What's new

[Chia sẻ] Myanmar trong tôi là bóng mặt trời....

Mingalarbar...

Ngân nga những câu chào,

Rạng rỡ những nụ cười

Líu ríu những nhịp chân trong chiếc Longi bó...

Cuộc sống trôi đi chậm rãi, hơi phảng chút buồn giống như một tiếng thở dài cố dấu của kẻ lãng du khi người đạp trisaw gồng mình lên dốc...

Đôi khi tôi thấy mình may mắn, khi sinh ra là kẻ bụi đời. Khi được khoác chiếc ba lô lên vai và lăn lê cùng bụi đường, cùng ngất ngư trong một chuyến bus đêm. Cùng uống những chén trà nóng ở vỉa hè oi nồng mùi cống rãnh. Cùng hút một điếu cigar và nhả khói trong cái nóng rang giữa những đền tháp cổ. Cùng ăn đĩa cơm bụi 1000 kyat và uống bia hơi trong một góc phố địa phương.... Tôi thấy mình may mắn khi được là một kẻ du lịch bụi để được gần hơn với những vất vả của người dân địa phương, để được nghe những câu chuyện buồn nhưng đầy hi vọng... để được nghe một bài hát dài mênh mang người lái thuyền hát để xua đi giá lạnh khi lênh đênh trên mặt hồ Inle nổi sóng... để được nhận những vệt Ta na ka mát lạnh trên má do chính tay những người chủ nhà hồn hậu quệt...

Myanmar với tôi không phải là một hành trình

Myanmar với tôi là những khoảnh khắc...

Chúng tôi đi tìm bóng mặt trời của mình giữa mùa mưa. Trong khi người dân Myanmar đi tìm bóng mặt trời của họ giữa những hi vọng, giữa năm dài đằng đẵng, giữa thuyết nhân quả của nhà Phật...

Tôi đã tìm thấy những khoảnh khắc của mình. Tìm thấy bóng mặt trời của mình

Tôi hi vọng người dân Myanmar cũng sẽ sớm tìm thấy niềm hạnh phúc của họ, và hi vọng các bạn cũng đừng ngại ngần xách hành trang lên đường... Myanmar đang chờ những người lữ hành như tôi và các bạn...

Mingalarbar....
 
mình xin bon chen mấy cái ảnh kỷ niệm Myanmar hồi năm 2004 :)

bicycleriding006.jpg


bicycleriding018.jpg


bicycleriding024.jpg
 
Tớ đã book vé Jet Star và Air Asia hành trình SGN-BKK (23/01/09)-RGN (24/01/09) và BKK-SGN (08/02/09).
Tớ dự định đi Myanmar 15 ngày, chơi BKK 2 ngày.
Nếu bạn nào đi trong khoảng thời gian đó thì ới tớ một tiếng nhé.
 
Tranh tường ở Bagan

Đã lâu lắm, từ cái ngày rời Yangon và nhìn những vạt đất mầu nâu sẫm lùi dần lại phía sau cánh máy bay.

Đã lâu lắm từ cái ngày mà khi ngủ vẫn mơ thấy những cơn mưa ì ùng ở phía chân trời.

Cho đến khi... he he he... nhận được quà Myanmar từ phi đội củ đậu. Những điếu cigar quấn bằng tay, còn hôi rình mùi cây thuốc lá... còn ngửi thấy rõ ràng mùi nắng, mùi chiếc nong đan để rải thuốc lá ra phơi... mùi mồ hôi của người nghiền nguyên liệu... mùi hồ dán dính ở tay người quấn thuốc. Mùi Tanaka.... mùi hồ,....

Và trở lại như rất nhiều kỷ niệm thấy rằng mình còn nợ Myanmar nhiều điều chưa trả đủ. Cũng giống như tình yêu của một người sinh ra và lớn lên, thân mình còn chưa lo xong mà cứ lo những chuyện đâu đâu, chuyện dân tộc nọ kia còn bị áp bức, chuyện nền văn hóa này nọ bị chèn ép diệt vong....

Và thế là tự bảo sẽ phải viết tiếp về hành trình Myanmar để chia sẻ cùng các bạn

Thế là viết.

lần này là chủ đề về tranh tường trong đền đài ở Bagan....
 
