Tuyết (Maxence Fermine) vs Tuyết (Orhan Pamuk)
Cái cảm giác mong manh sợ làm tan chảy một bông tuyết cũng giống như cảm giác khi lật giở từng trang của Tuyết – cuốn tiểu thuyết mini nhỏ nhắn của Maxence Fermine. Phải, lần đầu tiên trong đời mình, tôi đã run rẩy lật từng trang của cuốn sách ấy, lật nhẹ với nỗi lo vẻ đẹp này, nỗi buồn này, những dòng chữ nhiệm màu này,… sẽ biến mất. Không phải quá lời đâu, khi tôi đã đọc Tuyết đôi khi bằng sự nín thở.
Văn hóa Nhật là gì? Đẹp và Buồn. Cả hai điều đó đều được đòi hỏi phải đạt đến sự tận cùng, tột đỉnh. Và cả hai điều đó đều được truyền tải rất cô đọng và thành công trong Tuyết.
Chỉ một sắc trắng của tuyết thôi, Maxence Fermine đã nhìn ra vô số sắc độ của tình yêu, của tài hoa, của kiếp người, của nghệ thuật, những va đập văn hóa. Mỗi một chương bắt đầu bằng một bài thơ haiku. Lại có chương vỏn vẹn chừng ấy dòng, giống như một bài thơ haiku. Câu chuyện không nhiều đối thoại. Những đối thoại cũng không dài, nhưng nó gợi ra những liên tưởng bất tận. Cảm giác như bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng giống như một bài thơ ngân nga mãi.
“Khi anh về đến nhà, cha anh hỏi:
- Yuko, con đã chọn được con đường cho mình rồi chứ?
Chàng trai trẻ quỳ xuống và nói:
- Còn hơn cả thế, thưa cha. Con đã tìm thấy tuyết!”
Trong cuộc hành trình đi tìm Tuyết của đời mình, chàng trai trẻ Yuko mười bảy tuổi từ lúc chỉ cảm thấy sắc trắng mênh mang của tuyết trong lòng mình, trong mắt mình, trong thơ trong họa của mình,… đã tìm được cách để biến cuộc đời mình không chỉ còn sự trống trắng lạnh lẽo của tuyết; từ một chàng thanh niên thiên tài bẩm sinh tự cho mình đã “đủ” nhận ra còn thiếu hụt quá nhiều. Sự thiếu hụt ấy chỉ được lập đầy khi chàng dấn thân vào cuộc đời, thay đổi nhận thức thông qua sự chín muồi trong tình yêu, thể hiện qua tình dục.
Đọc Tuyết, cảm thấy “phong vị” của Phật giáo đâu đây. Hay đó là màu sắc của Thần đạo (Shinto)? Thấy cuộc đời là một con đường, một cuộc hành trình tìm về bản thể của mình. Thấy sự gặp gỡ của nhân duyên, mối nhân – quả và sự kết thúc của nghiệp.
Cuốn sách chia làm 3 chương, nhưng có lẽ chương 1 sẽ hút hồn độc giả hơn cả. Chương 3, Maxence dường như hơi “tham” hoặc đã bất lực để tìm ra một kết thúc (nếu bạn là người viết truyện, bạn sẽ cảm thấy rõ điều này), nên tiếc thay, kết thúc câu chuyện lại là những gì đó hơi giống một câu chuyện cổ tích châu Âu. Và cách viết hàm súc mang nhiều ý nghĩa gây ấn tượng mạnh trong chương 1 đã chuyển qua sự diễn giải, đôi khi triết lý (không cần thiết) trong những trang cuối.
Nhưng dù sao bạn cũng không nên bỏ qua Tuyết – lựa chọn cho vị trí số 1 trong năm nay của tôi.
---
Cũng là sắc trắng mênh mang vô tận của tuyết, nhưng Tuyết của Orhan Pamuk lại lồ lộ như một cái cớ để lý giải những vấn đề của một xã hội hiện đại.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong những ngày thành phố biên giới Kars bị cắt đứt với thế giới bởi tuyết rơi quá lớn, một nhà thơ lưu vong trở về mang trong mình một tâm hồn khô trọi không còn thể viết nổi thơ. Thành phố xa lắc lơ, tưởng như nếu tuyết còn tiếp tục rơi nhiều đến thế, sẽ không ai còn tìm tới nơi này, không ai biết tới nơi này, nơi đêm đêm không còn ai muốn bước ra đường và mọi thứ trong ngày cũng tê liệt, vậy mà, đằng sau sự trống trải ấy, là những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái, các nhóm tôn giáo, giữa chính phủ và những người bất đồng…, nơi người ta “thậm chí còn sợ nghe tiếng mình nói”.
Nhà thơ mang tên Ka, không ngờ lại trở thành chứng nhân của tất cả những nghịch lý ấy. Và trong khi chứng kiến tất cả mọi chuyện, cũng giống như Yuko tìm được Tuyết của mình, Ka không còn là một kẻ lưu vong nữa, cho dù thời hạn của anh chỉ ngắn ngủi ở Kars, anh đã thực sự nhập cuộc trở lại.
Giữa những màn kịch của các phe phái, Ka gặp lại người tình cũ một thời anh đeo đuổi. Vào chính lúc đó, anh có thể viết thơ trở lại. Nhưng niềm vui của việc có thể viết nên những câu thơ trên chính mảnh đất của mình, giữa những người cùng dân tộc với mình lại song hành cùng đòi hỏi về sự lựa chọn nơi mà anh thuộc về, cộng đồng anh thuộc về, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của chính anh…
Tuyết có một lối viết duy lý, đòi hỏi sự động não từ độc giả nhiều hơn cảm giác. Sẽ có nhiều người không thích Tuyết của Pamuk vì nó mệt mỏi, dằng dai, đôi khi có cảm giác như đọc một hồi ký chính trị chứ không phải một tác phẩm văn học. Giữa những đoạn văn trúc trắc và ngồn ngộn thông tin về tôn giáo, chính trị, những đoạn miêu tả tình yêu của Ka với Ỉpek trong tuyết trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết:
“… Trong thành phố trống trải im lìm tới mức gọi đến ngày tận thế, tuyết không ngừng rơi.
Họ nằm bên nhau trên giường một hồi lâu, không nói gì, mắt nhìn ra tuyết ngoài kia. Đôi khi Ka ngoảnh lại nhìn tuyết rơi ở trong mắt Ỉpek”
Trong Tuyết của Maxence, Yuko đi tìm Tuyết của đời mình, cũng là tìm đến sự tuyệt đối tuyệt đỉnh của thơ. Vì Tuyết vừa là thơ, là nhạc, là họa, là tất cả những gì vừa bất biến vừa biến đổi vô cùng và bài thơ đẹp nhất mà anh tìm thấy là bài thơ cuộc đời anh có trọn vẹn với người con gái anh yêu, thăng bằng trên sợi dây của cuộc đời - ở một nghĩa nào đó, là những lằn ranh trong nghệ thuật và cuộc sống. Còn trong Tuyết của Pamuk, Ka đã tìm lại được thơ trong tuyết, cũng chính là anh đã tìm lại được tiếng nói của mình, bản thân của mình, sự hiện hữu của mình trong một xã hội, dù điên loạn và khó lường, nhưng là xã hội mà anh thuộc về, thay vì chỉ là một thân phận lưu vong viết những bài thơ ít người đọc trên những chuyến tàu tẻ ngắt của một đất nước khác.