What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
2.10.2011 Leh, lộng lẫy ngày thu sang.

2.10.2011 Leh, lộng lẫy ngày thu sang.



Tôi đến Leh khi mùa hội hè tháng 9 đã qua, nhưng tôi không tiếc lắm. Lúc đó, tôi đang bâng khuâng giữa Ladakh và Sikkim. Dù Ladakh nhiều hội hè vào tháng 9, Sikkim vẫn còn mưa rơi… nhưng không hiểu sao tôi chọn lên Sikkim trước. May mà lúc đó tôi đã đến Sikkim, đã gặp động đất ở đó… Vì nếu tôi đi Ladakh trước, bây giờ, sau động đất, tôi có còn đi Sikkim? Không phải tôi sợ, nhưng vui thú gì giữa những hoang tàn…!


Tôi đến Ladakh mùa này cũng vì hứng thú với cung đường lạ lùng để đến với Leh, cũng như thích thú những ngày cuối khi băng giá phủ vây quanh Ladakh. Để ngỡ ngàng trước bức tranh mùa thu Ladakh. Nhớ ngày nào tháng 10 mùa thu, tôi ngỡ ngàng đặt chân đến thành Lasha, đẹp rạng ngời ngày “mênh mang vàng thu Tibet”. Nên tôi lại muốn một lần nữa được về trong mùa thu miền Himalaya.


Ladakh nằm trong bang Jammu & Kashmir, ở vùng cực bắc Ấn Độ. Bang này được chia làm 3 vùng, dựa vào yếu tố địa lý và đặc biệt là tôn giáo. Đó là thung lũng Kashmir, Hồi giáo với thủ phủ là thành phố Srinagar, đây cũng là thủ phủ mùa hè của bang. Phần thứ 2 là miền Jammu, Hindu, với thủ phủ là Jammu, cũng là thủ phủ mùa đông của bang Jammu & Kashmir. Phần thứ 3 là thung lũng Indus, miền Ladakh, Phật giáo, với thủ phủ là Leh. Những cuộc chiến do tranh chấp miền đất Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan chỉ xảy ra trên 2 vùng Kashmir và Jammu, còn Ladakh trước giờ vẫn bình yên. Tôi chỉ mới đến được Leh, Ladakh. Còn Kashmir và Jammu… đường dài ai có qua cầu mới hay!


Thêm nữa về lịch sử, … của Leh, bạn nào hứng thú thì tra Google. Dài dòng quá hóa dở!


DSCN2788-1.jpg

Leh, mùa thu qua khung cửa sổ.


DSCN2955-1.jpg

…và những con đường vàng mơ mùa thu…


DSCN2918-1.jpg

… Leh đang giao mùa, những sắc màu cũng giao nhau.​


Mệt mỏi đặt chân xuống Leh lúc hơn 8g đêm ở bến xe vắng tanh, tối đen, tôi lò dò cõng balo lên dốc đi về phố, dù biết việc đó khi vừa đến độ cao 3.505m là không phù hợp lắm. Về tới phố, vẫn vắng tanh, hơn nữa lại cứ cõng balo đi lòng vòng vì cái triệu chứng “không biết gì vẫn chỉ bậy” của người Ấn. Lý do là tôi vẫn cầm theo cuốn LP 2007, trong khi đó tôi đọc ké cuốn 2009 có giới thiệu 1 GH mới giá rẻ và sạch sẽ, chỉ kịp ghi tên và khu vực, không ghi cụ thể địa chỉ nên phải hỏi lòng vòng. Cuối cùng, đến nơi – hết chỗ. Được 1 bác già kia dẫn đến 1 nhà nghỉ khác. Quăng balo vào cái “phòng” như cái… tôi nằm vật ra. Đến lúc hơn 9g ra phố tìm đồ ăn. Tối thui, đóng cửa hết, may mà còn quán duy nhất còn mở cửa.


DSCN2799-1.jpg

Chùa Chowkhang giữa phố.


Đêm đầu của tôi ở Leh như vậy đó. Chưa kể là tôi còn phải ngủ với đèn sáng chói chang vì công tắc đèn và ổ cắm điện mắc dính vào nhau. Tắt đèn là không sạc được pin của tùm lum thứ nên tôi phải mở đèn mà ngủ!!!


