What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Chút lang thang Jakarta – 5

(Cont.)


P7290393.jpg



P7290395.jpg

Café Batavia


Điều thú vị nhất là tôi kết thúc hành trình Kota trong Cafe Batavia, 1 ngôi nhà cổ, được xây dựng trong khoảng từ những năm 1805-1850 của 2 thế kỷ trước. Thật "đã" khi ngồi trong tòa nhà xưa cổ mát dịu và râm tối, nhìn ra quảng trường mênh mông nắng, cũng xưa cổ, ngoài kia, mà mơ, mà nhớ... Chân thành khuyến cáo các bạn nếu có dịp đi Kota, Jakarta nên ghé Café Batavia. Báo trước là giá phục vụ cũng hơi chát một tý, nhưng đi chơi mà, có lúc này lúc khác chứ. Mệt mỏi lười nhác thả người trong quán trưa êm đềm, nhìn ra quãng sân loáng nắng, tôi để chiều trôi đến lúc giật mình dậy mới hay mình phải vội về Jalan Jaksa để mua vé tàu lửa cho hành trình ngày mai.


P7290356.jpg



P7290354.jpg

Các hòn đá có khắc chữ cổ và dấu chân người (Trong Bảo tàng Sejarah Jakarta )


P7290358.jpg

Góc nhà của người bản xứ, giống người Việt hén


P7290373.jpg



P7290372.jpg

Bảo tàng gốm sứ


Về tới nơi cũng gần 4pm, lại ngồi thừ người trong quán vì nắng quá nhưng cuối cùng cũng "vượt lên chính mình" vác xác ra ga xác định giờ giấc chuyến tàu đi Bogor sớm ngày mai, cũng như đi lên ga chính Gambir để xác định lại 1 lần nữa, con đường đi cũng như giờ giấc.... cho những chuyến đi kế tiếp. Cũng hay là cuối cùng, sau khi rời ga lại đến quảng trường Mederka nổi tiếng nhất Jakarta gần đó. Để phần còn lại của buổi chiều, trôi lênh đênh ở đây.


(tbc.)
 
Chút lang thang Jakarta – 6

(Cont.)



Gần khu Jalan Jaksa có đến 2 ga, Gambir và Gondangdia. Gambir là ga chính, có các chuyến tàu đi Yogyakarta, Surabaya.. gần ga Gambir cũng có bến xe bus chất lượng cao đi sân bay rất tiện. Còn Gondangdia là ga nhỏ, nơi có các chuyến tàu chợ đi đến các tỉnh thị gần gần với Jakarta. Tôi đến Gondangdia để hỏi thăm giờ giấc tàu đi Bogor, nhưng tôi cũng phải đi đến ga Gambir luôn để xác định đường đi nước bước cho sau này luôn. Xong, tôi tót ra quảng trường Merdeka, lớn nhất Jakarta.



P7290417.jpg



P7290418.jpg

Các bức tượng trên đường từ Jaksa ra ga Gambir


Quảng trường Merdeka này ngoài cái to ra chẳng còn gì khác ngoài tháp tưởng niệm Monas. Được tổng thống Soekarno cho xây dựng vào năm 1961, đến năm 1975 nó mới hoàn thành và mở cửa cho dân chúng vào xem, dưới thời tổng thống Soeharto.


P7290432.jpg

Đường đi thênh thang trong Merdeka


P7290453.jpg

Té ra cái hoa Raflesia được cái to chứ không đẹp ở trong rừng Bukittinggi vẫn đẹp hơn cái hoa xi-măng này hén!


P7290440.jpg

Rồi cái hoa tự chà-pá này mới là hoa vừa bự vừa hôi nhất thế giới đây, không biết nó mọc ở đâu để đi xem một cái “nhất thế giới” nữa (!).


P7290446.jpg

Monas trong chiều


P7290426.jpg

Rồi hoàng hôn Monas


(tbc.)
 
Chút lang thang Jakarta – 7

(Cont.)


P7290461.jpg

Tượng của hoàng tử Diponeporo, cũng là người anh hùng dân tộc, đấu tranh cho độc lập tự do của Indonesia.


