What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
Ngày nào cũng mò lên phuot để update bài vở, hình ảnh và cảm xúc của BPK, và ko quên ghi lại hành trình để xách dép chạy theo :). Anh BPK lẽ ra phải làm nhà văn mới đúng.
 
Bác BPK,

Bác lang thang tới đâu rồi? Đọc bài Bác viêt, càng làm em nung nấu những kế hoạch lang thang săp tới của mình Bác àh. Em sẽ học hỏi & lấy thông tin tham khảo từ các cung đường của Bác.

Mà sao Bác có thể sắp xêp công việc để lang thang hoải thế? mỗi trip của Bác cũng dài quá mà? rồi Bác về lại Sì Gòn lại hùng hục cày sâu cuôc bẫm, rồi Bác lại đi...Bác đi du lịch hay Bác đi công tác rồi kết hợp đi lang thang hả Bác??

Bác àh? em cũng còn nghèo lắm, hehehe, nhưng em sẽ để dành tiền khao Bác vài chai bia ở Sì Gòn Bác nhen. Chỉ có thể Bác ah ;P
 
05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 1.

@ LUA, Binhan, Nhok, Yan Lam… cảm ơn các bạn đã theo dõi và động viên. Mong vẫn được tiếp tục như vậy!!! Còn mấy vụ rượu bia, cứ từ từ để đó há!

----------------------------------------




05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 1.


Sau khi đi hồ Pangong về, ngất ngây với thiên nhiên rạng rỡ, vừa ghé đến agency để trả phần còn thiếu, hỏi thăm thông tin có đủ người để đi Nubra Valley, ông chủ dụ dỗ “mai mầy đi Alchi, Likir không, ở đó hay lắm, có 2 khách đi rồi, mầy đi tao lấy rẻ cho 700Rs (khoảng 280.000đ)” Tôi ừ ừ hử hử, về nhà lật sách ra xem, sáng sớm mai lò mò ra bến xe bus, tót lên xe đi Alchi, rồi sang Likir sau đó. Tổng số tổn thất là 150Rs. Bao gồm 1 chuyến xe bus từ Leh đi Alchi mất 70Rs. Từ Alchi phải lội bộ gần 5km ra Saspol, đón xe đi Likir Link Road, mất 10Rs. Từ Likir Link Road lội bộ 4km lên đến Likir, rồi ra lại chạy về đó (sợ trễ), đón xe bus về Leh, lại mất 70Rs. Như vậy, tiết kiệm được một khoản chi phí, được tặng thêm một khoảng treking, hiking miễn phí, cộng thêm bao nhiêu cảnh đẹp trên đường thu vào ống kính mà chắc chắn những ai đi bằng xe không thể nào có được. Còn khoản chi phí dôi ra sẽ được chuyển thành chi phí khác - mà sẽ không hối hận khi ung dung nhấm nháp!!!


DSCN3488-1.jpg

Cụm tu viện Chhoskhor bên ngoài giản dị đơn sơ, nhưng chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa đặc sắc lạ thường.



Chỉ tiếc rằng, tôi không có thời gian để tìm thông tin chia sẻ về 2 tu viện xưa này. Đưa hình lên mà không có chú thích thì thật vô vị. Thôi thì đành cố gắng vậy, nhất là sau khi đã sửng sốt ngỡ ngàng vì Alchi, ngôi chùa từ thế kỷ XI vẫn còn một chánh điện được giữ nguyên, cả những pho tượng bằng đất sét và nhũng tranh tường mural vẫn óng ánh sắc màu…


DSCN3450-1.jpg

Ngôi chùa Vairocana nhỏ bé trắng trong giữa mùa thu vàng…


DSCN3406-1.jpg



DSCN3401-1.jpg

Những pho tượng (bằng đất sét) từ TK XI trong chùa Vairocana, với phong cách rất khác lạ, so với cả Phật giáo Mật tông vốn đã khác.



Tu viện Chhoskhor ở Alchi có 4 chùa chính, Sumrtsek, Vairocana, Lotsa và Manjushri. Toàn bộ 4 ngôi chùa trên đều cấm chụp hình bên trong. Mỗi ngôi chùa cũng nho nhỏ thôi, diện tích đâu chừng 20-30m2. Mức độ lộng lẫy, cổ kính, quan trọng (có lẽ) cũng sắp theo thứ tự này. Đó là theo tôi, vì ở Sumrtsek, cửa luôn khóa, khi có 1 nhóm khách hơi đông đông, một vị sư mới mở cửa và đứng ngay cửa nhìn chằm chằm vào mọi người. Bình thường, vị sư này ngồi trước cửa chùa Vairocana, thỉnh thoảng vào trong ngó xem khách có làm gì bậy bạ hay không (!?). Còn 2 ngôi chùa Lotsa và Manjushri thì sư ít ngó ngàng tới nên khách có thể lén lút làm gì đó.