DSCN2805-1.jpg

Từ xa, giữa cao xanh, Leh Palace mời gọi.


DSCN2952-1.jpg

…rồi ngôi chùa Namgyal Tsemo và pháo đài cũng giục giã.


DSCN2919-1.jpg

…rồi dãy núi tuyết xa xa cũng gọi mời.


Và sáng hôm sau tôi thức giấc thật sớm, leo lên cái sân thượng đã ngắm nghía từ tối qua để ngắm nhìn Leh rờ rỡ trong sáng mùa thu xanh trong lạ kỳ. Thật lộng lẫy mùa thu ở Leh.
 
2.10.2011 Leh, lộng lẫy ngày thu sang. - 1

2.10.2011 Leh, lộng lẫy ngày thu sang. - 1


Đang tranh thủ gõ lóc cóc trên đường đi, nên không thể dài dòng. Có điều những nét duyên của Leh thật khó có thể ngắn gọn được, nên đành để dịp khác. Chỉ chia sẻ ít thông tin và hình ảnh về Leh mùa thu.


DSCN2883-1.jpg

Leh Palace nhìn từ trên cao…


DSCN2842-1.jpg

…và pho tượng Phật Quan Âm sắc xảo tinh tế trong cung điện.


Hoàng cung Leh Palace và Pháo đài Chiến thắng, nằm kế bên ngôi chùa Namgyal Tsemo là điểm không thể bỏ qua được, vì chúng nằm ngay trong tầm mắt bạn, khắp mọi nơi khi bạn lang thang trong Leh. Hoàng cung đang trong giai đoạn sửa chữa, nhưng nhìn từ xa và nhìn từ trên xuống vẫn hy vọng ngày sửa xong nó sẽ không kém phần lộng lẫy. Nhất là khi thấy các phần đang được phục chế xong của nó. Lang thang trong hoang cung, len lén lần mò các xó xỉnh, tôi sững sờ trước 1 cắn phòng vẫn còn những bức mural còn rất đẹp. Và đặc biệt là giang phòng cầu nguyện của hoàng gia, nơi tôi gặp pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay rất tinh xảo, có thể nói là một trong những pho tượng tinh xảo nhất tôi đã may mắn được chiêm ngưỡng. Và nếu thời gian thư thả, bạn cứ lên đó ngồi ngắm phố phường Leh những ngày thu đang thay lá, không kém phần thú vị.


DSCN2924-1.jpg



DSCN2910-3.jpg

Lộng lẫy giữa trời xanh.​


Cho dù LP khuyên là ngày đầu tiên đến Leh không nên đi bộ lên Namgyal Tsemo vì con đường dốc đứng từ Leh Palace, tôi đã lên đó 2 lần, vào lúc trưa sau khi lang thang trong pháo đài ra, và vào buổi chiều khi lên đó ngắm hoàng hôn. Tiếc là hoàng hôn không nhuộm hồng dãy núi tuyết, nên tôi đành hẹn với mình một bình minh xem sao. Và nói thật, tôi dành thời gian cho nơi đây nhiều nhất – dù chùa đóng cửa, vì giữa cao xanh, ngôi chùa trắng đỏ, pháo đài trắng, đặc biệt là những cờ phướn Tây Tạng lộng lẫy bay phần phật trong gió… thật khó diễn tả thành lời.


DSCN2960-1.jpg

Không có hoàng hôn rực rỡ, tôi gặp một chiều thu xanh ngăn ngắt chơi vơi một vầng trăng khuyết mỏng manh.


Tranh thủ vừa lên đồi viếng Leh Palace, chùa Namgyal Tsemo, chùa Chowkhang, tu viện Gelukpa Sankar Gompa… vừa lòng vòng hỏi thăm để cõng đồ chuyển đến 1 GH mới trong khuôn viên một ngôi vườn mùa thu xinh như mộng, mà giá cũng chỉ 150Rs/ngày. Chỉ tiếc là đêm lạnh quá, tôi cũng đang bị cảm cúm mũi dãi lòng thòng chứ không 1 đêm nhấm nháp bia lạnh trước cửa phòng, cũng là trước khu vườn xinh hương hoa đêm ngào ngạt thì quá là khó có thể quên...!
 