P7290459.jpg

Những bóng đen trong Merdeka


P7290468.jpg

Xem lại mình​


Cao 128,7m, tháp Monas được xây dựng như một đài tưởng niệm cho cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Indonesia. Ý định xây Monas đã được tổng thống Soekarno nung nấu ngay từ khi Indonesia giành được độc lập từ tay người Hà Lan. Ông đã cho tổ chức cuộc thi sáng tác ý tưởng về một đài tưởng niệm quốc gia vào năm 1955 và cuối cùng chỉ có thiết kế của Frederich Silaban là phù hợp. Năm 1960, cuộc thi được tổ chức lại lần nữa nhưng cũng không có sáng tác nào vượt qua thiết kế của Frederich Silaban. Tuy nhiên, tổng thống Soekarno lại không thích ý tưởng này, vì ông muốn nó có gì đó tượng trưng cho Ling & Yoni. Silaban được yêu cầu thiết kế lại nhưng ông từ chối. Soekarno đã nhờ 1 kiến trúc sư khác, Soedarsono thiết kế tiếp. Ông này sau đó có đưa thêm các tỷ lệ 17, 8, 45 vào trong thiết kế, để kỷ niệm ngày độc lập 17.08.1945 của Indonesia.


P7290433.jpg



P7290424.jpg

Hoàng hôn muộn ở Merdeka


Monas là 1 tháp cao 117,7m, nằm trên một bệ có diện tích 45m2, cao 17m. Thang máy sẽ đưa bạn lên đến độ cao 115m, nơi có ngọn lửa vĩnh hàng được làm từ 14.5 tấn đồng và phủ bằng 35kg vàng (!). Tiếc là lúc tôi đến đó, đúng 5.05pm vừa quá giờ tham quan (8.30am – 5.00pm), dù có năn nỉ và lấy mác “ngoại quốc” vẫn không được cho vào. Thế là chỉ đi lòng vòng ngắm hoàng hôn và chụp hình Monas từ dưới chân mà thôi.



P7290455.jpg

Bạn xem kỹ sẽ thấy đoàn tàu đông nghẹt người bên cửa và trên nóc toa xe. Giống tàu bên Ấn Độ hén. Ngày mai, bpk sẽ đi bằng tàu chợ như vậy đó.​



Nói chung là mới vừa ngất ngây với Sumatra tươi đẹp hồn nhiên hoang dã xong, tôi chẳng thấy Jakarta có gì hay ho, hoàng hôn cứ bê-tông, gạch đá, thiên nhiên thì bằng xi-măng (!) nên tôi chỉ lang thang ngắm người là chủ yếu, rồi lượn. Về Jaksa kiếm bia bọt làm vài ve, rồi về ngủ sớm (!?), mai lên chuyến tàu chợ sớm nhất đi Bogor thôi.
 
Lướt nhẹ Bogor, băng qua Bandung – 1.

Bạn có bao giờ nghe nói đến Bogor, đã từng là quốc gia Hindu đầu tiên trên đảo Java, quốc gia Hindu thứ 2 của cả đất nước Indonesia, từ những năm 450 CN. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim nhất của vùng đất xanh này. Còn bây giờ, Bogor là 1 tỉnh lỵ nằm ở Tây Java, dân số gần 3.000.000 người. Đã có lúc Bogor là thủ đô của Indonesia, khi người Anh cai quản đất nước này, từng là thủ đô mùa hè của người Hà Lan… giờ đây, Bogor được biết đến như khu nghỉ dưỡng cuối tuần của cư dân Jakarta đi trốn nóng, nhờ vào độ cao 300m trên mặt nước biển của nó, cũng như khu vườn thực vật nổi tiếng được hình thành từ cách đây 2 thế kỷ, năm 1811.


