What's new

[Chia sẻ] Mây trắng Tây Tạng có bay về Tân Cương, có ngang Trung Á, có sang Mông Cổ…

Mây trắng Tây Tạng có bay về Tân Cương, có ngang Trung Á, có sang Mông Cổ…

Sài Gòn, 10.06.2010


Mai tôi đi!

Một trong những đoạn nhạc tôi nghe nhiều nhất trong các chuyến đi xa, nhất là trong những chuyến xe tàu đêm mịt mờ, trong những cơn mưa buồn tê tái, những chiều nắng chết nhạt nhoà… là của NS NĐT… “mai tôi đi, mong cho tình xa quên, mong cho người về được nơi sẽ đến. ta chia tay ta chia trời xé biển, còn được bao dấu vết nhớ nhau tìm. rồi đây trăng sẽ lạnh riêng mình…”. Dù “hoàn cảnh” của tôi chẳng có liên quan gì đến đoạn nhạc này, chỉ trừ 1 câu duy nhất, tôi cũng như trăng, luôn “lạnh riêng mình” (!?), nhưng sao tôi vẫn yêu da diết cung đoạn buồn này. Tôi chẳng có ai để “chia tay chia trời xé biển”... Cũng có những người, tôi chưa kịp mong, thì đã bỏ của chạy lấy người để “về được nơi sẽ đến”…. Tôi cũng chẳng có tình nào để “mong xa quên”… nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn rất thích bài hát này. Và, cũng như bài hát này, mai tôi lại đi!



Mai tôi đi!

Hành trình kỳ này, nếu thực hiện được có thể sẽ làm giấc mộng giang hồ của tôi được thỏa mãn rất nhiều và có thể sẽ xẹp đi trong một thời gian dài (?!). Từ ước mơ ban đầu là được viếng thăm núi thiêng Kailash, Tibet và thực hiện chuyến hành hương tâm linh 3 ngày vòng quanh Kailash, hành trình đã lan xuống Tân Cương, men theo Con đường tơ lụa, len sang Trung Á (Kyrgyzstan, ...), tìm về Mông Cổ… Nhưng đến giờ, mọi chuyện vẫn là dự định… mãi là dự định cho đến khi nào tôi được đặt chân trên những miền đất mơ ước xa xôi đó. Mai, tôi sẽ bắt đầu đi...



Mai tôi đi!

Tôi lại mở một cái topic mới, một đứa con tinh thần mới, trong khi những đứa con khác về Ấn Độ, Bali,… tôi còn bỏ chơ vơ… Nhất là topic về Tibet mà tôi vừa chỉ mới bắt đầu, bây giờ tôi lại bắt đầu một hành trình mới về Tibet. Cảm xúc chắc sẽ đổi thay, tình cảm chắc sẽ thay đổi, những niềm hân hoan có tăng, những niềm vui sướng có giảm,… của chuyến đi thứ 2, lên chuyến đi thứ nhất. Tôi chưa đi, nhưng tôi biết sẽ có. Nhưng, mai tôi vẫn đi!



Mai tôi đi!

Cũng như topic về hành trình Miến Điện vừa xong, topic này cũng chỉ là nhật ký trên đường, để tôi ghi lại những cột mốc đáng nhớ, để hình thành nên khung sườn lưu giữ ký ức, dành cho ngày trở về, dành cho những ngày mai sau, và nhiều năm sau nữa... ngồi lật giở những trang ký ức đó, tôi sẽ lại được sống trong những phút giây lang thang hạnh phúc…


Mai tôi đi!



....
 
2010.07.30 Trượt dài trên đường khắp Kyrgyzstan để về Jalal Abat đêm hoang lạnh

2010.07.30 Trượt dài trên đường khắp Kyrgyzstan để về Jalal Abat đêm hoang lạnh


Tôi, và Kyrgyzstan, và những con đường, và những chuyến xe...


Rời Tash Rabat về Naryl trong chiều muộn, tôi có 2 dự định, a/ ở lại Naryl để sáng mai đón xe đi Kazarman, từ đó đón xe đi tiếp Jalal Abat; b/ ở lại Naryl, mai đi Eki Naryl chơi rồi tính tiếp.


Cuối cùng, tôi chọn option 3; tôi lên chuyến xe đêm ngược về Bishkek, rồi từ đó, tôi lại đón xe xuôi Jalal Abat. Bạn hình dung tạm, đất nước Kyrgyzstan như một hình chữ nhật mà Naryl và Jalal Abat là 2 góc đáy dưới. Thay vì chỉ đi ngang qua, tôi lại vòng lên bằng cạnh trên bên phải, rồi đi ngang, rồi xuôi xuống theo cạnh bên bên trái, đủ một vòng. Tôi đâu có khùng, nhưng đó là con đường "ngắn" nhất là tiết kiệm nhất, ở Kyrgyzstan, ở những ngày này. Ngắn gọn là con đường ngang kia giờ không có khách, không ai đi, phải đi taxi, nên đắt, còn đi đường kia, xe công cộng, tiết kiệm được một đêm nhà trọ... bla bla bla... cuối cùng đường dài hóa rẻ, hóa nhanh.


Chỉ tội cho cái thân già này!!!


Đường đi tuyệt đẹp, qua những con đèo cao rùng rợn và đặc biệt là con sông Naryl có màu milky blue (LP) tuyệt đẹp - có lẽ là con sông đẹp nhất mà tôi đã từng được thấy (chỉ tội là cái PC trở chứng, không đọc cái thẻ nhớ đó nên tôi đành chịu, sẽ chia sẻ với các bạn sau).