Đọc các chuyến Phượt của bác Bpk "phê" thiệt, thiệt là ngưỡng mộ bác hết sức. Em đang ngồi hóng hớt các thớt tiếp theo của bác, không biết khi nào mới có được thời gian đi cho đã.
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 1.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 1.


Tôi sẽ còn quay lại với Leh, nhiều lần và hy vọng rằng những lúc đã “ngấm” sâu hơn với Leh, thay vì chỉ với những trời xanh (mây trắng ở vùng cao này hiếm lắm), nắng vàng, cung điện chùa chiền vàng đỏ trắng…, và cả những ngày lang thang mệt rã người khi chiều về làm tôi cứ lưng tưng lưng tưng…


DSCN2889-1.jpg

Làm sao đã vội chia tay với Leh những buổi trưa lộng gió như thế này…


Có lẽ, tôi cũng phải nói một chút về những entry được gõ trực tiếp trên đường đi – ưu điểm cũng là nhược điểm. Những ghi nhận được lưu giữ, nhưng vì thời gian có hạn (và cả tiền bạc nữa khi net ở Leh là 2$/g) (!?)… do vậy, những entry được gõ vội và dối, làm cho hành trình lẽ ra hấp dẫn trở nên còi cọc nghèo nàn một cách đáng thương. Tôi nhận ra không chỉ từ chuyến đi này, nhưng mọi cố gắng còn phụ thuộc vào cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng có những loạt entry hết sức chi tiết về một vùng miền, điểm đến nào đó,… để các bạn còn thấy hứng thú mà đi, chứ như những entry vừa rồi thì ở nhà đi ăn nhậu vui hơn. Phải không bạn? Và tôi bắt đầu với loạt bài về Thiksey này há!



DSCN3633-1.jpg

Và sao chia tay được những ngày lang thang Leh khi ngửa mặt lên thấy một bầu trời xanh biếc và vàng mơ.



Tôi bắt đầu hành trình tìm đến Thiksey trong một cơn “giận dữ”. Thực tình mà nói, LP về Jammu & Kashmir thật sự ít thông tin chi tiết. Tất cả các điểm đến đều gói gọn đâu đó trong khoảng ½ cột bài. Do vậy, tôi tìm kiếm thông tin từ người địa phương, từ các tour du lịch, và nguồn cơn “giận dữ” bắt đầu từ đó.


DSCN2778-1-1.jpg

Sao chia tay vội Leh khi những sớm mai trong có chú chim hót vui chào đón kẻ bụi đời…


Ngày đầu tiên ở Leh, sau khi lang thang cung điện, chùa chiền, tôi ghé 1 cty du lịch hỏi thăm về cách đi Pangong Tso (đây là điểm must-see mà tôi biết (!) và muốn đi, dù tôi đã từng đến Pangong Tso một lần, ở phía Tibet). Thằng ku cà chớn hách dịch nói giá tour 2.500Rs (khoảng 50$, mà theo LP là giá khoảng 60$). Xong nó nói, nếu mầy thấy đắt quá, thôi thì đi tour viếng thăm 2 tu viện (Hemis & Thiksey) và hoàng cung cũ (Shey), tao lấy giá rẻ 1.200Rs (khoảng 24$) cho. Nói thật, với thái độ của nó, dù cho nơi khác có cao giá hơn, tôi cũng không đi tour của thằng ku này, và việc hỏi giá từ 3-5 cty là chuyện thường tình của tôi. Chào (và chửi thề) nó, tôi đi. Sau đó, tôi book tour đi Pangong Tso với giá 1.100Rs (khoảng 22$). Còn Shey & Thiksey, tôi đi chỉ mất 35Rs (Hemis chưa đi vì một ngày chỉ có 1 chuyến xe nên tôi từ từ đi mấy chỗ xe cộ dễ dễ trước, nhưng phí tổn chắc cũng khoản đâu đó). Sao lại giá 2 lượt đi về lại lẻ tiền? Là vì có cộng thêm khoảng tôi lội bộ. Tôi đi bus từ Leh đến Shey Palace mất 15Rs (khoảng 6.000 đồng), và đi bộ đến Thiksey (khoảng gần 3km), rồi từ Thiksey đi bus về lại Leh mất 20Rs (khoảng 8.000đ). Kể lể dài dòng cho các bạn biết, những cơn “giận dữ” đôi lúc cũng mang lại nhiều lợi ích (cho mấy thằng cùi bắp).


