What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 12

(cont.)


Ngồi trên đồi chiều. Nằm trên cỏ mềm. Ngửa mặt nhìn trời xanh. Ngóng trông về mây trắng. Lắng nghe tiếng lá hát cùng gió trên cao. Lặng nghe tiếng côn trùng rỉ rả… Đến khi mặt trời xuống ngang cây sào, bpk rời cõi thiên đường xanh, lên xe lóc cóc quay về làng Tomok.


Làng ven hồ cũng giống làng ven biển. Có điều hồ xanh êm và không có bến cá nên có vẻ trong lành chứ không có vẻ đậm đà của những làng chài ven biển. Làng nằm dọc theo còn đường xanh um tùm cổ thụ chạy ven bờ hồ. Cây cối xanh tốt, hoa nở khắp nơi, vụ mới bắt đầu nhưng lúa đã tốt bời bời hứa hẹn mùa bội thu.


P7220300.jpg

Con đường làng thanh bình chạy dưới hàng cổ thụ xanh um


Ngoài cảnh đẹp thanh bình thu hút khách du, làng Tomok còn nổi tiếng bởi những ngôi mộ đá của các vị vua Batak từng trị vì vùng đất có làng Tomok, dòng họ Sidabutar. Có nhiều câu chuyện về các vị vua này liên quan đến các ngôi mộ đá của họ, nhưng điểm chung nhất là các vị vua này khi băng hà sẽ không chôn vào đất hay hỏa táng mà sẽ an táng vào các ngôi mộ bằng đá đã chuẩn bị sẵn. Và tùy theo mong muốn hay các câu chuyện đương thời của các vị vua, mộ đá sẽ có những điêu khắc kể lại câu chuyện đó.


P7220301.jpg

Nhà mồ các vị vua Sidabutar


P7220305.jpg



P7220306.jpg

Tượng đá của vua Ompu Ni Ujung Barita Sidabutar


Bạn có thấy tượng người đàn bà đội chén lấp ló phía sau. Đó là câu chuyện về vị hôn thê của vua Ompu Ni Ujung Barita Sidabutar. Vị vua này, lúc cũng đã cao tuổi có đính hôn với 1 cô gái trẻ, nàng Anting Malela. Theo tục lệ, nàng sẽ phải đội trên đầu một cái chén, không được giữ bằng tay, trong suốt thời gian đính ước. Thế nhưng cô gái trẻ này đã không tuân thủ. Giận dữ, nhà vua đã dùng phép thuật làm nàng mất trí. Và khi mất, ông vua này muốn tạc tượng nàng đang đội chén sau lưng ông, trên mộ như để nhắc nhở người đời sau. Vị vua này mà ở thế kỷ 21, giữ nguyên tục lệ này chắc chắc ế dài dài quá…


P7220309.jpg

Từ làng Tomok nhìn sang làng Tuk Tuk bên kia vịnh. Bpk ngụ ở Bagus Bay Homestay,
cũng gần gần với mấy tòa nhà hình cái thuyền sáng sáng đó. Về Tuk Tuk nhanh thôi, kiếm chỗ nhìn hoàng hôn rơi chứ!


Khu mộ đá này nằm dọc trên con đường gần bến phà của làng Tomok, bình thường sẽ có các HDV địa phương giới thiệu các điển tích cho du khách nhưng vì bpk đi trễ quá, đi một mình nữa nên chẳng ai quan tâm, cứ để bpk lọ mọ quanh đó, ngắm nhìn, chụp vài tấm hình, tìm xem có gì đọc được hay không… rồi lại lên đường quay về Tuk Tuk kiếm chỗ ngắm hoàng hôn. Chiều đã muộn lắm rồi!


(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 13

(cont.)


Chạy về Tuk Tuk thật nhanh, kiếm hoài cũng không thấy có góc nào đẹp hơn cái góc ven đồi hôm qua. Bèn chui lại quán đó. Cũng giờ này nhưng hôm qua là một bầu trời xám xịt, còn hôm nay là hoàng hôn rực rỡ. Đi chơi, nhiều khi là hên – xui!