Vé tàu chợ từ Jakarta đi Bogor, 60km, rẻ 1 cách đáng nghi ngờ, chỉ mất 2,500 Rupee (khoảng 4.000VND), còn rẻ hơn giá vé xe bus từ khu Jaksa đi Kota trong nội thành Jakarta. Khi tôi hỏi mua vé chuyến tàu này, ku bán vé trợn mắt lên, chỉ chỉ vào bảng giờ tàu, chỉ một chuyến tàu đâu lúc 8h, tàu du lịch. Tôi lắc đầu, yêu cầu lấy vé chuyến tàu chợ sớm nhất dành cho dân lao động, người đi chợ, đi bán đi buôn... Lên tàu sớm, tôi có được chỗ ngồi ở 2 dãy ghế xuôi theo thành tàu (nhưng rồi một lúc cũng phải đứng dậy nhường chỗ cho chị kia). Còn lại, mọi người đứng hoặc ngồi đầy trên sàn tàu. Đúng là chuyến tàu chợ y như ở xứ An Nam ngày xưa vốn nhiều. Dân tình làm đủ trò, hát hò xin tiền, bán buôn, quyên góp,… đủ thứ trên tàu, thành phần cũng hơi phức tạp. Vì đi một mình, cũng hơi ngại ngại nên tôi giả làm người Indonesia trầm lặng (vì tôi giờ cũng đen thui, ốm nhách giống người Indo mà), ai mà hỏi han kêu mua bán gì tôi chỉ cười cười lắc lắc đầu chỉ chỉ vào họng như đang viêm họng… cũng vì lý do “giả điên khiêng đồ” đó mà tôi cũng không dám móc cái máy chụp hình ra chụp vài tấm để chia sẻ với các bạn. Haizzz!


P7300534.jpg

Bogor đông đúc


6.30 tàu chạy, 8.40am đến nơi, mất 2 giờ đồng hồ cho 60km vì tàu dừng quá nhiều nơi. Ga Bogor nằm gần 1 khu chợ đông đúc. Ra khỏi ga, lạc vào trong chợ, mất cũng lâu lâu tôi mới định hướng lại để thẳng tiến đến vườn thực vật Kebun Raya.


P7300478.jpg

Nhà thờ hiếm hoi trên xứ đạo Hồi – có lẽ do ngày xưa người Hà Lan và Anh đã từng sinh sống nơi đây.


P7300480.jpg

Ai mua xăng hông? Không sáng tạo bằng “cục gạch & cái phễu giấy” như ở Sài Gòn hén?


Được gọi là “ngôi làng nhỏ lãng mạn” từ thời những người Anh đô hộ, Bogor từ một thị trấn nhỏ xinh ngày xưa giờ cũng đã trở nên ồn ào, đông đúc vì quá gần thủ đô sôi động Jakarta. Chỉ được cái là cây xanh vẫn còn được gìn giữ rất nhiều trong thành phố. Thêm nữa, vùng tiểu khí hậu Bogor này có đến 322 cơn sấm sét mỗi năm, cũng như là nơi hứng một lượng nước mưa nhiều nhất Indonesia nên cây cối ở đây xanh tốt um tùm.


Đến Kebun Raya, tôi mua vé và gửi luôn cái balô ở quầy vé. Vườn thì 80ha, đi bộ mà đeo cái balô đó trong nắng Indo thì chết, đi chơi mà, đâu phải leo núi đâu mà tập thể lực (!?), rồi tôi đi lon ton mải mê trong đó.


P7300484.jpg

Các con đường xanh mát trong Kebun Raya, xa xa là dinh tổng thống (cũ) Istana Bogor


P7300485.jpg

Đồng cỏ trong Kebun Raya, xa xa là dinh tổng thống (cũ) Istana Bogor


Kebun Raya rộng đến 80ha, lúc đầu là khuôn viên bao quanh Phủ tổng thống, có tên là Istana Bogor (giờ vẫn còn nằm trong khuôn viên vườn), được nhà thực vật học người Hà Lan, giáo sư Reinwardt chuyển thành vườn thực vật vào năm 1817. Khu vườn rộng thênh thang này có chứa rất nhiều các loại thực vật của vùng nhiệt đới mà người Hà Lan thu thập được, có hơn 15.000 loại cây cỏ, với 400 loại nhóm dừa cọ, 3.000 loại lan. Đến nay, vườn thực vật Kebun Raya vẫn là trung tâm nghiên cứu thực vật chính của Indonesia.


P7300488.jpg

Dinh tổng thống (cũ) Istana Bogor soi bóng bên lạch nước


P7300487.jpg

Những chiếc lá súng “khổng lồ” trong các ao hồ trong vườn


(tbc.)
 
Lướt nhẹ Bogor, băng qua Bandung – 2.