P7303342.jpg

Một góc sông xanh Naryl (không xấu vậy đâu, chụp vội trên xe)


Và cuối cùng, tôi rớt xuống Jalal Abat sau gần 24g trên xe, trên đường. Jalal Abat đón tôi bằng những tòa nhà cháy rụi, những hàng rào công sở tan hoang, những ánh mắt lành lạnh, những cảnh vệ tay súng đầy đường, những chiếc jeep thi thoảng rú còi chạy ngang lướt dọc phố phường.


P7303346.jpg

Jalal Abat lạnh lẽo


::::::::::::::::::::::::::::::


Tôi làm gì ở thành phố vừa loạn lạc tháng trước, chỉ mới 9 giờ đêm (trời còn rất sáng) là quán xá đóng cửa đuổi và đến lúc đó tôi mới hay là chỉ còn mình trên đường...


Tôi làm gì đây ở thành phố đêm đêm quân cảnh rầm rập trên phố khuya, thỉnh thoảng tiếng còi hú giựt, xé toạt màn đêm lạnh một mình tôi trên ban công vắng nhìn đường đêm lạnh lẽo, chai bia trong tay chợt lạnh và đắng ngắt...


Jalal Abat... tôi đang ở đâu đây?
 
2010.07.31 Miền đất xưa yên bình Ozgon làm tôi ngỡ mình lạc về Ấn Độ - 1

Tôi bắt đầu gõ những dòng này sau những ngày không có net, và sau những ngày tôi đã bình tâm trở lại. Dù đã lường trước, tôi cũng không ngờ chuyến xuôi Nam Kyrgyzstan này lại nhiều nguy hiểm đến vậy. Xem như là tôi đã bước chân, nói đúng hơn là tôi đã bị đẩy đến, một lằn ranh mong manh giữa 2 cõi nào đó... cũng có thể xem như một cánh cửa đã khép lại, để một cánh cửa khác hé ra...


Tôi dự định sẽ không gõ để chia sẻ chuyện đó, nhưng suy cho cùng, nếu bây giờ, tôi không gõ, cảm xúc sẽ phai nhạt - mà hiện giờ cũng đã úa mờ - và âu cũng là thêm một kinh nghiệm cho khách lãng du. Tôi chỉ mong câu chuyện này không làm những người thân của tôi lo lắng hơn. Nhưng dù sao, chuyện cũng đã qua và giờ tôi có thể bình tâm kể lại.


Nhưng tôi sẽ không kể bây giờ, làm đứt mạch về vùng đất thiên đường mà các bạn cùng tôi đang ghé thăm. Tôi sẽ kể trước khi tôi "rời" Kyrgyzstan. Còn bây giờ, các bạn cùng tôi tiếp tục viếng thăm miền thiên đường quên lãng hén!




* *
*​



2010.07.31 Miền đất xưa yên bình Ozgon làm tôi ngỡ mình lạc về Ấn Độ - 1


Sau một đêm suy nghĩ, tôi thức giấc trong một ban mai Jalal Abat trong trẻo và yên bình. Bầu trời trong xanh và những cơn gió mát ngày hè đã xua tan những tiếng còi xe hú gầm, những bước chân rầm rập đêm qua đi về đâu... Suy nghĩ rất lâu, dạo bước trên phố vắng mát mẻ, tôi quyết định sẽ thử dừng chân ở đây một ngày xem sao. Và ngày hôm nay, tôi sẽ tìm đến Ozgon, mảnh đất có những di tích lịch sử của hơn 1.000 năm trước. Dù câu chuyện về Ozgon không đơn giản, đây chính là nơi xảy ra bạo động giữa 2 dân tộc Kyrgyz và Uzbek vào những năm 1990 với hơn 1000 người chết. Nhưng có lẽ, học được từ những đau thương năm cũ, lần này, miền đất này vẫn bình yên...


P7313350.jpg

Đường thanh bình từ Jalal Abat đến Ozgon


Tôi đến Ozgon trên một chuyến minibus với những người dân Uzbek và bác tài người Kyrgyz, tất cả đều rất chân chất dễ thương. Đến Ozgon một sáng đầy nắng, bác tài chỉ đường cho tôi tìm đến khu di tích... và tôi đi ngược lại dòng người đang đổ về khu chợ, hôm nay là Thứ Bảy cuối tuần mà. Như vậy, ngoài viếng thăm khu di tích, tôi còn được hòa mình vào một bazaar cuối tuần nữa rồi. Thật may mắn!


P7313407.jpg



P7313409.jpg

Phố nhiều hoa và nhiều màu Ozgon dưới trời xanh ngắt



Khu di tích nằm trong một khu vườn hoang phế. Trong khuôn viên còn có ghi hướng dẫn cùng quy định bán vé... nhưng thời buổi này chắc chẳng còn ai đến đây nên cửa cứ mở - mà hàng rào đã tan hoang thì cửa nào còn cần.


P7313393.jpg

Tòa minaret rực rỡ trong trời xanh


P7313359.jpg

Một góc kiến trúc của minaret


P7313467.jpg

Minaret và mausoleum... của hơn 10 thế kỷ trước...


Từ xa, trong nắng sớm, tôi cứ ngỡ mình lạc vào một góc nào đó của Agra hay Delhi khi nhìn tòa minaret đỏ rực, vươn cao sừng sững trong nắng sớm... và xa xa nơi cuối vườn, những lăng mộ đỏ cũng hao hao giống mộ góc nào đó của Humayun hay Red Fort Afra... mà tôi đã một thời chìm đắm.


..........
 
2010.07.31 Miền đất xưa yên bình Ozgon làm tôi ngỡ mình lạc về Ấn Độ - 2

2010.07.31 Miền đất xưa yên bình Ozgon làm tôi ngỡ mình lạc về Ấn Độ - 2


Mê mệt lang thang trong khu di tích của hơn 10 thế kỷ trước, của vương triều hùng mạnh từng bao phủ vùng Trung Á thời bấy giờ tôi như mê mệt, nhưng vì nắng sớm bị ngược sáng nên tôi tìm về khu bazaar để chiều còn quay lại chụp hình.



