What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 5

(cont.)



Simanindo là một làng nhỏ có 1 cái bảo tàng cũng nhỏ nhưng được rất nhiều du khách đến Toba viếng thăm. Vì tuy nhỏ, nhưng bảo tàng này tổ chức rất chuyên nghiệp, thân thiện và ấm cúng làm du khách rất thoải mái khi đến đây tìm về một ngày xa xưa người Batak đã sống như thế nào. Thực ra, khu bảo tàng này chính là khu nhà của các vị vua Batak Toba (vì có nhiều bộ lạc Batak ở rải rác khắp nơi), đúng hơn là các vị tù trưởng của bộ lạc Batak Toba tại Simanindo. Do vậy, các ngôi nhà, đồ vật ở đây đẹp hơn trong các ngôi nhà Batak bình thường khác.


P7220132.jpg



P7220128.jpg

Những ngôi nhà sàn nằm dưới bóng đa cổ thụ vài trăm năm tuổi mọc ken dày như một tường thành xanh


P7220126.jpg

Thích cái mái nhà tranh có dương xỉ mọc xanh xanh um tùm


Nổi tiếng là những chiến binh oai hùng, người Batak còn biết đến nhờ sự khéo léo có tiếng của họ trong việc làm các đồ thủ công mỹ nghệ và đặc biệt là việc trang trí các ngôi mộ, ngày xưa bằng đá, bây giờ bằng xi-măng, rất cầu kỳ và có tính mỹ thuật rất cao. Do vậy, khi viếng thăm các ngôi làng Batak, bpk luôn cảm thấy thân quen như đang bước chân vào một ngôi làng xưa nào đó của các anh em dân tộc ở Tây Nguyên. Phải nói là họ vẫn gìn giữ được rất nhiều những gì của cha ông ngày xưa, ít bị Kinh hóa như những người anh em miền cao nguyên đất Việt.


P7220117.jpg

Những ngôi mộ như những căn nhà thu nhỏ. Đây là những ngôi mộ của các vị tù trưởng bộ lạc Batak Toba.


P7220119.jpg

Tượng này giống giống các tượng gỗ ở Tây Nguyên hén!


P7220124.jpg

Chiếc ghe này thì không giống thuyền độc mộc Tây Nguyên rồi


P7220130.jpg

Cối giã gạo này thì lại càng không giống cái cối Tây Nguyên hay thường được thấy trong phim ảnh, post-card.
Nói thiệt, nếu không đọc chú thích cũng chẳng biết đây là cái cối giã gạo. Trông ngộ quá hén!


(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 5

(cont.)



Những ngôi nhà cũ nằm dưới những bóng đa cổ thụ mọc như những bức tường thành, những mái nhà tranh rêu phong dương xỉ mọc mê mải, những ngôi nhà mồ trang trí như những ngôi nhà thu nhỏ, những cây gỗ (chẳng biết kêu là gì nhưng nhớ mang máng là nó có một cái tên) chạm khắc tinh xảo dựng trước các ngôi nhà sàn mái hình con thuyền vươn lên kiêu hãnh… cứ làm du khách, nhất là các khách phương Tây mê mẩn nhìn ngó, rờ rẫm, sờ sẫm… để lần tìm về một cuộc sống ngày xưa đơn giản những cũng hết sức tinh tế của những người dân Batak.


P7220137.jpg

Trước cửa “nhà” vua Rajah Simalungun



Ngôi nhà chính, cũng là bảo tàng có trưng bày nhiều hiện vật (trong tủ kính --> không chụp hình được) là của vua Rajah Simalungun, người có đến 14 bà vợ. Trước đây, ngôi nhà này được trang trí bởi 10 cặp sừng trâu, tượng trưng cho 10 đời truyền ngôi và cai trị của dòng họ nhưng giờ đây chỉ còn các mô phỏng.


P7220139.jpg

Giờ chỉ còn thấy 1 cái sừng trâu thôi.


P7220144.jpg



P7220145.jpg



P7220142.jpg

Những cây cột gỗ chạm khắc ngộ nghĩnh, tinh xảo trước nhà – giống các bàn thờ thiên trước sân ở miền tây hén!



Một trong những lý do khiến du khách đến đây nhiều là buổi trình diễn các điệu múa Batak cổ truyền diễn ra vào 10.30 am, nếu có đủ lượng du khách kha khá. Hôm bpk đi, xui xẻo làm sao là chỉ có bpk và 2 cặp khoai tây, quá hẻo nên buổi biểu diễn không xảy ra. Cũng hơi tiếc nên lên mạng tìm hiểu và lôi về đây mấy tấm hình các bạn xem chơi.


