What's new

[Chia sẻ] Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

PeterPan và các bạn vừa trở về sau 2 tuần rong ruổi trên các nẻo đường ở phía Tây Bắc của tỉnh Vân Nam. Chúng tôi đã cùng nhau lướt qua hàng loạt địa danh nổi tiếng như Thạch Lâm, Côn Minh, Sở Hùng, Đại Lý, Lệ Giang và đặc biệt là Shangri-La, vùng đất được khai sinh từ tác phẩm "Đường chân trời đã mất" của nhà văn người Anh James Hilton.

Trong Box Diệu kỳ Châu Á đã có rất nhiều topic về Lệ Giang nhưng về Shangri-La thì có lẽ là chưa nhiều. Chúng tôi đặt tên topic là Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất" một phần vì thế và một phần lớn hơn là vì chúng tôi thực sự có nhiều khám phá thú vị tại Shangri-La so với tại Lệ Giang.

Lịch trình chi tiết và một số chi phí của chuyến đi (hơi dài dòng và tỉ mỉ 1 chút, vì chúng tôi muốn cung cấp nhiều thông tin cho các đoàn đi sau này tham khảo):

bandoshangrila2010-1.jpg

Bản đồ chi tiết toàn bộ hành trình. Chúng tôi không tới được Đức Khâm nên đoạn đường từ Shangri-La tới địa danh này có màu đỏ, những tuyến còn lại đi được có màu xanh.

Ngày 0 (22/04/2010): Hà Nội - Lào Cai (300km)
Gặp nhau tại ga Trần Quý Cáp lúc 19h30 để bắt chuyến tàu đi Lào Cai (vé 254k/người).

Ngày 1 (23/04/2010): Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (450km), Côn Minh - Đại Lý (320km)
- Tới Lào Cai lúc 04h30, hoàn tất thủ tục xuất - nhập cảnh và vào tới bến xe Hà Khẩu lúc 09h00 (từ đây chuyển sang giờ Trung Quốc). Chờ tới 10h40 để lên xe chạy thẳng tới Côn Minh (137Y/người).
- Tới Côn Minh lúc 19h00, đi taxi từ bến Đông sang bến Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45 (100Y/người). Có một kinh nghiệm đó là cứ tìm xe đi Đại Lý và lên ngồi, sau đó mua vé của tài xế thì rẻ hơn (cái này chúng tôi chỉ được nghe khi đã mua xong vé ở quầy, đoàn nào đi sau có thể thử cách mua vé thẳng qua tài xế cho tiết kiệm). Quãng đường Côn Minh - Đại Lý là quãng di chuyển nhẹ nhõm nhất vì là đường cao tốc 320 trên toàn tuyến (đường cao tốc 320 chạy cắt ngang đất Trung Quốc, trải dài từ thành phố Thượng Hải ở duyên hải phía Đông tới tận biên giới Trung Quốc - Myanmar).

Ngày 2 (24/04/2010): Đại Lý
- Cả đoàn tới Đại Lý lúc 01h20 sáng. Do đã đặt phòng trước tại Four Seasons Youth Hostel nên chỉ việc bắt taxi về thẳng đây để nhận các phòng dorm (25Y/người).
- Sau giấc ngủ sâu, chúng tôi dành trọn vẹn cả ngày để khám phá Đại Lý: dạo 1 vòng thành cổ (đi xem đủ 4 cổng thành, xem 1 nhà thờ Ki-tô giáo mang nét kiến trúc đặc trưng Trung Hoa), đi thăm làng cổ Hỉ Châu, đi cáp treo thăm động Thiên Long và ngắm hồ Nhĩ Hải, ghé một cơ sở sản xuất vải ở Châu Thành, ngó qua Tam Tháp. Tất cả nhất trí bỏ qua show "Dream of Butterfly" vì quá... đắt. Chúng tôi dạo thêm một vòng thành cổ Đại Lý vào buổi đêm rồi đi ngủ sớm để hôm sau còn đi Lệ Giang.