P7210760.jpg

Hôm qua


P7220329.jpg

Hôm nay


Hoàng hôn trên hồ tuy không rực rỡ như hoàng hôn biển đảo nhưng mang một sắc thái êm đềm. Trời xanh dìu dịu rồi chuyển sang hồng nơi chân trời, khi mặt trời vừa lặn qua núi, dù trên cao bầu trời vẫn xanh ngăn ngắt. Ráng vàng từ đâu bỗng xuất hiện thay cho mây trắng, tô lên bầu trời xanh những gam màu vàng ấm cúng. Rồi có lúc chân trời ráng pha vào mây rực lên như bó đuốc.


P7220426.jpg

Hoàng hôn chợt rực lên


P7220412.jpg

Những đám mây lửa cháy cả một góc trời


Các cung bậc màu cứ thay đổi trên nền trời vẫn xanh ngăn ngắt dù mặt trời đã chìm sâu tư khi nảo khi nao. Từ những cánh rừng xa xa, những đàn chim cuối cùng vội vã bay nhanh về tổ, để lại những điểm nhấn mềm mại rồi tan biến vào không trung.


P7220417.jpg

“Chim bay về núi tối rồi…”


P7220392.jpg

Cánh chim cô đơn bay trên những đám mây lửa – sao nhìn nó tui cứ liên tưởng đến tui (!?). Hix!!!


P7220437.jpg

Mặt trời đã bỏ đi lâu lắm rồi, những tia nắng ham vui vẫn còn luyến tiếc​


Đêm đã sâu. Tôi trở về Bagus Bay Homestay. Tôi lại ra ngồi bên hồ thả hồn theo sóng nước. Những làn nước mát lạnh ve vuốt dưới chân, tiếng côn trùng đêm rả rích, những con đom đóm lập lòe trên hồ đen thẫm. Đêm bên hồ Toba ngày thứ hai vẫn tươi mới thanh bình quá đỗi với kẻ lang thang xa nhà…



(tbc.)
 
Danau Toba, ngày nắng xanh trên hồ xanh đồi xanh…. – 14

(cont.)


Như vậy, bpk đã lôi kéo các bạn đi lòng vòng ở Danau Toba lâu quá lâu rồi hén. Thực sự mà nói, bpk rất thích sự yên bình và cảnh quan hiền hòa xinh đẹp nơi đây. Cũng muốn ở thêm nữa vì biết ngày quay lại chắc khó khăn muôn trùng. Nhưng cũng phải sắp xếp để chuẩn bị lên đường thôi. Con đường phía trước còn xa ngút ngàn, lần khân mãi ở đây thì bao giờ mới tới.


P7230442.jpg



P7230447.jpg

Buổi sáng cuối ở Toba. Sóng vẫn mến yêu dập dềnh ve vuốt dưới chân như nuối tiếc níu kéo người ở lại


Nói đi là nói vậy, chứ muốn đi ngay cũng có được đâu. Theo hướng xuôi nam đảo Sumatra, bpk sẽ đi đến Bukittinggi. Nhưng muốn đi Bukittinggi phải đợi xe từ Medan xuống chứ ở Toba và cả làng Parapat trong đất liền cũng không có xe chạy đường dài như vậy. Do vậy, bpk lại có nguyên một buổi sáng lang thang ở Samosir trong lành trước khi lên đường.


P7230507.jpg

Café Juwita nhỏ, xinh và ấm cúng


P7230508.jpg

Sáng trên đồi cao – hồ xa trong xanh quyến rũ



Buổi sáng hôm nay, trời vẫn trong xanh vời vợi, mây trắng vẫn bay lững lờ như ngàn đời. Bpk lại ra bờ hồ nằm trong gió sớm một tý để thưởng thức rồi mới lang thang cuốc bộ vào trong làng Tuk Tuk, theo hướng ngược lại, lên đỉnh đồi, mà bữa giờ chưa đi. Làng quê vẫn vắng vẻ yên bình trong nắng sớm. khách đã đi xa hay còn ngái ngủ ở những chiếc ghế đá ven hồ xanh. Bpk leo lên dốc, leo vào một quán café Juwita, trong quán lại có 1 khu nhỏ có cái tên rất hay “Paradise View”, lại leo lên dốc đá thật cao mới đến view-point đo, kêu café và lôi sách ra đọc. Lúc nào lười nhác thì cứ buông sách ra mà thả hồn theo mây gió. Chỉ có một mình bpk ở đó nguyên buổi sáng. Gió sáng trên cao bên hồ thật thanh sạch, tươi mới. Vườn nhà ai đang cắt, mùi cỏ non ngai ngái thơm thơm, con chim lạ nào đang chiêm chiếp đâu đây hòa trong tiếng lá thi thoảng rì rào khi gió về đùa… Thật dễ chịu, chẳng hề có tý cảm giác cô đơn nào dù chỉ đơn độc một mình. Dì chủ quán rất dễ thương, thỉnh thoảng lại lên con dốc để hỏi thăm là bpk có cần gì không? Vui hơn tý là sáng hôm đó có người bạn đã lâu không gặp bỗng gọi điện. Vẫn còn người nhớ đến mình sao?


