What's new

[Chia sẻ] Một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển

"Đặt chân xuống sân bay, bao mối bận tâm bình nhật như trời hôm nay có ấm ngang với số quần áo mũ tất đem theo hay không, số tiền 1000 đổi từ nhà đem theo có đủ để về tới khách sạn hay không, các cô gái ở đây xinh thật - không hiểu họ có đúng như sách vở đã kể hông, tính ẩu tả trứ danh của dân nước này có biến cái visa mất công xin được thành thứ bỏ đi hay không v.v. vội lọt đâu mất khỏi đầu thằng bé. Thằng bé được nghe những từ quen thuộc “pozhalyusta” dịu dàng và sáng sủa… “detsky” ròn tan và vui tươi… “luidi” ấm áp và đầy tin tưởng… qua đó nhận ra âm hưởng ấm áp, trìu mến và niềm hân hoan trong trái tim mình. Nó lắng nghe người ta nói tiếng bản xứ và ngạc nhiên khi thấy mình cũng nói được “chut-chut” tiếng bản xứ. Đã 23 năm nay nó chưa từng nghe mình nói cái thứ tiếng ấy bao giờ. Cuộc đời nó thoát khỏi khối hộp của các “dealing”, “scandal”, “shocking”, “contract”, “ăn nhậu”, “dằn mặt”, “dò đài”, “dứt điểm”. Nó trở lại với thời thơ ấu, với các cô thiếu nữ nhân hậu và chàng trai dũng cảm, các ông bà lão độ lượng và sâu sắc, với lòng tốt và nhân tính…”

Vừa đọc lại, người viết liền kéo chuột quét khối và xóa các dòng vừa viết ở trên. Không, chuyến đi vừa rồi, đi cùng người bạn đồng hành sắc sảo và tốt bụng quen thuộc, không phải là chuyến đi về tuổi thơ. Nó có nhiều êm đềm, rực rỡ, hân hoan, sung sướng nhưng cũng thừa những liều lĩnh, rủi ro, đen đủi, hiểm nguy và vực sâu hun hút… Đó là một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển. Gió lạnh 8 độ C và mưa lún phún đón thằng bé ở sân bay.

 
Last edited:
Chào bạn !
Đọc đoạn : " Thế là giữa cái lạnh 4 độ C, Sinbad đánh liều gội đầu và tắm nước lạnh. Nước như kim châm vào da đầu. Cái lạnh lỏng và cứng chảy xuống da đầu, xuống cổ, xuống mặt - chảy tới đâu da đầu và ngón tay cứng lại tới đó. Nghe kể, các tù GULag ngày xưa cũng được cho tắm giữa trời tuyết lạnh, mỗi người được phát một gáo nước lạnh và một gáo nước nóng, và có khi không có cả nước nóng. "
và đoạn :" Lập tức ý thức cảnh giác hồi phục trở lại sau 3 ngày trời êm đềm khiến ý thức này (vốn vẫn luôn sắc bén trong chuyến viễn du Châu Âu 2009) mờ nhạt hẳn đi. Tại các nhà ga, bến chợ hay công viên nhỏ là nơi khách balo cần rất cảnh giác. "

Một cảm giác rất ngãu nhiên để hiểu hơn " tù nhân Gulag... " và một phản xạ " cảnh giác cao độ .." ..tất cả đều là những trải nghiệm thú vị riêng có - của các cao thủ !
 

Cầu Anichkov - cây cầu cổ nhất và nổi tiếng nhất bắc qua sông Fontanka. Cầu xây năm 1841-42 và được sửa năm 1906-08. Đọc "Đêm trắng" của Dostoyevsky mà tưởng tượng tới cảnh nhà văn bắt gặp cô gái bên cầu này. Trên cầu có 4 nhóm tượng "Người luyện ngựa" bằng đồng của điêu khắc gia Nga Pyotr Karlovich Klodt. Người ta nói, Klodt ghét kẻ nào thì chạm khuôn mặt kẻ thù đó vào dưới đít con ngựa.











Lan can hình hải mã


Sông Fontanka (mà Đoàn Tử Huyến dịch là sông Đài Phun nước mặc dù không thấy cò đài phun nước nào ở đây). Lý do là sông này cấp nước cho các đài phun nước của Cung điện Mùa Hạ.