Tuy nhiên, ở tu viện này còn có một nơi rất hay, thường bị du khách bỏ qua. Ít nhất là nguyên buổi sáng hôm đó rất nhiều khách viếng chùa, có cả những khách Tây có nguyên 1 cuốn sách dày cộm về Ladakh, chứ không chỉ vài trang mỏng dính của LP vẫn không hề bén mảng vào đó. Chỉ có tôi và 2 người khách khác mà thôi. May mà bữa đó tôi rảnh (mà bữa nào lại không rảnh!?), cứ lang thang ngó nghiêng và tình cờ phát hiện.


DSCN3412-1.jpg



DSCN3429-1.jpg



DSCN3444-1.jpg

Nhìn những tranh tường này, sao tôi lại liên tưởng đến những bức tranh của Piccaso!


....
 
05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 2.

05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 2.


DSCN3445-1.jpg



DSCN3430-1.jpg



DSCN3449-1.jpg

Lại những tranh tường mural đơn giản và lạ lùng, độc đáo.


Tu viện Chhoskhor ở Alchi, được thành lập bởi ngài Ringchen Gangpo vào thế kỷ XI. Ông đã mời những nghệ nhân của vùng Kashmir đến góp phần xây dựng chùa. Những nghệ nhân này đã tạo nên những nét vẽ đặc trưng của tranh tường và những pho tượng vùng Alchi. Thật sự là những pho tượng Phật Mayetra, Văn Thù Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát trong ngôi chùa Sumrtsek thật sự trang trọng và rất đẹp. Tiếc rằng hôm đó, cuối cùng sao tôi quên mất việc mua những postcard ở tu viện, có những bức hình đó. Cứ nghĩ rằng ở Leh cũng có, mà bữa giờ chẳng thấy.



DSCN3455-1.jpg

Đây là những chorten kép. Nhìn đơn giản vậy, nhưng bên trong là một chorten nữa…



DSCN3468-1.jpg




DSCN3465-1.jpg

…và mặt trong của chorten lớn, cũng như mặt chính của chorten nhỏ, đều được bao phủ bởi những tác phẩm nghệ thuật ít người biết đến (!?).


Còn ở ngôi chùa Vairocana, ngoài bức tranh cát Mandala lộng lẫy phía trước chánh điện, bên trong còn có nhiều pho tượng đẹp khác mà tôi, sau khi quỳ lạy khấn vái xin phép đã chụp lén được. Tuy nhiên, hình chụp lén, không có flash thì chỉ có tính chất minh họa, chứ nếu bạn được thật sự chiêm ngưỡng, phải nói là các pho tượng, tranh tường… đều rất đẹp.


Còn 2 ngôi chùa Lotsa và Văn Thù cũng có những pho tượng và tranh tường đẹp. Tuy nhiên, ở đây còn tối hơn chùa Vairocana nên hình có chất lượng tệ hơn.


............
 
05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 3.

05.10.2011 Cổ xưa rạng rỡ Alchi, Likir – 3.



DSCN3491-1.jpg

Nhà bằng đất, đẹp như pháo đài, trên đường lang thang từ Aclchi ra Saspol.


Sau khi lang thang ở tu viện Chhoskhor, Alchi, ra lại làng thấy còn sớm (đã hơn 12am), tôi tán dóc với mấy anh tài xế đang chờ khách, thấy Likir sao cũng dễ đi (!) bèn lóc cóc lội bộ vác xác lên đường, thay vì dự định chờ đến 3pm, chuyến xe bus sáng nay sẽ quay về lại Leh. Đi rồi mới thấy mình dại! (Mà bao lần vẫn chưa chừa!!!). Trời ơi là đường xa và dốc và nắng và gió!!! Mệt mỏi lê thân đi 5km về đến Saspol, chờ mỏi mòn mới có xe ngang qua để đi tới Likir Link Road.


DSCN3546-1.jpg



DSCN3512-1.jpg

Tu viện nằm trên cụm đồi đá khô cằn, nhưng bên dưới là một dòng sông mùa thu vàng rực.


