu hiệu nào của sự sống: Không làng mạc, không cây cối, không chim chóc, không bóng râm, không có gì cả! Hắn tự hỏi: Đây là Trái Đất hay là bề mặt Sao Hỏa??? Thế rồi, đầu óc hắn dần dần mụ đi dưới tiếng kinh koran đều đều như tiếng ve kêu...

Bỗng thức giấc nghe tiếng người xôn xao, mọi người đang lục đục xuống xe. Đồng hồ lúc này chỉ hơn 12h trưa, tức 6 tiếng đã trôi qua rồi. Luồng hơi nóng hầm hập xô vào người khi vừa bước ra ngoài cửa xe. Hơn sáu tay thanh niên địa phuơng chờ sẵn ùa tới, kẻ kéo tay, người nắm chân lôi, giựt. "Về nhà trọ của tao nhé". Một người nói chưa kịp xong thì... "Không, mày về khách sạn của tao...". Chờ cho đám đông ẩu đả chán chê, tôi mới thong thả nói: "Các anh cứ ngồi xuống đây đã. Nhiều người nói quá thì tôi không nghe gì cả. Từng người một nói nhé, đầu tiên là anh này...".

Thấy không ăn thua với tay Châu Á tỏ vẻ đầy kiên nhẫn và từ tốn này, đám đông dần dần dịu lại. Tôi để ý đến một tay trung niên, khuôn mặt dài như mặt ngựa, mặc áo váy dài màu xanh nhạt, đặc biệt nài nỉ tỏ ra rất cần tiền. Hễ ai ra giá nào, hắn liền nài nỉ tôi với giá thấp hơn. "Tốt! Tay nào càng nôn nóng chứng tỏ cần tiền, càng dễ thương lượng". Tôi nghĩ thầm. Rồi tôi và Aiman (tên của người đàn ông) về khách sạn, giá phòng 50 đồng bảng/ngày (khoảng 140k). Cả khách sạn rộng mà trống trơn, không một bóng khách du lịch. Rõ ràng nền kinh tế du lịch Ai Cập đang không được tốt!

IMG_20150716_181507_zpsjzplmqq1.jpg


Vài cây xanh hiếm hoi đem lại bóng mát cho con người:

IMG_3411_zpsoqit7pbb.jpg
 
Cảnh sinh hoạt bình thường của người dân tại Brahyia:

IMG_20150716_182730_zpscsop0uos.jpg


IMG_20150716_182651_zpsfng4dhxe.jpg


Và "Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)", với chữ "bằng xe gắn máy" trong ngoặc, khiêm tốn từ từ lăn những vòng quay đầu tiên sau 10 ngày tại Ai Cập...

IMG_20150717_085822_zpsix3jjtvj.jpg
 
Ốc đảo là nơi duy nhất trên sa mạc tồn tại màu xanh của cây cối! Lý do tại sao giữa sa mạc lại có nước? Tôi không rõ lắm. Các mạch nước ngầm chảy như thế nào mà tự dưng nước lại trào lên giữa sa mạc để sự sống sinh sôi tươi tốt? Có một điều chắc chắn Sahara hàng trăm nghìn năm trước không phải là vùng đất chết, mà ngược lại: Nó từng là đáy đại dương, bị tác động bởi lực nâng khi va chạm của hai mảng lục địa Âu - Phi. Các nhà địa chất học phát hiện thấy nhiều hóa thạch vỏ sò, ốc biển thời cổ đại và rất nhiều bằng chứng khác ngay tại Sahara. Ngoài ra, nó từng là vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú, tươi tốt với nhiều bộ lạc sinh sống. Các hình vẽ của người cổ đại trong nhiều hang động ở sa mạc đã cho thấy điều đó. Khí hậu Trái Đất hàng trăm nghìn năm qua rõ ràng đã có những sự thay đổi rất lớn. Sự thay đổi nhiệt độ, thay đổi các dòng nước đối lưu, sự kiến tạo địa chất do va chạm lục địa v.v... đã biến những vùng đất từ rừng rậm thành sa mạc, và ngược lại.

Nói rộng ra hơn một chút, Châu Phi lục địa không có hình dạng bằng phẳng như Châu Úc. Châu Úc như một chiếc bánh rán khổng lồ, trung tâm châu lục này hoàn toàn khô cằn và bằng phẳng. Còn các nước ở "giữa" Phi châu như Ethiopia, Sudan, Tanzania, Zimbawue v.v... có độ cao tương đối so với mặt nước biển, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, nằm gần đường xích đạo hơn so với Ai Cập nhưng do mưa nhiều nên có các khu rừng nguyên sinh rậm rạp, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Các con sông thường có nguồn gốc từ các đỉnh núi cao tại trung tâm châu lục này, ví dụ như sông Nile chẳng hạn. Còn các nước Bắc Phi như Ai Cập thật ra lại nóng nhất và khô hạn nhất, cho dù nó nằm ở "ngoài rìa" châu lục, nằm xa đường xích đạo.

