Trên tường của nhà hàng phía tầng 1 khách sạn có treo một cây đàn với đầu cần đàn là hình đầu ngựa rất sống động. Đây chính là Mã đầu cầm (tiếng Anh: Matouqin / horse-headed fiddle), tiếng Mông Cổ: Morin khuur) là một nhạc cụ truyền thống đầy chất thơ của người Mông Cổ.
Âm nhạc truyền thống của các Khuur Morin nổi bật trong nền văn hóa du mục Mông Cổ hơn bảy thế kỷ qua. Nó đã được công bố một kiệt tác của UNESCO: Di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003 và được chỉ định là một di sản phi vật thể theo Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Một kế hoạch hành động để bảo vệ kiến thức văn hóa và âm nhạc kết hợp với Khuur Morin đã được xây dựng. Để thực hiện kế hoạch hành động, Chính phủ Mông Cổ, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản và được hỗ trợ bởi UNESCO đã thực hiện một dự án mang tên "Thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo vệ âm nhạc truyền thống Khuur Morin của Mông Cổ, một kiệt tác của UNESCO Di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại "trong giai đoạn 2004-2007.
Người Mông Cổ xưa là một dân tộc du mục, sống trong những chiếc lều tròn gọi là “yourte” và rong ruổi vó ngựa trên khắp các thảo nguyên bao la. Loài ngựa gắn bó với họ như hình với bóng, góp phần đưa Mông Cổ trở thành một đạo quân bách chiến bách thắng từ năm 1206 thời Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) và mở rộng lãnh thổ của mình từ Á sang Âu.
Âm thanh của Mã đầu cầm khá lạ, cảm tưởng như nó pha trộn giữa đàn Nhị và đàn Vĩ cầm, hơi não nề, da diết mà lại rất phóng khoáng, mênh mang như tâm hồn dân du mục vùng thảo nguyên bát ngát.
Mã đầu cầm còn là một nhạc cụ có nhiều giai thoại. Bác Trần Văn Khê có nói: “Các bạn có dịp đến Mông Cổ, trong một buổi trình bày văn nghệ, thế nào bạn cũng nghe những bài trường ca urtiin duu, có tiếng đàn trầm hơn đàn gáo (ngoài Bắc gọi là đàn hồ), tương tợ như đàn violoncello của phương Tây – phụ hoạ. Đó là đàn “morin-khuur” (đọc là “mô rin khua”, morin là con ngựa, khuur là cây đàn, viết theo chữ Hán đọc là “Mã đầu cầm” 马头琴 – nghĩa là cây đàn có hình đầu con ngựa).
Đàn thuộc loại nhạc khí có cung kéo trên hai sợi dây trước kia bằng lông đuôi ngựa, ngày nay bằng ni-lông. Thùng đàn bằng gỗ, hình thang, cần dài, đầu cần chạm hình đầu con ngựa. Vì vậy đàn mang tên là “Mã đầu cầm”.
Và bác kể lại một câu chuyện rất hay và…lãng mạn về Mã đầu cầm là:
Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 28 vì sao, gọi là Nhị thập bát tú. Đêm đêm, thường xuống phàm trần, dưới dạng 28 tướng kim giáp, kim bào, cưỡi ngựa chạy rong chơi, ngắm xem phong cảnh, xuyên qua đồng rộng, lên đỉnh núi cao, khi hưởng gió mát trăng thanh, khi nếm rượu bên bờ suối. Nhưng luôn luôn phải nhớ, khi nghe gà gáy canh ba thì phải trở về trời, trước khi vừng ô ló dạng. Nếu không kịp, cửa trời sẽ đóng và phải bị đọa mãi mãi dưới trần.
Vị tướng lãnh của 28 vì sao, nhờ có con Thiên lý mã, chớp mắt chạy xa ngàn dặm, nên trời vừa nhá nhem tối đã đến hồng trần, và có thể nấn ná đến khi gà gáy canh năm trở về trời cũng kịp. Đến sớm về muộn nhờ con Thiên lý mã, chàng có đủ thời gian gặp một nàng thôn nữ, và đã cùng nàng trao đá đổi vàng. Đêm đêm, người thiếu nữ đợi chờ người yêu…
Khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng vó ngựa, người tình đã hiện ra trước cửa lều . Nàng không còn cảnh cô phòng chiếc bóng, có bạn vàng để pha trà đối ẩm, ngâm thơ xướng hoạ.
Một đêm, tò mò nàng hỏi:
– Chàng từ đâu đến?
– Ta đến tự Thiên đình.
– Rồi mỗi sáng chàng đi về đâu?
– Ta trở về thượng giới.
Nghe qua, nàng bán tín bán nghi. Lén chàng, nàng chuẩn bị một con tuấn mã. Khi chàng từ giã nàng, leo lên lưng ngựa, nàng cũng giục con tuấn mã chạy theo để xem chàng đi về đâu.