P7230458.jpg

Chú chủ quán Juwita đang miệt mài sáng tác bằng những phương tiện thô sơ.


P7230508.jpg

Và những thành quả cây nhà lá vườn cứ sáng ngời



Rồi cũng đến lúc chia tay. Ngậm ngùi đeo balo lên tàu. Buồn bã nhìn mảnh đất hiền lành đã chấp chứa kẻ lang bạt trong mấy ngày qua. Buồn! Một trong những điều làm bpk buồn nhiều trong những chuyến đi chính là lúc mình phải chia tay vùng đất mình yêu mến để ra đi và biết là khó lòng quay lại. Thôi cũng đành chịu! Cứ lấy mục đích phía trước ra để phấn đấu, để lấy sự ham muốn cái mới che đè lên cái cũ vậy!


P7230518.jpg

Chia tay những bông dã quỳ vàng rực Toba, những bông hoa gợi nhớ nhiều kỷ niệm quê nhà, bpk lên đường nhé!​



Chào nhé Toba! Thẳng tiến Bukittinggi – một thiên đường du lịch khác của Indonesia, tìm đến kỳ hoa lớn nhất thế giới, chinh phục hỏa diệm sơn đang nóng bỏng đi nào!
 
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 1

P7230569.jpg

Bến xe Parapat xám xịt chiều hôm chia tay.


P7230580.jpg

Nhưng rồi lại có 1 hoàng hôn nắng vàng dìu dịu trên đường quê


Bukittinggi, tiếng Indonesia có nghĩa là “Đồi cao” là 1 trong những thành phố lớn nhất miền tây Sumatra, nằm trên cao nguyên Minangkabau, cách tỉnh thủ phủ của khu vực Tây Sumatra, Padang 90km. Padang cũng là nơi bị tàn phá nặng nề bởi các trận động đất trong năm 2009 vừa qua. Cách nhau 90km nhưng Bukittinggi luôn mát mẻ dễ chịu vì ở độ cao gần 1.000m còn Padang lại là thành phố biển chan hòa nắng gió. Cùng với Samosir ở hồ Toba, Bukittinggi một thời là thiên đường du lịch của dân hippy (hồi đó chưa có dân backpacker) nhưng vì tình hình chính trị không ổn định nên du khách đã chuyển sang Thailand. Sau khi bpk rời Bukittinggi không lâu thì có thông tin về việc cảnh sát khám phá âm mưu của những phần tử quá khích đạo Hồi dự định cho nổ tung quán café dành cho du khách mà bpk cũng thường xuyên lê la lúc còn ở đó. Thật đáng buồn! Nhưng với bpk, người dân ở đây lại hết sức chân tình và mến khách. Đến Noel 2009 vừa rồi, hơn 1 năm từ ngày rời Bukittinggi, bpk vẫn nhận được sms chúc Giáng Sinh của các bạn ở nơi đó.


P7240582.jpg


P7240584.jpg

Bukittinggi đón chào trong nắng xanh ngời. Những mái nhà con thuyền ở Toba đã lạ, nhưng mái nhà này còn lạ hơn nữa!!!​


Bpk chọn dừng ở Bukittinggi thay vì thành phố biển Padang vì bpk đã quá quen với biển đảo quê nhà. Còn Bukittinggi thì lại có những điều quê nhà không có, đó là bông hoa lớn nhất thế giới Raflesia & 2 ngọn núi lửa để chinh phục, trong đó đặc biệt là ngọn núi lửa đang hoạt động phì phò Gunnung Merapi (2.891m)… mà bpk nhất quyết sẽ leo lên đó. Bukittinggi còn nổi tiếng với Sianok Canyon, cung điện xưa của các vua Minangkabau, các nhà thờ, đền đài, văn hóa, con người… nhưng mục tiêu chính của bpk vẫn là Raflesia & Merapi.