.......
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 2.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 2.


Tôi sững sờ với Shey, nhưng tôi sẽ dành một dịp khác (đợi bao giờ tới tháng 10!), dù với Shey tôi chụp được rất nhiều tấm hình đẹp hơn cả Thiksey (!?), và lang thang ở đó, leo lên thành xưa hoang phế một mình giữa trưa nắng gió ngời ngợi gợi nhớ cho tôi biết bao những ngày ở thành xưa hoang phế Guge (Western Tibet).


Sheytruanang.jpg



Sheytruaxanh.jpg

Dù sao, cũng không nỡ phụ lòng Shey kiêu hãnh.


Shey-Baothap.jpg

Sau lưng là ánh mặt trời


Sheychieuxanh-1.jpg

Và Shey một chiều xanh.



Tôi đã mê mẩn Thiksey từ cái nhìn đầu tiên, cách đó khoảng 1km theo đường chim bay, khi tôi leo lên pháo đài hoang phế Shey. Từ xa, tôi đã thấy một ngọn đồi cao với những tòa nhà trắng đỏ vàng và những stupa trắng ngời ngời giữa trưa xanh. Tôi đoán đó là Thiksey và bắt đầu lò dò đến đó, sau khi đã ngất ngây với Shey. Tôi quyết định đi bộ, dù ở độ cao 3.500m khoảng cách 3km, gió lồng lộng, nắng chói chang… cũng không đơn giản. Chỉ vì tôi biết rằng, tôi sẽ đi dưới những đọan đường mùa thu vàng mơ, ngang qua những cánh đồng stupa thênh thang, qua tòa photang (tòa nhà của vị Head Lama) rực rỡ, qua những thôn xóm hiền… và đặc biệt là tôi có thể nhìn thấy và “chộp” Thiksey bằng máy cùi bắp của tôi qua nhiều góc độ khác nhau.



Shey-TSnhintuShey.jpg

Thiksey nhìn từ Shey


TSmatchinhphanchinh.jpg
[/IMG]
Và ngất ngây khi lại gần!​


Và đúng vậy, trước khi đến Thiksey, tôi đã ngẩn ngơ bởi dáng vẻ bên ngoài của tu viện – dù tôi biết, với dáng ngoài, bạn sẽ dễ nhầm lẫn với bên trong, vì tôi đã nhiều lần bị. Nhưng thường nói về tu viện sẽ khác với nói về con người, phải không bạn!


.....
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 3.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 3.



Ngoài vẻ bề ngoài, tu viện Thiksey đón tôi bằng tấm vé với dòng chữ “Received with thanks 30Rs!” rồi xuống 2 dòng là: ”Thanks for visit!”. Vậy thôi, với tôi cũng đủ lắm rồi! Không biết với bạn thì sao? Không biết trên nước Nam có khu du lịch nào có tấm vé có in dòng chữ tương tự như vậy không há!


TSvevaocua.jpg

Ở nơi nào trên nước mình có tấm vé giản đơn như vậy? (Ở dưới là cuốn brochure)


Cụm tu viện chiếm nguyên một ngọn đồi Thiksey là một trong những tu viện lớn nhất miền Ladakh, dù không cổ xưa từ thế kỷ X, XI.. như những tu viện khác. Nằm cách không xa dòng Indus duyên dáng uốn khúc đang lấp lánh trong nắng xế, ôm quanh bởi những rặng cây xanh đã nhuốm màu thu, tu viện Thiksey ra đời vào thế kỷ XV, chính xác là năm 1.433. Với hàng chục tòa nhà lớn nhỏ, tu viện Thiksey có vẻ giông giống một ngôi làng, tuy những phối màu căn bản trắng của những ngôi nhà và stupa là không thể lẫn vào đâu được.