Ngày 3 (25/04/2010): Đại Lý - Lệ Giang (190km)
- 07h40: Cả đoàn thuê trọn 1 xe 19 chỗ đi Lệ Giang với giá 33Y/người.
- 11h10: Tới bến xe Lệ Giang. Không thỏa thuận được với 1 hostel đã được giới thiệu từ ở nhà, chúng tôi cùng nhau kéo hành lý đi bộ khoảng 1km vào thành cổ để tự tìm hostel.
- 14h00: Chúng tôi tìm được Free Life Inn rất ấm cúng và thân thiện. Cô chủ Vicky người Trung Quốc nói tiếng Anh khá ổn. Đặc biệt, tài tử nổi tiếng Trương Vệ Kiện của Hong Kong cũng đã từng ghé qua nơi này.
- 14 kẻ lang thang ăn trưa vào giữa buổi... chiều. Sau đó, cả đoàn chia làm 2 nhóm để tự do khám phá Lệ Giang với các điểm đến như Mộc Phủ ("thẻ sinh viên" phát huy tác dụng, được giảm giá vé từ 60Y xuống còn 30Y/người), Vạn Cổ Lầu (15Y/người), quảng trường Tứ Phương, quảng trường bánh xe nước. Đây cũng là một buổi chiều đáng nhớ của trưởng đoàn Yoyo vì một pha đi lạc kinh điển: từ thành cổ phi thẳng ra khu phố mới của Lệ Giang.

Ngày 4 (26/04/2010): Lệ Giang - Ngọc Long Tuyết Sơn (30km)
- Chúng tôi thuê xe của khách sạn để đi Ngọc Long Tuyết Sơn (100Y/xe trọn gói cả ngày). Do chặng cáp treo thứ hai lên độ cao 4506m đang sửa nên chúng tôi chỉ có thể đi chặng cáp treo đầu lên cánh đồng bò Yak để ngắm ngọn núi tuyết nổi tiếng từ khá xa. Tại đây, "thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi giảm giá vé vào cửa từ 80Y xuống còn 40Y/người.
- Nhưng đó là một ngày thất vọng nhất trong cả hành trình. Chúng tôi gặp một cơn mưa mù mịt ngay khi bắt đầu vào tới chân Ngọc Long Tuyết Sơn và chẳng thể thấy được ngọn núi tuyết từ cánh đồng bò Yak. Thất thểu ra về, cả đoàn cũng bỏ luôn show "Impression of Lijiang".
- Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục khám phá Lệ Giang một cách tao nhã: đi mua sách, mua đĩa nhạc và đắm mình trong không khí rất đặc trưng của thành cổ không có... tường thành này.

Ngày 5 (27/04/2010): Lệ Giang - Shangri-La (180km)
- Chúng tôi nhờ Vicky liên hệ thuê xe trọn gói cho 3 ngày để đi Shangri-La với giá 700Y/ngày.
- 10h00: 14 người khởi hành từ Lệ Giang để thẳng tiến Shangri-La.
- 11h45: Tới khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử.
- 12h00: Ăn trưa gần Thạch Cổ Trấn.
- 13h00: Theo tư vấn của 1 đoàn Việt Nam gặp tại quán ăn, chúng tôi vòng lại chỗ khúc quanh để thuê dịch vụ dẫn lên núi xem toàn cảnh địa danh đặc biệt trên sông Dương Tử với giá 200Y/14 người.
- 15h00: Cả đoàn tới Tiger Leaping Gorge. Tại đây, "thẻ sinh viên" lại giúp giảm giá vé từ 50Y xuống còn 25Y/người. Chúng tôi đi bộ 6km trên con đường mới được làm để tới eo Hổ Nhảy.
- Rời Tiger Leaping Gorge, tất cả được nguôi ngoai phần nào sự thất vọng vì được ngắm cả Ngọc Long Tuyết Sơn và Hà Ba Tuyết Sơn, dù chỉ là từ khoảng cách khá xa.
- 20h30: Chúng tôi tới Shangri-La (Hương Cách Lý Lạp hay Trung Điện) và ăn mừng bằng một bữa lẩu bò Yak hoành tráng, một bữa ăn mà cả đoàn vẫn còn nhớ mãi cho tới khi về Hà Nội.