Đến Bukittinggi, mệt như một con chó già leo núi mắc mưa, xe chạy từ 5.30pm chiều qua và mãi hơn 9.30am sáng mới đến. Sợ nhất là máy lạnh trên xe. Lạnh vô cùng. Quấn, trùm, che đủ thứ vậy mà trưa nay đã hơi sốt và nghẹt mũi rồi. Không biết tình hình sắp tới thế nào đây.


P7240585.jpg

Ngồ ngộ những mái nhà ở Bukittinggi


Sau khi quăng balo vào nhà nghỉ (25.000Rp # 2,5$), việc đầu tiên là vừa đi ngắm phố phường vừa phải đi tìm chỗ đổi tiền. Khu bpk ở là khu balo thế nhưng việc đổi tiền hết sức buồn cười (cũng như hôm bpk ở Medan vậy) là họ chỉ đổi cho các series từ 2006 trở lại với giá cao, còn lại là giá rất thấp. Sau đó họ chỉ đến ngân hàng. Thế là bpk vừa đi dạo phố vừa kiếm ngân hàng. Đến ngân hàng, lấy phiếu xếp hàng hồi lâu, nhân viên tiếp đón nồng hậu niềm nở nhưng tình hình cũng y chang vậy luôn, còn tệ hơn về tỷ giá. Ngửa mặt than trời 3 tiếng, bpk lội ngược về khu balo chui vào quán trưa ngồi nghỉ ngơi rồi tính tiếp.


P7240588.jpg

Quán Apache buổi trưa vắng tanh


P7240587.jpg

Bữa đầu tiên tại Bukittinggi – món salad với nước sốt đậu phụng Indonesia rất nổi tiếng (và tốt cho sức khỏe!!!)


(tbc.)
 
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 2

(cont.)

Có nhiều truyền thuyết thú vị về sự ra đời cái tên của thành phố này. Lúc trước ở đây có 5 cál làng nhỏ. Trong thời gian người Hà Lan đô hộ, nơi đây có tên Pháo đài Kock mà bây giờ trong thành phố vẫn còn nhà lưu niệm to đùng. Pháo đài Kock này đầu tiên được xây dựng bởi đại úy Bauer trên đỉnh đồi Jirek, và sau đó là ngài Hendrik Merkus de Kock của công ty Đông Ấn, Hà Lan. Thế là người đến sau lại được lưu danh – mọi chuyện trên đời thường như thế phải không?


Gần trung tâm thành phố có 2 điểm du lịch là Sianok Canyon và Hang Nhật Bản. Tuy nhiên, Rặng Sianok và Hang Nhật là 1 hệ thống bong-ke quân sự, địa đạo dưới lòng đất do quân Nhật xây dựng… thì bpk cũng chẳng xa lạ gì, chắc cỡ địa đạo Củ Chi hoặc to hơn tý xíu (!?), do vậy sẽ không là ưu tiên của bpk. Chỉ chăm chăm đi tìm hoa lớn nhất thế giới Raflesia và chinh phục núi lửa đang hoạt động Gunnung Merapi thôi.


P7240594.jpg



P7240592.jpg

Trời chiều Bukittinggi mưa buồn quá (chiếc cầu vượt từ Pháo đài Kock qua công viên)​


Trời Bukittinggi thật lạ, lúc trưa trời còn nắng rực rỡ, mây trắng lững lờ vậy mà buổi chiều trời bỗng xám xịt và mưa ào ào. Bình thường thì bpk rất thích lội mưa, nhưng đang bịnh và cái mưa ở vùng cao nguyên gần 1.000m so với mặt nước biển này không dễ chịu tý nào. Buốt! Thế là kế hoạch leo núi lửa vào 11pm đêm nay chắc phải dời vì sức khỏe không tốt mà thời tiết không thuận lợi. Sau khi ngắm mưa, nghe mưa đã đời và thấy bớt sốt, bpk bắt đầu đội mưa lang thang Bukittinggi chiều.


