What's new

Myanmar - giấc mộng bình yên

- Lời mở đầu:

Chiều 26/05, máy bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất. Mở điện thoại....
1 phút, 2 phút, 3 phút... chuông điện thoại bắt đầu reo.

11 ngày lang thang mất tăm, mất tích, khóa điện thoại và không báo trước lời nào; 24h về trễ do Hàng Không hủy chuyến bay mà không biết (do không check mail); đặt chân xuống Sài Gòn, tôi nhắm mắt chờ bão tố kéo đến.

Cái giá tôi phải trả cho chuyến đi không hề rẻ, nhưng với hành trình vừa qua, tôi lại cảm thấy không đắt chút nào. Tôi quyết định, do đó, tôi sẽ chấp nhận, cho dù sẽ thế nào đi chăng nữa.

Mở thread từ cách đó khá lâu, nhưng trong đầu mọi thứ vẫn còn rất mù mờ và không có gì chắc chắn. Cuối cùng, nhờ có 2 bạn đồng hành cực kì xuất sắc và 1 chút may mắn không thể ngờ, hành trình 12 ngày trọn vẹn đến từng phút giây. Gấp rút xin visa, đặt vé máy bay khi đã cận ngày. Sáng 15 hẹn lấy vi sa và ngay buổi chiều hôm ấy thì bay.

Quay trở về, mở trang Phượt, bỗng dưng đứng trước cảm giác không thể viết. Không thể viết được. Sợ. Giống như đứng trước 1 tượng đài cao sừng sững đã có quá nhiều áng văn hay ca ngợi, câu chữ của mình trở nên lủng củng và thừa thãi. Bỗng dưng mà hóa vô duyên!

Cuối cùng, cũng quyết định ngồi cặm cụi viết. Viết vì cảm xúc của mình. Viết vì muốn chia sẻ. Cũng hành trình đó, cũng điểm đến đó, nhưng mỗi thời khắc trôi qua đã là 1 thời khắc khác. Mỗi cảm xúc của mỗi người là 1 cảm xúc khác. Và những cái khác riêng biệt đó làm nên 1 cuộc sống đa sắc màu. Thế nên, dù hay, dù dở, viết cái đã rồi tính!
 
Last edited:
Làng sơn mài

Nhìn bản đồ, thấy Bagan nằm bên 1 con sông, nên có gợi ý với anh Saw là không tham quan chùa tháp nữa, muốn đi xe ngựa lọc cọc dọc bờ sông, ngắm con đường, ngắm chùa tháp, và nghe gió sông thổi vi vu... Thế nhưng, anh ấy nói mùa này nước cạn, con sông đã lùi lại rất xa, mà gió thì cũng không có đâu... Cuộc đi dạo lãng mạn không thành, vậy là chuyển hướng, đề nghị anh Saw chở đi thăm các làng nghề làm thủ công mỹ nghệ.

Chúng tôi đi qua 1 con đường nhựa, qua 1 cây cầu, qua 1 chổ trũng gập ghềnh tưởng chừng như xe sắp ngã đến nơi... Tôi nhìn kỹ lại, hình như, chổ trũng gập ghềnh ấy vốn là 1 con sông - 1 con sông cạn trơ đáy... Xe ngựa dừng lại trước 1 ngôi nhà gạch bình dị, cửa gỗ màu xanh dương, nhìn kiến trúc có vè giống 1 ngôi nhà Việt Nam bình thường. Trong nhà có người chạy ra đón và mời chúng tôi vào xem.

Trong nhà bày biện như 1 gian hàng mỹ nghệ, sau nhà cũng chất đầy hàng hóa. Chúng tôi đi xuyên suốt ngôi nhà, và đến hiên sau. Ở đây, trên sạp gỗ, những cô gái Myanmar đang tỉ mẫn khắc những hoa văn nhỏ tinh xảo lên từng món đồ thủ công.