Sinmanindo-1.jpg



Sinmanindo-3.jpg

Nhạc công và vũ công Batak (hình từ net)


Lang thang quẩn quanh ở khu bảo tàng xanh mát, chờ mãi không xem được người Batak nhảy nhót, bpk lại tót lên xe đi tiếp con đường ven hồ.


(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 6

(cont.)


Phải nói rằng, bpk đã rất tiếc khi nhảy lên xe rời nhà bảo tàng Simanindo. Tiếc không được xem ca múa là một việc, cái tiếc chính là không được lên đò đi dạo chơi và ra đảo.



P7220163.jpg



P7220161.jpg

Nhà mái xanh bên vườn có bức rèm xanh



Cách nhà bảo tàng vài ba chục mét là cái cầu cảng, nơi có thuyền cho du khách sang đất liền bên kia (vì chúng ta đang ở đảo mà) hoặc đi ra thăm chơi các đảo nhỏ gần hơn ngoài kia. Bpk chỉ đi một mình, đám khoai tây theo hướng dẫn viên lên xe đi mất, chẳng dụ dỗ được ai chia sẻ chi phí cho 1 con đò, nên đành ngậm ngùi đứng nhìn trời xanh, hồ xanh, đảo xanh… nhìn và ganh tỵ với con cò trắng ung dung đứng rỉa lông như xem thường kẻ nghèo khó (!).


P7220147.jpg

Trời ơi là tiếc cái hồ xanh!


P7220151.jpg

Rồi tiếc làm sao cái đảo bé bé xanh xanh!



P7220156.jpg

Sao mình không thể nhởn nhơ như mấy con cò kia vậy ta?


Bây giờ trời đã lên cao, mây đi trốn nắng mất tiêu trả lại bầu trời cao nguyên xanh thẳm. Hồ cũng xanh hơn trong nắng, mặt bpk cũng xanh xanh vì tiếc chuyến đi ra cái đảo bé xinh ngoài kia.



P7220148.jpg

Cũng hơi ăn năn hối cải, lương tâm cắn rứt khi thấy chú nhóc này đang cần mẫn dang nắng giặt đồ cho mẹ bên hồ.
Xấu hổ cho mình qua nên hết tiếc, lẳng lặng chuồn…!!!​



Nhưng tiếc làm gì cho mau già. Lên đường đi tiếp thôi. Con đường phía trước đang nằm dài chờ đợi mời gọi kìa! Đi thôi nào!!!

(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 7

(cont.)



Con đường từ Simanindo đến Pangururan nổi tiếng và được dân lang thang yêu thích bởi vẻ đẹp đặc biệt mà nó có được nhờ quang cảnh 2 bên nó.


Không chạy trên những triền đồi nữa, giờ đây con đường khi chạy sát mép hồ xanh ngắt. Ven hồ, có khi là những bãi cỏ mênh mông, có khi là những vườn cây xanh mát mà chúng ta có thể dễ dàng thấy những đôi trai gái Batak đang hò hẹn hoặc các nhóm bạn đang vui đùa dưới bóng xanh um tùm.


P7220190.jpg



P7220184.jpg

Đường giờ chạy mải miết ven hồ


Con đường đẹp bởi những hàng cây cổ thụ thỉnh thoảng che mát một đoạn đường. Đẹp hơn khi bầy trẻ con bé xíu đi học về vô ngồi nghỉ mệt và râm ran chuyện trò rồi khúc khích nhìn khách lạ cười. Trẻ con trên đảo này rất ngoan, thỉnh thoảng trên đường còn thấy chúng được mấy cô giáo dắt về nhà sau khi tan trường. cả đám tíu tít như chim non trên đường trưa nắng cháy mà đầu cứ để trần trùi trụi. Thấy chúng hồn nhiên vậy mình cũng vui lây, nhưng có điều chúng rất nhát với khách lạ, dù cho mặt mũi bpk hiền khô à (?!).


P7220168.jpg

Mùa xuân ai đi hái hoa, mà cô đi đưa trẻ về… tèn ten tén…


P7220180.jpg

Đi học về, cười tươi rói trên những gương mặt sáng


P7220178.jpg

Nghỉ chân tý trước khi về


P7220200.jpg

Bầu trời cao nguyên xanh thẳm phô phang trên đồi cỏ cũng xanh


Con đường cũng đẹp nhờ các ngôi nhà thờ giờ có thêm chút vôi ve màu mè làm thôn xóm có đậm đà thêm chút sắc, cho cuộc sống tăng thêm những cung bậc sáng.