TStrenduong.jpg

Từ xa Thiksey trên đường trưa nắng.


TStrenduong1.jpg

Rồi lấp ló sau hàng cây đang thay màu.


TStrenduong2.jpg

Rồi xuất hiện – nhưng là mặt sau!



Sáng lập nên ngôi chùa cũng là vị trụ trì đầu tiên (First Thiksey Rinpoche) là Ngài Doe Changsem Sherab Zangbo, sinh hạ ở làng Sharmo, gần Leh bây giờ. Khi còn trẻ, cậu tìm sang Lasha học đạo. Hỏi thăm một người phụ nữ lớn tuổi trên phố Bakhor đâu là nơi học đạo tốt nhất, không ngần ngừ, bà cụ trả lời Thiền viện Ganden. Và cậu tìm đến, trở thành môn đồ phái Gelupa, dưới sự hướng dẫn của ngài Tsongkhapa. Sau khi ông học đạo thành công, ngài Tsongkhapa yêu cầu ông trở về quê hương, mở mang Hoàng Mạo Giáo và ông cũng tiên đoán rằng “Bên bờ sông Sita (Indus), những gì ta dạy dỗ ngươi sẽ phát triển hưng thịnh”. Câu chuyện còn dài, liên quan đến vua, hoàng tử, bánh thiêng và cả một con quạ… cuối cùng Thiksey tuy không phải là tu viện đầu tiên Ngài Doe Changsem Sherab Zangbo thành lập, mà là tu viện thứ hai. Nhưng với Thiksey, lời tiên đoán của tổ sư Tsongkhapa đã trở thành sự thật. Thiksey đã phát triển mạnh mẽ, cùng với Gelukpa Giáo trên khắp Ladakh.


TStrenduong5.jpg



TStrenduong3.jpg

Rồi lấp ló duyên dáng sau những stupa.



TStrenduongmatchinh.jpg

Và đây rồi Thiksey.



....
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 4.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 4.



TShoala.jpg

Thiksey lung linh hoa lá.


Trước khi bạn cầm tấm vé vào cổng giản dị đầy ý nghĩa trên tay, bạn vẫn có thể lang thang trong các tòa nhà bên dưới, các sảnh với những mural, bánh xe pháp luân, và đặc biệt những khu vườn mùa thu lung linh nhiều sắc hoa, cho đến khi bạn bước lên và rẽ phải vào ngôi chánh điện bên cánh đông để sững sốt đến kinh ngạc trước vẻ đẹp cao quý của pho tượng Đức Phật Maitreya – pho tượng được xem là đẹp nhất vùng Ladakh bây giờ.


DSCN3167-1-1.jpg



DSCN3164-1.jpg

Các góc ảnh đẹp của pho tượng Maiyetra.



Khởi công vào 1977, 3 năm sau pho tượng được hoàn thành, pho tượng cao 15m, làm bằng gạch, đất sét và thếp vàng này được hình thành dưới sự hướng dẫn của vị trụ trì hiện nay cùng với các vị sư phụ của ông. Vào lễ cúng tế tháng 7.1980, Đức Dalai Lama XIV đã nói “Pho tượng Maiyetra thật tuyệt đẹp. Cho dù bạn có nhìn ngắm bao nhiêu lần, bạn sẽ không bao giờ thấy đủ, bạn sẽ luôn muốn nhìn ngắm mãi, sẽ không bao giờ thỏa mãn. Tôi đã từng thấy rất nhiều pho tượng nhưng pho tượng Maiyetra này rất đặc biệt với tôi. Tôi chưa từng thấy một pho tượng Maiyetra nào như vậy…” (This Maiyetra is very beautiful. Even if you see this Maiyetra again and again, you will never see it enough; you will always want to see more – you will never be satisfied. I have seen many statues but this Maiyetra is very special for me. I have never seen a Maiyetra like this before…”.


DSCN3175-1.jpg



DSCN3171-1.jpg

Các góc ảnh đẹp của pho tượng Maiyetra.