P7313435.jpg

Những người phụ nữ Uzbek bán kyrmyz (sữa chua ngựa) bên đường - hiền hòa



P7313416.jpg

Những chú bé Uzbek khôi ngô



Khu bazaar thật nhộn nhịp với cơ man nào là hàng hóa, những chú bé Uzbek thật dễ thương lăng xăng khắp nơi phụ giúp gia đình trông thật hạnh phúc, như không có gì vừa mới xảy ra gần đâu đó.



P7313428.jpg

Những cụ ông Uzebek trong những chiếc nón truyền thống đàm đạo trà trưa giữa chợ



Tôi lang thang khắp nơi, sờ sẫm, rờ rẫm, trả giá... rồ mãi cuối cùng mới tìm được một chỗ bán bia - những người Uzbek theo đạo Hồi rất mộ đạo. Tìm một góc trốn nắng giữa phố đông, tôi bọc chai bia trong bao nylon đen ngồi ngắm nắng, ngắm chợ, ngắm người... và quên đi mình cần phải quay lại khu mausoleum.



P7313453.jpg




P7313456.jpg




P7313452.jpg

Các lăng mộ rực sáng trong trời chiều



Vội vã quay lại để tranh thủ chụp những tấm hình trước khi nắng ngã chiều, tôi được một nhóm bạn trẻ đang tham gia đám cưới lôi tôi vào cùng dự... Thế là tôi lăn vào, quay cuồn trong đó, cũng lắng nghe lời kinh, cũng đưa tay lên, hạ tay xuống... tất cả chỉ cầu mong cho họ hạnh phúc và hạnh phúc trên miền đất phương nam nhiều hiểm họa này.



P7313483.jpg

Cầu mong hạnh phúc và bình yên.


......................



Ngày đầu tiên ở phương nam đẹp như vậy, tại sao tôi không đến miền nam Kyrgyzstan?
 
2010.08.01-02 Arslanbob, miền đất của những con thác và những quả óc chó... - 1

2010.08.01-02 Arslanbob, miền đất của những con thác và những quả óc chó... - 1


Như vậy, hôm nay đã là ngày thứ ba của tuần thứ 4 tôi lang thang ở Kyrgyzstan, một đất nước mà lúc đầu tôi dự định chỉ tạm dừng chân vài ngày để refresh cái visa Trung quốc!!! Thiệt là đáng tội...



P8013518.jpg

Hoa trong vườn homestay mà tôi ở Arslanbob



Sau một ngày yên bình ở Ozgon, tôi quyết định đi tiếp đến Arslanbob, một trong những đia danh hiếm hoi mà LP khuyến cáo. Đi đến đây hơi phức tạp, phải chuyển từ xe bus sang shared-taxi, đi 2-3 chặng mới tới, nhưng nghĩ rằng mình cũng gần rời Kyrgyzstan, ráng đi thêm nơi này xem sao (!?).


P8013533.jpg

Hôm nay là Chủ Nhật, cũng là chợ phiên ở Arslanbob



Ngoài cảnh quan thiên nhiên, Arslanbob còn nổi têếng bởi quả óc chó. Alexander Đại đế vào thế kỷ III BC đã hành quân qua đây và khi về ông đã cho quân lính mang loại hạt này về và bây giờ nó được gọi gọi là quả óc chó Hy Lạp. Hiện nay, Kyrgyzstan là quốc gia xuất khẩu lớn nhất loại hạt này, từ miền đất Arslanbob này.


P8013531.jpg

Nhà thờ Hồi giáo ở Arslanbob, cũng từ rất lâu rồi


Ngoài ra, cảnh quan thiên nhiên nơi này mới thật kỳ thú với nhất nhiều hồ và núi và thung lũng đẹp. Nhưng đến nơi tôi mới biết được khó khăn... Khác với với ở miền Bắc và Đông Kyrgyzstan, du khách không dám đến miền Nam, do vậy khả năng tìm bạn đồng hành để ghép đoàn hầu như không có. So với hơn 1.700 du khách đến Arslanbon năm 2009 thì năm nay chưa có đến 10 người ghé VP cty du lịch CBT. Do vậy khả năng lang thang của tôi chấm dứt vì tôi không đủ khả năng để bao trọn gói cho các tour ở đây.


Do vậy, tôi chỉ lang thang làng nhỏ và đi thăm 2 cái thác quanh vùng. Thác nhỏ cao 23m và thác lớn cao 80m - rất khó đi.


Thác cao 80m, nghe cũng oai đấy chứ - không biết ở Việt Nam mình có thác nào cao vậy không ta? Ngay buổi chiều tôi đi thăm thác nhỏ, để dành thác lớn, đi về hơn 4h, cho ngày hôm sau.



P8013583.jpg



P8013571.jpg

Thác bé giữa trời xanh


Thành thật mà nói thì so với thác ở VN thì thác này chỉ bé xíu, nhưng được cái sạch sẽ và cảnh quan xung quanh cũng đẹp và nên thơ nên việc vác chai bia xuống chân thác để những hạt nước li ti bay thấm ướt khắp mặt mát rượi, lạnh ngắt... cũng là một điều thú vị.


P8013536.jpg

Con suối ở phố mà tôi hay ngồi (nằm)!!!

.........................




P8013606.jpg

Lá xanh bỗng lấp lánh vàng trong nắng chiều...


Ngồi hồi lâu,tôi tìm về phố, dọc theo con suối, cũng chẵng có gì hấp dẫn, bèn ra bờ suối nằm đếm lá xanh bỗng rực vàng trong nắng chiều - rồi về.