(cont.)



Vườn thực vật này đẹp thật và có nhiều loại cây cối thật. Có những cây cổ thụ rất to, to gần như cây chò chỉ 21 người ôm ở rừng Cúc Phương luôn đó, vì ít ra chúng cũng khoảng trên dưới 200 tuổi rồi mà. Ngoài những loại cây cối quen thuộc, tôi rất thích các khu bảo tồn các giống tre, các loại dừa, cọ rất đa dạng nơi đây. Rừng tre trúc thì cứ như thập diện mai phục, rừng cọ thì mênh mang như trung du bắc bộ… và đặc biệt là thảm cỏ xanh mướt ôm lấy toàn bộ khu vườn.


P7300530.jpg

Rừng tre


P7300532.jpg

Đường cọ


P7300494.jpg

Đi trong những khu rừng xanh mát


À, đến đây tôi mới biết là trong khu vườn này có cái hoa Amorphophallus titanium, hoa cao nhất thế giới, cao đến 2,5 m (cái hoa giả tôi có chụp hình ở quảng trường Merdeka), và đây mới chính là hoa hôi nhất thế giới chứ cái hoa Raflesia mà tôi đã được xem ở Bukittinggi chỉ là hoa to (ngang) nhất thế giới mà thôi. Tiếc là hôm nay không phải mùa nên không có cái hoa, lẫn cái nụ nào để xem cả. Chờ lần quay lại Bogor kế tiếp xem sao (!?).


P7300491.jpg

Vườn non


P7300496.jpg



P7300495.jpg

Rừng già


P7300515.jpg

Qua đời


(tbc.)
 
Lướt nhẹ Bogor, băng qua Bandung – 3.

(cont.)


P7300521.jpg

Trong vườn còn có nhiều tượng rất nghệ thuật


Đó đây, những lạch nước nở những bông sen muộn cuối hè, những bông súng đỏ ngất ngây, rồi cả những lá súng voi (tên tự chế), loại súng mà cái lá to như cái nong, cái nia, nghe nói là bỏ em bé vài ba tuổi lên đó ngồi chơi cũng OK.


P7300523.jpg

Đóa sen cuối mùa


Đi lang thang trong vườn cũng hay, nhưng khi cơn lười vừa kéo đến thì cũng là lúc tôi gặp 1 quán café, cũng là nhà hàng đẹp đẽ trên một ngọn đồi nhỏ. Tôi hạnh phúc chui vào đó, mở menu ra và thấy vui vui khi thấy trong đó có tên một món thức uống nổi tiếng: Iced Vietnamese Milk Coffee. Cà phê sữa đá Việt nam mà cũng lặn lội đến được Bogor này luôn sao. Có điều, tôi lại không gọi món đó vì gu của tôi là café đen (hoặc đen đá) không đường. Tôi không thích ngọt mà, đời tôi chỉ toàn là cay đắng mà thôi. Sáng đắng chiều cay!!! Hix!!!


P7300509.jpg

Cà phê sữa Việt Nam vươn mình ra thế giới


P7300512.jpg

Quán đẹp, nơi tôi hạnh phúc trốn nắng nơi đây.


P7300505.jpg

Bữa sáng và bữa trưa của tôi, vào vườn thực vật phải xài hàng organic, cơm gạo huyết rồng đó.


Hôm nay chỉ là thứ Tư, không phải là cuối tuần nhưng trong vườn thực vật cũng đông. Không chỉ là các gia đình hoặc các nhóm bạn đi picnic mà tôi còn thấy rất nhiều nhóm tham gia các chương trình huấn luyện kỹ năng, các tập thể tham gia các trò chơi team-building… thế nhưng cả khu vườn rộng lớn đều sạch bong, không một mẩu rác, chứng tỏ người dân Indonesia khác hẳn dân tình ở … (bạn tự điền vào nhé).