Ngày 6 (28/04/2010): Shangri-La
- Cả đoàn dậy sớm từ 05h00 sáng để đón 3 xe taxi tới tu viện Songzalin trước 06h00 sáng. Cả đoàn trốn vé trót lọt và rất hiên ngang thăm thú tu viện nổi tiếng nhất Shangri-La. Chúng tôi tiết kiệm được mỗi người 85Y - một khoản tiền không nhỏ.
- Buổi trưa, chúng tôi đổi sang một khách sạn khang trang hơn trong khu phố cổ của Shangri-La nhưng chi phí vẫn chỉ là 25Y/người/ngày.
- Buổi chiều, 9/14 người của đoàn chúng tôi cùng nhau lên được đỉnh cao 4500m của núi tuyết Thạch Ca (Shika) nằm trong thung lũng Trăng Xanh (Blue Moon Valley). Đó là sự đền bù cho chúng tôi sau những thất vọng ở Lệ Giang. Giá vé 2 chặng cáp treo để lên đỉnh núi tuyết là 220Y/người, chúng tôi được giảm 50Y so với giá gốc, chẳng rõ vì sao bởi "thẻ sinh viên" không được chấp nhận ở đây.
- Buổi chiều tối, chúng tôi dạo chơi trong khu phố cổ của Shangri-La, thăm chiếc chuyển kinh luân khổng lồ trên đồi cao. Tối đó, chúng tôi ngủ sớm để hôm sau đi chơi hồ Bita.

Ngày 7 (29/04/2010): Shangri-La - Lệ Giang (180km)
- Buổi sáng, chúng tôi vượt 22km đường đèo dốc để tới Công viên quốc gia Potatso. Tại đây, cả đoàn đã có những phút giây thần tiên khi hòa mình vào không gian tuyệt vời của hồ Thuộc Đô (Shudu), hồ Bích Tháp (Bita), núi tuyết Thiên Bảo. "Thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi được giảm 50% vé vào cửa, từ 110Y xuống còn 55Y/người. Cộng thêm 80Y vé xe buýt di chuyển trong Công viên, mỗi người phải trả 135Y.
- Buổi chiều, cả đoàn ngược về Lệ Giang.
- 19h00: chúng tôi về tới Lệ Giang và tiếp tục nghỉ tại Free Life Inn của Vicky.

Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang
- Cả đoàn lại chia làm 2 nhóm, 1 nhóm đi xe đạp (10Y/người), 1 nhóm thuê xe riêng (90Y/ngày) để lần lượt khám phá cổ trấn Thúc Hà, công viên Hắc Long Đàm (vào cửa bằng vé bảo vệ môi trường đã mua khi tới Ngọc Long Tuyết Sơn) và thăm thú hồ Lạp Thị (Lashi) trên lưng... ngựa (150Y/người).
- Buổi tối, chúng tôi chia tay 2 người bạn phải lên tàu về Côn Minh để kịp về Hà Nội đi làm vào sáng thứ 2 của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài.

Ngày 9 (01/05/2010): Lệ Giang - Côn Minh (510km)
- Vì không đi được Đức Khâm do đường sửa trên toàn tuyến kể từ Shangri-La, cũng không đi được hồ Lugu vì cả đi cả về sẽ cần tới 3 ngày mới bõ (đi 2 ngày rồi về rất vất vả) nên chúng tôi bị dôi ra 2 ngày tại Lệ Giang. Ngày đầu chính là ngày thứ 8 của hành trình, đi được nhiều nơi. Ngày thứ hai là ngày thứ 9 của hành trình, 14 người chỉ loanh quanh khám phá nốt Lệ Giang đồng thời mua quà cho những người ở nhà.
- 19h40: Chúng tôi thuê xe trọn gói 100Y/14 người để ra ga Lệ Giang bắt tàu đi Côn Minh (tiền vé: 130Y/người, tiền dịch vụ vì nhờ khách sạn mua hộ: 5Y/người).

Ngày 10 (02/05/2010): Côn Minh
- 07h20: Cả đoàn tới Côn Minh, 1 nhóm về ở khách sạn tại trung tâm thành phố (70Y/phòng đôi/ngày), 1 nhóm về ở khách sạn ngay cạnh ga trung tâm của thành phố (54Y/người/ngày gồm cả ăn sáng).
- Buổi chiều, chúng tôi dạo phố đi bộ ở trung tâm thành phố Côn Minh, ghé cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Một nhóm 3 bạn nữ tranh thủ đi chơi vườn hoa quốc tế Côn Minh (vé vào cổng 50Y/người, đã được giảm 50% nhờ "thẻ sinh viên").
- Côn Minh đang có Hội chợ văn hóa và du lịch quốc tế nên rất nhộn nhịp, đầy màu sắc và đầy hàng... sale off. Chúng tôi may mắn được xem tiết mục "Trống cơm" và một số tiết mục biểu diễn khác của một đoàn nghệ thuật Việt Nam ngay bên cạnh cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Buổi tối, chúng tôi được xem một buổi trình diễn Carnaval tưng bừng trên đường phố.