Đến được chỗ đó, tính đi tính lại là bây giờ đi thật nhanh vào (4km đuờng dốc, nắng, gió, cát bụi khô cằn như ở giữa hoang mạc), rồi chạy nhanh ra thì cũng chỉ có khoảng 30p cho việc viếng chùa, vì phải ra trước 4pm, đón chuyến xe cuối từ Likir về Leh. Nghĩ ngợi một hồi rồi cũng đi, cuối cùng đến nơi thấy mình chỉ còn có 10p, vì theo LP là đi 40p nhưng tôi đi mất 60p (vì cái tội lê la, chụp hình)… thế là vội vã chạy lung tung khắp chùa để ngó nghiêng. Lên bảo tàng để xem bộ chén bát, nhạc cụ bằng xương người thì thấy cửa khóa, xấp vé chỏng chơ trên bàn, mà vị sư trông cửa đâu chẳng thấy. Chạy đi kiếm, hỏi khắp nơi chẳng ai biết…


DSCN3540-1.jpg

Mandala lộng lẫy, nhưng đâu rồi sáo xương và chén sọ (!)…


DSCN3544-1.jpg



DSCN3533-1.jpg

Sân chùa đẹp, nhưng vắng tanh làm lòng buồn tênh.


Loay hoay vậy mà lố giờ mất 10p so với dự định. Hộc tốc chạy ra… đoạn đường dốc lên lên xuống xuống lúc nãy vào đi 60p, giờ chạy ra mất 20p (nói nào ngay là xuống nhiều hơn lên, so với khi vào). Đến nơi, chờ mãi chẳng thấy xe bus, chờ riết đến gần 5pm ra ngoắc đại tất cả mọi xe đi ngang qua. Cuối cùng có 1 chiếc shared-taxi dừng lại, mừng rỡ nhảy tót lên xe về Leh.


DSCN3515-2.jpg

Chia tay Likir lúc mây xám đã đổ về, nhưng vẫn chưa biết mùa đông đang đòi đến sớm.



Thế thôi lại hết một ngày!
 
06. 10.2011 Bình dị Stok, hoàng cung cuối cùng của vương triều Ladakhi – 1.

06. 10.2011 Bình dị Stok, hoàng cung cuối cùng của vương triều Ladakhi – 1.



Leh Palace không phải là hoàng cung cuối cùng của vương triều Ladakhi, mà là Stok Palace. Từ 1846, khi Anh quốc chuyển giao quyền lực của toàn vùng Jammu & Kashmir vào tay vương triều Drogra ở Jammu, Stok trở thành cố đô cuối cùng của các triều đại Phật giáo Ladakhi. Những người trong dòng dõi hoàng tộc sau khi bàn giao ngôi vị vẫn tiếp sống ở đây, và trong một khu biệt thự khác ở Manali, bang Himachal Pradesh.


Tôi đến Stok trong một buổi xế trưa, sau khi phân vân giữa 2 chuyến xe, một đi Stok, một đi Matho, nơi có cụm tu viện Matho Gompa, duy nhất của dòng Sakya tại Ladakh. Cuối cùng tôi nhảy lên chuyến xe đi Stok.


DSCN3570-1.jpg



DSCN3572-1.jpg

Đường đến Stok mùa vàng, đẹp cũng đủ để đi nếu không có hoàng cung (!?).



DSCN3578-1.jpg

Làng quê Stok nhìn xuống từ hoàng cung. Thực ra, mùa vẫn còn nhiều màu xanh, sao tôi cứ chăm chú vào màu vàng (thứ màu mang danh là phản bội) đó!


Hoàng cung Stok khiêm tốn và giản dị hơn hoàng cung Leh. Cũng bằng đất mộc, nằm trên một ngọn đồi thâm thấp nhìn xuống thôn xóm đang vào thu dậy lên một màu vàng … hoàng cung bé nhỏ, chỉ vài tầng… và được bao quanh bởi nhiều những stupa, cả bằng đất mộc mạc không sơn quét, lẫn những chiếc stupa trắng toát.


DSCN3616-1.jpg



DSCN3575-1.jpg

Hoàng cung giản dị giữa những stupa cũng giản dị.


DSCN3580-1.jpg

Và màu chiều càng làm hoàng cung thêm giản dị.