 

Đi dọc sông Fontanka. Một kiến trúc thời Liên Xô.






Cầu quay Lomonosov xây 1785-1787. Dài 63m, có nhịp giữa nâng lên cho tàu bè ra vào lúc 1h khuya. Vốn có tên là Cầu Tchernyshov, năm 1948 đổi thành Cầu Lomonosov.




Quảng trường Lomonosov.


Thánh đường Ba Ngôi (Troitsko-Izmailovsky Sobor) ở xa xa.
 

Nhà hát Aleksandrinsky hay Viện Hàn lâm Sân khấu Quốc gia Nga mang tên Pushkin. Xây dựng cho Đoàn hát Hoàng gia Nga năm 1832. Công trình do Kiến trúc sư Carlo Rossi thiết kế.
Kế bên là Học viện Ba-lê Nga mang tên A.Ya. Vaganov (lập năm 1732).


Thư viện Quốc gia Nga.


Bia tưởng niệm Kiến trúc sư C.I. Rossi đã xây công trình này từ 1828-1834.


Biển giới thiệu chương trình biểu diễn vở "Mười hai" của Aleksandr Blok. 12 ở đây là 12 chiến sĩ cách mạng gác Petrograd, ám chỉ 12 thánh tông đồ.

Tại đám tang Vrubel ngày 3/4/1910 ở St. Petersburg, bài điếu văn tán dương duy nhất bên huyệt mộ là của Alexander Blok, nhà thơ phái Tượng trưng người Nga nổi tiếng nhất ở phương Tây và là một trong những nhà thơ được quý mến nhất tại Nga thế kỷ hai mươi. Bề ngoài “ác nghiệt, xa cách, cháy tàn” (theo lời của người bạn và là đối thủ của ông, nhà văn Andrei Bely), Blok hai mươi chín tuổi, có khuôn mặt như cái mặt nạ Apollon đầy bí hiểm, thốt ra những lời buồn bã với giọng đều đều về chiến thắng của bóng đêm, cả trong tranh của Vrubel lẫn trong cuộc sống, bởi “còn có chiến thắng nào đen tối hơn”.
Bài diễn văn của Blok được lắng nghe trong im lặng bởi các nhân vật có uy tín của giới nghệ sĩ Nga: Benois, Bakst và Diaghilev, Valentin Serov, Nikolai Roerich, Boris Kustodiev, Mstislav Dobuzhinsky, Kuzma Petrov-Vodkin. Liệu họ có đoán biết rằng khi tán dương Vrubel, Blok cũng đã ngầm than khóc cho thất bại của cách mạng năm 1905? Giống như nghệ thuật của Vrubel, thơ của Blok mang tính tự mâu thuẫn: nó chứa cả sự kiêu kỳ lẫn tính nền tảng, cả am thờ lẫn tửu quán, cả Đức Mẹ lẫn nhân vật nữ chính của một trong những bài thơ phổ biến nhất của ông, bài Người phụ nữ không quen biết, một cô gái điếm từ từ rẽ bước qua đám người say rượu “có cặp mắt thỏ đế” trong quán bar.
Thơ của Blok biểu thị lối đi của chủ nghĩa Tượng trưng Nga, vốn là sự hưởng ứng tự nhiên đối với các thử nghiệm tại Pháp của Charles Baudelaire, Paul Verlaine và Arthur Rimbaud. Nhưng giống như mọi thứ tại nước Nga, phong trào văn chương này nở hoa cùng với chủ nghĩa thần bí và nâng cao các khát vọng mang tính triết học lấy mẫu theo Tolstoi và Dostoevsky.
Boris Eikhenbaum, trong bài phát biểu tại một lễ tưởng niệm Blok năm 1921, đã nói: “Vị hiệp sĩ của Quý bà Sắc đẹp; chàng Hamlet trầm tư về cái không tồn tại; kẻ phóng đãng hoang dã, nhà tiên tri tàn nhẫn về sự hỗn loạn và cái chết – tất cả những điều đó với chúng ta là sự mở ra một tai hoạ duy nhất, mà Blok là vị anh hùng của nó”.
Sớm hơn những người khác, Blok được định vị bởi giới nghiên cứu văn học Nga (đặc biệt bởi những “người theo chủ nghĩa hình thức” Eikhenbaum và Yuri Tynyanov) như là người sáng tạo ra huyền thoại tiểu sử của chính ông. Tynyanov giải thích “hiện tượng Blok” như sau: “Khi mọi người nói về thơ của anh, hầu như họ luôn luôn thay thế một cách vô ý thức thơ của anh bằng khuôn mặt con người – và ai cũng đi tới chuyện yêu mến khuôn mặt chứ không phải nghệ thuật”.
Đúng, hình ảnh mà Blok sáng tạo ra, không chỉ trong thơ của ông mà cả trong thư từ, nhật ký và sổ tay của ông, của một vị thánh tử vì đạo tự hy sinh bản thân vì nghệ thuật và sự thật, là một hình ảnh gây cảm hứng. Không có vấn đề gì khi con người thật của Blok trong hồi ức của những người cùng thời với ông xuất hiện như một kẻ nghiện rượu, trác táng, căm ghét hôn nhân, người đã huỷ hoại cuộc đời vợ mình, và kẻ bài Do Thái (Zinaida Hippius, người chia sẻ quan điểm ám ảnh Do Thái của Blok, đã gọi ông là một “người bài Do Thái dữ dội một cách hiếm có” và ghi trong nhật ký của bà nỗi khao khát của ông “muốn treo cổ tất cả bọn Do Thái”). Nhưng không một bằng chứng nào lay chuyển huyền thoại về Blok mạnh như hình ảnh của chính ông: ánh mắt nghiêm nghị và đầy ý nghĩa, xác nhận một cách lý tưởng ý niệm về cách một “thi sĩ” cần có bề ngoài và cách hành xử như thế nào; giọng điệu và chất nhạc bi thảm chân thực trong thơ của ông; và cái chết quá sớm đầy tính tượng trưng của ông. Nhưng hình ảnh của Blok cũng không bị các cuộc công kích của các đối thủ văn chương của ông làm hao tổn – đặc biệt là Blok bị nhại một cách đầy đố kỵ trong tiểu thuyết Con đường Đau khổ của Aleksei Tolstoi, trong đó ông trở thành anh chàng thi sĩ nổi tiếng Alexei Bessonov, uống rượu vang ừng ực, quyến rũ đàn bà con gái xung quanh và viết về số phận của nước Nga, mặc dù anh ta biết đất nước “chỉ qua sách vở và tranh ảnh”.
Tynyanov là người đầu tiên đặt “tính cách văn học” của Blok trong một truyền thống lịch sử-nặn thành huyền thoại có nguồn gốc từ thời Pushkin và Lev Tolstoi và được tiếp nối bởi Vladimir Mayakovsky và Sergei Esenin, những người mà “huyền thoại Blok” phục vụ như một hình mẫu. (Giờ đây chúng ta có thể đưa thêm những văn sĩ sau vào danh sách này: Anna Akhmatova, Boris Pasternak, Joseph Brodsky). Blok cũng tự làm mẫu mình theo Vrubel (một huyền thoại trong giới nghệ sĩ như là “kẻ điên thần thánh”).
 