Ngày 11 (03/05/2010): Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai (450km), Lào Cai - Hà Nội (300km)
- 09h40: Chúng tôi tụ nhóm tại bến xe Đông của Côn Minh để thẳng tiến về Hà Khẩu (vé: 137Y/người, phí bảo hiểm đường bộ: 3Y/người).
- 17h00: Cả đoàn về tới Hà Khẩu.
- 19h45 (giờ Việt Nam): Cả đoàn lên tàu để ngược từ Lào Cai về Hà Nội (254k/người).

Ngày 12 (04/05/2010): Hà Nội
- 04h20: 14 người về tới Hà Nội an toàn.
- Kết thúc chuyến đi tốt đẹp.

anhcadoan.jpg

Bức ảnh thuộc loại đầy đủ nhất của cả đoàn tại điểm ngắm khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử. Ảnh: PeterPan.
 
Last edited:
Em xin lỗi nhg hình như bác PP bị nhầm rồi thì phải. Chỗ mà bác gọi là Cánh đồng bò Yak hình như o phải Yak Meadow đâu, đấy chính là Vân Sam Bằng đấy ạ. Vân Sam, o phải Vân Sơn như bạn Yilk nói, bọn Tây nó gọi là Spruce Meadow mà. Yak Meadow thì ở xa hơn nhiều, o ở cạnh Bạch Thủy Hà và o phải đi chuyến cable thứ 2 này đâu.
Hôm 26/4 đó bọn em cũng ở NLTS, lúc vào thì gặp 1 đoàn VN đi ra, kêu chán rầm trời, hehe, o biết có phải đoàn các bác o ?

Hi dieuhoa,

Bọn mình chỉ được đi 1 chặng cáp treo thôi, vì chặng còn lại bị hỏng. Nơi mình gọi là cánh đồng bò Yak đó cũng là theo lời giới thiệu của bác tài người Trung Quốc đi cùng đoàn. Mình sẽ kiểm tra lại thông tin. Nếu được, bạn có thể chia sẻ thêm thông tin và hình ảnh cùng với đoàn mình được không?

Cảm ơn bạn nhiều :).
 
nlts.jpg

Bản đồ khu vực Lệ Giang và Shangri-La (Mt Satseto hay Phiến Tử Đẩu chính là đỉnh cao nhất của dãy Ngọc Long Tuyết Sơn). Nguồn: Lonely Planet.

Nếu theo như bản đồ phía trên thì bạn dieuhoa có lẽ đã nói đúng.
Theo giới thiệu của Lonely Planet, khu vực Ngọc Long Tuyết Sơn bao gồm:
- Cam Hải Tử (Ganhaizi, Dry Sea Meadow): 4400m
- Vân Sam Bình (Yunshanping, Clour Fir Meadow): 3300m
- Mao Ngưu Bình (Maoniuping, Yak Meadow): 3500m
- Bạch Thủy Hà (Baishuihe)
- Hắc Thủy Hà (Heishuihe)
 
@Yilk: Hải Bằng chính là nơi tổ chức show diễn Impression Lijiang trong avatar của bác đấy ạ :p
Thanks dieuhoa, mình ko biết tiếng Trung nên ko rành vùng NTLS xíu nào, lúc đi tự thuê xe van nhỏ để vào núi, lúc về ra đường vẫy 1 cái xe chở hàng để đi về Lệ Giang :D cũng cảm thấy lơ mơ về cái quần thể núi này, giờ đã thấy rõ hơn :D

P.S: @PeterPan: dịch Dry Sea Meadow là 'Hải Tử' hay quá :) đơn giản mà chuẩn, vì vùng này vốn là hồ cạn trên núi ^^ Thanks for sharing :)
 
Thanks PeterPan về seri ảnh Ngọc Tuyết Long Sơn, mình chưa bao giờ lên núi cả :p mới ngắm núi từ xa thôi. Theo mình biết, quần thể núi Ngọc Long chia ra 3 điểm dừng:
- Hải Bằng (Dry Sea Meadow), độ cao 3100m
- Vân Sơn Bằng (Cloud Fir Meadow), độ cao 4500m
- Mao Ngưu Bằng (Yak Meadow), độ cao 3500m