P7220164.jpg

Nhà thờ mới lên màu tươi sáng, hợp hơn với bầu trời xanh thăm thẳm – cái dây điện càng nổi hơn!?


(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 8

(cont.)



Tôn thêm vẻ đẹp con đường, rất khác ở những nơi khác cũng có thể có hồ xanh dọc theo, con đường này đẹp lạ bởi những ngôi mộ 2 bên đường. Nghe thì lạ nhưng là thật. Quan điểm của người dân Batak về cái chết là một cuộc sống khác, rất gần với cuộc sống dương thế nên họ trang trí những ngôi mộ cứ như những ngôi nhà, có phần còn đẹp hơn những ngôi nhà họ đang sống nữa. Nhiều khi đi trên đường trưa chói nắng, thấy xa xa có những ngôi nhà đẹp đẹp nho nhỏ, cứ tưởng là do nó còn xa quá, đến nơi mới thấy đó là những ngôi nhà mồ.


P7220259.jpg




P7220258.jpg




P7220261.jpg

Những chiếc nhà mồ còn đẹp hơn nhà thật đẹp rờ rỡ trong nắng trưa.

Con đường đẹp vì đôi lúc chạy bên hồ xanh thấy xa xa một đoàn thuyền xếp hàng thẳng thớm trong nắng lóa bên hồ xanh, như chờ gió lên là rời bến. Đến gần hơn mới biết đó là những căn nhà có mái hình con thuyền của những người dân Batak.



P7220173.jpg

Những mái nhà – con thuyền​



Càng gần Pangururan, con đường bỗng chạy lên đồi cao và hồ bên dưới chợt xanh như ngọc. Có hẳn những bãi cát trắng lóa bên dưới nhưng không tìm được đường xuống, đành giương mắt đứng nhìn rồi thèm thuồng bỏ đi.


P7220196.jpg




P7220193.jpg




P7220207.jpg

Hồ trưa xanh như ngọc, như màu xanh biển chẳng còn là hồ


Con đường đó, đi mãi trong nắng trưa cháy nóng chỉ dịu mát đôi lúc khi có cơn gió hồ trưa nào thức giấc vội vã ùa về… nhưng sao đi mãi không thấy mệt, dù đã đi mãi mà chưa thấy đến nơi. Có lẽ vì đường vắng một mình nên đường gần lại hóa xa, nhưng lại càng thích khi được đi mãi trên con đường đẹp lạ, mà mỗi cảnh quan xuất hiện phải nhìn thật kỹ để xem là thật hay không.



Con đường đẹp, chạy từ Simanindo đến Panruraran được nhiều người ca tụng là vậy đó – sao tôi cứ đi mãi trên đường.


(tbc.)
 
Tuyệt quá bác ạ .......................................................................... :">
Những bức ảnh của bác em thấy độc cô quá ..................... Trời nắng mà như lòng cô quạnh.......................
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 9

@ Rockxuyentheky, cảm ơn bạn đã chia sẻ nhưng bpk thì không thấy cô độc tý nào cả, còn nhớ rất rõ là lúc ấy rất vui khi lơn tơn trên con đường trưa một mình, giữa đất trời xanh ngắt – cả nắng cũng xanh!

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


Chạy mãi rồi tôi cũng đến Pangururan, nhưng trước khi đến Pangururan, tôi lại rẽ phải chạy theo con đường có ghi bảng “Suối nước nóng”. Thật tình mà nói giữa cái trưa nắng đổ lửa này tôi cũng chẳng mơ màng gì đến việc tắm nước nóng nhưng nghe nói nó là điểm “must go” của Danau Toba nên tôi cũng tò mò, nhất là khi thấy con đường chạy lên dốc cao ngất giữa rừng cây xanh um đẹp tuyệt.


P7220210.jpg



P7220218.jpg

Trên con đường dốc cao cao đi vào khu suối nước nóng, có những đoạn dã quỳ vàng rực trời xanh, trên hồ xanh, quyến rũ vô cùng.


Hỡi ôi, chạy càng vào sâu thì rừng bắt đầu khô trắng xác xơ, đất đai bị đào phá lung tung, nhà cửa đang đập phá xây dựng ngổn ngang ở gần khu có suối nước nóng. Té ra là người ta bắt đầu xây nhà nghỉ, khu tắm nước nóng gần đây. Dịch vụ tắm nước nóng giờ được dẫn từ trên núi xuống các bồn nước, ao nước của mỗi nhà hàng, nhà nghỉ. Nói nào ngay, trong cái nắng nung người này, nước lạnh ngắt mà có để ngoài trời chừng 10p là cũng thành nước nóng. Thế là bpk bỏ ý định tắm nước nóng trong cái mấy chuồng ximăng đó, bỏ luôn ý định leo núi lên dốc đến tận suối vì xe đào đất đang đào đường xá ngổn ngang. Thay vì tắm nước nóng, bpk chui vào quán ven núi ven hồ tắm bia lạnh, ngắm trời xanh hồ xanh cây xanh… và chọc ghẹo cô bán quán nho nhỏ xinh mộc mạc, đẹp hồn nhiên.