...........................................
 
2010.08.01-02 Arslanbob, miền đất của những con thác và những quả óc chó... - 2

2010.08.01-02 Arslanbob, miền đất của những con thác và những quả óc chó... - 2



Sáng hôm sau, sau khi ghé CBT với hy vọng mong manh có du khách nào không để ghép đoàn thì thấy cửa đóng im ỉm. Thế là một mình tôi lặn lội đi tìm con thác linh.



P8023644.jpg

Đường đi đến thác 80m



P8023658.jpg

Vẫn thấy mảnh trăng mong manh giữa trời xanh






Con thác cao 80m này là con thác linh của người dân địa phương. Đến giờ, dù đã ngã theo Hồi giáo, đến con thác này, họ vẫn làm những thói quen xưa của thời kỳ tiền-Islam, đó là cột những dải lụa, vải nhỏ vào thân cây, hàng rào... giống như những cờ phướn Tibet vậy.



Đường đi thật mệt mỏi vì chỉ toàn là đá sỏi, đá cuội lăn lóc mà chân tôi thì nứt toét. Hơn thế nữa, cái nắng khủng khiếp phả vào con đường đá trắng làm con đường cứ hừng hực (hôm đó về, tôi uống hết 2 chai nước 1lit mà không đi xìtrum thì đủ biết là hốc nước cỡ nào.). Bù lại cảnh quan thật đẹp.


P8023688.jpg




P8023652.jpg

Những cánh đồng hoa ven đường, ven hàng rào đá



Con đường chạy giữa những hàng rào đá, những cánh ôồng hoa, dọc theo con sông, rồi con suối... Xa xa, lúc thì núi tuyết, lúc thì núi đỏ điểm tô chân trời, làm con đường thêm lấp lánh nắng, nhưng thêm rực rỡ.


P8023657.jpg

Từ thác cao nhìn về làng nhỏ xa tít tắp


Đoạn cuối con đường thì thật nguy hiểm, đã mấy lần tôi định bỏ cuộc nhưng rồi cũng xong, cũng đến được con thác cao 80m.


P8023655.jpg

Thác nhìn từ xa trên đường


P8023661.jpg

Và đây, thác linh cao 80m - hình chụp xa nên nhìn chưa đã hén.


Ngắm thác, ngắm trời mây một lúc, tôi tụt xuống đi về.


Mệt mỏi bã cả người tôi hạnh phúc lê về được Arslanbob, đóng gói đồ đạc tôi lê thân vác balo ra quán nhỏ ven bờ suối, chia tay với Arslanbob, lần cuối rồi tìm đường về lại Jalal Abat.
 
Last edited:
2010.08.03-04 Lướt như gió qua Osh - chẳng cảm nhận gì về con đường tơ lụa... - 1

2010.08.03-04 Lướt như gió qua Osh - chẳng cảm nhận gì về con đường tơ lụa... - 1



Sáng ngày 03, tôi vác balo ra bến xe Jalal Abat tìm đường về Osh. Cảm xúc trong lòng giờ đã thật khác, thật lộn xộn khó tả.... lòng toi giờ ngổn ngang như tơ vò...


Chuyến xe im phăng phắc, nhất là khi chiếc xe bắt đầu đi vào ngoại vi Osh, từ xa. Những ngôi nhà cháy tan hoang, những dãy phố nám đen xiêu vẹo... Trên xe chợt có nhiều tiếng thì thầm khi đi ngang qua những con phố đó... Sự tàn phá ở đây tàn khốc hơn ở Jalal Abat rất nhiều.


P8030013.jpg




P8030008.jpg




P8030005.jpg



P8030002.jpg



P8030001.jpg

Osh trong hoang tàn


Khác với Jalal Abat là những tàn tích bạo động chỉ thấy ở vùng ngoại vi, ở Osh, càng vào trong thành phố càng thấy nhiều hơn những dấu vết của cuộc bạo động chỉ gần 2 tháng trước. Nhiều nơi vẫn không dọn dẹp, chủ nhân có lẽ đã dạt về cố hương hay đã im nằm nơi nao!!! Phố xá vắng tanh và tan hoang tiêu điều... cảm giác rờn rợn và lạnh gáy...


P8030012.jpg

Chiếc xe tăng (rực rỡ!!!) đậu trước Hotel Alay



Tôi hơi mừng khi thấy xe rẽ vào con đường tương đối đông xe và người. Đó là khu bến xe, cũng là khu chợ chính của Osh. Nhưng khi vác balo đi tìm nơi trọ, chỉ vừa rời xa nơi dó một tý, tôi cảm nhận ngay vẻ vắng hoang của thành phố. Cuối cùng, tôi cũng tìm được đến Hotel Alay, gần gần bến xe, 1 điểm mà LP chê là bẩn nhưng tôi cóc cần vì chỉ cần tiện, gần bến xe là được. Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy 1 chiếc xe tăng đậu lù lù trước KS. Rồi một anh lính sau khi trợn mắt ngạc nhiên hỏi tôi đến đây làm gì, rồi đích thân dắt tôi lên tầng 2, tầng trệt và tầng 1 đã bị binh lính trưng dụng thành chốt quân sự. Sau khi kiểm tra balo tôi có bom hay không (!), anh lính bàn giao tôi cho dì tiếp tân, cũng đang tròn xoe mắt nhìn "du khách" tưng tưng mò đến Osh vào thời điểm này. Nhưng khi tôi nói mai tôi sẽ đi, dì thở phào và bắt đầu làm thủ tục....