P7240599.jpg

Pháo đài Kock giờ còn tấm bảng lưu dấu


Pháo đài Kock giờ chẳng còn gì, dùng làm tháp nước của thành phố và vài tấm bia đá ghi lại những câu chuyện xưa. Nhưng thú vị hơn là vì Pháo đài này nằm trên ngọn đồi mà nếu đi bộ, bạn sẽ len lỏi theo những con đường con con đi qua thôn xóm yên bình để đến nơi. Hơn thế nữa, từ ngọn đồi có pháo đài này, lại có 1 cây cầu vượt dành cho người đi bộ Limpapeh bắt ngang qua một ngọn đồi khác, nơi có Bundo Kanduang Park, công viên có nhà bảo tàng (và 1 vườn thú be bé) về các dân tộc ở cao nguyên Minangkabau. Cầm một chai Bintang đứng trên cầu ngắm phố phường, xe cộ ngược xuôi bên dưới là “đủ tiền” rồi.


P7240602.jpg

Nắng lại lên, nhìn chiếc cầu vượt lại có thêm tý màu mè lại xinh xinh


P7240612.jpg


P7240632.jpg

Nhà bảo tàng trong công viên – trong đó có nhiều mô hình về đời sống dân tộc ít người rất giống đồng bào Tây Nguyên.


P7240630.jpg

Hình như ai cũng có ước muốn làm vua khi mặc những chiếc hoàng bào (!?). Hình chụp người dân mặc áo vua và hoàng hậu để chụp hình.​
(tbc.)
 
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 3

(cont.)


P7240640.jpg

Tòa nhà đẹp gặp trên đường lơn tơn Bukittinggi


P7240654.jpg



P7240655.jpg

Xóm làng hiền hòa trong Sianok Canyon chiều mây phủ


Lang thang trên đồi Kock, công viên, nhà bảo tàng… ra chợ mua cái nón Hồi Giáo… bpk lững thững đi về Sianok Canyon lúc chiều cũng đã muộn. Chẳng còn ai tham quan, hàng quán đã bắt đầu dọn dẹp. Leo lên cái chòi canh ngắm chiều rơi trên Sianok Canyon, thấy cũng đã đã dự định mai sẽ lang thang vào đó, bèn leo xuống, thì có một nhóm khách Tây leo lên. Bắt chuyện, thế là có chuyện.


P7240674.jpg



P7240666.jpg

Sianok Canyon đây – có cạnh tranh lại Grand Canyon không? Đi rồi sẽ biết!


Số là, bạn nào có rảnh rỗi đọc loạt bài này từ đầu có biết (?) là ý định xem hoa Raflesia đã có từ lúc ở Cameron Highland ở Malaysia nhưng lúc đó hỏi thăm là hoa đã hết mùa, không nở nên “tham vọng” bị lụi tàn. Đến Bukittinggi, lúc nãy cũng ham hố hỏi thăm mấy ku ở quán Apache, tự xưng là HDV du lịch… chúng cũng bảo là hoa tàn rồi… nên cũng buồn bã. Nhưng khi hỏi bạn khoai Tây là mày đi đâu hôm nay, nó nói là nó đi… và có đi thăm hoa Raflesia. Ngạc nhiên, bpk hỏi kỹ lại, hỏi luôn cách thức đi đứng. Xong xuôi hùng hổ quay lại Apache mắng nhiếc cho mấy đứa kia một trận, đổi ý, hủy chuyến đi Sianok Canyon để sáng mai đi vào rừng xem Raflesia. Bạn thấy không, đôi khi “tám” cũng có lợi vậy đó!


(tbc.)
 
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 4

(cont.)


Sáng, Bukittinggi mưa sụt sùi, ngồi uống café thì đã vô cùng nhưng lòng dạ rối bời bời vì mưa gió này làm sao đi rừng. Nhưng cuối cùng, sự ham hố đã quyết thắng, đúng là Phật dạy không sai, cái “tham sân si” của con người nó to thiệt.


P7250003.jpg

Một bữa sáng yên bình và hạnh phúc ở Bukittinggi mưa bay mờ mờ


P7250004.jpg

Trong mưa, Bukittinggi giống làng quê Việt, nhớ nhà quá trời luôn!


Chú xe ôm quăng bpk ở đầu rừng, có ngôi làng nhỏ, nơi có những anh kiểm lâm kiêm nhiệm vụ dắt khách đi xem Raflesia. Anh nhìn bpk trên xuống, dưới lên 2-3 lần rồi hỏi “mưa gió này mày đi được không?”. “Dân chơi cóc sợ mưa rơi” lên đường thôi.