Cái tên Việt mình chả biết gọi thế có đúng ko :D Mao Ngưu Bằng thì thấy mọi ng review nhiều chứ chưa có xem ảnh Hải Bằng (vốn là vùng biển hồ cạn) với Vân Sơn Bằng (có vẻ toàn núi với thông nên mình trộm dịch là Vân Sơn Bằng :p)

- Cái điểm thứ nhất, từ tiếng Hán phiên ra Hán Việt là Can Hải Tử, chỗ này có lẽ ko cao đến 3000m đâu, nó nằm ngay cạnh đường ô tô đi tới trạm cáp treo, được đánh dấu = 1 tảng đá đề chữ Can Hải Tử, đằng sau là những rặng thông, chỗ này chỉ cần xuống chụp ảnh vài nhát là xong
- Điểm thứ 2 là Vân Sam Bình, Vân Sam là một loại thông (chữ Sam ở đây gồm bộ sam và bộ mộc đứng trước nên nó là cây). Đây là một trảng cỏ rộng và có nhiều cây vân sam, các tour DL thường cho khách đi cáp treo lên đây, nó chỉ cao hơn 3000m thôi, chắc chắn ko đến 4000
- Điểm thứ 3 Mao Ngưu Bình cũng tương đương Vân Sam Bình là nơi các tour đưa khách lên
Cả 2 điểm này nếu đi vaò ngày nắng đẹp và có nhóm đông vui thì tha hồ diễn để chụp ảnh vì có nền là núi tuyết, rừng thông. Nhưng cũng chỉ cần chọn 1 trong 2 điểm này thôi.
Còn cái Bạch Thủy Hà hồi mình đến nó đang sửa chữa và bây giờ trông như là nhân tạo í, cũng nên đi qua chút
Nhưng mình xem DVD Tam Giang Tính Lưu( Nơi ba dòng sông chảy song song) thấy có cái Bạch thủy đài thì thấy rất đẹp, nó cũng nằm ở gần LG thôi, không biết có ai ở đây đến chưa. Ngoài ra còn có núi Liming (Lê Minh), mà bạn fonfon đến rồi, cũng rất đặc biệt
Nếu bạn nào đi rồi làm ơn up cái ảnh. Còn bạn nào chuẩn bị đi thì hãy tìm đến xem sao nhé (thử search từ Bai shui tái nhá)
 
Last edited:
P.S: @PeterPan: dịch Dry Sea Meadow là 'Hải Tử' hay quá :) đơn giản mà chuẩn, vì vùng này vốn là hồ cạn trên núi ^^ Thanks for sharing :)

Hí hí, có phải PeterPan "dịch" đâu, mà là tên gốc của nó đấy chứ.

Người TQ từ xưa đã gọi nó là Cam Hải Tử (甘海子) Cam chứ không phải Can. Còn chính cái Dry Sea Meadow mới là dịch của từ Cam Hải Tử sang tiếng Anh.
Chữ "Tử" ở đây không phải là "Chết", hơn nữa nếu muốn nói Biển đã chết thì phải là "Tử hải".
Chữ Hải tử với tử là đứa con, ở đây nghĩa là biển nhỏ. Vùng núi TQ các hồ lớn thường gọi là Hải, như Thanh Hải, Nhĩ Hải, hồ nhỏ là Hải tử.
 
Hí hí, có phải PeterPan "dịch" đâu, mà là tên gốc của nó đấy chứ.

Người TQ từ xưa đã gọi nó là Cam Hải Tử (甘海子) Cam chứ không phải Can. Còn chính cái Dry Sea Meadow mới là dịch của từ Cam Hải Tử sang tiếng Anh.
Chữ "Tử" ở đây không phải là "Chết", hơn nữa nếu muốn nói Biển đã chết thì phải là "Tử hải".
Chữ Hải tử với tử là đứa con, ở đây nghĩa là biển nhỏ. Vùng núi TQ các hồ lớn thường gọi là Hải, như Thanh Hải, Nhĩ Hải, hồ nhỏ là Hải tử.
Thanks bác Chitto,