Sau khi Chekhov mất năm 1904, Meyerhold tìm thấy một ngôi sao dẫn đường mới, nhà thơ Alexander Blok. Năm 1906 tại St. Petersburg, ông đã dàn dựng vở kịch hai mươi sáu tuổi Balaganchik (Chiếc lều Hội chợ Triển lãm), là kết hợp tài tình giữa tuyên ngôn của Chủ nghĩa Tượng trưng huyền bí với một lối nhại lệch lạc chính chủ nghĩa này. Dàn dựng trước vở Pétrouchka của Stravinsky-Benois-Fokine năm năm, Meyerhold xuất hiện trên sân khấu trong Chiếc lều Hội chợ Triển lãm với vai Pierrot đau khổ, vào cuối vở diễn đã khóc với khán giả: “Cứu tôi với! Tôi đang chảy máu nước việt quất đây!”
Mô tả khá đúng sau đây về vụ xì căng đan khuấy gợi bởi buổi công diễn vở Chiếc lều Hội chợ Triển lãm có thể so sánh được với phản ứng tương tự về Sacre du printemps năm 1913: “Tiếng huýt sáo phản đối dữ dội của người không ưa cùng tiếng vỗ tay tán thưởng như sấm trộn cùng tiếng la hét và gào rú. Thật quá chấn động”. Blok và Meyerhold cùng nhau ra cúi chào, quả là một cặp đôi trái ngược – thi sĩ lạnh như đá, với khuôn mặt như cái mặt nạ Apollon màu tro che dấu ánh ảm đạm trong đôi mắt xám thép, còn vị đạo diễn kiêm diễn viên không hề kiềm chế giống như thần Dionysos đang di chuyển và lắc lư mềm oặt như thể không xương, ve vẩy đôi ống tay áo dài của bộ đồ Pierrot màu trắng.
Đó là khoảng khắc đáng nhớ với cả hai người. Meyerhold luôn luôn xem buổi công diễn vở Chiếc lều Hội chợ Triển lãm thực sự là khởi đầu cuộc đời đạo diễn của mình. Bốn năm trước khi mất, Blok đã mô tả Chiếc lều Hội chợ Triển lãm một cách bí hiểm như là “một tác phẩm xuất hiện từ đáy sâu của sở cảnh sát trong chính tâm hồn tôi”.
Không như những bức thư bị biến mất đầy bí ẩn của Chekhov gửi cho Meyerhold, nhật ký của Blok về vị đạo diễn vẫn còn đến ngày nay; chúng như hướng dẫn cho ta hiểu về mối quan hệ “rất khó khăn” này (theo lời Meyerhold). Trong kho lưu trữ của Viện Văn học Nga tại St. Petersburg, có một ảnh chụp anh thanh niên Meyerhold – chiếc mũ phớt rất điệu, cái mũi khoằm nổi tiếng, đôi môi dày thịt – cùng một đề tặng cho nhà thơ: “Tôi đã hóa yêu mến Alexandrovich Blok từ trước khi được gặp anh. Khi chúng tôi chia tay, tôi sẽ mang theo tình cảm vững bền này mãi mãi. Tôi yêu thơ anh, yêu cặp mắt anh. Nhưng anh chẳng hề hiểu tôi”.
Blok thừa nhận rằng vở diễn Chiếc lều Hội chợ Triển lãm của Meyerhold là lý tưởng, nhưng vào năm 1913 ông đã nói về một dàn dựng khác của Meyerhold là “Sặc sỡ và La hét Xoàng xĩnh”. Vị đạo diễn tới gặp nhà thơ để xin lời khuyên có nên ly dị hay không, trong khi Blok ghi trong nhật ký của mình “tôi không tin Meyerhold”. Vị đạo diễn sau này nhớ lại về Blok: “Chúng tôi hiếm khi cãi nhau. Blok vốn không biết cách tranh luận. Anh ấy thường nói ra ý mình, vốn đã được nghĩ chín từ trước, rồi im lặng. Nhưng anh ấy có khả năng lắng nghe tuyệt vời – một điều rất hiếm thấy”.