P5210355.jpg


Góc bên kia, mấy anh thanh niên đang sơn và cắt gọt tạo hình cho 1 số thứ... Ông chủ xưởng chào chúng tôi và giới thiệu qua về quá trình chế tạo - hình thành 1 sản phẩm sơn mài chất lượng. Tôi xem qua, và có ý muốn mua vài cái tráp nhỏ nhỏ để đựng mấy điếu thuốc vấn đã mang về từ Inle, nhưng mà...nhìn thấy giá là giật thót mình. Một cái tráp thế này Inle bán khoảng 10 usd, tôi còn lưỡng lự, thế nhưng ở đây dán giá đến...150 usd (NO). Thà chết không mua!!!!

Tôi đi lên trước hiên nhà, thấy Hahuta đang nhâm nhi tách trà nóng, anh Saw thì tranh thủ đọc báo, nhìn ra sau nhà, Cong chua vẫn đang say sưa nói chuyện với ông chủ xưởng, thế là tôi thơ thẩn đi dạo 1 vòng trước sân.

Anh Saw nằm đọc báo, dĩ nhiên là báo Myanmar rồi. :D
P5210364.jpg


Nhìn quanh, có lẽ nhà của ông chủ xưởng mỹ nghệ là ngôi nhà khang trang nhất, vì ít ra được xây bằng gạch. Các ngôi nhà khác trong làng chỉ toàn dựng nên bằng tre, nứa hay là gỗ mà thôi. Đi vòng qua xe ngựa, tôi thấy 1 con kênh....toàn rác. Xác bao ni lon thổi phất phơ trong gió. Tuyệt nhiên cạn khô không 1 giọt nước nào.

Con kênh rác
P5210370.jpg


Ở đây, lạ nữa là có nhà dựng trên mặt đất, nhưng cũng có nhà làm như 1 cái nhà sàn thấp lẹt tẹt. Có nhà có hàng rào bằng tre rào quanh, nhưng cũng có nhà chẳng có rào...

P5210366.jpg


Bên kia con kênh rác, mấy đứa trẻ con đang rộn rã đùa chơi. Chúng ngồi trên mấy cây tre tựa vào 1 nhánh cây, nhún nhún như đang chơi trò bập bênh, nhìn thấy tôi, chúng giơ tay vẫy vẫy và mỉm cười. Tôi giơ tay vẫy lại và đồng thời cũng chụp 1 tấm hình.

P5210375.jpg
 
Last edited:
Nghệ thuật Marketing hiện đại

Bỗng đâu bên bờ rào ló lên 1 cái đầu. Một chị xuất hiện và mời tôi vào nhà chơi. Hơi ngại ngần, nên tôi từ chối và quay lại nhà mỹ nghệ kể cho Hahuta nghe. Congchua lúc đó vẫn còn say sưa 888, nên tôi và Hahuta cùng vào làng.

Làng nhỏ nhỏ, hình như nhà nào cũng làm 1 món thủ công nhỏ nhỏ nào đó. Đến gần cuối đường, 1 chú heo mập tròn căng bụng nằm ngủ cạnh 1 cái máng gỗ. Cũng lạ, heo ở đây người ta không nuôi trong cuồng, mà lại nuôi... ngoài đường. Chắc là tại trời nóng quá, nên nó lăn mình trong vũng sình, để sình bùn bám vào lớp da làm mát cơ thể.

P5210393.jpg


Cạnh đó, có mấy cái nhà nhỏ nhỏ 1 mét vuông, có khóa cửa, không hiểu để làm gì... Hahuta cứ bảo đó là...WC, nhưng tôi không tin. Vấn đề này có hơi tế nhị, thế nên cũng không dám hỏi người dân địa phương.

Vấn đề thắc mắc nằm đây ạ:
P5210385.jpg


Đi qua 1 căn nhà, chú chủ nhà chạy ra hỏi 2 đứa từ đâu đến. Tôi trả lời là Việt Nam. Thế là chú lại hỏi Hồ Chí Minh à? Ngạc nhiên 1 chút, ra là họ cũng quan tâm Việt Nam lắm chứ.

Đang lững thững đi tham quan tiếp thì 1 em gái Myanmar chạy lại chổ tôi, nói là mẹ của em muốn mời chúng tôi vào nhà chơi. Tôi còn hơi ngại ngần thì đã thấy Hahuta bước đi theo em gái (không biết động lực nào thúc đầy anh ý nữa?), thế là...tôi đi theo thôi!!! ^^

Đến nhà em gái mới biết, ra em gái này là con của cái chú lúc nãy vừa hỏi thăm bọn tôi. Vào nhà, căn nhà đơn sơ, 1 bộ bàn ghế, 1 cái giường, 1 cái gác xép... Tôi thấy trên giường có 1 cái giỏ như giỏ xe máy, được lót vải, nhìn như 1 cái nôi em bé...