Tranh tường ở Bagan ( P1)

3295011554_4fecd34778_o.jpg



Là một dân tộc với nhiều nét văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo riêng biệt, Myanmar mang đến cho những người sưu tầm văn hóa nhiều món quà quý. Dấu ấn của nhân sinh quan, của cách người Miến nhìn nhận về thế giới quanh mình từ lịch sử vẫn còn thể hiện đậm nét ở trên hình những khung dệt, những hình xăm truyền thống, các điêu khắc cổ... và đặc biệt là những bức tranh tường.

Những bức tranh tường lâu đời nhất của Myanmar được tìm thấy ở Shan State ( nơi mà những chiếc lá cuốn Cherot được mang về Inle Lake để cuốn ra điếu thuốc tôi đang cầm trên tay lúc này). Trong những hang động Padalin, chủng người Neolithic đã vẽ nên những bức tranh của sự sinh tồn với sắc mầu cơ bản của đất và lá, những bức tranh lúc này vẫn chưa có màu sắc tôn giáo mà chỉ đơn giản là những nhìn nhận từ tự nhiên, về cuộc chiến sinh tồn.


Rất nhiều thế kỷ trôi qua cho đến khi những bức tranh tường thuộc thế hệ thứ 2 được tìm thấy, và đó chính là những bức tranh trên những bức tường gạch của đế chế Bagan. Vùng đồng bằng khô ráo một màu đất đỏ được bồi đắp bởi dòng sông Ayeyarwaddy chính là nơi những đền đài đầu tiên được xây dựng, những bức tranh tường đầu tiên được khắc nên vào khoảng thế kỷ thứ 10.


Những bức tranh được khắc lên, ghi dấu với thời gian, mang đậm chất tôn giáo và cũng đồng thời khắc họa sinh động cuộc sống thường ngày. Nỗi sợ hãi, niềm vui, sự bảo vệ, thần thánh.... Và nó mang lại cho các đền đài Bagan một vẻ đẹp huyễn hoặc, nghẹt thở....giống như sự uy nghi đe nẹt vọng ra từ những bức tường tối...


Từ những bức tranh ấy tôi nghe tiếng quá khứ và những ngôi đền như sống dậy


3294184429_aaaedf9f55_o.jpg


Bức vẽ mô tả một cuộc thi đua thuyền trên dòng sông Ayeyarwaddy. Những người chèo thuyền đầy vẻ hạnh phúc tuơi vui bức ảnh tôi chụp với ánh sáng phía trước giống như họ đang chèo từ bóng tối về phía ánh sáng.

Một bức vẽ tràn đầy sức sống và niềm vui, hiếm hoi giữa nhiều bức vẽ tôn giáo khác
 
Tranh tường ở Bagan ( cont)

3294180325_46c71b1f57.jpg


Thức dậy trong bình minh, đốt cháy mình trong nắng nóng và bụi đỏ, tắm trong những trận mưa vần vũ hay lặng ngủ lúc hoàng hôn buông.... cả thung lũng cổ bao la của Bagan là một vẻ đẹp rộng mở không che dấu khiến người ta có cảm giác về một sự thông tuệ bao la. Nhưng thực tế Bagan ẩn chứa nhiều những câu truyện từ bên trong, những câu truyện được kể lầm rầm trong những hành lang tối bởi những người giữ đền nói tiếng Anh giọng trầm. Những câu truyện ấy, những bức tranh ấy lành lặn sau lớp tường dầy, cách biệt khỏi sức nóng của cả vùng bình nguyên bằng phẳng.

Người ta vẫn so sánh Bagan và Angkor Wat bởi giá trị lịch sử, vẻ đẹp, sự hấp dẫn tráng lệ và cả thói quen đón Bình mình và hoàng hôn ở hai điểm đến này. Nếu như Bagan hào phóng khoe những tòa tháp rực rỡ, những tầm nhìn ngút ngát, những bình minh và hoàng hôn rộng khắp với hình và khối thì Angkor là những ngôi đền ngủ giữa rừng già mà bạn phải chọn những đỉnh cao để đón những khoảnh khắc ánh sáng kỳ diệu của ngày.

Nếu như Angkor thể hiện nét tinh tế của mình ở đá và gạch thì Bagan rực rỡ ở đất, ở những uốn lượn trên chính những bức tường tróc loang lổ qua thời gian.

Vì thế cái cảm giác khi nhấn mình vào Angkor rất khác với cảm giác của bạn khi bỏ lại ánh sáng của ngày phía sau lưng để đi vào những hành lang hun hút của các đền đài ở Bagan.