Blok, người xem nước Nga cũ là “một thế giới kinh tởm”, đã đón chào cách mạng Bolshevik và ủng hộ nó với hai trong số những trường ca tuyên ngôn gây tranh cãi và ấn tượng nhất của mình: trường ca tự sự trữ tình sôi nổi và mãnh liệt Mười Hai, trong đó tiểu đội chiến sĩ Hồng quân tuần tra quanh thành Petrograd cách mạng được so sánh với mười hai thánh tông đồ và Chúa Khritsto xuất hiện một cách kỳ diệu để dẫn dắt họ, và trường ca nồng nhiệt mang tính tiên tri Những người Scythe, lấy cảm hứng từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của người thầy tư tưởng của ông, Ivanov-Razumnik. Những kiệt tác ấy, mau chóng được dịch sang tất cả các ngôn ngữ chính trên thế giới (tại Pháp chúng được minh họa bởi Larionov và Goncharova), được đọc tại phương Tây như phần lớn các bản dịch đậm chất nghệ thuật và uyên bác về cơn đại hồng thủy cách mạng gây chấn động tại nước Nga.
Nhưng phe Bolshevik vẫn không tin Blok, thậm chí còn bắt giữ ông – mặc dù trong thời gian ngắn – vào năm 1919 vì nghi ngờ có tham gia một âm mưu. Năm 1921, Blok, kiệt sức và suy dinh dưỡng, đã mắc chứng viêm vách trong tim và viêm màng não. Gorky và Lunacharsky liên tiếp nài khẩn Lenin cho phép nhà thơ được sang Phần Lan điều trị. Ban đầu Bộ Chính trị từ chối. Sau đó Lenin và các đồng chí của ông mủi lòng nhưng đã quá muộn: ngày 7 tháng Tám Blok qua đời, được nhiều người than khóc như nạn nhân của chế độ Bolshevik. Lunacharsky cay đắng nhận xét trong lá thư mật ông gửi cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Bolshevik: “Không thể nghi ngờ và bác bỏ được thực tế rằng, chúng ta đã giết chết thi sĩ tài năng nhất nước Nga”. Nhờ thế Blok, một lãng khách, đã trở thành vị thánh tử vì đạo vĩ đại đầu tiên nạn nhân của chính sách văn hóa Xô viết được nhiều người thừa nhận.
 