::::::::::::::::::::


:::::::::::::::::::
 
2010.08.03-04 Lướt như gió qua Osh - chẳng cảm nhận gì về con đường tơ lụa...-

2010.08.03-04 Lướt như gió qua Osh - chẳng cảm nhận gì về con đường tơ lụa...- 2



Buổi chiều, sau khi các phần công việc, đã xong hoặc vẫn chưa xong, tôi bắt đầu đi "tham quan". Theo LP, điểm tham quan đáng kể là cụm di tích quanh núi Solomon Throne trên đường Kurmajan Datka. Tôi cũng cần đến các cửa hàng gần đó để tìm mua một số thứ nên kết hợp đi luôn.



P8030054.jpg

Bên trong một thánh đường Hồi giáo dưới chân Solomon Throne - một trong rất ít những thánh đường Hồi Giáo mà tôi (kẻ ngoại đạo) được cho phép bước vào bên trong



P8030065.jpg

Solomon Throne giữa Osh - một thời vang bóng



P8030031.jpg

Thánh đường Hồi giáo trên đỉnh Solomon Throne


Nguyên dãy phố (vẫn còn thấy thời tấp nập bán buôn) giờ hoang vắng tiêu điều. Phố internet liên tiếp theo LP, giờ chỉ mở cửa loe hoe 2-3 cửa hàng và nêu bảng là sẽ đóng cửa vào 7pm (khoảng 4pm giờ mình vì 9pm trời còn sáng). Tôi lướt qua, tìm mua vài thứ tôi cần nhưng mỏi mòn không có, tôi bèn leo lên đồi chiều, qua cổng bán/soát vé nhưng giờ trống trơn... (Các cửa hàng lớn, chủ yếu của người Uzbek đều đã đóng cửa hoặc đốt cửa hoặc cháy cửa hoặc đã sập cửa... nên việc tìm mua vài thứ đồ rất khó khăn ở Osh hiện nay).


P8030035.jpg



P8030037.jpg

Từ Solomon Throne nhìn về Osh



Từ trên đồi cao, nhìn về Osh có thể thấy ngay vẻ phồn thịnh của một thành phố Hồi giáo với nhà cửa sầm uất chen lẫn những thánh đường... nhưng di tích xưa chẳng thấy... chỉ thấy nhiều hơn là những cụm phố cháy nám hoặc đổ nát.



P8030070.jpg

Sông White Camel chảy giữa phố nhưng vẫn trong xanh - lúc yên bình chắc Osh cũng đẹp lắm



Tôi ngồi trên đồi chiều, lòng ngổn ngang nhiều xúc cảm ngang. Vậy mà chiều đã sập về khi nào không hay. Khi tôi về đến phố, chỉ mới 7pm mà đường phố vắng tanh, chỉ còn binh lính, vài anh chàng Kyrgyz say rượu lưng tưng quậy giữa phố... mà thôi. Cửa hàng, quán xá đóng cửa sạch trơn. Tôi vội vã chạy nhanh ra chợ gần đó, vác về trái dưa héo cuối cùng của chợ chiều và chai bia may mắn của cửa hàng đang đóng cửa.... rồi 3 chân 4 cẳng chạy nhanh về KS.


P8030073.jpg

Bữa tối "ăn mừng" của tôi ở Osh


Tôi ăn mừng việc mình đã đến được Osh như vậy đó.


Sáng hôm sau, thật sớm, tôi quàng vội balo ra bến xe, để chờ từ 8g đến 11.30g tôi mới rời được Osh, trên chiếc taxi 4 chỗ chở 6 người lớn và 2 trẻ em, rời khỏi Osh.


Tôi mừng vì rời Osh - nhưng con đường phía trước mới xa diệu vợi làm sao, mới mờ mịt làm sao....


P/S: giohoang, những cô em mắt xanh ở Osh giờ đâu còn. Mắt xanh giờ đã tan tác về bên kia biên giới hay nằm đâu đó trong hoang tàn đổ nát.... bao giờ trở lại Osh gặpnhu74ng cô em mắt xanh, bao giờ tháng Mười mới về....
 
2010.08.04-05 Cô độc, chán chường, mỏi mệt... ở Sary Tash...

2010.08.04-05 Cô độc, chán chường, mỏi mệt... ở Sary Tash, trước khi đến được một con đường mới.


Sary Tash, ngã 3 biên giới, nơi 1 con đường chạy về biên giới Kyrgyzstan và China, nơi 1 con đường chạy về biên giới với Tajikistan là điểm tôi không dự định đến. Tôi định đến Sary Mogol, cách Sary Tash hơn 30km, nơi tôi đã liên lạc với VP CBT để kiếm một chỗ cho tôi trên chuyến xe minibus vào Thứ 6, rời Kyrgyzstan đi Tajikistan. Trước đó, tôi cũng đã liên hệ với CBT ở Osh nhưng giá là 300$ (!), do vậy tôi phải một thân một mình đến đây. Tôi cũng dự tính rồi, nếu sang Tajistan không được tôi sẽ tìm đường về Trung Quốc, dễ hơn vì vẫn nhiều thương nhân TQ qua lại cung đường này.


P8040083.jpg

Sary Tash, lúc tôi vừa mới bị quăng xuống



Dù tôi đã bắt đầu đi vào cao nguyên Pamirs, vì con đường về Sary Tash, rồi đến Murgab (Tajikistan) là một phần của con đường nổi tiếng này, nhưng ngồi trong chiếc xe lèn chặt, bụi đường ngoài kia mù trời... tôi nào có cảm nhận được vẻ đẹp Pamirs. Cho đến lúc chiếc xe bỏ tôi một mình ngơ ngác giữa ngã 3 Sary Tash đầy mệt mỏi, đơn độc chán chường... tôi vẫn không thấy cao nguyên Pamirs quanh tôi!