P7250009.jpg

Con đường đi “trekking” trong mưa cũng qua nhiều cảnh đẹp của làng quê đồi núi nhưng vừa đi vừa bò làm sao chụp hình?


Thành thật khai báo để được cách mạng khoan hồng là vốn đã tệ như vợ thằng Đậu trong mấy vụ leo trèo, hôm đó bpk lại chỉ mang đôi săng-đan mỏng vì để dành đôi giày tối leo núi. Thế là té lên té xuống oành oạch trong suốt mấy tiếng đồng hồ theo anh đó. Đường trơn, mưa rỉ rả, có những đường ven bờ vực (chỉ 3-4m) bé xíu… anh kiểm lâm đi như chạy rồi đứng lại hút thuốc chờ bpk bò theo. Ôi trời đúng là cái “sân” làm cực cái thân. Đi mãi, từ bìa rừng, băng qua làng, rồi lại vào rừng, vừa đi vừa bò, vừa bắt ếch, vừa chụp nhái, vừa *** cuối cùng cũng đến được một cánh rừng um tùm tối đen thấy anh kiểm lâm đứng cười cười. Trời ơi mừng quá, xuống suối kề bên rửa ráy mặt mũi chân tay (đặng còn chụp hình chứ!!!), rồi xông lên.


P7250036.jpg

Nó đây, Raflesia đây, lúc đầu nằm trong sương bụi mờ mờ


P7250029.jpg

Rồi tự nhiên có luồng nắng chiếu ngay vào – vậy bpk hên quá hén!
Cái người quay mông lại không phải bpk đâu nghen! Đưa hình lên để so sánh kích thước thôi.


Ôi trời, dù đã được báo trước là hôm nay hoa đã nở đến ngày thứ 3 (hoa nở trong 7 ngày), cánh đã cuộn lại rồi, không còn to như ngày đầu tiên nhưng vẫn thấy nó to chà-pá. Kích thước lúc sung mãn nhất của nó có thể lên đến 1,2 – 1,5m luôn đó. Nhưng sao nó không hôi? Nghe nói hoa to nhất thế giới cũng là hoa hôi nhất mà? Anh kiểm lâm nói có 2 loại, loại kia khác, loại này cũng to nhất thế giới nhưng không hôi. May quá, kề cái mẹt vào cái bông, nhờ anh kiểm lâm chụp vài tấm (hư hết trơn vì rừng tối thui, còn mưa rỉ rả) rồi lui ra đứng ngắm (vì làm gì có chỗ mà ngồi vì dốc đứng và đầy sình). Ngắm đã đời, thấy nó cũng chẳng đẹp, chỉ được cái to, tự thỏa mãn với lòng là đã ngắm được bông hoa to nhất thế giới bèn hớn hở đi về.


P7250013-1.jpg

Và đây là kích thước khi bpk ngồi kế bên.


P7250010.jpg

Và cận cảnh! Đó, Raflesia đó! Hoa lớn nhất thế giới đó! Chỉ vậy thôi mà lội suối trèo đèo, dầm mưa tắm gió…!!!


Tập 2 của việc vừa đi, vừa bò, vừa bắt ếch, vừa chụp nhái… gần 2h đồng hồ ra đến bìa rừng. Nói chuyện với mấy anh kiểm lâm thì biết dạo này hoa vẫn nở tưng bừng, nhưng trong rừng sâu thôi. Chỗ nào có nụ là mấy anh canh trước, đến khi nó nở thì dắt khách đi xem. Ảnh còn nói may là kỳ này nó nằm gần bìa rừng chứ nhiều khi còn phải đi 4-5h mới tới. Chèn đét quỷ thần ơi – dù sao số mình cũng còn may.


Về đến Bukittinggi trời lại nắng (!). Quẳng quần áo ra giặt bùn sình nghẹt cống luôn (!). Xong xuôi sạch sẽ thơm tho, đi kiểm tra thông tin về điều kiện leo núi lửa tối nay. OKie!. Bèn leo tót lên chiếc xe gắn máy vừa thuê chạy lon ton khắp phố phường đồi núi Bukittinggi.