Cỗ xe tứ mã của thần Apollo, thần bảo trợ nghệ thuật, trên mái nhà hát. Các điêu khắc được thực hiện bởi Stepan Pimenov và Vasily Demuth Malinovsky.


Khi Rossi làm xong nhà hát, Nikolai hài lòng đến mức tặng cho Rossi một lô riêng trong nhà hát. Do thiếu tiền, ông cho thuê lô này nên Sa hoàng biết tin lập tức thu hồi lô riêng này lại.


Bức tượng Ekaterina Đại đế trước nhà hát. Nhà hát và bức tượng được làm theo lệnh Sa hoàng Nikolai I "Người hòa bình", cháu của Ekaterina. Để vinh danh Aleksandra Fyodorovna, vợ Nikolai I, Nhà hát Aleksandrinsky được sơn màu vàng-trắng trở thành đặc trưng của kiến trúc Tân Cổ điển ở Sankt Peterburg.


Bức tượng do họa sĩ Nga M.O. Mikeshin thực hiện. Ekaterina mặc đại lễ phục, tay phải cầm quyền trượng, tai trái cầm nhành ô-liu. Trong các quần thần dưới chân bà, có Aleksander Suvorov vị tướng nổi tiếng nhất lịch sử Nga; Công tước Potiomkin, chồng của Ekaterina vừa là tướng vừa là nhà chính trị; Ekaterina Dashkova, người phụ nữ đầu tiên chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga (vào thế kỷ 18!) và nhà thơ nổi tiếng Gavrila Derzhavin.

 
Cám ơn bạn danngoc đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin và hình ảnh về nước Nga thông qua những kiến trúc, tượng đài, tranh ảnh và mộ chí nữa... Rất nhiều người như tôi thường tự cho là mình đã học ở Nga nhưng còn rất thiếu kiến thức về lịch sử Nga, nhất là lịch sử tư tưởng, tôn giáo, văn hóa... Mặc dù bạn mới lần đầu tiên đến nước Nga trong 12 ngày khi tuổi đã gần lục tuần nhưng bạn thực sự là một người thầy đối với tôi về lĩnh vực lịch sử văn hóa, chiến tranh và kiến trúc Nga.
 
Ấy chớ bác Kim ui. Biển học thì mênh mông, trường đời thì biến đổi khôn ngừng :) Em chỉ dám đi học suốt ngày, và thìch thế ạ. Mỗi lần đi thế này là một lần học, thông tin nhiều gấp mấy năm ở nhà. Mong các bác đóng góp cho topic thêm vui, bác Kim nhận xét thế này tội nghiệp em.
 
Last edited:

Tấm biển đề: V.I. Lenin từng đọc sách tại thư viện công cộng này từ 1893-1895.


Bệnh viện thành phố số 1.



Gostiny Dvor (tiếng Nga là "chợ trong nhà" hay "sân mua bán") Sankt Peterburg là một trong hàng chục cửa hàng Gostiny Dvor tại khắp nước Nga.
Gostiny Dvor tại Sankt Peterburg này không chỉ là một trung tâm mua sắm cổ nhất thành phố, mà còn là trung tâm giải trí-mua sắm đa nặng (shopping arcade) đầu tiên trên thế giới. Nằm tại ngã tư Đại lộ Nevsky và đại lộ Sadovaya, nó dài 1km và rộng 78.000 m2 (Không gian bán lẻ là 13.000m2). Xây dựng 1761-1785 theo lệnh Nữ hoàng Elizaveta Petrovna.



 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,728
Bài viết
1,136,504
Members
192,531
Latest member
Duchaicuasat
Back
Top