Bên trong hoàng cung chỉ mở cửa 3 phòng cho khách tham quan, trưng bày các vật dụng của hoàng tộc xưa. Từ các bộ ấm chén uống trà, đến những chiếc bình cổ bằng vàng, bạc, rồi quần áo, những đồ trang sức lấp lánh đủ các loại, các dụng cụ săn bắn… Các căn phòng, các tấm hình chụp những người trong hoàng tộc hiện giờ, các vật dụng (chỉ trừ những trang sức bằng ngọc và đá quý (!?)… cho thấy cuộc sống hoàng gia tương đối giản dị. Có lẽ nhiều màu sắc nhất chính là căn phòng nơi thờ Phật, cũng là nơi có chỗ để vị vua Phật giáo này tụng kinh niệm Phật. Tuy nhiên, do tất cả đều cấm chụp hình – luôn có một người đi theo sát và đứng nhìn chằm chằm vào khách tham quan, nên tôi không chia sẻ ở đây được.



...........
 
06. 10.2011 Bình dị Stok, hoàng cung cuối cùng của vương triều Ladakhi – 2.

06. 10.2011 Bình dị Stok, hoàng cung cuối cùng của vương triều Ladakhi – 2.


DSCN3582-1.jpg


DSCN3586-1.jpg

Tuy nhiên, nghiêng một chút nắng hoàng cung sẽ lại rực rỡ, dù với chỉ vài gam màu đơn giản.


DSCN3626-1.jpg

Một góc nâu màu nhưng cũng rực rỡ của hoàng cung.


DSCN3600-1.jpg

Một công chúa giản dị của ngày xưa.


DSCN3606-1.jpg

Khoảng xanh giữa hoàng cung.


Tuy vậy, tôi cũng đã chụp được một tấm hình, mà tôi đã nuối tiếc khi hụt mất ở tu viện Likir ngày hôm qua. Đọc về Tây Tạng, rồi gần đây là bộ Mật Mã Tây Tạng, tôi rất lạ, rất tò mò về những dụng cụ làm từ sọ người như chén bát, cũng như chiếc ống sáo làm từ xương người, mà tác giả Hà Mã đã nhắc đến nhiều lần. Hôm qua, đọc LP thấy tu viện Likir có nên tôi rất hăm hở khi ghé thăm viếng. Nào ngờ tu viện đóng cửa bảo tàng mà chạy lăng quăng đi tìm vị sư giữ chìa khóa không ra, nên tôi tiếc vô cùng. Không nghe LP nhắc đến là có những vật dụng đó ở đây, nào ngờ lại có. Thế là có một cuộc đua thử thách lòng kiên nhẫn giữa tôi và người bảo vệ. Cuối cùng, chịu không nổi, cô gái ra ngoài nghe điện thoại. chỉ chờ có vậy và tôi có tấm hình độc đáo như mong chờ - dù đây là chiếc kèn trumpet chứ chẳng phải ống sáo như trong Mật Mã Tây Tạng. Nhưng nghe hình như kèn Tây có vẻ sang hơn là sáo!?


DSCN3598-1.jpg

Đây rồi, chén sọ, kèn xương tôi tò mò mong chờ được xem từ rất lâu!!!


Xong nhiệm vụ đặc biệt, tôi hớn hở ra về. Vì trong lòng đang vui nên thay vì chờ xe bus mất hơn 2g, tôi lơn tơn cuốc bộ 7km từ Stok về Choglamsar. Từ đó, lại nhảy xe bus về Leh.


DSCN3637-1.jpg

Tôi hầu như độc hành trên con đường thăm thẳm lộng gió từ Stok về Choglamsar…



Xong một ngày vui!
 
Hi anh, mấy cái hồ nước trong xanh đẹp quá, nhìn bình yên quá; mà em thắc mắc là hình đẹp do cảnh đẹp tự nhiên, do máy hay do người chụp đẹp nhỉ? hahahahaha
 
07.10.2011 Tu viện Hemis rực rỡ trong ngày lộng gió – 1.

@ congatau, he he he, máy của anh thì biết cùi bắp cỡ nào rồi, do vậy, chắc là do thiên nhiên đẹp thôi (hôm dó anh không mua máy vì hết tiền rồi. Sorry anh đó giùm anh)!!!.

---------------------------------




07.10.2011 Tu viện Hemis rực rỡ trong ngày lộng gió – 1.


Lại kể lể là để đến Hemis, tôi phải lội bộ đi về 14km ở độ cao trên 3.500m của vùng đất này. Số là mỗi ngày từ Leh chỉ có 1 chuyến xe đi Hemis, lúc 4g chiều, hôm sau về lại giờ đó. Tôi không nghĩ việc đó thuận tiện, đi theo tour thì không phù hợp về chi phí (!?) nên tự đón xe bus đi Kharu, một làng ở giữa đường, ở một ngã rẽ đi nhiều hướng nên có nhiều chuyến xe qua lại trong ngày, rồi từ đó đi bộ lên Hemis. Cũng may là đoạn đường nhựa 14km đi về đó được tôi rút ngắn bằng đi theo những con đường mòn mà 2 cô gái trẻ địa phương chỉ cho tôi. Tuy ngắn hơn, nhưng cũng mệt hơn, may mà con đường đầy sỏi đá đó đẹp. Cả trên cao lẫn dưới đất.