(tbc.)
 
Trùi, cái bông bự xự! Tháng 3 năm nay em nhất quyết sang Cameroon Highland để xem thử cái bông này, không biết có ngay mùa ko bác?!
 
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 5

@ bluesky, bpk cũng không biết tháng 3 có phải mùa Raflesia ở Cameron Highlands không? Bạn lên mạng kiếm thông tin thử xem nghen.
::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)



P7250042.jpg

Chút nắng hiếm hoi cũng làm sáng Bukittinggi​


Trong thế chiến II, thành phố là nơi đóng quân của binh đoàn 25 của Nhật bản, đơn vị chiếm đóng đảo Sumatra mãi đến khi Nhật đầu hàng. Cũng trong thời gian đóng quân, quân Nhật “đã đào đục… làm gì đó” trong rặng núi đá Sianok nên bây giờ, ngoài việc được chọn là nơi tham quan thú vị, Sianok Canyon và Japanese Caves (Lubang Japang) còn là nơi tìm kiếm khám phá của rất nhiều nhóm người – sao mình không thử hén, biết đâu lượm được cục vàng thì sao!. Sau khi Nhật đầu hàng, chiến sự vẫn tiếp tục xảy ra, giữa quân kháng chiến và binh lính Hà lan muốn quay lại chiếm giữ nơi đây. Mãi đến 1949, sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, nơi này mới có tên là Bukittinggi, thoát khỏi cái tên “đô hộ” ngày xưa, nhưng mãi đến 1958, thành phố mới thực sự yên bình và nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền Indonesia. (Từ L.P)


P7250057.jpg

Bữa trưa nhẹ nhàng thanh cảnh trong 1 chiều Bukittinggi mơ màng


P7250063.jpg


P7250059.jpg

Phố phường với những mái vòm nhà thờ bên cạnh những mái nhà con thuyền nhiều chái​


Khác với buổi sáng mưa bay giăng giăng, chiều nay trời khô, thỉnh thoảng lại có chút nắng hanh vàng trên cao nguyên, làm những mái nhà nhiều mái nhọn ở đây đẹp lạ. Tuy có nắng, nhưng chạy xe máy trên cao nguyên rất lạnh, buốt cả đôi tay trần và rát cả mặt. Tuy vậy lại rất thích, lại nhớ miên man những ngày lơn tơn một mình cao nguyên Tây Bắc hay Đà Lạt mộng mơ… Bukittinggi là xứ đạo Hồi, khác xa với xứ đạo Công giáo ở hồ Toba mà bpk vừa rời đi nên cảm giác cũng hơi là lạ, nhất khi mới vừa quen mắt với những tháp chuông nhà thờ nay lại gặp khắp nơi những mái vòm củ hành trên phố phường. Khác với những nhà thờ Công giáo được xây dựng cách điệu với kiến trúc địa phương, những mái vòm thường cứ là những mái vòm, chẳng cách tân cách điệu gì hết mà cũng chẳng lẫn vào đâu được. Bpk thuê xe của 1 chị kia, được chị ấy ở về nhà trong thôn xóm để lấy xe. Người dân ở đây rất thân thiện vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ, nhất là cái đoạn bpk chạy xe bị hết xăng, họ cũng giúp mình đẩy xe luôn… nói chung là rất khác với các bạn khủng bố mà đôi lúc bạn có nghe về vùng đất này.


P7250082.jpg

Chút nắng vàng rải trên triền đồi xa xa làm chiều Bukittinggi sao quá mơ màng, cầm chai Bintang ngồi trên đồi mà cứ ngỡ Đào nguyên (!?)


P7250096.jpg

Xa xa, những mái nhà – chiến thuyền chìm trong hoàng hôn như những con thuyền trôi
trong sương chiều (tưởng tượng đi nghen – vì đến lúc đó hết chụp hình được rồi!)​


(tbc.)
 
Last edited:
Bukittinggi – rừng sâu tìm bông hoa to nhất thế giới, chinh phục núi lửa Merapi - 6

(cont.)