P8040090.jpg




P8040086.jpg

.... và Sary Tash lúc chiều, lúc tôi chồn chân mỏi gối mong chờ chuyến xe diệu kỳ sẽ đến trong bụi mờ... (giờ nhìn lại thấy núi tuyết xa xa cũng đẹp hén!)


Lầm lũi đứng đón xe trên đường, trong gió lạnh, trong bụi mù, trong đơn độc, trong mệt mỏi, trong chán chường... cuối cùng tôi lê bước vác balo về quán trọ duy nhất ở xóm nhỏ ven đường, cũng chỉ có một mình tôi duy nhất trong quán trọ đêm nay.


Cách biên giới 23km, Sary Tash nằm ở độ cao trên 3.000m trong dãy Pamirs nên khi chiều vừa sụp xuống là giá rét ùa về, kéo theo những cơn lốc bụi của những chiếc xe tải/container chở hàng gầm rú trên đường. Cảm giác trong căn phòng dỏm rộng thênh thang và gió bụi gầm rú, đêm đen hoang lạnh chực chờ bên ngoài.... một mình, một mình, một mình...


Đêm ở Sary Tash là một đêm tôi không thể nào quên - theo một nghĩa nào đó.

Rồi đêm cũng qua. Thay vì đón xe lên Sary Mogol chờ 2 ngày nữa mới có xe đi Tajikistan, tôi đón taxi lên biên giới để từ đó đi nhờ xe tải hoặc xe của người Tajikistan ở 1 làng gần biên giới hay qua lại, để sang được bên Tajikistan sớm chừng nào hay chừng đó.


Cuối cùng, Trời Phật cũng mỉm cười độ lượng bao dung, cô gái con chủ quán trọ đi cùng xe, đã cùng tôi đứng chờ và xin đi quá giang được 1 chiếc xe của 3 thanh niên Bishkek, đang đi du lịch một vòng Central Asia.


Và sau khi mỏi mệt làm xong thủ tục ở cửa khẩu Kyrgyzstan, bước vùng sang đất chung 2 biên giới... tôi mới thấy cao nguyên Pamirs xung quanh mình mới đẹp làm sao, trời mới xanh làm sao, mây mới trắng làm sao... và tôi đang bồng bềnh cỡ nào....


P8050098.jpg

Pamirs, vừa qua cửa khẩu Kyrgyzstan, hình chụp lén trên xe mà cũng đẹp hén (!?)


P8050101.jpg

Và đây Tajikistan đón chào....


Chào nhé Kyzgyzstan, tôi đi đây... !!!
 
Chuyện kể trước khi rời mảnh đất thiên đường.

Chuyện kể trước khi rời mảnh đất thiên đường.


Như tôi đã nêu trong sub-topic trước, đây là những câu chuyện tôi không muốn kể, ở một vùng đất tôi đã từng xem như chốn địa đàng nơi dương thế... nhưng để thấy rõ các khía cạnh của vấn đề là thiên đường không ở mãi quanh ta, thiên đường không phải dễ dàng tìm kiếm... tôi chia sẻ với các bạn chỉ 2 câu chuyện, mà khi tôi đã bình tâm trở lại, sau khi nghĩ rằng mình đã may mắn bước lạc qua một lằn ranh nào đó.. để các bạn biết giùm cho tôi rằng, có được hạnh phúc, sự "hoan lạc" của mỗi chuyến đi, mỗi hành trình không chỉ có toàn là những niềm vui và hoan lạc.





Câu chuyện thứ nhất.
Chuyện tôi gặp phải, tôi chưa thấy bạn nào chia sẻ trên diễn đàn, dù có thể các bạn đã gặp, dù có thể bạn gặp chuyện tệ hại hơn... nhưng không kể. Ở một mức độ nào đó, câu chuyện tôi gặp là bình thường, nhưng đặt vào hoàn cảnh, không gian tôi gặp phải..., đó là một câu chuyện có thể đưa đến một kết quả không hay ho chút nào, nếu không muốn nói là tệ nhất. Nhất là ở miền Nam loạn lạc, nơi cái chết và cuộc sống chỉ là tích tắc, nơi mạng người được xem như ngóe, thì có xá gì...


Đó là một ngày không tốt lành, ngay từ buổi sáng. Trên đường đi viếng thác 80m ở Arslanbob, tôi gặp 4 thanh niên từ Jalal Abat đến, chào hỏi và đi chung. Tôi chưa kể với bạn là khác với người miền Bắc, người miền Nam K. lạnh lùng xa cách như thế nào. Gặp trong quán, thay vì niềm nở chào hỏi như ở MB. họ chỉ gườm gườm liếc nhìn. Tôi cho rằng vậy cũng phải, vì họ đang ở trong tình trạng loạn lạc, vui vẻ gì chào đón khách phương xa. Đến sáng hôm nay. Sau khi gặp 4 thanh niên nọ và đi chung một đoạn đường, các thanh niên này bắt đầu giở chứng, hỏi thăm trong túi xách tôi có gì, tôi có đô-la hay không... Tôi trả lời cho qua chuyện rồi lảng lảng ra. Do vậy, khi vừa lên tới đỉnh thác, thấy thái độ họ càng căng thẳng, tôi chụp vội mấy tấm hình rồi rút thật nhanh, tôi té mấy lần vì thác rất cao và toàn đá rất nguy hiểm. Họ vẫn theo sau - không ai bỏ mấy tiếng đồng hồ để leo lên rồi tụt xuống nhanh như vậy, trừ tôi, còn họ theo tôi làm gì. Nhưng may mắn, đến chân thác gặp một nhóm du khách Uzbek, tôi la cà vào đó, rồi theo họ đi về an toàn. Nhưng đây chỉ là câu chuyện phụ nhỏ nhặt của ngày hôm đó.