1-PA070007-1.jpg



1-PA070018-1.jpg

Đường qua những ngọn đồi khô cằn, nhưng có nhiều những cụm hoa vàng vẫn vươn lên giữa nắng gió sỏi đá.


1-PA070020-1.jpg

Qua những hàng stupa đã phai dấu thời gian ...


1-PA070024-1.jpg




1-PA070026-1.jpg

Đường qua những hàng cây ngày thu vàng, một mình tôi đi



Thật tiếc cho thời gian gấp rút của tôi ở Leh (!?) khi không có tư liệu để gõ chu đáo về Hemis, tu viện lớn nhất và quan trọng nhất của dòng Drukpa, Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Tuy nhiên, chỉ với thời khắc ngắn ngủi ở đây, chiêm ngưỡng bảo tàng hoành tráng (duy nhất ở Ladah có camera theo dõi sát sao khách thăm viếng!), lang thang qua những đổ nát (đang đập để tu sửa), thành kính vái lạy trước những gian điện xưa cổ kính và lộng lẫy hoặc tối om om với những pho tượng, tranh tường sắc xảo và đẹp một cách lạ lẫm vô cùng… cũng đủ để tôi hiểu những ngày lễ hội, đặc biệt là lễ Tse-Chu hoành tráng 12 năm mới tổ chức một lần, khi bức thangka lớn nhất vùng Ladakh, có bề ngang 12m và phủ hết 4 tầng cao của ngôi chánh điện, được đem ra trưng bày, Hemis sẽ vừa oai phong vừa cờ hoa rực rỡ đến dường nào…



1-PA070156-1.jpg

Đường qua những cánh đòng bậc thang vừa qua mùa gặt thênh thang...


1-DSCN3720-1.jpg

Xa xa, đã thấy tượng Phật cô đơn giữa đá núi, như đang dõi mắt nhìn theo bước chân mỏi mệt của kẻ lang bạt…


….
 
07.10.2011 Tu viện Hemis rực rỡ trong ngày lộng gió – 2.

07.10.2011 Tu viện Hemis rực rỡ trong ngày lộng gió – 2.


2-DSCN3712-1.jpg

Tu viện Hemis – sân chính.


Cũng may là ở đây, tôi gặp một anh HDV nhiệt tình giải thích cho tôi nhiều điểm, mà bắt đầu từ lá cờ thêu hình con rồng rất không giống những ngôi chùa Tây Tạng khác. Anh kể đại loại là thuở xa lắc xa lơ… khi vị Lama lãnh đạo nhánh Drukpa này đến viếng thăm nơi đây, 9 con rồng đã xuất hiện trên bầu trời chào đón… Và từ đó mới có lá cờ thêu hình rồng này (tôi sorry là câu lúc này tôi nghe hơi ba chớp ba nhoáng vì đang ở trên nóc “sân thượng” của Hemis (nơi có lá cờ) gió réo phần phật mà giọng anh ta hơi khó nghe – và tôi cũng chưa kiểm chứng lại thông tin này. Tuy nhiên, sau này, chính nhờ anh mà tôi mới tự đi đến được một vùng đất khác – mà tất cả các xe chở khách du lịch đều quay lại Leh ngày hôm đó.


2-PA070067-1.jpg

Những ngọn cờ, những phướn đặc trưng của Hemis giữa thu vàng.


2-PA070081-1.jpg



2-PA070083-1.jpg

… hơi tạo cảm giác xa lạ, hơi đáng sợ đối với người Việt vì những sọ người.

Cũng tiếc là một gian chánh điện đang đóng cửa để tu sửa. Tôi chỉ thò máy hình vào để chụp là bị nhắc nhở, dù chỉ có bảng cấm không vào, chứ không cấm chụp hình.


2-PA070140-1.jpg

Gian chính điện đang sửa chữa.


Ở các gian điện khác thì cho chụp hình, nhưng cấm flash. Hôm nay khách hơi đông nên tôi đành tuân thủ nghiêm chỉnh luật lệ mà lòng sầu vô hạn vì máy chụp hình cùi bắp làm sao chụp được trong những gian điện tù mù vài bóng đèn vàng vọt.



.........
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top