Ngày hôm nay là một ngày rất “phởn”, vì sau khi lần mò vào rừng sâu, xem được hoa lớn nhất thế giới Raflesia cảm thấy thỏa mãn lắm lắm rồi (niềm vui sao quá đơn sơ và đơn điệu hén!!!), lại có một buổi chiều vô tư lự chạy xe rong chơi khắp phố phường đồi núi thanh bình nên tâm hồn rất ư là thư thái, chỉ ăn chơi nhảy múa, lướt net chờ tối nay chinh phục núi lửa Gunung Merapi thôi. Thú thực là có thằng ku Tây kia rủ bpk đi leo núi đêm với nó không cần guide, vì nó thích mạo hiểm vậy và không muốn tốn tiền cho guide nhưng bpk thì không dám (!?). Vấn đề là nếu tự leo núi ban ngày thì còn được, còn đây là ban đêm, chưa đứa nào biết đường xá rừng rậm ra sao, đồi cao dốc núi thế nào lỡ đi lạc hay cọp vồ, trăn quấn… thì phí đời. Hơn nữa chi phí lại quá hợp lý, chỉ khoảng 15US$ cho bạn tour guide mà bạn ấy còn mua đồ ăn thức uống, chăn mền (mướn) mang theo cho mình nữa. Còn rẻ hơn là leo núi ở… thôi không so sánh, kẻo bị oánh hội đồng chạy sút dép không thoát.


800px-Marapi1.jpg

Gunung Merapi đây (hình của wiki), mình có leo lên nó nổi không ta, 2891m chứ đâu có ít, ban đêm nữa


Gunung Merapi, cao 2891m (có sách ghi 2890m, theo wiki thì là 2891,3m) là núi lửa đang hoạt động, nằm ở phía đông Bukittinggi, thuộc Tây Sumatra. Sở dĩ phải ghi rõ như vậy vì còn có một núi lửa khác cũng tên Gunung Merapi nằm ở Trung Java, gần với Yogyakarta. Truyền thuyết bản địa cho rằng đây là nơi cư trú đầu tiên của người Minangkabau, khi con thuyền chở họ cập bến nơi đây ngày xa xưa. Lúc đó nó còn có hình dạng quả trứng và bao quanh bởi nước. Gunung Merapi, hay còn được gọi là Marapi là 1 trong 3 ngọn núi đặc trưng của Bukittinggi, 2 ngọn kia là Singgalang và Sago. Trong đó, chỉ có Sago là núi bình thường, 2 cái còn lại là núi lửa.


Gunung_Merapi1.jpg

Còn đây là hình của Merapi đang phún trào sưu tập trên mạng, dù chủ nhân đã ghi là G. Merapi
của Bukittinggi nhưng nghi ngờ đây là Merapi của Java quá. Đang leo mà nó phun kiểu này thì “tèo”. (Hình từ net).


Merapi vẫn đang hoạt động, lần phun trào gần đây nhất của nó là vào 1979. Hiện nay, tuy không có sự phún trào nhưng miệng núi lửa vẫn phì phò nhả khói mỗi ngày và thỉnh thoảng phun ra những đám đá nham thạch nhỏ (cỡ đầu người hoặc bé hơn) trên miệng núi lửa. Trong vùng này thực ra có đến 2 núi lửa, Merapi và Singgalang (2880m). Tuy thấp hơn nhưng lại ít người leo lên Singgalang vì nó xa hơn, khó đi hơn (dù thấp hơn) và vì một điều đơn giản khác là nó ít hấp dẫn hơn Merapi – vì nó đang ngủ vùi, còn Merapi vẫn đang hoạt động, đang phì phò đêm ngày.


bukittinggi_s1.jpg

Đây thì chắc chắn là Gunung Merapi của Bukittinggi rồi, nhìn những mái nhà con thuyền thì biết ngay (hình từ net).​


Trekking không nhiều nhưng chẳng ít, nhưng đây là lần đầu tiên bpk leo núi trong đêm, leo lên núi lửa đang hoạt động, leo qua 2 loại địa hình – rừng già bên dưới, đỉnh trọc chỉ trơ đá sỏi ở đoạn gần miệng núi lửa, để ngắm bình minh ở miệng núi lửa, ở 2891m, trên cả mây trời lang thang bên dưới.... được lắm chứ, đáng để đi lắm chứ. Nếu tối nay làm được điều này, bpk đã làm được nhiều điều thú vị từng mơ ước nhưng chưa dám / được làm ở phố nhỏ Bukittinggi dễ mến này.


Bắt đầu leo núi đi nào…


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,100
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top