Mệt mỏi rã rời, tôi ra bến xe đón một chiếc shared-taxi, phương tiện phổ biến di chuyển công cộng ở K. Đi một đoạn, 2 cô gái trên xe xuống, còn 1 mình tôi, tài xế bảo quay lên kia đón 4 người khác đã gọi điện đặt chỗ, tôi OK vì đây cũng là chuyện bình thường tôi hay gặp. Đến nơi, một khu cắm trại nằm hơi cách xa trong khu rừng hơi vắng, tài xế bảo vào khu du lịch (cắm trại) đó chờ 20ph, 4 người đó sẽ ra, tôi cũng OK, khu du lịch này nhiều người mà. Đến nơi gặp 4 thanh niên rất trẻ người Kyrgyz. Tôi cũng chào hỏi bình thường rồi rút ra đi chụp mấy tấm hình. Nhóm thanh niên đó nói người tài xế nhờ tôi chụp hình cho họ, nhưng sau đó lại thôi, họ mượn máy hình cầm xem, hỏi giá cả thế nào... tôi vẫn cho là bình thường. Xong, một lúc sau, cả nhóm đi lòng vòng rồi lên xe.



P8023713.jpg

Một trong 4 tên, hình chúng vô tình chụp lúc cầm máy của tôi​



Lên xe một lúc, 1 thanh niên, như là cầm đầu, hỏi (đại loại) là tôi có thể tặng cho họ chiếc máy chụp hình? Dĩ nhiên là không, rồi tôi đút máy vào túi quần. Sau đó cả nhóm bắt đầu giở chứng, yêu cầu tôi đưa chiếc túi xách mà họ nghĩ tôi bỏ máy vào đó. Tôi không chịu, bắt đầu giằng co. Thế là 1 tên choàng qua kẹp cổ, 1 tên giữ chân tay, 1 tên tìm cách lấy chiếc giỏ tôi kẹp dưới chân. Tôi bị kẹp cổ đến ngạt thở gần ngất, người tài xế lúc đó dừng xe lại, tôi đạp cửa thoát được ra bên ngoài thì 3 tên chạy theo. Đến lúc này, một đứa thò tay rút ví, tôi mới hiểu rằng chúng không chỉ muốn chiếc máy chụp hình. Do vậy, tôi phải tìm cách chống trả và rút chạy. Tôi lại bị một tên nhảy tới siết cổ một lần nữa, tên khác giằng rách toang chiếc túi xách rơi ra khỏi tay tôi và chạy nhanh vào rừng ven đường. Thấy đã đoạt được chiến lợi phẩm, tên kia lỏng tay thả tôi ra cùng chạy vào rừng. Tôi vừa ngồi thở thì có một chiếc xe đến từ đằng xa, tôi vùng dậy chạy về chiếc xe và cầu cứu.


P8023714.jpg

Chiếc túi thân yêu đã theo tôi nhiều cung đường giờ tan nát - tôi vẫn đem nó về Sài Gòn để nhớ một thời​



Dù không hiểu ngôn ngữ nhưng thấy dáng điệu (và sau tôi mới biết là có máu trên mặt tôi), người đàn ông trên xe cho xe chạy đến và bước xuống xe nói gì với chúng. Lúc này, chúng trả lại tôi chiếc túi đã rách toang, lấy đi 1 camera, 1 ĐTDĐ và quan trọng là đống linh kiện, pin, thẻ nhớ... tôi gào lên hỏi thì chúng cười cười nói nói với người đàn ông đó xem như chẳng có chuyện gì. Táo tợn hơn, một tên bắt đầu mở cốp xe, mở chiếc balo của tôi và lấy chiếc áo gió quăng vào phía trước cho đồng bọn. Biết rằng chúng chẳng coi người mới tới ra gì, tôi nhào đến giằng lấy chiếc balo và cái áo rồi rút lui ra xa. Táo tợn hơn, một tên còn tiến lại gần cầm tập LP mà tôi in trong balo, rải bay khắp trong gió... rồi cả bọn lên xe đi. Người đàn ông chỉ biết nhìn theo, kêu tôi đi báo cảnh sát, rồi cũng lên xe đi luôn, bỏ lại tôi một mình trong con đường rừng vắng...


::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


Bây giờ, kể lại thì dễ, chứ tâm trạng của tôi lúc đó chẳng biết tả thế nào. Mà càng nghĩ, tôi thấy mình đúng ra là may mắn, chúng táo tợn như thế, giữa ban ngày ban mặt cướp cạn, dù có người đến như thế... thì chỉ cần nện vào đầu tôi một hòn đá, mà một tên dường như đã có ý định... thì giờ đây tôi đâu còn ngồi đây gõ lóc cóc. Hơn 10.000 người (theo dân địa phương kể) đã bị chúng giết trong vài ngày thì thêm một chắc cũng bỏ gì với chúng. Giữa những ngày loạn lạc này, mạng sống chúng xem có đáng gì đâu, huống chi tôi người xa lạ, có vứt tôi vào rừng thì có ai biết...

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


Lúc lê lết về Bazaar Korgon, để rồi đón xe về Jalal Abat, trong lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Mặt tôi nhiều vết máu do dập môi mà đến bây giờ tôi mới cảm giác đau. Tôi chỉ muốn về nhà, tôi chỉ muốn về nhà, tôi chỉ muốn về nhà... Nhưng càng bình tâm trở lại, tôi quyết định đi tiếp. Tôi nghĩ, dù sao Trời Phật cũng phù hộ, nếu chiếc xe kia không kịp đến thì đừng nói đến P&S hay cellphone, giờ tôi cũng không còn. May mắn là tôi vẫn chưa bị lấy tiền và cái máy hình + ĐTDĐ còn lại là quá hạnh phúc rồi. Và như vậy, tôi vẫn quyết định đi tiếp còn đường, dù Kyrgyzstan của tôi không còn đầy màu hồng như trước.