Cô chủ nhà đang ngồi đan 1 cái chén nhỏ bằng lông đuôi ngựa.

P5210395.jpg


Em gái đứng sau lưng mẹ mỉm cười nhìn chúng tôi. Chú chủ nhà ở trần, vận longy, nhai trầu mời chúng tôi ngồi và bắt đầu giới thiệu.

Bắt đầu là sản phẩm làm bằng lông đuôi ngựa, sau khi đan thành 1 cái bát, họ sơn lên 1 lớp gì đó đen đen và bên trong dát 1 lớp vàng. Cái này chú ấy giới thiệu dùng để làm gì thì tôi quên mất rồi.

Sau đó là chú đưa ra 1 tờ hình màu, ép plastic hẳn hoi, giới thiệu quá trình đào đất, lọc đá, xâu hạt để tạo nên 1 cái chuỗi dây đá thiên nhiên màu sắc...

P5210396.jpg


Phải mất 4 - 6 tháng để sàng lọc, phải mất rất nhiều công sức và mồ hôi mới làm ra được sợi dây này. Và, chú nói chúng tôi có thể thử bằng cách đưa lên miệng, dùng...răng cắn cắn vào để biết rằng đây thật sự là đá chứ không phải nhựa. (Răng em yếu, không dám thử, chỉ có Hahuta thử cắn thôi)

P5210397.jpg


Xong, chú lấy trà mời khách. Rồi chú lục tìm gì đó... Cuối cùng chú lấy ra 2 tờ tiền giấy. Hai tờ tiền này có giá trị...lẻ: 35 kyats và 45 kyats thì phải. Lạ 1 điều là bữa giờ xài tiền chạt toàn thấy số tròn, chứ chưa bao giờ thấy số lẻ thế này cả. Tôi đưa máy tính chụp thì chú ngăn lại, tưởng là chú không cho chụp, nên thôi. Ai ngờ, chú nói rằng đây là quà của chú cho bọn tôi. ;)

Đứng ở vị trí lúc đó, thật là khó để từ chối để mua 1 món đồ của cô chú!!!!

Ngay lúc đó, bỗng dưng nhận ra rằng, cả gia đình họ đã thực hiện chiến dịch Marketing lôi kéo khách hàng rất là tốt!!!

Từ lúc thấy chúng tôi từ đầu làng, người chủ gia đình đã bước ra lên tiếng chào hỏi, gây sự chú ý. Sau đó là đến nhiệm vụ của em gái: mời khách vào nhà. Cô chủ nhà đã ngồi sẵn với sản phẩm đang làm trên tay: giới thiệu sản phẩm. Và chú chủ nhà lại tiếp tục trình bày về sự hình thành và công năng của sản phẩm. Chính sự niềm nở và hiếu khách cũng là 1 tác nhân quan trọng để bán được hàng, nhưng điểm nhấn đặc biệt quan trọng hơn ở đây, là "tặng quà trước, bán hàng sau". Món quà tặng không đáng là bao, nhưng lại đánh đúng vào điểm yếu tâm lý của người mua, đồng thời để lại 1 ấn tượng đẹp

Nhìn xa hơn và bao quát hơn một chút, có nhãn hàng nào không làm theo các bước trên để xâm nhập vào một thị trường mới???? Và, có bao nhiêu công ty thật sự chăm sóc tốt khách hàng qua chiến lược khuyến mãi, hậu mãi của mình??

Tại đây, 1 đất nước được cho rằng là nghèo và kém phát triển hơn VN, tại 1 ngôi làng nhỏ, trong 1 mái nhà đơn sơ, cả 3 thành viên của 1 gia đình đã thực hiện quá trình từ tiếp thị đến bán hàng thật xuất sắc. Tôi chỉ có thể nói được 3 chữ:"Thật ngưỡng mộ!!!!".