Chữ 'Hải Tử' tương đương với biển nhỏ thì yilka có biết qua vì ở Cửu Trại tất tần tật đều đc gọi là hải tử hết, vừa hay nó là cái hồ cạn trên núi ở NTLS nên nếu hiểu Hải Tử là biển chết chắc cũng ko sao :D chắc vì thế khi dịch ra tiếng Anh nó lại thành 'Dry Sea', mất toi chữ 'Cam'. Đọc tên tiếng Anh là nghĩ ra ngay vùng hồ cạn thành bình nguyên ^^ Hay là chữ đó phải dịch là: Cạn Hải Tử :p
 
Mình đã tra lại tiếng Trung. Đúng như Chitto nói là Cam chứ không phải Can.
Thoạt đầu mình viết là Can vì dựa trên bính âm (cả Can và Cam đều đọc và viết latin là gan), đồng thời suy từ từ tiếng Anh dry (khô) mà ra.
Nhưng nhìn lại ảnh chụp thì thấy nó viết chữ Cam (có nghĩa:1/ngọt, trong cam lộ, 2/tự nguyện, trong cam tâm), trong Ganhaizi.
Vậy , theo mình có lẽ, ai đó thoạt đầu dịch từ tiếng Trong sang Anh đã hàm ý khác chăng
Bạn nào giỏi tiếng Trung có thể tìm thêm nghĩa nào của chữ gan (trong Ganhaizi) này thì rất cảm ơn
 
Thanks dieuhoa, mình ko biết tiếng Trung nên ko rành vùng NTLS xíu nào, lúc đi tự thuê xe van nhỏ để vào núi, lúc về ra đường vẫy 1 cái xe chở hàng để đi về Lệ Giang :D cũng cảm thấy lơ mơ về cái quần thể núi này, giờ đã thấy rõ hơn :D

P.S: @PeterPan: dịch Dry Sea Meadow là 'Hải Tử' hay quá :) đơn giản mà chuẩn, vì vùng này vốn là hồ cạn trên núi ^^ Thanks for sharing :)

PeterPan dịch theo quyển từ điển thôi bạn ạ, nhìn chữ rồi nhìn phiên âm, sau đó tra. Kiểm tra lại bằng cách copy nguyên cụm từ để hỏi Mr. Google, thấy đúng rồi thì mới đưa lên :). Cái này thì ai biết tiếng Trung, dù ít dù nhiều, sẽ đều làm được cả, nên PeterPan không dám nhận lời khen của bạn đâu :D.

- Cái điểm thứ nhất, từ tiếng Hán phiên ra Hán Việt là Can Hải Tử, chỗ này có lẽ ko cao đến 3000m đâu, nó nằm ngay cạnh đường ô tô đi tới trạm cáp treo, được đánh dấu = 1 tảng đá đề chữ Can Hải Tử, đằng sau là những rặng thông, chỗ này chỉ cần xuống chụp ảnh vài nhát là xong
- Điểm thứ 2 là Vân Sam Bình, Vân Sam là một loại thông (chữ Sam ở đây gồm bộ sam và bộ mộc đứng trước nên nó là cây). Đây là một trảng cỏ rộng và có nhiều cây vân sam, các tour DL thường cho khách đi cáp treo lên đây, nó chỉ cao hơn 3000m thôi, chắc chắn ko đến 4000
- Điểm thứ 3 Mao Ngưu Bình cũng tương đương Vân Sam Bình là nơi các tour đưa khách lên
Cả 2 điểm này nếu đi vaò ngày nắng đẹp và có nhóm đông vui thì tha hồ diễn để chụp ảnh vì có nền là núi tuyết, rừng thông. Nhưng cũng chỉ cần chọn 1 trong 2 điểm này thôi.
Còn cái Bạch Thủy Hà hồi mình đến nó đang sửa chữa và bây giờ trông như là nhân tạo í, cũng nên đi qua chút
Nhưng mình xem DVD Tam Giang Tính Lưu( Nơi ba dòng sông chảy song song) thấy có cái Bạch thủy đài thì thấy rất đẹp, nó cũng nằm ở gần LG thôi, không biết có ai ở đây đến chưa. Ngoài ra còn có núi Liming (Lê Minh), mà bạn fonfon đến rồi, cũng rất đặc biệt
Nếu bạn nào đi rồi làm ơn up cái ảnh. Còn bạn nào chuẩn bị đi thì hãy tìm đến xem sao nhé (thử search từ Bai shui tái nhá)
Mình đã tra lại tiếng Trung. Đúng như Chitto nói là Cam chứ không phải Can.
Thoạt đầu mình viết là Can vì dựa trên bính âm (cả Can và Cam đều đọc và viết latin là gan), đồng thời suy từ từ tiếng Anh dry (khô) mà ra.
Nhưng nhìn lại ảnh chụp thì thấy nó viết chữ Cam (có nghĩa:1/ngọt, trong cam lộ, 2/tự nguyện, trong cam tâm), trong Ganhaizi.
Vậy , theo mình có lẽ, ai đó thoạt đầu dịch từ tiếng Trong sang Anh đã hàm ý khác chăng
Bạn nào giỏi tiếng Trung có thể tìm thêm nghĩa nào của chữ gan (trong Ganhaizi) này thì rất cảm ơn