Tôi đọc được những lời này vài hôm sau đó, sau khi tôi đã mê mẩn ở đó như Đức Dalai Lama đã nói. Và Người nói đúng xiết bao! Tôi cứ lẩn quẩn ở đó, chụp hết góc hình này đến góc nọ (bằng máy ảnh cùi bắp, trong điều kiện không được bật flash). Và may mắn làm sao, những tấm hình thật tuyệt vời (dĩ nhiên là theo tôi!).



...
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 5.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 5.



May mắn được quỳ dưới chân Đức Phật Maiyetra ở điện Chamkhang, khi ở điện chính Dukhang, tôi còn được may mắn nhìn thấy các vị sư đang làm tranh cát Mandala. Điều thật sự tuyệt vời ở Thiksey là bạn được phép chụp hình nhưng không được bật flash. Đó lại chính là điều đau khổ của tôi với máy ảnh cùi bắp, mà bạn biết rồi, trong các chính điện thì đèn có sáng rỡ bao giờ. Nhưng may mắn thay, tôi cũng có được những tấm hình ưng ý (!?) ở đện Dukhang. Tôi rất cẩn thận hỏi thăm thì được các vị sư cao niên đang trông nom việc làm Mandala cho phép và cho tôi vào tron góc, nơi có thể chụp được những góc hình rộng và sáng! Thật may mắn biết bao!


TSchanhdien.jpg

Phật có cười tôi sau khuôn vải kia?


TSchanhdien1.jpg

Các vị sư đang làm Mandala.



Điều đặc biệt ở chánh điện Dukhang này là có 2 gian điện thờ. Gian chính, rộng bên ngoài đặt hình Đức Dalai Lama XIV ở vị trí trọng tâm giữa chính điện, nơi chúng ta thường thấy các pho tượng Phật hoặc Bồ tát. Còn ở gian sau, Tsankhang, là các pho tượng Thich Ca Mâu Ni, các ngài Lama Tsongkhapa, Guru Padmasambhava, Đức Phật Maiyetra, và Văn Thù Bồ Tát (Manjushri). Một điều là lạ là 2 pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở gian chánh điện, ngồi trên cao, trước 2 cây cột lớn, lại được che hờ bằng vuông vải đỏ. Tôi như trông thấy nét cười mỉm của người khi thấy đứa đệ tử sân si vẫn cố gắng chụp hình người sau vuông vải đã che đó. Gian chánh điện thật im ắng, dù công việc vẫn đang tấp nập khi các sư trẻ đang mải miết hí hoái rắc cát, lên hình Mandala, các vị sư lớn tuổi khe khẽ trao đổi trò chuyện… Buổi chiều trong hương trầm thoang thoảng nơi đây thật êm ả, thanh thản.



TScacdien1.jpg

Phật mẫu Tara


PA030148-1.jpg

Golden & Silver Stupas


Còn rất nhiều ngôi chùa nhỏ, các điện thờ khác trong Thiksey Gompa. Bạn có thể lạ lùng bị cuốn hút khi viếng thăm gian điện thờ Phật Mẫu Tara, với nhiều các hóa thân của người, rồi điện Gold & Silver Stupa đựng xá lợi của vị trụ trì thứ 6 và thứ 7 của Thiksey Gompa,…


TSChoera.jpg

Choera lộng lẫy của Thiksey.


Và bạn không thể nào bỏ qua được, vì nãy giờ đã ngang qua ngang lại khoảng sân rộng lớn Choera, nơi có nhiều tranh tường đặc sắc, hình ảnh của các vị Phật, các Lama, Guru… Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội của tu viện Thiksey. Khoảng sân với các hành lang lung linh sắc màu,với các lá cờ cầu nguyện phất phới bay trong gió cũng đủ làm mê mệt, chưa nói gì đến các gian điện thờ bên trong.


TScacdien3.jpg

Một góc ấm màu vàng Thiksey..


TScacdien.jpg

…và góc kia lung linh trắng
.




Ngoài ra, trong Thiksey còn nhiều ngôi chùa, điện thờ khác chỉ mở cửa vào dịp đặc biệt và cả những ngôi điện thờ hôm đó có mở cửa mà tôi không ghé vào được. Vì khi hỏi thăm một vị sư về chuyến xe bus cuối cùng về lại Leh, vị sư đã hốt hoảng kêu tôi chạy mau xuống núi vì nếu không sẽ trễ mất chuyến xe cuối cùng. Rồi tôi vội chạy đi, chơi vơi… Nhưng tôi đã không chia tay Thiksey, tôi đã quay lại Thiksey một lần nữa!