3294182749_6a13fd409e.jpg

Thành phố ngủ say ở Angkor đã đủ sự huyền bí sau những vạt rừng, vì thế mỗi đền đài của nó tràn ngập ánh sáng từ những hành lang mở, kéo dài. Những đền đài chỉ đơn thuần là nơi thờ tụng và những nơi để các nhà sư trú chân hoặc học thuật được xây dựng riêng biệt

Còn ở Bagan, vẻ hào phóng bên ngoài tự khiến nó tạo cho mình những không gian riêng ở mỗi ngọn tháp. Nơi vừa thờ phụng cũng là nơi các nhà sư thiền định. Ở mỗi ngọn tháp ấy khi người ta bỏ lại ánh sáng ở phía bên ngoài, họ sẽ thấy nhỏ bé trước tín ngưỡng, trước những khoảng sáng và tối của tâm hồn. Thấy chân nhẹ bước hơn, tim đập chậm hơn... và họ tìm thấy bình an ở một cảm giác quy phục đầy tính chất tôn giáo

3294181435_c57d28c447.jpg


Chính những ô cửa hình ôval. Những bức tượng lớn án ngữ ở những đường ánh sáng chính đổ vào đền, đã tạo ra những hình khối hòa quện với những bức tranh tường. Tạo nên những cảm giác rất đặc biệt

3294181251_1f3422ffa7.jpg


( cnt)
 
Last edited:
(Cont)

3294180501_f31eaf91a4.jpg

Với hơn 2,500 ngọn tháp ở Bagan, điều gì tránh cho những khu đền không bị đơn điệu?

Những đền đài mang những dáng dấp khác nhau, những lối kiến trúc ít nhiều không lặp lại bên ngoài và cả cách bố trí bên trong, những tòa tháp đậm chất Ấn, lại có những quần thể rất riêng biệt kiểu Miến Điện, ngoài ra phong cách tháp tròn đầu nhọn và những quần thể dát vàng cũng dễ nhận thấy ở nhiều nơi. Đặc biệt hơn là ngôi đền lớn Dhammayangyi nặng nề từ bên ngoài mang đến cho du khách mường tượng về nền văn mình Maya xa xôi ở Mexico...

Ngoài những khu đền chính người ta còn gặp những ngôi đền nhỏ vừa đủ để cho 01 tượng phật ngồi, hoặc những ngôi đền cỡ trung bình được xây dựng vào thời kỳ đầu của Bagan, những ngôi đền nhỏ hiếm hoi còn được bảo tồn trọn vẹn cũng là nơi chứa đựng nhiều tác phẩm quý giá nhất.


Các tác phẩm tranh tường trang trí bên trong mỗi đền đài cũng thể hiện phong cách và dấu ấn của quần thể ấy. Về cơ bản các tranh tường có thể chia làm 3 loại chính
+ Tranh kể chuyện tôn giáo
+ Tranh trang trí tôn giáo
+ Tranh truyền thuyết, huyền thoại tôn giáo
...
Ngoài ra tranh tường còn khắc họa cảnh sinh hoạt đời thường nhưng không chiếm số lượng lớn, hoặc ghi lại kinh kệ và các câu truyện bằng chữ (*)

Thật may mắn rằng, ở Bagan người ta chưa trùng tu tranh tường, ở những nơi cổ nhất người ta chỉ bọc một lớp kính phía bên ngoài để du khách không chạm vào tường. Vì vậy những màu sắc và đường nét vẫn hoàn toàn trung thực thể hiện thô sơ bức tranh của những tài hoa từ quá khứ.

Nhưng tranh tường có một sức sống khác. Sức sống truyền từ đất tới vải và cát...

Ở phía bên ngoài cánh cửa đền bạn đã gặp những câu truyện phía bên trong xuất hiện trên những bức tranh cát truyền thống.Người vẽ tranh cát thường sao chép và chọn lọc các câu truyện trên tường để vẽ lại lên những tấm vải khổ nhỏ và lớn.

2878626468_ea69c6782d.jpg


Đây cũng là một cách để lưu giữ lại những bức tranh tường một cách giản dị nhất... và cũng là các để những bức tranh tường đi xa nhất...

Nào cánh cửa đã mở, hãy đi vào bên trong để xem những bức tranh

3295005576_2fff878a0d.jpg





* mọi nhận định trên là chủ quan của người viết thôi nhé
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top