Em cảm ơn chị Nheva nhiều. Những giải thích của chị đã giúp em hiểu rõ thêm những thông tin về khu vực Ngọc Long Tuyết Sơn. Bạch Thủy Đài thì em xem qua ảnh cũng thấy rất đẹp. Tiếc là đợt vừa rồi đoàn của em đã không qua được nơi này.

baishuitai_img.jpg

Demo 1 hình Bạch Thủy Đài để mọi người dễ hình dung. Ảnh: Internet.

Hí hí, có phải PeterPan "dịch" đâu, mà là tên gốc của nó đấy chứ.

Người TQ từ xưa đã gọi nó là Cam Hải Tử (甘海子) Cam chứ không phải Can. Còn chính cái Dry Sea Meadow mới là dịch của từ Cam Hải Tử sang tiếng Anh.
Chữ "Tử" ở đây không phải là "Chết", hơn nữa nếu muốn nói Biển đã chết thì phải là "Tử hải".
Chữ Hải tử với tử là đứa con, ở đây nghĩa là biển nhỏ. Vùng núi TQ các hồ lớn thường gọi là Hải, như Thanh Hải, Nhĩ Hải, hồ nhỏ là Hải tử.

Cảm ơn bác Chitto nhiều. PeterPan cũng cố gắng tìm kiếm nhiều thông tin trước khi đi, nhưng đọc thông tin mà bác cung cấp vẫn thấy rất mới mẻ :).
 
Mạn phép góp chút cùng PeterPan, chị Nheva, bác Chitto và mọi người, Small Leaf tra từ điển tiếng Trung và xin trích dịch một đoạn trong “Thông tin chi tiết về Cam hải tử” như sau:

(Nguồn: http://hanyu.iciba.com/wiki/31467.shtml#1)

离开玉峰寺万朵山茶,东行至雪山公路,继续向北行驶,公路随海拔变化,你也明显感觉在爬高,翻越了一个山峦,便进入了一个开阔的高山草甸,便是玉龙雪山东麓的甘海子,距丽江县城约25公里,海拔2900米,原为高山冰蚀湖泊,后来雪线上升,积水减少以至干涸,于是人称“干海子”。

Rời Ngọc Phong tự Vạn đóa sơn trà, đi theo hướng đông tới đại lộ Tuyết sơn, tiếp tục đi theo hướng bắc, độ cao của đường thay đổi, bạn cũng cảm thấy rõ ràng như đang leo lên cao, vượt qua một dãy núi, sẽ tới một đồng cỏ rộng lớn, đây chính là Cam hải tử ở chân phía đông Ngọc long tuyết sơn, cách huyện Lệ Giang khoảng 25km, độ cao 2900m, vốn là một hồ băng thực núi cao, sau đó do vùng tuyết phủ bị lên cao, lượng nước tích tụ do vậy ít dần cho đến cạn, vì vậy mà người ta thường gọi là “Can hải tử” (chữ Cam và Can trong tiếng Trung đọc như nhau).

Như vậy kết luận là: tên chính thức của địa danh này là “甘海子” (Cam hải tử) nhưng ngoài ra có thêm tên dân gian là:“干海子”(Can hải tử).
Về nghĩa của chữ “甘”(Can) thì trong từ điển chỉ có 2 nghĩa như chị Nheva đã nói, ngoài ra nó được dùng làm tên riêng nữa thôi. Còn Hải tử là cách gọi hồ của một số vùng ở TQ như bác Chitto đã nói - cái này mọi người cũng thấy nhiều rồi.

Xin hết ạ.

PS.: Post xong em thấy một số chữ tiếng trung trong đoạn trích dẫn hiện không đúng, vậy bác nào cần đọc tiếng Trung xin click vào link nhé!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,136
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top