...
 
3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 6.

3.10.2011 Thiksey thâm trầm và lấp lánh. – 6.



Cảm nhận và những thể hiện thường rất khác xa. Chỉ biết chiều đó tôi đã may mắn gặp một Thiksey thâm trầm và lộng lẫy.


TSthamtram1.jpg

Vòng bánh xe luân hồi trước chánh điện Dukhang.


Lộng lẫy tôi có thể chụp hình gửi lên cho bạn, thâm trầm tôi biết chụp hình nào đây! Một bức tranh tường về bánh xe luân hồi đã bạc màu thời gian nhưng vẫn đẹp rạng ngời. Một chú trống choai, một con rắn và một con heo, tượng trưng cho lòng ham muốn, sự giận dữ, sự dốt nát, cho những phận người mãi ngụp chìm trong tham sân si…


TSthamtram5.jpg

Bên những stupa đất mới xám màu tươi.


Một khoảnh khắc bình yên bên những stupa xám bình yên màu đất mới, nghe giọng hát trầm trầm đùng đục của người thợ già đang mải miết tô xây và say mê hát….


TSthamtram4.jpg

Bên khung cửa và vầng trăng cô đơn.



TSthamtram6.jpg

Xa xa, dòng Indus xuôi về đâu trong nắng cuối.



Một khoảnh khắc bình yên bên khung cửa sổ sáng màu, tiếng phong linh nhè nhẹ hát cùng gió, trên cao xanh ngắt kia, vầng trăng lẻ loi vẫn tỏa sáng không chờ ngày đi. Một bóng áo đỏ ai lụ khụ bước chậm giữa những tường vôi trắng, những con đường dốc thoắt ẩn thoắt hiện khi bóng nắng đã nhạt màu và hoang hoải tô một màu lạ trên những tường xưa.


TSthamtram7.jpg

Làm sao quên buổi chiều này khi một mình với Thiksey và vầng trăng sao cũng lẻ loi.




Tôi nhớ chiều đó hạnh phúc lang thang trong Thiksey, đôi lúc tìm được 1 góc vắng trên cao lặng lẽ nhìn dòng Indus đang loang loáng trôi bên dưới, như vẫn mải miết trôi từ ngàn năm… rồi tôi tự hỏi mình! Dòng Indus rồi sẽ về biển lớn… Còn tôi!
 
Thế là bác đã đến với thung lũng Indus - Nubra - Zanksar mùa thu rồi, Leh đẹp kinh người, vì khung cảnh thiên nhiên, vì cuộc sống yên bình, vì con người dễ mến, tuy cũng ko hẳn là Phật giáo nữa, nhưng vẫn dễ chịu hơn các vùng khác của Ấn Độ. E ko ngờ mùa thu Ladakh lại vàng rực rỡ như thế này, mà núi vẫn xám, trời vẫn xanh, càng nhìn lại càng nhớ những lúc rong ruổi xuôi ngược Ladakh ... Mà cái cung điện Leh Palace theo e biết là ng ta bỏ hoang rồi bác ạ, ko còn sửa chữa nữa, mà có làm thì cũng cho có thôi, họ cũng ko còn thu phí tham quan, đồ vật trưng bày trong Leh Palace cũng đc di dời đi hết cả, cùng lúc với thời gian vương triều Namgyal chuyển qua sống ở Stok, kể ra rất tiếc vì vị trí của Leh Palace mới thực sự là đẹp, mỗi buổi chiều về bọn e đều đứng ở ban công ngắm nó với pháo đài trc khi nắng tắt ^^

Bác kể tiếp nhé, e còn nợ Ladakh một vùng hồ chưa kịp đến và 2 con đường chưa kịp qua (1 trong 2 là tuyến Manali gập ghềnh phiêu lưu mà bác mới đăng đấy ạ). Cảm ơn bác!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,674
Bài viết
1,171,061
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top