P5210399.jpg
 
Last edited:
Bổ sung một ngôi chùa, mặc dù ngôi chùa này không hoành tráng như những ngôi chùa khác trong vùng, cũng không được liệt kê như điểm "must see" tại Bagan, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng khác biệt. Thật tình cờ là chúng tôi không hề yêu cầu đi đến đó (thậm chí cũng không biết tên), sau một buổi sáng quá bội thực bởi chùa chiền, lại hơi mệt với việc leo lên nhảy xuống xe ngựa, chúng tôi đề nghị anh Saw đưa đi tham quan các ngôi làng gần đó và anh đã dừng lại đây...
Lúc đầu tôi cũng không định vào, nhưng do anh Saw quá nhiệt tình nên cũng gượng gạo nhảy xuống, Phương Hoang ngồi lại trên xe, chỉ có tôi và Hahuta tiến vào trong, và thật bất ngờ, trước mắt tôi là bức tượng Phật bị giam cầm mà tôi đã được nghe nói đến từ lâu....
4652134658_b54cb92a08_b.jpg

Sau khi kinh đô người Mon bị vua Anawrahta chinh phục năm 1067, vua của người Mon Mahuna bị giam cầm tại Bagan, ông đã xây dựng ngôi chùa này với các tượng Phật được đặt trong 1 không gian vô cùng nhỏ hẹp, trên đầu, hai bên không hề có không gian trống. Cả tượng Phật ngồi và nằm đều như bị giam cầm như hoàn cảnh bi thương của nhà vua, thể hiện ước nguyện "cho dù bị luân chuyển trong vòng luân hồi nào, ta cũng sẽ không bị khuất phục bởi một người nào nữa". Ngôi chùa mang tên vị vua bị thất thế, chùa Mahuna là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Bagan.

Nhân tiện nói về vua Mahuna, còn 1 ngôi đền nữa được cho là xây trên nền lâu đài cũ của nhà vua này, đền Nanpaya. Ngôi đền này với các họa tiết hoa lá, như hoa sen, được xem là ví dụ minh họa rõ nét nhất nghệ thuật xây dựng và điêu khắc thời kỳ tiền Bagan. Những bức họa các vị thần Hindu và các motif rất đặc trưng cho thấy đây là ngôi đền Hindu do người Mon xây dựng từ trước, vì vậy mà khá khác biệt so với các đền chùa gần đó. Trên góc tường còn lưu lại hình tượng cá sấu, vốn được cho là sinh vật tạo ra biển cả và là hiện thân của nữ thần Thiri...
Lúc đầu nghe giới thiệu về con cá sấu, tôi cũng ráng đi vòng bên ngoài tìm xem nó nằm ở đâu, nhưng nhìn mãi cũng không thấy nên nghĩ chắc là mình nghe nhầm, may có anh Saw chạy theo chỉ tận nơi nên mới nhìn thấy được...
4694891451_4d0c61f7d0_b.jpg

hình tượng cá sấu nằm ngay góc bức tường, rất khó nhìn thấy nếu không được chỉ dẫn...
 
Last edited:
Tượng Phật bị giam cầm và tư tưởng tự do (tt)

Trên 1 đất nước Phật giáo, chùa tháp được xây dựng và thờ phụng khắp nơi, nhà sư được tôn trọng còn hơn là cha mẹ, vậy mà chính tượng Phật lại bị giam cầm trong 1 tòa tháp nhỏ bé, chật chội. Hình như, nghe có vẻ trái khoáy.

Và, hình như, ở đây, còn có cái gì đó không hợp lý lắm.

Trước ngày khởi hành, tôi đã từng do dự... dư âm vụ nổ bom hồi tháng 4 vẫn còn, bạo động chính trị vẫn còn, chưa kể thời tiết đang vào giai đoạn nóng nhất trong năm... Đến 1 vùng đất "nóng" về tất cả mọi mặt như thế, đúng là không an tâm cho lắm. Nhưng rồi, cũng đi, vì nhiều lý do. Và, thật may mắn, vì tôi đã quyết định đến Myanmar.

Nếu bạn đã 1 lần đặt chân đến Myanmar, nếu bạn đã 1 lần tiếp xúc với con người nơi đây, chắc hẳn bạn sẽ yêu mến đất nước này. Hoàn toàn khác với những gì bạn đã lo sợ. Người dân nơi đây hiền lành và thân thiện đến ngạc nhiên.
 