........
 
Chuyện kể trước khi rời mảnh đất thiên đường.

Chuyện kể trước khi rời mảnh đất thiên đường.

Câu chuyện thứ hai

Câu chuyện này tôi kể, có bạn không tin, không thích... cho là chuyện hoang đường... nhưng nó có thật 100% và liên quan ít nhiều đến câu chuyện thứ nhất - về giá trị nhỏ nhặt của một mạng người ở vùng đất loạn lạc.



Sau khi đã thay đổi những suy nghĩ về Kyrgyzstan, tôi vẫn quyết định lên đường đi tiếp, xuôi Nam. Đêm từ Arslanbob về đến Jalal Abat, dù tâm trạng chán chường, dù mệt mỏi rã rời, tôi vẫn ra ATM rút thêm tiền cho chuyến đi, rồi tôi mua đến 2 chai bia loại 1 lít đêm về ra ban công khách sạn ngồi suy nghĩ thật mông lung. Nhưng sáng hôm sau tôi cũng dậy rất sớm lên đường đi Osh. Như tôi đã kể, đến Osh, tôi tìm đến và ngụ ở KS Alay, và thật ngạc nhiên là khách sạn thật sạch sẽ, toilet cũng sạch và ở cách phòng tôi, 309 một phòng, 307.


Đêm ở Osh, tôi đọc LP thật khuya, và do "ăn mừng" với trái dưa hơn 2kg và một chia bia nên tôi phải đi toilet nhiều lần. Một lần, tôi vừa ra khỏi phòng thì thấy 1 thanh niên vừa bước ngay vào phòng 307, khóa cửa lại. Một lần, tôi cũng vừa mở cửa ra thì thấy một người đàn ông áo mayo bước vào kế bên 311, đóng cửa lại. Bình thường thôi.


Đến khuya, tôi vừa tắt đèn, đặt lưng nằm xuống thì nghe có tiếng cái chai nhựa ngã xuống, lăn đi kêu lách cách rất lâu. Tôi cứ nghĩ là chắc cái chai bia tôi uống xong để trên bàn bị gió thổi ngã xuống; nhưng mà cũng lạ, tôi đâu thấy có gió gì đâu, cái bàn cách tôi một bước chân thôi mà. Đến lúc tôi lại thức dậy đi toilet, tôi thấy cái chai vẫn đứng yên, tôi nghĩ rằng hay là chai ngã ở phòng bên cạnh, nhưng từ sớm đến giờ các phòng cách âm rất tốt, tôi có nghe gì đâu (vách tường ở Kyrgyzstan rất dày vì mùa đông rất lạnh). Nghĩ tới nghĩ lui không nghĩ ra được, tôi cũng nghĩ ít nhiều về những thân phận kém may mắn ở miền đất loạn lạc này thôi, không nghĩ gần... rồi tôi mở Ohm Mani Padme Hum ra nghe mãi mới ngủ được.


Rồi sáng sớm tôi đi, các phòng khác cũng đều trả phòng sớm vì hầu như khách chỉ trọ qua đêm để đi nơi khác. Các cửa phòng khác đều mở toang hoác trừ phòng 307 và 311 vẫn đóng im ỉm.


Câu chuyện này đến đây sẽ chấm dứt rất vô duyên nếu không tiếp diễn ở Sary Tash trong một ngẫu nhiên rất ngẫu nhiên. Trong lúc tôi đứng chờ xe vào buổi chiều giá lạnh bụi mờ lúc tôi vừa đến Sary Tash, cô gái con chủ nhà trọ Idea ra đứng cùng bắt chuyện để tôi đỡ vắng quạnh lúc đón xe. Nói qua lại một hồi Idea bắt đầu nói về Civil War ở Osh và cô chỉ nhắc đến 1 sự kiện đáng sợ nhất, ấn tượng nhất với cô, đó là hôm June 12, 13 gì đó cô đã sợ phát khiếp khi TV chiếu cảnh ở KS Alay có 5 người bị cắt cổ.


P8040086.jpg

Buổi chiều tôi rụng rời tay chân nơi ngã 3 biên giới mù mịt


Má ơi, tôi nghe xong 2 chân muốn khuỵa xuống luôn, tôi bình tĩnh gặng hỏi thì Idea khẳng định chính là KS Alay gần bến xe... Nghe xong, tôi run người bần bật và không đón xe nữa, vác balo theo Idea vào phòng nhà trọ, mà đêm đó tôi vẫn chỉ một mình ... bên ngoài giá lạnh đêm đen gào thét... và có còn gì nữa...!!!???


Làm sao tôi quen một đêm ở cùng biên giới lạnh giá, tôi ở tận cùng của sự hoang mang tột độ... chỉ có bài tụng ca Ohm Mani Padme Hum thức cùng tôi, che chở cho tôi trong đêm...



::::::::::::::::::::::::::::::::



P/S: Trước giờ, khi tôi gõ các topic để chia sẻ, tôi ít kể những câu chuyện như vậy. Bạn toàn thấy những câu chuyện màu hồng của tôi nhưng thực ra, những chuyện này xảy ra là có thể, xác suất sẽ không nhỏ vì mức độ lang thang cũng tương đối của tôi. Tôi cũng mong rằng sẽ không có những câu chuyện như thế này nữa để chia sẻ với các bạn. Và cũng mong những câu chuyện của tôi khôn làm chùn bước các bạn - dù bây giờ tôi vẫn không vào internet để search thông tin về Khách Sạn Alay...!!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,168
Members
192,353
Latest member
buyverifiedwised
Back
Top