P7300498.jpg

Vui chơi trong rừng


Lang thang trong vườn thực vật đến 12.30 giờ trưa, tôi lên đường ra bến xe đi Bandung. Ở Bogor, tìm đỏ mắt cũng không thấy di tích hay cảnh quan nào ngoài cái vườn này ra. Hơn thế nữa, vì Bogor nổi tiếng là “Thành phố mưa”, hầu như trời mưa mỗi buổi chiều, nên dân tình ở đây có mách nhỏ với khách lạ là có xem xét thăm viếng gì thì nên đi buổi sáng. Ngay cả họ, có việc gì cần làm bên ngoài trời cũng tranh thủ làm buổi sáng. Ngoài ra, tôi còn có Bandung đang chờ phía trước nên cũng phải tranh thủ tý.


P7300544.jpg

Những guitarer hát rong, đang chờ những chuyến xe


Thế là vẫy tay chào Bogor xanh, tôi lại leo lên xe hướng về Bandung phía trước!


(tbc.)
 
Bác không phải tiếc vì có leo lên đến tận đỉnh tháp cũng chẳng thấy cái ngọn lửa vàng đấy đâu vì nó còn trên 1 tầng nữa. Tất nhiên ở trên cao thì nhìn thấy toàn cảnh Jakarta nhưng cũng không có gì đặc sắc. Hôm lên đó ngoài em ra thì còn 1 bác trung niên Nhật đi với 2 gái bản địa đen xì. Bộ ba này cười đùa ôm ấp cấu véo nhau suốt làm em ngạc nhiên tưởng cảnh này chỉ bắt gặp ở Thái lan thôi. Ai ngờ 1 nước Hồi giáo như Indo cũng thấy. Nói thế để thấy cái Monumen nasional này vắng như thế nào.
 
Lướt nhẹ Bogor, băng qua Bandung – 4.

@ 3000, cảm ơn thông tin của bạn.
::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::



(cont.)


Bandung, 180km từ Jakarta, là thủ phủ của tỉnh Tây Java, cũng là thành phố lớn thứ 4 của Indonesia, sau Jakarta, Surabaya và Medan. Dân số khoảng hơn 2 triệu dân (năm 2007), nhưng có đến hơn 100.000 sinh viên của các trường đại học tập trung tại đây. Nằm ở độ cao 768m, thành phố này có khí hậu ôn hòa hơn tất cả các thành phố lớn khác của Indonesia. Có con sông chở nặng phù sa ngang qua, bao quanh là núi lửa cũ với nguồn bazan giàu dưỡng chất… nên đất đai quanh vùng rất trù phú. Cũng chính những dãy núi lửa bao quanh, Bandung có một địa thế phòng thủ rất chiến lược nên chính quyền của Công ty Đông Ấn – Hà Lan cai trị ở Indonesia đã chuyển thủ đô từ Batavia đến đây.


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-0jpeg.jpg

Như vậy, đến đây, bpk tạm sơ lược lại đoạn đường đã đi qua, từ Saigon đến Bandung nhé! Được ½ đường chưa ta, sao còn lâu quá!!!


Người Hà Lan đã mở những đồn điền trà đầu tiên trên những ngọn núi cao gần Bandung vào thế kỷ XIII. Lúc đó, Bandung đã được xây dựng như là khu nghỉ ngơi cho các ông chủ đồn điền da trắng giàu có, và với thời tiết mát mẻ của mình, Bandung còn được gọi là “Paris của Java”. Từ sau ngày Indonesia độc lập, dân cư đã đổ xô về đây, biến Bandung bé nhỏ xinh xắn ngày nào trở thành một thành phố đông đúc nên những tươi xinh ngày xưa đã nhiều phần sút giảm tuy những người giàu có vẫn chọn mua cho mình những căn nhà nghỉ dưỡng xinh xắn nơi đây.


P7300548.jpg



P7300547.jpg

Tàu lửa đi qua những đồng xanh.


P7300553.jpg



P7300549.jpg

Con đường Bogor – Bandung đón chào tôi bằng những cánh đồng xanh mướt, hẹn gặp 1 Bandung tươi đẹp.

(tbc.)
 
Bạn Backpackervn làm luôn bản đồ toàn bộ lịch trình từ đầu dến cuối, rồi tớ đưa ra trang đầu topic, như thế mọi người đều có thể theo dõi được hành trình của bạn, và hình dung chi tiết các cung đường bạn đã qua, như thế hay cho mọi người hơn biết bao!!!

Bạn đồng ý thế nhé ?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,136
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top