IMG_3415_zpscfjcaesk.jpg


IMG_3419_zpsssjy6jae.jpg


"Ở đâu có sự sống, ở đó có nước"... ý lộn... "Ở đâu có nước, ở đó có sự sống":

IMG_3422_zpsqork4yyk.jpg
 
Nước được bơm lên từ các giếng khoan sâu 400m, 600m, 1000m vào lòng đất. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp và du lịch. Du lịch thì tập trung vào mùa đông, vì bớt khắc nghiệt hơn. Mùa hè thì họ trồng trọt. Thời tiết ở sa mạc Sahara có hai mùa rõ rệt: mùa đông và mùa hè. Mùa đông thì ban ngày nóng, ban đêm lạnh. Mùa hè thì ban ngày và ban đêm đều nóng (nhưng ban đêm mát mẻ hơn), nhiệt độ ban ngày có thể lên 50 độ C, không khí rất khô. Ước lượng mỗi năm ốc đảo này tiếp nhận không quá ... 4 cơn mưa, lượng mưa mỗi năm không quá vài chục mililit.

IMG_3423_zps1qiffzqz.jpg


Do lượng mưa ít như vậy nên cây ở đây có lá nhỏ (dạng lá gai) để hạn chế nước bốc hơi:

IMG_3425_zps3wlxpsqk.jpg


Cây chà là là cây trồng chính của dân địa phương. Hạt cây chà là béo và ngọt dùng chế tạo nhiều loại thực phẩm ngon và có giá trị kinh tế cao. (Một kg hạt chà là khi thu hoạch có giá cỡ 100 đồng bảng Ai Cập). Dưới cái nắng khủng khiếp của sa mạc, có thể hình dung những chùm chà là trĩu quả khi chín sẽ ngọt như thế nào (tương tự như Bình Thuận có giống nho trồng trên cát rất ngọt). Chà là tôi không biết ở Việt Nam có vùng nào trồng không, nhưng đây là loại cây rất phổ biến ở Ai Cập: dọc lưu vực sông Nile và rất nhiều tại các ốc đảo.

Một vườn cây chà là của người dân:

IMG_3427_zpskyb9xqrs.jpg


Thân của chúng trông khá lạ mắt. Một cây trưởng thành cho thu hoạch trung bình 90kg hạt. Một năm người dân thu hoạch một lần vào tháng 9, tháng 10. Thời điểm tháng 7 là lúc các hạt còn đang non và xanh.

IMG_3428_zpsgf7g8khu.jpg
 
Mình xin có ý kiến với chủ thớt trong tinh thần dè dặt thôi, mong chủ thớt thẩm tra lại. Thứ 1, xứ "nghìn lẻ một đêm" hình như là vùng Iran và Irag hiện nay, với thành phố đặc trưng là Bá Đa, chứ không phải là Ai Cập. Thứ 2, tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ tổng thống Mohamed Morsi chứ không phải tổng thống Mubarak. Nếu có gì không đúng thì xin bỏ quá cho.
 
Mình xin có ý kiến với chủ thớt trong tinh thần dè dặt thôi, mong chủ thớt thẩm tra lại. Thứ 1, xứ "nghìn lẻ một đêm" hình như là vùng Iran và Irag hiện nay, với thành phố đặc trưng là Bá Đa, chứ không phải là Ai Cập. Thứ 2, tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ tổng thống Mohamed Morsi chứ không phải tổng thống Mubarak. Nếu có gì không đúng thì xin bỏ quá cho.

Em cũng trên tinh thần dè dặt mà có đôi nhời còm-men. Hình như em cũng đồng ý với bác Phanthanh về vụ Nghìn đêm lẻ 1 và anh chàng Alibaba có quê gốc ở xứ Ba Tư. Vụ băng đảng Anh em Hồi giáo thì em tịt

à, mà còn vụ Câu đố Nhân sư nổi thì hình như là của con Nhân sư ở bờ bên kia Địa Trung Hải, ở xứ sở của 2 cậu họ Héc là Héc-To, Héc - Quin và anh chàng A-Sin. Con nhân sư này hình như là con cái. Bo - đì của nó là: Mặt mỹ nhân, mình sư tử, đuôi rắn, cánh chim. Nó gác cổng thành phố Thebes. Ngoài cái câu hỏi về con vật 2-3-4 chân nó còn có câu hỏi nữa là "Một người sinh ra người kia và người kia lại sinh ra người này". Sau vụ bị Oedipus tìm ra đáp án, nó xấu hổ quá nhảy lầu quyên sinh.

1-6783-1434443556 by doun123, on Flickr

Hehehe, góp vui với bác cho nó có thành tích bốt bài. Nhà em mời bác HDD82 tiếp tục biên chuyện. Em thích bác rồi đấy.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,307
Bài viết
1,175,000
Members
192,035
Latest member
mockoest
Back
Top