Nỗi buồn Bagan
Có đi giữa rừng đền tháp câm lặng này mới thấm thía được nỗi buồn Bagan, mới thấy “Lòng ta là những thành quách cũ” (Vũ Đình Liên). Hẳn cái vẻ quạnh quẽ của Bagan đã truyền cho ta nỗi cô liêu, nhưng ta cũng không khỏi không chạnh lòng đau buồn thay cho Bagan. Bagan có đẹp không? Rất đẹp. Bagan có kỳ vĩ không? Rất kì vĩ. Bagan mang nhiều giá trị lịch sử không? Rất nhiều. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng xét trên những tiêu chí nhất định, có thể thấy, cái đẹp, cái kỳ vĩ cũng như giá trị lịch sử của Bagan đều ít nhiều sánh ngang với Angkor của Cambodia, Borobudur của Indonesia, nhưng cả Angkor, cả Borobudur đều đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến, và nhất là được các tổ chức quốc hỗ trợ rất nhiều chuyên gia và tiền bạc để bảo tồn những giá trị ấy, Bagan thì không. Nguyên nhân là do vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề giá trị.
Thấy tiếc vì những giá trị ấy không được tôn vinh, không được nhiều người biết đến, nhưng thực sự tôi cũng không biết nghĩ thế nào hơn. Thực tế ở Bagan, tôi thấy các công trình được bảo tồn rất tốt, những phần phục chế cũng được làm rất khéo và hòa hợp với kiến trúc chung. Có thể ở Bagan, khí hậu khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm, nhưng đó là yếu tố thiên nhiên, còn về yếu tố con người, yếu tố kỹ thuật, như Angkor, được các chuyên gia nước ngoài với kỹ thuật tiên tiến giúp đỡ phục chế các công trình bị hủy hoại, nhưng tôi thấy những phần phục chế ấy khá lộ, còn ở Bagan, các đền tháp được bảo tồn, phục chế bằng kỹ thuật lạc hậu của Myanmar, do chính bàn tay những người dân Myanmar làm, tôi lại thấy hài lòng với những phần phục chế ấy. Ý nghĩ này hơi chủ quan, nhưng phải chăng không ai hiểu Myanmar, văn hóa Myanmar bằng chính con người Myanamar? Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một ngôi chùa do chính tổ tiên họ đã xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar. Họ như đã gửi gắm cả tâm hồn và đức tin của mình vào đó. Và cũng dường như là khá ích kỷ khi tôi tự hỏi, nếu như được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến hơn, đông du khách đến với Bagan hơn, thì những đền tháp này liệu có còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc vốn có, những người dân nơi này có còn nguyên sự thật thà chất phác như vốn có hay không?
Và nếu không có sự xâm lăng của quân Mông Cổ, nếu không có sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn và đội quân hùng mạnh của mình nơi đây năm 1283, nếu không có cái chết của vua Narathihapate năm 1287, và nếu cái tên Pagan không có trong danh sách những nước bị đế chế Mông Cổ thôn tính, thì liệu số lượng đền tháp nơi kinh đô cổ Bagan có còn gia tăng, và vai trò của quần thể kiến trúc ấy thế nào với nền văn minh nhân loại?
Lặng nghe tiếng vó ngựa thành Bagan để thấy giờ đây chỉ còn ‘‘Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương’’. Những thành quách của kinh thành xưa chỉ còn là những hàng gạch đổ nát, nhưng hàng ngàn đền đài lớn nhỏ qua những thăng trầm thời gian cả nghìn năm có lẻ vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn vượt lên những đám cây khô gầy, những cát bụi nhọc nhằn, vẫn vươn lên trời cao, đầy kiêu hãnh. Dù cuộc sống ngoài kia có sôi động đến đâu, có nhộn nhịp đến thế nào thì Bagan vẫn lặng lẽ ngủ yên chốn đó, quạnh quẽ và cô liêu như đã trôi vào quá khứ cả ngàn năm trước.
Và thực lòng, tôi vẫn muốn Bagan không bị đánh thức, Bagan hãy cứ ngủ yên thế, dù tôi đã tự hỏi, cả ngàn đền tháp còn đó, nhưng liệu chư thiên có còn ngự trị nơi đây? Dù đến giờ phút này, nghĩ đến Bagan, tôi không chỉ nghĩ đến những lạnh lẽo trong buổi sáng sớm, những cô quạnh kéo dài cả ngàn năm, mà cả những giây phút thế này, khi đêm đã tàn và nắng đã lên, len qua hàng cây, chứa chan ngập lối?