Last edited:
Cong chua vẫn đang say sưa nói chuyện với ông chủ xưởng

Trong chuyến đi này, những ấn tượng khác nhau về người dân Miến đã đến trong những lần nói chuyện thật tình cờ...

Có những câu chuyện rất bâng quơ, như câu chuyện với Chan Cha trên cầu Ubein, khi tôi thắc mắc về những dòng chữ được khắc trên cầu. Thì ra đó là nỗi lòng các sinh viên của trường Đại học bên kia sông (tất nhiên du khách không được tham quan trường này). Đa phần họ là nam, muốn gửi gắm tình cảm sâu kín trên cây cầu này cho người bạn gái mình tơ tưởng, mong 1 ngày nào đó người ta sẽ đọc được (cách này hơi giống học sinh bên mình, có điều khá mất thời gian vì cây cầu quá dài). Theo lời bạn Chan Cha, việc thể hiện tình cảm của thanh niên ở đây còn rất e dè, nhưng một khi đã gắn bó với nhau thì lại rất bền chặt. Cây cầu gỗ này không chỉ là cầu nối giữa 2 bờ bên sông, mà còn là chiếc cầu nối của tình yêu đôi lứa. Tôi bỗng nói đùa, có khi nào tên tôi lại có trên đây khi đến vào lần sau, thế là bạn tinh nghịch hỏi lại, "how to spell your name again?" :))

Lần nói chuyện tại Bagan với ông chủ xưởng cũng thật đáng nhớ. Ban đầu là thắc mắc về bức ảnh chụp cả gia đình tại chùa, ông mới giải thích đó là vào đợt đi cúng chùa cuối năm ngoái, năm nào gia đình ông cũng đóng góp khoảng $30.000 cho chùa (hèn chi mà bán hàng với giá quá mắc!). Sau khi tập Thiền từ nhiều năm nay, ông đã phát nguyện dành hết lợi nhuận có được cho việc cúng chùa, đồng thời mở rộng cửa nhà để tất cả những người trong làng có thể đến tập Thiền ngày 2 buổi sáng và tối. Ông bồi hồi kể lại những đổi thay to lớn từ ngày ngộ ra những chân lý trong Thiền, về tinh thần quý trọng lẫn nhau giữa đồng loại mà ông đã áp dụng được, như không đối xử phân biệt với khách tham quan, dù có mua hàng hay không, dù đến từ nơi đâu... cũng đều được tiếp đón nhiệt tình. Rồi ông kể về tinh thần "free from everything", tự giải phóng mình ra khỏi những vòng xoáy của việc kiếm tiền và những ràng buộc đời thường (vừa kể vừa giơ 2 tay lên để chứng minh là không đeo trang sức, tự nhiên tôi thấy hơi chột dạ, bởi những thứ lỉnh kỉnh vòng tay, vòng chân đeo khắp người!). Bấy giờ thì tôi hiểu vì sao đa phần người dân nơi đây lại hiền lành, chất phác đến thế. Dù cho cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cái chất Thiền đã giúp họ luôn vui vẻ, luôn tận hưởng cuộc sống bình an của chính mình...(c)
 
Trong chuyến đi này, những ấn tượng khác nhau về người dân Miến đã đến trong những lần nói chuyện thật tình cờ...
Rồi ông kể về tinh thần "free from everything", tự giải phóng mình ra khỏi những vòng xoáy của việc kiếm tiền và những ràng buộc đời thường (vừa kể vừa giơ 2 tay lên để chứng minh là không đeo trang sức, tự nhiên tôi thấy hơi chột dạ, bởi những thứ lỉnh kỉnh vòng tay, vòng chân đeo khắp người!). Bấy giờ thì tôi hiểu vì sao đa phần người dân nơi đây lại hiền lành, chất phác đến thế. Dù cho cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cái chất Thiền đã giúp họ luôn vui vẻ, luôn tận hưởng cuộc sống bình an của chính mình...(c)

Mong có 1 ngày mình cũng sẽ cảm nhận được "Free from everything" như thế này!!!!!!!!!!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,339
Latest member
Buyoldgmailaccounas
Back
Top