P7220197.jpg

Đường đi đang xanh mát nhưng vào gần khu suối nước nóng đất đai bỗng xác xơ – tại địa chất hay tại con người.


Nghỉ ngơi tắm bia lạnh gần lưng tưng, bpk mới vác xe chạy triếp vào Pangururan. Dĩ nhiên là tới đây bpk chạy ngang qua con rạch cắt Samosir thành đảo để vào trong đất liền nhưng chạy miên man xa quá không thấy người đâu cả mà bản đồ thì không có nên đành quay lại. Chỉ lo xe chạy sáng giờ trên đường nóng bỏng, có cái lỗ vá nào đó nóng quá nó bung ra thì hát bài “đời cô Lựu đạn” luôn.


P7220201.jpg

Mình nghỉ ngơi thì cho chiến mã nghỉ ngơi luôn – xe thuê 70.000 Rp/ngày.


P7220205.jpg

Quán vắng, chỉ có bpk với cô bé bán hàng xinh mộc mạc. Bé đang làm điệu bên cửa sổ.


P7220223.jpg

Đây là con lạch nhỏ tách biệt “đảo” Samosir với đất liền. Giờ đã có cầu qua lạch nên Samosir mất chức “đảo”.

(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 10

(cont.)


Pangururan nhỏ, được cái là quang cảnh từ đây nhìn sang núi đồi chập chùng bên kia bờ gần nên rất đẹp, những dãy núi màu sôcôla dưới trời xanh mây trắng bên hồ xanh biếc càng đẹp lạ. Và trong cái thị trấn bé xíu chạy mấy phút là hết đó, nổi bậc lên là cái nhà thờ theo kiểu “nhà rông” Batak cao vút giữa trời xanh.


P7220229.jpg

Thiên nhiên ưu đãi cho Pangururan nằm bên một cái hồ xanh ngắt, xa xa gần gần đồi núi chập chùng



P7220240.jpg

… gần gần là những vườn cây xanh ngắt



P7220247.jpg

… gần gần hơn nữa là những bến bờ xanh ngắt sóng nước vỗ về, những chiếc vó, nơm cá dập dềnh…



Nhà thờ gỗ, kiến trúc rất cầu kỳ, có điều họ đóng cửa và cũng đang trong quá trình xây dựng nên bpk không vào bên trong được. Các kiến trúc mang nét đặc trưng Batak với mái hình thuyền cao vút. Nhưng khác với nhà bình thường có 2 mái, nhà thờ này chỉ có phần trước là giống một mái nhà Batak, phần sau lại xuôi xuống như các ngôi nhà thờ bình thường. Các phù điêu, điêu khắc chạm trổ của nhà thờ rất tinh xảo, đẹp đẽ… và giống giống như kiểu chạm trổ ở các mái nhà Batak. Có điều, sự phối hợp giữa kiến trúc của một ngôi nhà thờ chính thống và kiến trúc đậm đà bản sắc địa phương như thế này thì bpk ít gặp lắm. Bạn nào có thấy rồi thì chia sẻ thêm nhé.


P7220235.jpg

Nhà thờ gỗ xinh đẹp kiêu hãnh vươn cao trong nắng xanh



P7220241.jpg

Bạn nào rành về Công giáo có biết vị thánh bảo vệ trước cửa nhà thờ này là ai không vậy?.



P7220236.jpg

Ba vị thần nào đó của người Batak được đưa lên cao chót vót trên đỉnh cao của mái nhà thờ? Phải vậy không ta?


P7220238.jpg

Trong 4 bạn được vinh danh trước cửa nhà thờ này, mình chỉ nhận ra được bạn cú, bạn trâu, bạn hổ,
còn một bạn cuối cùng chẳng rõ, hình như là bạn bò? Mà sao mấy bạn này được lên đây cùng với các vị thánh vậy ta?



Ngồi nghỉ mát một hồi trong khuôn viên nhà thờ, ra hỏi đường nối vòng quanh đảo Samosir để chạy tiếp thành một vòng quay về chố cũ thì gặp toàn những cái lắc đầu, chỉ quay về đường cũ. Không tin, bpk cầm bản đồ lò dò chạy thì cứ gặp những con đường xấu dần, hẹp dần, ngổn ngang đất đá dần… Thử mấy con đường cũng không được, bpk bèn phải quay xe chạy về theo đường cũ.