Nhưng làm sao một con tuấn mã ở hạ giới theo kịp con Thiên lý mã chốn Thiên đình?
Trong nháy mắt chàng đã khuất dạng và nàng trở về lều đợi chàng đến hôm sau.
Nàng băn khoăn tự hỏi: “Con Thiên lý mã của chàng trông gầy còm, mà sao có sức chạy như bay?”.
Đêm nay, khi chàng say giấc điệp, nàng lén ra ngoài lều đến cạnh Thiên lý mã… “À thảo nào! Như vầy mà chẳng chạy mau sao được!”. Thì ra phía sau mỗi chân ngựa có một cặp cánh nhỏ.
Đã bao lần, nàng năn nỉ chàng ở lại với nàng, mà chàng chỉ vuốt má nàng và nói: “Công việc của ta rất nhiều trên Thiên đình, ta không thể bỏ cả để ở lại dưới trần. Mỗi đêm, chúng ta được gặp nhau như vầy đã là hạnh phúc lắm rồi!”.
Vì quá yêu chàng, nàng nghĩ rằng: “Nếu không có cặp cánh, ngựa thần không thể đưa chàng về trời. Nàng sẽ giữ chàng ở mãi cạnh bên nàng”. Không nghĩ thêm xa xôi chi nữa, nàng lấy dao cắt cả 4 cặp cánh nhỏ.
Chàng đâu có ngờ chuyện chi đã xảy ra lúc chàng đang an giấc nồng. Đến sáng, như thường lệ, khi gà gáy canh năm, chàng từ giã nàng và lên ngựa để về trời.
Nhưng… sao lạ quá? Hôm nay, Thiên lý mã không còn vượt qua ngàn dặm trong nháy mắt. Mặc dầu đã cố hết sức phi mau, nhưng đường về Thiên đình thấy còn diệu viễn, và chân trời đã bắt đầu “thoa son thắm” rồi!
Chàng vuốt lưng Thiên lý mã và hỏi: “Tuấn mã ơi! Sao hôm nay, ngươi không còn sức phi mau như gió? Cố gắng lên đi! Ngươi có thấy vừng ô sắp ló dạng rồi chưa? Khi “đêm biếc sẽ tàn, vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa” thì chúng ta sẽ không thể đến kịp trước khi cửa trời khép kín. Mau đi tuấn mã!!! Cố gắng thêm đi! Cố gắng thêm nữa đi!…”.
Thiên lý mã đã đem hết tàn lực phi mau phi mau… Nhưng mặt trời đã lên. Nắng vàng đã chiếu! Người ngựa rơi trên bãi sa mạc!!! Chàng ôm Thiên lý mã vào lòng, lấy áo lau mồ hôi đầm đìa trên thân ngựa quí.
Thiên lý mã kiệt sức, nhìn chàng bằng đôi mắt u buồn, rồi khép hẳn mắt lại, trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay chàng.
Chàng khóc lớn và kêu to: “Thiên lý mã ôi! Thiên lý mã…..ôi!” Vừa khóc chàng vừa nhìn lên trời, trời xa vòi vọi. Nhìn sa mạc, cát trắng trùng trùng! Người yêu ơi! Giờ nầy nàng ở nơi nao?
Chàng khóc Thiên lý mã, ôm đầu ngựa vào lòng. Khi giọt lệ của chàng rơi trên mình ngựa, ngựa biến thành đàn. Đầu ngựa thành đầu đàn. Đuôi ngựa thành dây đàn. Lấy lông đuôi làm bả cung kéo lên dây đàn phát ra những tiếng kêu thương.
Từ ấy đến giờ, Mã đầu cầm đã vượt thời gian, được cha truyền con nối, đến nay thanh niên Mông Cổ còn biết đàn Morinkhuur. Nhưng mỗi khi tiếng đàn cất lên phụ hoạ cho những bài trường ca “urtiin duu”, ai có thể dằn lòng xúc động khi nghe tiếng đàn ai oán hòa theo giọng hát như khóc như than?”
Có một truyền thuyết khác được tóm tắt lại là:
Một người chăn cừu tên là Kuku Namjil nhận được món quà của một con ngựa có cánh huyền diệu, ông sẽ gặp gỡ ngựa vào ban đêm và được bay đi gặp người yêu quý của mình. Một người phụ nữ ghen tuông đã lén cắt những cánh nhỏ của ngựa, làm cho ngựa rơi xuống và chết. Người mục tử đau buồn đã làm một cây Mã đầu cầm xương chú ngựa bị cắt cánh, và sử dụng nó để tấu lên những ca khúc cảm động về con ngựa của mình.
Mọi người nghe giai điệu của Mã đầu cầm và ngắm nghía phong cảnh nhé
P/s: Tớ ko biết up cái clip này lên dư lào, hic