(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 11

(cont.)


P7220271.jpg

Bóng núi che râm con đường chiều



P7220275.jpg

Xa xa, hồ Toba vẫn xanh xanh trong nắng chiều


Sáng, chạy lơn tơn, vừa đi vừa ngắm cảnh vừa la cà, vừa tám… mất bao nhiêu là thời gian. Chiều, làm cái rẹt một cái chẳng mấy chốc đã về tới chốn cũ. Nhưng bpk không về làng Tuk Tuk ngay, cũng chưa ghé làng Tomok mà chạy tiếp theo con đường ôm chân núi, để lên núi đi từ làng Tomok. Lại gặp lang quê yên bình, gặp lại những cánh đồng bậc thang nho nhỏ ven núi, xa xa hồ Toba vẫn lấp lánh trong nắng chiều… - đúng là ở đảo Samosir, hồ Toba này bạn có thể gặp rất nhiều cung bậc thiên nhiên, màu sắc, cảnh quan… rất khác nhau chỉ trong một khu vực be bé.



P7220297.jpg

Người dân chắt chiu từng góc đất, làm những rẻo ruộng bậc thang con con xinh xinh ven sườn đồi



P7220268.jpg

Những mái nhà hình con thuyền êm đềm bên nương chiều, dưới chân núi


Chiều đã xanh, nắng xanh đã dìu dịu, nhưng trên đồi xanh, nắng bỗng xanh hơn vì cây rừng xanh ngắt, vì những cánh đồng lúa xanh non... Con đường mê mải bpk đang đi này, nếu những mái nhà hình con thuyền được thay bằng những mái nhà rơm, ngói, hay đá đen quen thuộc của miền Tây Bắc… là cứ như ngày nào bpk lang thang miền Tây Bắc. Những cánh đồng bậc thang nho nhỏ lúa còn non tơ lấp lánh nước trong nắng chiều nằm ôm quanh những thôn xóm hiền hòa, những chú trâu hiền lành lang thang trên đồi, tiếng mõ lanh canh hòa với tiếng gió đồi chiều xào xạc ngân lên những bản tình ca đồng quê êm đềm… làm lòng kẻ lang bạt chợt chùng xuống… thật sâu…



P7220282.jpg

“Những trẻ quê, bạn với đàn trâu…” – mà trâu đi đâu rồi?



P7220294.jpg

Những nụ cười ngây thơ bên hiên nhà, bẽn lẽn với khách đường xa


Rồi những nụ cười xinh thơ ngây, những bàn tay vẫy thân thương của những em bé quê chăn trâu đang đùa vui bên đường… những nụ cười đôn hậu niềm nở của những cô bác nông dân đang thong dong về nhà sau ngày nhọc nhằn… Miền quê nơi đâu, người quê nơi nào… gần với đất mộc mạc, thân với cỏ cây hiền hòa… cũng quá đỗi chân tình.


(tbc.)
 
Có điều, sự phối hợp giữa kiến trúc của một ngôi nhà thờ chính thống và kiến trúc đậm đà bản sắc địa phương như thế này thì bpk ít gặp lắm. Bạn nào có thấy rồi thì chia sẻ thêm nhé.

Bạn nào rành về Công giáo có biết vị thánh bảo vệ trước cửa nhà thờ này là ai không vậy?.

Ba vị thần nào đó của người Batak được đưa lên cao chót vót trên đỉnh cao của mái nhà thờ? Phải vậy không ta?

Trong 4 bạn được vinh danh trước cửa nhà thờ này, mình chỉ nhận ra được bạn cú, bạn trâu, bạn hổ, còn một bạn cuối cùng chẳng rõ, hình như là bạn bò? Mà sao mấy bạn này được lên đây cùng với các vị thánh vậy ta?

Đây là nhà thờ mới dựng (hoặc mới sửa lại) nên mới "dám" có những hình tượng như vậy bên trên hình Thánh giá và tượng Đức Mẹ. Trước năm 1950 mà dám đưa các hình tượng thần bản địa như vậy lên cao thì là tội "phạm thánh" cực kì nghiêm trọng. Chỉ từ sau Công đồng Vatican II, Công giáo mới cho phép đưa các yếu tố tín ngưỡng bản địa hòa đồng với biểu tượng Kitô giáo.

Do vậy hình Thánh da màu đen sì, đầy hoa văn mới có được ở đây. Tôi nghĩ hình người ôm thánh giá đại diện cho những người bản địa đầu tiên đã theo và bảo vệ đạo.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,100
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top